Hướng Dẫn Tu Bổ, Phục Hồi Kết Cấu Gỗ Trong Công Trình Di Tích

Trên đất nước Việt Nam có hàng trăm ngàn di tích khác nhau nhưng thường gặp nhất vẫn là kiến trúc gỗ. Mỗi năm hàng trăm tỷ đồng được Nhà nước đầu tư cho công tác tu bổ. Những đối với lĩnh vực này thì Việt Nam chưa có tiêu chuẩn hướng dẫn khảo sát, đánh giá, thiết kế, thi công và nghiệm thu. Đây là một khó khăn cho công tác quản lý chất lượng công tác bảo tồn di tích. Xuất phát từ nhu cầu thực tiến trên Bộ Xây dựng đã giao nhiệm vụ cho Viện khoa học Công nghệ Xây dựng nghiên cứu và xây dựng tiêu chuẩn "Hướng dẫn tu bổ, phục hồi kết cấu gỗ trong công trình di tích" - Mã số RD 38 - 07.

Nhóm đề tài đã khảo sát và nghiên cứu: kiến trúc gỗ truyền thống, phương pháp tính kết cấu gỗ di tích, các giải pháp gia cố và gia cường kết cấu, đặc trưng cấu tạo vật liệu gỗ di tích các vùng miền, các tác nhân gây hư hỏng gỗ, công nghệ xây dựng cổ truyền để bảo tồn giá trị văn hoá phi vật thể trong công trình, áp dụng tối đa kỹ thuật cổ khi gia cố, gia cường công trình trong điều kiện hiện đại. Tìm hiểu và đánh giá các công nghệ gia cố, gia cường hiện có để kiến nghị áp dụng trong tu bổ kết cấu gỗ nhằm chống lại quá trình suy thoái kết cấu. Và đưa ra quy trình và giải pháp kỹ thuật tu bổ phục hồi di tích kiến trúc gỗ.

Những khâu then chốt trong quy trình thực hiện dự án bảo tồn di tích kiến trúc gỗ là: khảo sát, ghi nhận định vị của công trình, đánh giá kết cấu, đánh giá tình trạng công trình khi hạ giải, lập giải pháp kỹ thuật, các bước nghiệm thu và tổng nghiệm thu. Hồ sơ công trình sẽ nhiều hơn, phức tạp hơn hồ sơ hoàn công của công trình XDCB.

Thông qua những đóng góp và ý kiến bổ sung của thành viên trong Hội đồng, đề nghị nhóm biên soạn sau khi chỉnh sửa nên gửi tới các Bộ Văn hoá - Thông tin, các ban, ngành liến  quan... lấy ý kiến đóng góp để tiêu chuẩn được hoàn thiện hơn.

Đề tài được Hội đồng đánh giá có tính thực tiễn cao và có giá trị khoa học và nhất trí nghiệm thu và xếp loại Xuất sắc.

 

Minh Tâm

Từ khóa » Tiêu Chuẩn Nghiệm Thu Gỗ Xây Dựng