Hướng Dẫn Một Số Nội Dung Về Tổ Chức Kỳ Họp Thứ Nhất Của Hđnd ...
Có thể bạn quan tâm
Ngày 02/6/2021, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đã ký để ban hành văn bản số 883/HD-UBTVQH14 hướng dẫn một số nội dung về tổ chức kỳ họp thứ nhất của HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026
Theo đó, nội dung Hướng dẫn lần này, có một số điểm mới so với hướng dẫn 1138/HD-UBTVQH13 thực hiện trong nhiệm kỳ 2016-2021; cụ thể nội dung hướng dẫn có một số điểm chính như sau:
1. Thời gian tiến hành kỳ họp
Thời gian tiến hành kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 80 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, cụ thể: Kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được triệu tập chậm nhất là 45 ngày kể từ ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; đối với địa phương có bầu cử lại, bầu cử thêm đại biểu Hội đồng nhân dân hoặc lùi ngày bầu cử thì thời hạn triệu tập kỳ họp thứ nhất kể từ ngày bầu cử lại, bầu cử thêm.
Tại những nơi đang áp dụng các biện pháp cách ly xã hội hoặc áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì việc tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện theo mục 9 của Hướng dẫn này.
2. Việc triệu tập và chủ tọa kỳ họp thứ nhất
Việc triệu tập kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 80 và khoản 3 Điều 138 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Chủ tịch, Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân cùng cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 triệu tập. Trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì một Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân triệu tập. Trường hợp khuyết cả Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp (đối với trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã) hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với trường hợp khuyết Chủ tịch, Quyền Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) chỉ định Triệu tập viên để triệu tập và chủ toạ kỳ họp thứ nhất cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp ban hành nghị quyết về việc chỉ định Triệu tập viên.
Người triệu tập kỳ họp tiến hành khai mạc và chủ tọa các phiên họp của Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu ra được Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026. Chủ tọa kỳ họp có thể phân công người điều hành nội dung phiên họp.
3. Chương trình làm việc tại kỳ họp thứ nhất
a) Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoặc Triệu tập viên có trách nhiệm chuẩn bị dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cùng cấp trình Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 xem xét, quyết định.
Dự kiến chương trình kỳ họp được gửi đến đại biểu Hội đồng nhân dân cùng với quyết định triệu tập kỳ họp thứ nhất chậm nhất là 07 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp.
b) Căn cứ vào thời gian tổ chức kỳ họp, thời gian triệu tập kỳ họp và tình hình thực tế của địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 -2021 hoặc Triệu tập viên quyết định việc tổ chức họp với các cơ quan hữu quan về chuẩn bị nội dung kỳ họp. Trước khi khai mạc kỳ họp chính thức, Hội đồng nhân dân tiến hành phiên họp trù bị để quyết định nội dung chương trình kỳ họp và thảo luận, thống nhất các vấn đề liên quan. Thời gian, chương trình, nội dung, thành phần tham dự phiên họp trù bị do Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoặc Triệu tập viên quyết định.
c) Tại kỳ họp thứ nhất, Hội đồng nhân dân tiến hành các công việc theo trình tự sau đây:
- Khai mạc, thông qua chương trình kỳ họp:
+ Chào cờ, cử Quốc ca;
+ Tuyên bố lý do, giới thiệu thành phần tham dự kỳ họp;
+ Chủ tọa đọc diễn văn khai mạc kỳ họp;
+ Đại diện Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2016 - 2021 hoặc Triệu tập viên báo cáo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân.
+ Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp.
- Hội đồng nhân dân nghe Ủy ban bầu cử cùng cấp báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và báo cáo kết quả xác nhận tư cách đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.
- Chủ tọa kỳ họp mời đại diện lãnh đạo cấp ủy Đảng cùng cấp phát biểu.
- Hội đồng nhân dân tiến hành bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân, thành lập Ban Dân tộc của Hội đồng nhân dân theo trình tự quy định tại mục 5 và mục 6 của Hướng dẫn này.
- Hội đồng nhân dân nghe Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp báo cáo tổng hợp những ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương trong cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân.
- Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ Hội đồng nhân dân và một số nội dung khác thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng nhân dân nếu xét thấy cần thiết.
- Bế mạc kỳ họp:
+ Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 đọc diễn văn bế mạc;
+ Chào cờ, cử Quốc ca.
4. Cách thức quyết định các vấn đề tại kỳ họp thứ nhất
a) Hội đồng nhân dân quyết định biểu quyết bằng hình thức giơ tay hoặc biểu quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử đối với các vấn đề sau đây:
- Thông qua chương trình kỳ họp hoặc điều chỉnh chương trình kỳ họp;
- Thông qua nghị quyết thành lập Ban Dân tộc nhiệm kỳ 2021 - 2026 (nếu có);
- Bầu Ban kiểm phiếu;
- Thông qua nghị quyết về việc bầu chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân;
- Thông qua nghị quyết về kế hoạch tổ chức các kỳ họp thường lệ năm 2021;
- Quyết định các nội dung khác (nếu có), trừ các nội dung quy định tại điểm b mục này.
b) Hội đồng nhân dân quyết định bằng hình thức bỏ phiếu kín đối với các vấn đề sau đây:
- Bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân; Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Ban của Hội đồng nhân dân; Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy viên Ủy ban nhân dân; Hội thẩm nhân dân của Tòa án nhân dân;
- Quyết định các vấn đề khác mà Hội đồng nhân dân xét thấy cần thiết phải bằng hình thức bỏ phiếu kín.
5. Việc bầu các chức danh thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân
a) Trình tự bầu Ban kiểm phiếu, nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc xác định kết quả bầu cử của Ban kiểm phiếu:
- Bầu Ban kiểm phiếu:
Chủ tọa kỳ họp giới thiệu nhân sự để Hội đồng nhân dân bầu ban kiểm phiếu. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh bầu Ban kiểm phiếu có ít nhất là 07 thành viên; cấp huyện có ít nhất là 05 thành viên và cấp xã có ít nhất là 03 thành viên. Ban kiểm phiếu gồm Trưởng ban, Thư ký và các Ủy viên là đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026. Ban kiểm phiếu được bầu một lần và thực hiện việc kiểm phiếu trong tất cả các lần bỏ phiếu kín tại kỳ họp Hội đồng nhân dân. Số lượng thành viên tối đa của Ban Kiểm phiếu do Hội đồng nhân dân quyết định trên cơ sở số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân nhằm bảo đảm việc kiểm phiếu diễn ra nhanh chóng và hiệu quả.
Người có tên trong danh sách để Hội đồng nhân dân bầu không được làm thành viên Ban kiểm phiếu. Trường hợp có thành viên Ban kiểm phiếu thuộc diện cần thay thế thì Hội đồng nhân dân quyết định việc thay thế, bổ sung thành viên Ban kiểm phiếu theo đề nghị của Chủ tọa kỳ họp.
Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ phổ biến, hướng dẫn thủ tục, trình tự bỏ phiếu, kiểm phiếu và công bố kết quả kiểm phiếu đối với các nội dung mà Hội đồng nhân dân bỏ phiếu kín. Ban kiểm phiếu kết thúc nhiệm vụ sau khi đã hoàn thành các công tác kiểm phiếu tại kỳ họp.
- Ban kiểm phiếu xác định kết quả bầu cử của Hội đồng nhân dân theo nguyên tắc sau đây:
+ Người được quá nửa số phiếu bầu hợp lệ so với tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân và được nhiều phiếu hơn thì trúng cử;
+ Trường hợp nhiều người được bầu vào cùng một chức vụ có số phiếu ngang nhau và đạt quá nửa số phiếu so với tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân thì Hội đồng nhân dân bầu lại chức vụ này trong số những người được số phiếu cao nhất ngang nhau. Trong số những người được bầu lại, người được số phiếu nhiều hơn là người trúng cử; nếu bầu lại mà nhiều người vẫn được số phiếu ngang nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.
b) Trình tự bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Ban của Hội đồng nhân dân:
- Bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo giới thiệu của Chủ tọa kỳ họp. Chủ tọa kỳ họp đọc tờ trình giới thiệu nhân sự để Hội đồng nhân dân bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 theo quy định tại Điều 83 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, kể cả trong trường hợp Chủ tọa kỳ họp là nhân sự được giới thiệu giữ chức Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 – 2026. Tờ trình của Chủ tọa kỳ họp do Chủ tọa ký và được đóng dấu của Hội đồng nhân dân.
Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu và tiến hành chủ tọa kỳ họp.
- Bầu Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Các Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện ngay nhiệm vụ, điều hành phiên họp của Hội đồng nhân dân theo phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
- Bầu Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban của Hội đồng nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ của mình ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu.
Thường trực Hội đồng nhân dân gồm Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên là Trưởng ban của Hội đồng nhân dân; Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 bắt đầu thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi Hội đồng nhân dân bầu được các chức danh nói trên.
Sau khi Hội đồng nhân dân kết thúc việc bầu các chức danh của Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân phát biểu ý kiến trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
c) Trình tự bầu Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân:
- Bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân trong số các đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo giới thiệu của Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu.
- Bầu Phó Chủ tịch và các Ủy viên Ủy ban nhân dân theo giới thiệu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân (mới được bầu). Tờ trình của Chủ tịch Ủy ban nhân dân về việc giới thiệu người ứng cử vào các chức danh Phó Chủ tịch, Ủy viên Ủy ban nhân dân phải nêu rõ lĩnh vực công tác phụ trách hoặc chức vụ tại cơ quan chuyên môn của Ủy ban nhân dân mà người đó dự kiến sẽ đảm nhiệm.
Các Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân và Ủy viên Ủy ban nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 thực hiện nhiệm vụ ngay sau khi được Hội đồng nhân dân bầu.
Sau khi Hội đồng nhân dân kết thúc việc bầu các chức danh của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thay mặt Ủy ban nhân dân phát biểu ý kiến trước Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
d) Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân cùng cấp theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Hội đồng nhân dân thành phố Đà Nẵng, Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh bầu Hội thẩm Tòa án nhân dân quận theo giới thiệu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố.
(Mẫu phiếu bầu cụ thể tại Phụ lục ban hành kèm theo Hướng dẫn này).
đ) Khi Hội đồng nhân dân tiến hành bầu các chức danh quy định tại các điểm b, c và d của mục này, nếu có đại biểu Hội đồng nhân dân tự ứng cử hoặc giới thiệu thêm người ứng cử ngoài danh sách đã được người có thẩm quyền giới thiệu thì Chủ tọa kỳ họp trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định số lượng, danh sách những người ứng cử vào chức danh đó bằng hình thức biểu quyết giơ tay hoặc bằng hệ thống biểu quyết điện tử hoặc bằng bỏ phiếu kín.
e) Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả bầu cử đối với chức danh quy định tại các điểm b, c và d của mục này, Chủ tọa kỳ họp trình Hội đồng nhân dân xem xét, biểu quyết thông qua nghị quyết về việc bầu chức danh hoặc nhóm chức danh đó.
g) Trường hợp Hội đồng nhân dân không bầu được các chức danh của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thì thực hiện như sau:
- Trường hợp không bầu được Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 thì Chủ tọa kỳ họp có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện các quy trình cần thiết về nhân sự để trình Hội đồng nhân dân tiếp tục bầu chức danh Chủ tịch Hội đồng nhân dân ngay tại kỳ họp thứ nhất.
- Trường hợp không bầu được Chủ tịch Ủy ban nhân dân thì Chủ tịch Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện các quy trình cần thiết về nhân sự để trình Hội đồng nhân dân tiếp tục bầu chức danh Chủ tịch Ủy ban nhân dân ngay tại kỳ họp thứ nhất.
Hội đồng nhân dân quyết định tạm dừng kỳ họp thứ nhất theo đề nghị của Chủ tọa kỳ họp hoặc Chủ tịch Hội đồng nhân dân để thực hiện công tác nhân sự bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân. Thời gian tạm dừng kỳ họp không quá 05 ngày làm việc. Việc giới thiệu nhân sự do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
- Trường hợp Hội đồng nhân dân không bầu đủ các chức danh còn lại của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì người có thẩm quyền giới thiệu để Hội đồng nhân dân bầu chức danh này có trách nhiệm báo cáo cấp có thẩm quyền thực hiện các quy trình cần thiết về nhân sự để trình Hội đồng nhân dân tiếp tục bầu chức danh đó ngay tại kỳ họp thứ nhất hoặc tại kỳ họp tiếp theo của Hội đồng nhân dân.
h) Việc phê chuẩn kết quả bầu được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu xong, kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp huyện phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh để phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp xã phải được gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân cấp huyện để phê chuẩn.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày bầu xong, kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải được gửi đến Thủ tướng Chính phủ để phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phê chuẩn; kết quả bầu Chủ tịch Ủy ban nhân dân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã phải được gửi đến Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện để phê chuẩn.
- Hồ sơ nhân sự đề nghị phê chuẩn các chức danh do Hội đồng nhân dân bầu được thực hiện theo mẫu số 09/UBTVQH ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
- Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan, người có thẩm quyền phải xem xét, phê chuẩn; nếu phát hiện hồ sơ có sai sót hoặc chưa đầy đủ theo quy định, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ, cơ quan, người có thẩm quyền phê duyệt yêu cầu cơ quan trình bổ sung, hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc; trường hợp không phê chuẩn chức danh nào thì phải trả lời bằng văn bản, nêu rõ lý do và yêu cầu Hội đồng nhân dân tổ chức bầu lại chức danh không được phê chuẩn.
6. Về tổ chức của các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân
a) Việc thành lập Ban Dân tộc:
Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện nhiệm kỳ 2016 - 2021 có trách nhiệm rà soát, đối chiếu tình hình, đặc điểm của địa phương với các tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại Nghị quyết số 1130/2016/UBTVQH13 ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nếu thấy địa phương đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định thì trình Hội đồng nhân dân cùng cấp xem xét, quyết định thành lập Ban Dân tộc nhiệm kỳ 2021-2026 của Hội đồng nhân dân. Trường hợp không đủ điều kiện, tiêu chuẩn để thành lập Ban Dân tộc hoặc trường hợp đủ điều kiện, tiêu chuẩn nhưng không thành lập Ban Dân tộc thì Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ban Văn hoá – Xã hội, Hội đồng nhân dân cấp huyện giao Ban Kinh tế - Xã hội chịu trách nhiệm trong lĩnh vực dân tộc ở địa phương. Việc xem xét, quyết định thành lập Ban Dân tộc được thực hiện sau khi kết thúc việc bầu chức danh Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân.
b) Việc quyết định số lượng và phê chuẩn Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân:
Trên cơ sở số lượng các Ban, chức năng, nhiệm vụ mỗi Ban của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021 - 2026 dự kiến số lượng Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân trình Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định bằng hình thức nghị quyết. Ban của Hội đồng nhân dân có số lượng Ủy viên tối thiểu đối với mỗi cấp như sau: cấp tỉnh là 05 Ủy viên, cấp huyện và cấp xã là 03 Ủy viên. Số lượng nêu trên không bao gồm chức danh Trưởng Ban và Phó Trưởng Ban các Ban. Việc xem xét, quyết định số lượng Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân được thực hiện sau khi tiến hành bầu chức danh Trưởng ban, Phó Trưởng ban của Hội đồng nhân dân.
- Trên cơ sở đăng ký của đại biểu Hội đồng nhân dân và số lượng Ủy viên của mỗi Ban, Trưởng ban, Phó Trưởng ban các Ban của Hội đồng nhân dân tổng hợp, lập danh sách cụ thể Ủy viên của Ban mình để Trưởng ban trình Thường trực Hội đồng nhân dân ban hành nghị quyết phê chuẩn danh sách Ủy viên của từng Ban. Phiếu phê chuẩn danh sách Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân được thực hiện theo Mẫu số 04/UBTVQH ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
- Việc phê chuẩn Ủy viên hoạt động chuyên trách tại Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh thực hiện theo Nghị quyết 160/2021/QH14 ngày 08/4/2021 của Quốc hội về việc thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và Nghị quyết 131/2020/QH14 ngày 16/11/2020 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị tại Thành phố Hồ Chí Minh. Phiếu phê chuẩn danh sách Ủy viên hoạt động chuyên trách và các Ủy viên khác các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện theo Mẫu số 10/UBTVQH ban hành kèm theo Hướng dẫn này.
- Việc lập và phê chuẩn danh sách Ủy viên các Ban của Hội đồng nhân dân dựa trên sự phù hợp về chuyên môn, nghiệp vụ, kinh nghiệm, vị trí công tác của mỗi đại biểu, yêu cầu về số lượng, cơ cấu của từng Ban và nguyện vọng của từng đại biểu Hội đồng nhân dân.
c) Việc thành lập Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân:
Các đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh hoặc đại biểu Hội đồng nhân dân cấp huyện được bầu ở một hoặc nhiều đơn vị bầu cử hợp thành Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân.
Căn cứ đặc điểm, yêu cầu, tình hình thực tế của địa phương, Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện ban hành Nghị quyết về thành lập Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và chỉ định Tổ trưởng, Tổ phó.
7. Công tác thư ký kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân
a) Công tác thư ký kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân gồm các nội dung cụ thể như sau:
- Lập danh sách đại biểu Hội đồng nhân dân có mặt, vắng mặt trong các phiên họp và trong kỳ họp;
- Ghi biên bản phiên họp, kỳ họp;
- Tổng hợp đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến của đại biểu tại phiên họp toàn thể và tại cuộc họp Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân;
- Giúp Chủ tọa kỳ họp trong việc thực hiện quy trình, thủ tục tại kỳ họp, cung cấp thông tin, tài liệu tuyên truyền về kỳ họp;
- Trình bày dự thảo nghị quyết trước khi Hội đồng nhân dân biểu quyết thông qua nếu được Chủ tọa kỳ họp phân công.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo sự phân công của Chủ tọa kỳ họp.
b) Trách nhiệm tổ chức thực hiện công tác thư ký được quy định như sau:
Công tác thư ký kỳ họp của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện do cơ quan giúp việc Hội đồng nhân dân tổ chức thực hiện.
Chủ tọa kỳ họp thứ nhất Hội đồng nhân dân cấp xã lựa chọn 01 hoặc 02 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã để thực hiện công tác thư ký kỳ họp và báo cáo Hội đồng nhân dân xem xét, quyết định tại phiên họp trù bị hoặc tại phiên khai mạc kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Vị trí bàn làm việc của thư ký kỳ họp được đặt ở vị trí thuận lợi, phù hợp để thực hiện nhiệm vụ.
8. Về việc báo cáo kết quả kỳ họp
Chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày bế mạc kỳ họp, Thường trực Hội đồng nhân dân hoàn chỉnh hồ sơ kỳ họp Hội đồng nhân dân (gồm các tài liệu phát hành tại kỳ họp, nghị quyết thông qua tại kỳ họp và biên bản kỳ họp) và gửi đến Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp trên trực tiếp hoặc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ (đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh) để báo cáo. Tài liệu trong hồ sơ báo cáo kết quả kỳ họp phải là văn bản chính thức.
9. Việc tổ chức kỳ họp kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026 phải bảo đảm thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.
Căn cứ vào diễn biến của tình hình dịch bệnh Covid-19 và điều kiện, tình hình thực tế ở địa phương, các địa phương phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vận dụng linh hoạt, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tại những nơi đang áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 vẫn tổ chức kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân theo hình thức tập trung nhưng phải bảo đảm thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 theo đúng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Y tế và quy định của địa phương.
Trường hợp địa phương áp dụng các biện pháp cách ly xã hội, áp dụng biện pháp phong tỏa để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 mà không thể tổ chức họp tập trung trong thời gian quy định tại mục 1 của Hướng dẫn này hoặc do có từ 1/2 tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân trở lên thuộc diện phải cách ly y tế để phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thì có thể lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân đến khi có thể tổ chức được kỳ họp. Việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cấp xã, cấp huyện do Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định. Việc lùi thời gian khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh do Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.
(Cụ thể hướng dẫn xem tại file đính kèm)
Tập tin đính kèm: huongdan.883.kyhopthunhat.hdnd.pdfsnv.thuathienhue.gov.vn [In trang này ] [ Đóng ]Từ khóa » Tờ Trình Bầu Chủ Tịch Hội đồng Nhân Dân
-
[PDF] Tờ Trình Về Việc Giới Thiệu Nhân Sự để Bầu Vào Ban Kiểm Phiếu
-
HĐND Tỉnh Thông Qua Các Tờ Trình, Nghị Quyết Về Công Tác Cán Bộ
-
[PDF] Hội đồng Nhân Dân Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Tỉnh Quảng Trị
-
Trình Tự Bầu Chủ Tịch HĐND, UBND Các Cấp ... - Thư Viện Pháp Luật
-
V/v đề Nghị Phê Chuẩn Kết Quả Bầu Chủ Tịch, Phó Chủ Tịch HĐND...
-
Trình Tự Bầu Chủ Tịch HĐND, UBND Các Cấp Nhiệm Kỳ 2021-2026
-
[PDF] 2.Tờ Trình Của UBND Tỉnh - Sở Tài Chính
-
Hội đồng Nhân Dân Xã Quảng Thái Tổ Chức Kỳ Họp Thứ 3, Hđnd Xã ...
-
[DOC] CHƯƠNG TRÌNH MIỄN NHIỆM VÀ BẦU BỔ SUNG CHỦ TỊCH ...
-
HĐND Khoá XII - Đoàn ĐBQH & HDND Tỉnh Gia Lai
-
[DOC] Hạnh Phúc Thượng Lộc, Ngày 12 Tháng 01 Năm 2021 TỜ TRÌNH Về ...
-
Hoạt động Của Hội đồng Nhân Dân - Huyện Mỹ Đức
-
Hội Đồng Nhân Dân - Cổng Thông Tin điện Tử Huyện Phú Xuyên