Hướng Dẫn Tạm Thời Về Quản Lý Người Nhiễm COVID-19 Tại Nhà

Đây là tài liệu chuyên môn được áp dụng tại tuyến y tế cơ sở theo sự chỉ đạo của Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 của địa phương, nhằm cung cấp các hướng dẫn và quy định về quản lý, hỗ trợ và chăm sóc người nhiễm COVID-19 (bao gồm: người nhiễm SARS-CoV-2 và người bệnh COVID-19 mức độ nhẹ) tại nhà.

Đối tượng sử dụng “Hướng dẫn tạm thời về quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà” bao gồm: Trạm y tế xã, phường, thị trấn; Trạm y tế lưu động; Trung tâm y tế quận, huyện, phòng khám; Trung tâm vận chuyển cấp cứu và các cơ sở được phân công tham gia công tác quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà (gọi tắt là Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà). Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 xã, phường, thị trấn; Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận, huyện, thị xã. Nhân viên tham gia công tác quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.

Trong Hướng dẫn tạm thời cũng xác định rõ 2 nhóm tiêu chí để Người nhiễm COVID-19 được quản lý tại nhà, cụ thể như sau:

1. Tiêu chí lâm sàng đối với người nhiễm COVID-19

a) Là người nhiễm COVID-19 (được khẳng định dương tính bằng xét nghiệm Realtime RT-PCR hoặc Test nhanh kháng nguyên) không có triệu chứng lâm sàng; hoặc có triệu chứng lâm sàng ở mức độ nhẹ: như sốt, ho khan, đau họng, nghẹt mũi, mệt mỏi, đau đầu, đau mỏi cơ, tê lưỡi;

b) Không có các dấu hiệu của viêm phổi hoặc thiếu ô xy, nhịp thở ≤ 20 lần/phút, SpO2 ≥ 96% khi thở khí trời; không có thở bất thường như thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, thở khò khè, thở rít ở thì hít vào.

c) Đáp ứng thêm, tối thiểu 1 trong 2 tiêu chí sau:

- Đã tiêm đủ 2 mũi hoặc 1 mũi vắc xin phòng COVID-19 sau 14 ngày, HOẶC

- Có đủ 03 yếu tố sau: (1) Tuổi: Trẻ em trên 1 tuổi, người lớn < 50 tuổi; (2) Không có bệnh nền (Danh mục các bệnh lý nền quy định tại Phụ lục 01); (3) Không đang mang thai.

2. Khả năng người nhiễm COVID-19 tự chăm sóc

a) Có thể tự chăm sóc bản thân như ăn uống, tắm rửa, giặt quần áo, vệ sinh…

b) Có khả năng liên lạc với nhân viên y tế để được theo dõi, giám sát và khi có tình trạng cấp cứu: Có khả năng giao tiếp và sẵn có phương tiện liên lạc như điện thoại, máy tính,…

c) Trường hợp người nhiễm COVID-19 không có khả năng tự chăm sóc, gia đình phải có người chăm sóc đáp ứng các tiêu chí của mục a, b ở trên.

Các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà có trách nhiệm thực hiện 05 nhóm nhiệm vụ, bao gồm:

1. Xác định, lập danh sách người nhiễm COVID-19 quản lý tại nhà

a) Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà hoặc cơ sở y tế được Sở Y tế phân công, thực hiện đánh giá người nhiễm theo các tiêu chí quy định tại mục 1 phần II.

b) Lập danh sách quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà (mẫu danh sách tại Phụ lục 02).

2. Hướng dẫn người nhiễm COVID-19 theo dõi sức khỏe tại nhà

2.1. Theo dõi sức khỏe

a) Cơ sở quản lý sức khỏe người nhiễm COVID-19 hướng dẫn người nhiễm COVID-19 thực hiện tự theo dõi sức khỏe và điền thông tin vào phiếu theo dõi sức khỏe (theo mẫu tại Phụ lục03), 2 lần/ngày vào buổi sáng và buổi chiều hoặc khi có các dấu hiệu, triệu chứng cần chuyển viện cấp cứu, điều trị theo quy định tại mục c, phần 2.1.

b) Nội dung theo dõi sức khỏe hàng ngày

- Chỉ số: Nhịp thở, mạch, nhiệt độ, SpO2 (nếu có thể) và huyết áp (nếu có thể).

- Các triệu chứng: Mệt mỏi, ho, ho ra đờm, ớn lạnh/gai rét, viêm kết mạc (mắt đỏ), mất vị giác hoặc khứu giác, tiêu chảy (phân lỏng/đi ngoài); Ho ra máu, thở đốc hoặc khó thở, đau tức ngực kéo dài, lơ mơ, không tỉnh táo; Các triệu chứng khác như: Đau họng, nhức đầu, chóng mặt, chán ăn, buồn nôn và nôn, đau nhức cơ,…

c) Phát hiện bất cứ một trong các dấu hiệu dưới đây phải báo cáo ngay với Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà; trạm y tế xã, phường; hoặc trạm y tế lưu động, Trung tâm vận chuyển cấp cứu,… để được xử trí cấp cứu và chuyển viện kịp thời:

1) Khó thở, thở hụt hơi, hoặc ở trẻ em có dấu hiệu thở bất thường: thở rên, rút lõm lồng ngực, phập phồng cánh mũi, khò khè, thở rít thì hít vào.

2) Nhịp thở

- Người lớn: nhịp thở ≥ 21 lần/phút

- Trẻ từ 1 đến dưới 5 tuổi: Nhịp thở: ≥ 40 lần/phút,

- Trẻ từ 5 – dưới 12 tuổi: nhịp thở: ≥ 30 lần/phút

(Lưu ý ở trẻ em: đếm đủ nhịp thở trong 1 phút khi trẻ nằm yên không khóc).

3) SpO2 ≤ 95% (nếu có thể đo), (khi phát hiện bất thường đo lại lần 2 sau 30 giây đến 1 phút, khi đo yêu cầu giữ yên vị trí đo).

4) Mạch nhanh > 120 nhịp/phút hoặc dưới 50 lần/phút.

5) Huyết áp thấp: huyết áp tối đa < 90 mmHg, huyết áp tối thiểu < 60 mmHg (nếu có thể đo).

6) Đau tức ngực thường xuyên, cảm giác bó thắt ngực, đau tăng khi hít sâu.

7) Thay đổi ý thức: Lú lẫn, ngủ rũ, lơ mơ, rất mệt/mệt lả, trẻ quấy khóc, li bì khó đánh thức, co giật

Tím môi, tím đầu móng tay, móng chân, da xanh, môi nhợt, lạnh đầu ngón tay, ngón chân.

9) Không thể uống hoặc bú kém/giảm, ăn kém, nôn (ở trẻ em). Trẻ có biểu hiện hội chứng viêm đa hệ thống: Sốt cao, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi dâu tây, ngón tay chân sưng phù nổi hồng ban,...

10) Mắc thêm bệnh cấp tính: sốt xuất huyết, tay chân miệng,...

11) Bất kỳ tình trạng bất ổn nào của người nhiễm COVID-19 mà thấy cần báo cơ sở y tế.

2.2. Hướng dẫn chế độ ăn uống, sinh hoạt

Người nhiễm COVID-19 nên nghỉ ngơi, vận động thể lực nhẹ (phù hợp với tình trạng sức khỏe); tập thở ít nhất 15 phút mỗi ngày; Uống nước thường xuyên, không đợi đến khi khát mới uống nước; Không bỏ bữa; Tăng cường dinh dưỡng: ăn đầy đủ chất, ăn trái cây, uống nước hoa quả… và suy nghĩ tích cực, duy trì tâm lý thoải mái.

2.3. Hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại nhà

Thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định tại mục 4 “Yêu cầu đối với người cách ly y tế tại nhà” trong “Hướng dẫn tạm thời về cách ly y tế tại nhà phòng, chống dịch COVID-19 cho người tiếp xúc gần (F1) được ban hành tại Công văn số 5599/BYT-MT ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế. Tuyệt đối không đi ra khỏi nhà trong suốt thời gian cách ly y tế tại nhà.

3. Khám bệnh và theo dõi sức khỏe người nhiễm COVID-19

3.1. Theo dõi sức khỏe hàng ngày

a) Ghi chép, cập nhật thông tin về tình trạng sức khỏe người nhiễm COVID-19 hàng ngày và ghi vào các Phiếu theo dõi sức khỏe người nhiễm COVID-19 (Phụ lục 03); hoặc phần mềm quản lý sức khoẻ người nhiễm COVID-19 .

b) Tiếp nhận các cuộc gọi điện thoại và tư vấn cho người nhiễm COVID-19, người chăm sóc.

c) Nhân viên của Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà có nhiệm vụ đến nhà người nhiễm COVID-19 để hỗ trợ trực tiếp, trong các trường hợp:

- Người nhiễm COVID-19 có tình trạng cấp cứu cần xác định mức độ để có hướng xử trí phù hợp.

- Không nhận được báo cáo về tình trạng sức khoẻ của người nhiễm COVID-19 và không liên lạc được với người nhiễm COVID-19 hoặc người chăm sóc.

3.2. Khám bệnh, kê đơn điều trị tại nhà

a) Điều trị triệu chứng: Kê đơn, cấp phát thuốc điều trị triệu chứng

- Sốt:

+ Đối với người lớn: > 38.50 C hoặc đau đầu, đau người nhiều: uống mỗi lần 1 viên thuốc hạ sốt như paracetamol 0,5g, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 viên, uống oresol nếu uống kém/giảm hoặc có thể dùng uống thay nước.

+ Đối với trẻ em: > 38.50 C, uống thuốc hạ sốt như paracetamol liều 10-15mg/kg/lần, có thể lặp lại mỗi 4-6h, ngày không quá 4 lần.

Nếu sau khi dùng thuốc hạ sốt 2 lần không đỡ, đề nghị thông báo ngay cho Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà để phối hợp xử lý.

- Ho: dùng thuốc giảm ho.

b) Kê đơn, cấp phát thuốc điều trị ngoại trú: thực hiện theo Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 do chủng vi rút Corona mới SARS-CoV-2 của Bộ Y tế ban hành tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT ngày 14/7/2021.

c) Khám, chữa bệnh tại nhà bởi Trạm y tế lưu động hoặc đội y tế lưu động: Căn cứ vào số ca mắc và khu vực có ca mắc trên địa bàn phường, xã để thành lập các trạm y tế lưu động hoặc Đội y tế lưu động sẵn sàng hỗ trợ cấp cứu cho người bệnh tại nhà.

4. Lấy mẫu xét nghiệm COVID-19

a) Lấy mẫu xét nghiệm tại nhà (Realtime RT PCR; hoặc Test nhanh kháng nguyên) cho người nhiễm COVID-19 vào ngày 14 để chuẩn bị kết thúc thời gian cách ly.

b) Làm xét nghiệm cho người chăm sóc hoặc người ở cùng nhà với người nhiễm khi có triệu chứng nghi mắc COVID-19.

5. Xử trí cấp cứu, chuyển viện

a) Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà hướng dẫn người nhiễm khi có các cấu hiệu, triệu chứng cấp cứu, liên hệ ngay tới Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà hoặc Trung tâm vận chuyển cấp cứu để được hỗ trợ xử trí cấp cứu, chuyển viện.

b) Trong thời gian chờ đợi chuyển tuyến, Cơ sở quản lý người nhiễm COVID-19 hướng dẫn, xử trí cấp cứu cho bệnh nhân.

Kèm theo Hướng dẫn tạm thời, Bộ Y tế ban hành Danh mục 20 bệnh, nhóm bệnh nền có nguy cơ gia tăng mức độ nặng khi mắc COVID-19, cụ thể như sau:

1. Đái tháo đường

2. Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và các bệnh phổi khác

3. Ung thư (đặc biệt là các khối u ác tính về huyết học, ung thư phổi và bệnh ung thư di căn khác).

4. Bệnh thận mạn tính

5. Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu

6. Béo phì, thừa cân

7. Bệnh tim mạch (suy tim, bệnh động mạch vành hoặc bệnh cơ tim)

8. Bệnh lý mạch máu não

9. Hội chứng Down

10. HIV/AIDS

11. Bệnh lý thần kinh (bao gồm cả chứng sa sút trí tuệ)

12. Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh thalassemia, bệnh huyết học mạn tính khác

13. Hen phế quản

14. Tăng huyết áp

15. Thiếu hụt miễn dịch

16. Bệnh gan

17. Rối loạn do sử dụng chất gây nghiện

18. Đang điều trị bằng thuốc corticosteroid hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.

19. Các bệnh hệ thống.

20. Bệnh lý khác đối với trẻ em: Tăng áp phổi nguyên hoặc thứ phát, bệnh tim bẩm sinh, rối loạn chuyển hóa di truyền bẩm sinh, rối loạn nội tiết bẩm sinh-mắc phải.

Kèm theo Hướng dẫn tạm thời, Bộ Y tế ban hành các biểu mẫu:

- Danh sách quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà.

- Bảng theo dõi sức khoẻ người nhiễm covid-19 tại nhà

Từ khóa » Dấu đỏ Bộ Y Tế