Hướng Dẫn đi Siêu Thị Tại Nhật Bản: Những Cụm Từ Bạn Cần Biết ...

Siêu thị ở Nhật Bản thế nào? Lời giải thích cho những câu hỏi phổ biến nhất

Các siêu thị ở Nhật Bản có mở cửa 24/7 hay không?

Khi tới Nhật Bản, bạn sẽ có cảm giác đất nước này không có lúc nào ngơi nghỉ nhưng trên thực tế thì các siêu thị của Nhật Bản lại không phải như vậy. Sự thật là hầu hết các siêu thị tại Nhật Bản sẽ không hoạt động 24/7, và điều này càng chính xác hơn tại các khu vực xa thành thị. Một số siêu thị mở cửa sớm từ 7 giờ sáng và muộn nhất là 10 giờ sáng, thời điểm đóng cửa là dao động từ 8 giờ tối tới 1 giờ đêm. Ngày nay, ngày càng nhiều siêu thị dần dần chuyển sang mô hình hoạt động 24/7 nhưng bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy siêu thị gần nhất với chỗ bạn đóng cửa vào lúc 9 giờ tối.

Có một số siêu thị hoạt động suốt 24/7 ví dụ như Seijo Ishii và Hanamasa, nhưng kể cả vậy thì không phải siêu thị nào thuộc hệ thống này cũng hoạt động như thế.

Những điểm khác biệt giữa siêu thị Nhật Bản và các quốc gia khác?

1. Xe đẩy hàng: Ở Nhật Bản, xe đẩy hàng không phải là để đựng hàng hóa mà là đựng những chiếc rổ! Thông thường, người ta sẽ lấy một chiếc xe đẩy, đặt một chiếc rổ lên phía trên và sau đó để đồ vào trong những chiếc rổ đó. Nếu bạn định mua nhiều hàng hóa, bạn có thể đặt thêm một chiếc rổ xuống bên dưới. Những cửa hàng tạp hóa quy mô lớn còn có những xe đẩy cỡ lớn đủ để chứa hai chiếc rổ phía trên và hai chiếc rổ phía dưới.

2. Màu rổ: Rất nhiều siêu thị tại Nhật Bản sử dụng hệ thống rổ hai màu nhằm chống trộm cắp – lúc mua sắm trong siêu thị thì dùng một màu còn sau khi thanh toán sẽ chuyển sang rổ màu khác. Đây là hệ thống vô cùng đơn giản nhưng lại rất hiệu quả!

3. Tự thanh toán: Hầu hết các siêu thị tại Nhật Bản không có các máy thanh toán tự động. Thậm chí khi chỉ mua một món đồ nhỏ trong siêu thị thì bạn vẫn sẽ phải xếp hàng chờ đợi thanh toán tại quầy. Tuy nhiên, nếu bạn gặp may khi tìm được siêu thị có máy tự thanh toán thì sẽ rất tuyệt vì phần lớn những chiếc máy này có hỗ trợ đa ngôn ngữ.

4. Xếp đồ vào túi: Ở Nhật Bản, khách hàng thường sẽ tự mình chịu trách nhiệm cho đồ vào các túi. Hầu hết mọi nơi đều sẽ có một quầy đựng túi ở phía trước quầy thanh toán để khách hàng có thể xếp hàng hóa của mình vào túi sau khi đã thanh toán xong.

Trên đây là một số điểm khác biệt chính mà chúng tôi nhận thấy trong nhiều năm qua. Hãy đọc thêm nội dung bên dưới và bạn sẽ còn tìm ra một số điểm khác biệt nữa đó.

Có thể thanh toán bằng thẻ tín dụng được không?

Nhật Bản là xã hội chuộng mua bán bằng tiền mặt. Mặc dù ngày nay nhiều cửa hàng đã chấp nhận các hình thức thanh toán không phải tiền mặt như thẻ tín dụng hay thậm chị là thẻ IC, nhưng thường bạn sẽ dễ bắt gặp những siêu thị chỉ chấp nhận tiền mặt mà thôi. Thậm chí, tại các siêu thị chấp nhận hình thức thanh toán qua thẻ thì bạn cũng sẽ nhìn thấy những quầy thanh toán chỉ chấp nhận tiền mặt! Vì thế, chúng tôi khuyên bạn hãy mang theo tiền mặt bên mình bất cứ lúc nào.

Một hình thức thanh toán phi tiền mặt nữa là trả bằng điểm, chúng tôi sẽ giới thiệu thêm về hình thức thanh toán này ở bên dưới.

Bạn có thể tìm thấy những gì ở siêu thị Nhật Bản

Sau khi đã tìm hiểu chút ít thông tin về các siêu thị của Nhật Bản, bây giờ hãy cùng chúng tôi tìm lời giải đáp cho những câu hỏi quan trọng nhất: Vậy các siêu thị Nhật Bản bán những gì? Mặc dù không thể kể tên hết những loại hàng hóa bày bán trong siêu thị, chúng tôi sẽ giới thiệu những quầy hàng chính mà bạn cần phải biết khi đi mua sắm.

Bánh mì

Một trong những thứ đầu tiên mà người tiêu dùng tìm kiếm khi đi siêu thị là bánh mì. Loại bánh mì chính ở trong các siêu thị kiểu Nhật là bánh mì “shokupan”. Đây là loại bánh hình vuông, thường đã được cắt lát và có bề mặt vô cùng mềm mại, loại bánh mì này là lựa chọn tuyệt vời cho món bánh mì nướng. Trên thực tế, nó khá giống với bánh mì gối ở phương Tây. Nếu bạn muốn tìm các loại bánh mì khác kiểu Mỹ hay kiểu Âu thì hãy đến những cửa hàng bánh ở Nhật Bản. Bạn có thể tham khảo những từ ngữ sau để tìm kiếm một loại bánh mì cụ thể nào đó.

全粒: Ngũ cốc nguyên cám 無糖: Không đường グルテンフリー: Không glu-ten 小麦: Bột mì ライ麦: Lúa mạch đen 米粉: Bột gạo 内麦: Bột mì nội địa

Gạo

Hầu hết gạo ở Nhật Bản là loại gạo nhỏ hạt trắng (chứ không giống giống gạo hạt dài của phương Tây) với tuổi đời không quá 1 năm. Gạo thường được đóng trong bao 5 – 10kg nhưng bạn cũng dễ dàng tìm thấy các bao gạo có trọng lượng 1- 2kg. Dưới đây là những loại gạo thông thường mà bạn có thể tìm thấy ở các siêu thị Nhật Bản.

玄米: Gạo nâu 白米: Gạo trắng 無洗米: Gạo nấu không cần vò もち米: Mochi/ gạo nếp

Nếu bạn muốn tìm các loại gạo đặc biệt khác như gạo hoa nhài (ジャスミン米) or hay gạo basmati (バスマティ), bạn cần phải ghé vào các cửa hàng nhập khẩu và các cửa hàng chuyên biệt.

Trong các siêu thị Nhật không chỉ bán gạo mà còn nhiều sản phẩm từ gạo khác.

Ví dụ, bạn có thể tìm những sản phẩm cơm nấu sẵn chỉ cần quay bằng lò vi sóng, được đóng gói như hình ảnh phía trên. Đây là sản phẩm tuyệt vời khi bạn không có bếp. Món cơm khi làm nóng bằng lo vi sóng có hương vị thơm ngon chẳng thua gì so với khi bạn nấu cơm thông thường. Ngoài ra còn có những sản phẩm khác như bánh mochi, túi hạt quinoa, gói ngũ cốc, sekihan (loại xôi đậu đỏ làm từ gạo nếp và đậu đỏ adzuki thường được ăn trong những dịp đặc biệt) và nhiều sản phẩm khác nữa.

Hoa quả và rau củ

Những người nước ngoài lần đầu tới Nhật Bản đều có một cảm nhận chung khi tới siêu thị ở Nhật Bản – đó là hoa quả ở Nhật đắt kinh khủng!

Có hai lý do giải thích cho điều này. Thứ nhất, không giống như nhiều quốc gia khác, trái cây ở Nhật Bản được xem là món đồ tráng miệng. Thứ hai, cơ quan quản lý quốc gia của Nhật Bản về các loại rau và trái cây bán trong siêu thị ở Nhật - JA (Hiệp hội nông nghiệp Nhật Bản) đã đặt ra các quy chuẩn vô cùng chặt chẽ cho các sản phẩm được bày bán trong siêu thị. Bất cứ thứ sản phẩm nào không đạt được những quy chuẩn này sẽ bị loại. Điều này lý giải vì sao mà giá hoa quả tại các siêu thị lại đắt như vậy.

Trá cây ở Nhật có chất lượng rất cao. Bạn sẽ phải thốt lên ôi sao trái dâu tây ở Nhật Bản lại ngọt như thế, sao trái dưa ở Nhật lại tròn đến vậy. Chỉ cần tới bất kỳ siêu thị nào có quy mô khá ở Nhật Bản thôi, bạn cũng sẽ còn tìm thấy những loại hoa quả cao cấp được bán với giá rất cao. Chúng thường được mua cho các dịp đặc biệt hoặc là quà để khách đem biếu gia chủ khi tới thăm nhà. Nhất định bạn phải thử thưởng thức trái cây tại Nhật Bản khi đi du lịch ở đất nước này nhé!

Với các loại rau, thì sự đa dạng về chủng loại và mức giá ở Nhật Bản cũng tương đương với các siêu thị ở các quốc gia khác. Do đó, bạn sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tìm kiếm các loại rau mà mình mong muốn. Nếu bạn không tìm thấy một loại rau nào đó trong các siêu thị thông thường ở Nhật Bản, thì hãy thử tới các cửa hàng nhập khẩu hoặc các cửa hàng chuyên biệt nhé.

Một điểm chính cần lưu ý đó là tính mùa vụ. Không giống như các quốc gia khác, hầu hết các loại nông sản ở Nhật Bản đều có nguồn gốc nội địa. Mặc dù điều này sẽ đảm bảo rằng các sản phẩm rất tươi ngon nhưng điều đó đồng nghĩa với việc bạn chỉ có thể lựa chọn các loại mặt hàng nông sản được thu hoạch vào đúng thời gian đó trong năm mà thôi. Ví dụ, loại quýt hồng ở Nhật chỉ được bày bán vào thời gian từ đầu mùa đông tới đầu mùa xuân, bạn sẽ không thể tìm thấy loại quả này ngoài khoảng thời gian nói trên. Vì thế, hãy thử tìm hiểu xem thời điểm bạn ở Nhật thì đang là mùa của các loại rau và hoa quả nào nhé!

Thịt và cá

Thịt ở trong các siêu thị Nhật Bản thông thường được đóng gói với trọng lượng nhỏ hơn mà giá lại cao hơn so với các quốc gia khác. Thịt gà (鶏肉) thường có giá rẻ nhất, sau đó đến thịt lợn (豚肉) và thịt bò (牛肉). Một số siêu thị còn bán cả thịt cừu nữa (ラム肉). Còn nếu bạn muốn mua những loại thịt đặc biệt như thịt nai, thì bạn phải tới các cửa hàng chuyên biệt hoặc tới cửa hàng bán thịt.

Nên nhớ rằng, có rất nhiều loại thịt ở Nhật Bản mà ở nước ngoài lại hiếm người ăn và ngược lại. Vì thế, đừng ngạc nhiên nếu bạn không tìm thấy loại thịt nào đó trong siêu thị Nhật Bản nhé.

Đối với cá thì bạn nên nhớ rằng người Nhật ăn nhiều hải sản hơn là thịt, và trong siêu thị thường sẽ có quầy cá tươi để khách hàng có nhiều lựa chọn. Việc chọn mua loại cá nào tùy thuộc vào khẩu vị của từng người. Điều quan trọng nhất bạn cần lưu ý là từng loại cá khác nhau sẽ có mục đích chế biến khác nhau, tùy thuộc vào nhãn mác được ghi trên sản phẩm. Hãy để ý tới những cụm từ sau đây:

生食用/刺身用: phù hợp để ăn sống hoặc như sashimi 加熱用: Cần phải được nấu chín 焼魚用: Dùng để nướng

Sữa và trứng

Ở Nhật, bạn có thể dễ dàng tìm các loại sữa bò thông thường (牛乳), sữa đậu nành (豆乳), and sữa hạt hạnh nhân (アーモンドミルク).

Sữa bò ở Nhật rất đa dạng vể chủng loại, gồm loại bổ sung sắt (鉄) hoặc canxi (カルシウム), cho tới các loại sản phẩm sữa ít béo (低脂肪). Để kiểm tra xem sản phẩm sữa có hàm lượng chất béo ra sao, hãy tìm phần nhãn hiệu ghi thành phần chất béo (乳脂肪分). Đối với sữa đậu nành hoặc sữa hạnh nhân, bạn có thể dễ dàng tìm thấy loại thông thường (có đường) và loại không đường tùy theo sở thích. Nếu muốn tìm các loại sữa đặc biệt như sữa dê thì bạn phải tới các cửa hàng chuyên biệt.

Phô mai Nhật Bản trong siêu thị không có nhiều loại và nếu có thì giá cả của những sản phẩm này lại đắt hơn nhiều so với các quốc gia khác. Loại phổ biến nhất là phô mai vàng được thái lát hoặc phô mai bào, nhưng nếu bạn muốn tìm kiếm các loại phô mai khác thì bạn sẽ phải lựa chọn những sản phẩm nhập khẩu đắt tiền.

Sữa chua thì ngược lại. Có vô vàn các loại sữa chua, gồm cả sữa chua uống của nhiều nhãn hiệu khác nhau được bày bán trên các gian hàng trong siêu thị. Ngoài ra, bạn cũng dễ dàng tìm kiếm các loại sữa chua có bổ sung canxi và các loại khoáng chất khác tốt cho cơ thể.

Bạn thường sẽ tìm thấy các loại trứng gà màu trắng và màu nâu cũng như trứng chim cút trong bất kỳ một siêu thị bình thường nào tại Nhật Bản. Tuy nhiên, không giống như các quốc gia khác, thời hạn sử dụng cho trứng gà ở Nhật Bản là khá ngắn vì mọi người thường ăn trứng sống (ví dụ như món tamago kake gohan, gồm cơm nóng trộn với trứng sống), một thói quen bình thường và cũng rất an toàn tại Nhật Bản. Điều này là nhờ quy trình khử trùng một cách nghiêm ngặt và toàn diện đối với sản phẩm trứng ở quốc gia này.

Nếu bạn chưa từng ăn thử trứng sống, nhất định phải trải nghiệm món ăn này khi tới Nhật Bản nhé!

Thức uống có cồn

Điều đầu tiên bạn cần lưu ý khi đi mua rượu là từ “sake”. Trong tiếng Nhật, sake đơn giản có nghĩa là “đồ uống có cồn”. Vì thế, cả bia và rượu whisky đều trong quầy sake. Còn nếu mọi người muốn tìm mua loại rượu sake nổi tiếng của Nhật Bản, hãy tìm “nihonshu” có nghĩa là loại rượu gạo Nhật Bản. Ngoài ra còn có “shochu”, loại rượu mạnh được chưng cất giống như rượu soju của Hàn Quốc.

Bia (ビール) là sản phẩm hơi phức tạp một chút. Không phải tất cả các sản phẩm trông giống bia ở siêu thị đều là bia. Theo luật Nhật Bản, những đồ uống có cồn có hàm lượng malt bia dưới 67% thì được gọi là “happoshu” (発泡酒) chứ không phải bia. Mặc dù happoshu có vị khá giống bia nhưng một số du khách phương Tây khẳng định rằng họ có thể cảm nhận được sự khác biệt giữa happoshu với bia.

Tiếp theo là hàm lượng cồn trong đồ uống. Thông số này được đo lường bằng tỷ lệ phần trăm ABV, vì thế bạn hãy tìm cụm từ "arukoru-bun" (アルコール分) và kèm theo thông số định lượng và ký hiệu % hoặc ký hiệu 度.

Cuối cùng, cần lưu ý rằng mặc dù ở một số quốc gia độ tuổi được phép sử dụng đồ uống có cồn là 18 nhưng ở Nhật Bản thì bạn phải tròn 20 tuổi mới được phép uống rượu. Người bán hàng có thể sẽ yêu cầu bạn cung cấp giấy tờ để chứng minh độ tuổi của mình. Do đó, bạn cần lưu ý mang theo giấy tờ và luôn tuân thủ luật pháp của Nhật khi đi mua đồ uống có cồn nhé.

Thực phẩm nhập khẩu

Một số siêu thị có khu vực dành riêng cho các loại thực phẩm nhập khẩu và nhiều khi khách du lịch tìm được những loại thực phẩm thông thường ở đất nước mình. Tuy nhiên, những lựa chọn này không nhiều nên chúng tôi khuyên bạn nên kiểm tra các chuỗi cửa hàng chuyên đồ nhập khẩu như Gyomu Super, Kaldi Coffee Farm, AEON, hoặc các cửa hàng chuyên biệt có thể tìm thấy ở một số khu vực của Tokyo như ở Ueno, Shin-Okubo, Shimokitazawa. Đây là những cửa hàng nhập khẩu được yêu thích nhất ở Tokyo!

Thực phẩm nóng và lạnh chế biến sẵn

Hầu hết các cửa hàng ở Nhật Bản đều có bán đồ ăn nóng và đồ ăn lạnh được chế biến sẵn thành từng phần, suất. Nếu bạn chỉ cần một món ăn nhanh hoặc bạn đang muốn tiết kiệm tiền để không phải ăn ở nhà hàng, quầy thực phẩm này có thể là cứu cánh cho bạn. Hầu hết thực phẩm đều được chế biến trong ngày bao gồm cả những hộp cơm bento và sushi nên bạn có thể yên tâm về chất lượng và hương vị.

Thời gian lý tưởng nhất để ghé thăm quầy thực phẩm này là vào buổi sáng - ngay sau khi cửa hàng mở cửa một vài giờ, và khoảng bữa trưa. Đây là những thời điểm mà hầu hết các siêu thị sẽ đưa ra những khay thực phẩm tươi mới nhất.

Đồ muối chua Tsukemono

Nhiều siêu thị ở Nhật Bản cũng sẽ có một quầy riêng dành riêng cho dưa chua, đồ muối chua, còn được gọi là "tsukemono" trong tiếng Nhật. Ở quầy này chủ yếu phục vụ các món dưa chua ngâm muối của Nhật Bản. Ngoài ra, bạn cũng sẽ tìm thấy kim chi Hàn Quốc, trứng làm sẵn tamagoyaki (trứng cuộn kiểu Nhật, salad khoai tây đóng gói và nhiều thứ khác nữa. Những món ăn này rẻ bất ngờ và được chia thành nhiều phần nhỏ. Bạn hãy thử một vài món xem sao nhé!

Làm thế nào để đọc nhãn mác thực phẩm của Nhật?

Thông tin cơ bản

Ngoài những từ tiếng Nhật chúng tôi đã giới thiệu ở trước trong bài viết này, bạn cần lưu ý thêm một số từ quan trọng hoặc nếu cẩn thận hơn, bạn có thể in bài viết này và mang theo bên mình để tham khảo nhé!

賞味期限: Ngày hết hạn (theo thứ tự Năm/ tháng/ ngày) 内容量: Trọng lượng tịnh (bằng gram) 本体価格: Giá chưa gồm thuế 税込: Đã gồm thuế 税抜: Không bao gồm thuế

Làm thế nào để biết nguồn gốc xuất xứ của thực phẩm?

Chắc chắn một điều là tất cả thực phẩm bạn thấy ở các cửa hàng của Nhật Bản đều tuyệt đối an toàn khi ăn, nhưng nếu bạn muốn biết thêm thông tin về nguồn gốc xuất xứ hoặc nơi chế biến, những từ tiếng Nhật bạn cần biết là 産 và 地, hai từ này thường được xuất hiện đâu đó trên nhãn mác.

Bạn có thể nhận biết thực phẩm có nguồn gốc từ Nhật Bản nếu ngay trước hoặc sau những từ trên, bạn thấy từ 県, nghĩa là chỉ tỉnh thành của sản phẩm, hoặc 市 chỉ thành phố sản xuất ra sản phầm, Nếu không có các từ 県 hoặc 市 trên sản phẩm, khả năng cao là thực phẩm đó có nguồn gốc từ một đất nước khác.

Một từ hữu ích khác đó là 国産, nghĩa là "sản xuất trong nước" hay trong trường hợp này nghĩa là "sản xuất tại Nhật Bản".

Thông tin dinh dưỡng và thành phần có thể gây dị ứng

Để tìm thông tin về giá trị dinh dưỡng, bạn hãy tìm từ 栄養. Nếu bạn tìm kiếm những từ được đánh dấu ở hình phía trên, sẽ khá dễ dàng để giải nghĩa những nhãn thông tin dinh dưỡng của Nhật Bản, nhưng hãy ghi nhớ rằng Nhật Bản nằm trong một hệ thống đo lường thập phân. Nói cách khác, nếu bạn đến từ một đất nước sử dụng hệ thống đo lường kiểu Anh thì bẹn nên mang theo một chiếc máy tính tay để có thể chuyển đổi giữa hai hệ thống.

Gần nhãn thông tin dinh dưỡng, bạn sẽ thường thấy nhãn những thành phần gây dị ứng (アレルギー). Chúng thường được viết bằng tiếng Nhật. Để tránh rắc rối cho bạn, dưới đây là một số thành phần gây dị ứng thông dụng để bạn tra cứu:

小麦: Lúa mì 卵: Trứng えび: Tôm かに: Cua 乳成分: Chế phẩm từ sữa 大豆: Đậu nành

Thực phẩm Kosher/Halal

Ở Nhật có tồn tại loại chứng chỉ Kosher và Halal nhưng chúng chưa được phổ biến rộng rãi. Một điều tệ là có một số thực phẩm có thể có vẻ ngoài rất ổn nhưng thực tế lại bị nghiêm cấm đối với một số tôn giáo. Ví dụ, cơm để làm sushi thường được trộn với mirin, một loại giấm gạo ngọt của Nhật.

Điều tốt nhất bạn nên làm là lên mạng, kiểm tra trước thông tin xem có hướng dẫn về thực phẩm kosher và halal ở các cửa hàng của Nhật hay không. Một lựa chọn khác đã được đề cập trong phần trước, đó là chuỗi siêu thị Gyomu Super có nhập khẩu hàng hóa halai từ vùng Đông Nam Á. Kaldi Coffee Farm là một chuỗi siêu thị khác có số lượng hàng hóa nhập khẩu lớn, cũng bán đồ kosher và đồ halai. Đây là những nơi tốt nhất để bạn tìm những món đồ chay va chứng chỉ đồ chay.

Những từ cần để ý:

ハラル: Halal コシェル: Kosher ビーガン: Đồ chay ベジタリアン: Người ăn chay 肉エキス: Chiết xuất từ thịt 出汁: Nước dùng từ cá みりん/味醂/味淋: Mirin ゼラチン: Gelatin 動物油: Dầu động vật

Nội dung được đề xuất bởi các biên tập viên của tsunagu Japan!

Những cụm từ hữu ích bạn cần biết trước khi đi siêu thị ở Nhật Bản

Dưới đây là một số cụm từ quan trọng bạn cần biết khi đi siêu thị Nhật Bản:

・Pointo kaado wo omochi desu ka? (Bạn có thẻ tích điểm hay không?) *Hai = Có, Iie = Không

・Ohashi wa hitsuyou desu ka? (Bạn có cần đũa hay không?) *Bạn sẽ được hỏi khi mua đồ ăn chế biến sẵn,..

・Fukuro ni oire shimasu ka? (Bạn có muốn tôi cho những đồ này vào túi không?) *Hai = Có, Iie = Không *Một số cửa hàng để sẵn túi ni-lông ngay trước quầy thanh toán và bạn có thể lấy bao nhiêu tùy ý. *Từ ngày 01/7/2020, tất cả các siêu thị ở Nhật Bản yêu cầu khách hàng trả tối thiểu 1 yên cho mỗi chiếc túi ni lông.

・Kurejitto kaado wa tsukaemasu ka? (Tôi có thể dùng thẻ tín dụng được hay không?) *Như đã đề cập ở phần trên, không phải quầy thanh toán nào cũng chấp nhận thẻ tín dụng. Do đó, nếu không chắc chắn, bạn nhớ hãy hỏi câu này nhé!

Để biết thêm những cụm từ tiếng Nhật hữu ích, hãy đọc kỹ bài viết 12 cụm từ quan trọng cần biết trước khi bước vào một cửa hàng tiện lợi của Nhật Bản. Mặc dù bài viết này không phải về siêu thị nhưng có rất nhiều cụm từ tương tự được sử dụng nên chắc chắn sẽ rất hữu ích đó!

Klook.com

Làm thế nào để tiết kiệm tiền khi đi siêu thị ở Nhật?

Mua đồ thực phẩm tươi sống vào buổi tối

Bất kỳ thực phẩm tươi sống hoặc đồ ăn chế biến sẵn nào không được bán hết vào gần cuối này đều có xu hướng được giảm giá, đôi khi mức giảm giá lên tới 50%. Mặc dù sự lựa chọn thực phẩm chắc chắn sẽ ít hơn so với việc đi mua vào ban ngày nhưng bạn chắc chắn sẽ tiết kiệm được khá nhiều tiền nếu đi mua đồ vào buổi tối muộn.

Hãy tìm kí tự 割, tiếng Nhật nghĩa là giảm giá. Số ở phía trước kí tự đó sẽ nói cho bạn biết phần trăm giá thành món đồ được giảm giá. Hãy lấy hình trên làm ví dụ, 2割 nghĩa là giảm giá 20%.

Bạn có thể cũng thấy từ "yen" (円) ngay sau từ 割引 hoặc chỉ 引き. Trong trường hợp này, phần giảm giá có thể không phải là phần trăm mà là một lượng tiền cố định tính bằng yên. Ví dụ, 20円引きnghĩa là giảm giá 20 yên.

Cửa hàng tiện lợi so sánh với siêu thị

Điều tuyệt vời nhất của cửa hàng tiện lợi chính là nó rất tiện lợi. Rất nhiều cửa hàng mở cửa cả 24/7, họ bán nhiều mặt hàng nhu yếu phẩm và bạn có thể tìm thấy những cửa hàng này ở khắp mọi nơi. Tuy nhiên tất cả sự tiện lợi sẽ đi cùng một giá cả. Nhìn chung, những món đồ được bán ở cửa hàng tiện lợi thường có giá cao hơn một chút với giá ở siêu thị. Ví dụ như kem, đồ uống và đồ ăn vặt, thường sẽ được ưu đãi ít hơn ở siêu thị. Hãy chú ý sự khác biệt về giá cả và lên kế hoạch đi siêu thị kỹ lưỡng nhé!

Siêu thị thông thuờng so sánh với cửa hàng giảm giá

Đối với những mặt hàng thiết yếu như rau, bánh mì và đồ uống, sự khác biệt về giá giữa những chuỗi siêu thị khác nhau về cơ bản là không đáng kể đối với người tiêu dùng. Nhưng ở một vài địa điểm, người ta sẽ đưa ra những ưu đãi tuyệt vời cho các mặt hàng đắt tiền hơn như thịt, đồ ăn chế biến sẵn hoặc khi mua với số lượng lớn. Ví dụ như chuỗi Hanamasa và Gyomu Super, thường để phục vụ các nhà hàng nên có nhiều ưu đãi về giá.

Một địa chỉ giảm giá khá phổ biến khác để bạn có thể mua sắm tất cả mọi thứ là chuỗi cửa hàng Don Quijjote. Mặc dù cửa hàng thường được biết đến là nơi có vô số sự lựa chọn đồ lưu niệm tuyệt vời và nhiều cửa hàng còn có cả một khu siêu thị khổng lồ luôn tự hào với các loại mặt hàng thực phẩm tươi ngon, được đông đá hoặc đóng can, thực phẩm được đóng chai. Bạn sẽ tìm thấy mọi thứ từ các loại gia vị đến rau quả tươi và thậm chí cả phô mai nhập khẩu, tất cả đều có giá ưu đãi!

Đăng ký làm thẻ tích điểm

Rất nhiều siêu thị của Nhật Bản áp dụng chương trình khách hàng thân thiết để bạn có thể được tích điểm cho mỗi lần mua sắm. Những điểm này thường không thể đổi thành tiền mặt nhưng chúng có thể được sử dụng cho lần thanh toán tiếp theo. Nói cách khác, đây là một cách đơn giản để kiếm được tiền miễn phí!

Điều lưu ý là bạn cần phải biết tiếng Nhật để có thể đăng ký vào chương trình. Một điều bất cập là bạn cần phải gia hạn thành viên hàng năm và thẻ thành viên của bạn sẽ bị hủy bỏ tư cách nếu bạn không mua sắm đủ một số tiền nhất định trong một khoảng thời gian được đề ra.

Tất cả những điều này có nghĩa là nếu bạn thường xuyên đến Nhật Bản và biết một chút tiếng Nhật hoặc có một người có thể phiên dịch cho bạn, bạn nhất định nên tận dụng ưu điểm của những chương trình này.

Tận hưởng việc trải nghiệm mua sắm ở siêu thị Nhật Bản!

Đối với rất nhiều người, việc dùng bữa ở nhà hàng có thể là một trong những điểm nhấn của bất cứ kỳ nghỉ nào, nhưng điều đó có thể thực sự làm thâm hụt ví tiền của họ. Một số người khác lại không muốn đi ăn bên ngoài trong kỳ nghỉ vì họ có chế độ ăn kiêng hà khắc. Ngoài ra cũng có một số người trong những kỳ nghỉ kéo dài, sau nhiều tuần ăn uống bên ngoài cảm thấy chán ngán với những món ăn của các nhà hàng.

Các siêu thị của Nhật Bản đem đến giải pháp cho tất cả mọi người! Chắc chắn việc mua sắm thực phẩm ở Nhật Bản ban đầu sẽ khiến bạn đau đầu, đặc biệt nếu bạn không biết tiếng nhưng điều đó sẽ thực sự dễ dàng nếu bạn tham khảo hướng dẫn này. Nếu bạn tập trung hết can đảm để thử, bạn chắc chắn sẽ có được một trải nghiệm tuyệt vời khi có thể tận mắt quan sát và biết được người Nhật Bản ăn gì hàng ngày.

Bạn còn chờ đợi gì nữa? Hãy in hướng dẫn này hoặc đánh dấu lại cho chuyến đi đến siêu thị lần tiếp theo của mình nhé!

Nếu bạn muốn gửi phản hồi về bài viết, hay có ý tưởng muốn chia sẻ hoặc câu hỏi liên quan đến Nhật Bản, vui lòng chia sẻ trên trang Facebook, Twitter hoặc Instagram của chúng tôi!

Từ khóa » Gyomu Có Gì