Hướng Dẫn Khóa Luận Và Chuyên đề Tốt Nghiệp - Học Viện Ngân Hàng
Có thể bạn quan tâm
Yêu cầu đối với việc viết chuyên đề và viết khóa luận của sinh viên phải tuân theo quy định chung của Giám đốc Học viện Ngân hàng đã ban hành trong "Quy định về viết chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp". Tuy vậy, để giúp cho sinh viên của khoa nhận thức rõ hơn, Khoa Quản trị Kinh doanh có một số hướng dẫn cụ thể sau:
PHẦN 1: MỤC ĐÍCH VÀ YÊU CẦU CHUNG
- Sinh viên đủ điều kiện viết khóa luận hoặc chuyên đề theo quy định của Học viện Ngân hàng (theo thông báo của Học viện Ngân hàng), sẽ tiến hành viết khóa luận hoặc chuyên đề sau khi kết thúc thực tập tốt nghiệp. Khóa luận và chuyên đề là một tiêu chí đánh giá kết quả học tập của sinh viên.
- Khóa luận và chuyên đề tốt nghiệp là một công trình khoa học của sinh viên, thể hiện kiến thức tổng hợp mà sinh viên đã tiếp thu được trong 4 năm học tập và nghiên cứu khoa học tại Học viện Ngân hàng.
- Khóa luận, chuyên đề phải đảm bảo chất lượng: vận dụng phương pháp luận khoa học để thể hiện kiến thức tổng hợp, kỹ năng nghiên cứu, kỹ năng phân tích, kỹ năng phát hiện vấn đề, kỹ năng ứng dụng lý thuyết vào thực tiễn, kỹ năng dùng thực tiễn để kiểm chứng lý thuyết, kỹ năng viết và trình bày (đúng yêu cầu).
- Khóa luận, chuyên đề phải được nộp đúng thời hạn.
PHẦN 2: NỘI DUNG VÀ KẾT CẤU CỦA KHÓA LUẬN, CHUYÊN ĐỀ TỐT NGHIỆP
2.1. Khóa luận tốt nghiệp
2.1.1. Quy định chung:
- Sinh viên có thể căn cứ vào tình hình thực tế của nơi thực tập để lựa chọn đề tài thích hợp. Tuy nhiên, đề tài Khóa luận tốt nghiệp phải thuộc một trong các chuyên ngành của ngành học Quản trị kinh doanh: Quản trị doanh nghiệp, Quản trị Marketing.
- Nơi thực tập để nghiên cứu đề tài phải là các Doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực: sản xuất, kinh doanh, thương mại, dịch vụ. Không thực tập tại các tổ chức tín dụng.
- Sinh viên chủ động thực hiện những đề tài mới, có tính thực tiễn và học thuật sâu sắc, đáp ứng xu hướng thị trường, mở cửa, hợp tác và hội nhập quốc tế của Việt Nam. Đề tài phải cụ thể, rõ ràng, có tính sáng tạo không trùng lặp với các đề tài đã thực hiện.
- Đề tài có thể thực hiện ở các cấp độ khác nhau bao gồm: Vấn đề cụ thể thuộc các lĩnh vực quản trị trong doanh nghiệp như công tác nhân sự, công tác Marketing, Quản trị chất lượng, quản trị sản xuất và tác nghiệp, quản trị chiến lược, văn hóa doanh nghiệp....hoặc một nội dung cụ thể thuộc một trong các lĩnh vực trên.
Sinh viên có thể tham khảo gợi ý các chủ đề nghiên cứu và danh mục đề tài nghiên cứu trên trang web Học viện Ngân hàng (Mục thực tập tốt nghiệp-khoa Quản trị Kinh doanh), tham khảo gợi ý trực tiếp từ các thầy cô giáo hoặc tự sáng tạo.
- Nếu các đề tài cùng giải quyết một vấn đề thì phải khác địa điểm nghiên cứu và giáo viên hướng dẫn.
- Giáo viên hướng dẫn là người duyệt tên đề tài cuối cùng cho sinh viên. Trong quá trình thực hiện khoá luận, nếu thấy cần thiết phải chỉnh sửa đề tài, thì giáo viên hướng dẫn quyết định.
- Trong quá trình viết có thể sử dụng các Khoá luận, chuyên đề đã có làm tài liệu tham khảo nhưng không được sao chép.
2.1.2. Quy trình chọn đề tài và phân công giáo viên hướng dẫn
Nhằm nâng cao trách nhiệm và phát huy chuyên môn của giảng viên, đồng thời nhằm phối hợp và bổ sung hướng nghiên cứu giữa giảng viên và sinh viên, quy trình chọn đề tài khoá luận được tiến hành như sau:
2.1.2.1. Sinh viên đăng kí đề tài để Ban lãnh đạo khoa phối hợp với Chủ nhiệm bộ môn duyệt (theo hướng dẫn)
Sinh viên được tự đăng kí tên đề tài, trên cơ sở đó, Ban lãnh đạo Khoa và Chủ nhiệm bộ môn sẽ xem xét, phân công giáo viên hướng dẫn khóa luận thích hợp.
Sinh viên đăng kí đề tài theo lớp. Lớp trưởng các lớp tổng hợp và lập danh sách đề tài đăng kí gửi cho Khoa theo thời gian quy định.
2.1.2.2. Trình Ban Giám đốc phê duyệt và trường hợp ngoại lệ
- Khoa trình Ban Giám đốc Học viện phê duyệt danh sách Giáo viên hướng dẫn khoá luận tốt nghiệp.
- Sau khi được Ban Giám đốc duyệt, danh sách chính thức sẽ được thông báo trên trang web Học viện Ngân hàng để Giáo viên hướng dẫn và sinh viên làm căn cứ thực hiện.
- Những trường hợp phát sinh ngoại lệ sẽ do Ban lãnh đạo khoa xem xét và đề xuất Ban Giám đốc quyết định.
2.1.3. Về kết cấu và nội dung
a. Về kết cấu trình tự:
- Bìa cứng mạ vàng (theo mẫu)
- Bìa phụ giấy thường (nội dung như bìa cứng)
- Lời cảm ơn (nếu có)
- Lời cam đoan
- Bảng chữ cái viết tắt
- Danh mục các bảng, đồ thị, sơ đồ
- Mục lục
- Lời mở đầu
- Phần nội dung (chương 1, chương 2, chương 3)
- Kết luận
- Danh mục tài liệu tham khảo
- Phụ lục (nếu có)
b. Về kết cấu nội dung:
Tùy theo từng đề tài, phương pháp tiếp cận giải quyết vấn đề,.. mà giáo viên hướng dẫn quyết định phần kết cấu nội dung cho thích hợp. Thông thường, theo phương pháp truyền thống, một Khoá luận tốt nghiệp được kết cấu làm 3 chương như sau:
Chương 1: Viết về lý luận, những vấn đề cơ bản có tính học thuật mà đề tài giải quyết
Chương 2: Viết về thực trạng ( thực tiễn) , kiểm chứng, đánh giá
Chương 3: Viết về giải pháp, kiến nghị, đề xuất
2.1.4. Về số liệu và trích dẫn nguồn tài liệu:
- Giáo viên hướng dẫn cần lưu ý và hướng dẫn sinh viên trong việc tìm tài liệu, lấy số liệu và trích dẫn cho thích hợp.
- Số liệu phải cập nhật. Thông thường số liệu lấy đến thời điểm cuối năm gần nhất, tuỳ theo nhu cầu phân tích dài hạn hay ngắn hạn. Tuy nhiên, số liệu tối thiểu phải đảm bảo 3 năm liên tục.
- Số liệu trích dẫn phải ghi nguồn gốc dẫn chiếu cụ thể, chi tiết, rõ ràng để giáo viên hướng dẫn hay bất kì người nào cũng có thể kiểm chứng được
- Khi trích dẫn nội dung từ các nguồn tài liệu phải ghi rõ: tác giả, tên tài liệu, nhà xuất bản (nếu có), năm xuất bản, số trang
- Mọi hành vi thiếu trung thực, sai sót về nội dung số liệu, nguồn tài liệu tham chiếu,… nếu phát hiện ra thì khóa luận sẽ bị trừ điểm tùy theo mức độ.
2.1.5. Về hình thức và số trang của khoá luận
- Trang bìa thiết kế theo mẫu quy định của khoa (phần phụ lục)
- Khóa luận phải được đánh máy một mặt trên khổ giấy A4 (210x 297)
- Số thứ tự của trang ở chính giữa, phía trên. Số trang bắt đầu từ Lời mở đầu
- Dùng font chữ là "Times New Roman"
- Cỡ chữ là: 13 hoặc 14
- Lề trên: 3cm, Lề dưới : 3cm; Lề trái : 3,5cm; Lề phải 2cm
- Giãn dòng 1,5 line
-Các chương mục, tiểu mục phải ghi rõ và đánh số thứ tự theo quy tắc:
Chương 1:………………………
1.1………………………….
1.1.1…………………………….
Chương 2:……………………..
2.1………………………………
2.1.1…………………………….
Chương 3…………………….,..
3.1…………………………….
3.1.1…………………………..
Chú ý
- Các công thức cần viết rõ ràng và nên dùng các ký hiệu thông dụng
- Các hình vẽ, bảng, sơ đồ, đồ thị cần đánh số thứ tự (tên bảng, đồ thị ghi phía trên), chú thích nguồn số liệu dưới chân các bảng biểu
- Khóa luận có số trang tối thiểu là 70 và tối đa là 90
- Sinh viên phải lấy nhận xét của cơ sở thực tập và giáo viên hướng dẫn về tinh thần thái độ thực tập, nghiên cứu, có chữ kí của người có thẩm quyền và dấu của đơn vị thực tập (đóng vào trang cuối của chuyên đề hoặc khóa luận)
2.1.6. Nộp khoá luận
- Sinh viên phải trực tiếp nộp 02 (hai) quyển khoá luận giống nhau: 01 quyển nộp khoa để bảo vệ (chỉ cần đóng bìa mềm), còn 01 quyển nộp trực tiếp cho Thư viện Học viện Ngân hàng (đóng bìa cứng).
- Sinh viên phải nộp 01 quyển khóa luận cho Giáo viên hướng dẫn để làm cơ sở chấm điểm.
2.1.7. Chấm phản biện
- Ban lãnh đạo khoa phân công Giáo viên chấm phản biện (nếu Học viện yêu cầu).
- Phản biện theo quy tắc "Phản biện độc lập". Giáo viên phản biện không được liên hệ với sinh viên hay Giáo viên hướng dẫn khóa luận, không được tiết lộ những nội dung phản biện.
- Giáo viên chấm cho điểm khóa luận theo thang điểm tối đa là 10, lấy 2 số thập phân, làm tròn đến 0,25; 0,5 và 0,75. Mỗi khóa luận có một phiếu chấm riêng.
2.2. Chuyên đề tốt nghiệp
Về cơ bản, những nội dung của chuyên đề tốt nghiệp tương tự như khóa luận tốt nghiệp. Một số điểm cần chú ý:
1. Chuyên đề tốt nghiệp không có GVHD
2. Sinh viên lựa chọn đề tài chuyên đề tốt nghiệp đúng với chuyên ngành đào tạo (quản trị doanh nghiệp, quản trị Marketing)
3. Sinh viên chủ động triển khai thực hiện
4. Số trang cho 1 chuyên đề là 40- 60 trang
5. Chuyên đề chỉ cần đóng bìa màu, có giấy bóng kính ở ngoài, trang bìa thiết kế theo mẫu quy định của khoa (phần phụ lục)
6. Cuối quyển chuyên đề có bản nhận xét của cơ sở thực tập về tinh thần thái độ thực tập, nghiên cứu, có chữ kí của người có thẩm quyền và dấu của đơn vị thực tập
7. Số lượng nộp chuyên đề: 01 quyển
8. Điểm chuyên đề tối đa là 10. Chỉ lấy 1 số thập phân là 0,5
9. Phạm vi chọn đề tài chuyên đề tốt nghiệp giống như khóa luận
10. Kết cấu và nội dung chuyên đề có thể như khóa luận tốt nghiệp (3 chương) hoặc kết cấu theo 2 chương (thực trạng và giải pháp)
11. Quy tắc trích dẫn số liệu và nguồn tài liệu tham khảo giống như khóa luận tốt nghiệp
Từ khóa » Viết Chuyên đề Là Gì
-
Phân Biệt Luận Văn, Chuyên Đề, Báo Cáo, Đồ Án, Tiểu Luận Là Gì ?
-
[PDF] HƯỚNG DẪN VIẾT BÁO CÁO CHUYÊN ĐỀ
-
[PDF] Hướng Dẫn Viết Báo Cáo Chuyên đề
-
Báo Cáo Chuyên Đề Là Gì - Hướng Dẫn Viết Báo Cáo Chuyên Đề
-
Phân Biệt Luận Văn, Chuyên Đề, Báo Cáo, Đồ Án, Tiểu ...
-
Báo Cáo Chuyên Đề Là Gì
-
Tạp Chí Chuyên đề Là Gì? (4 đặc điểm) / Văn Hóa Chung | Thpanorama
-
Mẫu Viết Chuyên đề Khoa Học - Tài Liệu Text - 123doc
-
Thi Chuyên đề Là Gì - Hàng Hiệu Giá Tốt
-
[PDF] HƯỚNG DẪN VIẾT CHUYÊN ĐỀ TỐT NGHIỆP
-
Hướng Dẫn Viết Chuyên đề Tiến Sĩ Và Tiểu Luận Tổng Quan - LuanVanS
-
[DOC] Nội Dung Chuyên đề được Cấu Trúc Thành 3 Phần Chính
-
Báo Cáo Chuyên đề Là Gì
-
Sinh Hoạt Chuyên đề Là Gì? Tổ Chức Sinh Hoạt Chuyên đề 2022?