Huyện Bàu Bàng: Tốp đầu Về Tăng Trưởng Công Nghiệp Của Tỉnh

(BDO) Qua 8 năm đi vào hoạt động, huyện Bàu Bàng đã và đang nỗ lực vươn lên, phát huy lợi thế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, từng bước đưa kinh tế - xã hội phát triển liên tục và toàn diện. Với chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp về phía Bắc của tỉnh, có thể thấy hiện nay huyện Bàu Bàng là một trong những địa phương thuộc tốp đầu về tăng trưởng công nghiệp của tỉnh. Huyện đang phấn đầu trở thành là một trong những trung tâm công nghiệp - đô thị phía Bắc của tỉnh.

Khu công nghiệp - đô thị Bàu Bàng

Hạ tầng đồng bộ, hiện đại tạo lực phát triển

Từ một vùng đất thuần nông nằm ở phía Bắc của tỉnh Bình Dương, Bàu Bàng đã vươn lên mạnh mẽ, trở thành địa phương có ngành công nghiệp phát triển. Nhờ chiến lược quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp, Bàu Bàng đã tạo nên được những dấu ấn nổi bật trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa của huyện trong những năm qua.

Xuất phát điểm từ một Khu công nghiệp (KCN) – đô thị Bàu Bàng hiện hữu 1.000 ha, đến nay KCN có quy mô diện tích lên tới 3.200 ha được Tổng Công ty Becamex IDC đầu tư xây dựng đồng bộ, hạ tầng hoàn chỉnh, tạo đà phát triển mạnh mẽ. Bên cạnh đó, hiện nay Bàu Bàng đang triển khai phát triển thêm KCN Tân Bình 352,5 ha, KCN Cây Trường 700 ha, KCN Lai Hưng 600 ha. Tổng diện tích đất công nghiệp phát triển thêm là 1.687,38 ha.

Đặc biệt, huyện Bàu Bàng thuộc Vùng Đổi mới sáng tạo Bình Dương và đang được tỉnh đẩy mạnh triển khai xây dựng và phát triển KCN khoa học công nghệ (KHCN). KCN KHCN tại Bàu Bàng được kỳ vọng sẽ thu hút các viện, trường, các trung tâm xuất sắc của các tập đoàn đa quốc gia, đẩy mạnh công tác nghiên cứu và chuyển giao tri thức, đóng vai trò tiên phong trong việc xây dựng mô hình sản phẩm KCN mới cho Bình Dương.

Đồng thời, KCN KHCN vừa có nhiệm vụ nâng cấp hệ sinh thái công nghiệp hiện tại, cho ra đời các phương tiện sản xuất mới, vừa phục vụ cho các ngành sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng cao vừa tập trung nghiên cứu và phát triển khoa học, dần tăng tỷ trọng kinh tế số trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Khi các KCN này được đầu tư xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động, đây chính là thời cơ, điều kiện thuận lợi, tạo điểm nhấn phát triển, mở rộng quan hệ, mời gọi đầu tư thúc đẩy phát triển nhanh ngành công nghiệp, sớm đưa Bàu Bàng trở thành một trung tâm công nghiệp lớn của Bình Dương, kéo theo các ngành thương mại - dịch vụ cùng phát triển.

Bên cạnh đó, huyện Bàu Bàng đã thực hiện hoàn thành quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội huyện đến năm 2025; triển khai lập quy hoạch vùng huyện Bàu Bàng. Huyện đã và đang triển khai xây dựng các khu nhà ở công nhân với diện tích trên 932.792 m2, hơn 31.080 phòng, đáp ứng nhu cầu ở cho hơn 93.240 người. Huyện cũng phát triển thị trấn Lai Uyên lên đô thị loại V, định hướng tới sẽ phát triển lên đô thị loại IV và 2 đô thị loại V gồm xã Lai Hưng và xã Long Nguyên.

Ngoài ra, huyện Bàu Bàng có quỹ đất dồi dào nằm trên trục giao thông quan trọng của tỉnh và khu vực như Quốc lộ 13 và nhiều tuyến giao thông huyết mạch dự kiến xây dựng trong tương lai theo hướng kết nối vùng, khu vực cảng sân bay bằng các trục giao thông Bắc – Nam, Đông - Tây, góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện cho biết: Bàu Bàng thực hiện chính sách phát triển kinh tế bằng việc lựa chọn hướng phát triển công nghiệp với hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại là những mũi đột phá để phát triển thành công. Đây là những điều kiện thuận lợi, tiên quyết để thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế - xã hội của địa phương trong thời gian qua.

Giá trị sản xuất công nghiệp tăng trưởng cao

Bàu Bàng là cửa ngõ phía Bắc của tỉnh, là điểm kết nối và lan tỏa đến huyện Dầu Tiếng, huyện Phú Giáo và TX.Bến Cát; đồng thời là trung tâm tập kết, trao đổi hàng hóa, nông sản, dịch vụ thương mại đến các KCN và vùng kinh tế nhằm tạo nên những động lực mạnh mẽ để thu hút nhân lực, vật lực, thúc đẩy phát triển kinh tế của địa phương và các vùng lân cận.

Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, song bằng những giải pháp, sáng kiến linh hoạt, hiệu quả, huyện Bàu Bàng vẫn thu hút được một lượng lớn nguồn vốn đầu tư đến từ các nhà đầu tư chiến lược, kinh tế của huyện đã đạt được những kết quả tích cực, tăng trưởng nhanh. Giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,31%, cao hơn 2,2 lần so với bình quân của tỉnh (tăng trung bình 9,64%/năm).

Trong 6 tháng đầu năm 2022, giá trị sản xuất công nghiệp của huyện đạt 8.900,3 tỷ đồng, tăng 16,93% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng thu ngân sách địa phương đạt 582 tỷ 489 triệu đồng (đạt 58,5% kế hoạch tỉnh giao và 57,87% kế hoạch HĐND huyện giao).

Huyện đã thu hút được 14 dự án đăng ký mới và 3 dự án đăng ký tăng thêm vốn. Nâng tổng số dự án trên địa bàn huyện đến nay lên 1.257 dự án, trong đó đầu tư trong nước 1.042 dự án với tổng vốn đăng ký 40.450 tỷ 880 triệu đồng, đầu tư nước ngoài 215 dự án với tổng vốn đăng ký 4 tỷ 646,8 triệu USD.

Với chủ trương đẩy mạnh phát triển công nghiệp về phía Bắc của tỉnh, có thể nói hiện nay huyện Bàu Bàng là một trong những địa phương thuộc tốp đầu về tăng trưởng công nghiệp của tỉnh.

Ông Võ Thành Giàu cho biết: KCN Bàu Bàng nói riêng và các KCN khác trên địa bàn nói chung đang giúp địa phương phát triển nhanh từ thuần nông sang công nghiệp, thúc đẩy phát triển về đô thị, thương mại, dịch vụ, đưa giá trị sản xuất công nghiệp của huyện tăng bình quân hàng năm 21,47% (giai đoạn 2016-2020).

Phải khẳng định rằng, Bàu Bàng đang có tốc độ phát triển khá tốt, tương xứng với tiềm năng và lợi thế của địa phương. Với những chính sách thu hút hiệu quả, huyện Bàu Bàng ngày càng có nhiều dự án đầu tư nước ngoài có số vốn lớn đầu tư vào địa bàn. Huyện đang tích cực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, đô thị, công nghiệp.

Trong giai đoạn tới, huyện Bàu Bàng phấn đấu tăng trưởng kinh tế ổn định, đẩy mạnh đổi mới mô hình phát triển kinh tế gắn với thực hiện các đột phá chiến lược. Đồng thời, huyện phấn đấu xây dựng huyện Bàu Bàng ổn định và phát triển bền vững theo hướng đô thị thông minh, văn minh, hiện đại, tạo nền tảng hướng đến mục tiêu năm 2030 Bàu Bàng trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại và là hạt nhân trong Vùng Đổi mới sáng tạo của tỉnh.

Cụ thể, huyện đẩy mạnh thu hút, mời gọi đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp dịch vụ hậu cần logistics; ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông vận tải cảng cạn (ICD) làm mũi nhọn tạo động lực thúc đẩy phát triển. Thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển ngành công nghiệp theo hướng đa dạng hóa sản phẩm, ứng dụng công nghệ cao và các ngành công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp công nghệ sạch, thân thiện với môi trường.

Song song đó, huyện đẩy nhanh việc nâng cấp đô thị Lai Uyên đạt đô thị loại IV; xã Lai Hưng, xã Long Nguyên đạt đô thị loại V và huyện Bàu Bàng phấn đấu đạt đô thị loại IV, nâng cấp thành thị xã theo đúng lộ trình phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương.

Ông Võ Thành Giàu, Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng cho biết: Qua gần 8 năm đi vào hoạt động, kinh tế - xã hội của huyện đã có nhiều khởi sắc, tốc độ tăng trưởng GDP hàng năm đạt khá cao, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng công nghiệp hóa, gắn với đô thị hóa và từng bước hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn. Đặc biệt lĩnh vực quy hoạch phát triển công nghiệp gắn với đô thị hóa và lĩnh vực thu hút đầu tư phát triển mạnh đạt được nhiều thành quả quan trọng, đóng góp tích cực vào những thành tựu chung của tỉnh Bình Dương 25 năm qua.

Phương Lê - Hà Khánh

Từ khóa » Chủ Tịch Huyện Bàu Bàng Tỉnh Bình Dương