Hướng Dẫn Của IDSA Trong điều Trị Nhiễm Khuẩn Gram âm Kháng ...
Có thể bạn quan tâm
Ngày 22/11/2021, Hiệp hội bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ (IDSA) đã công bố Hướng dẫn về Điều trị Nhiễm khuẩn Gram âm kháng thuốc: Phiên bản 2.0. Trong khi hướng dẫn phiên bản 1.0 tập trung vào các bệnh nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh β-lactamase phổ mở rộng (ESBL-E), Enterobacterales kháng carbapenem (CRE) và Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc khó điều trị (DTR-P. Aeruginosa); hướng dẫn phiên bản 2 này đề xuất cách tiếp cận điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales sinh AmpC β-lactamase (AmpC-E), Acinetobacter baumannii kháng carbapenem (CRAB) và Stenotrophomonas maltophilia. Do còn thiếu bằng chứng mức độ mạnh trong việc điều trị nhiễm khuẩn do AmpC-E, CRAB và S. maltophilia, các nội dung trong Hướng dẫn được trình bày dưới dạng “các tiếp cận điều trị được đề xuất” (thay vì khuyến cáo) dựa trên kinh nghiệm lâm sàng, ý kiến chuyên gia và đánh giá các tài liệu hiện có. Các đề xuất trong hướng dẫn này giả định rằng đã xác định được vi sinh vật gây bệnh và có kết quả kháng sinh đồ.
1. Tiếp cận điều trị chung
1.1. Điều trị kinh nghiệm
Các quyết định điều trị theo kinh nghiệm nên được dựa trên: tác nhân gây bệnh có khả năng nhất, mức độ nặng của bệnh và nguồn lây nhiễm có khả năng. Khi lựa chọn phác đồ kinh nghiệm, bác sĩ nên xem xét: (1) kết quả phân lập vi sinh và kháng sinh đồ trên bệnh nhân trong sáu tháng trước, (2) các kháng sinh đã dùng trong 30 ngày trước, và (3) mô hình nhạy cảm địa phương của các vi khuẩn có khả năng nhất.
Đặc biệt, với CRAB và S. maltophilia, cần phân biệt rõ vi khuẩn quần cư và nhiễm khuẩn vì sử dụng kháng sinh không cần thiết sẽ chỉ làm tăng tình trạng kháng thuốc và có thể gây ra tác hại không cần thiết cho bệnh nhân. Các phác đồ kháng sinh kinh nghiệm hay được lựa chọn thường không có tác dụng chống lại CRAB và S. maltophilia. Cần phân tích lợi ích – nguy cơ cẩn thận khi đưa ra quyết định lựa chọn phác đồ kháng sinh kinh nghiệm nhắm đích CRAB và/hoặc S. maltophilia.
1.2. Độ dài đợt điều trị
Hướng dẫn này không đưa ra khuyến cáo về độ dài đợt điều trị, nhưng kéo dài đợt điều trị trong các trường hợp nhiễm khuẩn do vi khuẩn kháng thuốc là không cần thiết. Tuy nhiên, khi có kết quả kháng sinh đồ, nếu kết quả cho thấy vi khuẩn đã đề kháng với các kháng sinh đang dùng trước đó, độ dài đợt điều trị tổng thể có thể sẽ kéo dài hơn. Ví dụ: với viêm bàng quang, nếu kháng sinh đồ cho thấy vi khuẩn không nhạy cảm với phác đồ kinh nghiệm mặc dù bệnh nhân có cải thiện lâm sàng; thông thường không cần cấy lại mẫu nước tiểu, thay đổi phác đồ kháng sinh hoặc kéo dài đợt điều trị. Tuy nhiên, với tất cả các trường hợp nhiễm khuẩn khác, nếu vi khuẩn nuôi cấy được không nhạy cảm với phác đồ kinh nghiệm khởi đầu, cần thay đổi phác đồ kháng sinh và dùng cho tới khi đủ độ dài đợt điều trị (tính từ ngày bắt đầu sử dụng phác đồ mà vi khuẩn nhạy cảm).
Ngoài ra, cũng cần cân nhắc đến các yếu tố khác khi quyết định độ dài đợt điều trị, bao gồm: tình trạng miễn dịch, khả năng kiểm soát nguồn nhiễm khuẩn, đáp ứng tổng thể với điều trị.
Cuối cùng, có thể cân nhắc chuyển đổi đường uống khi đáp ứng các tiêu chí sau: (1) vi khuẩn nhạy cảm với thuốc uống, (2) bệnh nhân có huyết động ổn định, (3) đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nguồn nhiễm khuẩn hợp lý, và (4) không có vấn đề về việc hấp thu qua đường ruột. Mặc dù vậy, thường khó đáp ứng các tiêu chí này đối với các trường hợp bệnh nhân nhiễm CRAB và S. maltophilia.
1.3. Liều dùng của các kháng sinh
Liều gợi ý cho bệnh nhân người lớn chức năng gan và chức năng thận bình thường được trình bày trong bảng sau:
Tên thuốc | Liều ở người trưởng thành | Tác nhân1,2 |
Amikacin | Viêm bàng quang: 15 mg/kg/liều2 IV một lần duy nhất Các nhiễm khuẩn khác: liều đầu tiên 20 mg/kg3 IV, các liều tiếp theo và quãng đưa liều hiệu chỉnh dựa trên đánh giá dược động học | ESBL-E, AmpC-E, CRE, DTR-P.aeruginosa |
Ampicillin-sulbactam | 9g IV q8h truyền trong 4h Hoặc 27g IV truyền liên tục trong 24h Với nhiễm khuẩn nhẹ do CRAB nhạy cảm ampicillin-sulbactam, có thể dùng liều 3g IV q4h – đặc biệt khi lo ngại tình trạng không dung nạp hoặc độc tính khi dùng liều cao | CRAB |
Cefepim | Viêm bàng quang: 1g IV q8h Các nhiễm khuẩn khác: 2g IV q8h truyền trong 3h | AmpC-E (khi MIC cefepim ≤ 2 mcg/mL) |
Cefiderocol | 2g IV q8h truyền trong 3h | CRE, DTR-P.aeruginosa, CRAB, S.maltophilia |
Ceftazidim-avibactam | 2,5g IV q8h truyền trong 3h | CRE, DTR-P.aeruginosa |
Ceftazidim-avibactam và aztreonam | Ceftazidim-avibactam: 2,5g IV q8h truyền trong 3h phối hợp với Aztreonam: 2g IV q8h truyền trong 3h, cùng lúc với ceftazidim-avibactam | CRE sinh metallo-β-lactamase, S.maltophilia |
Ceftolozan-tazobactam | Viêm bàng quang: 1,5g IV q8h truyền trong 1h Các nhiễm khuẩn khác: 3g IV q8h truyền trong 3h | DTR-P.aeruginosa |
Ciprofloxacin | Nhiễm khuẩn ESBL-E hoặc AmpC: 400mg IV q8h-q12h hoặc 500-750mg PO q12h DTR-P.aeruginosa, viêm phổi: 400mg IV q8h hoặc 750mg PO q12h | ESBL-E, AmpC-E |
Colistin | Tham khảo hướng dẫn đồng thuận quốc tế về polymyxin4 | CRE, CRAB, DTR-P.aeruginosa gây viêm bàng quang |
Eravacyclin | 1 mg/kg/liều IV q12h | CRE, CRAB, S.maltophilia |
Ertapenem | 1 g IV q24h, truyền trong vòng ³ 30 phút | ESBL-E, AmpC-E |
Fosfomycin | Viêm bàng quang: 3g PO x 1 liều duy nhất | ESBL-E.coli gây viêm bàng qaung |
Gentamicin | Viêm bàng quang: 5 mg/kg/liều2 IV một lần duy nhất Các nhiễm khuẩn khác: liều đầu tiên 7 mg/kg3 IV, các liều tiếp theo và quãng đưa liều hiệu chỉnh dựa trên kết quả nồng độ | ESBL-E, AmpC-E, CRE, DTR-P.aeruginosa |
Imipenem-cilastatin | Viêm bàng quang (truyền ngắn): 500 mg IV q6h truyền trong 30 phút Các nhiễm khuẩn khác (truyền kéo dài): 500 mg IV q6h truyền trong 3h | ESBL-E, AmpC-E, CRE, CRAB (sử dụng phối hợp với ít nhất hai thuốc khác) |
Imipenem-cilastatin-relebactam | 1,25 g IV q6h, truyền trong vòng ³ 30 phút | CRE, DTR-P.aeruginosa |
Levofloxacin | 750 mg IV/PO q24h | ESBL-E, AmpC-E, S.maltophilia |
Meropenem | Viêm bàng quang (truyền ngắn): 1 g IV q8h Các nhiễm khuẩn khác do ESBL-E hoặc AmpC-E: 1-2g IV q8h, có thể cân nhắc truyền trong 3h Các nhiễm khuẩn khác do CRE hoặc CRAB: 2g IV q8h, truyền trong 3h | ESBL-E, AmpC-E, CRE, CRAB (sử dụng phối hợp với ít nhất hai thuốc khác) |
Meropenem- vaborbactam | 4g IV q8h, truyền trong 3h | CRE |
Minocyclin | 200 mg IV/PO q12h | CRAB, S.maltophilia |
Nitrofurantoin | Viêm bàng quang: dạng tinh thể/monohydrat: 100 mg PO q12h Viêm bàng quang: dạng hỗn dịch uống: 50 mg q6h | ESBL-E, AmpC-E gây viêm bàng quang |
Plazomicin | Viêm bàng quang: 15 mg/kg3 IV x 1 liều Các nhiễm khuẩn khác: liều đầu tiên 15 mg/kg3 IV, các liều tiếp theo và quãng đưa liều hiệu chỉnh dựa trên kết quả nồng độ | ESBL-E, AmpC-E, CRE, DTR-P.aeruginosa |
Polymyxin B | Tham khảo hướng dẫn đồng thuận quốc tế về polymyxin4 | DTR-P.aeruginosa, CRAB |
Tigecyclin | Liều đầu tiên 200 mg IV, sau đó 100 mg IV q12h | CRE, CRAB, S.maltophilia |
Tobramycin | Viêm bàng quang: 5 mg/kg3 IV x 1 liều Các nhiễm khuẩn khác: liều đầu tiên 7 mg/kg3 IV, các liều tiếp theo và quãng đưa liều hiệu chỉnh dựa trên kết quả nồng độ | ESBL-E, AmpC-E, CRE, DTR-P.aeruginosa |
Trimethoprim- sulfamethoxazol | Viêm bàng quang: 160 mg (tính theo trimethoprim) IV/PO q12h Các nhiễm khuẩn khác: 8-12 mg/kg/ngày (tính theo trimethoprim) IV/PO chia làm nhiều lần q8-12h (cân nhắc liều tối đa 960 mg/ngày trimethoprim) | ESBL-E, AmpC-E, S.maltophilia |
AmpC-E: Enterobacterales sinh ApmC β-lactamase; CRAB: Acinetobacter baumannii kháng carbapenem; CRE: Enterobacterales kháng carbapenem; DTR-P aeruginosa: Pseudomonas aeruginosa kháng thuốc khó điều trị; E. coli: Escherichia coli; ESBL-E: Enterobacterales sinh β-lactamase phổ mở rộng; IV: Truyền tĩnh mạch; MIC: Nồng độ ức chế tối thiểu; PO: Đường uống; q4h: Mỗi 4 giờ; q6h: Mỗi 6 giờ; q8h: Mỗi 8 giờ; q12h: Mỗi 12 giờ; q24h: Mỗi 24 giờ; S.maltophilia: Stenotrophomonas maltophilia | ||
Ghi chú/Tài liệu tham khảo 1. Đích vi khuẩn giới hạn trong những chủng sau và thường áp dụng sau khi đã có kết quả kháng sinh đồ: ESBL-E, AmpC-E, CRE, DTR-P.aeruginosa, CRAB, và S.maltophilia 2. Để tham khảo hướng dẫn khác của IDSA về ESBL-E, CRE, và DTR-P.aeruginosa, truy cập: https://www.idsociety.org/practice-guideline/amr-guidance/ 3. Với liều aminoglycosid, sử dụng cân nặng hiệu chỉnh (adjusted body weight – ADW) cho bệnh nhân > 120% cân nặng lý tưởng (ideal body weight – IDW) 4. Tsuji BT, Pogue JM, Zavascki AP, et al. International Consensus Guidelines for the Optimal Use of the Polymyxins: Endorsed by the American College of Clinical Pharmacy (ACCP), European Society of Clinical Microbiology and Infectious Diseases (ESCMID), Infectious Diseases Society of America (IDSA), International Society for Anti-infective Pharmacology (ISAP), Society of Critical Care Medicine (SCCM), and Society of Infectious Diseases Pharmacists (SIDP). Pharmacotherapy 2019; 39(1): 10-39. |
2. Tiếp cận điều trị đối với các chủng cụ thể
2.1. Enterobacterales sinh AmpC β-lactamase
STT | Câu hỏi | Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 | Các chủng Enterobacterales nào được đánh giá có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng do gen ampC cảm ứng? | Enterobacter cloacae, Klebsiella aerogenes, và Citrobacter freundii |
2 | Khi lựa chọn kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn do các vi khuẩn có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng, cần lưu tâm đến những đặc điểm nào? | Một số kháng sinh nhóm β-lactam có nguy cơ sinh AmpC tương đối cao. Khi quyết định lựa chọn kháng sinh cần xem xét cả khả năng cảm ứng gen ampC và khả năng chống chịu sự thủy phân do AmpC |
3 | Vai trò của cefepim trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng? | Cefepim được đề xuất sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn do các chủng có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC có ý nghĩa lâm sàng (E.cloacae, K.aerogenes, và C.freundii) khi MIC cefepim <= 2 mcg/ml. Carbapenem được khuyến cáo khi MIC cefepim >= 4 mcg/ml, vì vi khuẩn có thể đồng thời sinh ESBL, giả định vi khuẩn nhạy cảm với carbapenem. |
4 | Vai trò của ceftriaxon trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng? | Ceftriaxon (hoặc ceftazidim) không được khuyến cáo trong điều trị nhiễm khuẩn xâm lấn gây ra bởi các vi khuẩn có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng (E.cloacae, K.aerogenes, và C.freundii). Ceftriaxon có thể là một lựa chọn hợp lý trong điều trị viêm bàng quang không biến chứng gây ra bởi các vi khuẩn này khi kháng sinh đồ cho kết quả còn nhạy cảm |
5 | Vai trò của piperacillin-tazobactam trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng? | Piperacillin-tazobactam không được đề xuất sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn nặng gây ra bởi Enterobacterales có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng |
6 | Vai trò của các β-lactam mới và các thuốc phối hợp β-lactam + chất ức chế β-lactamase mới trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng? | Mặc dù các kháng sinh β-lactam mới (cefiderocol) và các thuốc phối hợp β-lactam + chất ức chế β-lactamase mới (ceftazidim-avibactam, imipenem-cilastatin-relebactam và meropenem-vaborbactam) có tiềm năng trong điều trị nhiễm khuẩn AmpC-E hơn so với piperacillin-tazobactam, nhóm đồng thuận cho rằng những thuốc này nên được ưu tiên dành cho điều trị nhiễm khuẩn gây ra bởi các chủng kháng carbapenem |
7 | Vai trò của phác đồ không β-lactam trong điều trị nhiễm khuẩn do Enterobacterales có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng? | Có thể xem xét TMP-SMX hoặc fluoroquinolon trong điều trị nhiễm khuẩn xâm lấn do các chủng có nguy cơ trung bình - cao sinh AmpC cảm ứng có ý nghĩa lâm sàng. Có thể dùng đường tĩnh mạch hoặc đường uống tùy theo tình trạng lâm sàng, căn nguyên nhiễm khuẩn và khả năng uống và sự hấp thu kháng sinh đường uống, sau khi vi khuẩn đã được chứng minh nhạy cảm với thuốc. Có thể xem xét nitrofurantoin, TMP-SMX, hoặc một liều aminoglycosid tĩnh mạch duy nhất đối với viêm bàng quang không biến chứng do AmpC-E |
2.2. Acinetobacter baumannii kháng carbapenem
STT | Câu hỏi | Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 | Tiếp cận điều trị chung cho nhiễm khuẩn do CRAB là gì? | Phác đồ một kháng sinh đơn độc có thể là đủ cho nhiễm khuẩn CRAB mức độ nhẹ. Trong số các lựa chọn hiện có, nhóm đồng thuận đề xuất ampicillin-sulbactam là thuốc ưu tiên. Phác đồ phối hợp bao gồm ít nhất hai kháng sinh, nếu có thể bao gồm các thuốc hoạt tính in vitro khi có thể, được đề xuất cho điều trị nhiễm khuẩn CRAB trung bình đến nặng |
2 | Vai trò của phác đồ phối hợp kháng sinh trong điều trị nhiễm khuẩn CRAB là gì? | Phác đồ phối hợp bao gồm ít nhất hai kháng sinh được đề xuất cho điều trị nhiễm khuẩn CRAB mức độ trung bình đến nặng, sử dụng ít nhất cho đến khi lâm sàng cải thiện, do hiện đang thiếu các bằng chứng lâm sàng ủng hộ cho việc sử dụng đơn độc bầy kỳ kháng sinh nào. Phác đồ đơn độc có thể cân nhắc cho điều trị CRAB nhẹ. |
3 | Vai trò của ampicillin-sulbactam trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB là gì? | Phác đồ ampicillin-sulbactam liều cao là phác đồ ưu tiên trong nhiễm khuẩn CRAB khi vi khuẩn nhạy cảm. Ampicillin-sulbactam liều cao vẫn được xem là một lựa chọn điều trị trong phác đồ kháng sinh phối hợp khi chưa có dữ liệu về độ nhạy cảm của vi khuẩn. |
4 | Vai trò của polymyxin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB là gì? | Có thể cân nhắc polymyxin B đơn độc trong điều trị nhiễm khuẩn CRAB nhẹ và phối hợp với một kháng sinh khác trong điều trị nhiễm khuẩn CRAB trung bình đến nặng. Colistin được ưu tiên hơn là polymyxin B trong điều trị nhiễm khuẩn tiết niệu do CRAB. |
5 | Vai trò của các dẫn xuất tetracyclin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB là gì? | Có thể cân nhắc sử dụng dẫn xuất tetracyclin đơn độc trong điều trị nhiễm khuẩn CRAB nhẹ và phối hợp với một kháng sinh khác trong điều trị nhiễm khuẩn CRAB trung bình đến nặng. Trong các tetracyclin, ưu tiên minocyclin do nhiều kinh nghiệm lâm sàng và có sẵn tiêu chí phiên giải độ nhạy cảm theo CLSI. Tigecyclin liều cao là một lựa chọn thay thế. Hội đồng không đề xuất eravacyclin. |
6 | Vai trò của meropenem truyền kéo dài trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB? | Có thể cân nhắc meropenem liều cao, truyền kéo dài như là một thuốc trong phác đồ phối hợp điều trị nhiễm khuẩn nặng do CRAB. Không đề xuất sử dụng phác đồ phối hợp polymyxin với meropenem mà không phối hợp thêm kháng sinh thứ ba trong điều trị nhiễm khuẩn CRAB. |
7 | Vai trò của cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB? | Cefiderocol chỉ nên được giới hạn sử dụng trong điều trị nhiễm khuẩn CRAB kháng trị hoặc không dung nạp với các kháng sinh khác. Nếu sử dụng cefiderocol để điều trị nhiễm khuẩn CRAB, hội đồng đề xuất phối hợp các với kháng sinh khác. |
8 | Vai trò của rifammycin trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB? | Hội đồng không ủng hộ việc dùng rifabutin hoặc các rifamycin khác trong điều trị nhiễm khuẩn do CRAB cho đến khi chứng minh được lợi ích lâm sàng. |
9 | Vai trò của kháng sinh đường khí dung trong nhiễm khuẩn hô hấp do CRAB? | Hội đồng không đề xuất bổ sung thêm kháng sinh đường khí dung trong điều trị nhiễm khuẩn hô hấp do CRAB |
2.3. Stenotrophomonas maltophilia
STT | Câu hỏi | Tiếp cận điều trị được đề xuất |
1 | Tiếp cận điều trị chung cho nhiễm khuẩn do S.maltophilia là gì? | Với nhiễm khuẩn nhẹ, những lựa chọn điều trị được đề xuất là TMP-SMX, minocyclin, tigecyclin, levofloxacin, hoặc đơn trị liệu cefiderocol; trong đó, hội đồng đề xuất ưu tiên TMP-SMX và minocyclin. Ceftazidim không được đề xuất cho điều trị S.maltophilia bất kể mức độ nặng của nhiễm khuẩn. Với nhiễm khuẩn trung bình - nặng, 3 cách tiếp cận điều trị được đề xuất là: (1) dùng phác đồ kết hợp, ưu tiên TMP-SMX và minocyclin, (2) khởi đầu với TMP-SMX đơn độc và bổ sung thuốc thứ hai (minocyclin [được ưu tiên], tigecyclin, levofloxacin, hoặc cefiderocol) nếu bệnh nhân chậm cải thiện với TMP-SMX đơn độc, hoặc (3) phối hợp ceftazidim-avibactam và aztreonam, khi bệnh nhân không dung nạp hoặc không đáp ứng với các thuốc khác. |
2 | Vai trò của trimethoprim-sulfamethoxazol trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia? | Phác đồ TMP-SMX đơn độc được ưu tiên trong nhiễm khuẩn nhẹ do S.maltophilia. TMP-SMX đơn độc; đối với nhiễm khuẩn trung bình đến nặng, ưu tiên sử dụng phối hợp với một kháng sinh khác nhạy cảm. |
3 | Vai trò của các dẫn xuất của tetracyclin trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia? | Cân nhắc minocyclin đơn độc liều cao trong các trường hợp nhiễm khuẩn nhẹ do S.maltophilia. Phác đồ minocyclin liều cao phối hợp với một kháng sinh thứ hai, ít nhất cho đến khi có cải thiện lâm sàng, được đề xuất cho điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia trung bình đến nặng. Hội đồng ưu tiên minocyclin hơn tigecyclin, mặc dù tigecyclin cũng là một lựa chọn cho điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia. |
4 | Vai trò của fluoroquinolon trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia? | Levofloxacin đơn độc là một lựa chọn điều trị cho nhiễm khuẩn nhẹ do S.maltophilia. Phát sinh đề kháng trong khi điều trị bằng levofloxacin cũng là một mối quan ngại. Nếu sử dụng để điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia từ trung bình đến nặng, chỉ nên xem xét levofloxacin khi sử dụng phối hợp với kháng sinh thứ hai (TMP-SMX, minocyclin, tigecyclin, cefiderocol) |
5 | Vai trò của cefiderocol trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia? | Cefiderocol đơn độc là một lựa chọn điều trị cho nhiễm khuẩn nhẹ do S.maltophilia. Phối hợp cefiderocol với một kháng sinh nhạy cảm khác, ít nhất cho đến khi lâm sàng cải thiện, được đề xuất cho điều trị nhiễm khuẩn S.maltophilia trung bình đến nặng. |
6 | Vai trò của ceftazidim-avibactam và aztreonam trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia? | Phác đồ phối hợp ceftazidim-avibactam và aztreonam được đề xuất cho nhiễm khuẩn S.maltophilia trung bình đến nặng khi TMP-SMX hoặc minocyclin đều không phải lựa chọn điều trị khả thi. |
7 | Vai trò của ceftazidim trong điều trị nhiễm khuẩn do S.maltophilia? | Ceftazidim không phải là một lựa chọn điều trị được đề xuất cho nhiễm khuẩn do S.maltophilia. |
Biên soạn: DS. Lê Minh Hồng - Khoa Dược, Bệnh viện TWQĐ 108
Hiệu đính: ThS.DS. Nguyễn Thị Thu Thủy - Bộ môn Dược lâm sàng, trường Đại học Dược Hà Nội
Tài liệu tham khảo
Tamma PD, Aitken SL, Bonomo RA, Mathers AJ, van Duin D, Clancy CJ. Infectious Diseases Society of America Guidance on the Treatment of AmpC β-lactamase-Producing Enterobacterales, Carbapenem-Resistant Acinetobacter baumannii, and Stenotrophomonas maltophilia Infections. Infectious Diseases Society of America 2021; Version 2.0.
Từ khóa » Enterobacter Cloacae Gây Bệnh Gì
-
Nhiễm Trùng đường Tiết Niệu ở Nam Giới Do Enterobacter Cloacae
-
Nhiễm Trùng Do Klebsiella, Enterobacter, Và Serratia - Cẩm Nang MSD
-
Enterobacter Cloacae: Định Mức Và Bệnh Lý - UNANSEA.COM
-
Họ Vi Khuẩn đường Ruột(Enterobacteriaceae) - Health Việt Nam
-
Điều Trị Enterobacter Cloacae Là Gì? - Y Khoa - 2022
-
Enterobacteriaceae – Wikipedia Tiếng Việt
-
Họ Vi Khuẩn đường Ruột(Enterobacteriaceae) ( P1) | BvNTP
-
Nhiễm Khuẩn Huyết Từ Nhiễm Khuẩn đường Tiết Niệu - Vinmec
-
Kháng Sinh điều Trị Vi Khuẩn E Coli: Những điều Cần Biết | Vinmec
-
NHIỄM KHUẨN HUYẾT VÀ MỘT SỐ LƯU Ý KHI CẤY MÁU
-
Enterobacter | Mô Tả, Đặc điểm, Loài & Kháng Thuốc
-
[PDF] VIEN - Bệnh Viện Từ Dũ
-
Vi Khuẩn Gram âm đa Kháng Kháng Sinh Gây Nhiễm Khuẩn Tiết Niệu ...
-
[PDF] Phân Tích đặc điểm Lâm Sàng, Vi Sinh Và Phác đồ điều Trị Nhiễm ...