Hướng Dẫn Gieo Trồng Giống Ngô Nếp Lai F1 HN88 - Vinaseed

Hướng dẫn kỹ thuật gieo trồng giống ngô nếp lai F1 HN88

I. NGUỒN GỐC: Là giống ngô nếp lai F1, do Vinaseed Group nghiên cứu, tuyển chọn.

II. ĐẶC TÍNH GIỐNG

- Là giống chín trung bình, thời gian từ gieo đến thu hoạch ăn tươi: Vụ Xuân 87- 92 ngày; vụ Hè Thu 67-70 ngày; vụ Thu Đông 70-75 ngày, vụ Đông 75-85 ngày.

- Chiều cao cây 180-205 cm, chiều cao đóng bắp 85-100cm. Bộ lá thoáng, xanh đậm, bền đến khi thu hoạch. Bắp dài 18-12 cm, đường kính 4,8- 5,5 cm, bắp đậu kín hạt, lá bi màu xanh và rất kín. Hàng hạt thẳng, mịn, hạt to và sâu cay. Số hàng hạt/bắp 12-14 hàng, số hạt/hàng 35- 45 hạt. Tiềm năng năng suất bắp tươi 18-20 tấn/ha.

- Một số đặc điểm nông học nổi bật: Bộ lá xanh đậm, tán lá gọn, thoáng; chất lượng ăn tươi rất ngon (dẻo – ngọt – đậm – thơm); Chống chịu trung bình với một số loại sâu bệnh hại chính, phổ thích nghi rộng ở các vùng sinh thái khác nhau trong cả nước.

- Đặc biệt giống HN 88 rất phù hợp với các khu vực ven đô, gần thành phố, thị xã, nơi mà người dân luôn yêu cầu cao về tiêu chuẩn giống ngô quà.

III. YÊU CẦU KỸ THUẬT

1. Thời vụ: Có thể trồng được quanh năm trên đất tưới tiêu chủ động, tuy nhiên cần gieo trồng để ngô trỗ cờ - tung phấn - phun râu vào giai đoạn có thời tiết thuận lợi nhất (cần tránh ngô phân râu trỗ cờ vào thời tiết nắng nóng kéo dài trên 350C hoặc lạnh dưới 150C) để đảm bảo năng suất.

- Vụ Xuân: Thời gian gieo trồng xoay quanh tiết lập xuân từ 20/1 – 25/2

- Vụ Hè Thu: Trồng 15/6 – 15/7

- Vụ Thu Đông: Trồng 15/8 – 15/9

- Vụ Đông: Trồng 15/9 – 15/10

Yêu cầu trồng cách ly thời gian (tối thiểu 15 ngày) và không gian (có vật cản hoặc khoảng cách tối thiểu 300m) với các giống ngô tẻ, ngô đường vàng để đảm bảo chất lượng ăn tươi và màu sắc hạt.

2. Mật độ, khoảng cách:

- Mật độ trồng: 4,7- 5,1 vạn cây/ha

- Khoảng cách: 65cm x 30-33 cm. Gieo 1 hạt/hốc, gieo thêm 10% số hạt trong bầu để trồng dặm để đảm bảo mật độ.

- Lượng giống: 15-17 kg/ha.

3. Phân bón: Nên sử dụng phân bón tổng hợp NPK thay thế phân đơn. Cụ thể:

3.1. Đối với phân NPK Lâm Thao

Lượng phân bón cho 1ha: 8 - 10 tấn phân hữu cơ (hoặc 2 tấn phân vi sinh) + 700kg NPK (5:10:3) + 500 kg NPK(12:5:10) + 60kg Urê.

- Bón lót: 8 -10 tấn phân hữu cơ (hoặc 2 tấn phân vi sinh) + 700kg NPK (5:10:3).

- Tưới dặm (ngô 2-3 lá): Tưới hoặc bón 60kg Urê/ha

- Bón thúc lần 1 (ngô 4-5 lá): Bón 50% phân NPK (12:5:10)

- Bón thúc lần 2 (ngô 8-9 lá): Bón hết lượng phân NPK (12:5:10) còn lại

Lưu ý: Nếu sử dụng phân tổng hợp NPK khác, bón theo hướng dẫn trên bao bì.

3.2. Đối với phân đơn

Lượng phân bón cho 1 ha: 8 - 10 tấn phân phân hữu cơ (hoặc 2 tấn phân vi sinh) + 260- 300 kg đạm Urê (120 – 140 kg N) + 420- 470 kg Supe lân (70 – 80 kg P2O5) + 120-150 kg Kaliclorua (70 – 90 kg K2O).

- Bón lót: Toàn bộ phân hữu cơ (hoặc phân vi sinh) và phân lân (có thể ngâm lân với nước phân để tưới cho cây con)+ 1/4 lượng đạm.

- Bón thúc lần 1 (ngô 4 - 5 lá): 1/4 lượng đạm + 1/2 lượng kali.

- Bón thúc lần 2 (ngô 8- 9 lá): 1/2 lượng đạm + 1/2 lượng kali.

4. Chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

4.1. Chăm sóc

- Xới xáo, dặm tỉa ngay sau khi mọc để đảm bảo mật độ.

- Bón thúc lần 1 kết hợp làm sạch cỏ dại và vun nhẹ quanh gốc.

- Bón thúc lần 2 kết hợp làm sạch cỏ dại và vun cao chống đổ.

- Có thể dùng thuốc trừ cỏ chọn lọc: Atamex 800WP, Mizin 80WP,... phun khi cỏ chưa mọc hoặc cỏ còn non (2-3 lá).

Lưu ý: Trước khi phun mặt ruộng phải đủ ẩm, sau khi phun nếu gặp mưa không được để ruộng đọng nước.

4.2. Tưới tiêu

Đảm bảo đủ độ ẩm đất cho ngô trong suốt quá trình sinh trưởng và phát triển, đặc biệt chú ý vào các thời kỳ ngô 5-7 lá, xoắn nõn, trổ cờ, chín sữa.

Lưu ý: Sau khi tưới nước hoặc sau mưa phải thoát hết nước đọng trong ruộng ngô.

4.3. Phòng trừ sâu bệnh hại

Thường xuyên theo dõi tình hình sâu bệnh hại trên đồng ruộng để phòng trừ kịp thời.

Sử dụng thuốc hoá học theo hướng dẫn của ngành bảo vệ thực vật hoặc hướng dẫn trên bao bì của nhà sản xuất.

5. Thu hoạch:

- Thu hoạch ăn tươi sau phun râu 20 – 22 ngày

- Thu hoạch hạt khô khi ngô đã chín (lá bi khô, chân hạt đen), chọn ngày có thời tiết khô ráo để thu hoạch

Chú ý:

- Vì chủ yếu trồng ăn tươi nên hạn chế số lần sử dụng thuốc BVTV.

- Không sử dụng hạt thương phẩm làm giống cho vụ sau

Từ khóa » Cách Trồng Ngô Nếp Tím