Huyện Sóc Sơn: Tiểu Thương Chợ Phủ Lỗ Cần “thượng Tôn Pháp Luật”

Giải đáp thấu đáo các kiến nghị

Trao đổi với Báo Kinh tế và Đô thị, Trưởng Ban Quản lý chợ loại II huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thành cho biết, những bất cập trong quá trình vận hành chợ Phủ Lỗ (xã Phủ Lỗ) đã tồn tại từ những năm 2016 trở về trước. Để ổn định hoạt động của khu chợ, ngày 9/5/2016, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 2212/QĐ-UBND về việc ký hợp đồng và thu phí tại chợ Phủ Lỗ.

Trên cơ sở chỉ đạo của TP, huyện Sóc Sơn đã ban hành Kế hoạch số 317/KH-UBND để tiến hành các bước giải quyết tồn tại theo đúng quy định. Tuy nhiên đến nay, trong tổng số 259 hộ kinh doanh thuộc diện phải ký hợp đồng tại chợ Phủ Lỗ, mới chỉ có 83 hộ chấp hành, tương ứng 122/530 ki-ốt, sạp hàng trong chợ.

Chợ Phủ Lỗ là một trong những trung tâm mua sắm hàng hoá lớn của huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.
Chợ Phủ Lỗ là một trong những trung tâm mua sắm hàng hoá lớn của huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn.

Một trong những lý do được nhiều hộ tiểu thương đưa ra để giải thích cho việc không ký lại hợp đồng thuê ki-ốt, sạp hàng là bởi họ cho rằng, đã được cơ quan có thẩm quyền bán đấu thầu để sử dụng kinh doanh vĩnh viễn (?!). Dù vậy, điều này theo lý giải của cơ quan chức năng là không có cơ sở.

Theo giấy chứng nhận quyền sử dụng ki-ốt do Ban Quản lý công trình đầu tư xây dựng chợ huyện Sóc Sơn cấp ngày 11/01/1995 cho các trường hợp trúng thầu thể hiện: Thời hạn sử dụng 20 năm (hai mươi năm) kể từ ngày 11/1/1995 đến ngày 11/1/2015… Giấy này chỉ có giá trị trong thời hạn sử dụng. Chính vì vậy, việc một số hộ kinh doanh cho rằng, các ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ đã được tổ chức bán đầu thầu từ năm 1994 cho các hộ dân sử dụng kinh doanh lâu dài, không có thời hạn là không có cơ sở.

Đối với khúc mắc về việc một số hộ không đồng tình chợ Phủ Lỗ được xếp hạng là chợ loại II, ông Nguyễn Văn Thành cho biết khu chợ do UBND huyện Sóc Sơn thành lập năm 1993, đầu tư xây dựng từ năm 1994 và được xác định là chợ loại II từ năm 1997 theo Quyết định số 3569/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Quá trình quản lý, sử dụng chợ, căn cứ các Quyết định số 84/2005/QĐ-UBND và Quyết định số 4176/2010/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội, chợ Phủ Lỗ tiếp tục được xác định là chợ loại II.

Liên quan đến kiến nghị của một số tiểu thương cho rằng mức thu phí áp dụng đối với các ki-ốt tại chợ Phủ Lỗ hiện nay ở mức 45.000 đồng/m2/tháng là cao, đại diện UBND huyện Sóc Sơn cho biết mức thu này được thực hiện theo đúng Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 13/02/2018 của UBND TP Hà Nội. Do đó, kiến nghị giảm mức thu phí thuê ki-ốt của các hộ tiểu thương là không có cơ sở.

Có thể cưỡng chế thu hồi các ki-ốt

Để sớm đưa chợ Phủ Lỗ đi vào vận hành ổn định, thời gian qua, UBND huyện Sóc Sơn tập trung chỉ đạo rốt ráo các phòng, ban chức năng của huyện và Đảng ủy - UBND 7 xã có tiểu thương kinh doanh tại chợ Phù Lỗ; tuyên truyền, vận động các hộ thực hiện các nội dung theo Quyết định số 2212/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội.

Cùng với việc chậm ký kết hợp đồng thuê các ki-ốt, sạp hàng, đến nay số hộ đóng phí dịch vụ kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Tổng phí đã thu mới đạt khoảng 13,6 triệu đồng trong tổng số tiền nợ hơn 4,6 tỷ đồng. Các hộ không phối hợp trong việc kê khai, xác nhận nợ thuế nên việc áp dụng chế tài của ngành thuế gặp nhiều khó khăn...

Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng cho biết, địa phương đã thông báo những biện pháp áp dụng nếu các hộ không chấp hành quy định về việc ký hợp đồng mới; trong đó có việc dừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại chợ Phủ Lỗ.

Bên cạnh đó, đơn vị đang phối hợp với Phòng Tư pháp, Thanh tra, Ban Quản lý chợ loại II nghiên cứu, thiết lập hồ sơ liên quan đến nguồn gốc sử dụng; không loại trừ khả năng có thể thực hiện cưỡng chế, thu hồi các ki-ốt, sạp hàng trong trường hợp tiểu thương cố tình không chấp hành quy định của pháp luật.

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Đỗ Minh Tuấn, quan điểm của địa phương là quyết tâm giải quyết dứt điểm các tồn tại tại chợ Phủ Lỗ theo Quyết định số 2212/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Thực thi nghiêm pháp luật, bảo đảm sự công bằng cho mọi công dân nói chung và tiểu thương tại các khu chợ trên địa bàn huyện nói riêng.

Ông Đỗ Minh Tuấn cũng nhận định, những biện pháp cứng rắn có thể khiến phát sinh các tình huống phức tạp. Chính vì vậy, bên cạnh chỉ đạo Đảng ủy - UBND 7 xã có tiểu thương kinh doanh tại chợ Phủ Lỗ chấp hành việc ký hợp đồng mới theo quy định, huyện Sóc Sơn đề nghị công an tiếp tục nắm bắt tình hình dư luận; xây dựng kịch bản tình huống phát sinh, bố trí lực lượng và báo cáo Công an TP Hà Nội để có phương án hỗ trợ, bảo đảm an ninh trật tự trên địa bàn.

Từ khóa » Chợ Phù Lỗ Sóc Sơn Hà Nội