Hướng Dẫn Tập Làm Văn Lớp 4 Tả Cây Phượng

Tả cây cối là một trong những đề tài làm văn giúp các em phát triển khả năng tư duy, tưởng tượng và quan sát hiệu quả. Hoa phượng là hoa học trò, dường như trong hầu khắp các sân trường đều có loại cây phượng. Các em có thể ngắm nhìn tận mắt hình ảnh cây phượng của trường học của mình để miêu tả hay nhất về cây. Cùng tìm hiểu rõ hơn về cách làm văn lớp 4 tả cây phượng với Vuihoc.vn nhé!

1. Tìm hiểu đề

Ở lớp 4, các em bắt đầu tìm hiểu về cách làm văn tả các sự vật. Trong đó nổi bật là tả cây cối. Để văn tả cây phượng là một loại đề tả cây cối phổ biến. Với đề bài này, các em tập trung vào miêu tả cây phượng để người đọc biết hình dáng, màu sắc,… của cây phượng là như thế nào, cây phượng trường em khác gì với những cây phượng khác. Qua đó em nêu tình cảm, suy nghĩ của mình về cây phượng.

2. Tìm ý phù hợp với đề bài

Với đề bài tả cây phượng, các em tập trung tìm các ý phù hợp. Các em nên vạch các ý cụ thể sẽ miêu tả cây phượng như thế nào để tránh lạc đề, miêu tả nhầm thành loại cây khác.

Hướng dẫn tập làm văn lớp 4 tả cây phượng

3. Lập dàn ý cho bài văn tả cây phượng

Dưới đây là dàn bài tả cây phượng, các em học sinh có thể tham khảo. Các dàn bài tả cây cối cũng tương tự.

a. Mở bài: giới thiệu cây định tả.

Trong phần mở bài này, các em giới thiệu về cây phượng và quang cảnh trường học của mình. Dựa vào các câu trả lời sau để các em có thể tìm được các chi tiết miêu tả cây phượng và trường:

o Sân trường em có rộng không?

o Sân trường của em trồng những cây cối gì?

o Cây phượng nằm ở chỗ nào trong trường?

o Cây phượng ở trường đã được trồng từ khi nào?

Hướng dẫn tập làm văn lớp 4 tả cây phượng

b. Thân bài:

- Tả bao quát hình ảnh của cây.

Đoạn đầu tiên trong phần mở bài, em miêu tả bao quát về cây phượng :hình dáng, tán lá, thân cây,…

o Cây phượng cao bao nhiêu?

o Tán lá của cây phượng có rộng không?

o Thân cây có sần sùi không?

o Có điểm gì đặc trưng của cây phượng khiến em ấn tượng?

- Tả từng bộ phận của cây (hoặc tả sự thay đổi của cây phượng theo từng mùa trong năm)

Sau khi đã miêu tả bao quát cây phượng thì bước tiếp theo là em đi vào chi tiết tả cây phượng theo từng bộ phận của cây hoặc là theo từng thời kỳ phát triển của cây.

o Miêu tả từng bộ phận của cây phượng

Em quan sát miêu tả các bộ phận của cây phượng từ dưới lên trên:

  • Rễ của phượng như thế nào? (cây phượng càng nhiều tuổi thì bộ rễ càng to, có thể nổi trên mặt đất)
  • Thân, cành, lá, quả,… của cây phượng như thế nào?
  • Hoa phượng nở vào mùa nào trong năm?
  • Màu sắc của cánh hoa, nhụy hoa phượng như thế nào?

Hướng dẫn tập làm văn lớp 4 tả cây phượng

o Miêu tả sự thay đổi của cây phượng theo từng mùa trong năm

Đây là những gợi ý các câu hỏi, những gợi ý để các em miêu tả cây phượng theo các mùa trong năm. Các em cũng ngồi nhớ lại hình ảnh cây hoa phượng ở các mùa có sự thay đổi như thế nào nhé!

- Vào mùa hè:

Cây phượng vào mùa hè thường có những đặc điểm như sau:

+ Hoa nở đỏ rực rỡ

+ Những tán lá của cây phượng to tròn, che nắng cho học sinh

- Vào mùa thu:

+ Cây hoa phượng chuyển dần sang lá màu đỏ

+ Học trò rất thích nhặt cành phượng

+ Lá phượng bay theo gió

- Vào mùa đông:

Lá phượng rụng, chỉ còn lại trơ thân và cành cây gầy

- Mùa xuân:

Những chồi non của cây phượng xanh mơn mởn, lá me non.

c. Kết bài:

- Nêu ích lợi của cây. Tình cảm của em đối với cây.

- Ấn tượng của cây đối với mọi người.

4. Viết bài văn theo dàn ý

Khi làm văn lớp 4 tả cây phượng hoặc các loài cây cối nói chung, các em cần lưu ý một số kỹ năng như sau:

van-lop-4-ta-cay-phuong

Làm văn miêu tả cây phượng các em hoàn toàn có thể sử dụng các câu văn linh hoạt. Em có thể dùng những câu cảm thán như “ôi chao!” để miêu tả sự ngạc nhiên của em về hoa phượng nở đẹp, rực rỡ vào mùa hè.

5. Bài văn lớp 4 tả cây phượng tham khảo

  • Bài tham khảo tả cây phượng 1

Cây phượng là loại cây hay được trồng ở trường học. Xung quanh trường em là những cây phượng, với những chùm hoa đỏ rực một góc trời vào mùa hè, báo hiệu một mùa chia tay bạn bè, mái trường và thầy cô nữa lại đến.

Cây phượng ở trường em đã to, có lẽ nó được những thế hệ thầy trò đầu tiên của ngôi trường mà em đang học trồng. Đến thế hệ của chúng em thì nó đã lớn và chiếm một khoảng khá rộng ở sân trường. Thân cây rất to chắc phải mấy đứa chúng em ôm mới xuể, phần rễ cây rất phát triển nhô cả lên mặt đất, vô tình như một cái ghế tạo thành chỗ ngồi cho học sinh ở trường. Cây phượng có rất nhiều cành, cành to, cành nhỏ thi nhau vươn cao, xa để đón lấy ánh nắng mặt trời.

Lá phượng rất đặc biệt, mỗi cành có rất nhiều cành lá, trên mỗi cành lá lại có nhiều lá con. Vì lá phượng nhỏ như vậy nên cả một cây phượng không tạo thành một bóng mát, những tia nắng lọt qua kẽ lá chiếu xuống sân như những đốm sáng nhỏ trông rất đẹp. Mỗi khi hè đến, cả cây phượng chìm trong tiếng ve kêu, rất ồn ào nhưng lại vui tai, những chùm hoa phượng bắt đầu nở, rồi cả cây phượng nở hoa, che lấp những cành lá màu xanh, nhìn từ xa cây phượng đỏ rực cả một góc trời.

Nếu không có tiếng ve, không có những chùm hoa phượng thì có ai biết hè đã đến từ bao giờ. Chúng em thường nhặt hoa phượng làm thành con bướm rồi đem nó ép vào trang vở như để cất giữ những kỉ niệm. Hoa phượng nở báo hiệu mùa hạ về, mùa thi đến, mùa chia tay thầy cô, bạn bè và mái trường yêu dấu khiến ai cũng có cảm giác xốn xang. Thế rồi hoa phượng tàn, kết thành những quả phượng dài, cong cong mà mấy bạn con trai hay nhặt để làm kiếm. Khi quả phượng rụng hết, cây phượng cũng trụi lá và đợi đến mùa xuân để mọc lên những tán lá xanh non mơn mởn.

Cây phượng vẫn đứng đó chứng kiến bao lớp học sinh đã trưởng thành từ đây. Dù xa trường nhưng em sẽ nhớ mãi về cây phượng như một người bạn của một thời học sinh.

  • Bài tham khảo tả cây phượng 2

Trên sân trường nhà em có rất nhiều loại cây: cây bàng, cây xà cừ, cây bằng lăng, cây phương. Loài cây nào cũng có đặc trưng và vẻ đẹp riêng của nó. Nhưng em vẫn thích nhất là cây phượng ở ngay bên dưới cột cờ.

Em không biết cây phượng này có từ bao giờ, chỉ biết từ khi em bước vào ngôi trường này, cây phượng đã sừng sững đứng hiên ngang bên dưới cột cờ. Mỗi mùa hè đến, phượng nở rực một góc. Cô giáo em vẫn thường bảo rằng màu hoa phượng chính là màu của tuổi học trò.

Cây phượng này cao hơn ngôi trường của em học, từng cành, từng lá xum xuê, bao phủ và tạo nên một bóng râm rất mát. Thân cây phượng xù xì, có nhiều con mắt nổi lên ở thân cây, là nơi chúng em vẫn bám vào và trèo lên cây vui chơi.

Lá của cây phượng giống như lá của cây me, nhưng nó dài hơn lá cây me. Ở dưới gốc cây, có những cái rễ rất to và dài bò lan ra ngoài mặt đất như những con rắn đang im lặng nằm ngủ một giấc thật ngon lành. Rễ cây chính là nơi chúng em vẫn ngồi mỗi khi giờ ra chơi. Chúng em nói đủ mọi thứ chuyện, đũng quần cũng sắp bị mài mòn bởi rễ phượng.

Chúng em còn có một trò chơi đặc biệt dưới gốc phượng này, chính là vẽ một vòng tròn rộng xung quanh cây phương, chia thành hai nhóm, một nhóm ở trong vòng tròn và một nhóm ở ngoài. Nhóm ở ngoài sẽ đuổi bắt nhóm ở trong, cứ thế chúng em chạy xung quanh gốc phượng không biết mệt mỏi.

Mỗi khi có làn gió thổi qua, tán phượng rung rung lên âm thanh rất thích thú. Ánh nắng xuyên qua những tán lá, rọi vào khung cửa sổ lớp em.

Những sáng thứ hai đầu tuần, trường em tổ chức chào cờ, khi ngước mắt lên nhìn lá cờ bay phấp phới trên bầu trời bao la, chúng em cũng thấy những tán phượng đang reo đùa như đang vẫy chào chúng em. Khi mùa hè đến, những chú ve kêu râm ran trên những tán cây không chịu ngớt. Vào tháng Năm, hoa phượng bắt đầu nở rộ, màu đỏ của hoa phượng rực cả một góc sân trường. Chúng em thường nhặt lấy từng cánh phượng rơi rụng xuống đất ép vào trang vở thành những chú bướm xinh đẹp nhất. Bạn nào cũng thích thú ép hoa vào trang mở chưa viết gì.

Cây phượng trên sân trường là người bạn của em, em đã có rất nhiều kỉ niệm đối với loại cây này. Có lẽ sau này khi rời xa mái trường này, em vẫn sẽ luôn luôn nhớ đến cây phượng dưới cột cờ này.

Ngoài văn lớp 4 tả cây phượng, chương trình Tiếng Việt lớp 4 của Vuihoc.vn còn rất nhiều bài giảng được thiết kế sinh động, hấp dẫn khác mà các em có thể tham khảo!

Từ khóa » đoạn Văn Tả Hoa Phượng Lớp 4