Hướng Tuyến Trên Cao, Dưới Thấp đường Vành đai 4 - VnExpress

Thông tin tại cuộc làm việc với các chuyên gia về dự án đường vành đai 4, Chủ tịch TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cho biết dự kiến khoảng 60% tuyến đường xây dựng đi trên cao. Đây là chủ trương đã được 3 địa phương (Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh) có tuyến đi qua thống nhất sau khi cân đối yếu tố chi phí.

Tổng chiều dài đường vành đai 4 là 112,8 km. Điểm đầu nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai (địa phận xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội), điểm cuối nằm trên đường cao tốc Nội Bài - Hạ Long (địa phận huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh). Trong đó đoạn qua TP Hà Nội 58,2 km, Hưng Yên 19 km; Bắc Ninh 25,6 km và tuyến nối với quốc lộ 18 dài 9,7 km.

Đường vành đai 4 đi qua TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Đồ họa: Tiến Thành

Đường vành đai 4 đi qua TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và Bắc Ninh. Đồ họa: Tiến Thành

Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, hướng tuyến đi dưới thấp của đường vành đai 4 gần 29 km. Tại Hà Nội, tuyến đường đi qua 7 quận, huyện của Hà Nội: Sóc Sơn, Mê Linh, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thường Tín và Hà Đông;

Đoạn từ nút giao cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến trước đường sắt Hà Nội - Lào Cai sẽ có một số đoạn đi thấp dài khoảng 1,35 km. Lý do đề xuất đi thấp đoạn này là vành đai nằm giữa cao tốc Nội Bài - Hạ Long và đường sắt Hà Nội - Lào Cai, trong phạm vi ảnh hưởng tĩnh không sân bay Nội Bài nên không phù hợp đi cao.

Đoạn ngoài đê sông Đáy khoảng 3,68 km (vị trí vượt đại lộ Thăng Long) cũng được đề xuất đi thấp vì không có quy hoạch ra phía ngoài. Ngoài ra, đoạn từ sau trục phía Nam Hà Nội đến quốc lộ 1 dài khoảng 5,5 km sẽ đi thấp, do được quy hoạch một phần là hành lang cây xanh và ảnh hưởng bởi đường điện cao thế.

Như vậy, trên địa bàn Hà Nội sẽ có hơn 10,5 km cao tốc vành đai 4 đi thấp trong tổng chiều dài 58,2 km.

Tiến độ dự kiến đường vành đai 4 - vùng thủ đô. Đồ họa: Tiến Thành

Tiến độ dự kiến đường vành đai 4 - vùng thủ đô. Đồ họa: Tiến Thành

Tại Hưng Yên, dự án đi qua 4 huyện Văn Giang, Khoái Châu, Yên Mỹ, Văn Lâm. Đoạn đi thấp từ sau cầu Mễ Sở đến trước cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 6,2 km và đoạn từ sau đường sắt Hà Nội - Hải Phòng đến giáp ranh tỉnh Bắc Ninh dài khoảng 2,2 km. Theo đánh giá của đơn vị lập báo cáo, đoạn tuyến có ít quy hoạch khu đô thị và công nghiệp, nên các cơ quan thống nhất phương án đi thấp.

Tại Bắc Ninh, dự án đi qua huyện Thuận Thành, Quế Võ, Gia Bình và thành phố Bắc Ninh. Đoạn đi thấp từ điểm giáp Hưng Yên đến quốc lộ 38 dài khoảng 10 km. Đây là vị trí giáp ranh giữa hai tỉnh, nhu cầu kết nối ngang không cao, do vậy tỉnh Bắc Ninh thống nhất phương án đi thấp.

Ngoài ra, dự án vành đai 4 còn đoạn nối đi theo hướng cao tốc Nội Bài - Hạ Long đi thấp theo quy hoạch.

Các đoạn tuyến đi thấp nêu trên đều nằm ở vị trí tiềm năng liên kết ngang và nhu cầu phát triển quỹ đất hai bên không cao. Quy hoạch xây dựng đường đi thấp qua các vị trí này góp phần đảm bảo tần suất thiết kế và giảm kinh phí đầu tư. Còn lại khoảng 83 km dự án sẽ xây dựng đường trên cao nhằm đảm bảo định hướng phát triển các khu đô thị, công nghiệp, dân cư hai bên tuyến; phát triển quỹ đất mới cho thành phố Hà Nội và hai tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh.

UBND TP Hà Nội tính toán tổng diện tích đất cần giải phóng mặt bằng khoảng 1.341 ha. Trong đó, Hà Nội 741 ha, Hưng Yên 274 ha, Bắc Ninh 326 ha. Số hộ bị ảnh hưởng khoảng 14.647.

Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án 87.225 tỷ đồng. Chi phí xây dựng và thiết bị khoảng 49.000 tỷ đồng; quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác 6.300 tỷ đồng; giải phóng mặt bằng gần 19.600 tỷ đồng... Quá trình thi công dự án dự kiến bắt đầu từ 2023 đến 2027 và đưa vào khai thác đầu năm 2028.

Sơn Hà - Võ Hải

  • Chủ tịch Hà Nội: Dự kiến 60% đường vành đai 4 sẽ đi trên cao

Từ khóa » Bàn đô đường Vành đai 4 Hưng Yên