Huyện Hoài Ân - UBND Tỉnh Bình Định

Diện tích: 744,10 km²      Dân số: 94.300 người 

Huyện Hoài Ân có 15 đơn vị hành chính cấp phường xã, trong đó bao gồm 1 thị trấn, 14 xã: Thị trấn Tăng Bạt Hổ (huyện lỵ), xã Ân Đức, xã Ân Hảo Đông, xã Ân Hảo Tây, xã Ân Hữu, xã Ân Mỹ, xã Ân Nghĩa, xã Ân Phong, xã Ân Sơn, xã Ân Thạnh, xã Ân Tín, xã Ân Tường Đông, xã Ân Tường Tây, xã Bok Tới, xã Dak Mang.

Vị trí địa lý: Phía bắc giáp huyện Hoài Nhơn, phía nam giáp huyện Vĩnh Thạnh, phía đông giáp huyện Phù Mỹ và huyện Phù Cát, phía tây giáp huyện An Lão.

Giao thông:

Hoài Ân không có quốc lộ chạy qua, phía Bắc có tỉnh lộ ĐT629 nối với quốc lộ 1A tại Bồng Sơn, Hoài Nhơn, chạy qua địa phận 2 xã Ân Mỹ, Ân Hảo Đông lên tới huyện lỵ An Lão và đi Ba Tơ, Quảng Ngãi; phía Nam có tỉnh lộ ĐT630 nối với quốc lộ 1A tại cầu Dợi, Hoài Đức, Hoài Nhơn, chạy qua thị trấn Tăng Bạt Hổ, xã Ân Đức, Ân Tường Tây, Ân Nghĩa, lên huyện Kbang, Gia Lai nối với tỉnh lộ 637 qua huyện lỵ Vĩnh Thạnh và nối với quốc lộ 19 tại vườn Xoài, Tây Thuận, Tây Sơn. Ngoài ra còn có tỉnh lộ 631 nối với quốc lộ 1A tại Đèo Nhông, Mỹ Trinh, Phù Mỹ chạy qua địa phận xã Ân Tường Đông tới Gò Loi, Tân Thạnh, Ân Tường Tây giáp với tỉnh lộ ĐT630. Trong tương lai gần, theo qui hoạch huyện Hoài Ân có đường bộ cao tốc Bắc - Nam chạy qua địa phận xã Ân Thạnh, thị trấn Tăng Bạt Hổ, Ân Phong, Ân Tường Đông huyện Hoài Ân (cuối tháng 4 năm 2011 đã khảo sát cắm mốc trên địa bàn huyện).

Văn hóa và giáo dục:

Hoài Ân có 4 trường trung học phổ thông: Trường PTTH Nguyễn Bỉnh Khiêm, PTTH Hoài Ân ở thị trấn Tăng Bạt Hổ, PTTH Võ Giữ ở xã Ân Mỹ và PTTH Trần Quang Diệu ở xã Ân Tường Tây. Có 10 trường THCS (theo xã, thị trấn): Ân Nghĩa, Ân Hữu, Phổ thông Dân tộc nội trú (xã Ân Hữu), Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Ân Đức, Tăng Bạt Hổ, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Hảo. Có 19 trường Tiểu học (theo xã, thị trấn): BokToi, Đakmang, Số 1 Ân Nghĩa, Số 2 Ân Nghĩa, Ân Hữu, Số 1 Ân Tường Tây, Số 2 Ân Tường Tây, Ân Tường Đông, Số 1 Ân Đức, Số 2 Ân Đức, Tăng Bạt Hổ, Ân Phong, Ân Thạnh, Tăng Doãn Văn (xã Ân Thạnh), Số 1 Ân Tín, Số 2 Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Tây, Ân Hảo Đông. Có 10 trường Mẫu giáo: Vùng cao (Làng T2, xã BokToi, thu nhận trẻ Mẫu giáo của 3 xã: BokToi, Đakmang, Ân Sơn), Ân Hữu, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Phong, Ân Thạnh, Ân Tín, Ân Mỹ, Ân Hảo Đông, Ân Hảo Tây. Có 4 trường Mầm non: Ân Nghĩa, 19-4 (Thị trấn Tăng Bạt Hổ), Tăng Bạt Hổ, Ân Đức. Có 01 cơ sở Mầm non tư thục Hồng Nhung (Thị trấn Tăng Bạt Hổ). Tại thời điểm tháng 4 năm 2011 các trường học đã được kết nối mạng Internet đến điểm trường chính. Riêng 3 trường Mẫu giáo Vùng cao, Tiểu học BokToi, Tiểu học Đakmang phải dùng mạng không dây di động ở nơi khác vì điểm chính chưa đủ điều kiện. 

Lịch sử:

Đôi nét về lịch sử, mảnh đất, con người Hoài Ân. Hoài Ân là huyện trung du, miền núi, nơi có ba dân tộc sinh sống là Kinh, Bana và H're. Trải qua hàng trăm năm hình thành, xây dựng và bảo vệ quê hương, các dân tộc sinh sống trên vùng đất Hoài Ân luôn đoàn kết, sát cánh cùng nhau tạo nên truyền thống văn hoá đa dạng và phong phú, phát huy bản sắc văn hoá tốt đẹp của từng dân tộc. Người dân Hoài Ân luôn tự hào với một kho tàng văn học dân gian phong phú, bao gồm nhiều thể loại ca dao, bài chòi, hát đối, hò vè, hát ru,... đặc biệt là những câu chuyện tiếu lâm Mười Giáo. Bằng những lời lẽ châm biếm hết sức thông minh, nhẹ nhàng và sâu cay, ông đã giáng những đòn chí mạng vào bọn tham quan ô lại, địa chủ, cường hào áp bức, bóc lột nhân dân. Không chỉ có vậy, nơi đây còn được "mệnh danh" là vùng đất học với những nho sĩ yêu nước được nhiều người biết đến như: Trần Trọng Vĩ, Tăng Bạt Hổ, Đặng Tiền,...

Nhân dân Hoài Ân vốn có truyền thống đấu tranh chống áp bức, bóc lột, chống ngoại xâm kiên cường. Ngày nay, huyện Hoài Ân vẫn còn lưu giữ nhiều sự tích về các cuộc khởi nghĩa nông dân thời kỳ phong kiến và các phong trào chống thực dân Pháp trước năm 1930. Tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa của Võ Văn Doan (Chàng Lía) với khẩu hiệu: "Lấy của nhà giàu chia cho nhà nghèo" vào đầu thế kỷ XVIII.

Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, Hoài Ân là căn cứ vững chắc, bảo vệ an toàn cho nhiều cơ quan của tỉnh, Liên khu V và đạt nhiều thành tựu trong xây dựng hậu phương vững mạnh toàn diện, động viên nhân tài, vật lực cho tiền tuyến. Trong thời gian này, hàng trăm người con của Hoài Ân đã tự nguyện lên đường tham gia chiến đấu tại các chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng, An Khê. Trong những năm tháng chống đế quốc Mỹ, cứu nước, Hoài Ân luôn là trọng điểm đánh phá ác liệt của địch, đồng thời là nơi tiến hành các chiến dịch tấn công tổng lực. Mặc dù kẻ thù đã dội nhiều bom đạn xuống mảnh đất này, nhưng Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân vẫn kiên cường bám trụ, đấu tranh đánh bại những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù và giành được những chiến thắng quan trọng mà tiêu biểu là chiến thắng Gò Loi. Đặc biệt, trong cuộc tấn công xuân - hè năm 1972, quân và dân Hoài Ân đã phối hợp cùng Sư đoàn 3 Sao Vàng Anh hùng nổi dậy tiến công giải phóng Hoài Ân vào ngày 19-4-1972.

Sau ngày giải phóng, bất chấp mưa bom, bão đạn, nhân dân Hoài Ân tiếp tục phát huy cao độ tinh thần tự lực, tự cường, liên tục phản công và tiến công bẻ gãy hàng chục đợt phản kích lấn chiếm quy mô lớn của Mỹ - Ngụy, bảo vệ vững chắc vùng giải phóng, căn cứ địa và hậu phương trực tiếp của quân dân Bình Định, góp phần làm nên đại thắng lịch sử Mùa Xuân năm 1975 giải phóng Miền Nam, thống nhất đất nước.

Ghi nhận những thành tích trên, Đảng và Nhà nước đã tặng cho Đảng bộ và nhân dân Hoài Ân nhiều phần thưởng cao qúi: danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Hoài Ân, Ban an ninh vũ trang huyện Hoài Ân, 13 xã và 2 cá nhân; phong tặng và truy tặng 146 Mẹ Việt Nam anh hùng, trên 2.300 liệt sĩ và hơn 1.000 thương, bệnh binh; Huân chương thành đồng hạng III (lần 2) về thành tích trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ; Cờ luân lưu của Chính phủ tặng đơn vị xuất sắc trong phong trào phát triển giao thông nông thôn giai đoạn 1991 – 1995; Cờ thi đua xuất sắc của Bộ giao thông vận tải tặng đơn vị xuất sắc phong trào phát triển giao thông các năm 1989, 1991, 2001.

Từ khóa » Hoài ân Bình định