IS Ra Sao Sau Cái Chết Của Thủ Lĩnh? - VnExpress

Thủ lĩnh Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi ngày 3/2 bị tiêu diệt ở Atmeh, Syria hai năm sau khi kế nhiệm cố thủ lĩnh Abu Bakr al-Baghdadi. Việc IS không bảo vệ được thủ lĩnh cho thấy sức ép mà nhóm liên tục phải đối mặt từ lực lượng Mỹ và đồng minh.

Cái chết của al-Qurashi có thể cho thấy rạn nứt trong hàng ngũ IS. Sau khi nắm quyền, al-Qurashi bị một số thành viên IS chế giễu là kẻ vô danh, trong khi những thành viên khác hoài nghi về tư cách lãnh đạo. Một số chuyên gia cho rằng al-Qurashi bị thuộc cấp phản bội, dẫn đến Mỹ có thông tin để tổ chức cuộc đột kích.

Căn nhà nơi thủ lĩnh al-Qurashi ẩn náu ở Atmeh, Syria sau vụ đột kích ngày 3/2 của Mỹ. Ảnh: AFP.

Căn nhà nơi thủ lĩnh al-Qurashi ẩn náu ở Atmeh, Syria sau vụ đột kích ngày 3/2 của Mỹ. Ảnh: AFP.

IS có khả năng chỉ định người kế nhiệm al-Qurashi dựa trên cân nhắc của hội đồng shura, ban lãnh đạo cấp cao của nhóm, như từng làm sau khi al-Baghdadi bị tiêu diệt. Người kế nhiệm al-Qurashi có thể được bổ nhiệm trong vài ngày hoặc vài tuần tới, được đặt bí danh để giấu danh tính.

Các thành viên IS và lãnh đạo các chi nhánh toàn cầu sẽ phải thề trung thành với thủ lĩnh mới. Người này có thể không xuất hiện trước công chúng trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm sau khi lên làm thủ lĩnh.

Tiêu diệt kẻ cầm đầu là một trong những hoạt động chính của chiến dịch chống khủng bố được nhiều quốc gia sử dụng, trong đó có Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia chống khủng bố chưa đồng thuận về mức độ hiệu quả của hoạt động này.

Một số cho rằng tiêu diệt thủ lĩnh có thể hạn chế năng lực hoạt động và làm rối loạn nhóm vũ trang, khiến họ khó thực hiện các cuộc tấn công hơn và thậm chí có thể dẫn đến sụp đổ tổ chức. Một số nghiên cứu cho thấy trong các tình huống thích hợp, tiêu diệt thủ lĩnh của một nhóm vũ trang khiến các thành viên ít tổ chức tấn công hơn và tăng cơ hội đánh bại.

Tuy nhiên, một số chuyên gia chống khủng bố đánh giá hạ sát thủ lĩnh có thể khiến những thành viên khác được phân quyền nhiều hơn và gia tăng hành vi bạo lực. Chiến thuật này thường được coi là kém hiệu quả hơn với các nhóm có cấu trúc lãnh đạo và thủ tục kế nhiệm tốt như IS hay al-Qaeda.

Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi. Ảnh: BNG Mỹ.

Abu Ibrahim al-Hashimi al-Qurashi. Ảnh: BNG Mỹ.

IS vẫn tồn tại sau khi nhiều lãnh đạo bị tiêu diệt nhờ cơ chế bổ nhiệm người kế nhiệm và nhóm vẫn được nhiều địa phương ủng hộ mạnh mẽ. Trong ngắn hạn, cái chết của al-Qurashi có thể khiến IS ẩn mình, song nhóm này chưa chắc sụp đổ. IS có thể phát động các vụ tấn công trả đũa để gửi thông điệp về quyết tâm của các thành viên.

Mỹ và đồng minh đánh lui IS vào năm 2019, giành lại lãnh thổ mà nhóm này kiểm soát vào thời kỳ hoành hành mạnh nhất 2014 - 2016. IS gần đây chuyển chú ý sang các chi nhánh khác ở vùng cận Sahara của châu Phi và Afghanistan.Thay đổi này làm nổi bật cách IS duy trì liên kết. Nếu IS bị suy yếu ở các thành trì tại Iraq và Syria, các chi nhánh ở nơi khác như châu Phi và châu Á có thể duy trì tham vọng về một nhà nước Hồi giáo toàn cầu của nhóm.

Vị trí thị trấn Atmeh, Syria. Đồ họa: NY Times.

Vị trí thị trấn Atmeh, Syria. Đồ họa: NY Times.

Các vụ tấn công gần đây ở Syria và Iraq cho thấy chiến lược hồi sinh của IS tiến xa hơn những gì các chuyên gia dự đoán. Tại những nơi khác, IS tham gia các cuộc tấn công chống chính quyền địa phương và các nhóm đối thủ. Nhánh IS Tây Phi ở hồ Chad cùng IS Trung Phi ở Congo và Mozambique gây ra mối đe dọa dai dẳng trong khu vực.

Trong khi đó tại Afghanistan, nhánh IS-K theo đuổi chiến lược tương đối thành công sau nhiều năm thua dưới tay liên minh do Mỹ dẫn đầu. IS-K thách thức chính phủ mới do Taliban thành lập và tranh giành quyền kiểm soát các tỉnh ở đông bắc Afghanistan.

Cái chết của al-Qurashi được cho là không ảnh hưởng đến hoạt động của các chi nhánh IS, nhiều nhánh trong số này sử dụng chiến lược dựa vào nguồn lực địa phương và liên minh với các nhóm khác.

Cuộc đột kích của Mỹ có thể khiến IS khó mở rộng hoạt động trong ngắn hạn, song nhóm này có thể thúc đẩy các cuộc tấn công trong khu vực và nhận hỗ trợ từ các nhánh trên toàn thế giới.

Nguyễn Tiến (Theo Conversation)

  • Nhân chứng kể cuộc đột kích thủ lĩnh IS
  • Mỹ hủy trực thăng gặp sự cố trong đột kích thủ lĩnh IS
  • Nga ủng hộ Mỹ chống khủng bố
  • Mỹ đột kích thủ lĩnh IS, 13 người chết

Từ khóa » Cái Này Ra Sao