Hướng Dẫn điều Trị F0 Tại Nhà - UBND TP. Đà Nẵng
Có thể bạn quan tâm
HƯỚNG DẪN Cách ly, chăm sóc, điều trị người nhiễm COVID-19 tại nhà/nơi lưu trú trên địa bàn thành phố Đà Nẵng
I. NGƯỜI NHIỄM COVID-19
- Là trường hợp xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 bằng kỹ thuật RT-PCR.
- Là trường hợp bệnh nghi ngờ (sốt, ho, viêm đường hô hấp hoặc có yếu tố dịch tễ: đến từ vùng dịch/nghi ngờ tiếp xúc với F0,…) có kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do NVYT thực hiện hoặc người dân tự thực hiện dưới sự giám sát của NVYT bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa).
- Là những người không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với trường hợp bệnh nghi ngờ hoặc xác định COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có 02 kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính (xét nghiệm lần 2 trong vòng 8 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm lần 1, test nhanh do Bộ Y tế cấp phép và do NVYT thực hiện hoặc người dân tự thực hiện dưới sự giám sát của NVYT bằng ít nhất một trong các hình thức trực tiếp hoặc gián tiếp qua các phương tiện từ xa). Trong trường hợp chỉ có 01 kết quả xét nghiệm test nhanh dương tính thì cần phải có xét nghiệm Real-time RT-PCR để khẳng định.
II. NGƯỜI NHIỄM COVID-19 ĐỦ ĐIỀU KIỆN CÁCH LY, ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ/NƠI LƯU TRÚ
1. Mức độ bệnh:
- Không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ
- Không suy hô hấp: SpO2 > 96% khi thở khí trời, nhịp thở ≤ 20 lần/phút.
- Đối với người đã tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19: Nếu có bệnh nền thì tình trạng bệnh nền phải đang trong giai đoạn ổn định. Không béo phí.
- Đối với người chưa tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 hoặc tiêm đủ liều vắc xin nhưng chưa đủ 14 ngày kể từ liều cuối cùng thì phải đảm bảo các điều kiện: Là đối tượng trẻ em trên 1 tuổi hoặc người lớn < 50 tuổi; Không có bệnh nền; Không đang mang thai; không béo phì.
2. Có khả năng tự chăm sóc bản thân
- Ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh cá nhân…
- Biết cách đo thân nhiệt, mạch, nhịp thở.
- Có khả năng tự dùng thuốc theo đơn thuốc (toa) của bác sỹ.
- Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát.
- Có sẵn và sử dụng được các phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính…khi có tình trạng cấp cứu.
Nếu F0 là trẻ em hoặc không có khả năng tự chăm sóc thì gia đình phải có người khỏe mạnh, có kiến thức chăm sóc người nhiễm, biết cách phòng ngừa lây nhiễm để hỗ trợ.
- Trong gia đình không có người thuộc nhóm nguy cơ (người cao tuổi, có bệnh nền, béo phì, có thai…).
3. Đủ điều kiện về cơ sở vật chất
- Được sự đồng ý của các thành viên trong gia đình và chính quyền địa phương.
- Là nhà ở riêng lẻ, phòng trọ, nhà ở chung cư, nhà tập thể có phòng riêng để cách ly, chăm sóc, điều trị.
- Phòng cách ly điều trị F0 riêng và tách biệt với khu sinh hoạt chung của gia đình, đảm bảo thông thoáng khí, hạn chế các đồ đạc vật dụng trong phòng.
- Có thiết bị di động (điện thoại, máy tính bảng,..), kết nối internet và cài, thường xuyên sử dụng Ứng dụng hỗ trợ cách ly tại nhà của Thành phố để khai báo và nhận hỗ trợ khi cần thiết.
III. NHỮNG VIỆC CẦN LÀM KHI ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ
- Không bi quan, giữ tâm lý luôn thoải mái. Khi gặp khó khăn, liên hệ nhân viên y tế để được tư vấn từ xa.
- Lưu lại các số điện thoại: nhân viên y tế được phân công hỗ trợ theo dõi sức khỏe F0, đường dây nóng phòng chống dịch và các số điện thoại cần thiết khác.
- Xác định và thống nhất với cả gia đình về vùng không gian dành riêng cho người nhiễm.
- Phân công một người phù hợp nhất chăm sóc người nhiễm (nếu cần).
- Chuẩn bị các vật dụng tối thiểu:
+ Khẩu trang y tế dùng 1 lần (đủ dùng cho cả nhà trong 2-3 tuần);
+ Xà phòng/dịch sát khuẩn tay (đủ dùng cho cả nhà trong 2-3 tuần);
+ Găng tay y tế sạch (tối thiểu đủ dùng cho người chăm sóc trong 2-3 tuần);
+ Nhiệt kế: thủy ngân hoặc điện tử,
+ Điện thoại hoặc máy tính để liên lạc với nhân viên y tế
+ Máy đo huyết áp (nên có);
+ Máy đo độ bão hòa oxy ngón tay SpO2 (nên có);
+ Thùng đựng rác thải lây nhiễm có nắp đậy và các túi nilon màu vàng (để nhận biết, tránh nhầm lẫn với các loại rác thải khác) để lót bên trong thùng;
+ Dụng cụ cá nhân dùng riêng cho người nhiễm: bàn chải răng, khăn tắm, khăn mặt, chậu tắm, giặt, bộ đồ dùng ăn uống, xà phòng (tắm, giặt) máy giặt (nếu có), dụng cụ phơi, sấy trang phục cá nhân;
+ Có chổi, cây lau nhà, giẻ lau, xô chậu và dung dịch khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường để người cách ly tự làm vệ sinh khử khuẩn phòng (phòng cách ly phải được vệ sinh khử khuẩn hằng ngày);
+ Có máy giặt hoặc xô, chậu đựng quần áo để người cách ly tự ngâm đồ trong phòng/tầng cách ly bằng dung dịch sát khuẩn trước khi giặt;
+ Các thuốc đang sử dụng cho người trong nhà có bệnh sẵn có như: cao huyết áp, đái tháo đường, gút… với số lượng có thể dùng trong ít nhất 30 ngày;
+ Các thuốc và đơn thuốc của Bác sỹ đối với người nhiễm (nếu có).
- Cài đặt trên điện thoại hoặc máy vi tính Ứng dụng hỗ trợ cách ly tại nhà của Thành phố để khai báo và nhận hỗ trợ khi cần thiết.
- Tự theo dõi sức khỏe: Đo thân nhiệt, đếm nhịp thở, đo SpO2 (nếu đo được) ít nhất hai lần một ngày, hoặc khi cảm thấy mệt, khó thở.
- Mang khẩu trang liên tục, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên.
- Rửa mũi, súc họng hàng ngày bằng nước muối sinh lý.
- Thường xuyên tập thở, vận động nâng cao sức khỏe.
- Không sử dụng máy lạnh trung tâm; thường xuyên làm vệ sinh các bề mặt, vật dụng, nhà vệ sinh.
- Uống đủ nước hoặc nhiều hơn nếu có sốt, tiêu chảy. Không bỏ bữa, tăng cường dinh dưỡng, ăn uống đủ chất, tăng cường trái cây tươi, rau xanh.
- Thường xuyên sát khuẩn tay; khử khuẩn các vật dụng và bề mặt tiếp xúc như mặt bàn, tay nắm cửa, bồn cầu, lavabo... Phân loại chất thải đúng quy định.
- Khai báo y tế mỗi ngày ít nhất 01 lần hoặc khi có triệu chứng bất thường qua ứng dụng Hỗ trợ cách ly tại nhà hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe.
LƯU Ý:
- Thường xuyên tự theo dõi sức khỏe, ghi nhớ các dấu hiệu cần báo ngay cho đường dây nóng của Trạm Y tế, Trạm Y tế lưu động, cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.
- Khi một người trong nhà nhiễm COVID-19, có nghĩa là những người khác trong nhà cũng có thể đã nhiễm, do đó cũng phải thực hiện cách ly tại nhà để tránh lây nhiễm cho cộng đồng.
- Không cần quá lo lắng tích trữ nhiều thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác. Chính quyền địa phương, người thân và các lực lượng, tổ chức sẽ giúp đỡ gia đình trong thời gian cách ly tại nhà.
IV. NHỮNG VIỆC CẦN THỰC HIỆN TẠI NHÀ
1. Cách ly người nhiễm khỏi những người khác
- Bố trí phòng ngủ và phòng vệ sinh riêng (nếu không có phòng vệ sinh riêng thì F0 không được sử dụng cùng thời điểm với những người khác)
- Giữ khoảng cách tối thiểu 2m giữa F0 và những người khác.
2. Đảm bảo nhà ở thông thoáng
- Luôn mở cửa sổ (nếu có);
- Không sử dụng hệ thống điều hòa trung tâm; sử dụng quạt, máy lọc không khí.
- Không để luồng khí thổi từ phòng F0 vào không gian chung
3. Rửa tay thường xuyên
- Rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước trong tối thiểu 30 giây hoặc dung dịch rửa tay có chứa cồn ở nồng độ tối thiểu 60% trong ít nhất 15 giây.
- Thời điểm rửa tay: trước và sau khi nấu ăn, trước và sau khi ăn uống, sau khi ho, hắt hơi, xì mũi; sau khi chạm vào các vật dụng, bề mặt; sau khi đi vệ sinh; sau khi thu dọn rác.
4. Đeo khẩu trang
- Người chăm sóc phải đeo khẩu trang khi ở cùng phòng hoặc không gian với F0 và những người khác.
- F0 phải đeo khẩu trang càng nhiều càng tốt, ngay cả khi dã được cách ly, để giảm nguy cơ lây truyền vi rút cho những người khác.
- Người ở/cách ly cùng nhà phải đeo khẩu trang khi ở cùng phòng hoặc không gian với người khác.
5. Vệ sinh hô hấp
- Luôn đeo khẩu trang
- Không khạc nhổ trong không gian chung
- Che miệng và mũi bằng khăn giấy khi ho, hắt hơi
- Vứt bỏ ngay khăn giấy đã sử dụng vào thùng rác kín.
- Rửa tay bằng nước/xà phòng/dung dịch sát khuẩn sau khi ho, hắt hơi.
6. Vệ sinh dụng cụ ăn uống tránh lây nhiễm
- Bố trí bộ đồ ăn riêng cho người nhiễm COVID-19; nên sử dụng dụng cụ có thể tái sử dụng để hạn chế rác thải lây nhiễm.
- Đồ ăn thừa và dụng cụ ăn uống dùng một lần bỏ vào túi đựng rác trong phòng riêng.
- Rửa bát đĩa bằng nước nóng (nên làm) và xà phòng.
- F0 tự rửa dụng cụ ăn uống trong phòng riêng nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc mang găng tay khi dọn đồ ăn và rửa dụng cụ ăn uống.
- Dụng cụ ăn uống của F0 sau khi rửa để ở vị trí riêng trong phòng của F0.
7. Xử lý đồ vải an toàn
- Tốt nhất là F0 có thể tự giặt quần áo.
- Nếu cần người chăm sóc giặt, người chăm sóc mang găng tay khi xử lý đồ vải của F0.
- Trước khi giặt, phải ngâm đồ vải với xà phòng giặt trong tối thiểu 20 phút
- Giặt hoặc khử trùng túi giặt và giỏ đồ.
- Giặt bằng máy hoặc bằng tay với nước ấm nhất có thể.
- Sấy khô hoặc phơi khô hoàn toàn.
- Tháo găng tay, rửa tay sau khi xử lý đồ vải của F0.
- Giặt riêng đồ của F0 vói đồ của người khác.
- Không giũ đồ bẩn cần giặt để hạn chế nguy cơ phát tán vi rút.
8. Vệ sinh bề mặt môi trường sạch sẽ
- Tốt nhất là F0 tự vệ sinh.
- Làm sạch sàn nhà, tường và bề mặt sau đó lau bằng dung dịch khử khuẩn, lau lại bằng nước sạch.
- Thường xuyên sử dụng cồn 70 độ để lau các bề mặt các thiết bị điện, điện tử như công tắc đèn, điện thoại…Bọc thiết bị điện tử bằng màng nilon và vệ sinh, khử trùng bên ngoài.
- Nếu cần người chăm sóc hỗ trợ thì người chăm sóc mang găng tay trước khi vệ sinh.
- Sử dụng dụng cụ riêng để vệ sinh cho khu vực của F0.
- Thực hiện vệ sinh bề mặt ít nhất 2 lần/ngày.
- Tháo găng tay, rửa tay sau khi vệ sinh bề mặt.
9. Thu gom và xử lý rác thải đúng cách
- Đặt thùng rác có nắp kín và mở bằng chân, có lót túi nilon bên trong phòng của người nhiễm. Lót sẵn bao màu vàng hoặc bỏ vào bao màu vàng khi thu gom để phân biệt với rác thải khác.
- Phân loại: Tất cả các chất thải rắn thải bỏ tại phòng cách ly đều được bỏ vào thùng và bao rác đã được chuẩn bị.
- Thu gom: Xịt cồn 70 độ để khử khuẩn bên trong và bên ngoài túi và buộc chặt miệng túi và tiếp tục bỏ vào thùng đựng chất thải lây nhiễm có lót bao rác màu vàng có nắp đậy kín. Trong quá trình thu gom, thùng đựng chất thải phải đậy nắp kín, đảm bảo không bị rơi, rò rỉ chất thải ra ngoài.
- Thu gom, xử lý rác thải hằng ngày hoặc khi thùng rác đầy.
- Đeo găng tay khi xử ý chất thải, rác thải, bỏ găng tay ngay khi xử lý xong.
- Rửa tay sau khi xử lý chất thải.
Lưu ý:
- Hạn chế sử dụng các vật dụng, xử lý tại chỗ (hấp, đun sôi, ngâm Javel, chất sát khuẩn,…) để hạn chế tối đa rác thải có nguy cơ lây nhiễm, có thể sử dụng chén, bát, đũa,… sử dụng cố định để hạn chế vật dụng sử dụng 1 lần. Rác thải có nguy cơ lây nhiễm phải được bỏ vào trong túi màu vàng để phân loại và nhận biết, bịt kín miệng túi.
- Tất cả chất thải phát sinh từ phòng cách ly tại nhà, nơi lưu trú được xem như là chất thải có nguy cơ lây nhiễm.
- Thu gom khẩu trang, khăn, giấy lau mũi, miệng đã qua sử dụng vào túi hoặc thùng đựng rác thải để gọn vào góc phòng của người được cách ly.
10. Sử dụng găng tay
- Không sử dụng lại găng tay. Mỗi đôi găng tay chỉ sử dụng 1 lần rồi bỏ.
- Không chặm vào vùng đầu, mặt, cổ khi đang đeo găng tay.
V. NHỮNG VIỆC KHÔNG ĐƯỢC LÀM
- Rời khỏi phòng cách ly trong thời gian cách ly
- Sử dụng chung vật dụng với người khác
- Ăn uống cùng người khác
- Tiếp xúc gần với người khác và vật nuôi
Trường hợp cần có người chăm sóc, người chăm sóc phải đeo khẩu trang, kính chắn giọt bắn, vệ sinh tay trước và sau khi chăm sóc
ĐIỀU KIỆN KẾT THÚC CÁCH LY, ĐIỀU TRỊ NGƯỜI NHIỄM COVID-19 VÀ NGƯỜI Ở CÙNG NHÀ
1. Người nhiễm COVID-19
- Thời gian cách ly, điều trị đủ 10 ngày.
- Các triệu chứng lâm sàng hết hoặc giảm tới mức ổn định.
- Kết quả xét nghiệm:
+ Kết quả RT-PCR âm tính hoặc
+ Test nhanh kháng nguyên âm tính do NVYT thực hiện hoặc người bệnh tự thực hiện dưới sự giám sát của NVYT (test nhanh do Bộ Y tế cấp phép) hoặc
+ Kết quả RT-PCR dương tính nhưng nồng độ vi rút thấp (Ct ≥ 30).
* Thời điểm lấy mẫu xét nghiệm:
- Nếu F0 không có triệu chứng: lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 9; nếu kết quả RT-PCR hoặc test nhanh âm tính thì hoàn thành cách ly, điều trị vào ngày thứ 10; trường hợp dương tính thì tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR vào ngày thứ 14: nếu âm tính thì hoàn thành cách ly, điều trị.
- Nếu F0 có triệu chứng: lấy mẫu xét nghiệm vào ngày thứ 14; nếu kết quả RT-PCR hoặc test nhanh âm tính thì hoàn thành cách ly, điều trị vào ngày thứ 15; nếu dương tính thì lấy mẫu xét nghiệm lại sau 03 ngày, nếu âm tính thì hoàn thành cách ly, điều trị.
2. Người ở cùng nhà
- Lấy mẫu vào thời điểm và số lần xét nghiệm giống như F0 được cách ly, điều trị tại nhà bằng phương pháp xét nghiệm RT-PCR gộp hoặc test nhanh gộp theo nhà. Lấy mẫu xét nghiệm khi có triệu chứng nghi ngờ mắc COVID-19.
- Hoàn thành cách ly vào ngày F0 được công bố khỏi bệnh; lấy mẫu xét nghiệm RT-PCR gộp hoặc test nhanh theo nhà trước khi hoàn thành cách ly.
VI. DANH SÁCH BỆNH NỀN
1. Đái tháo đường
2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác
3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).
4. Bệnh thận mạn tính
5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu
6. Béo phì, thừa cân
7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)
8. Bệnh lý mạch máu não
9. Hội chứng Down
10. HIV/AIDS
11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ)
12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác
13. Hen phế quản
14. Tăng huyết áp
15. Thiếu hụt miễn dịch
16. Bệnh gan
17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện
18. Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
19. Các bệnh hệ thống.
20. Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.
VII. CÁC DẤU HIỆU CẦN BÁO NGAY CHO NHÂN VIÊN Y TẾ HOẶC CƠ SỞ QUẢN LÝ NGƯỜI NHIỄM COVID-19 TẠI NHÀ
Người F0 hoặc người chăm sóc báo ngay cho Cơ sở đang quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà nếu người F0 có MỘT trong các dấu hiệu sau đây:
• Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.
• Nhịp thở tăng: ≥ 21 lần/phút đối với người lớn; ≥ 40 lần/phút đối với trẻ từ 01 đến dưới 05 tuổi; ≥ 30 lần/phút đối với trẻ từ 05 đến dưới 12 tuổi. Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc.
• Độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi (SpO2) < 95% (nếu đo được), khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo.
• Mạch nhanh > 120 lần/phút hoặc dưới 50 lần/phút.
• Huyết áp thấp: Huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu đo được).
• Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.
• Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật.
• Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.
• Không thể uống.
• Trẻ có biểu hiện: Sốt trên 38oC, đau rát họng, ho, tiêu chảy, trẻ mệt, không chịu chơi, tức ngực, cảm giác khó thở, SpO2 < 96% (nếu đo được), ăn/bú kém ...
• Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của F0 mà thấy cần báo cơ sở y tế.
DẤU HIỆU CHUYỂN NẶNG:
• Đối với người lớn: Khó thở biểu hiện bằng thở hụt hơi, thở nhanh trên 25 lần/phút, li bì, lừ đừ, tím tái môi, đầu chi, SpO2 < 94%.
• Đối với trẻ em: Thở nhanh theo tuổi (1–5 tuổi: ≥ 40 lần/phút, 5-12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, > 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút), cánh mũi phập phồng, rút lõm lồng ngực, li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống, tím tái môi đầu chi, SpO2 < 95% (nếu có đo).
VIII. XỬ TRÍ MỘT SỐ TRIỆU CHỨNG
1. Sốt:
a) Đối với người lớn: > 38,5oC hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại sau mỗi 4 – 6 giờ, ngày không quá 4 viên, uống oréol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.
b) Đối với trẻ em: > 38,5oC, : uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10 – 15mg/kg cân nặng của trẻ/lần (ví dụ trẻ 20 kg thì dùng 200 – 300mg/lần), có thể lặp lại sau mỗi 4 – 6 giờ, ngày không quá 4 viên.
c) Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 02 không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho nhân viên y tế quản lý F0 tại nhà để xử lý.
2. Ho:
Dùng thuốc giảm ho theo đơn của bác sỹ.
3. Có thể dùng thêm vitamin theo đơn thuốc của bác sỹ
IX. HƯỚNG DẪN ĐIỀU TRỊ TRẺ EM MẮC COVID-19 MỨC ĐỘ NHẸ TẠI NHÀ
• Nằm phòng riêng.
• Áp dụng phòng ngừa chuẩn, đeo khẩu trang với trẻ ≥ 2 tuổi
• Điều trị triệu chứng:
+ Hạ sốt khi nhiệt độ ≥ 38.5oC: Paracetamol liều 10-15mg/kg/lần mỗi 6 giờ.
+ Thuốc điều trị ho: Ưu tiên dùng thuốc ho thảo dược.
• Uống nhiều nước.
• Đảm bảo dinh dưỡng: bú mẹ, ăn đầy đủ.
• Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.
• Tập thể dục tại chỗ và tập thở ít nhất 15 phút/ngày (trẻ lớn).
• Theo dõi:
+ Đo thân nhiệt tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ sốt.
+ Đo SpO2 (nếu có thiết bị) tối thiểu 2 lần/ngày hoặc khi cảm thấy trẻ mệt, thở nhanh/khó thở.
• Khai báo y tế hàng ngày qua ứng dụng “hoặc qua phiếu tự theo dõi sức khỏe, báo nhân viên y tế khi có dấu hiệu cảnh báo.
HƯỚNG DẪN SỬ DỤNG GÓI THUỐC ĐIỀU TRỊ COVID-19 TẠI NHÀ CHO TRẺ EM TRÊN 1 TUỔI
* Hướng dẫn sử dụng gói thuốc trẻ em điều trị COVID-19 tại nhà (dùng trong 07 ngày)
Độ tuổi trẻ em | Dạng thuốc | Liều thuốc mỗi lần |
< 1 tuổi | Paracetamol bột 80mg | 1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 1 đến dưới 2 tuổi | Paracetamol bột 150mg | 1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 2 đến dưới 5 tuổi | Paracetamol bột 250mg | 1 gói x 4 lần/ ngày |
Từ 5 đến 12 tuổi | Paracetamol viên 325mg | 1 viên x 4 lần/ ngày |
Trên 12 tuổi | Paracetamol viên 500mg | 1 viên x 4 lần/ ngày |
* Ghi chú: Uống Paracetamol khi sốt trên 38,5oC, có thể lặp lại mỗi 04 giờ đến 06 giờ nếu vẫn còn sốt.
* Dấu hiệu cảnh báo:
• Triệu chứng bất thường cần báo nhân viên y tế của Trạm y tế, Trạm y tế lưu động:
- Sốt > 38oC | - Tức ngực |
- Đau rát họng, ho | - Cảm giác khó thở |
- Tiêu chảy | - SpO2 < 96% (nếu đo được) |
- Trẻ mệt, không chịu chơi | - Ăn/bú kém |
• Dấu hiệu chuyển nặng cần báo cấp cứu 115 hoặc đội phản ứng nhanh tại xã, phường để được cấp cứu tại nhà hoặc đưa trẻ đến bệnh viện ngay:
- Thở nhanh theo tuổi (Trẻ 1–5 tuổi: ≥ 40 lần/phút, 5-12 tuổi: ≥ 30 lần/phút, > 12 tuổi: ≥ 20 lần/phút) | - Tím tái môi đầu chi |
- Cánh mũi phập phồng | - SpO2 < 95% (nếu đo được) |
- Rút lõm lồng ngực | |
- Li bì, lờ đờ, bỏ bú/ăn uống |
X. CÁC BÀI TẬP VẬN ĐỘNG
F0 ngoài chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý, cần tập luyện tăng cường chức năng hô hấp và vận động hàng ngày với tinh thần lạc quan để cải thiện sức khỏe. Tập luyện, vận động trong giai đoạn này giúp:
• Giãn nở lồng ngực, tăng thông khí ra vào phổi, hô hấp tốt hơn.
• Tống thải đờm (đàm) với các trường hợp có tăng tiết đờm.
• Tăng cường khả năng vận động và các cơ tham gia hô hấp.
• Ngăn chặn suy giảm thể chất, cải thiện tinh thần.
1. Các bài tập thở
1.1 Tập thở:
- Giúp cải thiện tình trạng khó thở
- Một số kiểu tập thở gồm: thở chúm môi, thở cơ hoành, thở bụng. Nếu người nhiễm có tiết nhiều đờm dịch thì tập kỹ thuật thở chu kỳ chủ động và kỹ thuật ho.
• Kiểu thở chúm môi
• Tập thở cơ hoành:
• Kiểu thở bụng
- Một tay đặt lên ngực, một tay đặt lên bụng (để cảm nhận di động của ngực và bụng)
- Hít vào bằng mũi (mím môi), bụng phình ra (cảm nhận tay ở bụng đi lên)
- Thở ra từ từ bằng miệng, môi chúm lại (giống như thổi sáo), bụng xẹp xuống (cảm nhận tay ở bụng đi xuống)
- Hít vào theo nhịp đếm 1-2, thở ra theo nhịp đếm 1-2-3-4 (thời gian thở ra gấp đôi hít vào) |
CHÚ Ý:
- Khi hít vào và thở ra không cần gắng sức quá mức.
- Kết hợp động tác thở chúm môi với thở bụng hoặc thở ngực kết hợp tay vào trong một lần hít thở và nên luyện tập thường xuyên (ít nhất 3 lần/ngày), mỗi lần 5-10 phút)
- Hai động tác này có thể thực hiện trong cả lúc ngồi hoặc nằm (khi nằm luồn gối dưới đầu và dưới khoeo để chân hơi co lại)
1.2. Kỹ thuật ho hữu hiệu
- Thở chím môi: trong khoảng từ 5-10 phút giúp đẩy đờm từ phế quản nhỏ ra các phế quản lơn hơn
- Tròn miệng hà hơi: 5-10 lần, tốc độ tăng dần giúp đẩy đờm ra khí quản
- Ho: hít hơi vào thật sâu, nín thở và ho liên tiếp 1-2 lần. Lần 1 ho nhẹ, lần 2 ho mạnh để đẩy đờm ra ngoài.
1.3. Kỹ thuật thở chu kỳ chủ động
- Thở có kiểm soát: hít thở nhẹ nhàng trong 20-30 giây
- Căng giãn lồng ngực: hít thật sâu bằng mũi, nín thở 2-3 giây và thở ra nhẹ nhàng, lặp lại 3-5 lần.
- Hà hơi: hít thật sâu, nín thở 2-3 giây và tròn miệng hà hơi đẩy mạnh dòng khí ra ngoài. Lặp lại 1-2 lần.
2. Tư thế nghỉ ngơi.
Nếu kết quả đo ô xy máu (SpO2) đưới 94% hoặc thấy mệt, khó thở, người nhiễm có thể áp dụng tư thế nằm sấp, nằm đầu cao. Tiếp tục theo dõi ô xy máu khi thay đổi tư thế.
2.1. Tư thế nằm sấp
Giữ đầu hơi thấp so với thân người, xoay đầu sang 1 bên để dễ thở
+ Chêm lót khăn/gối ở vùng đầu cổ giúp thoải mái + Chêm lót khăn/gối ở vùng hông để tránh đau lưng. Tránh chêm vào vùng bụng vì sẽ gây khó thở + Chêm lót khăn/gối ở chân giúp thoải mái |
Thời gian nằm sấp duy trì 1-2 giờ trong mỗi 4 giờ, tối đa 14h trong ngày.
2.2. Tư thế nằm đầu cao | 2.3. Tư thế nằm nghiêng |
CHÚ Ý:
- Trong quá trình tập luyện nếu xuất hiện các biểu hiện bất thường: mệt, khó thở hay đau ngực tăng cần dừng tập theo dõi cơ thể. Nếu các biểu hiện này tăng lên cả khi nghỉ cần báo cho nhân viên y tế để được theo dõi kịp thời.
3. Tập vận động tại giường
F0 từ nhẹ đến vừa được khuyến cáo nên nghỉ ngơi tại giường và vận động vừa sức.
Vận động giúp hỗ trợ tiêu hóa, cải thiện tuần hoàn máu và giúp thư giãn.
4. Bài tập tăng thể lực, rèn luyện sức bền
XII. NHỮNG LOẠI THUỐC SỬ DỤNG ĐỐI VỚI F0 ĐIỀU TRỊ TẠI NHÀ
- Thuốc hạ sốt, giảm đau: Paracetamol: cho trẻ em: gói bột hoặc cốm pha hỗn dịch uống hàm lượng 80mg, 100mg, 150mg hoặc 250mg; cho người lớn: viên nén 250mg hoặc 500mg
- Thuốc cân bằng điện giải: Dung dịch Oresol, gói bù nước, chất điện giải khác.
- Thuốc hỗ trợ nâng cao sức khoẻ, tăng sức đề kháng: Vitamin tổng hợp có một trong các thành phần sau: vitamin B1, B6 và B12; vitamin C (có thể bao gồm kẽm); vitamin D.
- Thuốc sát khuẩn hầu họng: Natri clorit (dung dịch 0,9% hoặc viên pha nước muối) và thuốc sát khuẩn hầu họng khác.
- Thuốc kháng vi rút: Sử dụng theo chỉ định của bác sĩ.
XIII. NHỮNG LƯU Ý KHI SỬ DỤNG THIẾT BỊ ĐO SPO2
1. Chỉ số SpO2:
• Độ bão hòa oxy trong máu bình thường là 98-100%
• Người bệnh mắc COVID-19 khi có chỉ số SpO2 < 94% sẽ được chỉ định thở oxy
2. Các bước sử dụng thiết bị đo SpO2:
- Kiểm tra xem máy còn pin hay không.
- Xoa ấm bàn tay trước khi kẹp thiết bị đo SpO2. Mở kẹp, đặt ngòn tay vào khe kẹp sao cho đầu ngón tay chạm vào điểm tận cùng của máy. Để cố định bàn tay lên trên mặt bàn. Khi đo cố gắng không cử động trong vòng 1 phút để kết quả được chính xác hơn.
Lưu ý không sơn móng tay, sử dụng móng tay giả, mỹ phẩm trên ngón tay được đo. Đảm bảo móng tay không quá dài, để đầu ngón tay che kín bộ phận cảm biến trong khe hẹp.
- Nhấn nút nguồn để khởi động máy. Không cử động tay khi đo. Kết quả đo sẽ hiểu thị trên màn hình sau vài giây.
- Khi kết thúc đo, rút ngón tay ra, vài giây sau máy sẽ tự tắt.
- SpO2 sẽ hiểu thị dưới dạng số ở vị trí ghi chữ SpO2. Đơn vị đo là tỷ lệ phần trăm (%).
- Nhịp mạch sẽ hiển thị dưới dạng số ở vị trí hình trái tim hoặc ở vị trí ghi chữ PR. Đơn vị đo là lần/phút. Giá trị bình thường đối với người lớn lúc nghỉ ngơi là 600-100 lần/phút.
3. Yếu tố ảnh hưởng tới độ chính xác của máy đo SpO2:
• Người bệnh bị lạnh, huyết áp thấp
• Người bệnh cử động nhiều
• Đo ở môi trường có ánh sáng chiếu trực tiếp
• Người được đo SpO2 có sơn móng tay
Từ khóa » Cách để Nhanh Khỏi F0
-
F0 điều Trị Tại Nhà Nên ăn Gì để Mau Hồi Phục? - Tin Liên Quan
-
F0 Nên ăn Gì để Nhanh Khỏi Bệnh Và Ngăn Ngừa Hậu ... - Bộ Y Tế
-
F0 Nên ăn Gì để Nhanh Khỏi Bệnh Và Ngăn Ngừa Hậu COVID-19?
-
F0 điều Trị Tại Nhà: Ăn Uống Thế Nào để Nhanh Khỏi Bệnh? | VOV.VN
-
F0 KHÔNG NÊN ĂN GÌ ĐỂ MAU CHÓNG HỒI PHỤC?
-
Người Bị Covid-19 Nên ăn Gì Và Kiêng Gì để Nhanh Hồi Phục?
-
F0 Nên ăn Uống Như Thế Nào - Tư Vấn Từ Bác Sĩ
-
Chăm Sóc F0 Tại Nhà Sao để Mau Khỏe, Không Uống Sai Thuốc ...
-
F0 điều Trị Tại Nhà: Ăn Uống Gì để Nhanh Khỏi Bệnh?
-
Bộ Y Tế Hướng Dẫn F0 điều Trị Tại Nhà - Báo Chính Phủ
-
F0 Không Triệu Chứng Nên ăn Gì để Nhanh Khỏi?
-
F0 Sau Khi Khỏi Covid-19 Cần Làm Gì để Phục Hồi Cơ Thể? - Manulife
-
Bị Covid Nên ăn Gì, Kiêng Gì để Sớm Hồi Phục, Mau Khỏi Bệnh?
-
F0 điều Trị Tại Nhà: Ăn Uống Thế Nào để Nhanh Khỏi Bệnh? - VTC News