Huyền Thoại Nelson Mandela: Nhiều điều Có Thể Bạn Chưa Biết

TIN LIÊN QUAN
tin nhap 20180719150452 Nelson Mandela: "Thể thao gắn kết các dân tộc"
tin nhap 20180719150452 Mandela - biểu tượng của tinh thần tự do, hòa giải dân tộc

Nhà lãnh đạo có 6 tên gọi

Ông Nelson Mandela có tới 6 tên gọi khác nhau và mỗi tên gọi đều ẩn chứa những thú vị riêng.

Theo RT, ông Mandela có tên khai sinh là Rolihlahla Mandela. Trong tiếng Xhosa, một trong những ngôn ngữ chính thức của Nam Phi, "Rolihlahla" có nghĩa là "bẻ cành" hay "kẻ gây rối".

"Nelson" là tên do giáo viên đặt khi đi học. Những năm đầu thế kỷ XX, trẻ em châu Phi thường được đặt tên tiếng Anh để các viên chức thực dân Anh dễ gọi.

tin nhap 20180719150452
Ông Nelson Mandela vận động tranh cử Tổng thống tại sân vận động Galeshewe ở Kimberley, Nam Phi, ngày 25/2/1994. (Nguồn: AP)

Ở Nam Phi, ông Mandela được người dân gọi bằng cái tên thân thương nhất là "Madiba". Đây là tên vị thủ lĩnh người Thembu từng cai trị Transkei (đông nam Nam Phi) thế kỷ IXX. Việc người dân gọi ông là Madiba thể hiện sự ngưỡng mộ và tôn kính ông.

Được coi là cha đẻ của nền dân chủ ở Nam Phi, ông Mandela cũng được gọi đơn giản là "Tata", tiếng Xhosa nghĩa là "cha". Ngoài ra, họ còn gọi ông là "Khulu" để thể hiện lòng yêu mến ông. "Khulu" tiếng Xhosa là cách gọi tắt của "uBawomkhulu", nghĩa là "ông". Theo Quỹ Nelson Mandela, từ này cũng có nghĩa là "vĩ đại", "to lớn" hay "hùng vĩ".

"Dalibhunga" là tên gọi khi ông 16 tuổi và được chính thức công nhận đã trưởng thành qua nghi lễ truyền thống của người Xhosa.

Cưới đệ nhất phu nhân ở tuổi 80

Theo Guardian, ông Mandela là người đào hoa. Thuở mới lớn, ông từng phải trốn nhà ở Cape Town đến thủ đô Johannesburg làm bảo vệ ca đêm tại một khu mỏ chỉ vì muốn thoát một cuộc hôn nhân do gia đình sắp đặt.

Người viết tiểu sử của ông Nelson Mandela đã miêu tả người đàn ông hiện thân của đấu tranh cho tự do này từng là “thỏi nam châm” thu hút phái đẹp Nam Phi những năm 1940. Cuốn Mandela thời trai trẻ của David James Smith viết rằng, những phụ nữ “ngã rạp” dưới chân Mandela và chàng trai trẻ ấy có tình cảm với rất nhiều cô gái. Bản thân ông cũng không giấu điều này. Ông muốn thế giới nhìn nhận mình như một người bình thường với đầy đủ tham - sân - si.

tin nhap 20180719150452
Ngân hàng Dự trữ Nam Phi vừa chính thức thông báo sẽ phát hành hạn chế phiên bản tiền giấy và tiền vàng để kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (18/7/1918-18/7/2018).

Ông kết hôn lần đầu năm 1944 với Evelyn Mase, em họ người bạn thân. Bà Evelyn là người kiếm tiền chính nuôi gia đình và luôn ủng hộ việc học hành cũng như sự nghiệp của chồng. Trước khi theo học luật và lấy bằng cử nhân ở Đại học Wits, ông Mandela từng là sinh viên Đại học Fort Hare, nhưng đã bị đuổi vì tham gia cuộc biểu tình phản đối của sinh viên. Họ có với nhau 4 người con và ly dị năm 1958. Người vợ thứ hai Winnie Madikizela là một phụ nữ sắc sảo, nhưng nhiều tai tiếng.

Cuộc hôn nhân thứ ba của ông mới thật đặc biệt. Ông kết hôn đúng sinh nhật lần thứ 80 của mình và cô dâu là một đệ nhất phu nhân. Trước khi cưới ông Mandela, bà Graca Machel là vợ góa của Tổng thống Mozambique Samora Machel. Do kết hôn với ông Mandela sau khi chồng chết, nên bà Graca trở thành đệ nhất phu nhân của hai quốc gia.

6 tháng mới được viết hay nhận một lá thư

Rời Nam Phi năm 1962 đi tìm sự ủng hộ cuộc đấu tranh vũ trang, ông được huấn luyện về chiến tranh du kích ở Morocco và Ethiopia. Tuy nhiên, cuối năm đó ông bị bắt với cáo buộc phá hoại chính quyền cùng các tội danh khác và bị tuyên án tù chung thân năm 1964. Ông Mandela đã trải qua 27 năm trong lao tù của chế độ Apartheid. Phần lớn thời gian đó, từ năm 1968-1982, ông bị giam ở đảo Robben. Thời gian đầu, mỗi năm ông chỉ được gặp một người đến thăm và 6 tháng mới được viết hay nhận một lá thư. Bất chấp sự cấm đoán ngặt nghèo, trong tù, ông vẫn tổ chức các cuộc biểu tình chống chế độ phân biệt chủng tộc này.

Làm Tổng thống vẫn có tên trong danh sách khủng bố

Theo CNN, chính quyền Apartheid cáo buộc Đảng Đại hội dân tộc Phi (ANC) là tổ chức khủng bố và được Mỹ, Anh ủng hộ. Mãi tới năm 2008, Mỹ mới đưa tên ông Nelson Mandela và các thành viên ANC khác ra khỏi danh sách khủng bố cần giám sát của Mỹ cho dù lúc đó ông đã là một nhân vật quốc tế.

Sau khi được trả tự do vào ngày 11/2/1990, ông Mandela đã lãnh đạo đảng ANC trong cuộc thương nghị để tiến tới một nền dân chủ đa sắc tộc năm 1994. Ông trở thành Tổng thống Nam Phi từ 1994-1999 và là Tổng thống Nam Phi đầu tiên được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu.

Những đam mê kỳ lạ

Ông Nelson Mandela là người có nhiều sở thích, đam mê kỳ lạ. Món ăn ông thích nhất không phải cao lương mỹ vị mà là lòng bò. Trong bữa tiệc sinh nhật cuối cùng của ông, cả gia đình đã cùng thưởng thức món cháo ngô và lòng bò theo yêu cầu của ông.

Trong thể thao, ông đam mê quyền anh, nhưng không thích bạo lực của môn này. Ông chia sẻ trong cuốn tiểu sử của mình: “Tôi quan tâm hơn tới tính khoa học của môn võ này, cách bạn di chuyển cơ thể để bảo vệ mình, cách bạn dùng chiến thuật tấn công và phòng thủ, cách bạn di chuyển trong một cuộc đấu”.

Trong âm nhạc, ông rất hâm mộ ban nhạc nữ Anh Spice Girls và gọi họ là những “anh hùng” bởi tích cực đấu tranh cho nữ quyền. Năm 1997, ông đã gặp ban nhạc này và cho rằng đó là những phút giây xúc động nhất trong cuộc đời mình. Theo BBC, ông Mandela mong được gặp ban nhạc này hơn cả gặp cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và Tổng thư ký Liên hợp quốc cộng lại.

Lễ tang lớn nhất lịch sử

Ông Nelson Mandela từ trần ngày 5/12/2013, thọ 95 tuổi. Theo Daily Mail, lễ tang của ông Nelson Mandela là một sự kiện chưa từng có trong lịch sử Nam Phi, với sự tham dự của hàng loạt nguyên thủ quốc gia, đại diện hoàng gia các nước và rất nhiều ngôi sao làng giải trí thế giới.

Lễ tang kéo dài 10 ngày, được lên kế hoạch tổ chức kỹ lưỡng, kết hợp cả truyền thống phương Tây lẫn thị tộc Thembu quê ông. Tuy nhiên, số lượng các phái đoàn cấp cao đến viếng, gồm hàng loạt nguyên thủ quốc gia, trong đó có cả Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Anh David Cameron, chắc chắn đã tạo ra cơn ác mộng về hậu cần cho chính phủ Nam Phi - vốn có trọng trách đảm bảo an ninh cho tang lễ.

Đặc biệt, để những người đi viếng có cơ hội vĩnh biệt người anh hùng dân tộc Nelson Mandela, lễ truy điệu đã diễn ra tại sân vận động chứa được 94.000 người ở Johannesburg.

Thế giới dành riêng một ngày gọi tên ông

Ông Nelson Mandela được tôn vinh hơn 250 giải thưởng trong hơn 40 năm, trong đó có Giải Nobel Hòa bình năm 1993. Ông còn nhận được rất nhiều vinh dự như công dân danh dự của Canada, thành viên danh dự của Công đảng Anh, thành viên danh dự của đội bóng M.U hay nhận bằng danh dự của nhiều trường đại học lớn trên thế giới. Thậm chí, cái tên "Mandela" cũng được Viện Vật lý (Đại học Leeds) đặt tên cho một nguyên tử hạt nhân - hạt Mandela (1973) hay việc các nhà khoa học đã lấy tên "Nelson Mandela" đặt cho loài chim gõ kiến thời tiền sử là Australopicus nelsonmandelai (2012)...

Nhưng vinh dự lớn nhất đối với ông Nelson Mandela là được thế giới dành riêng một ngày gọi tên ông. Theo nghị định của Đại hội đồng Liên hợp quốc, thế giới lấy ngày 18/7 là “Ngày Mandela”. Đây là lần đầu tiên tổ chức lớn nhất toàn cầu dành một ngày đặc biệt cho một con người.

Theo Africanews, Ngân hàng Dự trữ Nam Phi vừa chính thức thông báo sẽ phát hành hạn chế phiên bản tiền giấy và tiền vàng để kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela (18/7/1918-18/7/2018).

Một loạt các tờ tiền giấy được phát hành sẽ phác họa cuộc đời và sự nghiệp của cố Tổng thống Mandela từ khi ông được sinh ra là con của người đứng đầu bộ lạc ở thị trấn Mvezo và được nuôi dưỡng tại ngoại ô Eastern Cape, bị giam cầm 27 năm, góp phần to lớn chấm dứt chế độ phân biệt chủng tộc apartheid và trở thành Tổng thống da đen đầu tiên của nước Cộng hòa Nam Phi được bầu cử dân chủ theo phương thức phổ thông đầu phiếu năm 1994.

Trong khi đó, đồng tiền vàng 1 ounce khắc họa Tổng thống Mandela ở độ tuổi trung niên đang mỉm cười và mái tóc chẻ ngôi do nhà thiết kế Sindiso Nyoni thực hiện.

Việc phát hành tiền nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 100 năm ngày sinh Mandela trên toàn thế giới. Trước đó ít ngày, Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa cũng thông báo ông sẽ tặng một nửa tiền lương tổng thống của mình cho Quỹ Nelson Mandela để tưởng nhớ ông Nelson Mandela.

Cố Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela là một trong những người có tầm ảnh hưởng lớn nhất đến chính trị thế giới trong thế kỷ XX. Không chỉ là Tổng thống của Nam Phi, mà ông còn đóng góp rất nhiều vào việc chấm dứt phân biệt chủng tộc, cuộc chiến chống AIDS ở châu Phi và thúc đẩy hòa giải, hòa bình thế giới.

tin nhap 20180719150452 Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela qua đời

Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma ngày 5/12 tuyên bố ông Nelson Mandela, biểu tượng của cuộc chiến chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ...

tin nhap 20180719150452 Những bí quyết lãnh đạo

Giữa tháng 7 này, Cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela kỷ niệm sinh nhật lần thứ 90. Quá trình đấu tranh không mệt mỏi ...

tin nhap 20180719150452 Ngày quốc tế Nelson Mandela: Kêu gọi xây dựng thế giới tốt đẹp hơn

Nhân “Ngày quốc tế Nelson Mandela" 18/7, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế tiếp nối cảm hứng ...

Từ khóa » Tiểu Sử ông Nelson Mandela