Hướng Dẫn Lâm Sàng Xử Trí U Xơ Cơ Tử Cung (P4) | BvNTP
Có thể bạn quan tâm
ĐIỀU TRỊ VÀ THEO DÕI
Phụ nữ mang thai có UXCTC gây ra triệu chứng đau có thể cần phải nhập viện để được điều trị phù hợp.
Điều trị hỗ trợ và giảm đau acetaminophen là can thiệp ban đầu. Những thuốc giảm đau opioid với liều chuẩn hoặc giảm đau non-steroids kéo dài trong 48 giờ có thể được dùng nếu như các biện pháp giảm đau khác không hiệu quả. Giảm đau với ibuprofen (indomethacin) chỉ nên được sử dụng đối với những thai nhỏ hơn 32 tuần do nguy cơ có thể làm đóng ống động mạch sớm, làm tăng áp phổi sơ sinh, đa ối, và thậm chí là rối loạn chức năng tiểu cầu cho thai (Dildy và cs, 1992).
Mổ lấy thai (MLT) trên thai phụ có UXCTC chỉ nên thực hiện khi có chỉ định sản khoa (UXCTC tiền đạo) hoặc chỉ định liên quan đến thai (ngôi bất thường, CD ngưng tiến triển, thai suy cấp).
Không nên phẫu thuật bóc UXCTC trong MLT một cách thường quy. Cần đánh giá kỹ nguy cơ - lợi ích cũng như cân nhắc kỹ năng và kinh nghiệm của phẫu thuật viên, lượng máu dự trù, số lượng, vị trí và kích thước của UXCTC.
Không có sự liên quan giữa phẫu thuật bóc UXCTC trong MLT với những kết cục bất lợi lâu dài.
Những UXCTC nằm ở thành trước đoạn dưới tử cung có tiên lượng mổ lấy thai khó hơn u xơ nằm ở các vị trí khác. UXCTC nằm thấp đoạn dưới có khả năng gây bế sản dịch sau mổ dẫn đến biến chứng viêm nội mạc tử cung nếu không được xử trí kịp thời. Do đó có thể cân nhắc bóc nhân xơ khi mổ lấy thai. Hậu sản hay hậu phẫu mổ lấy thai ở những bệnh nhân có UXCTC đoạn dưới, cần đánh giá sản dịch mỗi ngày về lượng, tính chất (màu, mùi) và khám âm đạo, cổ tử cung, đánh giá sinh hiệu để phát hiện kịp thời dấu hiệu bế sản dịch. Nếu có hiện tượng bế sản dịch, cần nong cổ tử cung để xử trí.
Bóc UXCTC ở vị trí thành trước đoạn dưới tử cung, UXCTC có cuống, dưới thanh mạc (L5-6-7) trong cuộc MLT không liên quan đến các yếu tố bất lợi quanh phẫu thuật và được xem là an toàn.
Ở những bệnh nhân đã từng bóc UXCTC đoạn dưới tử cung trong lúc MLT, có thể cho thử sinh ngả âm đạo ở những lần mang thai kế, nhưng phải theo dõi rất sát.
NHỮNG ĐIỀU CẦN GHI NHỚ VỀ XỬ TRÍ U XƠ CƠ TỬ CUNG
UXCTC là khối u vùng chậu lành tính thường gặp nhất ở phụ nữ.
Yếu tố nguy cơ gồm: chủng tộc da đen, tuổi, tình trạng tiền mãn kinh, cao huyết áp, bệnh sử gia đình, thời gian kể từ lần sinh trước dài (hơn 5 năm), phụ gia thực phẩm và sữa đậu nành. Yếu tố giảm nguy cơ gồm hút thuốc lá, chỉ số khối cơ thể thấp, đa sản, dùng thuốc viên ngừa thai hay DMPA.
Bệnh lý UXCTC không được hiểu rõ tuy nhiên nội tiết steroids đóng vai trò then chốt. Trong đó thụ thể progesterone đóng vai trò quyết định trong sự phát triển của UXCTC.
Đa số không có triệu chứng lâm sàng.
Phân loại UXCTC theo FIGO góp phần giải thích triệu chứng mà khối u gây ra cũng như ảnh hưởng đến phương pháp và kết quả điều trị. U xơ dưới niêm mạc thường được phân loại theo STEP-w.
Cần chẩn đoán phân biệt với bệnh tuyến-cơ tử cung (adenomyosis) và sarcoma cơ trơn tử cung (leiomyosarcoma), xuất huyết tử cung bất thường và khối u vùng chậu như u buồng trứng.
Biến chứng thường gặp của UXCTC là xuất huyết tử cung bất thường, thoái hóa, đau và chèn ép. Biến chứng hiếm gặp gồm thuyên tắc mạch, suy thận, xuất huyết trong phúc mạc, huyết khối tĩnh mạch mạc treo ruột và thoái hóa mủ. Thoái hóa ác rất hiếm.
Siêu âm là phương pháp đầu tay giúp chẩn đoán UXCTC và phân biệt với bệnh tuyến-cơ tử cung (adenomyosis). MRI là phương pháp chẩn đoán hình ảnh chính xác nhất cho phát hiện, vị trí và phân loại khối u. CT giá trị thấp do không phân định được u với niêm mạc hay cơ tử cung. Siêu âm bơm nước lòng tử cung được đề nghị cho u xơ dưới niêm mạc. Siêu âm 3 D và nội soi buồng tử cung giá trị giới hạn trong chẩn đoán. Siêu âm màu không giúp phân biệt u lành hay ác.
ĐIỀU TRỊ
Phụ nữ không có triệu chứng: cần theo dõi cẩn thận sự phát triển của u
Nên theo dõi định kỳ mỗi năm trừ trường hợp UXCTC gây thận ứ nước mức độ trung bình hay nặng, hoặc u xơ dưới niêm mạc và muốn có thai.
Phụ nữ mãn kinh: phần lớn sau mãn kinh khối u sẽ thoái triển, tuy nhiên phụ nữ béo phì và dùng nội tiết thay thế u xơ sẽ không nhỏ đi.
Nên loại trừ sarcoma ở phụ nữ mãn kinh khi có u vùng chậu lớn nhanh hay mới xuất hiện. Tần suất sarcoma là 1-2% ở phụ nữ mãn kinh nếu u to nhanh, hay mới xuất hiện, ra huyết âm đạo bất thường hay đau vùng chậu.
Điều trị nội khoa UXCTC
Điều trị giảm chảy máu nhiều và giảm kích thước khối u
Gồm kháng viêm non-steroids, thuốc viên ngừa thai kết hợp, Letrozole, Carbegoline, Progesterone và chất điều hòa chọn lọc thụ thể estrogen: qua các nghiên cứu RCT cho mức độ chứng cứ thấp.
RCT cho thấy LNG-IUS giảm mất máu và giảm kích thước khối u so với thuốc viên ngừa thai kết hợp tuy nhiên mẫu nhỏ (n=58).
Dùng GnRH đồng vận trước phẫu thuật là có hiệu quả hơn so với progesterone uống và LNG-IUS trong cường kinh nặng và giảm kích thước UXCTC. Hầu hết các UXCTC sẽ phát triển trở lại ngay khi ngưng GnRH. Nếu điều trị GnRH kéo dài hơn 6 tháng sẽ gây thiếu hụt estrogen và progesterone.
Chất điều hòa chọn lọc thụ thể progesterone (SPRM): hiệu quả điều trị giảm xuất huyết nặng và giảm kích thước khối UXCTC. So với GnRH, điều trị với SPRM ít tác dụng phụ hơn và cho hiệu quả kéo dài hơn. SPRM gây biến đổi nội mạc tử cung nhưng sẽ hồi phục hoàn toàn sau điều trị.
Điều trị phẫu thuật UXCTC có triệu chứng
Điều trị phẫu thuật UXCTC cần phải được tư vấn đầy đủ và ký cam kết, lựa chọn phương pháp phẫu thuật dựa trên nhu cầu sức khỏe của bệnh nhân. Trong bối cảnh có nhiều tiến bộ trong điều trị nội khoa và mối quan ngại về tăng nguy cơ mãn kinh sớm 2-3 năm trên phụ nữ cắt tử cung chừa 1-2 buồng trứng, chỉ định phẫu thuật cần được cân nhắc thực hiện trên từng đối tượng cụ thể.
Các phẫu thuật gồm bóc nhân xơ cơ tử cung (nội soi, mở bụng) cắt tử cung (nội soi, mở bụng), nội soi buồng tử cung cắt nhân xơ. Lựa chọn loại phẫu thuật tùy thuộc vào: triệu chứng, vị trí kích thước số lượng nhân xơ, tuổi, số con và mong muốn có thai trong tương lai, tùy thuộc vào phẫu thuật viên và trang thiết bị của bệnh viện.
Bóc u xơ cơ tử cung
Ở người muốn bảo tồn tử cung chỉ định bóc UXCTC cho trường hợp u xơ có biến chứng gây chảy máu nặng, đau, chèn ép, vô sinh và sẩy thai tái phát. Phụ nữ nên được tham vấn về nguy cơ cắt tử cung trong lúc phẫu thuật. Khoảng 15% u xơ sẽ tái phát và khoảng 10% u xơ tái phát phải mổ lại cắt tử cung 5- 10 năm sau khi phẫu thuật.
Mở bụng nên thực hiện đối với những u xơ lớn. Có thể mở bụng với đường rạch da nhỏ cho những u xơ lớn hay đa u xơ. Nội soi bóc nhân xơ nên thực hiện ở những khối u xơ dưới thanh mạc hay trong cơ. Có thể kết hợp nội soi bóc nhân xơ và mở bụng nhỏ trong những ca UXCTC lớn và nhiều nhân. Robot trợ giúp nội soi bóc nhân xơ cho đến nay không thấy có lợi so với chỉ nội soi.
Nội soi buồng tử cung là chọn lựa đầu tiên cho bóc nhân xơ trong buồng tử cung.
Bóc nhân xơ qua ngả âm đạo có thể thực hiện ở những nhân xơ nằm ở cùng đồ sau.
Nguy cơ vỡ tử cung ở thai phụ có tiền căn mổ bóc UXCTC. Nguy cơ 0-4% nếu mở bụng 0-10% nếu nội soi bóc u. Tránh đốt nhiều và khâu nhiều lớp khi bóc nhân xơ để giảm nguy cơ vỡ tử cung khi có thai. Hiện nay máy bào không nên sử dụng khi bóc nhân xơ nội soi do nguy cơ làm rơi vãi tế bào ung thư, ổ bụng bệnh nhân không được biết là ung thư tử cung. Nên lấy u trong bao.
Cắt tử cung
Cắt tử cung là điều trị triệt để cho những trường hợp UCTC có biến chứng. Chỉ định: UXCTC không có triệu chứng nhưng to ở phụ nữ mãn kinh không dùng nội tiết thay thế. UXCTC gây xuất huyết mà điều trị nội khoa thất bại, UXCTC có triệu chứng nặng, đủ con, mong muốn được điều trị triệt để.
Điều trị thay thế phẫu thuật
Thuyên tắc động mạch tử cung (Nút mạch tử cung - UAE) có thể cân nhắc thay cho phẫu thuật ở phụ nữ UXCTC có biến chứng nhưng không còn muốn duy trì khả năng sinh sản. Tuy nhiên hiệu quả của phương pháp này không cao.
UAE chống chỉ định ở UXCTC có cuống, dưới niêm mạc, kích thước u quá lớn, có tiền căn thắt động mạch hạ vị và chưa có con. Sau UAE có 14,4% cần phải can thiệp thêm như mổ cắt tử cung, bóc nhân xơ.
Cho đến nay bằng chứng yếu về hiệu quả của siêu âm tần số cao dưới hướng dẫn của MRI trong điều trị UXCTC.
UXCTC dưới niêm
GnRH và SPRM hiệu quả giảm chảy máu ở phụ nữ trong tuổi sinh sản có nhân xơ dưới niêm (bằng chứng mạnh).
Leuprolide và SPRM trước phẫu thuật nội soi cho hiệu quả cải thiện kết cuộc phẫu thuật, nhưng hiện nay chưa có bằng chứng dùng thường quy trước nội soi buồng tử cung cắt nhân xơ dưới niêm mạc.
Nội soi buồng tử cung hiệu quả trong cắt UXCTC dưới niêm, cân nhắc nội soi bụng hay mở bụng trong trường hợp phức tạp UXCTC kích thước > 4cm). Nội soi buồng tử cung cắt nhân xơ sẽ làm tăng tỷ lệ có thai ở phụ nữ vô sinh.
Các phương pháp làm chín muồi cổ tử cung như laminaria, prostaglandin E1 làm giảm thời gian phẫu thuật nội soi buồng tử cung.
Chuẩn bị phẫu thuật
Trước phẫu thuật các GnRH và SPRM làm cải thiện kết cuộc phẫu thuật, chất ức chế aromatase, thảo dược không có bằng chứng có lợi, Danazol có hại (chứng cứ mạnh).
Trong phẫu thuật: tiêm vasopressin giảm chảy máu khi bóc u (bằng chứng mạnh). Bằng chứng yếu khi tiêm bupivacain kết hợp epinephrine, tranexamic acid, dinoprostone, buột quanh cổ tử cung hay quanh cổ tử cung và dây chằng rộng để giảm chảy máu khi bóc nhân xơ. Oxytocine, kẹp động mạch tử cung tạm thời không có hiệu quả giảm mất máu.
Tránh dính: không có hiệu quả.
UXCTC và hiếm muộn
UXCTC ảnh hưởng xấu lên khả năng sinh sản do yếu tố cơ học và sinh học. Nên nội soi buồng tử cung cắt nhân xơ dưới niêm để làm tăng tỷ lệ có thai. Chưa đủ bằng chứng bóc u xơ kích thước lớn trong cơ sẽ tăng tỷ lệ có thai. Nếu bệnh nhân làm thụ tinh trong ống nghiệm thất bại nên cân nhắc bóc UXCTC. UXCTC dưới thanh mạc không ảnh hưởng đến vô sinh. UXCTC dưới niêm và gây biến dạng lòng tử cung gây sẩy thai liên tiếp và thất bại làm tổ nhiều lần nên được phẫu thuật.
UXCTC và thai
Tần suất khoảng 2,7%. Thường to lên trong tam cá nguyệt 1 và 2 của thai kỳ, thoái triển ở tam cá nguyệt 3 hay hậu sản.
UXCTC có thể gây sinh non, ối vỡ non, nhau tiền đạo, nhau bong non, thai chậm phát triển trong tử cung, thai chết, băng huyết sau sinh, ngôi bất thường, chuyển dạ kéo dài.
Không nên bóc nhân xơ thường quy khi mổ lấy thai ở thai phụ có nhân xơ cơ tử cung, cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ, khả năng mất máu, trình độ và kinh nghiệm của phẫu thuật viên, vị trí kích thước của u xơ và lựa chọn của bệnh nhân.
TÓM TẮT HƯỚNG DẪN THỰC HÀNH LÂM SÀNG XỬ TRÍ U XƠ CƠ TỬ CUNG (UXCTC)
Chủ yếu là u lành tính của tử cung, tỷ lệ thoái hóa ác tính rất thấp (# 0,16 - 0,28%).
Tiến triển thường chậm, lặng lẽ, qua nhiều năm, không triệu chứng; nếu u to nhanh, nhất là ở tuổi quanh mãn kinh hoặc sau mãn kinh, (khoảng từ 40 đến 60), cần nghĩ ngay đến thoái hóa ác tính.
U phụ thuộc vào hormones sinh dục, estrogens, progesterone, và testosterone.
U có thể gây ra nhiều biến chứng nặng, thường gặp nhất do vị trí các khối u, là xuất huyết tử cung bất thường (XHTCBT) và các triệu chứng do chèn ép các cơ quan lân cận. UXCTC có thể có ảnh hưởng đến thai kỳ, hiếm muộn, sẩy thai và sẩy thai liên tiếp.
FIGO (Hiệp hội Sản Phụ Khoa Quốc tế) đưa ra bảng phân loại mới, năm 2011, đã được đồng thuận sử dụng trên toàn cầu, dựa trên vị trí và số lượng khối u.
Chẩn đoán dựa vào triệu chứng lâm sàng và siêu âm đầu dò âm đạo, siêu âm ngả bụng, siêu âm có bơm nước, siêu âm Doppler. Đôi khi, để chẩn đoán phân biệt, cần có cộng hưởng từ (MRI).
Điều trị:
Xu hướng hiện nay là giảm bớt chỉ định phẫu thuật cắt tử cung, kể cả bóc nhân xơ vì đã có nhiều loại thuốc giúp điều trị nội khoa rất hiệu quả.
Nếu u không có triệu chứng: không điều trị mà chỉ cần theo dõi các triệu chứng XHTCBT và triệu chứng chèn ép. Đối với phụ nữ tuổi mãn kinh cần theo dõi tiến triển sang ác tính, nhất là khi u to nhanh. Hướng dẫn bệnh nhân khám phụ khoa định kỳ 6 - 12 tháng một lần, mỗi lần gặp, nên hỏi và đánh giá kỹ các triệu chứng lâm sàng, siêu âm theo dõi sự phát triển của khối u.
Nếu u có triệu chứng XHTCBT nặng hoặc chèn ép nặng, nhất là ở người đã lớn tuổi, có đủ con, nên cân nhắc chỉ định phẫu thuật sau khi tư vấn kỹ về các thuận lợi và nguy cơ của từng biện pháp điều trị và để bệnh nhân tự lựa chọn, có cam kết bằng văn bản. Nếu có UXCTC loại L0, L1, L2: điều trị nội khoa để chấm dứt xuất huyết, tiến hành nội soi buồng tử cung, cắt các khối u. Nếu bệnh nhân chưa cần có thai ngay, có thể đặt dụng cụ tử cung có chứa progestin (levonorgestrel) để ngăn chặn dính buồng tử cung và tái phát triệu chứng.
Nếu các triệu chứng không nặng: có thể điều trị nội khoa ngay, kể cả các trường hợp đa nhân xơ hay nhân xơ to, loại L3.
CÁC THUỐC CÓ THỂ SỬ DỤNG TRONG ĐIỀU TRỊ NỘI KHOA UXCTC
Tranexamic acid chống ly giải fibrin. Có thể sử dụng:
Đường uống: viên Transamin 250 mg hoặc 500 mg, 1viên x 3 lần mỗi ngày đến khi ngưng xuất huyết. Liều tối đa: 750 mg- 2000 mg/24giờ.
Hoặc đường tiêm (ống thuốc có hàm lượng 250 mg hoặc 500 mg/5mL): 250 - 500 mg/ngày tiêm bắp hay tĩnh mạch, dùng 1 - 2 lần/ngày trước khi mổ hoặc nếu xuất huyết trong hay sau phẫu thuật 500 -1000 mg/lần tiêm tĩnh mạch hoặc 500 - 2500 mg pha trong 500 mL dung dịch glucose 5% hay dung dịch có chất điện giải, truyền nhỏ giọt tĩnh mạch 24 giờ.
Cẩn thận trên bệnh nhân đang điều trị huyết khối tĩnh mạch, suy thận hay quá mẫn với thuốc.
Thuốc viên nội tiết kết hợp tránh thai (TVNTKHTT) có thể sử dụng nhưng hiệu quả thường chậm.
Các loại Progestins, uống hay đặt trong dụng cụ tử cung (LNG-IUS - vòng Mirena), hiện nay ít sử dụng vì sợi cơ của UXCTC có nhiều thụ thể progesterone cũng như estrogens nên có thể làm u to lên. Vòng Mirena có thể được sử dụng sau khi điều trị ngưng XHTCBT.
GnRH đồng vận ức chế tuyến yên chế tiết FSH và LH sau tiêm khoảng 7 - 10 ngày (do tác dụng flare-up ngay sau tiêm). Do ức chế nội tiết nên giảm các hormones steroids ở buồng trứng, khối UXCTC giảm thể tích, giảm xuất huyết tử cung. Khi ngưng thuốc, khối u to trở lại cùng với các triệu chứng. Liều sử dụng: Zoladex 3,6 mg hoặc Dipherelin 3,75 mg mỗi ống, tiêm dưới da hoặc tiêm bắp, 4 tuần một lần. Có thể tiêm tối đa 6 lần vì các tác dụng phụ gây triệu chứng giống mãn kinh và làm giảm mật độ xương. Có thể sử dụng GnRH đồng vận 3 tháng, ngưng khoảng 2 tuần trước mổ.
Thuốc điều hòa thụ thể progesterone có chọn lọc (SPRMs):
Mifepristone: (sử đụng off-label để điều trị UXCTC), chủ yếu gắn vào thụ thể PR-A nên có thể làm giảm thể tích khối u và tử cung khoảng 50% sau 3 tháng và cũng làm ngưng XHTCBT. Liều sử dụng: có thể 5-10 mg, uống mỗi ngày một viên đến khi ngưng xuất huyết. Mifepristone có thể gây dày NMTC, nhưng không phải là tăng sản hay ung thư. Cần theo dõi độ dày NMTC trong khi uống. Do cơ chế tác dụng là ức chế nội tiết nên khi ngưng sử dụng, có tái phát.
Ulipristal acetate (UPA): Cơ chế tác dụng là làm tăng chết tế bào theo lập trình (apoptosis) và làm giảm mô nền trong khối u nên ít tái phát sau khi ngưng thuốc. UPA không có tác dụng trên sợi cơ bình thường của khối u, không ức chế trục hạ đồi-tuyến yên-buồng trứng nên không gây triệu chứng mãn kinh như GnRH đồng vận. Uống UPA 5 mg, một viên mỗi ngày có thể làm ngưng XHTCBT trên 91% bệnh nhân và làm ngưng xuất huyết sau 10 ngày điều trị trên 50% bệnh nhân, kích thước khối u giảm 25% sau 13 tuần.
Cách sử dụng UPA:
Khám và xét nghiệm toàn diện, chú ý chức năng gan trước khi cho sử dụng UPA. Nếu AST và/hoặc ALT tăng gấp 2 lần giá trị cao bình thường, không cho sử dụng.
Uống UPA 5 mg, mỗi ngày 1 viên x 3 tháng một đợt. Trong khi điều trị, xét nghiệm chức năng gan mỗi tháng một lần, nếu AST và/hoặc ALT tăng gấp 2 lần, ngưng sử dụng. Sau 13 tuần, ngưng sử dụng và xét nghiệm lại chức năng gan khoảng 2 -3 tuần sau.
Nếu chức năng gan vẫn bình thường, cho uống tiếp đợt 2 sau khi nghỉ thuốc 2 tháng, liều lượng và theo dõi như trên.
Nếu cần thiết, có thể ho uống đến 4-8 đợt, hai đợt cách nhau 2 tháng.
Những đợt sau, chỉ xét nghiệm trước và sau mỗi đợt điều trị.
Tác dụng phụ UPA: nhức đầu, đau bụng, căng ngực, làm dày NMTC nhưng không phải tăng sản hay ung thư. Có thể liên quan đến tổn thương gan nhưng chưa đủ chứng cứ, tỷ lệ 8/765000 bệnh nhân đã và đang sử dụng. Sau điều trị, bệnh nhân có thể có thai tự nhiên hay hỗ trợ. UPA có thể giảm chỉ định phẫu thuật cắt tử cung trước điều trị UPA.
Điều trị nội khoa UXCTC bằng UPA là một biện pháp:
Có thể sử dụng trước phẫu thuật làm nhỏ khối u và tử cung, cải thiện tình trạng thiếu máu.
Có thể sử dụng lâu dài.
Có thể thay thế phẫu thuật, nhất là cho phụ nữ sắp mãn kinh hoặc mong muốn có con, đáp ứng nguyện vọng giữ tử cung một cách an toàn cho hầu hết bệnh nhân.
ĐIỀU TRỊ NGOẠI KHOA UXCTC
Một số trường hợp có thể vẫn cần chỉ định điều trị ngoại khoa: phẫu thuật bóc nhân xơ tử cung hoặc cắt tử cung:
Bóc nhân xơ tử cung: đối với những phụ nữ
Có UXCTC có biến chứng nhưng vẫn muốn giữ TC mà điều trị nội khoa không thành công hoặc tiên lượng khó thành công vì u to, nhiều nhân, muốn được điều trị nhanh để mang thai.
Có UXCTC gây hiếm muộn hoặc sẩy thai liên tiếp, thường là khối u nằm trong buồng TC hoặc dưới niêm mạc TC (L0, L1, L2).
Bệnh nhân trẻ, có UXCTC gây XHTCBT nặng, thiếu máu và/hoặc làm biến dạng buồng TC, hoặc gây đau vùng chậu không thể chịu đựng thêm.
Cắt tử cung và hai ống dẫn trứng: đối với những phụ nữ
Có UXCTC nghi ngờ thoái hóa ác tính.
Có quá nhiều nhân xơ, dự kiến còn rất ít hoặc không còn mô lành sau khi bóc hết nhân xơ.
Trong khi bóc nhân xơ mà không kiểm soát được chảy máu.
Phụ nữ lớn tuổi đã có đủ con.
Có bệnh lý kèm theo như lạc NMTC nặng, hoặc có bệnh lý cổ TC.
Nếu khi mổ cắt TC quá khó vì TC dính nhiều với ruột và các cơ quan lân cận, có thể cắt TC bán phần và 2 ống dẫn trứng.
Đối với bệnh nhân trên 50 tuổi, cần giải thích, cung cấp thông tin, và thảo luận trước với bệnh nhân về việc nên cắt 2 buồng trứng, khi bệnh nhân và gia đình có quyết định đồng ý hay không đồng ý, nên đề nghị nêu rõ trong tờ cam kết đồng thuận.
Cần tư vấn kỹ:
Có thể cắt TC qua mổ hở thành bụng hay qua nội soi, đường âm đạo hay ngả bụng.
Các nguy cơ và tai biến của từng phương pháp.
Cung cấp thông tin đầy đủ như, cắt TC, dù có để lại 2 buồng trứng, vẫn có thể làm cho phụ nữ mãn kinh sớm 2-3 năm...
Cắt 2 ống dẫn trứng kèm với cắt TC là để giảm tỷ lệ ung thư buồng trứng.
Cắt TC làm thay đổi cấu trúc sàn chậu, có thể làm gia tăng tỷ lệ sa tạng chậu sau mổ.
Nếu bệnh nhân và gia đình không hiểu rõ ảnh hưởng của việc cắt TC, có thể đưa đến rối loạn chức năng tâm lý, giảm libido, ảnh hưởng hạnh phúc gia đình sau này.
Chọn phương pháp phẫu thuật để bóc nhân xơ hay cắt TC: có thể bằng mổ bụng hở hay nội soi, ngả bụng hay đường âm đạo, tùy theo các điều kiện có phẫu thuật viên được đào tạo đúng mức và nhiều kinh nghiệm, có trang bị máy nội soi và dụng cụ đầy đủ, cơ sở có khả năng cấp cứu tốt, có đủ cơ số máu và các thành phần của máu. Phải cân nhắc thận trọng trong tư vấn cho bệnh nhân, giải thích và thông tin đầy đủ về thuận lợi cũng như nguy cơ, tai biến có thể có, để bệnh nhân cùng bác sĩ chọn cách xử trí thích hợp nhất.
Tuy bệnh nhân có tham gia vào quyết định chọn phương pháp phẫu thuật, nhưng chúng ta cần nhớ, bác sĩ phẫu thuật viên và gây mê hồi sức vẫn là người chịu trách nhiệm chính khi có tai biến xảy ra.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
facebook.com/BVNTP
youtube.com/bvntp
Từ khóa » Nhân Xơ Trong Cơ Tử Cung
-
Nhân Xơ Tử Cung Có Nguy Hiểm Không? | Vinmec
-
Nhân Xơ Tử Cung Là Gì Và Nguyên Nhân Nào Dẫn đến Bệnh? | Medlatec
-
Nhân Xơ Tử Cung: Dấu Hiệu Nhận Biết Và Biến Chứng Thường Gặp
-
Nhân Xơ Tử Cung Là Gì? Nó ảnh Hưởng Tới Việc Mang Thai Không?
-
U Xơ Tử Cung: Nguyên Nhân, Triệu Chứng, Chẩn đoán Và Phòng Ngừa
-
NHÂN XƠ TỬ CUNG
-
Biết được 5 điều Này, Bạn Sẽ An Tâm "sống Chung" Với Nhân/u Xơ Tử ...
-
U Xơ Tử Cung - Cẩm Nang MSD - Phiên Bản Dành Cho Chuyên Gia
-
U Xơ Tử Cung (nhân Xơ Tử Cung): Mọi điều Cần Biết - Hello Bacsi
-
Sự Khác Biệt Của U Xơ Tử Cung ở 3 Vị Trí Khác Nhau
-
Bệnh Học U Xơ Tử Cung ⋆ Hồng Ngọc Hospital
-
Những Dấu Hiệu Của Bệnh U Xơ Tử Cung
-
Một Số điều Cần Lưu ý để Phòng Tránh Bệnh U Xơ Tử Cung | TCI Hospital