Huyền Thoại Nelson Mandela Và Triết Lý Về Giáo Dục - Sống Đẹp

Tại Nam Phi, hình ảnh Nelson Mandela là biểu tượng cao nhất cho tinh thần đoàn kết dân tộc. Với sức mạnh của lòng vị tha và tinh thần hòa giải, ông đã hàn gắn hố sâu mâu thuẫn sắc tộc, mở ra một kỷ nguyên mới cho Nam Phi sau hàng chục năm xung đột giữa cộng đồng người da màu chiếm đa số và nhóm người da trắng thiểu số cầm quyền. Trên thế giới, ông được tôn vinh là đại diện cho công lý, tự do và tôn trọng quyền con người.

Đặc biệt, huyền thoại Nelson Mandela có niềm tin tuyệt đối vào giáo dục. Ông xem giáo dục là triết lý, là vũ khí hữu hiệu nhất để thay đổi thế giới: "Giáo dục là vũ khí mạnh nhất để chúng ta thay đổi thế giới".

Niềm tin trong Nelson Mandela về sức mạnh giáo dục được đúc kết từ chính quá trình trưởng thành và sự nghiệp đấu tranh của ông đòi lại bình đẳng cho người da màu tại đất nước.

Huyen-thoai-Nelson-Mandela-va-triet-ly-ve-giao-duc
Nelson Mandela (trái) và phu nhân Graca Machel đến gặp gần 40.000 học sinh tại nhà thi đấu SkyDome, thành phố Toronto, Canada vào năm 1998

Trong hồi lý năm 1994, "Long Walk to Freedom" (Hành trình dài đến tự do), Mandela cho biết ông được đào tạo bằng tiếng Anh theo mô hình phương Tây tại các trường dòng từ khi còn nhỏ. Ông cho rằng chính cảm giác bất công đã khiến người da màu tại Nam Phi dồn nén căm phẫn dẫn đến phản kháng xã hội.

"Thứ kìm hãm dân tộc tôi không phải là thiếu năng lực, mà là thiếu cơ hội. Chúng tôi được dạy rằng chỉ có người Anh mới giỏi nhất", ông viết.

Trong suốt cuộc đời mình, cả trong 25 năm chịu tù đày bởi chính quyền Arpartheid, Mandela không ngừng học tập. Ông xem việc học như lối thoát khỏi tình cảnh tù đày. Thậm chí trong những ngày chờ ra tòa, dù án tử hình treo trước mắt, Mandela vẫn cố gắng hoàn thành bài luận ngành luật.

Ông không chỉ học cho mình mà còn động viên các bạn tù khác học tập. "Khi đêm xuống, phòng giam của chúng tôi giống như phòng tự học hơn nhà tù. Đảo Robben được gọi là 'trường đại học' vì ở đó chúng tôi dạy cho nhau", ông viết trong hồi ký.

Ông ý thức rõ những hạn chế nhất định của khuôn khổ giáo dục chính thống. Dù có bằng cử nhân và bằng luật gia nhưng ông luôn hiểu, bằng cấp không phải tấm vé dẫn đến thành công hay mang lại trí tuệ. Cố lãnh đạo Nam Phi luôn khiêm tốn cho rằng một người không trải qua trường lớp đào tạo hay giáo dục bài bản vẫn có thể "là người ưu việt hơn tôi trong mọi phạm trù tri thức".

Huyen-thoai-Nelson-Mandela-va-triet-ly-ve-giao-duc-7

Tính cách khiêm nhường này phần nào đã tác động đến tư duy chính trị của Mandela và những suy nghĩ về đất nước. Ông nhận định một người "có giáo dục" không nhất thiết phải biết chữ và lấy được bằng cử nhân.

"Một người không biết chữ vẫn có thể là một cử tri 'có giáo dục' hơn một số người có bằng cấp cao", cố lãnh đạo Nam Phi chia sẻ.

Không chỉ dừng lại ở việc rèn luyện trí óc, Nelson Mandela đề cao cả tầm quan trọng của thể chất để giữ vững tâm lý lành mạnh. Ông từng chia sẻ rèn luyện sức khỏe giúp ông cảm thấy bình tâm hơn, làm việc tốt hơn và là lúc ông suy nghĩ minh mẫn nhất.

Rèn luyện trở thành 1 trong những nguyên tắc bất di bất dịch trong cuộc sống của nhà cách mạng Nam Phi. Ông nhận thấy chạy bộ dạy cho mình giá trị của khổ luyện và kỷ luật khi hướng đến các mục tiêu. Trong cuộc chạy đường dài, tập luyện là yếu tố quyết định thành công nhiều hơn tài năng thiên bẩm. Ông rút ra cho bản thân rằng những thiệt thòi về tài năng có thể được bù đắp bằng sự siêng năng và kỷ luật.

"Tôi vận dụng điều đó vào mọi việc làm. Từ thời đi học, tôi đã thấy nhiều người trẻ có năng lực thiên phú tuyệt vời, nhưng không đủ ý thức kỷ luật và sự kiên nhẫn để phát huy món quà mà họ được ban tặng", Mandela từng viết.

Ngoài triết lý kinh điển trên, cựu tổng thống Nam Phi còn để lại nhiều di sản cho nền giáo dục nước này với các tổ chức và quỹ phát triển. Ông thành lập Viện Mandela về Phát triển Giáo dục và Nông thôn với sứ mệnh phổ cập giáo dục cho trẻ em các vùng nông thôn nghèo, nơi hạ tầng không đảm bảo. Viện phối hợp với các cộng đồng tu sửa trường học và đào tạo giáo viên.

Sau khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 1999, ông lập Quỹ Nelson Mandela và phối hợp với Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) khởi động chương trình Trường học cho Châu Phi, hỗ trợ các sáng kiến giáo dục ở 13 quốc gia cùng châu lục. Kể từ khi ra đời vào năm 2005, dự án này đã hỗ trợ hơn 30 triệu trẻ em châu Phi cải thiện chất lượng giáo dục.

"Giáo dục chính như một động cơ vĩ đại trong quá trình phát triển cá nhân. Nhờ giáo dục, con gái một người nông dân có thể trở thành bác sĩ, con trai một người thợ mỏ có thể trở thành chủ nhân chính khu mỏ đó, và con cái những người nông dân có thể trở thành tổng thống một quốc gia vĩ đại. Cách chúng ta tạo ra thành quả từ những gì mình có, chứ không phải những thứ được ban phát, mới khẳng định được sự đặc biệt giữa một người với phần còn lại", ông viết trong hồi ký.

Xem thêm: Những câu nói bất hủ của "cây bao báp đại thụ" Nelson Mandela

Từ khóa » Tổng Thống Nam Phi Nói Về Giáo Dục