Huyết áp Thấp Là Gì? Những điều Cần Biết | Pacific Cross Việt Nam

Nội dung bài viết / Table of Contents

Toggle
  • Huyết áp thấp là gì?
  • Những dấu hiệu và triệu chứng huyết áp thấp?
    • Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
  • Nguyên nhân huyết áp thấp là gì?
  • Nguy cơ mắc phải
    • Những ai thường mắc phải huyết áp thấp?
    • Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc huyết áp thấp?
  • Cách điều trị huyết áp thấp hiệu quả
    • Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh huyết áp thấp?
    • Những phương pháp nào dùng để điều trị huyết áp thấp?
  • Chế độ sinh hoạt phù hợp
    • Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết áp thấp?

This post is also available in: English

Huyết áp là áp lực trong lòng mạch mà tim có thể vượt qua để bơm máu ra hệ thống tuần hoàn. Việc huyết áp thấp thông thường là tình trạng nhẹ hoặc thoáng qua do bất kỳ nguyên nhân nào.

Tuy nhiên, đây cũng có thể là tình trạng rất nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Bạn hãy tìm hiểu bài viết sau đây để hiểu rõ hơn thế nào là huyết áp thấp, huyết áp thấp là bị gì, huyết áp thấp là bao nhiêu và các triệu chứng tụt huyết áp thường gặp.

huyết áp thấp

Đo huyết áp thường xuyên để tầm soát tình trạng huyết áp thấp

Huyết áp thấp là gì?

Huyết áp thấp là tình trạng khi huyết áp đột ngột giảm xuống dưới 90/60 mmHg. Huyết áp thấp làm cho thể tích máu giảm đi vì co mạch.

Huyết áp được biểu đạt bằng hai con số. Số đầu tiên, thường cao hơn, là huyết áp tâm thu, hay áp lực trong lòng động mạch khi tim co bóp và đầy máu. Số thứ hai là áp lực tâm trương, hay áp suất trong lòng động mạch khi tim nghỉ giữa hai lần bóp.

Vì vậy, bạn bị huyết áp thấp nếu có huyết áp thấp hơn 90/60, nghĩa là:

  • Huyết áp tâm thu từ 90mmHg trở xuống,
  • Huyết áp tâm trương từ 60mmHg trở xuống.

Huyết áp thấp là triệu chứng của nhiều bệnh lý y khoa và có thể gây ra nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân, đặc biệt ở người cao tuổi. Tuy nhiên, việc tập thể dục thường xuyên, đứng quá lâu hoặc thậm chí đứng lên từ tư thế ngồi hay nằm cũng có thể làm giảm huyết áp. Điều này được gọi là huyết áp thấp tư thế hoặc huyết áp thấp tư thế đứng.

Những dấu hiệu và triệu chứng huyết áp thấp?

Các triệu chứng tụt huyết áp xảy ra khi lượng máu cung cấp cho não giảm. Các triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Cảm giác hoa mắt hoặc chóng mặt
  • Đau đầu dữ dội hoặc mê sảng
  • Ngất (xỉu)
  • Thiếu tập trung
  • Mờ mắt
  • Buồn nôn
  • Da lạnh, ẩm hoặc nhợt nhạt
  • Nhịp thở nhanh, nông
  • Mệt mỏi
  • Trầm cảm
  • Cảm giác khát

Huyết áp thấp mãn tính không có triệu chứng và không nghiêm trọng. Một số người khỏe mạnh tập thể dục thường có xu hướng bị huyết áp thấp.

Tuy nhiên, việc giảm huyết áp đột ngột có thể dẫn đến thiếu máu cung cấp cho các cơ quan quan trọng, đặc biệt là não. Thể tích máu giảm là nguyên nhân gây suy giảm chức năng đa cơ quan.

Bệnh nhân có triệu chứng hạ huyết áp thường có một số triệu chứng nghiêm trọng như: ngất, sốc tuần hoàn và trụy mạch.

Bạn có thể gặp các triệu chứng khác không được đề cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào về các dấu hiệu bệnh, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ.

huyết áp thấp

Có nên thăm khám bác sĩ khi có dấu hiệu huyết áp thấp?

Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?

Trong hầu hết các trường hợp, bệnh huyết áp thấp không phải là vấn đề nghiêm trọng. Nhiều người mắc huyết áp thấp nhưng vẫn cảm thấy khỏe.

Đôi khi, bạn có thể cảm thấy dấu huyệt tụt huyết áp như hoa mắt và chóng mặt, nhưng không có vấn đề gì nếu các triệu chứng không ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày.

Đều quan trọng là bạn phải đi khám bác sĩ nếu bị huyết áp thấp vì bệnh có thể chỉ ra một vấn đề sức khỏe khác nghiêm trọng hơn. Hãy đi khám nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào sau đây:

  • Cảm thấy chóng mặt hoặc tối sầm mặt khi đứng lâu (trên 5 giây)
  • Tim nhanh (nhịp tim nhanh, mạnh hoặc không đều)
  • Mờ mắt
  • Buồn nôn
  • Nóng
  • Toát mồ hôi (đổ mồ hôi nhiều)
  • Mê sảng.

Nguyên nhân huyết áp thấp là gì?

Có rất nhiều nguyên nhân tụt huyết áp như:

  • Không đủ thể tích máu trong lòng mạch. Điều này có thể xảy ra nếu cơ thể bị mất máu hoặc mất nước, nghĩa là cơ thể không có đủ lượng dịch cần thiết. Bạn có thể bị mất nước nếu:
    • Không uống đủ nước
    • Bị tiêu chảy nặng hoặc nôn ói nhiều
    • Đổ mồ hôi nhiều (ví dụ trong khi tập thể dục)
  • Tim co bóp yếu
  • Hệ thần kinh và một số hormone trong cơ thể có nhiệm vụ kiểm soát mạch máu hoạt động không bình thường
  • Mang thai
  • Các vấn đề về nội tiết như tuyến giáp không hoạt động (nhược giáp), tiểu đường hoặc lượng đường trong máu thấp (hạ đường huyết)
  • Kiệt sức do nhiệt hoặc cảm nhiệt
  • Một số loại thuốc không cần kê toa
  • Một số loại thuốc theo toa như thuốc trị cao huyết áp, trầm cảm hoặc Parkinson.

Ở một số bệnh nhân, bệnh huyết áp thấp có thể có liên quan đến một vấn đề khác như:

  • Tiểu đường
  • Parkinson
  • Suy tim
  • Loạn nhịp tim (nhịp tim đập bất thường)
  • Phì đại hoặc giãn nở các mạch máu
  • Bệnh gan.

Ngoài ra, những người không nằm trong các trường hợp trên cũng có thể bị huyết áp thấp. Người cao tuổi thường có nguy cơ cao mắc huyết áp thấp hơn những người trẻ. Huyết áp thấp cũng là vấn đề phổ biến ở phụ nữ mang thai.

Một số trường hợp, huyết áp có thể giảm đột ngột. Trong những trường hợp này, nguyên nhân có thể là:

  • Mất máu do xuất huyết
  • Nhiệt độ cơ thể thấp
  • Nhiệt độ cơ thể cao
  • Bệnh cơ tim gây suy tim
  • Nhiễm nấm, nhiễm trùng máu nặng
  • Mất nước nghiêm trọng do nôn ói, tiêu chảy hoặc sốt
  • Phản ứng với thuốc hoặc rượu
  • Phản ứng dị ứng trầm trọng hay còn gọi là quá mẫn.

Nguy cơ mắc phải

Những ai thường mắc phải huyết áp thấp?

Huyết áp thấp có thể xảy ra ở bất cứ ai. Tuy nhiên, bệnh có thể được kiểm soát bằng cách giảm thiểu các yếu tố nguy cơ. Hãy thảo luận với bác sĩ để biết thêm thông tin.

Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc huyết áp thấp?

Nguy cơ mắc tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp đều tăng lên theo tuổi. Lượng máu về cơ tim và lên não sẽ suy giảm theo độ tuổi, thường là do sự tích tụ mảng bám trong lòng mạch máu. Khoảng từ 10–20% người trên 65 tuổi bị huyết áp thấp.

Một số loại thuốc có thể làm tăng nguy cơ mắc huyết áp thấp như thuốc lợi tiểu, nitrat và giãn mạch.

Các yếu tố nguy cơ khác bao gồm:

  • Tiền căn nguy cơ mất dịch cơ thể (nôn mửa, tiêu chảy, hạn chế dịch, sốt)
  • Tiền căn bệnh lý như suy tim sung huyết, tiểu đường, ung thư, nghiện rượu
  • Bằng chứng xét nghiệm thần kinh về bệnh Parkinson, bệnh lý thần kinh ngoại biên, chứng loạn thần kinh sinh dưỡng gia đình (như phản ứng đồng tử bất thường).

Cách điều trị huyết áp thấp hiệu quả

Những thông tin được cung cấp không thể thay thế cho lời khuyên của các chuyên viên y tế. Hãy luôn tham khảo ý kiến bác sĩ.

huyết áp thấp

Biểu hiện tụt huyết áp cần được theo dõi kỹ càng

Những kỹ thuật y tế nào dùng để chẩn đoán bệnh huyết áp thấp?

Một số xét nghiệm có thể giúp bác sĩ biết được liệu các triệu chứng của bạn có phải do huyết áp thấp gây ra hay không. Xét nghiệm phổ biến nhất là đo huyết áp và nhịp mạch ở tư thế ngồi hoặc tư thế nằm, sau đó đo ở tư thế đứng. Các xét nghiệm khác có thể thực hiện là:

  • Xét nghiệm máu để xem bạn có thiếu máu hay không. Bạn được chẩn đoán là thiếu máu khi có quá ít hồng cầu. Các xét nghiệm máu để kiểm tra sự cân bằng của cách thành phần hóa học trong máu cũng như nồng độ các chất dịch nằm trong ngưỡng bình thường không.
  • Các xét nghiệm để chắc chắn tim co bóp phù hợp không.

Những phương pháp nào dùng để điều trị huyết áp thấp?

Huyết áp thấp thường không gây ra bất kỳ dấu hiệu hay triệu chứng nào hoặc chỉ gây ra vài triệu chứng nhẹ, chẳng hạn như chóng mặt thoáng qua khi đứng. Vì vậy, hiếm khi bác sĩ yêu cầu bạn cần phải điều trị.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ xác định xem huyết áp thấp có phải do bất kỳ loại thuốc bạn đang dùng gây ra hay không. Nếu có thì bác sĩ chỉ cần đổi thuốc khác hoặc giảm liều một cách thích hợp. Nếu có nhiều triệu chứng, bác sĩ thường cố gắng điều trị nguyên nhân cơ bản gây ra các triệu chứng này.

Tùy theo độ tuổi, tình trạng sức khỏe và kiểu huyết áp thấp, bệnh nhân có thể thực hiện những phương pháp sau:

  • Tăng lượng muối trong chế độ ăn uống. Hãy nhớ tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thực hiện vì lượng natri dư thừa có thể gây suy tim, nhất là ở những người lớn tuổi.
  • Uống nhiều nước hơn. Điều này sẽ làm tăng thể tích máu và chống mất nước.
  • Mang vớ ép.
  • Một số thuốc có thể được sử dụng để điều trị huyết áp thấp tư thế đứng.

Chế độ sinh hoạt phù hợp

Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết áp thấp?

Những thói quen sinh hoạt sau đây có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của huyết áp thấp, nhưng bạn chỉ thực hiện sau khi đi khám bác sĩ:

  • Đứng dậy chậm và để cho cơ thể có thời gian thích ứng. Điều này đặc biệt quan trọng khi bạn thức dậy vào buổi sáng, hãy ngồi dậy và chờ đợi một lúc. Sau đó, bạn xoay chân ở cạnh giường và chờ đợi thêm chút nữa. Khi bạn đứng lên, phải chắc chắn rằng bạn có một điểm tựa nào đó để bám vào trong trường hợp bắt đầu cảm thấy chóng mặt.
  • Tránh chạy, leo núi hoặc làm bất cứ hoạt động nào tiêu tốn quá nhiều năng lượng, nhất là trong thời tiết nắng nóng. Những hoạt động này có thể làm giảm huyết áp ở tư thế đứng.
  • Hãy chắc chắn rằng bạn uống đủ nước, đặc biệt là trong thời tiết nắng nóng.
  • Đặt một chiếc gối dưới đầu sao cho đầu cao hơn tim một chút.
  • Mang vớ “ép”, tốt nhất là loại vớ dài tới hông, nhưng những loại này rất khó mặc.
  • Tránh uống nhiều rượu.

Chẩn đoán và điều trị huyết áp thấp rất dễ. Tuy nhiên, điều khó khăn nhất là điều trị nguyên nhân chính gây nên huyết áp thấp, vì hạ áp chỉ là triệu chứng bên ngoài.

Việc hiểu rõ yếu tố nguy cơ gây ra bệnh sẽ giúp bạn kiểm soát được tình trạng này chặt chẽ hơn. Mỗi bệnh nhân đã được chẩn đoán tăng huyết áp hoặc huyết áp thấp đều nên có một chiếc máy đo huyết áp tự động để theo dõi chỉ số huyết áp thường xuyên, nhất là những lúc thay đổi huyết áp đột ngột hoặc thay đổi nghiêm trọng.

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất. Chúng tôi không đưa ra các lời khuyên, chẩn đoán hay các phương pháp điều trị y khoa.

Bạn có thể quan tâm đến chủ đề:

  • Cao huyết áp nguy hiểm ra sao? Nguyên nhân và triệu chứng thường gặp
  • Tăng nhãn áp: Bệnh lý về mắt thường gặp
  • Thực phẩm chức năng dưỡng da trắng sáng

Hãy quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe của bản thân và gia đình mình ngay hôm nay.

Pacific Cross Việt Nam cung cấp các chương trình bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm du lịch phù hợp với từng yêu cầu và ngân sách của khách hàng.

Cho dù là chương trình bảo hiểm cho cá nhân bạn, cho gia đình bạn hoặc doanh nghiệp của bạn, chúng tôi ở đây để đảm bảo rằng bạn nhận được sản phẩm bảo hiểm tốt nhất.

Nếu bạn chưa chắc chắn về chương trình bảo hiểm nào phù hợp với nhu cầu của mình, hãy sử dụng Chương trình Lựa Chọn Bảo Hiểm của chúng tôi hoặc liên hệ với chúng tôi để được tư vấn miễn phí qua email: inquiry@pacificcross.com.vn.

Nguồn tham khảo

  • Sathyapalan T, Aye MM, Atkin SL. Postural hypotension. BMJ 2011. Chương trình Y tế. Ngày truy cập 04/12/2016
  • Kaplan NM. The promises and perils of treating the elderly hypertensive. Am J Med Sci 1993. Ngày truy cập 04/12/2016
  • Fagard RH, De Cort P. Orthostatic hypotension is a more robust predictor of cardiovascular events than nighttime reverse dipping in elderly. Hypertension 2010. Ngày truy cập 04/12/2016
  • Braunwald’s The Heart disease, textbook 15th edition. Accessed Oct 10 2016. Bãn tải về. Trang 1032-1035. Ngày truy cập 04/12/2016
  • Understanding Low Blood Pressure — the Basics. http://www.webmd.com/heart/understanding-low-blood-pressure-basics.  Ngày truy cập 04/12/2016
  • Hypotension Symptoms. www.mayoclinic.org/diseases-conditions/low-blood-pressure/basics/definition/con-20032298. Ngày truy cập 04/12/2016

Từ khóa » Các Biểu Hiện Huyết áp Thấp