Hướng Dẫn Mới Về Ca Nghi Nhiễm COVID-19 Và Cách Thức Xác định ...

  • 6 ca nghi nhiễm ở Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, âm tính với SARS-CoV-2
Hướng dẫn mới về ca nghi nhiễm COVID-19 cách thức xác định F1, F2 -0
Phần mềm VHD do Viettel Solutions phát triển đã tích hợp chức năng giám sát cách ly. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+) 

Bộ Y tế vừa ban hành Quyết định 3638/QĐ-BYT về hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng, chống COVID-19 (thay thế cho Quyết định số 3468/QĐ-BYT ngày 7/8/2020) và Quyết định 3646/QĐ-BYT về phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 nhằm hướng dẫn xử trí 4 mức nguy cơ do mắc COVID-19.

Những hướng dẫn mới này được xây dựng cập nhật qua hoạt động thực tiễn với các nội dung giám sát và các hoạt động phòng, chống phù hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại để các tỉnh, thành phố, đơn vị y tế và các đơn vị liên quan căn cứ áp dụng, tổ chức triển khai theo thực tế tại địa phương, đơn vị.

Ca bệnh nghi nhiễm có ít nhất 2 biểu hiện

Một số định nghĩa liên quan đến COVID-19 đã được Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung so với quy định tại quyết định cũ. Cụ thể, ca bệnh nghi ngờ được hiểu là người có ít nhất hai trong số các biểu hiện như sốt, ho, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm, mất vị giác hoặc khứu giác hoặc có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.

Trước đó, với Quyết định cũ 3468, ca bệnh nghi ngờ phải có ít nhất 1 trong các triệu chứng (sốt; ho; đau họng; khó thở; mệt mỏi, đau người, ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; hoặc viêm phổi) và phải có tiền sử đến/qua/ở/về từ quốc gia, ổ dịch đang hoạt động ở Việt Nam hoặc tiếp xúc với ca bệnh xác định hoặc bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày.

Cách thức phân loại F1 và F2 mới

Theo Quyết định mới, ca bệnh xác định (F0) là người có xét nghiệm dương tính với vi rút SARS-CoV-2 qua phát hiện vật liệu di truyền của virus được thực hiện bởi các cơ sở xét nghiệm do Bộ Y tế cho phép khẳng định.

Ngoài ra, trường hợp tiếp xúc gần (F1) cũng được phân loại cụ thể đối với F0 có triệu chứng và F0 không có triệu chứng (khác với Quyết định cũ 3468).

Theo đó, F1 là người có tiếp xúc gần trong vòng 2 mét hoặc trong cùng không gian kín tại nơi lưu trú, làm việc, cùng phân xưởng, học tập, sinh hoạt, vui chơi giải trí... hoặc trong cùng khoang trên phương tiện vận chuyển với F0 trong thời kỳ lây truyền của F0.

Việc xác định F1 đối với F0 có triệu chứng: Trong khoảng thời gian từ 3 ngày trước khi khởi phát của F0 cho đến khi F0 được cách ly y tế. Thời điểm khởi phát của ca bệnh được tính là ngày có triệu chứng bất thường về sức khỏe đầu tiên mà bệnh nhân cảm nhận được, có thể là một trong các triệu chứng như: Mệt mỏi, chán ăn, đau người, gai người ớn lạnh; giảm hoặc mất vị giác, khứu giác; sốt, ho, đau họng...

Việc xác định F1 đối với F0 không có triệu chứng: Nếu F0 đã xác định được nguồn lây (trong khoảng thời gian từ khi F0 tiếp xúc lần đầu với nguồn lây cho đến khi F0 được cách ly y tế); nếu F0 chưa xác định được nguồn lây (trong khoảng thời gian 14 ngày trước khi F0 được lấy mẫu xét nghiệm khẳng định dương tính cho đến khi F0 được cách ly y tế).

Ngoài ra, Quyết định 3638 cũng quy định một số nhóm người tiếp xúc gần thường gặp gồm: Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà, cùng phòng; người trực tiếp chăm sóc, đến thăm hoặc người điều trị cùng phòng với ca bệnh; người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc; người cùng nhóm có tiếp xúc với ca bệnh: Nhóm du lịch, công tác, vui chơi, buổi liên hoan, cuộc họp, lớp học, cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, cùng nhóm sinh hoạt các câu lạc bộ, trên cùng một phương tiện giao thông...

Cũng theo quyết định mới này, người tiếp xúc với người tiếp xúc gần (F2) là người tiếp xúc gần trong vòng 2 mét với F1 trong khoảng thời gian từ khi F1 có khả năng lây nhiễm từ ca bệnh (F0) cho đến khi F1 được cách ly y tế.

Xử trí 4 mức nguy cơ do mắc COVID-19

Bộ Y tế cũng vừa ban hành Quyết định 3646/QĐ-BYT về phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2, nhằm 3 mục đích: Đánh giá được các nguy cơ cụ thể cho từng người bệnh; phân loại người bệnh theo mức nguy cơ đúng cách, nhanh chóng để đưa ra hướng xử trí phù hợp với từng mức nguy cơ tương ứng; phát hiện được những trường hợp người bệnh có nguy cơ diễn biến nặng để can thiệp kịp thời.

Sau khi phân loại mức độ nguy cơ, hệ thống điều trị sẽ lựa chọn cơ sở điều trị phù hợp đối với người nhiễm SARS-CoV-2 ở các mức độ khác nhau; bảo đảm thực hiện các biện pháp cách ly an toàn, triệt để, không có nguy cơ lây nhiễm cho các trường hợp khác; tuân thủ các hướng dẫn xử trí và điều trị nghiêm ngặt, giảm thiểu tối đa tình trạng người bệnh tiến triển nặng tại các cơ sở điều trị không phù hợp.

Theo tiêu chí này, người nhiễm SARS-CoV-2 được phân loại theo 4 mức độ nguy cơ và các hướng dẫn xử trí tương ứng với từng mức nguy cơ.

Thứ nhất, mức nguy cơ thấp là người nhiễm có các đặc điểm, dấu hiệu như tuổi dưới 45 và không mắc bệnh lý nền hoặc đã tiêm đủ 2 liều vaccine phòng COVID-19 trước ngày xét nghiệm dương tính ít nhất 12 ngày hoặc sức khoẻ chưa có dấu hiệu bất thường, chỉ số SpO2 (độ bão hòa oxy trong máu ngoại vi) từ 97% trở lên.

Những đối tượng này chuyển đến cơ sở thuộc “Tầng 1 của tháp điều trị”, các cơ sở cách ly người nhiễm F0 tập trung, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 ban đầu. Hoặc chỉ định điều trị ngoại trú, tại nơi cư trú được nhân viên y tế, chính quyền địa phương kiểm tra và xác nhận đủ điều kiện điều trị ngoại trú như biệt thự, nhà riêng, có người theo dõi…).

Thứ hai, mức nguy cơ trung bình là ca bệnh có các đặc điểm, dấu hiệu như tuổi từ 46-64 và không mắc bất kỳ bệnh lý nền hoặc sức khoẻ có dấu hiệu bất thường như sốt (từ 37,5 độ C trở lên), ho, đau họng, rát họng, đau ngực… hoặc SpO2 từ 95% đến 96%; tuổi dưới 45 tuổi và mắc bệnh lý nền.

Những đối tượng này cần chuyển vào cơ sở thuộc “Tầng 2 của tháp điều trị”, các bệnh viện dã chiến thu dung, điều trị người bệnh COVID-19. Trong thời gian chờ nhập viện, yêu cầu người nhiễm SARS-CoV-2 tiếp tục tự theo dõi sức khoẻ; hướng dẫn liên lạc ngay với nhân viên y tế khi có tình trạng cấp cứu.

Thứ ba, mức nguy cơ cao là ca bệnh có các đặc điểm, dấu hiệu như tuổi từ 65 trở lên và không mắc bệnh lý nền; phụ nữ có thai, hoặc trẻ em dưới 5 tuổi; SpO2 từ 93% đến 94%.

Những đối tượng này cần chỉ định nhập viện càng sớm càng tốt, chuyển đến bệnh viện thuộc “Tầng 3 của tháp điều trị” - các bệnh viện điều trị COVID-19 nặng.

Thứ tư, mức nguy cơ rất cao là những ca bệnh có các đặc điểm, dấu hiệu như tuổi từ 65 trở lên và mắc bệnh lý nền; người bệnh trong độ tuổi bất kỳ đang trong tình trạng cấp cứu; SpO2 từ 92% trở xuống; người bệnh đang có tình trạng như: Thở máy, đang có ống mở khí quản, liệt tứ chi, đang điều trị hóa xạ trị.

Những đối tượng này cần chỉ định nhập viện ngay đến bệnh viện thuộc “Tầng 3 của tháp điều trị” là các bệnh viện điều trị COVID-19 nặng. Xử trí tình trạng cấp cứu trước, trong và sau khi vận chuyển đến bệnh viện.

Bộ Y tế cũng lưu ý việc phân loại theo các mức độ nguy cơ cần căn cứ vào tình hình dịch bệnh, công tác thu dung và kết quả điều trị, ngành y tế từng địa phương có thể kịp thời điều chỉnh, bổ sung phân loại nguy cơ nếu thấy cần thiết để có biện pháp xử trí người bệnh nhanh chóng, an toàn, hiệu quả.

Nhân viên y tế cần xử trí phân loại nhanh người nhiễm SARS-CoV-2, ưu tiên tất cả những người được phân loại mức "nguy cơ rất cao" được đưa đến cơ sở y tế phù hợp gần nhất. Trong trường hợp đang tiến hành phân loại nhưng người bệnh có tình trạng cấp cứu cần can thiệp ngay thì không tiến hành áp dụng các nội dung xử trí theo hướng dẫn trên mà tiến hành vận chuyển và bố trí giường điều trị tại các bệnh viện kịp thời cho người bệnh.

Việt Nam đã có 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2

Theo Bộ Y tế, tính đến tháng 7/2021, Việt Nam đã có 7 biến chủng của virus SARS-CoV-2, gồm các chủng phổ biến tại châu Âu, châu Phi, Anh và Ấn Độ.

Riêng trong đợt dịch từ ngày 27/4 đến nay, nước ta đã ghi nhận 2 biến chủng là Delta (B.1.617.2, lần đầu tiên phát hiện tại Ấn Độ) và Alpha (B.1.1.7, lần đầu tiên phát hiện tại Anh); trong đó biến chủng Delta được đánh giá là có khả năng lây lan mạnh được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xếp vào nhóm "biến chủng gây quan ngại" có khả năng lây truyền cao hơn 50% so với biến chủng Alpha.

Kkhoảng 60% người nhiễm virus này không có biểu hiện lâm sàng, trong khi đó, theo Quyết định số 3468, tỷ lệ này chỉ khoảng 40%.

Tình hình dịch COVID-19 tại Việt Nam: - Tính đến sáng ngày 01/8, Việt Nam có 150.060 ca mắc trong đó có 2.241 ca nhập cảnh và 147.819 ca mắc trong nước. Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 146.249 ca, trong đó có 35.960 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh. - Có 04/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Điện Biên, Quảng Ninh, Bắc Kạn. - Có 09 tỉnh, thành phố không có lây nhiễm thứ phát trên địa bàn: Lào Cai, Ninh Bình, Kon Tum, Hà Giang, Sơn La, Lai Châu, Tuyên Quang, Quảng Trị, Nam Định.

 

Từ khóa » Diện F1 F2 Là Gì