Hướng đi Mới Từ Giống Keo Lai Nuôi Cấy Mô - Báo Quảng Bình điện Tử
Có thể bạn quan tâm
(QBĐT) - Trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu bằng giống keo lai nuôi cấy mô đang là xu hướng sản xuất, kinh doanh rừng trồng có hiệu quả và bền vững trên địa bàn tỉnh ta. Đây là một trong những giải pháp quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị của rừng trồng, vừa mang lại hiệu quả cao về kinh tế, vừa bảo vệ môi trường sinh thái, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp, đáp ứng mục tiêu tái cơ cấu ngành lâm nghiệp. Ông Phạm Hồng Thái, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, trước đây, các đơn vị, địa phương và người dân trên địa bàn tỉnh chủ yếu sử dụng giống keo lai giâm hom để trồng rừng.
Điều này đã bộc lộ một số hạn chế, như: cây keo lai hom có bộ rễ bàn và thường đổ ngã khi có gió lớn; độ già hóa của cây con giâm hom cao, nên việc sinh trưởng và phát triển của cây khi đưa ra ngoài hiện trường trồng rừng thường chậm hơn cây keo lai nuôi cấy mô.
Đối với địa bàn tỉnh ta, nhiều diện tích rừng trồng lại thường xuyên bị thiệt hại nặng nề do thiên tai. Do vậy, hiện nay, việc sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô đang được người dân quan tâm, bởi những đặc tính vượt trội so với truyền thống sử dụng giống keo lai giâm hom. Theo Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp, hiện nay, các loại giống cây lâm nghiệp nuôi cấy mô được khuyến khích đưa vào nuôi trồng do có nhiều ưu điểm nổi bật, như: cây con nuôi cấy mô được lấy mẫu từ cây bố mẹ khỏe mạnh, có điều kiện sinh trưởng và phát triển tốt ở ngoài thực địa, được thông qua cải thiện giống về di truyền; cây bố mẹ có tán tròn đều; gốc phân cành lớn; thân cây chính có độ thon thẳng. Mẫu để nhân giống được lấy ở đỉnh sinh trưởng-là cơ quan trẻ hóa nhất từ cây bố mẹ; có đặc tính luôn phát triển theo chiều thẳng đứng... Thời gian qua, nhằm hỗ trợ người dân trong việc tiếp cận, sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô trong trồng rừng gỗ lớn, rừng nguyên liệu, năm 2017, tỉnh đã hỗ trợ giống cho người dân tại các huyện Bố Trạch, Lệ Thủy với mức 60% đơn giá cây giống. Năm 2018, tỉnh hỗ trợ giống keo lai nuôi cấy mô và giống cây bản địa với số tiền trên 525 triệu đồng cho các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã hỗ trợ xây dựng mô hình trồng rừng gỗ lớn bằng giống keo lai nuôi cấy mô và giống cây bản địa với số tiền trên 470 triệu đồng tại các huyện Quảng Ninh, Bố Trạch, Lệ Thủy. Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Đệ nhận khoán từ Chi nhánh Lâm trường Trường Sơn để trồng rừng. Năm 2015, ông thử nghiệm trồng khoảng 0,2 ha giống keo lai nuôi cấy mô từ tỉnh Bình Định.
Sau 3 năm, với quy trình chăm bón đúng kỹ thuật, thân cây cao chừng 8,5-10m. Nhận thấy giống cây nuôi cấy mô sinh trưởng phát triển nhanh, năm 2017, gia đình ông Đệ tiếp tục đầu tư trồng trên 5 ha. Mới hơn một năm, nhưng giống cây này cho thấy những ưu điểm vượt trội, được nhiều người dân trên địa bàn ưa chuộng, bởi sâu bệnh ít, thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao gấp 1,5-2 lần giống cũ. Dẫn chúng tôi tham quan 5 ha keo lai nuôi cấy mô ở vùng đất xã Trường Xuân, huyện Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Đệ hồ hởi: “Mới trồng hơn 1 năm mà có cây cao đến trên 3m, thân cây cả bàn tay nắm không xuể.
Theo đà phát triển này, rừng trồng chừng 4 năm là có thể thu hoạch được. Hiện người dân trong vùng cũng đã mua giống cây nuôi cấy mô về trồng khá nhiều, vì từ trước đó chủ yếu trồng các loại giống keo lai giâm hom”. Chỉ tay về vườn cây đối chứng bên cạnh, ông Đệ cho hay: "Trồng cùng thời gian và được chăm sóc giống nhau nhưng keo lai nuôi cấy mô có đường kính và chiều cao thân cây lớn hơn 1,5 lần so với keo lai giâm hom. Mặt khác, keo cấy mô có khả năng chống chịu gió bão và sâu bệnh tốt hơn hẳn.
Nguyên nhân là do giống cây này sạch bệnh, khi phát triển thì thân lên thẳng, có rễ cọc chắc chắn nên chịu được gió mạnh. Với chu kỳ trồng keo cấy mô, chừng 3-4 năm là thu hoạch được. Nhưng, cán bộ kiểm lâm hướng dẫn, nếu trồng trên 8 năm mới thu hoạch thì sẽ cho lợi nhuận cao hơn. Tuy nhiên, đa số người dân có điều kiện kinh tế còn khó khăn, do đó, việc đầu tư trồng rừng lâu dài trong hoàn cảnh thời tiết biến đổi cực đoan là không hề dễ dàng.
Vì vậy, Nhà nước nên tăng mức hỗ trợ để người dân phát triển rừng trồng với giống keo lai nuôi cấy mô thay thế giống cũ, đem lại hiệu quả cao, nâng mức thu nhập, ổn định cuộc sống lâu dài hơn”. Ông Lưu Đức Hiến, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết thêm, giống cây nuôi cấy mô có rễ phát triển tốt, thân tròn, thẳng, độ phân cành ít, quá trình sinh trưởng không rụng cành, chất lượng cao hơn.
Đặc biệt hơn, trồng keo lai nuôi cấy mô ngoài việc bán gỗ dăm, sau chu kỳ 8 -10 năm thu hoạch gỗ sẽ đem lại giá trị kinh tế cao. Đây là giống đang được triển khai ở Quảng Bình, qua những kết quả đạt được, người dân nên nhân rộng.Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp sử dụng giống nuôi cấy mô bằng các nguồn được công nhận để trồng, hạn chế được thiệt hại khi có gió bão. Hiện nay, nơi cung cấp nguồn giống keo nuôi cấy mô đạt chất lượng là Công ty TNHH giống cây trồng nông- lâm nghiệp Nam Việt, đóng tại xã Trung Trạch, huyện Bố Trạch. Ông Trần Văn Tiến, Giám đốc Công ty Nam Việt cho biết, hơn 2 năm qua, Công ty đã sớm tiếp cận, học hỏi và đầu tư gần 10 tỷ đồng cho cơ sở sản xuất giống keo lai nuôi cấy mô, giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 20 lao động.
Năm 2017, Công ty sản xuất khoảng trên 400.000 cây; năm 2018 là trên 600.000 cây, kịp thời cung cấp cho các địa bàn huyện Minh Hóa, Tuyện Hóa, Lệ Thủy, Quảng Ninh và Bố Trạch phục vụ trồng rừng. Nếu như trước đây, một số đơn vị, địa phương phải mua giống keo lai nuôi cấy mô tại các tỉnh, như: Thừa Thiên-Huế, Bình Định, Đồng Nai, với giá thành cao thì nay, với vị trí địa lý khá thuận lợi, Công ty Nam Việt sẽ sẵn sàng cung cấp cây giống với giá từ 2.700 đến 3.000 đồng/cây.
"Sử dụng giống keo lai nuôi cấy mô để trồng rừng đang là hướng đi đúng đắn cho sản xuất lâm nghiệp tỉnh ta. Tuy nhiên, để người dân thực sự thay đổi tư duy, học hỏi và nhân rộng thì các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa, giúp bà con nhận thức được lợi ích của việc sử dụng loại giống này để trồng rừng, nâng cao giá trị sản xuất lâm nghiệp.
Mặt khác, tỉnh cần có cơ chế hỗ trợ giống nhằm giúp người dân mạnh dạn tiếp cận với giống cây tốt nhưng còn khá mới mẻ này", Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Phạm Hồng Thái nói thêm.
Hương Trà
Từ khóa » Trồng Keo Lai Nuôi Cấy Mô
-
Bứt Phá Rừng Trồng Keo Lai Nuôi Cấy Mô - Báo Nông Nghiệp Việt Nam
-
TRIỂN VỌNG MÔ HÌNH TRỒNG KEO LAI CẤY MÔ - Huyện U Minh
-
Giống Keo Nuôi Cấy Mô Góp Phần Phát Triển Rừng Trồng Bền Vững
-
Trồng Rừng Bằng Giống Keo Lai Nuôi Cấy Mô - Hướng đi Mới Trong ...
-
Hiệu Quả Những Cánh Rừng Keo Lai Mô - Báo Tuyên Quang
-
Kỹ Thuật Trồng Rừng Keo Lai Nuôi Cấy Mô Thâm Canh - 2lua
-
KỸ THUẬT TRỒNG KEO LAI MÔ
-
Thâm Canh Rừng Gỗ Lớn Bằng Giống Keo Mới - Hội Nông Dân Việt Nam
-
Kết Quả ứng Dụng Kỹ Thuật Trồng Rừng Sản Xuất Bằng Cây Keo Lai ...
-
Hướng đi Mới Trồng Cây Keo Lai Nuôi Cấy Mô - - Vĩnh Phúc Plus
-
Kỹ Thuật Nhân Giống In - Vitro Cây Keo Lai
-
Giống Keo Nuôi Cấy Mô Góp Phần Phát Triển Rừng Trồng Bền Vững
-
2022 Cây Keo Lai Giống. Kỹ Thuật Trồng Và Chăm Sóc Tốt Nhất
-
Dự án - Lâm Nghiệp Tiền Phong