Hướng Dẫn Kỹ Thuật Gieo Cấy Giống Lúa Nếp Cái Hoa Vàng

Hướng dẫn kỹ thuật gieo cấy giống lúa nếp cái hoa vàng

Giới thiệu nguồn gốc và những đặc tính chủ yếu của giống lúa nếp cái hoa vàng. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật canh tác giống lúa này cần lưu ý: thời vụ gieo mạ và cấy, kỹ thuật làm mạ, kỹ thuật cấy lúa, phân bón và phương pháp bón phân, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch và bảo quản

I. Nguồn gốc: Giống lúa nếp cái hoa vàng là giống lúa đặc sản, chất lượng cao, được chọn lọc từ giống lúa nếp địa phương. Được công nhận giống theo Quyết định số 147 KHKT/QĐ, ngày 09/3/1995.

II. Những đặc tính chủ yếu

- Nếp cáo hoa vàng là giống phản ứng trung bình với ánh sáng ngày ngắn, nên chỉ cấy được trong mùa vụ. Thời gian sinh trưởng: 150-155 ngày. Chiều cao cây: 140-150cm. Cứng cây, dạng cây gọn, đẻ nhánh khá. Hạt tròn, màu vàng nâu sẫm. Gạo trắng, xôi dẻo, thơm, ngon. Năng suất trung bình: 45-50 tạ/ha. Thâm canh cao đạt: 55-60 tạ/ha.

- Khả năng chống chịu: Chịu thâm canh và chống đổ khá, chịu chua, phèn, trũng khá. Chống chịu bệnh đạo ôn, khô vằn, bạc lá, rầy nâu trung bình, dễ bị sâu đục thân. Chân đất thích hợp: vàn và vàn thấp.

III. Kỹ thuật canh tác

1. Thời vụ gieo mạ và cấy: Chỉ gieo cấy trong vụ mùa, giao mạ xung quanh ngày 15/6; cấy từ 10/7 đến 15/7 dương lịch (mạ sau 25-30 ngày tuổi).

2. Kỹ thuật làm mạ:

2.1. Xử lý, ngâm, ủ hạt giống: thực hiện như hướng dẫn ở bài “Kỹ thuật ngâm, ủ mạ vụ mùa”.

2.2. Phương thức gieo mạ:

- Đất gieo mạ: Chọn ruộng có thành phần cơ giới nhẹ, đất cát pha, chân đất cao dễ tiêu thoát nước, tránh úng ngập khi mưa lớn.

- Làm đất: Đất cày, bừa ngả sớm, bừa nhuyễn, bằng phẳng, sạch cỏ, lên luống rộng 1,0-1,2m, cao 20-25cm, rãnh rộng 20-30cm, mặt luống hơi vồng để dễ thoát nước.

- Bón lót: 360 kg phân chuồng + 20 kg supe lân + 2 kg đạm Urê + 2 kg Kali cho 1 sào (tương đương: 1kg phân chuồng, 50 gam supe lân, 5 gam urê, 5 gam kaliclorua/1m2).

- Lượng giống gieo: 30 kg/sào Bắc bộ (tương đương 80 gam/1m2), gieo làm nhiều lần đảm bảo rải đều trên bề mặt luống.

3. Kỹ thuật cấy lúa:

3.1. Làm đất: Đất lúa cần phải cày sớm, ruộng làm dầm phải giữ nước, cày sâu, bừa kỹ làm đất nhuyễn, sạch cỏ dại, mặt ruộng bằng phẳng thuận lợi khi cấy đồng đều và điều tiết nước.

3.2. Kỹ thuật cấy:

- Tuổi mạ khi cấy: Cấy mạ non từ 3-5 lá, xúc mạ đi cấy.

- Mật độ cấy: 16 – 20 khóm/m2, cấy 1 dảnh/khóm. Cấy theo băng, luống: chiều rộng không vượt quá 1,6m. Cấy nông tay, không làm tổn thương cây mạ khi cấy. Mực nước trên ruộng từ 3-5cm để mạ nhanh bén rễ hồi xanh.

4. Phân bón và phương pháp bón phân:

Bảo đảm nguyên tắc bón cân đối, hợp lý, bón tập trung, bón sớm và bón sâu. Tăng cường sử dụng các loại phân bón đa yếu tố, phân chuyên dùng và phân hữu cơ tổng hợp, hạn chế sử dụng phân đơn. Cách bón và liều lượng bón căn cứ vào độ phì của đất và diễn biến thời tiết cụ thể.

- Lượng phân bón tính cho 1 sào (360m2) như sau: Phân chuồng 300-400 kg; đạm urê 3,5-4,5 kg, supe lân 10-15 kg, kaliclorua 3-4 kg.

- Phương pháp bón phân như sau:

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, phân lân, 50% lượng đạm, 40% lượng kali trước khi bừa cấy.

+ Bón thúc lần 1: Bón 40% lượng phân đạm khi lúa bắt đầu đẻ nhánh.

+ Bón thúc lần 2 (nuôi đòng): Bón nốt 10% số phân đạm và kali, nếu lúa vẫn có màu xanh đậm thì bớt đi 10% đạm và chỉ bón số Kali còn lại.

5. Điều tiết nước:

5.1. Giữ nước:

- Lần 1: Từ khi cấy đến sau khi bón phân thúc đẻ nhánh 7-15 ngày, kết hợp làm cỏ, trừ cỏ. Giữ nước trên mặt ruộng khoảng 5cm.

- Lần 2: Từ khi lúa phân hóa đòng (đứng cái) đến khi lúa chín sáp (chắc xanh) hay trước khi thu hoạch khoảng 15 ngày. Giữ nước trên mặt ruộng khoảng 5 cm.

5.2. Rút nước:

- Lần 1: Saukhi bón phân thúc đẻ nhánh đến khi lúa phân hóa đòng (đứng cái). Rút kiệt nước (đi vào ruộng chỉ hơi lún đất không bị lấm chân). Nếu ruộng khô thì tưới ẩm, không giữ nước trên ruộng.

- Lần 2: Từ khi lúa chắc xanh hay trước khi thu hoạch 15 ngày đến khi thu hoạch. Rút kiệt nước triệt để cho ruộng ở mức độ nẻ (đi vào không lún chân).

6. Phòng trừ sâu bệnh

6.1 Sâu đục thân 2 chấm:

Triều chứng gây hại: Xuất hiện những dảnh héo (giai đoạn đẻ nhánh) và bông bạc (giai đoạn trỗ chín).

Biện pháp phòng trừ: Khi mật độ trứng 0,3 – 0,5 ổ/m2 (giai đoạn đẻ nhánh), 0,2 – 0,3 ổ/m2 (giai đoạn làm đòng – trỗ bông), phun một trong các loại thuốc sau: Virtako 40 WG, Regent 800WG, Tango 800WG.

6.2. Sâu cuốn lá nhỏ:

* Triệu chứng gây hại: Sâu non nhả tơ cuốn dọc lá lúa thành một bao thẳng đứng hoặc bao tròn gập lại. Sâu nằm trong bao ăn biểu bì mặt trên và diệp lục của lá (không ăn biểu bì mặt dưới lá) theo dọc gân lá tạo thành những vệt trắng dài, các vệt này có thể nối liền nhau thành từng mảng. Do đó khi cấy lúa bị phá hại nặng thì lá bị trắng, làm giảm khả năng quang hợp, năng suất lúa giảm rõ rệt.

* Biện pháp phòng trừ: Khi mật độ sâu non 50 con/m2 (giai đoạn đẻ nhánh), 20 con/m2 (giai đoạn làm đòng – trỗ bông), phun một trong các loại thuốc sau: Virtako 40 WG, Regent 800WG.

6.3. Rầy nâu:

* Triệu chứng gây hại: Rầy nâu dùng vòi để chích hút nhựa cây làm cho cây lúa bị khô héo. Khi rầy nâu chích vào thân lúa, chúng để lại trên lá, thân một vệt nâu cứng, cản trở sự luân chuyển nước và chất dinh dưỡng làm thân, lá bị khô héo. Mật độ cao gây ra hiện tượng cháy rầy.

* Biện pháp phòng trừ: Khi mật độ rầy > 3.000 con/m2, phun một trong các loại thuốc sau: Panalty Gold 50EC, Chess 50WG, Superista 25EC, HiChes 50WG.

6.4. Bệnh bạc lá: do vi khuẩn Xanthomonasoryae gây ra.

* Triệu trứng gây hại: Bệnh thường xuất hiện từ mép lá, lan dần vào trong phiến lá hoặc kéo dài theo gân chính, nhưng cũng có khi vết bệnh xuất hiện từ giữa phiến lá rồi lan rộng ra. Vết bệnh lan theo đường gợn sóng màu vàng, mô bệnh xanh tái, vàng lục, lá nâu bạc, khô xác.

Thời tiết ẩm hoặc vào sáng sớm trên vết bệnh có giọt dịch màu vàng, vàng đục chứa vi khuẩn (gọi là keo vi khuẩn). Bệnh nặng làm cho toàn bộ phiến lá lúa bị khô cháy. Hạt bị lép lửng.

* Biện pháp phòng trừ: Phun một trong các loại thuốc sau: Sasa, Xanthomix, Staner, Kasumil.

IV. Thu hoạch, bảo quản

Tiến hành thu hoạch khi lúa chín 85-90%. Chọn ngày nắng ráo để thu hoạch. Sau khi thu hoạch đem tuốt lấy hạt, áp dụng biện pháp phơi dày, phơi đống, luống. Hạ độ ẩm trong hạt lúa từ từ xuống còn 12,5-13%, quạt sạch trấu, hạt lép sau đó đưa vào bảo quản, bảo đảm cho hạt gạo sau này giữ được mùi thơm và không bị gãy nát khi xay xát, chế biến. Thường phơi trong 2-3 nắng tùy thuộc vào điều kiện thời tiết. Trong trường hợp thu hoạch về chưa phơi được ngay (gặp trời mưa) thì cần phải rải mỏng để thóc không bị ẩm mốc, nảy mầm làm giảm chất lượng sản phẩm./.

27354-ky-thuat-gieo-nep-cai-hoa-vang.pdf

Từ khóa » Cây Lúa Nếp Cái Hoa Vàng