IPhone, Samsung… Rởm Bán đầy Trên Lazada, Shopee Giả

“Mờ mắt” bởi giá rẻ

Trên các trang nhái như “Lazada mua sắm”, điện thoại iPhone 11 Pro Max phiên bản quốc tế được rao bán khuyến mãi với giá 4,99 triệu đồng (giá gốc tại trang này là 16,49 triệu đồng). Sản phẩm nguyên hộp, phụ kiện đầy đủ, bảo hành 12 tháng, miễn phí đổi trả 14 ngày và chỉ dành cho 199 số điện thoại may mắn nhất.

Cũng với chiêu “chỉ dành cho 199 số điện thoại may mắn”, trên fanpage “Lazada Săn Sale Hè”, điện thoại Samsung Note 10 Plus được rao với giá 4,45 triệu đồng. Trên một trang khác là “Lazada Mall Center”, điện thoại iPhone 11 Pro Max có giá 4,99 triệu đồng và chỉ dành cho 89 khách hàng may mắn. Hàng loạt trang khác với tên “Shopee Sale Chào Hè”, “Shopee Sale Online”… chào bán các loại điện thoại đời mới với giá rất rẻ, ưu đãi có hạn và chỉ diễn ra trong ba ngày hay bảy ngày.

Tràn lan các trang nhái rao bán điện thoại dỏm trên mạng xã hội
Tràn lan các trang nhái rao bán điện thoại dỏm trên mạng xã hội

Chúng tôi để lại số điện thoại trong phần bình luận trên trang “Lazada Săn Sale Hè” và “Shopee Sale Online”, liền được người tự giới thiệu là nhân viên gọi đến, thông báo là khách hàng may mắn. Sản phẩm sẽ được giao trong 2-3 ngày tới. Thế nhưng, khi chúng tôi hỏi địa chỉ cửa hàng và hỏi có đúng điện thoại iPhone, Samsung chính hãng không, những người này cho hay chỉ bán online qua fanpage và cam kết “hàng chính hãng, bảo hành đầy đủ”.

Ngoài ra, ngay sau khi Tập đoàn Vingroup thông báo rút khỏi mảng sản xuất smartphone và ti vi, xuất hiện đầy rẫy những lời rao “mua điện thoại Vsmart hàng nội bộ giá rẻ” trên những trang này. Họ nêu lý do là, chỉ nhân viên của Vingroup mới được hưởng mức giá ưu đãi thông qua một website mua sắm nội bộ của tập đoàn. Rao mua nhưng thực chất là để bán. Nếu chấp nhận, người mua phải đặt cọc 100.000-200.000 đồng bằng thẻ nạp điện thoại vì “sản phẩm không có sẵn”. Rất nhiều người mua phản ánh, sau khi gửi mã thẻ cào, họ không thể liên lạc được với bên bán.

Không ít người mua phải điện thoại nhái, giả, kém chất lượng do nhầm tưởng các trang bán hàng trên là của Lazada, Shopee chính hiệu. Trong khi đó, các đối tượng lừa đảo lập fanpage giả mạo Lazada, Shopee liên tục chạy quảng cáo trên Facebook để “săn” khách.

Theo chia sẻ của một số nạn nhân, các đối tượng lừa đảo luôn tìm cách từ chối, né tránh việc giao dịch trực tiếp với người mua với lý do dịch bệnh; ai cần mua thì chuyển tiền trước, họ giao hàng qua đơn vị vận chuyển (shipper) hoặc chuyển cọc trước, nhận hàng, trả phần tiền còn lại. Thế nhưng, đa phần người mua bị lừa ngay khâu “đặt cọc bằng thẻ cào điện thoại”.

Lazada, Shopee biết nhưng chưa dẹp được

Sau khi tiếp nhận thông tin từ phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM về các trang bán hàng trên, phía Lazada và Shopee đã xác minh và khẳng định: những trang bán hàng này là giả mạo. Đại diện Công ty TNHH Shopee cho biết, sẽ làm việc trực tiếp với đơn vị vận hành mạng xã hội để khóa, gỡ bỏ các nội dung, tài khoản vi phạm, đồng thời phối hợp với cơ quan an ninh mạng cập nhật thông tin và có hướng xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm pháp luật trên môi trường mạng.

Đại diện sàn này cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên chủ động theo dõi tình trạng đơn hàng đã đặt được cập nhật theo thời gian thực trong mục “Đơn Mua” ở tài khoản Shopee của người dùng. Mặt khác, người mua cần kiểm tra, đối chiếu các thông tin trên bưu kiện được gửi đến với các thông tin trên đơn hàng đã đặt và từ chối nhận hàng nếu thông tin trên bưu kiện không có thực hoặc không khớp với đơn hàng đã đặt.

“Để tránh bị đối tượng mạo danh Shopee lừa, người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt được tích hợp ở sàn giao dịch Shopee như thanh toán bằng thẻ tín dụng, ví điện tử Airpay, hoặc internet banking thay vì thanh toán bằng tiền mặt (COD)” - đại diện Shopee khuyến nghị.

Bà Lưu Hạnh - Trưởng phòng Truyền thông Lazada - cũng cho biết, các cuộc gọi từ sàn này luôn hiển thị số thuê bao 02873031188 và tin nhắn sẽ có tên người gửi là LAZADA. Sau khi kết thúc cuộc trò chuyện giữa khách hàng với nhân viên chăm sóc khách hàng qua hộp chat hay điện thoại, Lazada sẽ luôn gửi email từ hộp thư CS_VN@care.lazada.com với nội dung đã trao đổi trong cuộc gọi. “Website và Facebook chính thức của Lazada luôn có dấu tick màu xanh. Những thông tin được gửi không thông qua bất kỳ kênh liên lạc chính thống nào của Lazada đều là giả mạo” - bà lưu ý.

Không chỉ mạo danh Lazada, Shopee, trước đó, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh Samsung bán điện thoại “xả kho, giá rẻ”, rao bán Galaxy Note 10 vừa ra mắt với giá từ 3,5-4,5 triệu đồng. Đại diện Samsung khẳng định: “Samsung không có chương trình nào cho Note 9. Sản phẩm này đã ngưng trưng bày từ lâu”.

Cơ quan chức năng thu giữ nhiều điện thoại iPhone, Samsung nhái

Đại diện Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, các cục QLTT liên tục phát hiện, tạm giữ lượng lớn điện thoại iPhone, Samsung nhái hàng chính hãng. Cục QLTT TP.Hà Nội phát hiện trang “samsungvietnam.online” với giao diện giống trang web của Công ty Samsung Việt Nam chào bán một số mẫu điện thoại như Galaxy Note 10, Note 10+ với giá hơn 4 triệu đồng. Lực lượng chức năng xác định, đối tượng vi phạm còn sử dụng hàng loạt trang web có tên miền didongso.com.vn, relexvietnam.com, didongso.vn, didongso.net… kinh doanh các sản phẩm điện tử nhái. Họ thừa nhận số điện thoại Samsung rao bán trên trang web samsungvietnam.online được mua từ Lạng Sơn với giá 1,3-1,7 triệu đồng/sản phẩm và rao bán 3,5-4,5 triệu đồng/sản phẩm. Cơ quan chức năng xác định, toàn bộ số hàng này là “hàng nhái điện thoại Samsung chính hãng”, được mua trôi nổi trên thị trường, không có hóa đơn, chứng từ.

Nguyễn Cẩm

Từ khóa » Flash Sale Lazada Lừa đảo