Hủy Niêm Yết Chứng Khoán Là Gì? Quy định, điều Kiện Huỷ ... - Finhay

Các mã chứng khoán được niêm yết, giao dịch trên sàn khi đáp ứng các tiêu chuẩn riêng. Hủy niêm yết chứng khoán là hành động nhằm đảm bảo tính công bằng, quyền lợi của doanh nghiệp và nhà đầu tư trên thị trường. Vậy hủy niêm yết chứng khoán là gì? Các quy định hủy niêm yết chứng khoán cụ thể như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu về hoạt động hủy niêm yết chứng khoán.

Hoạt động hủy niêm yết chứng khoán là gì?

Hoạt động hủy niêm yết chứng khoán là việc loại bỏ mã chứng khoán đã được niêm yết ra khỏi sàn giao dịch. Có thể hiểu, hủy niêm yết chứng khoán là chấm dứt hoạt động của một mã tại một sở giao dịch chứng khoán.

Sau thời gian hoạt động, nếu cổ phiếu không đáp ứng các điều kiện, yêu cầu của sàn giao dịch, thì mã chứng khoán đó sẽ bị hủy niêm yết. Hoạt động hủy niêm yết chứng khoán diễn ra khá phổ biến và liên tục, được rà soát định kỳ. 

hoat-dong-huy-niem-yet-chung-khoan-la-gi

Các hình thức hủy niêm yết chứng khoán

Chứng khoán hủy niêm yết trên sàn giao dịch được chia thành 2 hình thức:

  • Hình thức hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc: Mã chứng khoán bị bắt buộc hủy niêm yết trên sàn hoặc sở giao dịch. Khi các mã cổ phiếu này không đáp ứng đủ các điều kiện, quy định cho việc niêm yết chứng khoán. Có thể do vi phạm về luật chứng khoán, không hoạt động kinh doanh từ 1 năm trở lên…
  • Hình thức hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện: Mã chứng khoán của doanh nghiệp, tổ chức sẽ tự nguyện đề nghị hủy niêm yết trên sàn. Ví dụ, nếu công ty A muốn rút khỏi sàn chứng khoán và có hơn 50% số phiếu của các cổ đông, yêu cầu sẽ được chấp thuận.

Điều kiện hủy niêm yết chứng khoán như thế nào?

Mỗi trường hợp hủy niêm yết chứng khoán sẽ có điều kiện và quy định riêng. Dưới đây là điều kiện hủy niêm yết chứng khoán cụ thể cho từng trường hợp:

Điều kiện huỷ niêm yết chứng khoán bắt buộc

Quy định về điều kiện hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc được quy định tại khoản 1, Điều 60, Nghị định 58/2012/NĐ-CP. Các điều kiện và trường hợp cụ thể bị hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc như sau:

huy-niêm-yet-chung-khoan-bat-buoc

Trường hợp 1: Công ty niêm yết chứng khoán không đáp ứng được điều kiện quy định trong thời hạn 1 năm

Chứng khoán là cổ phiếu sẽ bị hủy niêm yết, nếu công ty không đáp ứng các điều kiện: 

  • Số vốn điều lệ từ 120 tỷ đồng (HOSE) hay 30 tỷ đồng (HNX)
  • Không đủ 20% cổ phiếu có quyền biểu quyền của hơn 300 cổ đông không phải cổ đông lớn nắm giữ trên sàn HOSE, hay 15% tương đương với 100 cổ đông lớn nắm giữ trên sàn HNX.

Quy định huỷ niêm yết đối với trái phiếu doanh nghiệp:

  • Sàn HOSE: Công ty có số vốn điều lệ đã góp tại thời điểm phát hành trái phiếu là 120 tỷ, theo sổ sách kế toán. Đồng thời có ít nhất 100 người sở hữu trái phiếu tại thời điểm phát hành.
  • Sàn HNX: Công ty có số vốn thực góp trên 30 tỷ đồng, tại thời điểm phát hành trái phiếu, theo sổ sách kế toán.

Quy định đối với chứng chỉ quỹ: 

  • Đơn vị phát hành chứng chỉ quỹ không là: Quỹ đóng, công ty đầu tư chứng khoán đại chúng, quỹ hoán đổi danh mục, quỹ đầu tư bất động sản.
  • Có ít nhất 100 người sở hữu chứng chỉ quỹ (quỹ đại chúng) hoặc tối thiểu 100 cổ đông nắm giữ cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán đại chúng (không bao gồm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp).

Trường hợp 2: Công ty niêm yết ngừng hoạt động sản xuất kinh doanh từ 1 năm trở lên

Công ty có hoạt động kinh doanh chính bị ngừng sản xuất từ 1 năm trở lên, sẽ bị yêu cầu hủy niêm yết bắt buộc. Tại đó, hoạt động kinh doanh nào có doanh thu lớn nhất trong tổng doanh thu của công ty sẽ được xem là hoạt động chính.

Hoạt động kinh doanh chính bị ngừng hoạt động có thể do nhiều nguyên nhân: Kinh doanh không hiệu quả, tạm ngừng để tái cơ cấu lại doanh nghiệp, tạm ngừng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền…

huy-niêm-yet-chung-khoan-tu-nguyen

Trường hợp 3: Công ty niêm yết bị thu hồi giấy phép kinh doanh/giấy phép hoạt động chuyên ngành

Các trường hợp bị thu hồi giấy phép kinh doanh hay giấy phép hoạt động chuyên ngành bao gồm:

  • Nội dung kê khai trong hồ sơ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp là giả mạo.
  • Doanh nghiệp có người thành lập là đối tượng bị cấm thành lập công ty (khoản 2 Điều 18, Luật doanh nghiệp 2014).
  • Doanh nghiệp ngừng hoạt động hơn 01 năm, nhưng không báo với cơ quan chức năng.
  • Các trường hợp khác, theo quy định của Tòa án.

Thông tư 36/2018/TT-BCT có quy định cụ thể về thu hồi giấy phép hoạt động của một số ngành đặc biệt: Điện lực, tín dụng…

Trường hợp 4: Cổ phiếu niêm yết không có hoạt động giao dịch tại sàn, trong thời gian 12 tháng

Các trường hợp cổ phiếu công ty không có bất kỳ hoạt động giao dịch, mua bán trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày niêm yết. Nguyên nhân có thể do: Kết quả kinh doanh không hiệu quả, thông tin không rõ ràng, mù mờ… khiến các nhà đầu tư e ngại.

Trường hợp 5: Công ty có kết quả kinh doanh thua lỗ 03 năm liên tiếp

Doanh nghiệp kinh doanh hoặc sản xuất có doanh thu lỗ 03 năm gần nhất liên tiếp hoặc công ty có lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Doanh thu sẽ căn cứ dựa trên báo cáo tài chính năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Trường hợp 6: Công ty niêm yết bị phá sản, hoặc sáp nhập, phân tách

Trường hợp công ty niêm yết trước đó bị phá sản, không còn tồn tại hay khi công ty mới hình thành do hoạt động sáp nhập, phân tách… nhưng không đáp ứng đủ các điều kiện niêm yết, thì cổ phiếu của công ty mới hình thành sẽ bị hủy bỏ.

Trong đó, điều kiện tối thiểu mà công ty mới hợp nhất cần đáp ứng là chỉ số ROE dương. Ngoài ra, các điều kiện khác được quy định tại Điều 4-5-6 Thông tư 202/2015/TT-BTC.

huy-niêm-yet-chung-khoan-do-vi-pham-quy-dinh

Ngoài ra, công ty có thể bị huỷ niêm yết chứng khoán khi thuộc 1 trong các trường hợp sau:  

  • Công ty niêm yết vi phạm chậm nộp BCTC 03 năm liên tiếp
  • Công ty bị tổ chức kiểm toán từ chối hoạt động kiểm toán, báo cáo tài chính năm gần nhất
  • Công ty niêm yết vi phạm nghiêm trọng việc công bố thông tin quan trọng, chẳng hạn như thông tin liên quan đến hoạt động, kinh doanh, phát hành chứng khoán của đơn vị…
  • Công ty niêm yết làm hồ sơ giả, thông tin sai lệch nghiêm trọng

Điều kiện hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện

Trường hợp hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện được thực hiện theo yêu cầu của công ty niêm yết. Điều kiện hủy niêm yết chứng khoán tự nguyện được quy định tại khoản 2, Điều 60, Nghị định 58/2012/NĐ-CP. Các điều kiện hủy niêm yết tự nguyện cụ thể sẽ như sau:

  • Đại hội đồng cổ đông biểu quyết hủy niêm yết chứng khoán được thông qua. Trong đó, có tối thiểu 15% số phiếu biểu quyết hủy niêm yết do các cổ đông không phải là cổ đông lớn biểu quyết. Danh sách cổ đông không phải cổ đông lớn gửi phiếu biểu quyết được thực hiện bằng văn bản.
  • Hủy bỏ niêm yết tự nguyện chỉ được thực hiện sau tối thiểu 2 năm niêm yết trên sàn. Ngoài ra, theo Nghị định 60/2015/NĐ-CP, công ty đại chúng hủy niêm yết vẫn cần đăng ký giao dịch trên sàn UpCom, ngay sau khi chứng khoán hủy niêm yết.

y-nghia-cua-huy-niem-yet-chung-khoan

Hủy niêm yết chứng khoán có ý nghĩa gì?

Hủy niêm yết chứng khoán là hoạt động được thực hiện liên tục trên các sàn giao dịch lớn: HOSE, HNX hay UpCom. Vậy ý nghĩa của hoạt động hủy niêm yết chứng khoán là gì?

  • Hoạt động hủy niêm yết giúp thanh lọc, loại bỏ những chứng khoán kém chất lượng, không uy tín, có nguy cơ làm nhiễu loạn thị trường. Qua đó tạo ra một thị trường chứng khoán sạch, phát triển bền vững, tạo được sự tin tưởng với nhà đầu tư.
  • Hoạt động hủy niêm yết nâng cao tính minh bạch của thị trường, bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Các nhà đầu tư sẽ dựa trên thông tin doanh nghiệp cung cấp, để đánh giá tiềm năng, cơ hội đầu tư. Do vậy, việc rà soát, loại bỏ doanh nghiệp với mã chứng khoán không đạt chuẩn sẽ giúp thị trường an toàn, công bằng hơn.
  • Hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc với những điều kiện được quy định rõ ràng, giúp các doanh nghiệp hoạt động minh bạch, có trách nhiệm với cộng đồng.

Thị trường chứng khoán vẫn luôn có những mã cổ phiếu/trái phiếu/chứng chỉ quỹ bị hủy niêm yết hàng năm. Việc giao dịch chứng khoán hủy niêm yết sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến kế hoạch đầu tư. Vì thế, nhà đầu tư cần hiểu về hoạt động hủy niêm yết chứng khoán là gì, các điều kiện huỷ niêm yết để đánh giá tiềm năng, rủi ro của mã chứng khoán đó trên thị trường trước khi giao dịch.

Từ khóa » Chứng Chỉ Quỹ đầu Tư Bị Hủy Bỏ Niêm Yết Trong Những Trường Hợp Nào Sau đây