Hụt Hẫng Với Cổ Phiếu Thưởng - Đầu Tư Chứng Khoán

“Không đem lại lợi lộc gì”

Nam, nhân viên môi giới của Công ty Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam kể, ngày 24/3 vừa qua, anh nhận được vài cuộc điện gọi từ các nhà đầu tư anh đang chăm sóc. Họ vừa đọc được thông tin Công ty cổ phần Dabaco Việt Nam (mã DBC) sắp phát hành 115,24 triệu cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ 1:1, để tăng vốn điều lệ lên gấp đôi.

Những nhà đầu tư này hỏi Nam xem có đúng là chỉ cần sở hữu cổ phiếu DBC trước ngày giao dịch không hưởng quyền (5/4/2022) thì sẽ được nhân đôi số cổ phiếu hay không. Nam xác nhận đúng là như vậy, đồng thời khuyến cáo nhà đầu tư rằng sau phát hành thêm, giá cổ phiếu sẽ bị điều chỉnh giảm tương ứng do cổ phiếu bị pha loãng, nhưng không mấy ai quan tâm đến thông tin này.

Sau khi được Nam xác nhận thông tin trên, chị Bích Lan, một nhà đầu tư mới tham gia thị trường chứng khoán đã xuống tiền mua 6.000 cổ phiếu DBC vào các ngày sau đó với giá trung bình 76.300 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị khoảng 457 triệu đồng. Chị Lan nghĩ rằng đây là cơ hội hấp dẫn, bởi chỉ cần nắm giữ cổ phiếu hơn chục ngày nữa là sẽ được nhân đôi tài khoản (!).

Đến sáng 5/4, sau khi mở cửa phiên giao dịch, khi thấy số lượng cổ phiếu DBC mình đang nắm giữ tăng gấp đôi, lên 12.000, nhưng thị giá thì bị điều chỉnh xuống còn 38.150 đồng/cổ phiếu, chị mới hiểu ra khuyến nghị của môi giới.

Anh Thái Bảo, một nhà đầu tư F0 khác, lại có trải nghiệm đáng nhớ hơn. Vào ngày 12/1/2022, cũng hiểu sai bản chất về cổ phiếu thưởng nên anh đã chi 527 triệu đồng để mua vào 20.000 cổ phiếu TCH của Công ty cổ phần Dịch vụ tài chính Hoàng Huy ở vùng đỉnh giá 26.350 đồng/cổ phiếu, ngay trước đợt phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 8% của doanh nghiệp này.

Đến ngày 13/1, anh Bảo nhận được 1.600 cổ phiếu thưởng TCH và phấn khởi nghĩ rằng chỉ sau hai ngày đã lãi hơn 42 triệu đồng. Nhưng sự thật là, ngay sau khi 1.600 cổ phiếu thưởng về tài khoản, thị giá TCH ngày 13/1 cũng bị điều chỉnh giảm 8% từ 26.350 đồng/cổ phiếu xuống còn 24.240 đồng/cổ phiếu.

Điều đáng nói là, những ngày sau đó cổ phiếu TCH liên tục giảm, trung bình giảm 4 - 7%/phiên do ảnh hưởng liên tiếp bởi hai “cú sốc” thị trường, đó là vụ ông Trịnh Văn Quyết bán cổ phiếu FLC nhưng chưa công bố thông tin vào 10/1/2022 và Tân Hoàng Minh bỏ cọc đấu giá lô đất tại Thủ Thiêm.

Trong hai tuần thị trường dò đáy trước Tết Nguyên đán, có thời điểm TCH rớt giá xuống thấp nhất còn 19.500 đồng/cổ phiếu (ngày 27/1), lỗ tạm tính của nhà đầu tư này cho khoản đầu tư vào cổ phiếu TCH là 150 triệu đồng.

“Tôi sai lầm khi mua TCH ở vùng giá quá cao, sau đó lại không may vì thị trường chung giảm điểm và cổ phiếu bất động sản gặp tin xấu của FLC và Tân Hoàng Minh. Giờ mới thấy việc được tặng thêm 1.600 cổ phiếu thưởng hoàn toàn không có giá trị gì”, nhà đầu tư này kết luận.

Trào lưu săn cổ phiếu thưởng, theo ông Bùi Văn Huy, Giám đốc môi giới của Công ty Chứng khoán Hồ Chí Minh (HSC) đã bắt đầu “nóng” lên từ mùa đại hội cổ đông năm ngoái khi thị trường chứng khoán sôi động, thu hút nhiều nhà đầu tư mới tham gia.

“Theo quan sát của tôi, tuy mức độ quan tâm của nhà đầu tư kém hơn một chút so với trước, một phần do dòng tiền năm nay yếu hơn, song vẫn có một lượng nhà đầu tư nhất định tìm kiếm cơ hội từ các cổ phiếu này”, ông Huy nói.

Hiểu đúng về cổ phiếu thưởng

Anh Quốc Trung, một nhà đầu tư có nhiều năm tham gia thị trường chứng khoán chia sẻ, bản thân anh không thích cổ phiếu thưởng vì giá trị tài khoản không tăng lên, trong khi lại phải chịu thêm thuế thu nhập 5% do phát sinh thêm cổ phiếu. Chưa kể, cổ phiếu thưởng thường bị hạn chế chuyển nhượng trong một khoảng thời gian nhất định. Bởi thế, anh Trung thường không mua cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền để tránh bị “treo” cổ phiếu.

Ông Trương Quang Bình, Phó giám đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam so sánh, cổ phiếu trước khi phát hành thêm tỷ lệ 1:1 như chai nước được bán với giá 10.000 đồng và sau khi phát hành thêm thì vẫn chai nước ấy, nhưng san thành hai chai và bán với giá 5.000 đồng/chai.

"Nhà đầu tư cũng cần phân biệt khái niệm pha loãng cổ phiếu. Cổ phiếu chỉ bị pha loãng khi doanh nghiệp phát hành thêm, xuất hiện dòng tiền mới, còn chia cổ tức bằng cổ phiếu thì giá trị cổ phiếu không bị pha loãng. Đặc biệt, với trường hợp cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư còn phải nộp thêm thuế”, ông Bình giải thích.

Dùng từ “cổ phiếu thưởng” là không chính xác, thậm chí sai hoàn toàn về bản chất.

Ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI

Nhìn nhận về câu chuyện cổ phiếu thưởng, ông Lê Chí Phúc, Tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ SGI (SGI Capital) nói rằng, dùng từ “cổ phiếu thưởng” là không chính xác, thậm chí sai hoàn toàn về bản chất. Bởi lẽ, hoạt động chia tách cổ phiếu làm tăng số lượng cổ phiếu lưu hành nhưng làm giảm giá trị của mỗi cổ phiếu tương ứng với tỷ lệ chia. Hoạt động này không hề tạo ra giá trị mới cho công ty cũng như cho mỗi cổ đông nên không thể gọi là “thưởng”.

Theo ông Phúc, thông thường cổ đông nội bộ và nhà đầu tư tổ chức không đánh giá cao hoạt động chia tách cổ phiếu nhưng nhà đầu tư cá nhân thường giao dịch ngắn hạn các cổ phiếu thị giá thấp lại có xu hướng yêu thích.

Đặc điểm này tồn tại đã rất nhiều năm và không chỉ ở thị trường chứng khoán Việt Nam. Vừa rồi, cổ phiếu của Công ty công nghệ Tesla (Mỹ) sau những lần chia tách cổ phiếu đều thu hút dòng tiền của nhà đầu tư cá nhân và tăng giá rất mạnh.

Đây cũng chính là lý do nó vẫn thu hút được một bộ phận nhà đầu tư. “Điểm tích cực duy nhất của cổ phiếu thưởng là khi thị giá mỗi cổ phiếu giảm xuống thì nó mang lại cảm giác cổ phiếu đã rẻ hơn, số lượng nhiều hơn, giao dịch dễ hơn và có thể làm tăng thanh khoản.”, Tổng giám đốc SGI Capital nói.

Nhưng sự thật thì, đó chỉ là vấn đề tâm lý. Theo ông Trương Quang Bình, thường nhà đầu tư mới khi nhìn cổ phiếu FPT 115.000 đồng/cổ phiếu thì cho là đắt, còn cổ phiếu FLC giá 10.150 đồng/cổ phiếu là rẻ, nhưng thực chất không phải như vậy. Muốn đánh giá một cổ phiếu đang đắt hay rẻ phải dựa vào chỉ số định giá P/E của từng cổ phiếu so với P/E trung bình ngành, dựa vào giá trị sổ sách của cổ phiếu đó. P/E của FPT đang là 19 lần, còn của FLC là 123 lần nên tính ra FPT là rẻ, còn FLC là đắt.

Ngay cả niềm tin của một số nhà đầu tư về việc những cổ phiếu sau khi chia thưởng sẽ tạo ra chất xúc tác làm chúng tăng giá, các chuyên gia chứng khoán đều phản bác điều này. Ông Lê Chí Phúc nói rằng, việc chia tách cổ phiếu có thể tạo ra sóng tăng giá ngắn hạn do tâm lý đám đông lao vào săn mua, nhưng sau khi hết sóng lại giảm. Điều này không có nhiều ý nghĩa với giá trị doanh nghiệp trong dài hạn.

Bởi vậy, các chuyên gia khuyến nghị nhà đầu tư không nên đầu tư cổ phiếu chỉ dựa vào hoạt động chia cổ phiếu thưởng. Theo ông Bùi Văn Huy, triển vọng tăng giá cổ phiếu sau khi chia cổ phiếu thưởng sẽ phụ thuộc vào trạng thái thị trường và triển vọng của doanh nghiệp chứ không phụ thuộc tỷ lệ chia cổ phiếu bao nhiêu.

“Nếu thị trường tốt, doanh nghiệp sử dụng tiền hiệu quả thì sẽ có triển vọng tăng trưởng tốt, giá cổ phiếu có khả năng sẽ diễn biến tích cực và ngược lại. Nhà đầu tư cần xem xét nguồn tiền giữ lại được sử dụng vào đâu, nhằm mục đích gì và có hiệu quả hay không trước khi ra quyết định đầu tư cổ phiếu”, ông Huy nói.

Từ khóa » Pha Loãng Cổ Phần