Ít Giao Tiếp Hay Nói Quá To đều Dễ Mất Giọng Do Hạt Dây Thanh

Bác sĩ Nguyễn Minh Hảo Hớn, Khoa Mũi xoang, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP HCM cho biết khàn tiếng là hiện tượng dây thanh không khép kín lúc phát âm, có thể do tổn thương tại thanh quản hoặc tổn thương ở não và u vùng lân cận gây chèn ép. Nguyên nhân khàn tiếng thường gặp nhất là viêm thanh quản và hạt dây thanh. Trong đó bệnh lý hạt dây thanh đang ngày càng gia tăng.

Ảnh minh hoạ: Lê Phương

Hạt dây thanh thường xuất hiện ở người sử dụng giọng nói nhiều. Ảnh minh hoạ: Lê Phương

Theo bác sĩ Hảo Hớn, hạt dây thanh là tổn thương dạng hạt xơ nhỏ, đối xứng vị trí 1/3 trước dây thanh hai bên. Tình trạng này khiến người bệnh phát âm mệt và nặng nề, giọng nói ngày càng khan tăng lên, hay hụt hơi, nói gắng sức. Các nghiên cứu cho thấy có sự liên hệ trực tiếp giữa tần suất nói nhiều, tần số âm thanh với hạt dây thanh. Dây thanh làm việc quá nhiều sẽ dày lên, tạo hạt và gây khàn tiếng. Bệnh lý này thường xuất hiện ở người sử dụng giọng nói nhiều, nói to, lười uống nước. Phụ nữ dễ mắc bệnh hơn nam giới và thường gặp ở những người làm nghề giáo viên, ca sĩ, MC…

Hạt dây thanh cũng thường gặp ở người có hiện tượng trào ngược dạ dày ngoài thực quản do thói quen ăn uống nhiều gia vị cay, nhiều dầu mỡ, đồ nướng, chiên xào, ăn tối quá no và ăn khuya. Khi nằm ngủ, dịch dạ dày trào lên gây viêm thanh quản mãn tính. Tình trạng viêm nhiễm diễn tiến lâu sẽ xuất hiện hạt dây thanh. 

"Hạt dây thanh liên quan đến tình trạng ô nhiễm tiếng ồn đang trở nên nghiêm trọng hiện nay. Tình trạng ô nhiễm tiếng ồn khiến khả năng nghe của con người suy giảm, mọi người cùng phải nói lớn. Hệ quả là dây thanh làm việc quá nhiều, dày lên, tạo hạt", bác sĩ Hớn phân tích. Hiện các cơ sở y tế chuyên khoa tai mũi họng cũng ghi nhận bệnh lý này ở những người làm nội trợ, buôn bán, thậm chí ở trẻ em. Nguyên nhân có thể do trẻ đi học có thói quen la hét lớn trong lúc vui đùa.

Điều trị hạt dây thanh

Không phải bệnh nhân khàn tiếng nào cũng có nguyên nhân từ hạt dây thanh và cần phẫu thuật. Bệnh nhân có biểu hiện khàn tiếng cần được chỉ định nội soi, kiểm tra thanh quản nhằm loại trừ một số nguyên nhân khác. Để điều trị hạt dây thanh, trước hết bệnh nhân cần phải điều trị nội khoa và được hướng dẫn luyện giọng, sử dụng giọng nói vừa phải, tránh những yếu tố gây bệnh. Hạt có thể tự nhỏ lại và không cần phẫu thuật.

Bệnh nhân chỉ phẫu thuật trong một số ít trường hợp, khi hạt dây thanh quá lớn tạo xơ, hạt không nhỏ lại hơn khi điều trị nội và đã được luyện giọng đúng cách. Bệnh nhân không nên lạm dụng phương pháp phẫu thuật đối với bệnh lý này. Nếu hạt nhỏ, bác sĩ phẫu thuật không khéo có thể cắt phạm vào hạt dây thanh, khiến tình trạng khàn tiếng không những không cải thiện mà còn gây nên hiện tượng lõm dây thanh sau phẫu thuật. Bên cạnh đó, nhiều người phẫu thuật hạt dây thanh nhưng sau đó không giữ giọng, không tiết chế giọng nói thì hạt sẽ mọc trở lại.

Bác sĩ Hớn khuyến cáo, để phòng tránh hạt dây thanh, những người sử dụng giọng nói nhiều nên nói chậm, vừa phải, hạn chế nói nhanh, nói lớn, cần uống đủ nước. Phụ huynh tránh để trẻ ở trong môi trường ồn ào, tập cho bé thói quen không la hét, ngay cả khi vui chơi, đùa giỡn. Cần ăn uống nghỉ ngơi hợp lý, ăn nhiều rau xanh, không ăn quá khuya và quá no, tránh một số thức ăn khó tiêu, nhiều dầu mỡ.

Lê Phương

  • Tháng ngày gian khó tìm âm thanh cho con khiếm thính
  • Khàn tiếng kéo dài là bệnh gì

Từ khóa » Nói Nhiều Quá Mất Hay