IDesign | /viết Một Tay/ Những Nữ Nghệ Sĩ Bị Lãng Quên

Genius has no gender.” – Eugenie – Vợ của Napoleon III. Thiên tài thì không phân biệt giới tính nhưng xã hội thì có. Vậy những nữ nghệ sĩ và tuyệt tác của họ đã ở đâu trong một chặng đường quá dài của lịch sử nghệ thuật?

Trong chặng đường phát triển của nghệ thuật, dấu ấn của phân biệt giới tính quá mức đậm nét, khối lượng đồ sộ tác phẩm được ghi nhận và đánh giá cao hầu hết thuộc về phái nam. Những nữ nghệ sĩ gần như vắng bóng trong bức tranh toàn cảnh của nghệ thuật thế giới.

Trong nhiều thế kỷ trước, việc xem trọng nam quyền đã ép buộc các nữ nghệ sĩ phải đối mặt với những trở ngại ngăn cản sự thành công và sự công nhận xứng đáng cho sự nghiệp nghệ thuật của họ. Đó là những hạn chế khi theo đuổi nền giáo dục nghệ thuật công bằng, sự thiếu hụt độc lập và tự do để theo đuổi đam mê, những định kiến quái đản và lập dị khi thể hiện tài năng, thậm chí là sự chiếm đoạt quyền sở hữu các tác phẩm của chính họ.

Ngày nay những định kiến giới tính đã gần như bị dỡ bỏ, những nữ nghệ sĩ được công nhận xứng đáng với những giá trị họ đem lại. Chúng ta biết đến nhiều hơn một Frida Kahlo mạnh mẽ và u buồn, một Yayoi Kusama sắc màu và trừu tượng, một Georgia O’Keefe sâu kín và tính dục,… Trong bảng xếp hạng 100 bức tranh đắt giá nhất thế giới theo Wikipedia cập nhật năm 2021 đã có sự xuất hiện 1 tác phẩm của nghệ sĩ nữ.

Thiên tài không phân biệt giới tính, vậy những nữ nghệ sĩ khác và những tuyệt tác của họ đã ở đâu trong một chặng đường quá dài của lịch sử nghệ thuật?

Dưới đây là danh sách 11 nữ nghệ sĩ tuyệt vời và những tác phẩm xuất sắc, chủ yếu thuộc về nghệ thuật phương Tây cổ điển. Là một tập hợp dựa trên niềm yêu thích cá nhân nhưng tôi đảm bảo việc lựa chọn đã được cân nhắc kĩ lưỡng và cẩn trọng.

1. Sofonisba Anguissola (1532 -1625): thành công và danh tiếng

Sofonisba Anguissola là một thần đồng nghệ thuật người Ý, là nữ nghệ sĩ đầu tiên của thời kỳ Phục Hưng đạt được danh tiếng và thành công trong suốt cuộc đời. Tài năng của Sofonisba được đánh giá cao bởi những danh họa như Michelangelo, Vasari và Van Dyck. Sofonisba Anguissola đã phục vụ cho hoàng gia Tây Ban Nha, thời Philip II, thậm chí trở thành người dạy vẽ cho nữ hoàng Elizabeth of Valois.

May mắn sinh trưởng trong gia đình có tư tưởng giáo dục tiến bộ, Sofonisba được tự do học tập và theo đuổi nghệ thuật. Sofonisba được săn đón đặc biệt với tư cách là một họa sĩ vẽ chân dung bởi tài năng thiên bẩm trong việc khắc họa được những nét tính cách, phong thái của chủ thể một cách sống động và chân thực.

Self – Portrait (năm1556)

Giữa hàng loạt những tác phẩm chân dung tự họa hay các nhân vật của hoàng gia Tây Ban Nha, tôi ấn tượng hơn cả với nét nghiêm nghị, sáng trong của chân dung một môn đồ vô danh mà Sofonisba vẽ năm 1556. Màu nền tăm tối làm nổi bật rõ nét chủ thể, nhiều sắc độ của màu trắng càng in rõ sự tinh sạch và nét non nớt của vị môn đồ trẻ tuổi.

Portrait of a monk (năm 1556)

2. Artemisia Gentileschi (1563 – 1639): táo bạo và đầy giận dữ

Artemisia Gentileschi là một trong những người nữ hiếm hoi trong lịch sử nghệ thuật thành công trong xã hội đầy rẫy những định kiến giới tính, khiến cả giới hội họa đều phải dè chừng trước sự táo bạo và đầy giận dữ trong những tác phẩm của mình.

Tuy xuất thân là con gái của danh họa Orazio, dù được truyền thụ về hội họa nhưng việc học về vẽ khỏa thân vẫn bị ngăn cấm và không được công khai, Artemisia trong các tác phẩm của mình vẫn xây dựng được những nhân vật rất chuẩn xác và vô cùng sống động. Đi kèm với đó là lối sử dụng ánh sáng kịch tính, cùng góc nhìn từ trên cao đã đưa Artemisia Gentileschi trở thành một trong những đại diện đầu tiên của nữ quyền trong nghệ thuật.

Judith with the head of the Holofernes

Họa phẩm “Judith Beheading Holofernes“ (1612 – 1621) là một tiêu biểu mạnh mẽ cho sự táo bạo và thách thức của Artemisia. Sự căm phẫn và tàn bạo tung tóe khắp tác phẩm. Ánh sáng tập trung, góc độ từ trên cao “đặc trưng” của Artemisia càng gia tăng tính bạo lực và máu me cho buổi hành quyết. Sự chống đối áp bức nam quyền mạnh mẽ đến mức rùng mình!

Judith Beheading Holofernes (1612 – 1621)

3. Giovanna Garzoni (1600 – 1670): sống động và ngẫu nhiên

Giovanna Garzoni là một trong những nghệ sĩ thực vật người Ý xuất sắc nhất của thế kỷ 17, người có những bức tranh tinh tế tuyệt vời, pha trộn của tính chuẩn xác của minh họa khoa học và tính thẩm mỹ của hội họa.

Phong cách vẽ tranh tĩnh vật của Giovanna đặc trưng bởi màu sắc rực rỡ; các dạng hoa và quả thường được tạo nên một cách tỉ mỉ bằng những chấm sơn nhỏ và nhờ một kỹ thuật chính xác đến mức có thể truyền tải sự nhạy cảm tuyệt đối với các sắc thái của kết cấu và hình thức. Các bức tranh thường mang tính trang trí mạnh mẽ và có sự kết hợp hấp dẫn giữa động thực vật bản địa cùng với những bổ sung kỳ lạ ám chỉ sự giàu có và kỹ năng làm vườn của những người bảo trợ Medici.

Chinese Vase with Tulips, Anemones and Jonquils, with a Fig and a Fava Bean (1650 – 1655)

“Plate with Cherries, a Bean Pod and a Bee” (1655 – 1662) là một tác phẩm thú vị, sắc màu tươi và sáng hơn thực tế làm tăng sức hấp dẫn cho vật thể. Chùm anh đào đỏ căng mọng và gọn ghẽ tương phản nhẹ nhàng với những chi tiết xung quanh như lá, đậu hoa và ong có sắc thái lạnh và ngẫu hứng.

Plate with Cherries, a Bean Pod and a Bee (1655 – 1662)

4. Michaelia Wautier (1614 – 1689): nữ vương của nghệ thuật Baroque

Có rất ít tư liệu về cuộc đời nhưng các học giả tin rằng Michaelia Wautier sinh ra ở Mons, Bỉ, có thể xuất thân từ một gia đình thượng lưu vì tác phẩm tiết lộ kiến ​​thức sâu rộng về thần thoại cổ điển và chủ nghĩa tượng trưng. Nếu bỏ qua khía cạnh giới tính, các tác phẩm của Michaelia được đánh giá ngang bằng và cùng hơi thở với các nam nghệ sĩ vĩ đại cùng thời ở thế kỷ 17 như Peter Paul Rubens và Anthony van Dyck.

Michaelina Wautier khác thường về nhiều mặt và sở hữu những đặc quyền mà những họa sĩ nữ cùng thời không có là tiếp cận trực tiếp với người mẫu. Là một nữ họa sĩ nổi bật ở thế kỷ 17, với phạm vi danh tiếng cực kỳ rộng, phong cách cá nhân của riêng mình, không bó buộc vào chủ đề tĩnh vật mà trải dài nhiều chủ đề khác nhau với khả năng xử lý điêu luyện các tác phẩm có độ phức tạp cao.

Self – portrait ( năm 1649)

Michaelina Wautier là tất cả những gì mà hầu hết phụ nữ thời đó không thể có được: đa diện, phong cách riêng, không bị gò bó. Cô ấy là một người phụ nữ hấp dẫn, tự tin, có tài năng, không phải là nạn nhân, mà là người được đào tạo và sử dụng tài năng của mình để tạo ra những tác phẩm mà cô ấy muốn làm, chứ không phải những tác phẩm bị áp đặt bởi xung quanh.”

Van der Stighelen bày tỏ sự ngưỡng mộ trong cuộc phỏng vấn với Vancutsem của Timeless Travel
Everyone his Fancy (năm 1655)

Với nữ họa sĩ này thật sự khó khăn cho tôi khi phải chọn một tác phẩm để nhắc đến, bởi tất cả đều quá xuất sắc. Sự chân thực tinh tế, ánh sáng mềm nhẹ, màu sắc biểu cảm, gợi tả vật thể hay chủ thể không quá sống động, giàu tính hình tượng nhưng đem lại cảm xúc thực đến khó tin!

5. Rachel Ruysch (1664 – 1750): sự chân thực tinh tế

Racheal Ruysch sinh ra ở Amsterdam trong một gia đình giàu có, trí thức và nghệ thuật. Giống như nhiều nghệ sĩ nữ của Thời kỳ Hoàng kim Hà Lan, bất lợi và thiệt thòi khi không thể tham dự những lớp vẽ khỏa thân ở các học viện mĩ thuật, Ruysch bị giới hạn trong chủ đề tĩnh vật. Nhưng với kỹ năng điêu luyện và tinh tế, Ruysch đã trở thành người tiên phong hàng đầu về vẽ hoa của Hà Lan. Các tác phẩm có độ tinh xảo đến từng chi tiết, ẩn chứa cả một thế giới bí ẩn và thú vị.

Ngày nay các tuyệt tác của Rachel gần như bị lãng quên, mặc dù thực tế là tranh của nữ nghệ thường được bán với giá cao hơn tác phẩm của Rembrandt – một nam họa sĩ xuất chúng của Hà Lan. lex Bell, người đứng đầu bộ sưu tập tranh Sotheby’s Old Master đã phản ánh sự vĩ đại trong sự nghiệp của bà và tôn vinh Rachel Ruysch là “Nữ họa sĩ tĩnh vật quan trọng nhất trong nghệ thuật phương Tây.”

Still Life with Flowers and Fruit (năm 1703)

Các tác phẩm của Rachel luôn ngập tràn chi tiết, “Flowers in a Glass Vase” (năm 1704) là một mình chứng điển hình. Sự bung tỏa quá độ của hoa với sắc màu rực rỡ tạo cảm giác choáng ngợp về sự xa hoa nhưng đồng thời cũng báo hiệu dấu phai tàn sắp đến gần. Và quan sát kỹ thêm một chút bạn có thể phát hiện ra những con côn trùng nhỏ lẩn khuất đâu đó đấy!

Flowers in a Glass Vase (năm 1704)

6. Marie – Gabrielle Capet (1761 – 1818): thành công chóng vánh

Marie-Gabrielle Capet sinh ra ở Lyon, là nữ nghệ sĩ xuất thân khiêm tốn, cả cha và mẹ đều là người hầu. Marie-Gabrielle đã thể hiện khả năng nghệ thuật đáng kể từ khi còn rất trẻ. Ở tuổi 19, Marie-Gabrielle đã đến Paris với tư cách là một nghệ sĩ vẽ tranh tài năng, thu hút sự chú ý của một trong những người phụ nữ vĩ đại của hội họa Pháp, Adélaïde Labille-Guiard. Bất chấp tài năng và sự hỗ trợ vững chắc thì sự thành công của Marie – Gabrielle Capet lại kết thúc khá chóng vánh.

Rõ ràng Marie-Gabrielle đã đi một chặng đường dài và khá nhanh. Bức chân dung tự họa năm 22 tuổi toát nên sự tự tin nổi bật, thể hiện kỹ năng sử dụng sơn dầu cũng như phấn tiên tuyệt hảo mà nữ nghệ sĩ yêu thích. Bức tranh này đã khiến tạp chí “Journal de Paris” mô tả Marie – Gabrielle Capet như một nghệ sĩ “trong số những nữ nghệ sĩ điêu luyện, có nét vẽ chắc chắn nhất”

7. Helene Schjerfbeck (1862 – 1946): ám ảnh bệnh tật

Helene Schjerfbeck là một trong những họa sĩ nổi tiếng ở quê hương Phần Lan của mình nhưng lại ít được biết đến ở ngoài thế giới. Schjerfbeck là người độc thân, đầy tham vọng, có xu hướng sống ẩn dật nhưng là một người ăn mặc sang trọng với sở thích thời trang. Những người trầm lặng trong căn phòng im lặng, suy nghĩ của họ gần như bị bỏ qua: đó là chủ đề suốt đời của Helene – một người phụ nữ với đôi mắt u ám, chứa đựng những cảm xúc riêng tư và đối diện với những ám ảnh sâu sắc về bệnh tật.

Với Helene, vẽ chính là hơi thở: “Khi bạn cho một đứa trẻ một cây bút chì, bạn đã cho nó cả một thế giới.”.

The Convalescent (năm1888)

Những bức chân dung tự họa phảng phất một nỗi u buồn rõ rệt là thành tựu phi thường nhất của Helene trong suốt cuộc đời của mình. Những tác phẩm tịnh tiến về hướng tối giản theo thời gian, bắt đầu bằng những nét màu đầy đủ và kết thúc bằng những đường nét vội vã và có phần thô bạo.

8. Berthe Morisot (1841 – 1895): lớp phủ mờ của tính nữ

Berthe Morisot chính là nữ họa sĩ người Pháp đầu tiên ghi dấu giai đoạn hội họa Ấn tượng. Như những bé gái trong những gia đình giàu có khác, bà được theo học mỹ thuật với gia sư là họa sĩ người Pháp, Joseph Guichard. Nữ họa sĩ có phong cách nữ tính đậm nét bởi đặc trưng của những tác phẩm là sử dụng bảng màu trung tính và lối vẽ phóng khoáng với những nét cọ mềm mại, không gò bó. Berthe ưa chuộng gam màu trắng cho tác phẩm, tạo hiệu ứng như một lớp phủ mờ sương cho toàn bộ tác phẩm. Tính nữ được thể hiện trọn vẹn và nhẹ nhàng trái ngược hoàn toàn với Artemisia đầy táo bạo và nữ quyền vượt trội.

Tuy được công nhận là một trong những cánh chim đầu đàn của trường phái Ấn tượng và là một trong những nghệ sĩ xuất sắc mọi thời đại nhưng thực sự những tác phẩm của Berthe Morisot không có sức phổ biến rộng rãi.

Reading (năm 1888)

“Baigneuse” (năm 1891) là tác phẩm gây ấn tượng với tôi bằng hình ảnh một bé gái hồn nhiên ở trung tâm, khung cảnh với sắc xanh yên bình gợi cảm giác an toàn. Nét vẽ uyển chuyển, không khắc họa rõ nét hình dạng, có chút mờ nhòe pha lẫn sự lung linh nhỏ nhẹ của ánh sáng khi phản chiếu trên bề mặt nước.

Baigneuse (năm 1891)

9. Paula Modersohn – Becker (1876 – 1907): chân dung khỏa thân biểu cảm

Paula Modersohn – Becker là một nữ họa sĩ người Đức được biết đến nhiều nhất với những bức chân dung khỏa thân biểu cảm và những bức phong cảnh đầy tâm trạng. Được vẽ bằng màu sắc phong phú và nét cọ thô ráp, các tác phẩm Paula ẩn chứa một chút bí ẩn.

Modersohn-Becker lần đầu tiên bước chân vào lĩnh vực hội họa sau khi đến thăm Kunsthalle Bremen năm 1893. Trải nghiệm này đã khiến Paula tìm kiếm sự hướng dẫn riêng tại Liên minh các nữ nghệ sĩ Berlin vào năm 1896. Paula từ chối sự thống trị của các học viện nghệ thuật và tư tưởng gia trưởng thời bấy giờ, nữ nghệ sĩ thường vẽ khỏa thân cho mình và những người phụ nữ khác.

Tuy có cuộc sống ngắn ngủi những sức sáng tạo của nữ nghệ sĩ vô cùng sung mãn, không gì ngăn cản Paula dấn thân vào con đường nghệ thuật.

Self – Portrait (năm 1906)

Tác phẩm chân dung tự họa nhân kỷ niệm hôn nhân của Paula Modersohn – Becker năm 1906 thực sự khác thường. Màu sắc khá dịu dàng và không có chút kịch tính nào. Đường nét tinh giản, nét cọ thô cũng không làm giảm đi sự nhẹ nhàng, tinh tế của tác phẩm. Nhìn vào họa phẩm này ai có thể ngờ đây là một người phụ nữ quyết đoán đến mức rời xa chồng chỉ để cống hiến hết mình cho nghệ thuật!

10. Nalini Malani (1946): tổ hợp văn hóa Ấn Độ

Nalini Malani là nữ nghệ sĩ đương đại người Ấn Độ. Các nhân vật Nalini miêu tả là những khối nhấp nhô, các cơ thể được tiếp cận một cách hữu hình, sử dụng các nét vẽ kỳ dị, thể hiện chuỗi các vật thể chuyển động trong một không gian trung tính. Vẽ và hội họa luôn là nền tảng trong công việc của Nalini Malani, nhưng ngoài ra nữ nghệ sĩ cũng bắt đầu đa dạng hóa các phương tiện và kỹ thuật trong suốt những năm 90.

Tales of Good and Evil (năm 2008)

Thành thật mà nói các tác phẩm của Nalini hoàn toàn không thu hút tôi về mặt thị giác từ ban đầu và thậm chí đến bây giờ khi đã quan sát rất nhiều lần. Đó là một thế giới quá mức hỗn loạn với nhân vật nữ là trung tâm, bao quanh là những vật thể hay biểu tượng quá mức trừu tượng và chuyển đông liên tục. Tâm trí tôi liên tục bị đứt đoạn và phát ra những tín hiệu không mấy thỏa mãn. Tuy nhiên, tôi lờ mờ cảm nhận có rất nhiều tầng ý nghĩa ẩn giấu, là tổ hợp của những sử thi truyền thống và hơi thở đương đại của Ấn Độ. Nó quá sức để hiểu nhưng đủ thú vị để tôi quyết định đưa Nalini Malani vào danh sách của mình.

Remembering Mad Meg (2007 – 2011)

11. Belkis Ayón (1967 – 1999): sự bí ẩn ngắn ngủi

Belkis Ayón là người đi tiên phong trong kỹ thuật in và cắt dán quy mô lớn, một kỹ thuật phức tạp, tốn nhiều công sức sử dụng các tấm bìa cứng được cắt dán phức tạp. Các tác phẩm đen, trắng và xám chiếm phần lớn giúp nổi bật làm tăng độ kịch tính trong bản in. Nữ nghệ sĩ đã sử dụng nhiều loại vật liệu khác nhau trên mỗi bề mặt in, hoặc ma trận như giấy mềm, bìa cứng, giấy nhám, vỏ rau củ, sơn acrylic… Tô lên các phần của ma trận để tạo ra các bề mặt nhô cao và chạm khắc vào các khu vực khác, tạo rãnh để bẫy mực. Sau đó chạy ma trận và giấy thông qua một máy in quay tay.

Belkis nổi lên trong thế giới nghệ thuật đương đại vào những năm 1990, thời kỳ nghèo đói khủng khiếp ở Cuba sau khi Liên Xô sụp đổ. Các tác phẩm sáng tạo, nhiều mảng của Belkis mạnh dạn khai thác thần thoại Abakuá thông qua lăng kính nữ quyền rõ ràng và đưa ra những bình luận kín đáo về chính trị và văn hóa Cuba đương đại.

La familia (năm 1991)

Tôi không có kiến thức về Hiệp hội bí mật Abakuá, các mật mã, biểu tượng cũng như các truyền thuyết mà Ayón chọn lựa làm chủ đề cho tác phẩm, những điều đó quá khó để thực sự thấu hiểu sâu sắc. Các tác phẩm của nữ nghệ sĩ cung cấp cho tôi cảm giác mơ hồ về tính người, sự nguyên bản trần trụi và đầy ắp sự tâm linh thần bí. Tựa như nhiều phân cảnh đứt đoạn của một bộ phim câm khó hiểu với những hình tượng kỳ dị.

La consagración (năm 1991)

Một danh sách với 11 nữ nghệ sĩ hoàn toàn là chưa đủ và khá bất công với những nữ nghệ sĩ khác. Nhưng ít nhất có thể giúp cho bạn phá bỏ đi định kiến mơ hồ rằng số lượng nghệ sĩ thuộc giới tính nữ là rất ít ỏi. Thực sự quá bất công cho các nữ nghệ sĩ đã sống và thực hiện hoạt động sáng tạo nhưng bị lãng quên một cách vô tình hay cố ý trong tiến trình phát triển của nghệ thuật thế giới.

Bảng danh sách mới chỉ tạm dừng ở con số 11 và chính bạn có hứng thú để điền tiếp nó?

Thực hiện: Y.inkNguồn: Tổng hợp

Từ khóa » Họa Sĩ Nữ Nổi Tiếng Thế Giới