Hướng đi Mới, Cách Làm Mới ở Rẻo Cao
Có thể bạn quan tâm
Lên huyện rẻo cao Kỳ Sơn sau đợt rét đậm, rét hại, bên cạnh những câu chuyện chưa vui về thiệt hại đối với đàn gia súc, chúng tôi còn được nghe những câu chuyện ấm áp về cách làm của các cấp Hội Nông dân nhằm hỗ trợ người dân đối phó với dịch bệnh và sự khắc nghiệt của thời tiết. Cùng với đó là những hướng đi mới mang lại sinh kế và cơ hội thoát nghèo cho người dân miền biên viễn.
Ông Lương Văn Kiền, 47 tuổi ở bản Noọng Dẻ là một trong những hộ chăn nuôi khá ở xã Nậm Cắn với đàn bò vỗ béo 13 con. Đúng đợt rét đậm, rét hại ùa về ông Kiền không may nhiễm Covid-19, con cái lại ở xa, vì thế ông khá lo lắng cho đàn gia súc của mình. Tuy nhiên, nỗi lo của ông đã được cởi bỏ khi các thành viên tổ nông vụ của Hội Nông dân xã đã kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ việc che chắn chuồng trại, sưởi ấm cho trâu bò, lấy cỏ ăn hàng ngày. Nhờ vậy, đàn bò nhà ông Kiền an toàn vượt qua đợt rét.
Trong đợt không khí lạnh vừa qua, trên địa bàn xã vùng biên Nậm Cắn nhiệt độ trung bình chỉ còn 5 – 10°C, có những bản nhiệt độ xuống dưới 0°C như các bản Tiền Tiêu, Trường Sơn, Huồi Pốc xuất hiện tuyết và băng giá trên diện rộng gây ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống người nông dân. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp khiến 10 hội viên hội nông dân/60 người dân trong xã nhiễm Covid-19.
Ông Hờ Pá Pó – Chủ tịch Hội Nông dân xã Nậm Cắn cho hay: Xã đã thành lập 2 tổ nông vụ với 10 thành viên tham gia với những hoạt động hỗ trợ thiết thực như giúp đỡ các hội viên F0 chăm sóc cây trồng, vật nuôi, quyên góp, cung ứng nhu yếu phẩm; giúp gia cố lại chuồng trại, làm áo chống rét, lùa đàn gia súc về chuồng cho ăn uống đảm bảo, thực hiện các biện pháp sưởi ấm cho đàn gia súc của 10 hộ F0 trên địa bàn. Qua đó, đã kịp thời động viên, giúp đỡ các hội viên có hoàn cảnh khó khăn, bị nhiễm Covid-19 duy trì và phát triển sinh kế, yên tâm điều trị để vượt qua dịch bệnh.
Chị Phan Thị Hồng Thơm – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho hay: Đối diện với dịch bệnh và mưa rét, các cấp Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn đã nhanh chóng triển khai công tác tuyên truyền vận động, thành lập các đoàn công tác đến các xã vùng khó khăn như Mường Típ, Keng Đu, Tà Cạ, Nậm Cắn và Bảo Nam để hướng dẫn hội viên, nông dân gia cố lại chuồng trại khẩn trương làm áo phòng chống rét cho cây trồng, vật nuôi cho các hộ dân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, có người nhiễm Covid-19. Đồng thời hướng dẫn cơ sở thành lập 30 “Tổ nông vụ” ở 21 xã thị để giúp nông dân trong sản xuất, trong cuộc sống. “Mới đầu các tổ nông vụ có tên là tổ nông dân giúp nhau vượt qua Covid-19 nhưng sau đó Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo thành lập tổ nông vụ để mở rộng các hoạt động”.
Chăn nuôi được xác định là ngành nông nghiệp mũi nhọn của huyện Kỳ Sơn. Theo số liệu thống kê đến cuối năm 2021, toàn huyện có 10.400 con trâu, đàn bò 40.000 con, đàn lợn 25.600 con, đàn dê 7.500 con… Đợt rét đậm rét hại vừa qua, ngành chăn nuôi huyện Kỳ Sơn bị ảnh hưởng nặng. Tuy nhiên, nhờ sự chủ động vào cuộc của ngành Nông nghiệp và các cấp Hội Nông dân nên phần nào đã giúp người dân tránh bớt thiệt hại. “Ngay trong tâm điểm của rét hại khi nhận được 15 tấn thức ăn chăn nuôi gia súc (cây ngô nguyên bông) từ Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nguyễn Hồng Sơn, cán bộ, hội viên Hội Nông dân các cấp trên địa bàn đã làm việc xuyên đêm khẩn trương phân phối đến các hộ chăn nuôi đặc biệt khó khăn tại 11 xã vùng lạnh, có số lượng chăn nuôi gia súc lớn” – chị Phan Thị Hồng Thơm chia sẻ.
Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã đồng hành giúp người nông dân từng bước thay đổi cách nghĩ, cách làm trong phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập qua những mô hình cụ thể. Trong đó phải kể đến các tổ hội nghề nghiệp.
Riêng trong năm 2021, đã thành lập mới được 13 tổ hội nông dân nghề nghiệp, nâng tổng số tổ hội trong huyện lên 22 tổ hội với 339 thành viên tham gia. Trong đó có 1 tổ hội làm chổi đót ở bản Hín Pèn, xã Bảo Nam, 4 tổ chăn nuôi bò sinh sản ở Bản Nậm Khiên (xã Nậm Càn), Noọng Hán (xã Đoọc Mạy), bản Kèo Cơn (xã Keng Đu), bản Vang Phao (xã Mường Típ); 2 tổ dệt thổ cẩm ở, bản Noọng Dẻ (xã Nậm Cắn), bản Huồi Cáng 1 (xã Bắc Lý); 2 tổ trồng gừng ở bản Huồi Khe (xã Mường Ải), bản Tham Hín (xã Nậm Càn); 1 tổ nuôi vịt bầu bản Na Khương (xã Na Loi); 1 tổ trồng rau bản Hòa Sơn (xã Tà Cạ); 1 tổ trồng cây dược liệu sâm 7 lá bản Huồi Giảng 1 (xã Tây Sơn); 1 tổ hội làm chổi đót bản Hín Pèn (xã Bảo Nam); 1 HTX nông nghiệp và du lịch cộng đồng tại xã Mường Lống… Theo chia sẻ của anh Lầu Bá Tu – Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch cộng đồng tại xã Mường Lống: Việc phát triển lên HTX sẽ mở hướng lâu dài vừa phát triển nông nghiệp với các mặt hàng đặc sản như gà đen, bò địa phương, rau sạch, bên cạnh đó cải tạo và trồng thêm vườn mận, vườn đào, phát huy lợi thế cảnh quan, khí hậu, bản sắc văn hóa để làm du lịch cộng đồng…”.
Để trở thành điểm tựa hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, chăn nuôi, phát triển các tổ hội nghề nghiệp, nguồn quỹ của hội đã và đang được sử dụng có hiệu quả. Đến nay, Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện Kỳ Sơn có 600 triệu đồng (trong đó nguồn ngân sách UBND huyện cấp 500 triệu đồng, nguồn vận động 100 triệu đồng), Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh cấp 700 triệu đồng. Trong năm 2021, đã giải ngân 250 triệu đồng, để phát triển mô hình chăn nuôi bò, gà đen sinh sản và thị trấn Mường Xén, mô hình chăn nuôi lợn sinh sản xã Tây Sơn…
Nhiều mô hình kinh tế tập thể khác cũng được Hội Nông dân huyện vận dụng các nguồn vốn và vận động các nhà hảo tâm triển khai hiệu quả như mô hình Ngân hàng bò tại xã Nậm Cắn đến nay phát triển thêm 2 con đưa tổng đàn mô hình đạt 18 con, ước giá trị khoảng hơn 200 triệu đồng, trong năm đã luân chuyển 4 con bò mẹ cho 4 hộ gia đình khác. Hay dự án Chăn nuôi vịt bầu tại xã Hữu Lập và xã Na Loi với quy mô 15 hộ/2.500 con vịt giống đến nay mô hình đã cho kết quả tốt, kịp thời cung ứng sản phẩm cho người tiêu dùng và thương lái.
Hiện, Hội Nông dân huyện đang tiếp tục chỉ đạo đề án chăn nuôi dê địa phương quy mô 10 hộ 50 con giống đến nay mô hình cũng đang phát triển tốt với tổng số lượng đàn dê đạt 100 con; phối hợp với Hội Nông dân tỉnh khảo sát lập dự án mở rộng quy mô chăn nuôi gà đen theo hướng thịt an toàn sinh học tại xã Huồi Tụ. Đầu năm mỗi cơ sở Hội đều đăng ký giúp đỡ 1 – 2 hộ thoát nghèo với nhiều hình thức giúp đỡ như: tiền mặt, công lao động, hỗ trợ vay vốn ngân hàng, cây, con giống. Thông qua các mô hình, đã xuất hiện những gương nông dân sản xuất, kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Tiêu biểu như Ông Lầu Bá Tu, bản Mường Lống I, xã Mường Lống với mô hình chăn nuôi gà đen địa phương quy mô trên 1.000 con theo hướng thịt an toàn sinh học. Ông Vừ Rả Tênh, bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn với mô hình chăn nuôi trâu vỗ béo (9 con trâu) và 16ha rừng trồng pơ mu, sa mu, táo mèo; ông Nhang Phò Xốm ở Bản Pà Ca, xã Nậm Cắn với mô hình nuôi dê trên 50 con; Ông Lầu Công Tủa ở bản Trường Sơn, xã Nậm Cắn mô hình chăn nuôi trâu, bò vỗ béo với 25 con trâu, 15 con bò và 5ha rừng trồng gừng và cỏ voi… “năm nay gia đình tôi dự kiến sẽ đầu tư thêm đàn trâu 10 con và đàn bò 15 con, có mạnh dạn chấp nhận thử thách thì mới vươn lên làm giàu chính đáng được!” – Ông Lầu Công Tủa bày tỏ.
Nhiều lần có dịp lên với các bản làng ở Kỳ Sơn nhưng lần nào cũng lắng đọng trong chúng tôi nhiều cảm xúc, không chỉ bởi sự mộc mạc chân tình và cởi mở, giàu bản sắc của đồng bào dân tộc nơi đây mà còn bởi cảnh quan thiên nhiên thơ mộng, hùng vỹ. Đó là một Tây Sơn thương nhớ với những mái nhà lợp gỗ pơ mu, sa mu nâu ẩn trong những vườn đào, vườn mận, một cổng trời Mường Lống với cảnh sắc, khí hậu được ví như “tiểu Sa Pa của xứ Nghệ”, một Mỹ Lý với tháp cổ nghìn năm soi bóng bên dòng Nậm Nơn; một Na Ngoi với nhiều điểm “săn mây” ở bản Buộc Mú và đỉnh Pu Xai Lai Leng cao 2.720 mét so với mực nước biển… Điều đáng mừng là cấp ủy, chính quyền và chính những người dân nơi đây đã bắt đầu có hướng khai phá tiềm năng, phát triển du lịch.
Đặc biệt, cuối năm 2021, khi dự án Nâng cao năng lực quản lý rừng và phát triển sinh kế cho đồng bào DTTS trong bối cảnh dịch Covid -19 tại huyện Kỳ Sơn được khởi động và giao cho Hội Nông dân huyện chủ trì đã tạo điều kiện cho người dân có điểm tựa để phát triển du lịch và bảo tồn các giá trị bản sắc dân tộc. Đây là dự án do Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) tài trợ và Chương trình Phát triển Liên hiệp quốc triển khai.
Ông Phan Văn Mạnh – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho hay: Mục tiêu của dự án là sẽ xây dựng, nhân rộng 5 loại mô hình sinh kế trên địa bàn 2 xã Mường Lống và Mỹ Lý gồm: giao đất giao rừng cho cộng đồng, phát triển chăn nuôi bò vỗ béo, bảo tồn phát triển chăn nuôi gà đen theo chuỗi giá trị OCOP; phục tráng, phát triển cây đào, cây mận gắn với phát triển du lịch cộng đồng; thiết lập quỹ vay vốn quay vòng phát triển kinh tế giao cho Hội Nông dân các xã quản lý với quy mô vốn hỗ trợ ban đầu ở mỗi địa phương là 50 triệu đồng. Các kết quả, kinh nghiệm thực hiện 5 loại mô hình sinh kế này sẽ được nhân rộng trong cộng đồng. Ngoài ra, trong phạm vi dự án còn có các hoạt động hỗ trợ tổ chức lễ hội chọi bò đồng bào dân tộc Mông ở Mường Lống và lễ hộ Bù Kha dân tộc Thái ở Mỹ Lý gắn với bảo tồn văn hóa, thúc đẩy phát triển du lịch; xây dựng biển quảng cáo giới thiệu điểm đến du lịch Kỳ Sơn tại thị trấn Mường Xén và Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn…
Đến nay, cùng với sự hỗ trợ của các nhóm chuyên gia, huyện đã triển khai các lớp tập huấn về phát triển du lịch sinh thái, cộng đồng; kỹ thuật chăn nuôi gà đen theo hướng OCOP; phục tráng đào và mận cho các hộ dân. Như ở Mường Lống nhiều hộ nông dân đã bắt đầu đổi mới tư duy, sửa sang nhà cửa, cải tạo vườn đào, vườn mận thành homestay để phát triển du lịch cộng đồng và đón những đoàn du lịch đầu tiên.
Điển hình là gia đình ông Vừ Tổng Pó ở bản Mường Lống I đã bỏ ra hàng trăm triệu để dựng nhà gỗ, mua sắm vật dụng làm homestay phục vụ du lịch. Ông Pó còn tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân huyện và xã tổ chức để có thể kiêm luôn vai trò hướng dẫn viên du lịch giới thiệu cho khách về ẩm thực, phong tục, văn hóa người Mông trên địa bàn. “Nhờ được tập huấn nên những món ăn đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc như gà đen, lợn đen, rau củ quả được chế biến và bày biện hấp dẫn hơn, hòa cùng bản nhạc tiếng khèn, điệu nhảy truyền thống trong ánh lửa bập bùng nồng ấm xua tan cái giá lạnh của mùa Đông giữa miền sơn cước cũng níu chân du khách hơn” – ông Pó cho hay. Giờ thì ở Mường Lống “làm homestay” phát triển du lịch không phải là cái gì đó xa vời mà đang được cấp ủy, chính quyền, Hội Nông dân các cấp và người dân nơi đây từng bước hiện thực hóa.
Cái nghèo, cái khó vẫn còn đó trên mảnh đất miền biên viễn Tây Nghệ, ấy thế nhưng cùng với sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, các cấp Hội Nông dân – những người bạn của nhà nông ở huyện rẻo cao Kỳ Sơn vẫn đang trăn trở đồng hành, tìm hướng đi mới “giúp dân no đủ, tự chủ bản thân”, vươn lên xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
- Nội dung: K.L
- Ảnh: K.L - CSCC - Nguyễn Đạo - Hoài Thu
- Thiết kế - Kỹ thuật: Nam Phong
(x)
Bạn có thể quan tâm
Từ khóa » Gỗ Pơ Mu Nhóm Mấy
-
Nghị định 84/2021/NĐ-CP Sửa đổi Nghị định 06/2019/NĐ-CP Quản ...
-
Làng Cổ Của Dân Tộc Thái Nghệ An Giữa Khu Bảo Tồn Pù Hoạt 300 ...
-
Phá Rừng Pơ Mu VQG Hoàng Liên
-
Phá Rừng Pơ Mu ở Vườn Quốc Gia Hoàng Liên
-
Quyết định 4832/QĐ-BNN-TCLN Các Loại Gỗ đã Nhập Khẩu Vào Việt ...
-
Về Thủ Phủ Gỗ Nghiến Tài Nguyên "vàng" được Người Dân Bảo Vệ ...
-
Đóng Cửa Rừng Tự Nhiên
-
Khôi Phục Tiếng Ơ Đu ở Nghệ An - Những Nghịch Lý Và Thách Thức
-
Khảo Sát Xây Dựng Tuyến Du Lịch Xuyên Vườn Quốc Gia Hoàng Liên ...
-
Nỗi Lo ở Piêng Coọc – Báo Nghệ An
-
'Báu Vật' Rừng Xanh đang Hồi Sinh
-
Ai Trả Công Cao Ngất Cho Người Xẻ Gỗ Sa Mu Trăm Tuổi?
-
Đón Tết Giữa Rừng Thẳm
-
Yên Bái - Khi đàn Cá Tầm Nuốt Các Cánh Rừng