ISO 9000 - Các Khái Niệm Cơ Bản - VietCert

Tiêu chuẩn (Standard)

Tiêu chuẩn là các quy định được công bố chính thức để tạo ra một sự thông hiểu và áp dụng thống nhất. Một tiêu chuẩn chứa đựng các thông số kỹ thuật hoặc các chuẩn mực rõ ràng được thiết lập để sử dụng một cách thống nhất như là quy tắc, hướng dẫn, hay là định nghĩa. Tiêu chuẩn có thể áp dụng cho bất cứ thực thể nào: vật liệu, sản phẩm, dịch vụ, phương pháp, quá trình, hệ thống…. Các tiêu chuẩn giúp cho cuộc sống của chúng ta dễ dàng hơn. Các tiêu chuẩn tăng cường việc trao đổi hàng hóa, dịch vụ, thông tin. Thông thường các tiêu chuẩn được thiết lập để áp dụng trên cơ sở tự nguyện. Tuy nhiên, luật định đôi khi quy định việc tuân thủ một số tiêu chuẩn là yêu cầu bắt buộc.

Tiêu chuẩn hệ thống quản lý (Management system standard)

Tiêu chuẩn hệ thống quản lý là các mô hình để các tổ chức áp dụng để thiết lập và thực hiện các hệ thống quản lý. Các mô hình này nói chung dựa trên các nguyên tắc, công cụ và kiến thức tốt nhất được thống nhất rộng rãi.

Quản lý (Management)

Các hoạt động có phối hợp để định hướng và kiểm soát một tổ chức. Quản lý nói chung bao gồm các hoạt động: hoạch định, tổ chức thực hiện và kiểm soát và điều chỉnh.

Hệ thống quản lý (Management system)

Hệ thống để thiết lập chính sách và mục tiêu và để đạt các mục tiêu đó. Nói chung hệ thống quản lý bao gồm các thành phần: chính sách, các mục tiêu, các chương trình, kế hoạch, quá trình, thủ tục, phương pháp, cơ cấu tổ chức, vai trò, trách nhiệm và các nguồn lực.

Hệ thống quản lý chất lượng (Quality Management System)

Hệ thống quản lý để định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng.

Hiệu lực (Effectiveness)

Mức độ thực hiện các hoạt động đã hoạch định và đạt được kết quả đã hoạch định. Như thế, tính hiệu lực bao gồm hai phần: mức độ tuân thủ thực hiện các quy định và kết quả đạt được.

Hiệu quả (Efficiency)

Quan hệ giữa kết quả đạt được và nguồn lực được sử dụng .

Chất lượng (Quality)

Mức độ các đặc tính vốn có đáp ứng các yêu cầu. Khái niệm chất lượng có thể gắn với bất cứ thực thể nào: sản phẩm, dịch vụ, quá trình, hệ thống, tổ chức…Mức độ chất lượng có thể diễn đạt bằng các tính từ: xấu, trung bình, tốt, xuất sắc, tuyệt hảo…

Yêu cầu (Requirement)

Nhu cầu hay mong đợi đã được công bố hay ngầm hiểu. “Ngầm hiểu chung” nghĩa là những gì thực hành mang tính thông lệ hay phổ biến đối với một tổ chức, khách hàng của tổ chức và các bên quan tâm khác, nghĩa là nhu cầu hay mong đợi được xem là ngầm hiểu. Có thể sử dụng một định nghĩa để chỉ rõ loại yêu cầu cụ thể, ví dụ: yêu cầu đối với sản phẩm, yêu cầu đối với hệ thống chất lượng, yêu cầu của khách hàng.

Chính sách chất lượng (Qualiy policy)

Ý đồ và định hướng của một tổ chức có liên quan đến chất lượng được lãnh đạo cao nhất công bố chính thức. Chính sách chất lượng cần nêu rõ sự cam kết của tổ chức đối với chất lượng và các chiến lược, nguyên tắc, phương pháp, hoạt động để đạt, duy trì và cải tiến chất lượng.

Mục tiêu chất lượng (Quality objective)

Điều định tìm kiếm hay nhắm tới có liên quan đến chất lượng. Để nhất quán, các mục tiêu chất lượng cần dựa trên chính sách chất lượng của tổ chức.Các mục tiêu nên được đặt ra cho toàn bộ tổ chức và phân bổ xuống cho các cấp thích hợp

Quản lý chất lượng (Quality Management)

Các hoạt động có phối hợp để định hướng và kiểm soát một tổ chức về chất lượng. Việc định hướng và kiểm soát về chất lượng nói chung bao gồm lập chính sách chất lượng và mục tiêu chất lượng, hoạch định chất lượng, kiểm soát chất lượng, đảm bảo chất lượng và cải tiến chất lượng.

Hoạch định chất lượng (Quality planning)

Một phần của quản lý chất tập trung vào việc lập mục tiêu chất lượng và quy định các quá trình tác nghiệp cần thiết và các nguồn lực có liên quan để thực hiện mục tiêu chất lượng.

Kiểm soát chất lượng (Quality control)

Một phần của quản lý chất lượng tập trung vào thực hiện các yêu cầu chất lượng.

Đảm bảo chất lượng (Quality assurance)

Một phần của quản lý chất lượng tập trung vào cung cấp lòng tin rằng các yêu cầu chất lượng sẽ được thực hiện.

Cải tiến chất lượng (Quality improvement)

Một phần của quản lý chất lượng tập trung vào nâng cao khả năng thực hiện các yêu cầu chất lượng.

Quá trình (Process)

Tập hợp các hoạt động có quan hệ lẫn nhau và tương tác để biến đầu vào thành đầu ra.

Cách tiếp cận theo quá trình (Process approach)

Việc xác định một cách hệ thống và quản lý các quá trình được triển khai trong tổ chức và đặc biệt quản lý sự tương tác giữa các quá trình đó được goi là "cách tiếp cận theo quá trình".

Quy trình (Procedure)

Cách thức cụ thể để tiến hành một hoạt động hay một quá trình . Quy trình xác định đầu vào, đầu ra của quá trình và cách thức để biến đầu vào thành đầu ra bao gồm việc gì cần phải làm, ai làm, làm lúc nào, ở đâu và như thế nào. Quy trình có thể được lập thành văn bản hoặc không.

Sản phẩm (Product)

Kết quả của một quá trình. Trong phạm vi áp dụng của tiêu chuẩn ISO 9001, khái niệm sản phẩm áp dụng cho sản phẩm cuối cùng dành cho khách hàng hoặc các cấu thành của sản phẩm cuối cùng.

Sự phù hợp (conformity)

Sự đáp ứng một yêu cầu

Sự không phù hợp (nonconformity)

Sự không đáp ứng một yêu cầu

Khắc phục (Correction)

Hành động để loại bỏ sự không phù đã được phát hiện.

Hành động khắc phục (Corrective actions)

Hành động để loại bỏ nguyên nhân của sự không phù hợp đã được phát hiện hay tình trạng không mong muốn khác.

Xem xét của lãnh đạo (Management review)

Quá trình xem xét hệ thống quản lý của lãnh đạo nhằm đánh giá hoạt động tổng thể của hệ thống nhằm đưa ra các biện pháp cải tiến và tăng cường nguồn lực. Thông thường việc xem xét của lãnh đạo được tiến hành định kỳ hàng năm.

Cải tiến liên tục (Continual improvement)

Hoạt động lặp lại để nâng cao khả năng thực hiện các yêu cầu.

Tag: Chứng nhận ISO 9001 | Chung nhan ISO 9001

Từ khóa » Mục Tiêu Quản Lý Chất Lượng Theo Iso 9000