Hướng Dẫn Kỹ Thuật Trồng Cây Gỗ Tếch

Gỗ Tếch không chỉ có kết cấu tốt, vân lại đẹp, thớ to mịn mà còn không bị mối mọt tấn công do chứa nhiều dầu. Nó lại dẻo, dễ uốn cong, chịu lực cao. Nó được dùng để đóng thuyền, đóng thân ô tô, toa tàu hỏa, làm cầu cống, bến cảng, làm tà vẹt, xây nhà cửa và làm gỗ dán lạng rất tốt. Gỗ tếch được nhiều nơi thu mua. Thị trường thế giới cũng rất cần nhiều tếch.

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gỗ Tếch

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gỗ Tếch

Hiện nay, cây gỗ Tếch đang được nhiều người dân ở Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đăk Lăk, Kon Tum, Sơn La, Điện Biên, Tuyên Quang và nhiều nơi khác chọn trồng để lấy gỗ làm kinh tế. Ngay tại nhiều công viên ở các thành phố lớn, người ta cũng đưa tếch vào trồng làm cảnh, làm cây bóng mát.

Ý kiến chia sẻ của người trồng cây Tếch:

"So với cây keo lai – cây trồng rừng phổ biến từ trước đến nay thì cây tếch có chu kỳ khai thác dài hơn, từ khi trồng đến khi khai thác phải mất 10-11 năm. Tuy vậy, cây trồng này đã và đang được đơn vị lựa chọn là cây trồng rừng chính. Với cây keo sau 7 năm cho khai thác nhưng lợi nhuận thu được trung bình chỉ khoảng 40 triệu đồng/ha. Trong khi đó, cây tếch mặc dù sau 11 năm mới được khai thác nhưng có thể thu tới 600-800 triệu đồng/ha. Đặc biệt đối với đất người dân nhận khoán trồng rừng, giai đoạn 3 năm đầu trồng và chăm sóc, người dân vẫn có thể tận dụng để trồng những cây nông nghiệp ngắn ngày." - Ông Việt chia sẻ

Quy trình, kỹ thuật trồng cây gỗ Tếch được chia sẻ từ Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam: "Kỹ thuật trồng Tếch"

TẾCH

Tên khác: Giá tỵ

Tên khoa học: Tectona grandis Lin.f

Họ thực vật: Tếch (Verbenaceae)

1/ Đặc điểm hình thái

Cây gỗ lớn, sống lâu năm, thân thẳng, cao 20-25m, đường kính trung bình 40-50cm ở tuổi 40-50 năm, cây trưởng thành có thể tới 1m. Vỏ màu xám trắng, gốc có bạnh vè ở chiều cao gần sát đất. Cành non vuông, cạnh có phủ lớp lông màu rỉ sắt. Lá đơn mọc đối, phiến lá rộng 15-20cm, dài 20-25cm, lá thường rụng vào mùa khô để lại cành nhánh trơ trụi.

Tếch ra hoa tháng 5-6, hoa tự hình viên truỳ, hoa màu trắng, quả chín vào tháng 12-1 năm sau. Quả hạch cứng, bên ngoài có vỏ lụa bao bọc. 1 kg quả có 1500-2000 hạt, là loại hạt trung bình.

2/ Đặc tính sinh thái

Cây Tếch phân bố ở Ấn Độ, Myanma, Lào, Thái Lan, được nhập giống trồng ở Việt Nam từ những năm 1950. Tếch được trồng ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Tây Ninh, Đắc Lắc, Sơn La, Lai Châu, Phú Thọ, Tuyên Quang, Bắc Cạn.

Tếch là loài cây ưa sáng, có khả năng chịu được rét và nhiệt độ cao, lượng mưa từ 1200-2500mm, độ ẩm không khí bình quân năm 80%, có mùa khô và mùa mưa rõ rệt. Tếch mọc tốt ở đất có tầng dầy phát triển trên đá mẹ bazan, granít, phù sa sông, phù sa cổ, có thành phần cơ giới nhẹ, đất ít chua đến trung tính hoặc hơi kiềm, đủ ẩm nhưng thoát nước.

Tái sinh hạt và chồi tốt, có khả năng chịu lửa nên khi bị cháy chồi gốc vẫn phát triển mạnh.

3/ Giống và tạo cây con

Áp dụng tiêu chuẩn ngành 04TCN-25-2001 – quy phạm kỹ thuật trồng rừng Tếch của Bộ NN&PTNT.

Chọn cây mẹ lấy giống

Chọn cây 25-45 tuổi ở rừng giống chuyển hóa hay rừng giống đã được công nhận để lấy hạt giống. Cây mẹ là cây cao to, thẳng đẹp, tán đều không sâu bệnh, ít u bướu. Lấy giống vào tháng 2-3 khi quả chín, vỏ quả màu hơi vàng, nâu, xám nhạt. Quả thu hái về sát sạch vỏ, quạt sạch, phơi thật khô, loại bỏ hạt nhỏ, hạt sâu. Lấy những hạt to đường kính 0,8-1cm. Hạt bảo quản khô thông thường. Nếu gieo ngay tỷ lệ nảy mầm cao hơn. 1kg có khoảng 2000 hạt.

Vườn ươm

Chọn nơi đất tốt, bằng, thoát nước, gần đường giao thông, có hàng rào bảo vệ làm vườn ươm. Đất vườn ươm phải được cày bừa 3 lần cho đất nhỏ, tơi xốp. Lên luống rộng 1m, dài 10m. Đất luống gieo phải đập nhỏ, nhặt sạch cỏ; đất chua phải khử chua bằng vôi. Đất luống gieo được bón lót bằng phân chuồng hoai 4-5kg/m2. Trước khi gieo 1-2 tuần đất gieo phải được khử trùng bằng Benlat hoặc Bi58 đều có nồng độ 1% tưới 1 lít dung dịch/m2.

Xử lý hạt

Cho hạt vào túi, bao, rồi ngâm trong nước nóng 80-1000C trong 14-15 giờ, vớt ra rửa chua, phơi nắng. Ngâm – phơi như vậy 4 ngày liền rồi đem gieo. Gieo hạt vào đầu mùa xuân hay đầu mùa mưa.

Gieo hạt

Gieo theo rạch, cách nhau 20cm. Hạt cách hạt 4-5cm. Gieo xong lấp đất vừa kín hạt. Cũng có thể gieo vãi, tốn hạt hơn và khi ấy phải tỉa dặm để điều chỉnh mật độ. Tuỳ vùng có thể gieo xong cần che phủ bằng rơm, cỏ khô để giữ ẩm hoặc không che phủ (khi ấy phải tưới nước ngày 2 lần).

Gieo xong tưới đẫm nước, đảm bảo đất luôn đủ ẩm. Sau khoảng 1 tháng hạt nảy mầm. Thông thường tỷ lệ nảy mầm đạt 30-35%.

Tưới nước hàng ngày đủ ẩm, liên tục 1,5 tháng đầu. Sau đó 2-3 ngày tưới 1 lần.

Định kỳ làm cỏ phá váng 2lần/tháng, kết hợp tỉa cây mạ nơi dày cấy sang chỗ thưa. Từ tháng 6 đến tháng thứ 10 mỗi tháng 1 lần tưới đủ ẩm. Ngừng chăm sóc 2 tháng trước khi trồng.

Cây con ít bị sâu bệnh. Nếu có sâu bệnh hại thì dùng các loại thuốc thích hợp có bán trên thị trường theo hướng dẫn ghi trên nhãn để tưới.

Tiêu chuẩn cây con để tạo cây thân cụt: Cây con 1 tuổi, có đường kinh cổ rễ ³1cm, cao khoảng 0,5m, khoẻ mạnh, không bị sâu bệnh.

Kỹ thuật tạo thân cụt: Tưới đẫm nước, rồi dùng bay, xẻng bứng cây nhẹ nhàng, không làm dập cây, bong vỏ. Dùng dao sắc, mỏng lưỡi, đòn kê phẳng để chặt. Chặt vát một góc nghiêng 30-45o theo phương thẳng đứng, cách cổ rễ 3-4cm và không được dập cây. Thân cụt nên trồng hết trong ngày. Nếu không hết phải để nơi dâm mát, tưới đủ ẩm và không để quá 3 ngày. Nếu địa bàn trồng rừng cách xa vườn ươm, nơi tạo thân cụt, phải tiền hành hồ rễ phân cho bộ rễ giữ ẩm và gói bọc bằng bao tải, nilon, trước khi vận chuyển tới nơi trồng. Vận chuyển không làm dập thân và rễ cây, không để lộ cây ngoài nắng.

4/ Trồng và chăm sóc rừng

Tếch thích hợp ở nơi có khí hậu nóng ẩm, có hai màu mưa và khô rõ. Nhiệt độ bình quân năm 21-27oC. Nhiệt độ tối thấp tuyệt đối không dưới 1,7oC, nhiệt độ bình quân tối đa tháng nóng nhất là 400C, nhiệt độ bình quân tối thiểu tháng lạnh nhất là 13oC. Độ ẩm không khí bình quân năm 80-90%. Lượng mưa 1200-2500 mm/năm. Một năm có 3-5 tháng khô (lượng mưa <50mm/tháng).

Tếch thích hợp phát triển trên đất tương đối bằng có độ dốc <25o, phát triển trên các loại đá mẹ bazan, grannit, phù sa ven sông, phù sa cổ, thành phần cơ giới nhẹ, thoát nước, tầng dày ³50cm, có tỷ lệ mùn khá, ít chua đến kiềm nhẹ, độ pH=6,5-7,5. Tếch không thích hợp trồng trên đất mỏng bị kết von, đá ong, đất cát, đất xói mòn trơ sỏi đá, đất quá chua hoặc quá kiềm pHKCl dưới 4 hoặc trên 8, đất bị úng, sét nặng và glây.

Trồng vụ Xuân Hè vào đầu mùa mưa sau khi có 1 trận mưa rào hoặc trồng vụ Hè Thu. Tuỳ vùng mà định tháng trồng phù hợp.

Vào cuối năm, trước khi cuốc hố thực bì được phát toàn diện, chất thành nhiều đóng nhỏ cách xa nhau để đốt theo quy định phòng chống cháy, không để cháy lan.

Cuốc hố với kích thước 40x40x40cm; lớp đất mặt vun riêng 1 bên hố để khi lấp đưa xuống dưới hố. Lấp hố tiến hành trước khi trồng 1 tháng, đất lấp cao hơn miệng hố.

Phương pháp đảm bảo hiệu quả nhất là phương pháp trồng bằng cây thân cụt.

Trồng thuần loại hay trồng xen cây nông nghiệp. Trồng xen cây nông nghiệp theo phương thức nông lâm kết hợp. Mật độ trồng Tếch 1100 cây/ha (3x3m). Loài cây trồng xen có thể là một trong các loài: Đậu tương, Lạc, Ngô, Lúa nương, Đu đủ, Thuốc lá, Điều, Đậu tràm. Thời gian trồng xen là 2 năm. Trồng thuần loại với mật độ 1660 cây/ha hoặc 2200 cây/ha (3x2m; 3×1,5m)

Dùng cuốc trộn đều đất trong hố, lấp thêm đất, sau đó đào hố nhỏ sâu hơn 20cm, đặt stump vào cho đứng thẳng, dùng tay vun đất, nén chặt xung quanh, thân cụt nhô cao 2cm trên mặt đất.

Chăm sóc liên tục trong 3 năm đầu:

Năm thứ nhất: Sau khi trồng chậm nhất 3 tháng phải tiến hành chăm sóc. Nhiệm vụ chăm sóc là phát dọn thực bì, rẫy cỏ xới vun quanh gốc 1m. Nếu trồng vụ Xuân Hè thì phải chăm sóc 2 lần vào quý 3 và quý 4. Nếu trồng vụ Hè Thu thì chăm sóc 1 lần. Cần trồng dặm để đảm bảo mật độ ban đầu.

Năm thứ hai: Chăm sóc hai lần như năm thứ nhất.

Năm thứ ba: Cũng chăm sóc hai lần như năm thứ hai.

5/ Khai thác, sử dụng

Gỗ tếch có màu vàng nhạt, giác và lõi phân biệt, thớ gỗ thẳng, mịn có chứa dầu. Tỷ trọng gỗ 0,7, gỗ bền, ít co dãn, không bị cong vênh, nứt nẻ. Gỗ tếch không bị mối mọt và hà ăn. Gỗ tếch chịu lực cao nhưng lại dễ uốn vì thế có thể dùng đóng tầu, thuyền, toa xe, ô tô, làm nhà, cầu cống, chế biến gỗ dán, lạng.

Nhiều vùng ở nước ta có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp để trồng Tếch. Có thể trồng rừng tập trung hoặc phân tán, thuần loại hoặc nông lâm kết hợp ở những nơi đất tốt như các tỉnh miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, trồng kết hợp với Cà phê, Ca cao, Đào lộn hột và các loại cây nông nghiệp khác trong 3-5 năm đầu.

Tỉa thưa 3-4 lần theo cấp tuổi, có số cây để lại tuỳ theo cấp đất và điều kiện sử dụng.

  1. Trang chủ
  2. Trồng trọt
  3. Kỹ thuật trồng
  4. Cây giống
  5. Giống cây Lâm Nghiệp
  6. Giống cây Tếch
Share Share Tweet Share Pin 0 Tumblr

Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gỗ Tếch Trồng trọt, Kỹ thuật trồng, Cây giống, Giống cây Lâm Nghiệp, Giống cây Tếch

Đăng bởi Mai Tâm Tags: chăm sóc cây gỗ tếch, kỹ thuật trồng cây gỗ Tếch, quy trình trồng cây tếch, trồng cây gỗ tếch

Các bài viết liên quan đến Hướng dẫn kỹ thuật trồng cây gỗ Tếch, Trồng trọt, Kỹ thuật trồng, Cây giống, Giống cây Lâm Nghiệp, Giống cây Tếch

  • Có nên trồng cây vối trước cửa nhà? 462
  • Cách trồng cây Vối trong chậu tại nhà 327
  • 5 bước trồng cây trà xanh trong chậu đơn giản tại nhà phố, sân thượng, ban công 283
  • Cách trồng cây trà xanh tại nhà 332
  • Phân biệt công dụng của hai loại cây cùng có tên “bồ đề” 300
  • Kỹ thuật trồng cây Hồng Xiêm chiết cành nhanh ra quả 20123
  • Chia sẻ cách trồng rau thơm tại nhà, vừa sạch vừa ngon 4801
  • Hướng dẫn trồng rau sạch tại nhà trong thùng xốp đơn giản 4626
  • Cách trồng rau sạch tại nhà bằng phương pháp thuỷ canh đơn giản 3849
  • Trồng rau sạch tại nhà với phương pháp đơn giản, dễ trồng và hiệu quả 3073

Từ khóa » Trồng Cây Gỗ Tếch Lai