Hướng đến Hệ Thống An Sinh Xã Hội Toàn Diện - Báo điện Tử Chính Phủ
Đây là đề nghị của các chuyên gia quốc tế tại hội thảo "Nhận diện các vấn đề về chính sách xã hội để thúc đẩy phát triển bao trùm, toàn diện, hướng tới đảm bảo an sinh xã hội toàn dân, không bỏ ai lại phía sau" do Bộ LĐTB&XH phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức ngày 29/6 tại Hà Nội.
Hội thảo tập trung thảo luận xung quanh 2 chủ đề lớn. Thứ nhất là hệ thống an sinh xã hội toàn diện hướng tới thực hiện nhiệm vụ không để ai bị bỏ lại phía sau. Thứ hai là nhận diện những vấn đề chính sách xã hội và phân tích mối liên quan, tác động đến việc phát triển kinh tế.
Hiện tại, một trong những thách thức lớn nhất đối với việc mở rộng phạm vi bao phủ an sinh xã hội ở Việt Nam là làm thế nào tiếp cận được với nhóm bị bỏ sót, những người không có bảo hiểm xã hội hay không nhận được trợ cấp xã hội. Một kết quả điển hình của khoảng trống trong hệ thống an sinh xã hội là phạm vi bao phủ lương hưu ở Việt Nam còn thấp.
Với tốc độ già hóa dân số hiện nay, nếu không nỗ lực mở rộng bao phủ bảo hiểm xã hội thì đến 2030, Việt Nam sẽ đối mặt với nguy cơ có 12 triệu người cao tuổi không có lương hưu. Đây sẽ là gánh nặng lớn đối với hệ thống an sinh xã hội trong tương lai.
Bà Ingrid Christensen, Giám đốc Văn phòng ILO tại Việt Nam nhấn mạnh, mặc dù có nhiều chuyển biến đáng kể nhưng nhiều người Việt Nam chưa được tiếp cận đầy đủ với an sinh xã hội. Việt Nam cần nỗ lực để đảm bảo an sinh cho xã hội, giải quyết thách thức từ các nhóm chính sách bị bỏ sót, những nhóm người làm việc tự do… thuộc nhóm cấp thiết cần tham gia an sinh xã hội.
Các chuyên gia quốc tế cũng chỉ ra rằng hệ thống bảo hiểm xã hội ở Việt Nam cho phép người lao động thoát khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội và yêu cầu rút bảo hiểm xã hội một lần cho tất cả các khoản đóng góp trước đây của họ. Việc ngày càng có nhiều người rút bảo hiểm xã hội một lần có thể gây ra hậu quả tiêu cực lâu dài đối với an ninh thu nhập của người lao động, cũng như tính bền vững tài chính của hệ thống.
Lồng ghép chính sách an sinh xã hội
Các chuyên gia cũng khuyến cáo, Việt Nam không nên xây dựng hay triển khai các chính sách an sinh xã hội tách biệt với các lĩnh vực chính sách công khác mà cần có sự lồng ghép phù hợp. Trên thực tế, các chính sách và kết quả về việc làm và an sinh xã hội phụ thuộc sâu sắc lẫn nhau, hỗ trợ lẫn nhau để có thể đạt được các các mục tiêu phát triển bền vững.
TIN LIÊN QUANPhát huy vai trò nhân dân trong xây dựng chính sách an sinh xã hội
Bàn giải pháp ‘lấp’ khoảng trống trong chính sách an sinh xã hội
Bảo đảm các chính sách an sinh xã hội được triển khai đúng, trúng, kịp thời
Cùng với đó, cần tăng cường sự liên kết và phối hợp giữa các cấp, làm cho bảo hiểm xã hội bắt buộc trở nên hấp dẫn hơn; cải cách an sinh xã hội phải đi đôi với tăng đáng kể đầu tư cho an sinh xã hội, coi việc đầu tư cho an sinh xã hội là một trong những động lực chính của phục hồi kinh tế Việt Nam sau đại dịch…
Hướng đến một hệ thống an sinh xã hội toàn diện ở Việt Nam, nhiều đại biểu khuyến nghị cần khắc phục tình trạng diện bao phủ thấp, mức hưởng thấp, chênh lệch giới trong thực hiện chính sách an sinh; đồng thời, tăng diện bao phủ bảo hiểm xã hội bắt buộc bằng cách nâng mức hưởng thỏa đáng, đơn giản hóa điều kiện hưởng chế độ, đưa nhiều nhóm người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, tăng cường truyền thông…
Từ việc phân tích hệ thống bảo hiểm xã hội, các chuyên gia quốc tế nhận định đặc điểm của thị trường lao động Việt Nam khiến hầu hết người lao động khó có thể tích lũy được 20 năm đóng góp, đây là mức tối thiểu theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội (2014) để người lao động đủ điều kiện hưởng lương hưu.
Theo ông André Gama, chuyên gia an sinh xã hội của ILO, việc gia tăng cơ hội tạo việc làm hiệu quả không chỉ giúp giảm nghèo mà còn góp phần cung cấp tài chính bền vững cho các hệ thống an sinh xã hội. Trong thực tế, người lao động chỉ có có thể tham gia đầy đủ vào hệ thống bảo hiểm xã hội khi có việc làm ổn định.
Ngoài vấn đề về sự thiếu liên kết với chính sách việc làm, các chuyên gia còn chỉ ra rằng Việt Nam chi cho an sinh xã hội (dưới 5% GDP) thấp hơn đáng kể so với mức trung bình của Thế giới (khoảng 13% GDP) và thậm chí thấp hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương (khoảng 8% GDP). Các chuyên gia cho rằng muốn thực sự cải cách hệ thống an sinh xã hội, Việt Nam sẽ cần tăng đầu tư cho lĩnh vực này.
Thu Cúc
Từ khóa » Diện Xã Hội
-
Xã Hội – Wikipedia Tiếng Việt
-
Về Phương Diện Xã Hội - Nguyên Nhân - VĂN Hóa GIAO TIẾP ỨNG ...
-
[PDF] Chủ Nghĩa Xã Hội Và Thời Kỳ Quá độ
-
Ý Thức Xã Hội Là Gì? - Luật Hoàng Phi
-
Cổng Thông Tin điện Tử - Bảo Hiểm Xã Hội Việt Nam
-
Tập Trung Nhận Diện Các Vấn đề Xã Hội Mới, Tầm Nhìn đến 2045
-
Cổng TTĐT Bộ Lao động- Thương Binh Và Xã Hội
-
Tiêu Chí Nhận Diện 'báo Hóa' Mạng Xã Hội - Thư Viện Pháp Luật
-
Thiết Chế Xã Hội Truyền Thống Của Các Tộc Người Thiểu Số
-
[PDF] 01 THƯƠNG MẠI ĐIỆN TỬ TRÊN MẠNG XÃ HỘI TẠI VIỆT NAM
-
Cổng Giao Dịch Bảo Hiểm Xã Hội điện Tử
-
Xã Hội - Báo Khánh Hòa điện Tử