(INFOGRAPHIC) Warren Buffett: Tiểu Sử Cuộc đời & Sự Nghiệp
Warren Buffett là ai?
Warren Buffett – “Nhà tiên tri của Omaha” – là một doanh nhân, một nhà đầu tư người Mỹ nổi tiếng, được xếp hạng là người giàu thứ 3 thế giới với khối tài sản gần $90 tỷ.
Hiện nay, Buffett đang là Chủ tịch, CEO và cũng là cổ đông lớn nhất của công ty cổ phần đa quốc gia Berkshire Hathaway.
Không chỉ được biết đến là nhà đầu tư thành công nhất mọi thời đại, ông còn nổi tiếng là một người giản dị, hào phóng và có lối sống đặc biệt tiết kiệm, không giống như các tỷ phú khác.
Dưới đây là loạt infographic chi tiết về cuộc đời, sự nghiệp và những triết lý đầu tư của Warren Buffett…
Tiểu sử và cuộc đời Warren Buffett
Thời niên thiếu
Warren Buffett ra đời ngày 30/8/1930, sinh ra và lớn lên tại Omaha, Nebraska.
Ông là con thứ trong một gia đình có 3 chị em. Cha ông – Howard Buffett – là Nghị sĩ Mỹ phục vụ trong 4 nhiệm kỳ và cũng là một nhà môi giới chứng khoán.
Từ khi còn nhỏ, ông đã thể hiện sự khác biệt so với những người bạn đồng trang lứa.
Trong khi những đứa trẻ xung quanh chỉ thích chơi bóng trên phố thì ông lại dành thời gian để tiếp cận với phố Wall.
Một sự kiện được xem là khởi đầu cho mục tiêu lớn của ông là vào năm ông 10 tuổi.
Trong một lần tới thăm New York, Buffett được cha đưa đi ăn trưa cùng một giao dịch viên người Hà Lan.
Ông đã được tận mắt chứng kiến người phục vụ cuộn điếu xì gà với nhiều loại lá thuốc khác nhau, chọn theo ý muốn của vị giao dịch viên nọ.
Simplize - Phần mềm phân tích và định giá cổ phiếu chỉ trong 3 phút
Simplize sử dụng công nghệ Trí tuệ Nhân tạo (AI) để cung cấp cho người dùng các công cụ và thông tin cần thiết để định giá và phân tích chứng khoán một cách nhanh chóng và hiệu quả. Là một AI là một hệ thống thông minh có khả năng học hỏi và phân tích dữ liệu từ hàng trăm nguồn thông tin khác nhau, từ tin tức tài chính đến chỉ số thị trường, giúp bạn loại bỏ cảm xúc giao dịch và dự báo cổ phiếu tiềm năng.
Truy cập website: www.simplize.vnÔng đã rất ấn tượng với điếu xì gà được làm theo ý người hút này. Từ giây phút đó, Buffett đã quyết định sẽ dành cả đời để kiếm tiền.
Khoản đầu tư đầu tiên
Buffett được tiếp xúc với chứng khoán từ rất sớm. Ông đã mua những cổ phiếu đầu tiên từ năm 11 tuổi.
Khi đó Buffett đã mua 3 cổ phiếu của Cities Services Preferred với giá 38 USD/cổ phiếu.
Ngay sau đó, cổ phiếu này rớt giá nhanh chóng, gây hoang mang cho ông. Vì vậy ông đã bán đi ngay khi nó vừa tăng một chút, thu về một khoản lãi rất nhỏ.
Nhưng đáng tiếc là chỉ sau một thời gian ngắn, cổ phiếu của Cities Services Preferred tăng vọt lên tận 200 USD/ cổ phiếu.
Giá như ông không vội bán thì sẽ còn thu được lợi nhuận lớn hơn nhiều.
Cũng nhờ vậy mà Buffett đã rút ra bài học đầu tiên cho mình trong thị trường chứng khoán.
Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến các quyết định đầu tư của ông sau này.
Kinh doanh từ nhỏ
Bạn có thắc mắc cậu bé Buffett lấy tiền ở đâu để đầu tư lần đầu vào năm 11 tuổi?
Tất nhiên với người như Buffett, ông sẽ không xin tiền của cha mẹ hay bất cứ ai rồi.
Ông đã bắt đầu những việc kiếm ra tiền lặt vặt từ những năm 5-6 tuổi. Có thể chỉ đơn giản là bán kẹo, bán Coca, bán những đồ ông sưu tầm được,…
Qua rất nhiều việc đa dạng, ông đã có hơn 100 USD cho riêng mình ở tuổi 11.
Khi lớn hơn một chút, ông còn đi giao báo, rửa xe, thậm chí đầu tư vào cả đất nông nghiệp…
Đến khi lên phổ thông, Buffett đã cùng với một người bạn của mình – Don Danley – mua lại một chiếc máy Pinball để bắt đầu thực hiện một kế hoạch kinh doanh lớn hơn.
Họ đàm phán với một tiệm cắt tóc để đặt chiếc máy Pinball của họ tại đây, để những người đến cắt tóc chơi trong lúc chờ đợi.
Chiếc máy lập tức thu hút chú ý và mang lại lợi nhuận cho Buffett ngay ngày đầu tiên.
Chưa dừng lại ở đó, ông đã dùng lợi nhuận thu được từ chiếc máy để đầu tư thêm nhiều cái máy như vậy nữa và để ở các tiệm cắt tóc khu vực xung quanh nơi ông ở.
Sau 1 năm, Buffett đã bán lại mảng kinh doanh này với giá hơn 1,000 USD.
Cứ vậy, cho đến thời điểm tốt nghiệp trung học, Warren Buffett đã xây dựng cho mình được một gia tài trị giá 5,000 USD (tương đương 55,000 USD hiện nay).
Những quyết định trong việc học
Với việc tự kinh doanh từ bé, Buffett hình thành trong mình suy nghĩ việc học tiếp lên đại học sẽ chỉ “kìm hãm” công việc kiếm tiền của mình.
Vì vậy, dù được trường kinh doanh danh tiếng Wharton tại đại học Pennsylvania gửi lời mời nhập học, ông cũng không cảm thấy hứng thú lắm.
Nhưng cuối cùng, nhờ sự thuyết phục của cha mình, ông vẫn chấp nhận nhập học.
Tuy nhiên được một thời gian ông chuyển về học ở gần nhà tại trường đại học Nebraska và tốt nghiệp tại đây với bằng Cử nhân về Quản trị kinh doanh.
Mặc dù ông hoàn toàn có thể tiếp tục con đường kinh doanh của mình với khoản tiết kiệm đã tích góp được, nhưng ông lại lựa chọn tiếp tục việc học.
Bất ngờ trước việc bị từ chối bởi Harvard, Buffett không nhụt chí mà đã tiếp tục đến New York và đăng ký vào trường Columbia. Bởi ông biết Benjamin Graham đang giảng dạy tại đây.
Nói đến Benjamin Graham, đây là một người có tầm ảnh hưởng rất lớn đối với Warren Buffett.
Sau khi đọc cuốn “Nhà đầu tư thông minh” được viết bởi Graham, ông lập tức bị thu hút.
Triết lý “đầu tư giá trị” của cuốn sách được in sâu vào tiềm thức Buffett và nó cũng là chìa khóa thay đổi hoàn toàn cuộc đời ông.
Sự nghiệp khi trưởng thành
Tuy Buffett từng là học sinh xuất sắc nhất trong lớp mà Benjamin Graham giảng dạy, nhưng Graham lại từ chối nhận ông vào làm ở công ty của mình.
Vì vậy, sau khi lấy được bằng thạc sĩ, Buffett trở về Omaha và làm việc tại công ty chứng khoán Buffett-Falk & Co. của cha ông từ năm 1951 đến 1954.
Năm 1952, ông kết hôn với bà Susan Thompson và sinh được 3 người con là: Susan Alice, Howard Graham và Peter Andrew.
Sau này, lý do Buffett thay đổi công việc vào năm 1954 là vì Graham thay đổi ý định nên đã ngỏ ý mời Buffett đến công ty ông làm việc.
Vì vậy ông đến New York cùng với gia đình và làm việc tại công ty của Graham trong vòng 2 năm.
Đến năm 1956, Graham giải thể công ty để nghỉ hưu. Lúc này Buffett lại trở về quê hương và khởi nghiệp với khoản vốn 140,000 USD.
Ông điều hành công ty riêng của mình với tên Buffett Partnership Ltd.
Tính đến năm 1957, ông đã mua được một ngôi nhà với giá 31500 USD, cũng chính là ngôi nhà hiện tại ông đang ở.
Cho đến năm 1960, Buffett đã sở hữu 7 công ty.
Cũng nhờ lợi nhuận từ những công ty này, năm 1962 ông chính thức trở thành triệu phú.
Sau đó Buffett đã sáp nhập 7 công ty này lại và đầu tư vào một công ty dệt may có tên gọi là Berkshire Hathaway, bằng việc mua lượng cổ phiếu lớn đến mức có thể hoàn toàn kiểm soát công ty này.
Ban đầu ông đã áp dụng thuyết giá trị của Ben Graham, đến khi việc kinh doanh có tiến triển thì nó trở thành những khoản đầu tư dài hạn.
Lợi nhuận từ việc kinh doanh sản phẩm dệt may được dùng để đầu tư vào những khoản khác.
Cuối những năm 60, ông đã đổi công ty từ sản xuất dệt may sang kinh doanh bảo hiểm.
Năm 1967, Berkshire chi trả cổ tức đầu tiên và duy nhất của nó với giá 10 cent.
Năm 1969, Buffett thanh lý hợp tác và chuyển giao tài sản của mình cho các đối tác.
Những năm 80 được xem là giai đoạn bùng nổ trong sự nghiệp của Buffett.
Mức tài sản ròng của ông tính đến năm 1982 đã là 376 triệu USD, và nó thậm chí tăng gần gấp đôi, đạt 620 triệu USD chỉ sau 1 năm.
Dù đã trở thành tỷ phú ở tuổi 56, Buffett vẫn duy trì mức lương khiêm tốn 50,000 USD mỗi năm tại Berkshire Hathaway.
Năm 1988, Buffett đầu tư vào Coca-cola và nhanh chóng sở hữu 7% cổ phần của tập đoàn lớn này.
Sau 27 năm, khoản đầu tư này đã tăng gấp 16 lần, tương đương với mức lợi nhuận trung bình hàng năm khoảng 11%.
Buffett chính thức vượt Bill Gates và trở thành người giàu nhất thế giới vào năm 2008.
Mức tài sản ròng của ông lúc này đã được ước tính vào khoảng 62 tỷ USD.
Tuy nhiên vị trí này đã được Bill Gates lấy lại vào ngay năm tiếp theo, đẩy ông xuống vị trí thứ 2.
Quỹ “Cam kết cho đi”
Vốn là một tỷ phú, nhưng Buffett lại được biết đến với một đức tính tiết kiệm đáng nể.
Ông vẫn ở ngôi nhà cũ, không dùng điện thoại di động, thích dùng phương tiện công cộng và ăn đồ ăn nhanh.
Đặc biệt, ông thường xuyên làm từ thiện để giúp đỡ người khác.
Năm 2010, ông cùng Bill Gates lập ra một quỹ có tên “Cam kết cho đi”. Họ cùng quyết định sẽ tặng ít nhất một nửa tài sản của mình cho từ thiện khi lập ra quỹ này.
Năm 2016, Buffett đã dành tặng một lượng cổ phiếu trị giá gần 3 tỷ USD cho các tổ chức từ thiện. Tổng cộng ông đã cho đi hơn 28.5 tỷ USD.
Buffett đã được trao tặng Huân chương Tự do của Tổng thống Obama vào năm 2011.
Sau khi Trump Thắng cử Tổng thống vào tháng 11/2016, ông đã mua khoảng 12 tỷ USD cổ phiếu phổ thông.
Số lượng này còn nhiều hơn cả 200% lượng cổ phiếu công ty Berkshire Hathaway của Buffett mua trong 3 quý đầu tiên của 2016, với tổng trị giá 5.2 tỷ USD.
Triết lý đầu tư
Chắc hẳn không ít nhà đầu tư trên khắp thế giới đã được chỉ đường dẫn lối bởi các chiến lược và triết lý đầu tư của Warren Buffett.
Những triết lý sâu sắc của ông đã được đúc kết và lưu truyền rộng rãi, để giúp đỡ bất cứ nhà đầu tư giá trị nào.
Buffett nổi tiếng với 2 nguyên tắc quan trọng nhất của ông:
Nguyên tắc số 1 là: “Không bao giờ để mất tiền” còn nguyên tắc số 2 là: “Không bao giờ được quên nguyên tắc 1”.
Trong lá thư gửi cổ đông của Buffett năm 2004, có một đoạn ông viết: “Các nhà đầu tư nên nhớ: sự hưng phấn và các khoản chi phí là kẻ thù… Hãy nên sợ hãi khi kẻ khác tham lam và tham lam khi những kẻ khác sợ hãi”.
Buffett cũng đã từng khuyên các nhà đầu tư cần rất cẩn thận trong việc chuyển đầu tư thành đầu cơ.
Đầu cơ hẳn là sẽ rất thu hút bởi những khoản lợi nhuận khổng lồ có thể mang lại cho nhà đầu tư trong một thời gian ngắn.
Nhưng cái gì càng dễ dàng lại càng khiến người ta dễ mắc sai lầm hơn.
Ông đã rất khéo léo ví việc đầu cơ với câu chuyện cổ tích nàng Lọ Lem.
Khi các nhà đầu tư tiếp tục đầu cơ vào những công ty có mức giá cổ phiếu lớn so với mức lợi nhuận có thể đạt được trong tương lai, sớm muộn gì cũng sẽ như nàng Lọ Lem.
Vì nàng ở lại bữa tiệc quá lâu nên tất cả những hào nhoáng đã trở về y như vị trí ban đầu của nó trong tích tắc.
Chỉ còn lại bộ đồ rách rưới, quả bí ngô và những chú chuột.
Các nhà đầu cơ thường tin rằng mình sẽ có thể bán vừa đúng thời điểm, giống như việc Lọ Lem có thể tin rằng mình có thể rời buổi tiệc ngay vài giây trước khi đồng hồ điểm 12 giờ đêm vậy.
Nhưng mọi chuyện đâu có dễ dàng như thế.
Nàng mải mê khiêu vũ mà không để ý đến thời gian, vì vậy đúng đến khi tiếng chuông đồng hồ vang lên nàng mới vội vàng rời đi.
Liệu có bao nhiêu nhà đầu cơ có thể để ý từng chút một đến thời gian và “rời đi” đúng thời điểm?
Hay lại đến lúc giá cổ phiếu tụt dốc không phanh rồi mới hối hận không bán sớm hơn?
Theo Buffett, một công ty quan trọng hơn giá của chính nó.
Ông cho rằng việc mua được công ty tốt với mức giá vừa phải sẽ tốt hơn nhiều so với việc mua được công ty vừa phải với giá tốt.
Về mối quan hệ giữa giá và giá trị hàng hóa, Benjamin Graham đã từng nói với Buffett rằng “Giá là số tiền bạn phải trả, còn giá trị là thứ mà bạn có thể nhận được”.
Vì vậy dù là mặt hàng gì đi nữa, ông vẫn luôn muốn mua hàng hóa có chất lượng khi chúng giảm giá.
Đối với Buffett, một nhà đầu tư giỏi không nhất thiết phải là một thiên tài.
Ông từng nói rằng: “Đầu tư không phải một trò chơi mà một người với chỉ số IQ 160 thắng một người có chỉ số IQ 130”.
Để chứng minh cho điều này, ông đã đưa ra một ví dụ rất thuyết phục về nhà bác học Isaac Newton – người được cả thế giới biết đến là một thiên tài với các phát minh lịch sử.
Tuy nhiên, thiên tài Isaac Newton lại không hề giỏi trong lĩnh vực đầu tư.
Newton đã từng lỗ rất nặng khi đầu tư vào hãng vận tải South Sea.
Thất bại lớn trong đầu tư khiến ngài nhận ra, dù mình có giỏi tính toán chuyển động của các ngôi sao đến thế nào, thì cũng không thể lường trước được sự điên rồ của con người.
Đối với khoảng thời gian nắm giữ hợp lý, quan điểm của Buffett là: “Khi đang sở hữu cổ phần của những doanh nghiệp tuyệt vời với một bộ máy quản lý tài năng, tôi muốn nắm giữ những cổ phần đó mãi mãi”.
Buffett không thích sự thay đổi. Ông luôn đi theo hướng tìm lợi nhuận từ sự thiếu thay đổi, điển hình như trường hợp của kẹo cao su Wrigley, loại kẹo ít chịu ảnh hưởng tiêu cực từ internet.
Khi muốn mua một công ty, Buffett cho rằng thời điểm phù hợp nhất đó là khi một công ty tiềm năng đang gặp rắc rối tạm thời. Sẽ rất tuyệt nếu mua được những công ty đang nằm trên bàn phẫu thuật.
Buffett là người có niềm tin mãnh liệt về khả năng phục hồi sau khủng hoảng của thị trường chứng khoán. Ông tiếp tục đưa ra dẫn chứng rất cụ thể, về thị trường của những năm thế kỷ 20.
Khi đó nước Mỹ đã trải ra những sóng gió không nhỏ, điển hình là 2 cuộc chiến tranh thế giới, bên cạnh đó là những cuộc xung đột quân sự tốn kém.
Ngoài ra phải kể đến đại suy thoái, bao gồm hàng vô số những cuộc suy thoái và khủng hoảng tài chính; những cú sốc dầu lửa, dịch bệnh triền miên, tổng thống từ chức,…
Nhưng những điều này ảnh hưởng rất nhỏ đến thị trường chứng khoán. Chỉ số Dow vẫn tăng mạnh từ 66 lên đến tận 11,497 điểm.
Những thương vụ thành công và thất bại trong sự nghiệp
Thương vụ thành công
Là một nhà đầu tư huyền thoại, Warren Buffett đã gặt hái được rất nhiều thành công trong đầu tư.
Một trong những thương vụ được xem là thành công nhất của ông đó là việc mua cổ phiếu công ty bảo hiểm GEICO, cũng chính là công ty của Benjamin Graham – thần tượng của Buffett thời bấy giờ.
Khi biết người thầy đáng kính của mình là Chủ tịch của GEICO, Buffett đã bắt xe lửa từ New York tới tận Washington để tìm hiểu và may mắn gặp được Lorimer Davidson – một nhà điều hành của GEICO khi đó.
Cuộc trò chuyện không chỉ diễn ra trong 15 phút như đã tưởng tượng mà kéo dài đến 4 giờ đồng hồ.
Buffett đã hỏi rất kỹ lưỡng và tường tận những thông tin ông muốn biết về GEICO.
Bởi Buffett luôn muốn hiểu rõ về khoản đầu tư mà ông có thể xác định được giá trị nội tại của nó.
Nhờ đó mà ông có thể đánh giá chính xác hơn tình hình kinh doanh và triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp.
Về GEICO, đây là một công ty được thành lập năm 1936 tại Texas bởi Leo Goodwin.
Công ty chủ yếu bán bảo hiểm ô tô thông qua thư trực tiếp, không phải thông qua đại lý.
Thậm chí, GEICO chỉ nhắm đến đối tượng cụ thể là các nhân viên chính phủ, nhóm người có tỷ lệ đòi bồi thường thấp hơn mức trung bình.
Nhờ có hình thức này, biên lợi nhuận của công ty cao hơn gấp năm lần các công ty bảo hiểm khác.
Vì vậy, Buffett đã nhìn thấy tiềm năng rất hấp dẫn của khoản đầu tư này, với định giá rất đáng kể so với giá trị nội tại.
Sau chuyến gặp gỡ ấy, Buffett đã quyết định đầu tư vào GEICO với 65% tài sản mà ông có tại thời điểm đó, khoảng gần $20,000.
Đây là lần đầu tiên mà Buffett “bỏ trứng vào một giỏ”, trong khi những lần đầu tư trước ông đều phân bố đa dạng vào nhiều cổ phiếu.
Điều này chứng tỏ niềm tin mãnh liệt của Buffett vào GEICO lớn đến mức nào.
Tất nhiên, niềm tin của Buffett không hề đặt sai chỗ. Sau một năm, số vốn của ông tăng lên những 50%, ông đã bán ngay ở thời điểm đó – năm 1957.
Tuy không giữ cổ phiếu này quá lâu, nhưng có tỷ suất thu nhập lên đến 50% từ một cổ phiếu trong vòng 1 năm là một thành tích đáng kinh ngạc của Buffett.
Vì với những lần đầu tư trước, tỷ suất thu nhập hàng năm của ông cũng chỉ đạt đến tối đa gần 30%.
Buffett cho rằng thành công từ thương vụ GEICO chính là nhờ kiến thức mình thu thập được chứ không phải may rủi, từ đó góp phần hình thành một phần trong hệ thống chiến lược đầu tư sau này của Buffett.
Cũng chính bởi vậy mà GEICO trở thành một trong những cổ phiếu Buffett yêu thích nhất.
Nhưng vẫn có một chút đáng tiếc trong quyết định của Buffett đó là ông thậm chí còn có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn nữa nếu ông không bán ngay khi đó.
Sau khi bán không lâu, giá cổ phiếu GEICO vẫn tiếp tục tăng lên rất nhiều.
Cũng chính lúc này, Buffett nhận ra đầu tư dài hạn sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn.
Năm 1995, Buffett đã hoàn toàn sở hữu GEICO với số tiền $2.3 tỷ.
Không chỉ mình GEICO, có rất nhiều những thương vụ thành công khác gắn liền với tên tuổi Buffett.
Ông đã chứng minh rằng với đầu tư giá trị, mọi rủi ro đều có thể trở thành cơ hội khi mua cổ phiếu của công ty American Express ngay khi công ty này đang gặp một vụ bê bối lớn.
Nhưng cũng chính nhờ vậy, Buffett đã mua đúng đáy và thu về lợi nhuận gấp 10 lần sau gần 10 năm.
Một thương vụ không thể không nhắc đến đó là thương vụ tài trợ cho Tom Murphy – giám đốc Capital Cities và cũng là một nhà quản lý rất được lòng Buffett – mua lại công ty ABC.
Khoản đầu tư này sau đó không lâu trở thành một món hời khổng lồ khi Capital Cities/ABC được Disney mua lại với giá $19 tỷ năm 1995.
Thương vụ thất bại
Chẳng có nhà đầu tư nào mà không từng trải qua thất bại ít nhất một vài lần trong đời.
Điều này không có ngoại lệ, kể cả đối với Warren Buffett.
Mặc dù là một nhà đầu tư nổi tiếng với bao nhiêu thương vụ thành công trong lịch sử, nhưng không phải lúc nào Buffett cũng đưa ra quyết định đúng đắn.
Chính Buffett cũng không ít lần thừa nhận những sai lầm của mình. Và ông cho rằng một phần trong việc mua lại Berkshire Hathaway là thất bại lớn đầu tiên trong cuộc đời ông.
Vào thời điểm hiện tại, Berkshire Hathaway đã nằm trong top 3 những công ty niêm yết lớn nhất thế giới, được xếp hạng bởi tạp chí Forbes năm 2017.
Là một doanh nghiệp lớn với giá trị thị trường lên tới $400 tỷ, cùng với việc hoạt động trong đa dạng các lĩnh vực kinh doanh như bảo hiểm, ngân hàng, sản xuất, dịch vụ, bán lẻ,… chắc chẳng mấy ai tin rằng Berkshire Hathaway đã từng là một công ty nghèo nàn vào thời điểm mà Buffett mua lại.
Berkshire Hathaway là một công ty dệt may sợi ra đời năm 1955, do 2 nhà máy sợi Berkshire và Hathaway sát nhập tạo thành.
Công ty này đã từng được coi là một “ông lớn” trong ngành công nghiệp sợi với hơn 12 nghìn công nhân, 15 nhà máy, doanh thu hàng năm cũng phải trên dưới $120 triệu.
Tuy nhiên, chỉ trong vòng vài năm, viêc đóng cửa 7 nhà máy khiến cho hàng nghìn nhân viên bị sa thải và đẩy công ty vào giai đoạn khó khăn.
Dù vậy, Buffett tin rằng cổ phiếu của Berkshire Hathaway đã giảm xuống mức thấp hơn giá trị nội tại của nó.
Nên dù giá trị tổng thể của công ty giảm mạnh do ảnh hưởng của sự suy thoái ngành công nghiệp dệt sợi, ông vẫn mua cổ phiếu của Berkshire Hathaway, bắt đầu từ năm 1962.
Trong khoảng thời gian đó, ông cũng để ý thấy rằng mỗi khi đóng cửa hoặc thoái vốn một nhà máy, công ty lại mua lại cổ phiếu của các nhà đầu tư.
Chính Buffett cũng đã nhận được đề nghị bán lại cổ phần từ người quản lý – Seabury Stanton – trong một lần đến thăm Berkshire vào năm 1964.
Ban đầu, khi thỏa thuận về mức giá bán, Buffett đã đưa ra giá là $11.5 cho mỗi cổ phiếu.
Tuy nhiên, vài tuần sau đó ông lại nhận được mail của Stanton, là đề nghị mua với mức giá thấp hơn giá Buffett đưa ra $0.13 mỗi cổ phiếu.
Điều này vô tình khiến Buffett nổi giận, bị cảm xúc chi phối cho việc ra quyết định.
Ông bắt đầu mua nhiều cổ phiếu hơn để nắm quyền kiểm soát Berkshire Hathaway.
Và chỉ ngay sau khi quyền điều hành vào tay, ông đã lập tức sa thải Seabury Stanton.
Trong những năm đầu tiên khi mới bắt đầu điều hành công ty, Buffett vẫn duy trì hoạt động kinh doanh cốt lõi của Berkshire là về dệt may sợi.
Ngoài ra, từ năm 1967, ông bắt đầu mở rộng thêm các lĩnh vực kinh doanh khác.
Buffett liên tục mua các công ty ở các lĩnh cực khác nhau như bảo hiểm, tài chính, sản xuất, bán lẻ, dịch vụ,…
Có thể kể đến các doanh nghiệp nổi tiếng như công ty bán lẻ Nebraska Furniture Mart, See’s Candies, công ty Oriental Trading, chuỗi cửa hàng kem Dairy Queen, nhà sản xuất nội y Fruit of the Loom, hãng đường sắt Burlington Northern, hãng đầu tư Brazil 3G, hãng sản xuất sốt cà chua Heinz…
Ông chính thức dừng hoàn toàn các hoạt động dệt may vào năm 1985 và chuyển trụ sở về Omaha.
Trong suốt thời gian đó, Buffett vẫn luôn tìm kiếm cơ hội để có thể phát triển bộ phận dệt may.
Nhưng hầu như chẳng có cơ hội nào, ngành dệt may khi đó liên tục thua lỗ.
Đó là điều làm ông hối hận rất nhiều, vì đã dành quá nhiều thời gian vào một ngành không có tiềm năng.
Ngoài ra, ông cũng đã tìm được một người điều hành thay thế Seabury Stanton, đó là Ken Chase.
Ông đánh giá rất cao người cộng sự này ở tính trung thực, sự chăm chỉ và có năng lực quản lý.
Tuy nhiên cũng như ông, Ken Chase cũng không thể phát triển ngành dệt may thêm chút nào.
Vậy mà 2 người vẫn cùng nhau cố gắng hoạt động đến tận 20 năm. Ông thừa nhận đó cũng là một sai lầm của mình.
Sau thương vụ Berkshire Hathaway, Buffett vẫn tiếp tục gặp phải nhiều những sai lầm khác, ảnh hưởng không nhỏ đến ông.
Cụ thể có thể kể đến việc mua lại công ty dệt Waumbec, đây là một sai lầm gần như lặp lại với chính sai lầm ông gặp phải khi mua lại Berkshire.
Công ty đã đóng cửa chỉ sau một thời gian Buffett mua lại.
Bài học đầu tư lớn nhất ở đây là hãy học hỏi từ những sai lầm trước đó.
Khi đưa ra một quyết định đầu tư, nếu chiến lược ban đầu không thành công, hãy chuyển sang một chiến lược mới.
Bên cạnh đó, một sai lầm lớn khác mà Buffett gọi nó là “thương vụ tồi tệ nhất” hay “thảm họa tài chính trong lịch sử” đó là việc mua lại công ty giày Dexter bằng cổ phiếu của Berkshire.
Quyết định này đã khiến các nhà đầu tư mất $3.5 tỷ, tương đương 1.6% tổng giá trị tài sản của Berkshire Hathaway.
Warren Buffett Quotes: Những câu nói nổi tiếng của Warren Buffett
Suốt bao năm qua, Warren Buffett đã để lại nhiều những trích dẫn ý nghĩa đối với các nhà đầu tư.
Cùng điểm lại những trích dẫn được coi là “bất hủ” của Buffett, và cũng là “kim chỉ nam” hữu ích với mọi nhà đầu tư.
- “Nguyên tắc số 1: Không bao giờ để mất tiền; Nguyên tắc số 2: Không quên nguyên tắc số 1.”
- “Nguyên tắc để làm giàu: Hãy sợ hãi khi những người khác tham lam. Hãy tham lam khi những người khác sợ hãi.”
- ” Bạn không cần phải là một nhà khoa học xuất sắc. Đầu tư không phải là một trò chơi mà những người có IQ 160 có thể đánh bại những người có IQ 130.”
- “Sẽ là tốt hơn nhiều nếu mua được một công ty tuyệt vời với mức giá vừa phải so với việc mua một công ty vừa phải với một mức giá tuyệt vời.”
- “Phố Wall là nơi duy nhất mà những người đi xe Rolls-Royce xin lời khuyên từ những người đi tàu điện ngầm.”
- “Xem công việc bạn làm như thể đó là tài sản duy nhất của gia đình bạn, một thứ phải hoạt động cho 50 năm tới và không bao giờ được bán đi.”
- “Bạn nên giao thiệp với những người giỏi hơn bạn. Hãy chọn ra những cộng sự có cách hành xử tốt hơn bạn và rồi bạn cũng sẽ hành xử như họ.”
- “Dù bạn có tài năng hay nỗ lực đến mức nào đi nữa thì một số việc vẫn phải cần có thời gian. Bạn không thể sinh một em bé trong vòng một tháng bằng cách làm chín người phụ nữ mang thai.”
- “Chúng ta có thể nỗ lực để mất tiền, thậm chí rất nhiều tiền, nhưng chúng ta không thể để mất danh tiếng, thậm chí dù chỉ một chút thôi. Bạn có khi phải mất 20 năm để xây dựng danh tiếng nhưng chỉ cần 5 phút là có thể hủy hoại nó.”
- “Nếu là nhà đầu tư bạn hãy tập trung vào việc công ty đó sẽ hoạt động kinh doanh như thế nào. Nếu là nhà đầu cơ, bạn hãy quan tâm đến giá thị trường của nó, và đó không phải là cách làm hay cuộc chơi của chúng tôi.”
Ngoài ra vẫn còn rất nhiều những câu nói đầy triết lý khác mà bạn có thể tìm thấy ở bất cứ đâu, từ internet hay từ những cuốn sách hay nhất về Buffett, được GoValue gợi ý sau đây.
Những cuốn sách nổi tiếng về Warren Buffett
Về nhà đầu tư nổi tiếng mọi thời đại, đã có rất nhiều tác giả đã viết về Buffett, như một người truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ.
GoValue đã chọn ra những cuốn sách hay nhất về Warren Buffett, để bạn có thể hiểu rõ nhất về con người cũng như cách mà Buffett trở thành tỷ phú đáng kính trọng nhất.
- Warren Buffett – Quá Trình Hình Thành Một Nhà Tư Bản Mỹ (Roger Lowenstein)
Đây là cuốn sách được tỷ phú Bill Gates đánh giá là cuốn sách “đáng đọc nhất” về Warren Buffett.
Cuốn sách đã tổng hợp rất cụ thể về cuộc đời và triết lý đầu tư của Warren Buffett.
Đi từ những bước đầu, cậu bé Buffett đã trở thành nhà đầu tư vĩ đại nhất thế giới như thế nào?
Cuốn sách được xuất bản vào năm 1995, và đã xuất hiện trong danh sách bán chạy nhất trên nhiều tờ báo nổi tiếng như Wall Street Journal, New York Times, San Francisco Chronicle, Los Angeles Times, Seattle Times, Newsday và Business Week.
- Phương Pháp Đầu Tư Warren Buffett (Robert G. Hagstrom)
Cuốn sách đã chỉ ra rằng, trong số top 5 người giàu có nhất thế giới chỉ có duy nhất một người làm giàu nhờ khả năng thấu hiểu đầu tư.
Không ai khác mà chính là Warren Buffett.
Qua cuốn sách, bạn sẽ được biết cụ thể về tiểu sử và cuộc đời Buffett, cũng như những yếu tố hình thành các triết lý đầu tư và nguyên lý trong kinh doanh của ông.
Ngoài ra cuốn sách còn đưa ra những cách mà Buffett thường dùng để tránh những sai lầm trong đầu tư.
- Warren Buffett Đầu Tư Như Một Cô Gái (Lou J. Spaventa)
Bạn có thể cảm thấy tựa đề cuốn sách này có chút kỳ lạ, nhưng thực ra có một ẩn ý cụ thể trong cách đặt tên cho cuốn sách này.
Tác giả muốn nhắc đến những tính cách của phụ nữ mà thông thường đàn ông rất cần đến trong đầu tư.
Đó là sự tôn trọng lời hứa, sự chăm sóc, kỹ năng lập kế hoạch cụ thể,…
Nhờ cuốn sách, bạn sẽ thu nhận được những kiến thức, bản lĩnh và lối tư duy như những gì Warren Buffett đã tạo nên.
- Warren Buffett Làm Giàu (Robert P. Miles)
Trọng tâm của cuốn sách này chính là cách mà Buffett làm giàu.
Buffett đã tự mình tạo nên sự giàu có cho mình mà không cần đến bất cứ khoản thừa kế hay từ sự trợ giúp nào từ gia đình.
Tất cả những gì Buffett có được là nhờ khả năng của bản thân ông, nhờ sự nhanh nhạy và việc biết nắm bắt thời điểm.
Cũng nhờ đó, bạn cũng hoàn toàn có thể tạo nên sự giàu có cho bản thân mình.
Bottom line?
Cho đến ngày nay, Warren Buffett vẫn là một nhà đầu tư đại tài soi đường chỉ lối cho biết bao nhà đầu tư giá trị trên khắp thế giới.
Là một tỷ phú nhưng lối sống giản dị của ông khiến không ít người nể phục.
Một lời khuyên có giá trị mà Buffett cho rằng là điều quan trọng nhất dành cho tất cả mọi người, đó là: “Đầu tư vào bản thân là quan trọng nhất”.
Đúng vậy!
Dù bạn có đầu tư vào cái gì, quan trọng nhất vẫn là bản thân bạn. Đó sẽ là khoản đầu tư luôn thu lại lợi nhuận.
Hoàn thiện và phát triển bản thân là nền tảng để làm tất cả những việc khác.
Khi bạn có thể phát huy hết khả năng của mình, tất cả những việc bạn làm sẽ đem đến những thành quả xứng đáng.
Theo Buffett, bất cứ ai cũng có khả năng trở nên giàu có. Đừng chần chừ nữa mà hãy học hỏi và tìm cho mình một con đường đúng đắn ngay hôm nay!
Từ khóa » Tiểu Sử Warren Buffett
-
Warren Buffett Là Ai? Tiểu Sử, Sự Nghiệp & Khối Tài Sản Của Warren ...
-
【Warren Buffett Là Ai?】- Thời Niên Thiếu Và Sự Nghiệp đầy Rưc Rỡ
-
Warren Buffett Là Ai – Cuộc đời Và Sự Nghiệp Của “thiên Tài” đầu Tư ...
-
Tiểu Sử Warren Buffett: Nhà đầu Tư Huyền Thoại, Chủ Tịch Berkshire ...
-
Warren Buffett Là Ai? Học được Gì Từ Nguyên Tắc Làm Giàu Của ông ...
-
Warren Buffett Là Ai?
-
Warren Buffett Là Ai? Xem Chi Tiết Tiểu Sử Warren Buffett - Muarehon
-
Tiểu Sử Warren Buffett - : Thời Niên Thiếu, Sự Nghiệp & Thành Tựu
-
Tiểu Sử Và Sự Nghiệp Của ông Hoàng đầu Tư, Tỷ Phú Warren Buffett
-
Warren Buffett Là Ai? Tiểu Sử, Sự Nghiệp Nhà đầu Tư đại Tài
-
Warren Buffett Là Ai? Tiểu Sử Và Bí Quyết Làm Giàu Của ông
-
Tiểu Sử Warren Buffett: Huyền Thoại đầu Tư Của Thế Giới, Chủ Tịch ...
-
Tiểu Sử Warren Buffett