Huỳnh Anh | Wikia Thúy Nga - Paris By Night | Fandom

Huỳnh Anh là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu của nền tân nhạc Việt Nam trước năm 1975. Ông được biết đến nhờ những ca khúc: Mưa Rừng, Rừng Lá Thay Chưa, Thuở Ấy Có Em,... và tài năng đánh trống khiến người ta gọi ông là "tay trống giang hồ".

Huỳnh Anh

Nhạc sĩ Huỳnh Anh ở tuổi 72

Tên thật, tên gọi khác (nếu có)

Tay trống giang hồ (biệt danh)

Giới tính

Nam

Sinh

2 tháng 1 năm 1932

Mất

13 tháng 12 năm 2013

Tuổi

Hưởng thọ 81 tuổi

Quốc gia thường trú

Liên bang Đông Dương (1932 - 1945)Quốc gia Việt Nam (1947 - 1954)Việt Nam Cộng hòa (1955 - 1975)Hoa Kỳ (1975 - 2013)

Sự nghiệp

Vai trò chính

Nhạc sĩ

Vai trò khác (nếu có)

Nghệ sĩ trống

Trạng thái sự nghiệp

Ngừng hoạt động

Năm bắt đầu sự nghiệp

Đầu thập niên 19502004 (cộng tác với trung tâm Thúy Nga)

Năm kết thúc sự nghiệp

2013

Cộng tác với trung tâm Thúy Nga

Chương trình Paris By Night đầu tiên xuất hiện

Paris By Night 45 - Vào Hạ

Chương trình Paris By Night cuối cùng xuất hiện

Paris By Night 74 - Hoa Bướm Ngày Xưa Số chương trình đã xuất hiện
PBN TNMB Live Khác
2 0 0 0

Gia đình

Trạng thái hôn nhân

Đã kết hôn

Gia đình

- Huỳnh Văn Sâm (tức nghệ sĩ Sáu Tửng, cha)- Lệ Hằng (người vợ trước)- Nghệ sĩ Bạch Huệ (em gái) (1933 - 2013)- Nghĩa (anh em kết nghĩa) (? - 2013)- Một người vợ thứ hai chưa rõ tên- Một người con trai chưa rõ tên- Hai người con gái chưa rõ tên- Các cháu nội, ngoại chưa rõ tên

Mục lục

  • 1 Tiểu sử
  • 2 Di sản để lại
  • 3 Các mối quan hệ
  • 4 Xuất hiện trong Paris By Night 74 - Hoa Bướm Ngày Xưa
  • 5 Những lần nhạc của Huỳnh Anh được sử dụng trong các chương trình Paris By Night
  • 6 Thư viện ảnh
  • 7 Thông tin bên lề
  • 8 Chú thích

Tiểu sử[]

Huỳnh Anh sinh ngày 2 tháng 1 năm 1932 tại Cần Thơ, cha ông là danh thủ Sáu Tửng, nghệ sĩ đàn kìm nổi tiếng của cải lương miền Nam và sau này là thầy dạy cổ nhạc của nữ nghệ sĩ Hương Lan.

Huỳnh Anh khởi đầu con đường nghệ thuật của mình với nghề đánh trống. Trong một buổi đứng xem các bạn học tập dượt văn nghệ để chuẩn bị trình diễn trong ngày bế giảng năm học, tay trống của ban nhạc hôm ấy bị bệnh mà không có người thay thế. Ông thầy hướng dẫn văn nghệ chợt thấy trong đám học sinh đứng coi có Huỳnh Anh, chú bé để tâm theo dõi tiếng đàn, giọng hát, hai tay gõ và chân nhịp rất đúng. Ông thầy gọi Huỳnh Anh vào chơi trống thử, và trước sự ngạc nhiên của mọi người, chú bé chơi trống rất đúng, thế là Huỳnh Anh trở thành tay trống chính thức cho buổi trình diễn. Sau buổi trình diễn đó, Huỳnh Anh đã có một niềm đam mê lớn với bộ trống.

Năm 15 tuổi, ông lên Đà Lạt chơi trống cho một ban nhạc và chính thức bước vào con đường nghệ thuật từ đó. Những năm đầu thập niên 1950, tên tuổi của tay trống Huỳnh Anh đã lẫy lừng, ông ôm cặp dùi trống khuấy đảo khắp Sài Gòn, khi thì chơi trong các đoàn cải lương, khi thì chơi ở những phòng trà có các ban nhạc Philippines. Huỳnh Anh đã học được ở họ các ngón nghề độc đáo, chẳng mấy chốc ông đã sử dụng thành thạo nhiều nhạc khí khác như guitar, piano, kèn, percussion,... Vào thời điểm đó, Sài Gòn có hai tay trống lừng lẫy là Huỳnh Anh và Huỳnh Hiếu. Huỳnh Hiếu là con của ông bầu cải lương Tư Chơi, được cha mướn thầy Philippines về dạy trống, trong khi Huỳnh Anh chủ yếu tự học (sau này có thêm tay trống nổi danh thứ ba là Phùng Trọng).

Mười năm sau, Huỳnh Anh trở thành trưởng ban nhạc và ông đã ký hợp đồng trình diễn với hầu hết các phòng trà ca nhạc và vũ trường của Sài Gòn đến năm 1975. Nhiều người còn nhắc đến một giai thoại lẫy lừng của anh, đó là cuộc “đọ trống” vô tiền khoáng hậu giữa Huỳnh Anh và tay trống người Mỹ lừng danh thế giới Buddy Rich tại rạp Hưng Đạo vào năm 1961, khi ấy ông mới 29 tuổi.

Song song với việc là một tay trống, ông cũng là một nhạc sĩ tân nhạc dù cha ông lại là một nhạc sĩ, nghệ sĩ cổ nhạc, và ca khúc đầu tay của ông là Em Gắng Chờ.

Năm 1961, đoàn cải lương Thanh Minh - Thanh Nga dựng vở cải lương Mưa Rừng của hai soạn giả Hà Triều - Hoa Phượng, và Huỳnh Anh được mời viết ca khúc chủ đề cho vở tuồng này, và vở tuồng đã thành công ngoài dự kiến khi nó được chuyển thể thành phim vào năm 1962. Soạn xong ca khúc Mưa Rừng, ông tập cho nữ nghệ sĩ Thanh Nga thể hiện nó trong vở tuồng và từ đó hai người nảy sinh tình cảm với nhau. Ông còn viết cho Thanh Nga bài Kiếp Cầm Ca, nhưng tình cảm giữa hai người đã không đủ lớn, và sau đó Thanh Nga đã lên xe hoa với Phạm Ngọc Lân.

Năm 1963, một phóng viên có bút danh Nguyễn Ngu Ý đã thực hiện bốn cuộc phỏng vấn với bốn nhạc sĩ: Trúc Phương, Huỳnh Anh, Lê Dinh và Minh Kỳ. Cuộc phỏng vấn ngắn ngủi của Huỳnh Anh được thể hiện như sau:

Huỳnh Anh: Tôi thấy nhiều bạn lấy đôi điệu trong cổ nhạc miền Bắc, miền Trung, rồi chế biến ra. Nghe lên là ta thấy liền. Còn cổ nhạc miền Nam, thì có thể kể như là chưa được khai thác. Chẳng biết vì nó không hợp với việc này, hay là nó bị bỏ quên...

Nguyễn Ngu Ý: Nhưng mà ảnh hưởng cổ nhạc miền Nam đối với dân chúng vẫn khá đậm đà chớ?

Huỳnh Anh: Dĩ nhiên là đậm đà nhiều. Anh vô chơi những xóm lao động ở Đô thành, hoặc về nhà quê, thì anh thấy rõ. Tôi có thể nó mà không sợ trật bao nhiều, là ảnh hưởng đó đến bảy chục phần trăm chớ chẳng ít. Chắng biết anh có để ý không, chớ tôi thấy những người dân thường, dạy đi dạy lại một bài Tân nhạc dê dễ, họ thường hát sai; nhưng dạy qua một bài Bình bán, hay nói lối Vọng cổ, thì họ hát đúng dấu nhịp nhàng chưa vững. Điều này chứng tỏ nhạc cổ truyền đã ăn sâu vào hồn dân tộc.

Nguyễn Ngu Ý:  Anh gần bạn trẻ nhiều, chắc anh rõ sở thích của họ về nhạc.

Huỳnh Anh: Bạn trẻ đây là bạn trẻ Đô thành, anh phải hiểu cho tôi như thế mới được. Cổ nhạc, thì họ không thích mấy, anh còn lạ gì tuổi trẻ hay chuộng những gì mới, lạ. Tân nhạc, thì họ thích vừa vừa, còn nhạc Âu-Mĩ, thì họ rất thích. Tôi xin nói rõ nhạc Âu-Mĩ đây, không phải là loại nhạc cổ điển, mà là loại nhạc vui nhẹ (musique légère), loại nhạc khiêu vũ.

Cũng trong năm 1963, nhạc sĩ Huỳnh Anh gặp một cậu bé 12 tuổi tên là Trương Chiêu Thông (ca sĩ Thái Châu sau này) và ông đã dạy trống miễn phí cho cậu bé này. Chính ông cũng là người đã dìu dắt nữ danh ca Phương Dung trên con đường âm nhạc. Vào những năm 1968 - 1969, ban nhạc của Huỳnh Anh thường xuyên mời Phương Hồng Quế đi hát cùng, khi ấy bà đang là một cô bé 15 tuổi đang trên đà nổi tiếng.[1]

Ngoài ra, ông còn có ca khúc Sa Mạc Tuổi Trẻ, vốn là kết quả của việc không kịp sáng tác xong một ca khúc để dùng cho một bộ phim có tên Điệu Ru Nước Mắt với nguyên tác bởi nhà văn Duyên Anh. Bài Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím là ông đã phổ nhạc từ bài thơ cùng tên của một thi sĩ có hai bút danh Kiên Giang/Hà Huy Hà, người được cho là bậc thầy của hai soạn giả cổ nhạc nổi tiếng là Hà Triều và Hoa Phượng (hai tác giả của tuồng Mưa Rừng). Huỳnh Anh còn được biết đến là một người bạn đồng niên tri kỉ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông và cũng là người đã đóng góp vào sự thành công của hai hãng đĩa Sơn Ca và Continental do vị đại tá Quân lực VNCH quản lý.[1]

Năm 1970, ông lại được gặp lại Thanh Nga thông qua đề nghị viết nhạc của chị gái bà, và đề nghị đó là viết nhạc cho phim Loan Mắt Nhung của đạo diễn Lê Dân, vốn là bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Nguyễn Thụy Long. Và ca khúc Loan Mắt Nhung đã ra đời. Cũng trong năm đó, ông viết cho Phương Hồng Quế một ca khúc mà sau đó bà phải biểu diễn nó ngay trong buổi tối sau khi ca khúc đó được viết xong.

Về cuộc sống gia đình, trước năm 1975, nhạc sĩ Huỳnh Anh từng kết hôn với Lệ Hằng, một người phụ nữ đẹp nức tiếng thời đó. Bà là con của chủ một hộp đêm nổi tiếng. Tuy nhiên, cuộc hôn nhân này không lâu sau tan vỡ khi hai người đã có với nhau một con gái. Theo lời danh ca Phương Dung, lý do là bởi nhạc sĩ Huỳnh Anh rất hay ghen và cuộc sống của hai người có nhiều điều bất đồng. Sau khi chia tay vợ, nhạc sĩ Huỳnh Anh trở nên mất phương hướng. Ông gần như buông xuôi tất cả. Những ca khúc của ông ra đời trong giai đoạn đó đều thể hiện niềm đau chất chứa của một người đàn ông hết lòng trong tình yêu nhưng bị đời, bị người trả lại toàn những cay đắng, trái ngang.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Huỳnh Anh định cư ở Mỹ. Không sống được với nghề nhạc khi ông thành lập một ban nhạc rồi tan rã chỉ sau sáu ngày hoạt động, ông làm nghề lái taxi ở vùng San Francisco một thời gian dài, rồi chuyển về sống ở San Jose. Năm 1981, bài thơ Rừng Lá Thay Chưa của thi sĩ nổi tiếng Hoàng Ngọc Ẩn được nhạc sĩ Huỳnh Anh phổ thành ca khúc nổi tiếng mà không cần sửa bất kỳ chữ nào của bài thơ. Ngoài ra, ông còn viết thêm một bài khác, đặt tên là Thành Phố Sương Mù (sau này ca khúc được tiết lộ là viết riêng cho nữ ca sĩ Như Quỳnh và được dàn dựng thành MTV bonus trong Paris By Night 54 - In Concert). Ở Mỹ, ông sống lặng lẽ, ẩn dật và ít tham gia các sinh hoạt văn nghệ kể cả khi đã dời về tiểu bang California, nơi có đông các nghệ sĩ, nhạc sĩ người Việt sinh sống.

Mùa hè năm 2003, trong một buổi văn nghệ tại nhà hàng Thành Được do chính nghệ sĩ Thành Được tổ chức, Huỳnh Anh gặp lại nhạc sĩ Lam Phương là một trong những người bạn cũ của ông và đã không khỏi xúc động khi thấy Lam Phương đi đứng, nói chuyện không được bình thường như trước do ảnh hưởng từ cơn đột quỵ cách đây bốn năm trước.

Năm 2004, khi nhạc sĩ đã 72 tuổi, trung tâm Thúy Nga mời ông thực hiện chương trình Paris By Night 74 - Hoa Bướm Ngày Xưa và chơi trống trong ca khúc Loan Mắt Nhung thể hiện bởi nam ca sĩ Thái Châu vốn là học trò của mình cách đây nhiều năm về trước. Sau phần giới thiệu dòng nhạc của Huỳnh Anh, ông có thể được nhìn thấy là đang ngồi gần ông Tô Văn Lai để theo dõi chương trình và nghe bậc tiền bối của mình là nhạc sĩ Nguyễn Hiền chia sẻ trên sân khấu. Trong chương trình Paris By Night 95 thu hình cuối năm 2008, ông có thể được nhìn thấy đang ngồi dưới sân khấu khi Thế Sơn thể hiện một trong những ca khúc của ông, Đời Tôi Chỉ Một Người.

Sau đó, ông sống lặng lẽ với một người anh em kết nghĩa tên Nghĩa cho đến khi hai người lần lượt qua đời vào ngày 12 và 13 tháng 12 năm 2013 tại San Francisco, riêng nhạc sĩ qua đời chỉ vài tuần trước ngày sinh nhật thứ 82 của ông do bệnh ung thư phổi và gan.

Di sản để lại[]

Nhạc sĩ Huỳnh Anh đã để lại cho hậu thế ít nhất hơn 30 ca khúc, nổi tiếng nhất trong số đó là Mưa Rừng đã được nghệ sĩ Thanh Nga và sau này là nữ ca sĩ Như Quỳnh thể hiện thành công, ngoài ra còn có Kiếp Cầm Ca, Biết Nói Gì Đây, Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo TímRừng Lá Thay Chưa.

  • Biển Đêm
  • Biết Nói Gì Đây
  • Buổi Chiều Lá Rụng
  • Có Một Chiều (Huỳnh Anh - Huỳnh Hiếu)
  • Đám Cưới Người ta
  • Đàn Trong Đêm Vắng
  • Đêm Mộng
  • Đời Tôi Chỉ Một Người
  • Em Gắng Chờ
  • Gió Núi Mưa Rừng (Mưa Rừng 2)
  • Gửi Về Bên Ấy (thơ: Trần Quốc Lịch)
  • Hoa Trắng Thôi Cài Trên Áo Tím (thơ: Kiên Giang)
  • Huyền Sử Ca
  • Khung Trời Tưởng Nhớ
  • Kiếp Cầm Ca
  • Lá Úa Chiều Thu
  • Lạnh Trọn Đêm Mưa
  • Loan Mắt Nhung
  • Men Rượu Ly Bôi
  • Mùa Thu Không Còn Nữa
  • Mưa Rừng
  • Mừng Nắng Xuân Về
  • Một Ngày Xa Lắm (thơ: Thanh Nga)
  • Ngày Đó Em Đi (lời: Hùng Cường)
  • Những Bước Chân Hoang
  • Nếu Anh Về (Huỳnh Anh - Y Vân)
  • Nếu Ta Đừng Quen Nhau
  • Phấn Lá Men Rừng
  • Rừng Lá Thay Chưa (thơ: Hoàng Ngọc Ẩn)
  • Sa Mạc Tuổi Trẻ
  • Thành Phố Sương Mù
  • Thuở Ấy Có Em
  • Tiếng Mẹ Ru Ngàn Đời
  • Tìm Đâu Phút Ban Đầu
  • Tình Chỉ Đẹp
  • Tình Muộn
  • Tình Yêu Đầu Đời

Các mối quan hệ[]

Nhạc sĩ Huỳnh Anh có mối quan hệ rất rộng với những nghệ sĩ cổ nhạc (vì cha ông là nghệ sĩ cổ nhạc rất nổi tiếng) và các nhà làm phim khi ông được họ mời viết nhạc phim cho những bộ phim của họ. Ngoài ra, ông có một mối tình đơn phương với nữ nghệ sĩ cải lương Thanh Nga và quen biết khá rõ gia đình của nữ nghệ sĩ này.

Xuất hiện trong Paris By Night 74 - Hoa Bướm Ngày Xưa[]

Xem những lần nhạc sĩ Huỳnh Anh được phỏng vấn trong chương trình PBN 74 tại đây.

Những lần nhạc của Huỳnh Anh được sử dụng trong các chương trình Paris By Night[]

Danh sách này không tính những ca khúc xuất hiện trong phần Bonus của các chương trình Paris By Night.

STT PBN số Tên phần trình diễn Ca sĩ thể hiện Ghi chú
1 3 Biết Nói Gì Đây Ngọc Hải Lần đầu tiên các tác phẩm của Huỳnh Anh được sử dụng trong các chương trình Paris By Night.
2 Thuở Ấy Có Em Anh Sơn
3 23 Biết Nói Gì Đây Ngọc Huệ, Don Hồ, Hằng Nga, Duy Hạnh, Lilian, Huỳnh Thi, Dalena Hai ca khúc là một phần của LK Lạnh Trọn Đêm Mưa.
4 Lạnh Trọn Đêm Mưa
5 39 Kiếp Cầm Ca Mỹ Huyền
6 42 Biết Nói Gì Đây Họa Mi
7 45 Nếu Ta Đừng Quen Nhau Bảo Ngọc
8 46 Lạnh Trọn Đêm Mưa Hoài Nam
9 59 Nếu Anh Về Bên Em Trúc Linh, Trúc Lam, Loan Châu
10 71 Thuở Ấy Có Em Trần Thái Hòa
11 74 Sa Mạc Tuổi Trẻ Nguyễn Hưng
12 Biết Nói Gì Đây Thế Sơn, Tâm Đoan
13 Mưa Rừng Như Quỳnh
14 Em Gắng Chờ Trần Thái Hòa
15 Nếu Ta Đừng Quen Nhau Phương Diễm Hạnh
16 Kiếp Cầm Ca Hồ Lệ Thu
17 Loan Mắt Nhung Thái Châu
18 Lạnh Trọn Đêm Mưa Minh Tuyết
19 85 Mừng Nắng Xuân Về Hợp ca Bài hát được thu âm trước và lồng với phần Finale của chương trình.
20 94 Tân cổ "Kiếp Cầm Ca" Phượng Liên, Phi Nhung Vọng cổ: Viễn Châu, Mặc Linh, Võ Thanh Phong
21 95 Đời Tôi Chỉ Một Người Thế Sơn
22 119 Biết Nói Gì Đây Ý Lan
23 120 Thuở Ấy Có Em Chế Linh
24 137 Kiếp Cầm Ca Hoàng Lan

Thư viện ảnh[]

Tô Văn Lai và nhạc sĩ Huỳnh Anh vào năm 1983Tô Văn Lai và nhạc sĩ Huỳnh Anh vào năm 1983Tô Văn Lai, Anh Bằng, Tuấn Khanh, Trường Sa, Huỳnh Anh và Lê Dinh vào năm 2008Tô Văn Lai, Anh Bằng, Tuấn Khanh, Trường Sa, Huỳnh Anh và Lê Dinh vào năm 2008

Thông tin bên lề[]

  • Nhạc sĩ Huỳnh Anh thích uống rượu Martell V.S.O.P. nhãn đỏ, và ông tiết lộ rằng ông chỉ hát sau khi đã uống một lượng rượu nhất định. Được biết, có một lần chính bản thân ông đã thể hiện ca khúc Thuở Ấy Có Em với một tay cầm micro và tay còn lại cầm chai rượu và diễn tả hình ảnh của một người say rượu.
  • Huỳnh Anh từng viết một ca khúc có tựa đề Đời Tôi Chỉ Một Người, tuy nhiên ông đã từng kết hôn tới hai lần và cả hai lần đều đi đến kết cục không mấy tốt đẹp.
  • Huỳnh Anh và Tùng Giang đều từng nổi danh tại miền Nam Việt Nam trước năm 1975 nhờ tài chơi trống, cả hai người đều có sáng tác trước và sau năm 1975, đều đã từng kết hôn hai lần và đều được trung tâm Thúy Nga mời tham gia chương trình viết về dòng nhạc của mình. Tuy nhiên, Huỳnh Anh có thể chơi trống trong chương trình vinh danh dòng nhạc của mình dù đã ở tuổi ngoài 70 nhưng Tùng Giang lại không thể vì tình trạng sức khỏe không cho phép.
  • Giống như hai nhạc sĩ Nguyễn Hiền và Song Ngọc, Huỳnh Anh cũng qua đời vào quý cuối cùng trong năm (Song Ngọc qua đời tháng 10 và Nguyễn Hiền qua đời tháng 12). Đặc biệt, ông qua đời vào đúng ngày thứ sáu ngày 13.

Chú thích[]

  1. ↑ 1,0 1,1 https://dongnhacvang.com/nhac-si-huynh-anh-trong-noi-nho-cua-van-nghe-si-viet-nam/

Từ khóa » Diễn Viên Huỳnh Anh Wikipedia