J.B Nguyễn Hữu Vinh | Tiếng Kêu Trong Sa Mạc

Những năm gần đây, người dân vốn đã mệt mỏi ngoài việc phải trần lưng quần quật làm lụng, kiếm ăn, để đáp ứng nhu cầu thu các loại thuế, phí của nhà nước chồng chất và ngày càng tăng cao… thì lại còn khốn khổ vì  bị mất sức bởi những trận cười nghiêng ngả từ những câu nói của quan chức nhà nước. Cũng có thể nói rằng: Chưa bao giờ, các lời nói quan chức thể hiện mức độ ngớ ngẩn đến vô lý không ai có thể tưởng tượng vẫn liên tục được đưa ra để giải thích, để lý giải cho các việc làm của họ khi tiêu phá tiền dân hoặc liên quan đến trách nhiệm của họ trước người dân.

Chẳng vậy mà hiện nay ở Việt Nam, khi nghe một quan chức phát biểu những câu nói những câu ngớ ngẩn, họ lập tức buông một lời “thằng ngáo đá”. Ngáo đá – đó là từ để chỉ hành động trong trạng thái vô thức của kẻ dùng ma túy đá với những biểu hiện hoang tưởng ảo giác, rối loạn hành vi nhân cách.

Điểm lại quá trình cải cách, cải tiến của ngành Giáo dục Việt Nam những năm qua, người dân thở dài não ruột: Toàn một lũ ngáo đá phá hoại tiền dân.

Những quan chức “ngáo đá”

Về ông Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, có lẽ không phải bây giờ người ta mới hò nhau ném đá vào ông. Bởi trước đó, nhiều lần ông đã phát biểu nhiều lời ở cương vị Bộ trưởng, nhưng người dân thì nghi ngờ ông bị “ngáo đá” khi nghe những lời ấy.

Chẳng hạn, ông nói “Tôi coi đây là một trận đánh lớn” khi mở màn cho cuộc cải cách này. Rồi ông khẳng định: “Đã học kém thì không thể có đạo đức tốt được”. Có lẽ ông đã rút kinh nghiệm trực tiếp thông qua bộ máy quan chức của đất nước về điều này chăng?

Rồi thì “Quá trình dạy và học đã thay đổi, từ chỗ dạy cho số đông sang chú ý đến hình thành phát triển từng cháu. Trước đây giáo viên nóidạy 1 lớp 40 cháu nay chuyển sang dạy 40 cháu trong 1 lớp”. Thật là những câu  nói không thể dùng từ nào khác ngoài từ “ngớ ngẩn”.

Thế rồi kỳ tuyển sinh đợt 1, khi mà cả hai chục ngày cả triệu thí sinh bị đưa vào ma hồn trận, cứ như chơi chứng khoán với số mệnh của mình. Trong khi một bà mẹ phải thuê xe cấp cứu đưa con từ Hà Tĩnh ra Hà Nội để kịp nộp hồ sơ. Phụ huynh và học sinh từ xa đến thuê chỗ ở, chờ chực cả ngàn đứa trong ngày nóng nực ở Hà Nội để hết nộp lại rút, hết rút lại nộp, trong khi điểm số trúng tuyển cứ như trò ú tim. Cả xã hội mệt mỏi, hỗn loạn… Thì ông lên tiếng rằng “học sinh lo lắng như vậy để trưởng thành” hoặc “Ngày tôi đi học làm gì có thông tin như bây giờ”… càng làm bức xúc người dân.

Thế là nổi lên một trận bão mạng ném đá túi bụi vào ông, yêu cầu ông từ chức, xin lỗi…

Tuy nhiên, việc ném đá thì cứ ném, việc từ chức là việc hão huyền.

Bởi không chỉ có ông Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam hiện nay, mà hàng  ngũ quan chức không thiếu những câu nói và thái độ “ngáo đá” trước bàn dân thiên hạ. Có thể kể vài trường hợp điển hình như sau mà không cần bình luận:

Khi Đại biểu quốc hội đề nghị giảm số Tướng thì ông Phùng Quang Thanh phát biểu rằng: “Không phong tướng, anh em tâm tư”. Rồi thì ông tướng này còn những câu để đời khác nữa. Khi giặc Tàu đã vào tận thềm nhà, ông vẫn nói: “Tôi thấy lo lắng lắm, không biết tuyên truyền thế nào, chứ từ trẻ con đến người già có xu thế ghét Trung Quốc. Ai nói tích cực cho Trung Quốc là ngại. Tôi cho rằng, cái đó là nguy hiểm cho dân tộc”.

Hoặc ông phát biểu khi đối thoại Shangri-la 13 tập trung vào vấn đề Trung Quốc đang xâm lấn biển đông: “Thưa các quý vị! Quan hệ giữa Việt Nam và nước bạn láng giềng Trung Quốc về tổng thể trên các mặt đang phát triển tốt đẹp, chỉ còn tồn tại vấn đề tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông nên đôi khi cũng có những va chạm gây căng thẳng”. Dù ông là Bộ trưởng Quốc Phòng Việt Nam.

– Tổng TTCP Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) có tính chất ổn định.

– Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nói: “..tình hình đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn”.

– PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý nói rằng: “Cần luật hóa cho phép chạy chức, chạy quyền”.

– Dương Đức Tuấn, PGĐ Sở Quy hoạch kiến trúc TP Hà Nội, đã nói: “Còn Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội cũng thừa nhận đường Trường Chinh có cong, nhưng là ‘cong mềm mại…”. Cái “đường cong mềm mại” này đã trở thành khẩu ngữ trong dân gian.

Mà cần chi nói đến ba đám quan chức tẹp nhẹp cỡ thứ bộ trưởng, giám đốc sở. Chỉ ngay đến những quan chức lãnh đạo trong Bộ Tứ của triều đình Cộng sản, người ta không thiếu những câu “ngáo đá” để truyền đời:

– Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội ngày 11/4/2014, CTQH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “QH tức là dân, dân quyết sai thì dân chịu, chứ kỷ luật ai?”.

– Tiếp xúc với Cử tri Hà Nội ngày 6/10/2014 Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu: “đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa. Tức là phải giữ cho được cái ổn định”.

– Cũng lúc tàu đưa giàn khoan vào biển Việt Nam, sự xâm lược đã rõ ràng, thì ngày 1/7/2014, Nguyễn Phú Trọng nói: “người bạn láng giềng lớn, muốn hay không cũng phải ăn đời ở kiếp với nhau, có ai chọn được láng giềng đâu”.

– Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng chính phủ phát biểu khi Tàu đưa giàn khoan vào sâu trên biển Việt Nam rằng: “Đời tôi, đời các bạn chưa đòi lại được, thì đời con cháu chúng ta phải tiếp tục đòi…”. Thậm chí ông còn đưa ra quan niệm: “nếu chúng ta không giáo dục cho con cháu rưng rưng khi hát Quốc ca thì đất nước không thể giàu mạnh”.

– Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chẳng từng “ngáo đá” đến phải xin lỗi khi nói:  Tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm…” trong khi dân chết ngập chết lụt hàng chục người thì ông ta vẫn lo họp về chuyện cướp đất nhà thờ, tôn giáo.

Mới đây thôi, khi cả Hà Nội đang lo về môi trường ô nhiễm, nghẹt thở, thì bộ máy dưới quyền ông cho chặt cả ngàn cây xanh. Bị phản ứng dữ dội, ông ta nói: “Việc chặt hạ cây xanh không đúng cũng có mức độ”.

Có thể nói là không thể kể hết những câu nói ngớ ngẩn và ngu xuẩn của các lãnh đạo Việt Nam, đội ngũ luôn tự xưng là “Đỉnh cao trí tuệ” của Việt Nam đã xuất hiện đều đều trên mặt báo. Thậm chí có những ông mà người dân phải thốt lên là “nói câu nào ngu câu đó”.

Với một hệ thống quan chức như vậy, nếu đòi từ chức thì người ta lại nhớ câu ngáo đá của ông Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng: “Cứ vi phạm mà kỷ luật hết thì lấy ai mà làm việc”.

Nguyên nhân của mọi nguyên nhân

Điều mà người dân không thể hiểu được, là tại sao những người đứng đầu đất nước, các bộ trưởng cũng như cán bộ cao cấp, thậm chí là người đã từng du học ở các nước phát triển hẳn hoi mà vẫn phát biểu những câu nói mà theo người dân thì “ngu không thể chịu được”?

Trả lời câu hỏi này, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nạn con ông cháu cha, nạn chạy chức chạy quyền, nạn hối lộ tham nhũng… nhưng nguyên nhân chính vẫn là hệ thống chính trị độc tài với một hệ thống giáo dục lấy Chủ nghĩa Mác – Lenin làm căn bản.

Trong hệ thống đó, học sinh bị cưỡng chế nhồi nhét một hệ thống tư duy hoang tưởng của Chủ nghĩa Mác – Lenin. Quan chức muốn thăng quan tiến chức phải “thấm nhuần tư tưởng” theo nó. Vì thế nên hậu quả cho đất nước ngày càng nặng nề.

Học sinh có thể học trung bình hoặc chạy điểm ở các môn chuyên môn, nhưng không thể trượt các môn Chủ nghĩa Mác – Lenin trong trường Đại học. Đó là những môn chính buộc phải vượt qua, dù anh có giỏi bằng trời, thì không qua các môn đó, coi như… vứt. Có thể nói, học sinh sợ bộ môn Mác – Lenin trong trường đại học như sợ hủi.

Nhưng nhà nước coi đây là ưu tiên số 1 trong đào tạo. Chẳng thế mà Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình Bùi Văn Phương, – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã đề nghị quân hàm tướng cho Trưởng khoa Mác – Lê Nin đó sao.

Hãy nhìn xem, các ngành đào tạo của học viện báo chí, tuyên truyền thuộc Học viện Quốc gia Hồ Chí Minh tuyển sinh đào tạo những ngành như: Triết học chuyên ngành Mác – Lenin,  Triết học chuyên ngành Chủ nghĩa xã hội, Lịch sử chuyên ngành Lịch sử Đảng CS Việt Nam, Xây dựng Đảng và nhà nước, Chính trị chuyên ngành quản lý tư tưởng – văn hóa… Hàng năm cho ra lò một đống của nợ này, lại được bố trí vào trong các cơ quan trọng trách của nhà nước. Thậm chí quan chức muốn tiến thân, buộc phải qua các khóa đào tạo trung, cao cấp chính trị tại những nơi này.

Và cứ thế, đám này sẽ thăng quan, tiến chức với phương châm của đảng là “Hồng hơn chuyên” để quản lý xã hội.

GS Trần Kiều, nguyên Viện trưởng Viện KHGD, Bộ GD&ĐT, nói rằng: “Học sinh học như thế thì thiếu cái này thừa cái kia, thực tế là học sinh thiếu kỹ năng sống, kiến thức chỉ thiên về lý thuyết”.

Vì thế, ngoài nhận thức được nhồi sọ trong các lò này, mọi cử chỉ, hành động và lời nói của đám này muốn được yên ổn, hanh thông, thì cứ phải bám riết vào những câu nói ngây ngô, ngớ ngẩn từ đó mà sinh ra. Chẳng hạn mới đây, Vũ Đức Đam, Phó TT Chính phủ vừa yêu cầu soạn từ điển Bách khoa toàn thư phải đúng quan điểm Chủ nghĩa Mác – Lenin và tư tưởng Hồ Chí Minh đó thôi.

Bởi nếu không nói thế, thì không có con đường nào khác để tiến thân, để có quyền lực, để kiếm chác, dù có thể vẫn biết đó là những câu nói ngớ ngẩn và nhiều khi bệnh hoạn, dù vẫn biết có thể nói những câu nói khác đúng hơn. Nhưng, cả guồng máy thể chế đã nặn nên những bộ óc và cái lưỡi như vậy không thể làm khác.

Do đó, một Phạm Vũ Luận, nếu là trường hợp độc đắc mà từ chức đi nữa, sẽ có một Phạm Vú Lẫn khác lên làm bộ trưởng, vẫn cứ tiếp tục những lời ngáo đá và hành động ngu xuẩn khác mà thôi.

GS Phạm Minh Hạc, nguyên là Bộ trưởng Giáo dục đã nói rằng: “xã hội nào thì giáo dục ấy và ngược lại giáo dục nào thì xã hội đó”. Điều này thể hiện rất rõ ở hệ thống giáo dục và hệ thống chính trị hiện nay.

Chỉ có thể thay đổi một nền giáo dục, loại bỏ những quan chức ngáo đá đó khi thể chế Cộng sản độc tài không còn tồn tại.

Hà Nội, ngày 24/8/2015

·       J.B Nguyễn Hữu Vinh

Từ khóa » Jb Nguyen Huu Vinh La Ai