Hướng Dẫn Viết Luận án Tiến Sĩ Của Học Viện Nông Nghiệp

luận án tiến sĩ nông nghiệp

A. CẤU TRÚC LUẬN ÁN

Luận án là văn bản gốc thể hiện năng lực tiến hành nghiên cứu độc lập của nghiên cứu sinh (dưới sự hướng dẫn của người hướng dẫn khoa học) và khả năng phân tích, truyền đạt kết quả có ý nghĩa của công trình đó. Vì thế, luận án phải được trình bày thận trọng bằng ngôn ngữ khoa học sao cho những người không trực tiếp tham gia nghiên cứu có thể hiểu, tiếp tục và thậm chí lặp lại công trình đó.

Cấu trúc cơ bản của luận án được thống nhất chung cho tất cả các ngành đào tạo trong Trường, tuân theo Quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Luận án được chia thành các phần và các chương; số chương tùy thuộc vào ngành, chuyên ngành và đề tài cụ thể, nhưng thường bao gồm những phần, chương:

1. Phần phụ đầu luận án

i. Bìa và trang bìa phụ

ii. Lời cam đoan

iii. Lời cám ơn

iv. Mục lục

v. Danh mục chữ viết tắt

vi. Danh mục bảng

vii. Danh mục đồ thị, hình, sơ đồ, ảnh, v.v.

2. Phần chính của luận án

Về tổng thể, phần chính của luận án bao gồm những thành phần chung sau:

Mở đầu

Chương 1. Tổng quan tài liệu

Chương 2. Phương pháp nghiên cứu

Chương 3. Kết quả và thảo luận

Kết luận và kiến nghị

Ghi chú: Các khoa chuyên môn có thể quy định và hướng dẫn chi tiết cách trình bày các chương/mục trong phần này của luận án để mang tính đặc thù cho ngành đào tạo, nhưng không được trái với Quy chế đào tạo tiến sĩ hiện hành của Bộ GD&ĐT và Quy định này của Trường. Các quy định chi tiết riêng của các khoa cho từng chuyên ngành đào tạo (nếu có) phải được thông qua Hội đồng Khoa học-Đào tạo của khoa và phải đăng ký với Trường thông qua Ban quản lý đào tạo.

3. Danh mục các công trình đã công bố

4. Danh mục tài liệu tham khảo

5. Phần phụ lục (nếu có)

YÊU CẦU NỘI DUNG

Luận án phải được trình bày ngắn gọn, rõ ràng, văn phong khoa học, mạch lạc, dễ hiểu, sạch sẽ, có đánh số trang, số bảng biểu, hình, đồ thị theo quy định và chứa đựng những nội dung cơ bản sau:

MỞ ĐẦU

Phần mở đầu chiếm khoảng 5% của luận án. Phần này giới thiệu ngắn gọn về công trình nghiên cứu, lý do lựa chọn đề tài, mục đích, đối tượng, phạm vi nghiên cứu, ý nghĩa khoa học và thực tiễn của đề tài.

Phần mở đầu cung cấp thông tin cơ sở cần thiết giúp cho người đọc hiểu ý tưởng, chủ đề nghiên cứu, các khái niệm, giả thuyết, vấn đề và câu hỏi nghiên cứu, mục tiêu và phạm vi của đề tài. Phần này phải chứa đựng một số vấn đề cốt lõi sẽ được đề cập tới ở chương Tổng quan tài liệu và Phương pháp nghiên cứu. Phải tổng hợp, trích dẫn những phát hiện chủ yếu trong lĩnh vực quan tâm, đặc biệt những phát hiện mới nhất. Tối thiểu nên trích dẫn từ 2 đến 3 tài liệu cho một ý lớn (đoạn văn). Các đoạn văn phải thể hiện được sự tổng luận các vấn đề chưa giải quyết, những phát hiện còn tranh luận, những quan tâm xã hội hay những vấn đề giáo dục, v.v. để cuối cùng dẫn đến lập luận vấn đề. Vấn đề đó là khoảng trống về tri thức hay giải pháp công nghệ, giải pháp quản lý, v.v.

Tóm lại, trong phần này tác giả phải đảm bảo trình bày đủ 3 nội dung:

1. Xác định vấn đề nghiên cứu, cụ thể là lập luận tại sao một vấn đề/câu hỏi nghiên cứu nhất định cần được giải quyết;

2. Trình bày giả thuyết, phác thảo ngắn gọn cách kiểm định giả thuyết đó và nêu phạm vi/giới hạn của nghiên cứu;

3. Thiết lập được ý nghĩa, tính mới của nghiên cứu, cụ thể là ý nghĩa, lợi ích đối với khoa học và nó phù hợp với những nghiên cứu khác trong lĩnh vực đó như thế nào, cuối cùng đề ra mục tiêu nghiên cứu

Chương 1. TỔNG QUAN TÀI LIỆU

Chương Tổng quan tài liệu chiếm khoảng 25-30% của luận án. Chương này phân tích, đánh giá có biện luận các công trình nghiên cứu liên quan mật thiết đến đề tài luận án đã được công bố (trong và ngoài nước); chỉ ra những vấn đề còn tồn tại mà luận án sẽ tập trung giải quyết; nội dung, cách tiếp cận và lựa chọn hướng giải quyết sẽ trình bày cụ thể trong phần phương pháp nghiên cứu. Vì luận án là một nghiên cứu gốc (mới) đóng góp vào tri thức khoa học hiện tại hay tri thức nghề nghiệp nên tổng quan tài liệu phải thiết lập được tính mới cho luận án. Thông qua tư duy biện luận, nghiên cứu sinh cần:

• Xác định những khoảng trống trong tri thức hiện tại, • Chứng minh nghiên cứu của mình dựa trên những công trình trước đây và đề ra điểm xuất phát của vấn đề nghiên cứu của chính mình, • Chứng minh tầm quan trọng và sự phù hợp của nghiên cứu, • Chỉ rõ những nhận thức về những phát triển quan trọng trong lĩnh vực đó, • Nêu rõ những quan điểm khác nhau và những lĩnh vực còn tranh luận, • Đánh giá có biện luận những điểm mạnh và điểm yếu của các nghiên cứu trước, • Nêu rõ cách giải quyết vấn đề đó trong nghiên cứu của mình.

Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Chương này chiếm tối đa 15% của luận án, mô tả cách tiến hành thí nghiệm, thực nghiệm, điều tra, v.v. để thu thập thông tin, số liệu trả lời câu hỏi nghiên cứu đặt ra. Vì vậy, chương này phải trình bày đầy đủ, chi tiết để bất kỳ ai cũng có thể tham khảo và lặp lại nghiên cứu một cách chính xác. Về căn bản, phần này cần mô tả theo trình tự logic cách thiết kế và tiến hành nghiên cứu, vật liệu và phương pháp nào được sử dụng, số liệu được thu thập và cách xử lý, phân tích số liệu. Thiết kế nghiên cứu được mô tả bằng những từ chọn lọc, rõ ràng và cụ thể.

Cụ thể, phần này trả lời được những câu hỏi sau:

• Làm gì? • Làm như thế nào? • Tại sao lại sử dụng phương pháp đó? • Khi nào tiến hành? • Ở đâu? • Sử dụng vật liệu gì? • Thu thập số liệu như thế nào? • Phương pháp đã sử dụng để xử lý số liệu là gì?

Chương 3 KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

Phần Kết quả và thảo luận chiếm tối thiểu 50% của luận án. Phần này gồm hai mục đích: trình bày kết quả và bàn luận. Chìa khóa quan trọng đối với phần kết quả là mô tả kết quả – tác giả cần trình bày chính xác mình đã phát hiện điều gì. Kết quả phải được tổ chức sao cho chúng phản ánh phương pháp đã sử dụng, trình tự thông tin và câu hỏi/mục tiêu nghiên cứu đề ra.

Những điều cần ghi nhớ khi trình bày kết quả gồm:

• Tập trung vào những kết quả chính yếu – đó là những kết quả trả lời câu hỏi và mục tiêu nghiên cứu, • Rõ ràng và cô đọng – đảm bảo cho người đọc biết được một các chính xác mình mô tả kết quả nào (đề cập số bảng, số hình), • Không đi sâu vào chi tiết mà cần chỉ rõ những thông tin quan trọng, • Sử dụng bảng biểu, hình và đồ thị một cách hiệu quả, không lặp lại cả bảng lẫn đồ thị, • Không bỏ sót bất kỳ những điểm nào quan trọng, nêu bật những phát hiện quan trọng, • Phải trình bày rõ từng bảng, hình, đồ thị (nếu giá trị thông tin thấp không nên đưa vào luận án).

Thảo luận là phần quan trọng nhất và trọng tâm của luận án và cũng là nơi tác giả bổ sung giá trị cho công trình nghiên cứu. Thảo luận quan trọng vì tác giả phải giải thích kết quả, trả lời câu hỏi nghiên cứu, biện minh cho phương pháp và đánh giá có biện luận nghiên cứu của mình. Hơn thế, thảo luận là nơi để biện luận, đưa ra những luận điểm, nhận thức mới nên tác giả phải suy nghĩ một cách thận trọng về ý nghĩa của kết quả thu được: không chỉ mô tả kết quả mà phải giải thích và đưa ra ý nghĩa của chúng. Việc giải thích phải chính xác, hợp lý, có bằng chứng cụ thể và đáng tin cậy. Ngoài ra, tác giả cần phân tích, nhận biết những hạn chế và tồn tại của nghiên cứu, lý giải cách giải quyết, cải thiện.

Khuyến khích nghiên cứu sinh viết tách kết quả và thảo luận thành 2 phần/chuơng riêng

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Kết luận phải rút ra được những ý tưởng chính, ý nghĩa của những phát hiện từ nghiên cứu của tác giả và nêu được sự đóng góp cho tri thức, khoa học, thực tiễn hay khả năng ứng dụng vào những lĩnh vực liên quan. Kết luận phải mang tính khái quát hóa, đảm bảo độ tin cậy và giá trị rút ra từ chính kết quả nghiên cứu của đề tài luận án (với bằng chứng cụ thể) xuất phát từ vấn đề, câu hỏi hay giả thuyết nghiên cứu đã đưa ra trước đó. Phần kết luận cũng có thể gồm những hạn chế của nghiên cứu.

Phần kiến nghị phải đưa ra những đề xuất cho nghiên cứu sau này hoặc sử dụng những kết quả nghiên cứu mới rút ra từ đề tài luận án của chính tác giả.

Từ khóa » Cách Viết Luận Văn Tiến Sĩ