Ikebana (Hoa đạo) - Nghệ Thuật Cắm Hoa đặc Sắc Của Nhật Bản

Ikebana – “Hoa đạo” (còn được gọi là “Kado”), là một trong những nghệ thuật cắm hoa đặc sắc nhất được người Nhật gìn giữ và phát huy. Đó không chỉ là hình thức cắm hoa thông thường mà còn là nghệ thuật tượng trưng cho sự khéo léo và tỉ mỉ. 

Theo nghệ thuật Ikebana, cắm hoa không chỉ hiểu đơn giản là hoa được cắm vào bình, mà người cắm hoa phải nắm được ý nghĩa của các loài hoa cũng như các vật dụng cắm kèm, bình hoa phải có màu sắc hài hòa với cách bài trí của phòng, bình cắm và không gian đặc thù. Cắm hoa phải làm nổi bật được ý nghĩa hài hòa tượng trưng cho thiên, địa, nhân.

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản xuất hiện cùng với sự truyền bá của Phật giáo từ Trung Quốc vào Nhật Bản thế kỷ VI. Thời đó người ta rất coi trọng nghi lễ dâng hoa lên những người đã khuất với mục đích an ủi và làm cho linh hồn của họ được siêu thoát. Việc làm này gắn liền với nghi lễ của Phật giáo Nhật Bản. Nó có tên gọi là “Kuge”. Vào cuối thế kỷ VII, phong tục Kuge trở nên phổ biến ở các đền thờ. Người ta cho rằng dâng lên những bông hoa với vẻ đẹp tuyệt vời là sự tôn kính và thể hiện lòng khao khát được tiếp dẫn tới thế giới tây phương cực lạc, miền đất tịnh độ mà Phật giáo giảng thuyết. Khi con người ta hướng về nguồn cội, tức hướng về nơi khởi nguyên của bản tính tự nhiên con người, thì đồng thời triết lý của tôn giáo này là hướng người Nhật cổ tới thiên nhiên, đưa vẻ đẹp của thiên nhiên vào trong không gian sống của mình và ý thức gìn giữ thiên nhiên. Đến thế kỷ X, khi phái Jodo của Phật giáo trở nên phổ biến thì Kuge bắt đầu đóng vai trò trang trí. Theo phái Jodo, thì cắm hoa là nghệ thuật mô tả trí tưởng tượng của con người. Lúc này cắm hoa đã mất đi ý nghĩa tôn giáo mà trở thành nghệ thuật trong sự bài trí. Vào thế kỷ XV, thời Muromachi, khi tướng quân Ashikaga Yoshimasa trị vì đất nước. Tất cả những ngôi nhà lớn nhỏ đều có Tokonoma hay những hốc tường để đặt các đồ mỹ nghệ, để cắm hoa. Ở thời kỳ này, các nhà sư là người mô phỏng trí tuệ và cảnh giới của mình về trí thức và nghệ thuật cắm hoa. Phá vỡ khoảng cách về tầng lớp trong nghệ thuật, khiến người dân thường cũng có thể thưởng thức và thực hiện loại hình nghệ thuật này. Từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, khi các yếu tố của Tatebana trở nên thống nhất và được hệ thống hoá, Tatebana được phát triển thành dạng thức Rikka, một kiểu cắm hoa đứng. Phong cách cắm hoa Rikka, thể hiện vẻ tráng lệ của thiên nhiên, quy ước là hoa được cắm theo hình núi Sumeru, ngọn núi huyền thoại của thế giới nhà Phật mang ý nghĩa tượng trưng cho toàn vũ trụ.

Tiếp tục phát triển cho tới ngày nay, Ikebana đã mang theo một sức sống mãnh liệt và xuất sinh nhiều trường phái hay cách cắm khác nhau, tạo nên một bức tranh đa dạng về phong cách và ý tưởng nghệ thuật. Đồng thời mang theo sự đặc trưng cho nền văn hóa đậm sự tinh tế và thanh tao, có giá trị thưởng thức tuyệt vời này.

Như các loại hình nghệ thuật khác của “xứ Phù Tang”, Ikebana cũng được người Nhật gửi gắm vào đó những ý nghĩa nhất định. Người Nhật vô cùng yêu thiên nhiên và điều đó thể hiện trong các nét văn hóa của họ. Ở Nhật Bản, mỗi loài cây cỏ đều chứa đựng một ý nghĩa riêng biệt. Vậy nên người ta rất cẩn trọng và nghiêm ngặt trong việc lựa chọn nguyên vật liệu để cắm hoa. Ví như, cây thông mang ý nghĩa vĩnh hằng thường được sử dụng trong dịp năm mới. Vào mùng 3 tháng 3 hàng năm, những cành đào nở rộ được sử dụng cho Tết Búp bê. Tre dẻo dai tượng trưng cho sức trẻ trong khi những cành mai nở rộ là biểu tượng của tuổi già.

Ý nghĩa của Ikebana cũng được thể hiện qua bố cục cũng như màu sắc. Gió lớn ở Nhật Bản thường xảy ra vào tháng 3, vậy nên trong thời gian này, người ta hay cắm các nhánh cong để phản chiếu sự chuyển động của gió. Hoa trắng được sử dụng trong dịp tân gia, vì chúng tượng trưng cho nước, giúp chủ nhà thoái khỏi mọi đám cháy, trong khi ngược lại, hoa đỏ như lửa sẽ bị tránh đi.

Ikebana còn là sự giải trí nhẹ nhàng sau những chuỗi ngày lao động mệt mỏi. Kado giúp con người hoà điệu với thiên nhiên và tự khám phá bản thân mình. Nếu một lúc nào đó ta cảm thấy mệt mỏi hãy nghỉ ngơi và thư giãn, hãy nghĩ tới những bông hoa. Chính những bông hoa sẽ giúp ta trút bỏ mọi mệt mỏi, mặc sức hoà mình với thiên nhiên tươi đẹp. Lúc này, Ikebana trở thành một nghệ thuật đem lại cho con người sự thoải mái và vui vẻ. Con người trước thiên nhiên thật nhỏ bé, mọi bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật dường như tan biến mất. Ikebana có thể nhỏ bé, đơn giản mà tinh tế hoặc đồ sộ, nổi bật mà điệu đà nhưng nó đều là những tác phẩm mang ý nghĩa rất lớn, nó mang con người đến với thiên nhiên, thể hiện khát vọng vươn tới thiên nhiên, vươn tới cái đẹp. Khi ngắm nhìn những tác phẩm Ikebana, thật là thú vị nếu du khách cảm nhận được tình cảm, ý tứ của người nghệ nhân cắm hoa gửi gắm vào tác phẩm của mình.

Ikebana còn giúp cho ngôi nhà và môi trường xung quanh mỗi người trở nên tươi mát hơn, trong lành hơn chỉ bằng những bông hoa, những cành lá giản dị, mà không cần tới một khu vườn rộng lớn, tốn kém. Có một bình hoa trong nhà sẽ khiến cho ngôi nhà trở nên thoáng mát hơn đó chưa kể đến mùi hương quyến rũ mà những bông hoa đem lại. Ikebana còn tốt cho cơ thể và tâm hồn của con người. Ikebana được dùng trang trí trong nhà luôn luôn là những thách thức lớn. Chúng vừa phải lấp những khoảng trống sẵn có lại vừa thể hiện được chủ đề và tâm trạng mà người cắm muốn chia sẻ.

Đặc biệt, khi Ikebana trở thành một phần văn hóa Nhật Bản thông qua đạo Phật, nó mang thêm nhiều ý nghĩa triết học xuất phát từ tôn giáo. Người Nhật tin rằng nên chuyên chú và kiên nhẫn cắm hoa trong im lặng. Khía cạnh thiền định này giúp người cắm thấu hiểu cỏ hoa sâu sắc, sắp xếp bố cục đẹp đẽ và trên hết là gần gũi thiên nhiên hơn. Quan trọng là người cắm phải hiểu được cách chế tác các nguyên vật liệu để điểm tô thêm vẻ đẹp trời phú vốn dĩ của chúng. Những đóa hoa có thể được ngắt ra và gắn lại ở một vị trí tương thích hơn về mặt thẩm mỹ hoặc chăng, có thể bị cắt tỉa để làm nền cho những bông hoa khác. Những cành nhánh có thể được uốn cong hoặc duỗi thẳng cho những tạo hình phức tạp. Cả vật liệu khô và tươi đều được cắt hoặc sơn khi cần thiết để hài hòa bố cục.

Trong phong cách cắm hoa của người Nhật, họ không chỉ sử dụng đơn giản là một bông hoa, họ coi trọng cách xếp đặt, bố cục từ đó sử dụng cả cánh, cuống, lá. Người Nhật coi trọng hình thể của lá và hoa, cắm hoa nhưng không giết chết nó, cho nó một cái hồn và sự tăng trưởng tự nhiên của hoa lá nơi thiên nhiên. Một cái khéo của nghệ nhân cắm hoa Nhật bản là ngay cả khi chỉ có một loại hoa được sử dụng thì người cắm hoa cũng cố gắng để biến bình hoa đó thành một biểu tượng hoàn hảo của thiên nhiên.

Trong nghệ thuật cắm hoa của người Nhật, họ coi trọng vật liệu cắm và cách thức trang trí hay ý nghĩa trên vật dụng cắm. Nguyên tắc là ít khi dùng loại lá hay loại hoa đã nở hết tầm cỡ, bởi vì các hoa lá được cắm vào lúc nở rộ nhất sẽ mau héo tàn, rủ xuống, diễn tả sự suy tàn hay chấm dứt.

Các cành cây có lá lớn hay các bụi cây nhiều lá cũng không được dùng đến, mà nụ lá, nụ hoa được ưa thích hơn. Lý do của điều này là vì trong khi ở trạng thái nụ, vẻ đẹp của cành hoa không bị che khuất và trong khi dùng các nụ, người ngắm hoa có được niềm vui là ngắm nhìn chúng nở ra từ từ, chậm chạp, cành hoa nhiều nụ biểu tượng cho niềm hi vọng hay sức sống. Như vậy, nghệ thuật Ikebana phải mang theo ý nghĩa phát triển liên tục trong đời sống và phải diễn tả sinh lực của cuộc sống.

Nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản có nhiều trường phái và phong cách khác nhau nhưng vẫn theo một nguyên tắc cơ bản về một tam giác tỷ lệ, trong đó có các chủ thể tượng trưng cho Nhật – Nguyệt – Địa; hoặc cũng có thể là Thiên – Nhân – Địa. Việc lựa chọn chiếc bình cũng khá quan trọng, vì lượng nước và cách tiếp xúc với không khí của nó có thể ảnh hưởng đến bố cục tổng thể. Một số phong cách cắm hoa đặc biệt như:

Rikka là phong cách cắm hoa ra đời sớm nhất và vẫn được phổ biến cho đến ngày nay. Rikka có nghĩa là “cắm hoa thẳng đứng”, một phong cách phát triển từ thế kỷ XV dưới thời Muromachi. Rikka chính là khởi thủy của những gì làm nên Kado bây giờ.

Yêu cầu của kiểu cắm hoa này là bình dùng để cắm hoa phải cao và to, hoa cắm trong bình ở tư thế thẳng. Rikka thể hiện vẻ đẹp của tự nhiên. Một bình hoa Rikka luôn có 7 cành thể hiện cho đồi núi, thác nước, thung lũng và những sự vật khác trong tự nhiên.

Thiết kế của kiểu Rikka là rộng lớn, thanh tú và nổi bật. Sự sắp xếp cơ bản của 3 cành hoa tạo thành khung cho những cánh hoa. Những cành hoa này thường cân đối và to lớn về tỉ lệ. Một bình hoa Rikka trung bình có kích thước từ 3 đến 5 lần chiều cao hoặc chiều rộng của bình cắm. Một khi chiều dài của cành hoa chính đã được định, những cành hoa còn lại được cân đối theo tỉ lệ với cành chính đó. Một bình hoa Rikka cắm xong sẽ có dạng hình cầu với không gian rất lớn.

Shoka là phong cách thông dụng nhất trong nghệ thuật Ikebana. Nó có nghĩa là hoa sống. Xét về hình thức thì kiểu cắm hoa Shoka khá đơn giản nhưng để lột tả hết ý nghĩa của nó thì không phải ai cũng làm được. Một bình hoa Shoka đạt yêu cầu là sự hội tụ đủ 3 thành phần: Ten, Chi và Jin nghĩa là Trời, Đất và Con người.

Khi cắm, chiều cao và độ dài của các cành hoa phải thể hiện rõ vị trí của 3 yếu tố trên. Người ta dùng chiều cao của bình hoa làm chuẩn, nhành hoa cao nhất trong bình đại diện cho Thiên, chiều cao của nó bằng 3 lần chiều cao của bình hoa. Nhành hoa thứ 2 đại diện cho Nhân, cao chỉ bằng 2/3 nhành hoa Thiên và cành Địa thấp nhất, chỉ bằng 1/3. Một bình hoa được cắm theo đúng phong cách Shoka phải đáp ứng các quy tắc cân bằng nêu trên.

Shoka là phong cách cắm hoa được đơn giản hóa từ phong cách cắm theo kiểu thẳng đứng Rikka để phù hợp với nhiều tầng lớp dân chúng. Shoka thể hiện vẻ đẹp giản dị của tự nhiên bằng việc sử dụng ít cành lá nhưng thể hiện sự vươn lên hướng về mặt trời. Shoka theo thuyết Thiên – Địa – Nhân, trong đó có 3 cành chính với tên gọi là Shin – Soe – Tai, tượng trưng cho sự hòa hợp của Trời, Đất và Con người. Người Nhật thường dùng phong cách cắm hoa Shoka để trang trí nhà cửa trong những ngày đầu năm mới.

Phong cách Shoka nhấn mạnh đến sức sống, nguồn năng lượng đang phát triển. Những bình hoa được cắm theo phong cách Shoka thường được người Nhật bài trí ở hốc tường Tokonoma, nơi trang nghiêm nhất trong căn phòng. Bên cạnh bình hoa, tại Tokonoma còn có một bức tranh phong thủy hay một bức thư pháp. Cách trưng bày tối giản này thể hiện sự khéo léo và tinh tế cao độ. Theo quan niệm của người Nhật, vật trang trí không cần nhiều nhưng phải đảm bảo thứ tự sắp xếp hài hòa và đúng vị trí.

Moribara có nghĩa là “hoa chất đống” hoàn toàn khác với kiểu hoa thẳng đứng truyền thống. Moribana là phong cách cắm hoa trên những cái đĩa bẹt, kết hợp với hoa, cây, lá, quả và cả nước để sáng tạo nên những hình ảnh độc đáo, vừa cổ điển vừa hiện đại. Sự sáng tạo này đã dẫn đến việc hình thành nghệ thuật cắm hoa Ikebana hiện đại. Moribana – một dạng thức mới của Ikebana xuất hiện giữa sự kết hợp của phong cách cắm hoa truyền thống và phong cách phương Tây. Trong khi phong cách Rikka đã ra đời phát triển qua nhiều giai đoạn và có rất nhiều quy luật thì phong cách Moribana chỉ mới xuất hiện khoảng 100 năm và Moribana có thể dùng để trang trí trong những phòng theo phong cách phương Tây chứ không nhất thiết chỉ được đặt trong những hốc tường của những căn phòng xây theo phong cách Nhật Bản truyền thống.

Moribana đem đến một tình cảm hoàn toàn khác so với loại cắm hoa trước kia. Dùng một bình nông cho phép rải hoa về một bên, đó là một dạng thức mà hoa tưởng tượng dường như được cắm mãi dù chỉ là “chất đống” thay đổi từ sự nhấn mạnh vào đường nét của loại Ikebana trước đây, một cách cắm hoa trong không gian rộng lớn hơn và sâu hơn đã ra đời. Đặc điểm của phong cách Moribana là hình dáng tự nhiên với vô số những bông hoa tuyệt mỹ. Đối với truyền thống cắm hoa từ lâu đời, Moribana thực sự là bước đổi mới mạnh mẽ và được sử dụng nhiều trong việc trang trí phòng theo phong cách phương Tây. Phong cách Moribana mở ra con đường tự do cho nghệ thuật cắm hoa, tìm cách thu nhỏ lại một phong cảnh hay một mảnh vườn. Đó là phong cách cắm hoa có thể được thưởng thức ở bất kỳ đâu và thích hợp cho cả khung cảnh trang trọng lẫn thân tình.

Chabana gần gũi với triết lý Thiền nhất, đơn giản và không gò bó. Đối lập sâu sắc với tính nghi thức của phong cách Rikka, Chabana xuất hiện như một phong cách tự do của nghệ thuật Ikebana. Đây là một phong cách đơn giản chỉ với hoa và lọ. Toàn bộ ý tưởng là nhằm để nhấn mạnh vẻ đẹp tự nhiên của hoa. Gồm một hoặc hai bông hoa hoặc cành cây trong một bình hoặc một chậu nhỏ, phong cách Chabana đã trở thành nền tảng của một phong cách không có gì bỏ được gọi là “Nageire” (nghĩa đen là “quẳng vào”).

Phong cách Chabana sử dụng một bình hoa cao với rất ít vật liệu. Những loại hoa đơn giản, có màu sáng được coi là thích hợp. Phong cách này sử dụng những kỹ thuật tinh tế để tạo ra vẻ đẹp tự nhiên đơn giản mà nên thơ. Đặc điểm của phong cách Chabana là hoa không được cắm thẳng đứng mà được đặt vào lọ một cách rất tự nhiên. Vì vậy, lọ hoa phải cao, có miệng nhỏ, phong cách Chabana có thể sử dụng trong các phòng như một phần phụ thêm cần thiết không thể thiếu.

Ngày nay, nghệ thuật cắm hoa Nhật Bản cực kỳ phát triển với nhiều trường phái cắm hoa, những quy luật tuy có thể khác nhau về quan niệm, về ý tưởng, về phương pháp, nhưng tất cả đều tựu trung lại một điểm là tình yêu thiên nhiên được nâng lên thành nghệ thuật.

Với tình yêu và sự nâng niu lớn lao dành cho thiên nhiên của người Nhật, nghệ thuật cắm hoa đã trở thành một trong những nét văn hóa đặc trưng của Nhật Bản và rất được nhiều người quan tâm. Nếu du khách cũng có niềm đam mê với nghệ thuật Ikebana đặc sắc này, hãy du lịch Nhật Bản để có cơ hội khám phá và trải nghiệm nhé!

Post Views: 507

Từ khóa » Cắm Hoa Kiểu Ikebana