Huy Thục: Tiếng Kèn Xuất Trận
Có thể bạn quan tâm
Những ca từ mang âm hưởng hào hùng nhưng đầy chất thơ của một thời hoa lửa được tái hiện qua các ca khúc bất tử của nhạc sĩ tài hoa Huy Thục, luôn làm xao xuyến các thế hệ người nghe. Những ca khúc của ông luôn xuất phát từ thực tế chiến đấu; từng lời, từng chữ trong mỗi ca khúc là một “tiếng kèn xuất trận” thôi thúc, giục giã chiến sĩ xung trận lập công.
Chúng tôi đến gặp ông tại căn nhà số 5, phố Mai Dịch (Hà Nội) những ngày cuối tháng 6. Năm nay đã bước sang tuổi 76 nhưng nhạc sĩ Huy Thục vẫn khá nhanh nhẹn và tinh anh, mặc dù căn bệnh dạ dày vẫn hằng ngày, hằng giờ chẳng để ông được yên. Tâm sự với chúng tôi, ông như được trải lòng, nên kể thật say sưa về những kỷ niệm một thời ra trận; kể về những sáng tác của mình ngay dưới chiến hào hoặc trong mịt mù khói súng. Ông bộc bạch: “Làm gì cũng phải có đam mê, có sự tìm tòi, khám phá thì mới thành công được. Viết nhạc cũng vậy, anh phải có đam mê, có trình độ, có hiểu biết cuộc sống, có cái nhìn nhận thế giới quan một cách sâu sắc thì mới viết hay được”. Nhạc sĩ Huy Thục (người ngồi giữa) trên đường đi công tác tại Khe Sanh năm 1969. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Rồi ông kể cho chúng tôi nghe hoàn cảnh ra đời của bài “Kèn xuất trận” - một dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Huy Thục. Năm 1965, khi giặc Mỹ leo thang đánh phá miền Bắc, Huy Thục quyết định ra mặt trận tìm đề tài sáng tác phục vụ cuộc chiến đấu anh dũng của quân và dân cả nước. Chuẩn bị lên đường, ông vẫn băn khoăn chưa biết viết như thế nào cho hay, cho đúng, phản ánh đầy đủ tinh thần quả cảm của quân và dân cả nước trước sự xâm lăng của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai. Đây là “bài toán rất khó” bởi ông chưa có nhiều kinh nghiệm. Thế rồi Huy Thục tìm đến một số nhạc sĩ đàn anh với chút hy vọng có thể học hỏi được thêm ít nhiều kinh nghiệm. Dẫu không đạt được những điều như mong muốn, song ông không buồn mà tự nhủ: “Cứ thử vào mặt trận, bám sát thực tế sáng tác ra sao? Khó đến mấy cũng gắng làm để thử sức mình”.
Nghĩ vậy, nên ông thu xếp công việc rồi khoác ba lô lên đường ra mặt trận. Vừa vào đến Hà Tĩnh, vượt qua sông Gianh tới Đồng Hới (Quảng Bình), ông bị một trận bom phủ đầu ác liệt. Tận mắt chứng kiến cảnh nhà dân bị cháy, tiếng nức nở khóc than của những ông bố, bà mẹ; tiếng gào thét của lũ trẻ... tất cả làm lòng ông trào dâng xúc động. Ông trở về hầm nằm mà không sao ngủ được. Đang mông lung suy nghĩ, như một cơ duyên, ông tìm thấy trong chồng báo cũ có cuốn Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Cuốn sách chỉ còn một nửa, trong đó có bài thơ “Kèn xuất trận” của Tô Đức Chiêu. Nằm trong hầm, Huy Thục đọc đi, đọc lại bài thơ. Cảm xúc như mạch nguồn trào đến, ông đặt bút viết ngay một mạch ca khúc ngắn với lời thơ: “Ôi miền Nam yêu thương/Vang tiếng kèn xuất trận/Máu sôi lòng uất hận/Thôi thúc ta lên đường/Ôi miền Bắc quê hương/Giặc ngày đêm bắn phá/Thù gọi thù phải trả/Giục lòng ta đi lên”.
Nhạc sĩ Huy Thục kể: “Viết xong, tôi hát ngay trong hầm chỉ huy cho cán bộ, chiến sĩ nghe. Sau này, bài hát do nghệ sĩ Linh Nhân và Huy Cường thể hiện và được thu thanh phát trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam. Bài hát lập tức được phổ biến rộng khắp các mặt trận. Và chẳng biết tự khi nào, bài hát ấy đã đi vào đời sống của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị và trở thành hồi kèn xuất trận thôi thúc, giục giã bộ đội thi đua giết giặc lập công.
Tác phẩm đầu tay hoàn thành, trở thành chất men kích thích niềm hứng khởi và thế là Huy Thục say sưa lao vào thực tế cuộc sống chiến đấu của bộ đội để sáng tác. Càng đi vào cuộc chiến, ông càng thấy ác liệt hơn và sự thử thách ấy được nhân lên gấp nhiều lần trong sáng tạo nghệ thuật âm nhạc. Và cứ thế, ông say sưa viết, viết ngay trong lửa đạn. Giữa hào hứng và gian khổ hằng ngày ập đến cứ giằng co giữa học thuật và xúc cảm, ông cứ đi và quan sát thực tế, chắt chiu những tình cảm yêu thương của tuổi trẻ. Trực tiếp tham gia chiến đấu cùng bộ đội, ông càng có điều kiện liên hệ với những kỷ niệm thời kỳ còn là liên lạc viên của Đại đội 105, chiến đấu ở Thành Nam trong những năm 1946-1953. Ông tự tìm thấy chất lạc quan của tuổi trẻ thời chống Mỹ, họ khác lắm, khác xa với thời của thế hệ ông ngày trước. Bởi lẽ, bộ đội ta trong kháng chiến chống Pháp rời nhà địa chủ ra đi với manh quần rách, không biết chữ, lại bị áp bức bóc lột qua nhiều đời. Còn bây giờ, bộ đội tham gia kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, họ rời khỏi cánh đồng năm tấn, hợp tác xã, xí nghiệp, nhà máy, trường đại học... ra đi. Đem cả những kiến thức của chủ nghĩa xã hội vào mặt trận để đánh giặc.
Vậy người sáng tạo nghệ thuật âm nhạc nghĩ gì khi viết ra những âm thanh, tiết tấu mang tính thời đại, âm hưởng của cuộc sống mới đang tiến về phía trước. Câu hỏi ấy cứ như giục giã ông tạo ra những tác phẩm mới... Để có một tác phẩm hay đi vào lòng quần chúng nhân dân, quả thật là vất vả gian truân lắm. Ông tin rằng, hãy cứ chắt chiu những điều có được từ cuộc sống rồi tìm tòi sáng tạo, ắt sẽ thành công. Và, những “đứa con tinh thần” của ông như bài hát “Ơi dòng suối La La”, “Tiếng đàn Ta-lư”, “Bác đang cùng chúng cháu hành quân”... tiếp nối nhau ra đời, trở thành những “tiếng kèn xuất trận” để đoàn quân tiến về phía trước.
Đến nay, "những đứa con tinh thần" của nhạc sĩ Huy Thục đã có thể tập hợp thành một “đại đội”, nhưng cái đọng lại sâu sắc nhất trong ông vẫn là niềm say mê sáng tạo. Ông tâm niệm: Sáng tác nghệ thuật phục vụ cuộc sống luôn là lý tưởng sống, là mạch nước tuôn trào, chảy trong huyết quản...
Từ khóa » Kèn Xuất Trận
-
Kèn Xuất Trận - YouTube
-
Kèn Xuất Trận
-
Kèn Xuất Trận - Bài Ca đi Cùng Năm Tháng
-
Từ điển Tiếng Việt "xuất Trận" - Là Gì?
-
Nghĩa Của Từ Xuất Trận - Từ điển Việt - Tratu Soha
-
Hồi Kèn Xung Trận - Hànộimới
-
Tiếng Kèn Xung Trận Của Giai Cấp Vô Sản - Ngày Này Năm Xưa
-
Tiếng Kèn Xung Trận Của Non Sông - BaoHaiDuong - Báo Hải Dương
-
Những Bản Nhạc Của Người Lính Kèn
-
Lần Theo Bài Hát, Tìm Liệt Sĩ Nằm Lại Động Tri
-
Cổ động Viên Nam Định Diễu Hành Cổ Vũ U23 Lào Trước Trận Gặp ...
-
Như Tiếng Kèn Xung Trận
-
Viettel FC - Chiếc Kèn Của Anh Trần Thanh Tùng Tức ... - Facebook