Hướng Dẫn Vẽ Hình Khối Cơ Bản: Vuông, Lục Giác, Trụ, Cầu

DO ART Chúng tôi xin trình bày cách dựng hình & lên bóng sáng tối các khối Kỷ Hà tiêu biểu: Khối Vuông, Lục Giác, Trụ, Cầu. Để hiểu rõ cấu trúc cũng như cách phân tích nguyên lý sáng tối dựa vào cấu tạo vật thể; giúp học viên dễ dàng hơn trong việc diễn tả khối sau này.

1. HƯỚNG DẪN VẼ KHỐI LẬP PHƯƠNG

Một trong những bước đầu làm quen với bộ môn HÌNH HỌA, không thể không nói tới khối lập phương, một trong bốn khối căn bản không thể bỏ qua trong suốt quá trình rèn luyện kĩ năng căn bản trong giai đoạn một, giai đoạn vẽ khối kỷ hà.

Trong không gian hai chiều, khối lập phương còn được gọi là hình vuông. Trong không gian ba chiều, ngoài chiều ngang và chiều cao, khối lập phương còn có chiều sâu. Sở dĩ chúng tôi chọn khối lập phương là khối kỷ hà đầu tiên để cho những bạn đang trong quá trình rèn luyện kĩ năng căn bản làm quen, là bởi vì khối này đáp ứng được RÕ RÀNG & ĐẦY ĐỦ các tiêu chí sau:

* Khối góc cạnh, dễ nhìn ra giới hạn chiều dài của các cạnh, các mảng của chiều cao, chiều ngang.

* Khối có thể nhìn rõ được chiều sâu của các mặt phía trước & phía sau.

* Khối có thể thấy rõ ràng các mặt sáng - mờ - tối - bóng đổ - phản quang.

* Khối không quá khó để dựng hình, không có các chi tiết phức tạp cũng như phải vận dụng nhiều quy luật vẽ để thể hiện.

* Khối lập phương là tiền đề của rất nhiều khối căn bản & các khối phức tạp sau này. Khi đã tìm hiểu kĩ khối lập phương, thì bạn đã có thể hình dung tối thiểu bất kì vật thể nào trong không gian sau này theo tính chất của khối lập phương để có thể diễn tả được chúng một cách dễ dàng & hiệu quả nhất.

Dựa vào các tiêu chí trên, chúng tôi xin được trình bày các bước dựng hình và lên sáng tối cơ bản của khối lập phương như sau:

Hướng Dẫn Vẽ Khối Lập Phương

Bước 1:

- Canh bố cục nằm giữa giấy vẽ. Sử dụng que đo để đo tỉ lệ chiều cao tổng & chiều ngang tổng, so sánh chúng với nhau (ưu tiên lấy tỉ lệ nhỏ hơn làm chuẩn), rồi chấm ra bốn điểm tượng trưng cho chiều ngang tổng, chiều cao tổng của khối trên giấy. Kiểm tra lại thêm một lần nữa, nếu không có gì thay đổi ta phác nét ra.

- Quan sát diện bên trái & bên phải, diện nào nhỏ hơn (ưu tiên lấy tỉ lệ nhỏ hơn làm chuẩn), so sánh chúng với nhau để phác ra tiếp cạnh giữa.

- Khi đã có điểm cao nhất, điểm thấp nhất, cạnh trái, cạnh phải, cạnh giữa của khối lập phương, ta dễ dàng tìm được tỉ lệ chiều sâu của diện đỉnh bằng cách đo chiều sâu của diện đỉnh so sánh với bất kì diện trái hay phải của khối (ưu tiên so sánh diện đỉnh với diện nào nhỏ hơn).

- Lúc đã có được những tỉ lệ cần thiết nhất, ta vẽ cấu trúc khối lập phương ra rõ ràng để xác định mặt đáy, từ mặt đáy ta có thể phác ra bóng đổ của khối.

- Kẻ đường cạnh bàn nhằm phân chia rõ mặt phẳng nền đứng & nền nằm nhằm tạo điều kiện cho việc vẽ nền sau này.

Bước 2:

- Sử dụng chì nhạt B để bắt đầu lên đậm nhạt cho khối. Ưu tiên lên sắc độ từ diện đậm nhất đến nhạt dần (nền > bóng đổ > đỉnh khối > diện tối > diện mờ > diện sáng).

- Để ý chì luôn chuốt nhọn vừa phải thường xuyên, đan nét theo chiều của vật thể để tạo khối khỏe và mạnh hơn.

- Có thể vẽ nền ngay từ đầu trước khi vẽ khối hoặc vẽ khối xong vẽ nền vào sau cũng được. Chú ý đánh nét đậm từ trong góc đánh ra.

Bước 3:

- Bắt đầu tăng đậm các diện sáng tối. Lưu ý câu "gần rõ - xa mờ" để tăng đậm các diện sao cho đúng quy luật viễn cận.

Bước 4:

- Hoàn thiện khối. Ở bước này lưu ý phản quang của mặt tối không nên quá sáng mà chỉ chuyển độ nhè nhẹ. Độ đậm của nền & bóng đổ phải rõ ràng đồng thời tách hẳn ra khỏi mặt tối càng tốt.

- Để đảm bảo sắc độ được tăng giảm - điều chỉnh đúng cách, nên tập thói quen để bài ra xa, đặt bài vẽ dưới mẫu nhằm so sánh trực tiếp, như vậy ta sẽ dễ nhìn ra lỗi sai của mình hơn để chỉnh sửa kịp thời.

- Sắc độ của mặt nền nằm không nên để quá sáng mà phải hơi trầm xuống, nhằm tách mặt nền ra khỏi mặt sáng của mẫu.

2. HƯỚNG DẪN VẼ KHỐI LỤC GIÁC

Khối lục giác là bài tập tiếp theo của khối lập phương, với tính chất & tỉ lệ hơi khác một chút, nhưng khối lục giác và khối lập phương khi kết hợp với nhau sẽ tạo thành tiền đề của bất kì vật thể nào sau này trong không gian. Lưu ý là các vật thể trong không gian lại có rất nhiều hình dạng phức tạp, nếu không vững kiến thức căn bản để khái quát chúng về dạng khối cơ bản, các em sẽ dễ dàng rơi vào trạng thái chán nản vì vẽ hoài không ra được khối giống như mẫu, khối méo mó, không hiểu cấu trúc để đi sâu được.

Vậy để xây dựng nền tảng căn bản HÌNH HỌA vững chắc, ngay từ bước đầu tiên, nhất định phải luyện vẽ khối lục giác đúng cách. Sau đây, chúng tôi xin trình bày các bước dựng hình & lên sáng tối khối lục giác.

Hướng Dẫn Vẽ Khối Lục Giác

Bước 1:

- Canh bố cục nằm giữa giấy vẽ. Sử dụng que đo để đo tỉ lệ chiều cao tổng & chiều ngang tổng, so sánh chúng với nhau (ưu tiên lấy tỉ lệ nhỏ hơn làm chuẩn), rồi chấm ra bốn điểm tượng trưng cho chiều ngang tổng, chiều cao tổng của khối trên giấy. Kiểm tra lại thêm một lần nữa, nếu không có gì thay đổi ta phác nét ra.

- Quan sát diện bên trái & bên phải & diện giữa, diện nào nhỏ hơn (ưu tiên lấy tỉ lệ nhỏ hơn làm chuẩn), so sánh chúng với nhau để phác ra tiếp hai cạnh ở giữa ngăn rõ chu vi của ba diện.

- Khi đã có điểm cao nhất, điểm thấp nhất, cạnh trái, cạnh phải, hai cạnh giữa của khối lục giác, ta dễ dàng tìm được tỉ lệ chiều sâu của diện đỉnh bằng cách đo chiều sâu của diện đỉnh so sánh với bất kì diện trái hay phải của khối (ưu tiên so sánh diện đỉnh với diện nào nhỏ hơn).

- Lúc đã có được những tỉ lệ cần thiết nhất, ta vẽ cấu trúc khối lục giác ra rõ ràng để xác định mặt đáy, từ mặt đáy ta có thể phác ra bóng đổ của khối.

- Kẻ đường cạnh bàn nhằm phân chia rõ mặt phẳng nền đứng & nền nằm nhằm tạo điều kiện cho việc vẽ nền sau này.

Bước 2:

- Sử dụng chì nhạt B để bắt đầu lên đậm nhạt cho khối. Ưu tiên lên sắc độ từ diện đậm nhất đến nhạt dần (nền > bóng đổ > đỉnh khối > diện tối > diện mờ > diện sáng).

- Để ý chì luôn chuốt nhọn vừa phải thường xuyên, đan nét theo chiều của vật thể để tạo khối khỏe và mạnh hơn.

- Có thể vẽ nền ngay từ đầu trước khi vẽ khối hoặc vẽ khối xong vẽ nền vào sau cũng được. Chú ý đánh nét đậm từ trong góc đánh ra.

Bước 3:

- Bắt đầu tăng đậm các diện sáng tối. Lưu ý câu "gần rõ - xa mờ" để tăng đậm các diện sao cho đúng quy luật viễn cận.

Bước 4:

- Hoàn thiện khối. Ở bước này lưu ý phản quang của mặt tối không nên quá sáng mà chỉ chuyển độ nhè nhẹ. Độ đậm của nền & bóng đổ phải rõ ràng đồng thời tách hẳn ra khỏi mặt tối càng tốt.

- Để đảm bảo sắc độ được tăng giảm - điều chỉnh đúng cách, nên tập thói quen để bài ra xa, đặt bài vẽ dưới mẫu nhằm so sánh trực tiếp, như vậy ta sẽ dễ nhìn ra lỗi sai của mình hơn để chỉnh sửa kịp thời.

- Sắc độ của mặt nền nằm không nên để quá sáng mà phải hơi trầm xuống, nhằm tách mặt nền ra khỏi mặt sáng của mẫu.

3. HƯỚNG DẪN VẼ KHỐI TRỤ

Trong không gian có hai dạng khối, đó là khối tròn & khối phẳng. Khối trụ chính là dạng khối tròn của khối lục giác. Vì vậy cấu trúc của khối trụ cũng giống hệt khối lục giác, tính chất thì chỉ khác đi một chút. Sau đây chúng tôi xin trình bày các bước vẽ khối trụ.

Hướng Dẫn Vẽ Khối Trụ

Bước 1:

- Cách dựng hình khối trụ giống hệt khối lục giác, đầu tiên ta quan sát mẫu xem tỉ lệ của chiều nào nhỏ hơn chiều nào, ta ưu tiên lấy tỉ lệ nhỏ hơn làm chuẩn, sau đó so sánh qua tỉ lệ còn lại, từ đấy chấm ra 4 điểm dựa trên tỉ lệ mà ta vừa so sánh, phác ra khung hình chữ nhật thể hiện kích thước của khối trụ.

- Do đang vẽ vật mẫu có tính chất đối xứng nên ta phải lưu ý vẽ trục dọc của khối trụ vào, trục dọc là trục thẳng đứng, vuông góc với mặt đất & chia khối trụ ra làm hai phần bằng nhau.

- Sau đó ta lấy chiều sâu của mặt đỉnh so sánh với chiều ngang của khối trụ, phác ra chiều sâu của mặt đỉnh. Từ mặt đỉnh ta vẽ ra mặt đáy có kích thước lớn hơn mặt đỉnh một chút.

- Có được các tỉ lệ cần thiết, ta phác ra cấu trúc khối trụ, vẽ mặt đỉnh & mặt đáy vào, từ đấy xác định được bóng đổ của khối

- Phác đường cạnh bàn để phân chia không gian đứng & không gian nằm nhằm mục đích vẽ nền sau này.

Bước 2:

- Ta phân diện cho khối trụ giống như khối lục giác, nheo mắt lại để phác ra chu vi của các diện sáng - mờ - tối theo vật mẫu.

- Sử dụng chì nhạt B để lên sáng tối cơ bản cho khối, ưu tiên lên sắc độ từ đậm nhất đến nhạt dần (nền > bóng đổ > đỉnh khối > diện tối > diện mờ > diện sáng).

- Để ý chì luôn chuốt nhọn vừa phải thường xuyên, đan nét theo chiều của vật thể để tạo khối khỏe và mạnh hơn.

- Có thể vẽ nền ngay từ đầu trước khi vẽ khối hoặc vẽ khối xong vẽ nền vào sau cũng được. Chú ý đánh nét đậm từ trong góc đánh ra.

Bước 3:

- Bắt đầu tăng đậm sắc độ các diện sáng tối.

- Ở bước này để tạo độ cong cho khối khỏe hơn, nên phân tích & đưa khối về dạng vạt mảng, tức là khối lục giác, để đan nét cho đúng chiều của diện.

- Khi khối cong đã bắt đầu xuất hiện, tuy nhiên nếu vẫn còn hơi cứng, ta chuốt chì nhọn vừa phải, vờn nhẹ vùng đỉnh khối để giảm bớt độ gắt từ đỉnh khối chuyển dần qua diện mờ.

- Sử dụng chì nhạt B để vờn khối tương tự từ diện mờ qua diện sáng.

Bước 4:

- Hoàn thiện khối. Ở bước này lưu ý phản quang của mặt tối không nên quá sáng mà chỉ chuyển độ nhè nhẹ. Độ đậm của nền & bóng đổ phải rõ ràng đồng thời tách hẳn ra khỏi mặt tối càng tốt.

4. HƯỚNG DẪN VẼ KHỐI CẦU

Khối cầu là một trong hai khối quan trọng nhất trong tất cả các khối kỷ hà, cùng với khối lục giác, khối cầu là cơ sở tạo hình cho rất nhiều vật thể phức tạp. Hiểu rõ cấu trúc cũng như cách phân tích nguyên lý sáng tối dựa vào cấu tạo vật thể sẽ giúp học viên dễ dàng hơn trong việc diễn tả khối tròn sau này. Sau đây chúng tôi xin trình bày cách dựng hình & lên bóng sáng tối của khối cầu:

Hướng Dẫn Vẽ Khối Cầu

Bước 1:

- Đầu tiên ta canh bố cục trong tờ giấy vẽ cho cân đối, sau đó dựng khung hình vuông ra, trong đó khối cầu nằm vừa vặn trong khung hình ấy. Từ đấy ta dựng trục dọc & trục ngang chia khung hình thành bốn phần bằng nhau.

- Từ khung hình vuông & trục dọc, trục ngang được xác định đầy đủ, ta vẽ đường cong dựa vào cạnh ngoài của từng ô vuông nhỏ.

- Sau khi dựng hình xong hình tròn, ta xác định mặt elip với tâm là giao điểm của trục dọc & trục ngang để tạo độ sâu, hình thành nên khối cầu.

- Lúc dựng hình được khối cầu hoàn chỉnh, tiếp tục ta xác định đường cạnh bàn chia không gian ra làm hai phần bao gồm không gian đứng & không gian nằm.

Bước 2:

- Sử dụng chì nhạt B để lên sáng tối cơ bản cho khối, ưu tiên lên sắc độ từ đậm nhất đến nhạt dần (nền > bóng đổ > đỉnh khối > diện tối > diện mờ > diện sáng).

- Để ý chì luôn chuốt nhọn vừa phải thường xuyên, đan nét theo chiều của vật thể để tạo khối khỏe và mạnh hơn.

- Có thể vẽ nền ngay từ đầu trước khi vẽ khối hoặc vẽ khối xong vẽ nền vào sau cũng được. Chú ý đánh nét đậm từ trong góc đánh ra.

Bước 3:

- Bắt đầu tăng đậm các diện sáng tối. Lưu ý câu "gần rõ - xa mờ" để tăng đậm các diện sao cho đúng quy luật viễn cận.

Bước 4:

- Hoàn thiện khối. Ở bước này lưu ý phản quang của mặt tối không nên quá sáng mà chỉ chuyển độ nhè nhẹ. Độ đậm của nền & bóng đổ phải rõ ràng đồng thời tách hẳn ra khỏi mặt tối càng tốt. Độ đậm của đỉnh khối qua mặt mờ & từ mặt mờ đến mặt sáng nên chuyển độ càng êm càng tốt, vẫn luôn phải thường xuyên đánh bóng theo chiều của khối nhằm đảm bảo vẫn giữa được độ cong của vật thể.

- Để đảm bảo sắc độ được tăng giảm - điều chỉnh đúng cách, nên tập thói quen để bài ra xa, đặt bài vẽ dưới mẫu nhằm so sánh trực tiếp, như vậy ta sẽ dễ nhìn ra lỗi sai của mình hơn để chỉnh sửa kịp thời.

- Sắc độ của mặt nền nằm không nên để quá sáng mà phải hơi trầm xuống, nhằm tách mặt nền ra khỏi mặt sáng của mẫu.

Chúc các bạn vẽ đẹp!

Ban biên tập DoArt

hoc-ve-hinh-hoa-can-ban-doart

Từ khóa » Hình Khối Mỹ Thuật