Hướng Dẫn Sử Dụng Lightroom Cơ Bản Trên Máy Tính - Kiều Trường

Phần mềm chỉnh sửa ảnh nào dễ học nhất? Lightroom hay Photoshop? Phần lớn sẽ trả lời ngay “Photoshop”. Nhưng mình thấy Lightroom dễ học hơn Photoshop rất nhiều. Và Lightroom phù hợp dân mê chụp ảnh hơn. Bạn hiểu được các tính năng cơ bản là có ảnh đẹp.

Không cần phải biết layer, mask rồi tá lả công cụ như trong Photoshop. Sau nhiều năm, mình đã có chút kinh nghiệm. Xin chia sẻ lại kinh nghiệm đó trong bài hướng dẫn sử dụng Lightroom cơ bản này. Bạn sẽ hiểu rõ và biết được những kinh nghiệm sử dụng Lightroom của mình. Chúng ta bắt đầu nào.

Tải Adobe Lightroom trên Adobe hỗ trợ Select Subject
Hướng dẫn mua bản quyền Lightroom

Nội dung bài viết

  • 1. Hướng dẫn Import ảnh vào Lightroom
  • 2. Hướng dẫn sử dụng Basic trong Lightroom
    • 2.1 Chuyển ảnh sang đen trắng (Color / Black & White)
    • 2.2 Cách dùng Profile trong Lightroom
    • 2.3 Hướng dẫn sử dụng cân bằng trắng trong Lightroom
    • 2.4 Cách sử dụng Tint trong Lightroom
    • 2.5 Hướng dẫn tăng sáng cho ảnh trong Lightroom
    • 2.6 Cách tăng giảm độ tương phản trong Lightroom
    • 2.7 Cách sử dụng Highlight
    • 2.8 Cách sử dụng Shadows trong Lightroom
    • 2.9 Hướng dẫn sử dụng tính năng Whites trong Lightroom
    • 2.10 Cách dùng Black trong Lightroom
    • 2.11 Cách sử dụng Texture trong Lightroom
    • 2.12 Hướng dẫn sử dụng Clarity trong Lightroom
    • 2.13 Cách sử dụng Dehaze trong Lightroom
    • 2.14 Hướng dẫn sử dụng Vibrance trong Lightroom
    • 2.15 Hướng dẫn sử dụng Saturation trong Lightroom
  • 3. Hướng dẫn cắt ảnh, khử mắt đỏ, làm mịn da trong Lightroom
  • 4. Hướng dẫn sử dụng Tone Curve trong Lightroom
  • 5. Hướng dẫn sử dụng Color Adjustment
  • 6. Hướng dẫn sử dụng Color Grading trong Lightroom
  • 7. Cách tăng nét và khử nhiễu trong Lightroom
  • 8. Hướng dẫn khử viền tím trong Lightroom
  • 9. Hướng dẫn sử dụng Transform trong Lightroom
  • 10. Hướng dẫn sử dụng Effects trong Lightroom
  • 11. Hướng dẫn sử dụng Calibration trong Lightroom
  • 12. Hướng dẫn xuất ảnh trong Lightroom
  • 13. Hướng dẫn in ảnh trong Lightroom – Maps, Book, Slideshow, Web
  • 14. Cách tạo Catalog Lightroom, sao lưu và tối ưu Catalog
  • 15. Cách tạo chữ ký trên ảnh và gắn logo vào ảnh bằng Lightroom
  • 16. Cách tạo Preset Lightroom Classic
  • 17. Cách tạo ảnh HDR và Panorama trong Lightroom như thế nào
  • 18. Làm trắng răng bằng Lightroom
  • 19. Tăng độ phân giải bằng Lightroom
  • 20. Phím tắt trong Lightroom
  • 21. Tổng kết hướng dẫn sử dụng Lightroom Classic
  • 22. Đọc thêm

1. Hướng dẫn Import ảnh vào Lightroom

hướng dẫn import ảnh vào Lightroom
  1. Nhấn File rồi chọn đến Import Photos and Video
  2. Nhấn tổ hợp phím tắt Ctrl+Shift+I
  3. Nhấn nút Import nằm góc trái màn hình

Lightroom là phần mềm kỳ lạ nhất mình từng biết. Tìm mãi không thấy chỗ mở ảnh như trong Photoshop. Vậy đưa ảnh vào Lightroom như thế nào? Sau khi tham khảo hướng dẫn sử dụng Lightroom 4 của anh Peter Pham. Mình biết phải sử dụng tính năng “Nhập” hay “Import” ảnh. Chứ không phải Open như trong Photoshop.

Lightroom sẽ liên kết ảnh gốc với Catalog sau khi Import. Nhằm quản lý dễ dàng hơn và không làm thay đổi ảnh gốc. Chúng ta có 3 cách để nhập ảnh vào Lightroom. Bạn có thể nhấn File > Import Photos and Video hay phím tắt Ctrl+Shift+I. Hoặc nhấn vào phím Import nằm dưới góc trái.

Cài đặt import ảnh vào Lightroom

Sau khi nhấn Import. Bạn sẽ thấy nơi lưu trữ ảnh bên góc trái. Bao gồm máy ảnh, thẻ nhớ và ổ cứng. Mình lấy ví dụ với chiếc Nikon D750. Ngay sau chọn xong, chúng ta thấy ảnh trên thẻ nhớ và sẵn sàng chép sang máy tính. Bạn có thể sử dụng các bộ lọc để chọn ảnh, theo ngày tháng, thư mục. Thậm chí phóng lớn thu nhỏ để xem được chi tiết hơn.

Cài đặt Import ảnh không bị sai màu trong Lightroom

Ảnh được chọn sẽ có dấu tích xám và sáng hơn. Tiếp theo, chúng ta nhấn vào Apply During Import. Rồi chọn đến Defaults > Camera Settings. Để Lightroom áp dụng cài đặt giống như máy ảnh. Giúp ảnh Raw hiển thị màu sắc chính xác hơn.

Cách import ảnh vào Lightroom

Tiếp tục chọn Destination rồi đánh dấu vào Into Subfolder. Đặt tên cho thư mục mới và chon ổ cứng lưu ảnh. Cuối cùng nhấn vào Import và đợi cho đến khi hoàn tất. Thực tế, Lightroom đang làm hai việc. Thứ nhất, phần mềm chép hình từ máy ảnh vào ổ cứng. Sau đó liên kết ảnh với Catalog của Lightroom.

Kết quả sau khi chép ảnh vào Lightroom

Trường hợp Import từ ổ cứng thì đơn giản hơn nhiều. Bạn chỉ cần chọn thư mục nhấn Import là xong. Phần mềm sẽ liên kết ảnh với Catalog và bỏ qua bước chép ảnh. Xong rồi, chúng ta vừa tìm hiểu cách Import ảnh vào Lightroom. Một việc đơn giản nhưng rất quan trọng. Để bắt đầu tìm hiểu cách sử dụng Lightroom đấy.

2. Hướng dẫn sử dụng Basic trong Lightroom

Cách dùng Basic Lightroom

Chúng ta nhấn vào Develop để chỉnh sửa ảnh trong Lightroom. Bạn sẽ thấy chức năng Basic nằm trên cùng. Đây là tính năng cơ bản và hay dùng nhất trong Lightroom. Giúp bạn tăng sáng, độ chi tiết và màu sắc đẹp hơn. Bạn đã sẵn sàng tìm hiểu Basic chưa ?

2.1 Chuyển ảnh sang đen trắng (Color / Black & White)

Chuyển ảnh màu sang đen trắng trong Lightroom

Nằm đầu tiên trong mục Basic. Chúng ta thấy hai lựa chọn Color và Black & White. Mặc định phần mềm sử dụng Color để hiển thị ảnh màu. Bạn có thể nhấn vào Black & White để hiển thị ảnh đen trắng. Lightroom sẽ tắt những tính năng liên quan tới ảnh màu như Vibrance và Saturation. Đồng thời chuyển HSL thành BW. Thay đổi này không ảnh hưởng tới ảnh gốc. Và bạn có thể quay về ảnh màu bất cứ khi nào. Tính năng này quá đơn giản phải không?

2.2 Cách dùng Profile trong Lightroom

Profile Lightroom

Tiếp theo, chúng ta đến cài đặt Profile màu của Lightroom. Bao gồm những cài đặt của hãng Adobe để thay đổi màu sắc, độ nét, tông màu. Vậy sử dụng như thế nào? Bạn hãy nhấn vào 4 ô vuông trong Profile.

Cách dùng Profile Lightroom

Phần mềm sẽ hiển thị tất cả cài đặt đang có trong Profile. Bạn chỉ việc nhấn vào cài đặt muốn sử dụng. Sau đó xem kết ngay trên màn hình chính. Ngoài ra, bạn có thể thay đổi Amount để tăng giảm quả của Profile. Cuối cùng nhấn Close để hoàn tất.

2.3 Hướng dẫn sử dụng cân bằng trắng trong Lightroom

Preset cân bằng trắng Lightroom

Lightroom trang bị tính năng cân bằng trắng (White Balance). Giúp bạn kiểm soát nhiệt độ màu trên ảnh. Bạn có thể nhấn vào cạnh chữ WB rồi chọn cài đặt có sẵn. Sau đó quan sát kết quả trên màn hình chính. Ngoài ra, chúng ta có thể điều chỉnh thủ công.

Hướng dẫn cân bằng trắng Lightroom

Thanh trượt Temp có thể thay đổi giá trị từ 2000K-50000K. Chúng ta kéo thanh trượt qua phải để tăng nhiệt độ màu. Bạn sẽ thấy ảnh nghiêng về màu vàng và đem lại cảm giác ấm hơn. Giống như chụp dưới ánh đèn sợi đốt hay khi mặt trời lặn.

Tăng cân bằng trắng Lightroom

Mình lấy ví dụ với một ảnh RAW. Ngay sau khi kéo thanh trượt qua phải. Bức ảnh ấm hơn nhiều trước khi chỉnh sửa. Càng kéo qua bên phải sẽ càng ấm hơn nữa. Vậy ngược lại thì sao?

hướng dẫn sử dụng cân bằng trắng Lightroom

Thử kéo thanh trượt qua bên trái. Lightroom sẽ giảm nhiệt độ màu, ảnh sẽ nghiêng về màu xanh. Mang lại cảm giác lạnh hơn. Giống như chụp dưới bóng đèn huỳnh quang vậy.

Giảm cân bằng trắng Lightroom

Cân bằng trắng hoạt động tốt nhất trên ảnh RAW. Bạn sẽ nhận được kết quả giống trên máy ảnh. Tất nhiên, cân bằng trắng cũng tương thích ảnh JPG. Nhưng hiệu quả sẽ kém hơn ảnh RAW. Bởi vì ảnh JPG đã bị nén và mang ít thông tin hơn ảnh RAW.

2.4 Cách sử dụng Tint trong Lightroom

Tint lightroom có tác dụng gì

Chúng ta đến với tính năng Tint hay còn gọi là tông màu. Giúp kiểm soát màu xanh lá và tím trên ảnh. Khi kéo qua bên phải ảnh sẽ tím hơn. Đồng thời giảm màu xanh lá trên ảnh.

Cách dùng Tint trong Lightroom

Mình lấy ví dụ với một bức ảnh RAW ha. Bạn cũng thấy khi kéo thanh Tint qua phải. Ảnh giảm hẳn màu xanh lá và nghiêng về tím hồng. Thông thường, mình hay kết hợp thanh Temp và Tint để có màu sắc như mong muốn.

Hướng dẫn sử dụng Tint trong Lightroom

Ngược lại thì sao? Khi chúng ta kéo thanh trượt qua trái. Lightroom sẽ tăng màu xanh lá trên ảnh. Như vậy bạn đã thấy cách hoạt động của Tint trong Lightroom rồi. Hãy kết hợp cả Tint và Temp để có cân bằng trắng phù hợp nhu cầu sử dụng. Bạn thấy phần này khó không? Mình thấy hơi bị khó đấy. Phải thử thật nhiều để kết hợp chúng một cách hoàn hảo.

2.5 Hướng dẫn tăng sáng cho ảnh trong Lightroom

làm ảnh sáng hơn bằng Lightroom

Chúng ta đến tính năng Exposure giúp tăng giảm độ sáng. Bạn hãy kéo thanh trượt qua phải để ảnh sáng hơn. Và kéo sang bên trái để làm ảnh tối hơn. Lightroom hỗ trợ thay đổi từ -5.0 đến + 5.0 EV. Ảnh sẽ sáng gấp đôi sau khi +1.0 EV và ngược lại.

Exposure Lightroom là gì

Để bạn dễ hiểu hơn. Mình lấy ví dụ với một bức ảnh đen trắng. Chi tiết ảnh trải đều từ sáng đến tối nhất. Khi kéo thanh trượt sang phải +1.0 EV. Phần mềm sẽ tăng sáng toàn bộ bức ảnh. Chính xác hơn là tăng 2 lần độ sáng toàn bộ điểm ảnh. Kết quả sẽ có nhiều vùng sáng. Đồng thời giảm vùng tối so với ảnh gốc.

Hướng dẫn sử dụng Exposure trong Lightroom

Ngược lại, khi kéo sang bên trái. Phần mềm sẽ giảm độ sáng toàn bộ điểm ảnh. Dẫn tới ảnh nhiều vùng tối và ít vùng sáng hơn. Tính năng này hoạt động tốt trên cả ảnh RAW và JPG. Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu xong cách tăng sáng cho ảnh trong Lightroom rồi. Bạn thấy dễ không? Quá dễ thì phải.

2.6 Cách tăng giảm độ tương phản trong Lightroom

cách dùng contrast trong Lightroom

Bạn muốn tăng giảm độ tương phản trên ảnh? Hãy sử dụng tính năng Contrast. Tính năng này chủ yếu ảnh hưởng đến phần Midtones trên ảnh. Chúng ta sẽ kéo thanh trượt qua phải để tăng độ tương phản.

Hướng dẫn sử dụng Contrast trong Lightroom

Bạn sẽ thấy vùng trung tính (Midtones) đến vùng tối sẽ tối hơn. Từ trung tính đến vùng sáng sẽ sáng hơn. Khi hai bên lệch nhau. Thì chúng ta có độ tương phản cao. Còn giảm độ tương phản thì sao? Vùng Midtones đến tối sẽ trải dài hơn. Từ vùng Midtones đến sáng cũng tương tự như vậy. Bạn có thể tải bức ảnh trong ví dụ để thử nghiệm. Để thấy tác động của Contrast lên ảnh như thế nào.

2.7 Cách sử dụng Highlight

Hướng dẫn sử dụng Highlights trong Lightroom

Trong ảnh thường có 5 vùng, bao gồm White, Highlight, Midtone, Shadow và Black. Trong đó, Highlight bao gồm các chi tiết có độ sáng cao. Nơi mắt chúng ta thường để ý tới. Bạn có thể nhận biết vùng Highlight. Nhưng không thể biết chính xác đến từng điểm ảnh Highlight. Đây là lúc cần đến sử dụng tính năng Highlight của Lightroom.

Như bạn đang thấy. Vùng sáng nhất trên ảnh được đánh dấu màu đỏ. Đây là một phần của vùng Highlight đang bị mất chi tiết. Chúng ta có thể kéo thanh trượt qua bên trái. Để giảm độ sáng vùng Highlight. Đồng thời khôi phục các chi tiết đã mất.

Highlights trong Lightroom la gi

Trong một ví dụ dễ hiểu hơn. Khi kéo thanh trượt sang phải. Vùng Highlight sẽ sáng hơn, dẫn tới mất chi tiết (thể hiện bằng vệt đỏ). Ngược lại, chúng ta kéo thanh trượt qua bên trái. Lightroom sẽ giảm độ sáng vùng Highlight.

Cách sử dụng Highlights của Lightroom

Bạn sẽ lấy lại chi tiết vùng Highlight mà không ảnh hưởng đến vùng khác. Tính năng này hiệu quả nhất với ảnh Raw. Thường để xử lý ảnh cháy sáng khi chụp trong điều kiện xấu. Hoặc cài đặt nhầm thông số trong khi chụp. Ok, bạn đã hiểu rõ tính năng này chưa? Chúng ta đến tính năng tiếp theo ha.

2.8 Cách sử dụng Shadows trong Lightroom

Hướng dẫn sử dụng Shadows trong Lightroom

Chúng ta đến với Shadows để kiểm soát vùng tối trên ảnh. Kéo thanh trượt qua bên phải. Lightroom sẽ tăng độ sáng vùng tối trên ảnh. Đồng thời khôi phục chi tiết trong vùng tối. Ngược lại, kéo thanh trượt qua bên trái. Vùng tối sẽ nhiều hơn.

Cách dùng Shadows trong Lightroom

Bạn sẽ thấy rõ nhất trong ví dụ trên. Kéo thanh Shadows qua bên trái sẽ tăng vùng tối trên ảnh. Khi kéo hết cỡ sẽ xuất hiện vùng đen hoàn toàn. Được đánh dấu bằng màu xanh. Như vậy, Shadows giúp kiểm soát vùng tối trên ảnh và khôi phục chi tiết vùng tối nha.

2.9 Hướng dẫn sử dụng tính năng Whites trong Lightroom

Cách dùng White trong Lightroom

Trong một bức ảnh còn có White và Black. Trong đó White là vùng sáng nhất. Nó khá giống Hightlight nhưng sáng hơn một chút. Bạn có thể dùng tính năng Whites để kiểm soát vùng này. Bằng cách kéo qua trái để giảm vùng White. Lightoom sẽ giảm độ sáng điểm ảnh và khôi phục các chi tiết bị mất.

White trong Lightroom

Ngược lại, kéo thanh trượt qua phải để tăng vùng White. Lightroom sẽ tăng độ sáng điểm ảnh trong vùng này. Những vùng đạt độ sáng tối đa sẽ mất chi tiết. Được đánh dấu bằng màu đỏ như trên hình. Thông thường, mình sẽ kết hợp cả Whites và Highlight để có kết quả tốt nhất.

2.10 Cách dùng Black trong Lightroom

Black trong Lightroom để làm gì

Chúng ta thấy vùng đen hoàn toàn (Black) được đánh dấu bằng màu xanh. Bạn có thể kiểm soát bằng tính năng Blacks trên Lightroom. Khi kéo thanh trượt qua bên trái. Phần mềm sẽ giảm độ sáng vùng đen trên ảnh. Những vùng đen hoàn toàn mất chi tiết. Ngược lại, khi kéo thanh trượt qua bên phải. Lightroom sẽ tăng sáng vùng Black và khôi phục chi tiết.

hướng dẫn sử dụng blacks trong Lightroom

Trong một ví dụ dễ hiểu hơn. Khi kéo thanh trượt qua bên trái. Vùng tối chuyển sang đen hoàn toàn. Như vậy, chúng ta có thể kết hợp Shadows và Black, để mang lại kết quả như mong muốn. Đây là những tính năng cơ bản trong mọi hướng dẫn sử dụng Lightroom. Bạn hãy thử nghiệm thật nhiều. Để thấy sự khác biệt trước khi học những tính năng khác.

2.11 Cách sử dụng Texture trong Lightroom

Cách dùng Texture trong Lightroom

Gần đây, Lightroom bổ sung tính năng Texture để kiểm soát chi tiết trong ảnh. Chúng ta kéo thanh trượt qua bên trái để tăng chi tiết. Ngược lại, kéo thanh trượt qua bên phải để giảm chi tiết. Bạn có thể sử dụng Texture vào làm mịn da.

hướng dẫn sử dụng Texture Lightroom

Mình lấy ví dụ dễ hiểu hơn. Chúng ta kéo thanh trượt qua hết bên phải. Cạnh chấm tròn sẽ tối hơn. Tạo cảm giác nổi bật và sắc nét hơn ảnh gốc.

Texture Lightroom

Vậy ngược lại thì sao. Chúng ta kéo thanh trượt qua bên trái. Cạnh chấm tròn sẽ sáng hơn. Cảm giác không nét và ít chi tiết hơn ảnh gốc. Bạn có thể tải ảnh minh họa tại đây. Sau đó phóng đại 100% rồi kéo thử Texture nha. Đừng quên chia sẻ nhận xét của bạn sau khi thử.

2.12 Hướng dẫn sử dụng Clarity trong Lightroom

Tác dụng của Clarity trong Lightroom

Clarity để tăng chiều sâu cho ảnh. Bằng cách tăng độ tương phản cục bộ. Như bạn đang thấy. Sau khi kéo thanh trượt qua bên phải. Chi tiết vùng sáng trở nên sáng hơn, tối thì tối hơn. Nhìn có vẻ rất giống tính năng Contrast. Nhưng chưa chắc.

Clarity Lightroom

Trong Contrast, toàn bộ điểm ảnh trên chấm tròn có độ tương phản giống nhau. Nhưng khi tăng Clarity thì sao? Bạn sẽ thấy viền chấm tròn có độ tương phản cao hơn và giảm dần khi vào tâm. Trường hợp giảm Clarity. Viền chấm tròn có độ tương phản thấp hơn tâm. Thay đổi này rất khó thấy trong ảnh thực tế. Phải sử dụng ảnh thử nghiệm mới nhận ra.

2.13 Cách sử dụng Dehaze trong Lightroom

Hướng dẫn sử dụng Dehaze trong Lightroom

Bạn từng chụp ảnh lúc sáng sớm hay sương mù? Hoặc chụp ảnh ngược sáng chưa? Trong những điều kiện như vậy. Ảnh thường bị một lớp sương mờ, làm giảm độ nét, màu sắc, tương phản. Tính năng Dehaze sẽ giúp bạn xử lý vấn đề này. Chỉ việc kéo thanh trượt qua bên phải.

Dehaze lightroom là gì

Lightroom sẽ xử lý và cho kết quả tốt hơn. Bạn sẽ thấy ảnh trong hơn. Nguyên nhân do độ tương phản, màu sắc, độ nét được tăng lên. Ngược lại, kéo thanh trượt qua trái để làm ảnh mờ hơn. Giống như phủ một lớp sương mù lên ảnh thôi. Tính năng này dễ quá rồi.

2.14 Hướng dẫn sử dụng Vibrance trong Lightroom

cách dùng Vibrance trong Lightroom

Chúng ta thường nghe về độ bão hòa màu? Bạn có thể hiểu rằng. Một màu có nhiều mức độ đậm nhạt khác nhau. Khi đạt mức tối đa gọi là bão hòa màu. Bạn có thể dùng Vibrance để kiểm soát bão hòa màu có chọn lọc. Kéo thanh trượt qua phải để tăng độ bão hòa của màu đang thiếu. Trong khi ít ảnh hưởng đến những màu đã bão hòa.

Hướng dẫn sử dụng Vibrance trong Lightroom

Ngược lại, hãy kéo thanh trượt qua bên phải để giảm độ bão hòa màu. Ảnh sẽ nhạt hơn như ví dụ trên. Vibrance ít ảnh hưởng nhiều tới màu da và màu đã bão hòa.

Vibrance Lightroom là gì

Trong ví dụ cuối cùng này. Bạn thấy Vibrance chỉ tăng độ bão hòa những màu còn thiếu. Như vậy chúng ta vừa tìm hiểu xong cách hoạt động của Vibrance.

2.15 Hướng dẫn sử dụng Saturation trong Lightroom

Cách tăng Saturation trong Lightroom

Chúng ta đến tính năng Saturation. Giúp tăng giảm độ bão hòa màu toàn bộ bức ảnh. Khi kéo thanh trượt qua bên phải. Lightroom sẽ tăng độ bão hòa màu toàn bộ ảnh. Bất kể màu đó đã bão hòa, gần bão hòa. Cho nên, cùng một giá trị như nhau. Bạn sẽ thấy Saturation mang lại hiệu ứng rõ ràng hơn Vibrance

cách sử dụng Saturations

Như bạn đang thấy. Điểm màu cam chuyển sang đỏ và khác hẳn so với Vibrance. Theo như Adobe, Saturation sẽ tăng gấp đôi độ bão hòa màu ở giá trị +100.

Saturation trong Lightroom

Ngược lại, khi giảm Saturation về mức -100. Bức ảnh sẽ chuyển thành ảnh đen trắng luôn. Như vậy, chúng ta vừa tìm hiểu tất cả tính năng trong Basic rồi. Hy vọng, bạn nắm được những thông tin quan trọng. Hẹn gặp lại trong phần hướng dẫn sử dụng Lightroom tiếp theo.

3. Hướng dẫn cắt ảnh, khử mắt đỏ, làm mịn da trong Lightroom

  • Crop ảnh: Sử dụng phím tắt R. Dùng để cắt ảnh phù hợp với nhu cầu sử dụng.
  • Spot Removal: Phím tắt Q, dùng để xóa chi tiết trên ảnh. Ví dụ như xóa mụn, vết bẩn.
  • Red Eye: Dùng để xử lý hiện tượng mắt đỏ khi dùng đèn Flash
  • Graduated Filter: Phím tắt (M), thường dùng xử lý lệch sáng khi chụp ảnh phong cảnh.
  • Radial Filter: Phím tắt Shift+M. Cách dùng tương tự Graduated Filter
  • Adjustment Brush: Phím tắt K. Dùng để tác động lên một vị trí chính xác trên ảnh. Ví dụ làm mịn da, trắng răng…

Để tiếp tục hướng dẫn sử dụng Lightroom. Chúng ta tìm hiểu 6 chức năng bao gồm cắt ảnh, xóa, khử mắt đỏ và Filter. Qua đây, bạn sẽ hiểu được cách sử dụng và áp dụng vào thực tế. Nếu có điều gì chưa hiểu. Hãy bình luận dưới bài viết nha. Mình sẽ trả lời ngay khi có thể.

4. Hướng dẫn sử dụng Tone Curve trong Lightroom

Trong phần tiếp theo. Chúng ta tìm hiểu cách sử dụng Tone Curve. Để kiểm soát độ sáng, tương phản trên từng kênh màu. Ngoài ra, bạn có thể kiểm soát từng phần nhỏ trên ảnh với tính năng Point Curve. Chúc bạn thực hiện thành công và có nhiều ảnh đẹp.

5. Hướng dẫn sử dụng Color Adjustment

Để tiếp tục hướng dẫn. Chúng ta tìm hiểu tính năng Color trong Lightroom. Qua đây, bạn sẽ biết cách kiểm soát bão hòa màu. Chuyển từ màu này sang màu khác. Tất nhiên có thể tăng giảm sáng từng màu riêng biệt.

6. Hướng dẫn sử dụng Color Grading trong Lightroom

Adobe vừa bổ sung Color Grading vào phiên bản Lightroom mới nhất. Giúp thêm màu sắc vào trong ảnh dễ dàng hơn. Bạn có thể kiểm soát màu sắc trên vùng Shadows, Midtones, Highlight. Thậm chí còn kiểm soát được mức hòa trộn giữa các vùng. Giúp việc lên màu ảnh dễ tính năng Split Tone rất nhiều. Chúc bạn thực hiện thành công và nhớ quay lại vào thứ 7 tuần tới.

7. Cách tăng nét và khử nhiễu trong Lightroom

Trong thời gian học Lightroom. Mình hiểu sơ sơ cách tăng nét trong Lightroom. Và áp dụng vào thực tế chưa đúng. Mình tăng nét quá nhiều dẫn đến ảnh bị cứng, nhiễu. Mình đã mất hàng năm để nhận ra điều đó. Và mình xin chia sẻ lại kinh nghiệm trong hướng dẫn này. Hy vọng giúp bạn có ảnh nét và ít nhiễu hơn. Quan trong hơn cả, bạn sẽ hiểu chi tiết cách hoạt động của Lightroom. Hãy để lại bình luận dưới bài viết nếu có phần nào chưa hiểu rõ.

8. Hướng dẫn khử viền tím trong Lightroom

Mình thấy viền tím hơi nhiều khi sử dụng ống kính Nikon 50 1.8G. Nghĩ rằng mua 85G sẽ bớt viền tím. Nhưng thực tế còn nhiều hơn nữa. Rồi mình dùng thử 85 1.4G với những ống kính mắc tiền hơn. Thực tế cho thấy, ống kính nào cũng bị viền tím thôi. Cách tốt nhất là thoải mái mà chụp. Sau đó sử dụng Lightroom để khử viền tím. Hiện nay, Lightroom có thể khử hoàn toàn viền tím và viền xanh. Chỉ cần chúng ta hiểu và áp dụng một cách chính xác. Chúc bạn thực hiện thành công.

9. Hướng dẫn sử dụng Transform trong Lightroom

Bạn thích chụp ảnh phong cảnh? Chắc hẳn nhiều ảnh bị méo lắm ha. Thay vì mua ống kính đắt tiền hơn. Chúng ta có thể sử dụng tính năng Tranform trong Lightroom. Bạn có thể thay đổi góc nhìn, để bức ảnh trở nên ngay ngắn đẹp mắt hơn. Mọi thứ được trình bày chi tiết trong video. Chúc bạn thực hiện thành công.

10. Hướng dẫn sử dụng Effects trong Lightroom

Tính năng Effecst giúp bạn tạo các hạt nhiễu và khung ảnh một cách dễ dàng. Chỉ cần kéo chuột rồi quan sát kết quả là được. Mình đã trình bày chi tiết trong video đính kèm. Chúc bạn có thật nhiều ảnh đẹp.

11. Hướng dẫn sử dụng Calibration trong Lightroom

Calibration giúp kiểm soát màu sắc trên ảnh Raw. Đây là công cụ khó hiểu nhất trong Lightroom. Cho nên nó mới nằm cuối cùng. Mình đã giải thích chi tiết cách hoạt động trong video. Qua đó, bạn cũng thấy được khác biệt giữa Calibration và HSL. Như vậy, chúng ta đã tìm hiểu tất cả những tính năng cơ bản nhất trong Lightroom Classic rồi.

12. Hướng dẫn xuất ảnh trong Lightroom

Bạn biết xuất ảnh bằng Lightroom chưa? Nếu chưa hoặc hơi hơi?, thì dành thời gian xem hướng dẫn này. Bạn sẽ hiểu rõ các tính năng, thông số khi xuất ảnh. Để tự tin đăng ảnh nét lên facebook, instagram hay in ấn. Cảm ơn.

13. Hướng dẫn in ảnh trong Lightroom – Maps, Book, Slideshow, Web

Trong phần này, bạn sẽ biết cách in ảnh như thế nào. Và sử dụng tính năng Maps để xem lại ảnh. Ngoài ra, bạn cũng biết cách xem lại ảnh qua tính năng Slideshow. Cuối cùng, chúng ta tìm hiểu cách xuất album ảnh thành một trang web. Để chia sẻ với mọi người dễ dàng hơn. Chúc bạn thực hiện thành công.

14. Cách tạo Catalog Lightroom, sao lưu và tối ưu Catalog

Lightroom quản lý ảnh thông qua Catalog. Mọi chỉnh sửa, vị trí, tiêu đề, thẻ đều năm trong đây. Do đó, chúng ta phải biết cách quản lý Catalog. Để Lightroom hoạt động nhanh hơn.

Đồng thời, chúng ta nên biết cách sao lưu dữ liệu trên Catalog. Để chỉnh sửa không bị mất khi cài lại máy tính. Ngoài ra, bạn cũng hiểu cách Lightroom hoạt động như thế nào. Và tại sao máy tính mạnh mà chạy Lightroom lại chậm như rùa.

15. Cách tạo chữ ký trên ảnh và gắn logo vào ảnh bằng Lightroom

Mình thấy nhiều bạn thích gắn logo và chữ ký lên ảnh. Tất nhiên, mình cũng như vậy. Bạn có thể làm việc này qua tính năng Watermark. Để thêm chữ ký hoặc bất kỳ logo nào bạn thích. Mình đã hướng dẫn chi tiết trong video. Nếu có phần nào chữa rõ. Hãy để lại bình luận dưới bài viết. Mình sẽ trả lời ngay khi có thể. Chúc bạn thực hiện thành công.

16. Cách tạo Preset Lightroom Classic

Trong phần này. Chúng ta tìm hiểu cách thêm, tạo, sao lưu và sắp xếp Preset. Giúp bạn biết được cách hoạt động của tính năng này. Để tự tin hơn trong quá trình sửa ảnh với Lightroom. Bạn có thể tải nhiều Preset đẹp tại đây.

17. Cách tạo ảnh HDR và Panorama trong Lightroom như thế nào

Để tiếp tục, chúng ta cùng tìm hiểu cách tạo ảnh HDR và Panorama trong Lightroom. Bạn sẽ hiểu rõ cách hoạt động của hai tính năng này. Đây là cách ghép ảnh HDR dễ sử dụng nhất cho đến thời điểm này.

18. Làm trắng răng bằng Lightroom

Chúng ta đang trên hành trình tới phần cuối khóa học Lightroom Classic. Trong phần này, bạn sẽ biết cách sử dụng tính năng Color Adjustment để làm trắng răng. Giúp chỉnh sửa ảnh chân dung dễ dàng và đẹp hơn.

19. Tăng độ phân giải bằng Lightroom

Mình từng chia sẻ cách tăng độ phân giải bằng Photoshop. Nhưng Photoshop không hỗ trợ ảnh JPG. Bạn có thể làm việc này bằng tính năng mới trong Lightroom. Để tăng độ phân giải lên gấp 4 lần. Trong khi vẫn giữ chi tiết sắc nét như ảnh gốc. Giúp in ấn khổ lớn đẹp hơn.

20. Phím tắt trong Lightroom

Chúng ta đã tới phần cuối khóa học Lightroom cơ bản. Trong hướng dẫn này mình tổng hợp các phím tắt. Để sử dụng Lightroom hiệu quả và tiết kiệm thời gian hơn.

21. Tổng kết hướng dẫn sử dụng Lightroom Classic

Như vậy, chúng ta vừa đi qua rất nhiều hướng dẫn sử dụng Lightroom Classic rồi. Hy vọng những hướng dẫn này giúp bạn hiểu về Lightroom hơn. Nếu có phần nào chưa hiểu rõ hoặc muốn mình viết thêm. Bạn hãy để lại bình luận phía dưới bài viết. Mình sẽ trả lời ngay khi có thể. Đừng quên chia sẻ cho bạn bè cùng biết nha. Chúc bạn nhiều ảnh đẹp. Cảm ơn đã dành thời gian.

22. Đọc thêm

  • Học PHOTOSHOP cơ bản MIỄN PHÍ qua VIDEO
  • Hướng dẫn sử dụng Adobe Premiere Pro 2022 chi tiết
  • Hướng dẫn sử dụng Lightroom trên điện thoại qua VIDEO
  • Bán ảnh trên ShutterStock chi tiết dễ hiểu bằng VIDEO
  • Mua bản quyền Photoshop và Lightroom trực tiếp từ Adobe

Từ khóa » Kéo Dài Chân Trong Lightroom Pc