Hướng Dẫn Mẹ Cách Chăm Sóc Trẻ Bị Tiêu Chảy - VNVC

Không phải là bệnh khó chữa nhưng tiêu chảy luôn là một trong những nguyên nhân gây tử vong cao nhất ở trẻ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi. Các chuyên gia khuyến cáo, nếu không có biện pháp phòng ngừa, điều trị và chăm sóc trẻ bị tiêu chảy đúng cách, bệnh có khả năng trở nặng, làm ảnh hưởng đến sức khỏe, sa sút trí tuệ và tác động trực tiếp đến tương lai của trẻ nhỏ.

cách chăm sóc trẻ bị tiêu chảy

Bác sĩ Tạ Thị Minh Đa cho biết: tiêu chảy là đi tiêu phân lỏng nhiều hơn 3 lần trong 24 giờ. Riêng trẻ sơ sinh bú mẹ sẽ đi tiêu nhiều hơn 5-6 lần trong ngày, phân có nhiều nước thì gọi là tiêu chảy ở trẻ sơ sinh. Tiêu chảy có thể gây ra tình trạng mất nước nghiêm trọng, đe dọa tính mạng chỉ trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, thường gặp hơn là gây suy dinh dưỡng cho trẻ vì giảm hấp thu do tổn thương niêm mạc ruột. Do đó, phụ huynh cần chăm sóc theo dõi trẻ cẩn thận và đưa trẻ đi bác sĩ ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu, buồn ngủ, tiểu ít và thiếu nước.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính, ở các nước đang phát triển, tiêu chảy là bệnh phổ biến ở trẻ em, là nguyên nhân gây bệnh tật và tử vong cho trẻ. Trong đó 80% tử vong xảy ra ở trẻ dưới 2 tuổi.

Khi bị tiêu chảy, trẻ không những bị mất mất nước mà còn mất chất điện giải, chất khoáng như kali và natri. Đó đều là những chất quan trọng trong các hoạt động của cơ thể. Do vậy, bố mẹ cần chăm sóc dinh dưỡng, cho trẻ ăn uống hợp lý, khoa học để nâng cao hiệu quả bù nước và chất điện giải cho cơ thể.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý

Nhiều người cho rằng, ăn nhiều sẽ làm tình trạng tiêu chảy trở nên tồi tệ hơn nên cắt khẩu phần ăn của trẻ. Đây là quan điểm sai lầm vì thực tế, cơ thể cần được cung cấp đủ các dưỡng chất, nâng cao sức đề kháng để chóng lành bệnh. Nhịn ăn sẽ khiến cơ thể trẻ thiếu chất dẫn đến suy nhược.

Theo bác sĩ Minh Đa, trẻ đang bị tiêu chảy vẫn cần ăn uống đủ chất, nên ưu tiên những thực phẩm mềm, lỏng, dễ tiêu như cháo, súp…, chia nhỏ bữa ăn ra mỗi ngày. Đối với trẻ đang bú mẹ rất cần tiếp tục cho trẻ bú mẹ, vì sữa mẹ là nguồn dưỡng chất tốt nhất, cung cấp nước, điện giải, chất dinh dưỡng cùng nhiều yếu tố chống bệnh tiêu chảy.

Đối với trẻ ăn dặm, các thực phẩm nên dùng là gạo, khoai tây, cá, thịt heo, thịt gà, sữa chua… Nên cho trẻ ăn thoải mái, đúng lượng thực ăn mà trẻ muốn, mỗi bữa ăn nên cách khoảng 3-4h sẽ giúp trẻ hấp thụ tốt hơn. Cho trẻ tiêu chảy uống đủ nước xen kẽ giữa những bữa ăn.

Trẻ bị tiêu chảy cần tránh cho trẻ ăn rau sợi thô, hạt ngũ cốc nguyên hạt, thịt nhiều gân xơ. Không cho trẻ ăn nhiều đường vì đường có khả năng làm tình trạng tiêu chảy trở nên nặng nề hơn.

Sử dụng thuốc chữa tiêu chảy có khả năng bảo vệ niêm mạc ruột

Niêm mạc ruột có vai trò quan trọng trong các hoạt động hấp thu chất dinh dưỡng, giúp cơ thể khỏe mạnh. Khi bị tiêu chảy, niêm mạc ruột rất dễ bị tổn thương, thậm chí bị phá hủy. Do đó, khi điều trị, việc bảo vệ niêm mạc ruột là cần thiết.

Theo bác sĩ Minh Đa, khi trẻ bị tiêu chảy thì việc cần làm là dùng oresol để bù nước và điện giải trước khi nghĩ đến chuyện cho trẻ uống thuốc cầm tiêu chảy. Trẻ dưới 2 tuổi nên cho uống từng thìa nhỏ cách nhau 1-2 phút. Trẻ lớn hơn cho uống từng ngụm bằng cốc. Nếu trẻ nôn, cho trẻ uống từng thìa, chậm hơn. Nếu đã bù oresol đường uống đúng cách mà trẻ vẫn nôn quá nhiều, có dấu hiệu mất nước (khô môi, khô da, tiểu ít, lả người..) thì nên cho trẻ đến bệnh viện để có chỉ định bù nước bằng truyền dịch, tránh nguy hiểm.

hau qua tre bi tieu chay

Bác sĩ Minh Đa nhấn mạnh, tuyệt đối không tự ý sử dụng các loại thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ nhỏ. Tiêu chảy phần lớn là do nhiễm trùng đường ruột nên tiêu phân lỏng cũng là cách bảo vệ cơ thể giúp thải trừ vi trùng, chất độc. Những loại thuốc cầm tiêu chảy hiện nay đều là thuốc làm giảm nhu động ruột, liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài, khiến tình trạng tiêu chảy không dứt, ngược lại phân không bài xuất ra ngoài được, ứ lại trong ruột gây chướng bụng, viêm ruột, thậm chí làm tắc ruột, thủng ruột, tử vong. Vì vậy, tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ khi vừa mới bị tiêu chảy, nhất là tiêu chảy do virus Rota.

Bổ sung vi chất cho trẻ

Việc bổ sung kẽm cho trẻ bị tiêu chảy là rất cần thiết. Theo Bộ Y tế, trẻ cần được bổ sung kẽm vào phác đồ điều trị tiêu chảy kết hợp với dùng oresol có độ thẩm thấu thấp sẽ mang đến hiệu quả và làm giảm đi mức độ trầm trọng của tiêu chảy. Ngoài ra, kẽm còn giúp trẻ sớm cải thiện tình trạng dinh dưỡng, nhanh chóng phục hồi sức khỏe.

Theo Thạc sĩ, Bác sĩ Bùi Ngọc An Pha, Giám đốc Y khoa Hệ thống Dinh dưỡng – Y học Vận động Nutrihome, kẽm sẽ giúp trẻ giảm thời gian tiêu chảy, giảm số lượng nước trong phân, số lần đi ngoài, giảm mức độ nặng và giảm thời gian mắc bệnh. Trong điều trị dự phòng, bổ sung đủ kẽm cũng làm giảm tỷ lệ mắc mới tiêu chảy. Vì thế, việc điều trị tiêu chảy cho trẻ em bắt buộc phải bổ sung kẽm. Ngoài ra, có thể phối hợp với bổ sung các vitamin nhóm B, vitamin A… để giúp tăng hiệu quả điều trị tiêu chảy.

Nên sử dụng kẽm cho trẻ ngay khi tiêu chảy mới bắt đầu để nhanh chóng hồi phục niêm mạc ruột, rút ngắn thời gian bị bệnh và mức độ nặng của tiêu chảy, hạn chế các đợt tiêu chảy mới trong 2-3 tháng sau điều trị, cải thiện sự ngon miệng và tăng trưởng cho trẻ.

Khuyến cáo về sử dụng kẽm cho trẻ bị tiêu chảy cấp

  • Trẻ < 6 tháng tuổi: 10mg/ngày x 10 – 14 ngày
  • Trẻ ≥ 6 tháng tuổi: 20mg/ngày x 10 – 14 ngày

Phòng ngừa bệnh tiêu chảy

Rotavirus là tác nhân gây tiêu chảy cấp nặng thường gặp nhất và là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ dưới 5 tuổi  trên thế giới cũng như tại Việt Nam, do đó Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng tiêu chảy, nên uống vắc xin để ngăn ngừa sự tấn công của Rotavirus.

Lịch chủng ngừa Rotavirus như sau:

  • Vắc xin Rotarix (Bỉ): uống 2 liều; liều đầu tiên uống vào lúc 6 tuần tuổi và sau 4 tuần uống liều tiếp theo. Nên cho trẻ uống vắc xin Rotavirus trước 24 tuần tuổi.
  • Vắc xin Rotateq (Mỹ): uống 3 liều; liều đầu tiên trong khoảng 7-12 tuần tuổi, 2 liều còn lại cách nhau một tháng, liều thứ 3 phải kết thúc trước tuần thứ 32.
  • Vắc xin Rotavin (Việt Nam): uống 2 liều, liều thứ 1 bắt đầu khi trẻ được 6 tuần tuổi, liều thứ 2 sau liều đầu tiên từ 1-2 tháng. Nên cho trẻ hoàn thành uống vắc xin Rotavin trước 6 tháng tuổi.

Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?

Nếu trẻ dưới 6 tháng tuổi bị tiêu chảy có dấu hiệu mất nước, đặc biệt là tiêu chảy cấp, cần đưa trẻ đến viện ngay vì trẻ tuổi này rất dễ bị mất nước và trở nặng bệnh mà người nhà có thể không nhận biết được. Ở trẻ lớn hơn, nên đưa trẻ đến viện ngay khi có các dấu hiệu sau đây:

  • Trẻ có dấu hiệu mất nước, da khô, môi khô, phân có lẫn máu.
  • Trẻ nôn ói nhiều, không chịu ăn uống.
  • Tiêu chảy ra nước lượng nhiều, liên tục, không đỡ
  • Trẻ mệt mỏi, quấy khóc liên tục, lờ đờ, ngủ nhiều, khó đánh thức
  • Tiêu chảy không hết sau 7 ngày.
  • Trẻ co giật, sốt cao.

Tiêu chảy là một trong 5 bệnh gây tử vong hàng đầu ở trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Chăm sóc trẻ tiêu chảy đúng cách rất quan trọng. Không những giúp bệnh mau khỏi và còn phòng tránh biến chứng xảy ra.

Từ khóa » Chăm Sóc Trẻ Tiêu Chảy Có Mất Nước