Hướng Dẫn Về Tài Khoản 621 - Chi Phí Nguyên Liệu, Vật Liệu Trực Tiếp ...

Thông tư số 200/2014/TT-BTC  được ban hành ngày 22/12/2014, bắt đầu có hiệu lực từ 01/01/2015. Thông tư này hướng dẫn kế toán áp dụng cho những doanh nghiệp lớn. Đây là thông tư được thay thế cho Quyết định 15/2006.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu về tài khoản 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, được quy định tại điều 84 Thông tư 200:

Nguyên tắc kế toán

a) Tài khoản này dùng để phản ánh chi phí nguyên liệu, vật liệu sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ của các ngành công nghiệp, xây lắp, nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, kinh doanh khách sạn, du lịch, dịch vụ khác.

b) Chỉ hạch toán vào tài khoản 621 những chi phí nguyên liệu, vật liệu (gồm cả nguyên liệu, vật liệu chính và vật liệu phụ) được sử dụng trực tiếp để sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ trong kỳ sản xuất, kinh doanh. Chi phí nguyên liệu, vật liệu phải tính theo giá thực tế khi xuất sử dụng.

c) Trong kỳ kế toán thực hiện việc ghi chép, tập hợp chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vào bên Nợ tài khoản 621 “Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp” theo từng đối tượng sử dụng trực tiếp các nguyên liệu, vật liệu này (nếu khi xuất nguyên liệu, vật liệu cho quá trình sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ, xác định được cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng sử dụng); hoặc tập hợp chung cho quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm, thực hiện dịch vụ (nếu khi xuất sử dụng nguyên liệu, vật liệu cho quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ không thể xác định cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng sử dụng).

d) Cuối kỳ kế toán, thực hiện kết chuyển (nếu nguyên liệu, vật liệu đã được tập hợp riêng biệt cho đối tượng sử dụng), hoặc tiến hành tính phân bổ và kết chuyển chi phí nguyên liệu, vật liệu (Nếu không tập hợp riêng biệt cho từng đối tượng sử dụng) vào tài khoản 154 phục vụ cho việc tính giá thành thực tế của sản phẩm, dịch vụ trong kỳ kế toán. Khi tiến hành phân bổ trị giá nguyên liệu, vật liệu vào giá thành sản phẩm, doanh nghiệp phải sử dụng các tiêu thức phân bổ hợp lý như tỷ lệ theo định mức sử dụng,…

đ) Khi mua nguyên liệu, vật liệu, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì trị giá nguyên liệu, vật liệu sẽ không bao gồm thuế GTGT. Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì trị giá nguyên liệu, vật liệu bao gồm cả thuế GTGT.

Dù đã có phần mềm, nhưng kỹ năng Excel vẫn cực kỳ quan trọng với kế toán, bạn đã vững Excel chưa? Hãy để tôi giúp bạn, đăng ký khoá học Excel:

e) Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường không được tính vào giá thành sản phẩm, dịch vụ mà phải kết chuyển ngay vào TK 632 “Giá vốn hàng bán”.

Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 621 

Bên Nợ:

Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu xuất dùng trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ trong kỳ hạch toán.

Bên Có:

– Kết chuyển trị giá nguyên liệu, vật liệu thực tế sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trong kỳ vào TK 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang” hoặc TK 631 “Giá thành sản xuất” và chi tiết cho các đối tượng để tính giá thành sản phẩm, dịch vụ.

– Kết chuyển chi phí nguyên vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường vào TK 632 – Giá vốn hàng bán.

– Trị giá nguyên liệu, vật liệu trực tiếp sử dụng không hết được nhập lại kho.

Tài khoản 621 không có số dư cuối kỳ.

Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu

a) Khi xuất nguyên liệu, vật liệu sử dụng cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ trong kỳ, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

Có TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu.

b) Trường hợp mua nguyên liệu, vật liệu sử dụng ngay (không qua nhập kho) cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 331, 141, 111, 112,…

c) Trường hợp số nguyên liệu, vật liệu xuất ra không sử dụng hết vào hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ cuối kỳ nhập lại kho, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 152 – Nguyên liệu, vật liệu

Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.

d) Đối với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường hoặc hao hụt được tính ngay vào giá vốn hàng bán, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán

Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.

e) Đối với chi phí nguyên vật liệu sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh

– Khi phát sinh chi phí nguyên vật liệu sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh, căn cứ hoá đơn và các chứng từ liên quan, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp (chi tiết từng hợp đồng)

Nợ TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ

Có các TK 111, 112, 331…

– Định kỳ, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung (có sự xác nhận của các bên) và xuất hoá đơn GTGT để phân bổ chi phí nguyên vật liệu sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các bên, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 138 – Phải thu khác (chi tiết cho từng đối tác)

Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp

Có TK 3331 – Thuế GTGT phải nộp.

Trường hợp khi phân bổ chi phí không phải xuất hóa đơn GTGT, kế toán ghi giảm thuế GTGT đầu vào bằng cách ghi Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.

g) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào Bảng phân bổ vật liệu tính cho từng đối tượng sử dụng nguyên liệu, vật liệu (phân xưởng sản xuất sản phẩm, loại sản phẩm, công trình, hạng mục công trình của hoạt động xây lắp, loại dịch vụ,…) theo phương pháp trực tiếp hoặc phân bổ, kế toán ghi như sau:

Nợ TK 154 – Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang

Nợ TK 631 – Giá thành sản xuất (phương pháp kiểm kê định kỳ)

Nợ TK 632 – Giá vốn hàng bán (phần vượt trên mức bình thường)

Có TK 621 – Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.

Chúc các bạn học tốt cùng Học Excel Online!

Từ khóa » Sổ Cái Tk 621