Huyết áp đo ở Tay Cao Hơn ở Chân Nói Lên Bệnh Gì? - PLO

Chiều 21-1, TS-BS Trần Chí Cường, Giám đốc BV Đột quỵ - Tim mạch Cần Thơ, cho biết BV này vừa điều trị thành công trường hợp tăng huyết áp suốt 10 năm do hẹp eo động mạch chủ.

Các bác sĩ đang xử trí tình trạng tăng huyết áp của anh B. Ảnh: BVCC

Trước đó, anh PHB (32 tuổi, ở TP cần Thơ) đến BV nói trên trong tình trạng đau đầu. Anh B. cho biết bị cao huyết áp 10 năm nhưng không có biểu hiện khác thường. Chẳng những không uống thuốc, anh B. còn chơi thể thao mỗi ngày.

Sau khi khám, bác sĩ ghi nhận huyết áp ở tay và chân có sự chênh lệch. Huyết áp tay là 180/90 mmHg, chân là 120/70 mmHg (bình thường đo huyết áp ở tay nhưng có trường hợp đo ở chân để phát hiện bệnh lý tăng huyết áp thứ phát). Chưa hết, kết quả siêu âm tim ghi nhận anh B. hẹp eo động mạch chủ nặng và chụp MSCT ngực ghi nhận hẹp nặng động mạch chủ đoạn eo.

Chẩn đoán anh B. tăng huyết áp thứ phát do hẹp eo động mạch chủ bẩm sinh, các bác sĩ can thiệp nội mạch để nong và đặt stent động mạch chủ. Hơn 1 giờ sau, huyết áp anh B. trở về bình thường và sớm được xuất viện.

Theo TS-BS Cường, hẹp eo động mạch chủ là một bệnh xếp hàng thứ sáu trong nhóm bệnh tim bẩm sinh thường gặp như thông liên nhĩ, thông liên thất, hẹp van động mạch phổi, tứ chứng fallot...

“Bệnh hẹp eo động mạch chủ là bệnh lý bẩm sinh, diễn tiến âm thầm và khó phát hiện. Ở người trưởng thành, bệnh thường biểu hiện qua tình trạng huyết áp cao, khó kiểm soát. Một dấu hiệu cần chú ý khác ở bệnh hẹp eo động mạch chủ là tình trạng huyết áp đo ở tay cao hơn huyết áp ở chân rất nhiều” - TS-BS Cường nói.

TRẦN NGỌC Theo dõi Báo Pháp Luật Tp HCM trên Google News

Từ khóa » Chênh Lệch Huyết áp Tay Và Chân