Hướng Tới APEC 2014: Kiến Tạo Năng động để Chia Sẻ Thịnh Vượng ...

​​​​ ​ ​​APEC năm 2014 có chủ đề là Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương​

Sáng 5/11, Hội nghị các quan chức cao cấp (CSOM) của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) đã chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, mở đầu cho tuần lễ Hội nghị cấp cao APEC năm 2014 sẽ kéo dài đến hết ngày 11/11.

Với chủ đề "Định hình tương lai thông qua quan hệ đối tác châu Á-Thái Bình Dương", Hội nghị cấp cap APEC năm nay có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, đánh dấu mốc hợp tác APEC sau 25 năm thực hiện mục tiêu tự do hóa, thuận tiện hóa thương mại - đầu tư và hợp tác kinh tế kỹ thuật, lãnh đạo 21 thành viên các nền kinh tế APEC sẽ tập trung thảo luận các biện pháp tăng cường kết nối nội khối, thúc đẩy hình thành Khu mậu dịch tự do châu Á – Thái Bình Dương (FTAAP) và các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong khu vực.

APEC:  mục tiêu và thành tựu

Diễn đàn Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương, viết tắt là APEC, được thành lập năm 1989 nhằm thức đẩy tăng trưởng kinh tế, thịnh vượng khu vực và củng cố cộng đồng Châu Á – Thái Bình Dương. Ban đầu, APEC chỉ là một diễn đàn liên chính phủ nhằm thảo luận về các vấn đề kinh tế khu vực, hoạt động trên cơ sở các cam kết không ràng buộc, đối thoại mở và công bằng, tôn trọng các quan điểm của các bên tham gia. Không giống như Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) hay các tổ chức thương mại đa phương khác, APEC không thỏa thuận về nghĩa vụ đối với các thành viên tham gia. Các quyết định trong khuôn khổ APEC được đưa ra theo hình thức đồng thuận và các cam kết được thực hiện trên cơ sở tự nguyện.

Trọng tâm của việc đạt được tầm nhìn của APEC nằm trong Mục tiêu Bogor, lấy tên gọi của cuộc họp các nhà lãnh đạo tại cuộc họp Thượng đỉnh năm 1994 tại Borgo, Indonesia, là tự do và mở cửa cho thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương đến năm 2010 với các nền kinh tế công nghiệp và năm 2020 đối với các nền kinh tế đang phát triển. Sau 25 năm phát triển, APEC đã đạt được nhiều thành tựu trong cả 3 trụ cột là tự do hóa thương mại và đầu tư; thuận lợi hóa kinh doanh; và hợp tác kỹ thuật và kinh tế. Trở thành một cơ chế hợp tác kinh tế liên chính phủ cấp cao nhất khu vực châu Á-Thái Bình Dương, APEC đã đóng vai trò không thể thay thế được về các mặt thúc đẩy tự do hóa thương mại và đầu tư khu vực, tăng cường hợp tác kinh tế, kỹ thuật giữa các thành viên v.v…

Năm 2014 là kỷ niệm 25 năm thành lập APEC, cũng là năm kỷ niệm lần thứ 20 xác định mục tiêu Bogor. Đồng thời, đây cũng là sáu năm sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, nền kinh tế thế giới đã dần ổn định, đi vào quỹ đạo tăng trưởng thấp. Với mức, tăng trưởng vẫn còn khiêm tốn và tồn tại nhiều thách thức hơn dự tính, vai trò là động lực tăng trưởng của kinh tế toàn cầu của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương càng có ý nghĩa và đòi hỏi cần phải có các biện pháp cả riêng rẽ và tập thể để ứng phó với những thách thức này.

Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn và thách thức to lớn đang đặt ra cho mỗi thành viên như phục hồi tăng trưởng còn chậm, thiếu vững chắc; thất nghiệp còn cao; mất cân bằng về cung-cầu lao động có tay nghề cao; bất ổn xã hội và nhiều rủi ro tiềm ẩn khác, nhu cầu khuyến khích các thành phần xã hội tham gia hoạt động kinh tế, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, tăng cường đóng góp của phụ nữ cho phát triển kinh tế, thúc đẩy khoa học, công nghệ, sáng tạo, hợp tác chống tham nhũng, an sinh xã hội, y tế… Đây là những nội dung rất thiết thực bảo đảm tăng trưởng bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển, nâng cao chất lượng đời sống của người dân, hướng tới hình thành một châu Á – Thái Bình Dương tự cường, gắn kết, phát triển đồng đều, công bằng và bền vững.

 

APEC 2014: tăng cường kết nối, định hình tương lai

Kết nối đã trở thành nhu cầu tất yếu của hợp tác APEC trong thế kỷ 21 do xu thế toàn cầu hóa, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ sáng tạo, công nghệ số và sự mở rộng nhanh chóng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Việc tăng cường kết nối toàn diện và phát triển cơ sở hạ tầng sẽ đặt nền móng cho sự thịnh vượng chung. Khuôn khổ kết nối APEC đang được tập trung vào những lĩnh vực thiết thực, nhất là kết nối về đầu tư và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải, công nghệ thông tin, tạo thuận lợi đi lại trong lĩnh vực lao động, giáo dục, du lịch, ứng phó với tình trạng khẩn cấp, phát triển nguồn nhân lực và tăng cường đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Với nhận thức chung cần thúc đẩy hơn nữa cải cách cơ cấu kinh tế, tạo điều kiện cho sáng tạo và tăng cường kết nối khu vực để đảm bảo phát triển kinh tế ở châu Á-Thái Bình Dương, Hội nghị APEC 2014 sẽ tập trung thảo luận các vấn đề phức tạp hơn so với trước đây bởi vì khu vực châu Á Thái Bình Dương hiện giữ vai trò động lực tăng trưởng thế giới, và cũng vì vậy, bao hàm nhiều vấn đề cấp bách cần được giải quyết như di sản của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng như mở rộng thương mại trong khu vực. Vừa qua, các thành viên APEC đã đạt được sự nhất trí về việc tiếp tục thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực và khởi động tiến trình thành lập khu vực mậu dịch tự do châu Á-Thái Bình Dương.

"Định hình tương lai thông qua đối tác châu Á - Thái Bình Dương" là chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh  APEC lần thứ 22, sẽ diễn ra tại Trung Quốc vào năm 2014. Đây là lần thứ hai Trung Quốc đăng cai tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh APEC sau 13 năm. Trung Quốc với tư cách là nước đăng cai Hội nghị sẽ không bỏ lỡ cơ hội tạo ra những ảnh hưởng nhất định. Chính vì vậy, nội dung chủ yếu của hội nghị thượng đỉnh APEC 2014 là thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực thông qua khám phá các khu vực mới phát triển, tăng cường kết nối toàn diện trong khu vực và thúc đẩy hệ thống thương mại đa phương.

Trung Quốc cũng kiến nghị đẩy phát triển sáng tạo, cải cách kinh tế và tăng trưởng thông qua xây dựng một thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương mở, toàn diện và phát huy các lợi thế tiềm năng, sự năng động và sức mạnh của khu vực đồng thời khám phá những khả năng hợp tác thực tế trong các lĩnh vực như thúc đẩy cải cách cơ cấu kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng sáng tạo, hội tụ sâu rộng của các dây chuyền công nghiệp và chuỗi giá trị, phát triển một nền kinh tế xanh.

 

Việt Nam: 15 năm tham gia APEC

Chính thức tham gia APEC từ năm 1998, Việt Nam đang dần khẳng định vai trò của mình trong tổ chức kinh tế quan trọng này. Việc chính thức tham gia Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) vào năm 1998 đã đánh dấu bước triển khai quan trọng chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa và hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Nhìn lại quá trình tham gia APEC của Việt Nam, có thể thấy APEC là một trong những diễn đàn mang lại những lợi ích thiết thực cho đất nước và nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Việc tham gia APEC đã góp phần nâng cao nội lực của đất nước thông qua việc thúc đẩy các cam kết hợp tác giúp thúc đẩy trao đổi thương mại và đầu tư với các đối tác thương mại hàng đầu trong khu vực.

Việc đăng cai và tổ chức thành công năm APEC 2006 cũng như sự tham gia của Việt Nam trong Diễn đàn đã khẳng định những đóng góp tích cực của Việt Nam trên các diễn đàn quốc tế đa phương. APEC cũng là một kênh quan trọng để Việt Nam thúc đẩy hợp tác song phương với các nền kinh tế trong khu vực thông qua các cuộc tiếp xúc song phương ở các cấp, đặt biệt ở cấp cao nhất tại các hội nghị Thượng đỉnh hàng năm.

Trong hơn 15 năm tham gia APEC, Việt Nam đã hợp tác tích cực cùng các thành viên khác thúc đẩy các cơ chế hợp tác, liên kết kinh tế đa dạng, linh hoạt, hiệu quả phù hợp với môi trường cạnh tranh quốc tế mới. Việt Nam là một trong những thành viên chủ động đề xuất và tham gia nhiều sáng kiến mới, với hơn 70 sáng kiến ở hầu hết mọi lĩnh vực (thương mại, đầu tư, đối phó với tình trạng khẩn cấp, y tế, chống chủ nghĩa khủng bố….); và đã đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt trong APEC.Việt Nam cũng tiếp tục tham gia thúc đẩy các lĩnh vực ưu tiên của APEC phù hợp với lợi ích và quan tâm của nước ta như liên kết kinh tế, an ninh lương thực, ứng phó với thiên tai, quản lý nguồn nước, bảo vệ bền vững nguồn tài nguyên biển.

Những chuyển biến nhanh chóng và phức tạp của bối cảnh quốc tế hiện nay cũng như nhu cầu phát triển bức thiết của đất nước đang đặt ra những đòi hỏi phải tăng cường hơn nữa hiệu quả trong hợp tác APEC nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung. Mặc dù hệ quả của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vẫn còn dai dẳng, hàm chứa nhiều bất định và khó dự đoán, song về dài hạn, Châu Á – Thái Bình Dương vẫn là khu vực phát triển kinh tế năng động, giàu tiềm năng, dân số trẻ và có tay nghề. Nhiều nền kinh tế lớn nhất thế giới nằm song khu vực này song thách thức của APEC lại chính là sự đa dạng về trình độ phát triển, hệ thống chính trị, văn hóa và tôn giáo giữa các thành viên tạo nên sự khác biệt đáng kể về lợi ích và mối quan tâm trong một số lĩnh vực hợp tác. Sự gia tăng của các mối đe dọa phi truyền thống cũng đang đặt ra những vấn đề mới như an ninh con người, phòng chống dịch bệnh và thiên tai, bảo đảm môi trường kinh doanh an toàn…

Để tận dụng được những cơ hội và vượt qua các thách thức, cần xác định một số quan điểm chiến lược như tham gia APEC là một phần quan trọng trong chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. Điều đó có nghĩa là Việt Nam cần tiếp tục và nỗ lực hơn nữa trong việc đóng vai trò tích cực và chủ động trong APEC, nhất là trong việc xây dựng các nguyên tắc và quy định của APEC vừa để phục vụ  lợi ích chung, vừa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp phát triển và nâng cao vị thế của tế của đất nước. Đồng thời, kiên quyết và khôn khéo trong đàm phán nhấn mạnh quan điểm giữ vững độc lập, tự chủ, chủ quyền và bảo đảm lợi ích tối đa của Việt Nam trong hoạt động của APEC.

Việc tham gia APEC cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình cải cách kinh tế trong nước, nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và từng bước thu hẹp khoảng các với các nền kinh tế thành viên phát triển trong APEC. Để làm được điều này, Việt Nam cần chủ động và tích cực tham gia vào các lĩnh vực có thế mạnh và lợi ích, nghiêm túc thực hiện các cam kết trong APEC. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ và có hiệu quả hoạt động đa phương với song phương, tận dụng sự hợp tác đa phương trong APEC để cải thiện và thúc đẩy quan hệ song phương của Việt Nam với các nền kinh tế trong và ngoài APEC. Đồng thời, Việt Nam cũng cần tăng cường quan hệ hợp tác song phương với các thành viên để củng cố, nâng cao hiệu quả hợp tác đa phương trong APEC.

Việt Nam đã quyết định và được các thành viên APEC hoàn toàn ủng hộ việc lần thứ hai đăng cai APEC vào năm 2017. Đây là quyết định nhằm tiếp tục triển khai mạnh mẽ chủ trương chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, thể hiện tầm nhìn dài hạn của Việt Nam về châu Á – Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ này, Chính phủ cần có sự chỉ đạo tập trung và thống nhất, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các bộ, ngành để bảo đảm sự tham gia hiệu quả và nhất quán. Đồng thời, điều này đòi hỏi sự đầu tư thích đáng về nguồn lực và nhân lực để phát huy hiệu quả hợp tác trong APEC.

Đây cũng sẽ là đóng góp thiết thực nữa của Việt Nam góp phần duy trì vai trò và vị thế của APEC, xây dựng một châu Á – Thái Bình Dương của thế kỷ 21 tự cường, năng động và thịnh vượng – động lực của tăng trưởng toàn cầu.

TS. Lê Kim Sa

Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam

​ 

Từ khóa » Diễn đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu á Thái Bình Dương Viết Tắt Là