Jerusalem: Những Thăng Trầm Lịch Sử- Phần 1

jerusalem

Simon Sebag Montefiore

Trần Quang Nghĩa dịch

PHẦN MỞ ĐẦU

Vào ngày 8 tháng Ab Do Thái, vào cuối tháng 7 năm 70 TCN, Titus, con trai của Hoàng đế La Mã Vespasia đang chỉ huy cuộc vây hãm bốn tháng, ra lệnh cho toàn quân chuẩn bị tràn vào Đền thờ vào bình minh. Ngày hôm sau tình cờ đúng vào ngày quân Babylon đã tàn phá Jerusalem 500 năm trước. Bây giờ Titus cầm đầu một đạo quân gồm bốn quân đoàn – tổng cộng 60,000 lính viễn chinh La Mã và những lực lượng bổ sung địa phương phấn khích giáng một đòn cuối cùng vào thành phố tơi tả nhưng thách thức. Bên trong tường thành, có lẽ nửa triệu người Do Thái đói khát còn sống sót trong điều kiện kinh khiếp: một số là những tín đồ tôn giáo cuồng tín, một số là những băng đảng cướp giật, còn phần đông là những gia đình vô tội không đào thoát ra được cái bẫy chết người hoành tráng. Có nhiều người Do Thái đang sống bên ngoài Judaea – họ chắc chắn có mặt ở khắp vùng Địa Trung Hải và Cận Đông – và trận chiến đấu tuyệt vọng cuối cùng này sẽ quyết định không chỉ số phận của thành phố và cư dân của nó, mà còn tương lai của Do Thái giáo và giáo phái nhỏ mới ra đời người Do Thái theo đạo Cơ đốc – và thậm chí, nhìn trước qua sáu thế kỷ, hình dạng của đạo Hồi.

Quân La Mã đã dựng thang leo chống vào tường thành của Đền Thờ. Nhưng trận tấn công của họ đã thất bại. Sáng sớm hôm đó, Titus bảo với các tướng lĩnh của mình rằng những nỗ lực của ông để bảo tồn ‘đền thờ nước ngoài’ này đã tốn quá nhiều xương máu binh sĩ và ông ra lệnh phóng hỏa cổng Đền. Chất bạc của cổng tan chảy và làm lửa lan đến khung gỗ của cửa vào và cửa sổ, từ đó đến những khớp nối bằng gỗ trong hành lang của chính Đền Thờ. Titus ra lệnh dập tắt lửa. Người La Mã, ông tuyên bố, không nên ‘trả thù vào những vật vô tri thay vì con người’. Sau đó ông lui về nghỉ đêm trong doanh trại đóng ở Tháp Antonia nửa phần đổ nát nhìn qua phức hợp Đền Thờ lộng lẫy.

Chung quanh bức tường, phơi bày những cảnh tượng ghê rợn chẳng khác nào địa ngục giữa trần gian. Hàng ngàn thi thể thối rữa phơi trong nắng. Mùi hôi thúi nồng nặc không sao chịu được. Từng đàn chó nhà và chó rừng mở tiệc trên xác người. Trong những tháng trước, Titus đã ra lệnh đóng đinh tất cả tù binh hoặc đào binh. 500 người Do Thái bị đóng đinh trên thập giá mỗi ngày. Núi Olives và những ngọn đồi lởm chởm chung quanh thành phố ken chặt các thập giá đến nỗi khó tìm chỗ cho một cái nữa, hoặc tìm gỗ để đóng chúng. Các binh sĩ của Titus đùa cợt bằng cách đóng đinh các nạn nhân của mình trên thập giá với tay chân căng ra trong những tư thế oái oăm. Nhiều cư dân Jerusalem tìm đủ mọi cách vô vọng mong trốn khỏi thành phố, khi họ bỏ đi, họ nuốt những đồng tiền, để giấu giếm tài sản của mình, hi vọng sẽ thu hồi lại khi đã thoát an toàn khỏi quân La Mã. Họ xuất hiện ‘bụng ỏng ra vì đói và phồng lên như người bị bệnh thũng’, nhưng nếu họ ăn vào họ ‘vỡ ra làm hai’. Khi bụng họ nổ bung, binh sĩ phát hiện những đồng vàng trong ruột bốc mùi hôi thúi, vì thế sau đó họ mổ ruột tất cả tù nhân, rạch ra nội tạng để tìm ruột của họ trong khi nạn nhân vẫn đang còn sống. Titus nghe được lấy làm khiếp đảm, ra lệnh cấm những trò cướp bóc kiểu giải phẫu này. Nhưng vô ích: quân đồng minh người Syria của Titus , vốn thù ghét và bị thù ghét bởi người Do Thái với tất cả ác ý của người láng giềng, khoái trá với những trò rùng rợn này. Những hành vi tàn bạo mà quân La Mã và những người nổi loạn trong tường thành gây ra có thể sánh ngang với một số những hành vi dã man tồi tệ nhất của thế kỷ 20.

Trận chiến đã bắt đầu khi sự bất lực và tính tham lam của những thống đốc La Mã đã thúc đẩy ngay cả giới quí tộc Do Thái, những đồng minh của La Mã, đi theo chính nghĩa chung với một cuộc nổi dậy tôn giáo rộng khắp. Những người nổi dậy pha trộn những người Do Thái sùng tín và bọn kẻ cướp cơ hội đã lợi dụng sự rơi đài của vị hoàng đế, Nero, và tình hình hỗn loạn xảy ra sau khi y tự sát, để đánh đuổi quân La Mã và tái lập nhà nước Do Thái độc lập, đặt căn cứ chung quanh Đền Thờ. Nhưng cuộc cách mạng Do Thái ngay lập tức tự làm tiêu hao mình trong những vụ thanh trừng và thanh toán đổ máu giữa các băng nhóm đường phố.

Ba vị hoàng đế La Mã tiếp sau Nero trong những loạt kế vị nhanh chóng và trong hỗn loạn. Đến khi Vespasian xuất hiện dưới vai trò hoàng đế và phái Titus đánh chiếm Jerusalem, thành phố được phân chia giữa ba tư lệnh đấu đá nhau. Các tư lệnh Do Thái trước tiên choảng nhau trong các sân Đền Thờ ngập máu, và sau đó cướp phá thành phố. Các chiến binh của họ lùng sục những vùng lân cận giàu có hơn, cướp vét nhà cửa, tàn sát đàn ông và hãm hiếp phụ nữ – ‘như đang đùa giỡn’. Điên cuồng vì quyền lực của mình và sự hấp dẫn của cuộc săn người, ắt hẳn say sưa với rượu vang cướp được, họ ‘đắm chìm trong trò phóng đãng nữ tính, tô điểm mái tóc và vận quần áo phụ nữ và trây trét đầu dầu thơm và vẽ mắt’. Bọn sát nhân tỉnh lỵ này, bước kênh kiệu trong ‘áo choàng nhuộm màu rực rỡ, đi đường gặp ai giết nấy. Với mức độ đồi bại thiện xảo, chúng ‘sáng chế những trò khoái lạc vô pháp’. Jerusalem, phó mặc cho ‘tình trạng nhơ nhớp không thể tha thứ được’, trở thành ‘một nhà thổ’, và phòng tra tấn – vậy mà vẫn là một chốn linh thiêng.

Đền Thờ phần nào cũng tiếp tục hoạt động. Trở lại tháng 4, các khách hành hương đã đến để dự Ngày Lễ Vượt Qua ngay trước khi quân La Mã khép vòng vây thành phố. Số dân thường chỉ vài chục ngàn, nhưng bây giờ thì người La Mã đã tóm luôn người hành hương và nhiều dân tị nạn chiến tranh, vì thế dân số trong thành phố giờ lên đến vài trăm ngàn người. Chỉ khi Titus vây hãm thành phố các ông trùm của bọn nổi loạn mới ngưng chém giết nhau và đoàn kết 21,000 chiến binh của mình để đương đầu với quân La Mã.

Thành phố mà Titus nhìn thấy lần đầu tiên từ Núi Scopus (được đặt tên từ chữ Hy Lạp skopeo có nghĩa là ‘nhìn vào’), là, theo lời của sử gia Pliny, ‘thành phố lừng danh vượt xa mọi thành phố khác ở phía Đông’, một nơi đô hội phú cường, thịnh vượng được xây dựng chung quanh một trong những ngôi đền lớn nhất trong thế giới cổ đại, một công trình nghệ thuật tinh tế trên qui mô hùng vĩ. Jerusalem đã tồn tại hàng ngàn năm nhưng thành phố có tháp cao và nhiều tường thành bao bọc này, đứng giạng chân trên hai ngọn núi giữa những mỏm đá lởm chởm trơ trọi của Judas, chưa bao giờ đông dân hoặc đáng sợ như vào thế kỷ đầu tiên SCN: đúng ra Jerusalem không vĩ đại như thế một lần nữa cho mãi đến thế kỷ 20. Đây là thành tựu của Herod Đại Đế, vì vua Do Thái xuất sắc, loạn thần kinh, mà những cung điện và thành lũy của ông được xây dựng trên một qui mô hùng vĩ và trang hoàng xa xỉ đến nỗi sử gia Do Thái Josephus nói rằng chúng ‘vượt qua khả năng mô tả của ông’.

Đền Thờ cũng che mờ mọi thứ khác trong vẻ huy hoàng thần thánh của nó. ‘Ngay lúc mặt trời vừa mọc lên’, những vuông sân và cổng mạ vàng lấp lánh phản chiếu trở lại ánh sáng chói lóa rực lửa và khiến những ai nhìn vào chúng phải quay mặt đi’. Khi người lạ – như Titus và quân đoàn viễn chinh của ông – nhìn thấy Đền Thờ này lần đầu tiên, nó trông ‘như một ngọn núi phủ tuyết’. Những người Do Thái mộ đạo biết rằng ngay trung tâm sân của thành-phố-bên-trong-thành-phố này nằm trên đỉnh Núi Moriah là căn phòng nhỏ có tính linh thiêng bậc nhất gần như không chứa đựng gì cả. Khoảng không gian này là tiêu điểm của niềm tin thần thánh Do Thái: Thần Thánh của mọi Thần Thánh, nơi cư ngụ của chính Chúa Trời.

Đền Herod là một nơi thờ cúng nhưng cũng là một pháo đài gần như bất khả xâm phạm nằm bên trong thành phố có tường thành bao bọc. Người Do Thái, được cổ vũ bởi sự yếu kém của người La Mã trong Thời kỳ Bốn Hoàng đế và được hỗ trợ bởi độ cao dốc đứng của Jerusalem, các công sự phòng thủ và Đền Thờ như mê cung, đã đương đầu với Titus một cách tự tin đến nỗi cao ngạo. Suy cho cùng, họ đã thách thức La Mã gần như năm năm. Tuy nhiên, Titus sở hữu quyền uy, tham vọng, tài nguyên và tài năng cần thiết cho sứ mạng. Ông tiến hành làm yếu Jerusalem một cách hiệu quả và hệ thống với một sức mạnh áp đảo. Những quả pháo đá, ắt hẳn do Titus bắn đi, đã được tìm thấy trong những đường hầm cạnh tường phía tây của Đền, là chứng tích cho sự pháo kích dữ dội của La Mã. Người Do Thái liều mình chiến đấu gần như tự sát giành giựt từng tấc đất. Vậy mà Titus, chỉ huy toàn bộ sức mạnh của bộ máy vây hãm, máy bắn đá và sự tinh xảo của công binh La Mã, vượt qua được bức tường thành đầu tiên trong vòng 15 ngày. Ông dẫn 1,000 lính viên chính xông vào mê lộ của những khu chợ ở Jerusalem và tràn vào bức tường thứ hai. Nhưng quân Do Thái xông ra và chiếm lại. Lại phải tấn công ào ạt bức tường một lần nữa. Sau đó Titus ra sức gieo khiếp sợ cho thành phố bằng một cuộc diễu hành – giáp sắt, mũ sắt, lưỡi gươm lóe sáng, cờ bay phần phật, các tượng ó lấp lánh, ‘ngựa được phủ khăn rực rỡ’. Hàng ngàn cư dân Jerusalem tụ tập trên tường thành há hốc nhìn buổi diểu binh này, khâm phục ‘vẻ đẹp của giáp binh và tính kỷ luật đáng ngưỡng mộ của binh lính’. Người Do Thái vẫn thách thức, hoặc có thể vì quá sợ không dám bất tuân quân lệnh không được đầu hàng của các chỉ huy.

Cuối cùng, Titus quyết định bao vây và đóng chặn toàn thành phố bằng cách dựng lên một bức tường bao quanh. Vào cuối tháng 6, quân La Mã ào ạt tiến vào Pháo đài Antonia đồ sộ án ngữ Đền và rồi san bằng nó, chỉ chừa một tòa tháp tại đó Titus đặt bộ chỉ huy.

Vào giữa hè, khi những ngọn đồi lởm chởm và phồng rộp mọc lên những thi thể đóng đinh trên thập giá ruồi nhặng vo ve, còn người bên trong thành phố thì dày vò trước cảm thức của ngày tận số đang lơ lửng, cơn cuồng tín bất dung, trò ác dâm bệnh hoạn, và cơn đói hành hạ. Những bè lũ có vũ khí đi xục xạo săn lùng thức ăn. Trẻ con chộp lấy những mẫu thức ăn từ tay bố mình; mẹ lấy cắp miếng ngon của con ruột mình. Cửa khóa gợi ý có lương thực giấu trong đó và các chiến binh phá cửa xâm nhập, thọc cọc vào ‘trực tràng’ nạn nhân để bắt họ khai ra chỗ giấu thóc. Nếu không tìm thấy gì, họ thậm chí còn ‘tàn bạo dã man hơn’ như thể họ đã bị ‘lừa gạt’. Cho dù bọn binh lính còn đủ thực phẩm, họ vẫn giết và tra tấn vì thói quen ‘để luyện tập thói điên cuồng của mình’. Jerusalem bị sâu xé bởi các trận săn bắt phù thủy khi dân chúng tố cáo lẫn nhau là kẻ tích trữ và phản bội. Không thành phố nào khác, nhân chứng Josephus phản ảnh, ‘từng cho phép những nỗi bất hạnh như thế, cũng không có thời đại nào từng nuôi dưỡng một thế hệ trổ ra hoa trái của cái ác nhiều hơn thời đại này, từ thuở khởi đầu thế giới.

Người trẻ đi lang thang khắp đường phố ‘như những chiếc bóng, tất cả đều phù lên vì đói, và khuỵu xuống chết tốt, ngay tại nơi nỗi bất hạnh tóm lấy họ’. Người ta chết trong khi cố chôn gia đình mình trong khi kẻ khác được chôn cất bất cẩn khi đang còn thở. Đói kém nuốt trọn nhiều gia đình trong ngôi nhà mình. Những cư dân Jerusalem chứng kiến những người thân của mình chết ‘với cặp mắt khô khốc và miệng há hốc. Một bầu không khí tĩnh lặng nặng nề và một loại bóng đêm chết chóc tóm lấy thành phố’ – nhưng những ai trút hơi thở cuối cùng vẫn còn không quên ‘dán mắt vào Đền Thờ’. Đường phố chất đầy xác chết. Dù có luật Do Thái, chẳng bao lâu không ai muốn chôn người chết nữa trong nhà mồ hùng tráng này. Có lẽ Jesus Christ đã nhìn thấy trước được việc này khi ngài tiên đoán ngày Tận Thế sắp đến, khi nói ‘Hãy để người chết chôn người thân đã chết.’ Đôi khi bọn phản loạn chỉ cần quăng xác chết qua tường thành. Người La Mã để chúng chất đống thối rữa bốc mùi nồng nặc. Vậy mà bọn phản loạn vẫn còn chiến đấu.

Chính Titus, một chiến binh La Mã dạn dày, đã giết 12 người Do Thái với chiếc cung của mình trong trận đột kích đầu tiên, cũng phải khiếp đảm và sững sờ: ông chỉ có thể rên rỉ với Thượng đế là việc này không do mình làm.’ Đứa con cưng và niềm vui của nhân dân,’ ông nổi danh vì tính hào sảng. ‘Hỡi các bạn, ta đã đánh mất một ngày,’ ông sẽ nói thế mỗi khi không có thời gian gởi quà cáp cho các đồng chí mình. Vạm vỡ và cục mịch với chiếc cằm chẻ, miệng rộng và gương mặt bầu bĩnh, Titus đã chứng tỏ mình là một vị tư lệnh tài cán và đứa con trai được nhân dân yêu mến của vị hoàng đế mới Vespian: triều đại của họ chưa được vinh danh phụ thuộc vào thắng lợi của Titus trong việc dẹp trừ bọn phản loạn Do Thái.

Đoàn tùy tùng của Titus chứa đầy bọn phản bội Do Thái trong đó có ba người Jerusalem – một sử gia, một ông vua và (hình như) một hoàng hậu kép chia sẻ cái giường của Caesar. Sử gia là cố vấn Josephus của Titus, một chỉ huy Do Thái phản loạn theo về với bọn La Mã và là nguồn tư liệu duy nhất cho cậu chuyện kể ra đây. Vị vua là Herod Agrippa II, một người Do Thái rất La Mã, được nuôi dưỡng tại triều đình của Hoàng đế Claudius; ông đã là người giám sát Đền Thờ Do Thái, do ông cố của ông là Herod Đại Đế xây dựng, và thường cư trú trong cung điện Jerusalem, cho dù ông cai trị nhiều vùng lãnh thổ rất khác biệt nhau nằm khắp miền bắc của Israel, Syria và Lebanon ngày nay.

Nhà vua chắc hẳn có dẫn em gái mình, Berenice, con gái của một quốc vương Do Thái, và hai lần làm hoàng hậu qua hôn lễ, và gần đây trở thành nhân tình của Titus. Kẻ thù La Mã của bà sau này lên án bà là ‘Cleopatra Do Thái’. Bà khoảng 40 nhưng ‘đang ở những năm tươi đẹp nhất của thời xuân sắc’, Josephus đã ghi nhận như vậy. Ngay từ khi cuộc nổi dậy khởi phát, bà và anh trai đang sống chung (một cách loạn luân, kẻ thù họ tuyên bố), đã nỗ lực đối đầu với quân phản loạn và kêu gọi họ hãy biết lý lẽ lần chót. Giờ đây ba người Do Thái này bất lực chứng kiến ‘cơn hấp hối của một thành phố lừng lẫy’ – và Berenice làm như thế từ trên chiếc giường của kẻ đã tàn phá nó.

Các tù nhân và bọn đào ngũ mang tin tức trong thành ra, khiến Josephus vô cùng lo lắng, vì cha mẹ ông còn bị kẹt bên trong. Ngay cả các binh lính đã bắt đầu hết lương, vì thế chúng lục lạo và phanh thây bất kể người sống chết để tìm vàng, vụn thức ăn, thậm chí hạt thóc, ‘đi loạng choạng, vấp váp như lũ chó dại.’ Chúng ăn phân bò, da thuộc, thắt lưng, giày dép và rơm rạ. Một phụ nữ giàu có tên Mary, đã mất hết tiền và thực phẩm, đã hóa điên đến nỗi giết cả con trai mình và nướng nó, ăn hết phân nửa và giữ phần còn lại cho bữa sau. Mùi thịt nướng ngon lành len lỏi khắp thành phố. Bọn phản loạn đánh mùi, tìm đến và xô cửa vào nhà. Nhưng thậm chí những tên sát thủ chai lì này, khi thấy thi thể của đứa bé còn đang được ăn dang dở, ‘run rẩy bước ra ngoài.’

Rình rập và hoang tưởng đang ngự trị thành phố thần thánh. Các tay lang băm hò hét và các quan tư tế thuyết giảng lảng vảng đường phố, hứa hẹn sẽ cứu nguy và cứu rỗi. Jerusalem như, theo nhận xét của Josephus, ‘như một mãnh thú hóa rồ, vì không kiếm được thức ăn, giờ đang lao vào ăn thịt chính mình’.

Đêm ngày 8 tháng Ab đó, khi Titus đã lùi về doanh trại để nghỉ ngơi, các binh sĩ ra sức dập tắt đám lửa do bạc chảy lan ra, như ông đã ra lệnh. Nhưng quân phản loạn lại tấn công những lính viễn chính đang ra sức chế ngự hoả hoạn. Quân La Mã phải đánh trả và đẩy lùi bọn Do Thái vào tận Đền Thờ. Một người lính, trong một cơn ‘thịnh nộ thần linh’, chụp lấy một vật đang ngún cháy và, nhờ một binh sĩ khác nâng lên, châm đốt màn và khung ‘một cánh cửa bằng vàng’, liên kết với các gian phòng bao quanh Đền Thờ. Đến sáng, lửa đã lan đến ngay trung tâm của nơi linh thiêng. Người Do Thái, khi trông thấy ngọn lửa đã liếm đến Nơi Chí Thánh và đe đọa phá hủy nó, ‘liền kêu lên ầm ĩ và chạy đến ngăn cản.’ Nhưng đã quá muộn. Họ đứng án ngữ ở Sân Trong chỉ biết đứng nhìn trong nỗi câm lặng kinh hoàng.

Chỉ cách đó vài thước, giữa đống đổ nát của Pháo đài Antonia, Titus tỉnh giấc; ông tung người nhổm dậy và ‘chạy về phía Đền Thờ để ngăn chặn đám lửa.’ Quần thần của ông trong đó có Josephus và ắt hẳn có Vua Agrippa và Berenice, chạy theo, và sau họ là hàng ngàn binh lính La Mã – tất cả đều ‘trong nổi sững sờ’. Cuộc giao chiến thật điên cuồng. Theo lời kể của Josephus, Titus một lần nữa ra lệnh dập tắt ngọn lửa, nhưng kẻ hợp tác với La Mã này có lý do để nói tốt cho chủ mình. Dù sao thì mọi người cũng la ó, còn lửa vẫn gầm thét và quân La Mã biết rằng, theo luật chiến tranh, thành phố nào kháng cự quá gan lì dân chúng thường bị tống cổ đuổi đi.

Họ giả vờ không nghe Titus và thậm chí hét về phía trước cho đồng đội ném thêm vật cháy vào. Bọn lính viễn chinh quá kích động đến nỗi nhiều tên bị giẫm đạp hoặc bị thiêu đến chết trong đoàn người ào ạt xông lên chém giết và cướp vàng, vơ vét nhiều đến nỗi giá vàng chẳng bao lâu hạ xuống trên khắp miền Đông. Titus, không thể dập tắt đám cháy và ắt hẳn nhẹ nhõm trước viễn cảnh thắng lợi cuối cùng, tiến lên qua Đền Thờ đang bốc cháy đến tận Nơi Chí Thánh. Ngay cả các trưởng giáo chỉ được phép vào đó mỗi năm một lần. Không người ngoại bang nào đã vấy bẫn sự tinh khiết của nó kể từ chính khách-quân nhân Pompey đến đây vào 63 TCN. Titus nhìn vào trong ‘và nhìn thấy nó và vật dụng bên trong mà ông cho rằng hơn cả tuyệt vời, Josephus viết, đúng ra ‘không tệ hơn những gì chúng tôi huênh hoang về nó’. Giờ ông ra lệnh các bách trưởng đánh roi các binh sĩ tiếp tay cho đám cháy, nhưng ‘nhiệt tình của họ quá mạnh mẽ’. Khi địa ngục lửa dâng cao bao bọc Nơi Chí Thánh, Titus được các phụ tá kéo ra chỗ an toàn – ‘và không còn ai cấm cản họ phóng hỏa nó nữa’.

Trận đánh vẫn diễn ra ác liệt giữa đám cháy: những người Jerusalem đói khát, choáng váng đi lang thang như người mất hồn qua những hành lang bốc lửa. Hàng ngàn dân thường và quân phản loạn chen chúc trên các bậc thang của áng thờ, chờ đợi chiến đấu đến cùng hoặc chỉ để chết trong tuyệt vọng. Tất cả đều bị bọn lính La Mã reo hò cắt họng như thể đó là vật hiến tế hàng loạt, cho đến khi ‘quanh áng thờ những thi thể nằm chất đống lên nhau’ và máu chảy như suối xuống các bậc thang. Mười ngàn người Do Thái bị giết chết trong ngôi Đền bốc cháy.

Tiếng những tảng đá to nứt ra và tiếng các rầm gỗ đổ xuống nghe như tiếng sấm. Josephus chứng kiến cái chết của Đền Thờ:

Tiếng gào của lửa vang vọng ra xa hòa quyện với tiếng rên xiết của những nạn nhân ngã xuống và do chiều cao của ngọn đồi và khối lượng của đám cháy, người ta ắt hẳn đã nghĩ toàn thể thành phố đang bốc cháy. Và rồi tiếng đinh tai – không có âm thanh nào làm chói tai và khiếp đảm hơn tiếng đó. Đó là tiếng hô xung trận của các quân đoàn La Mã ồ ạt xông tới, tiếng gào hú của quân phản loạn bị lửa và kiếm bao vây, tiếng chân rầm rập của dân chúng, không thể tiến lên trên, chạy vội hoảng kinh xuống dưới chỉ để rơi vào vòng tay của kẻ thù, và tiếng kêu thét đau đớn khi họ đón nhận số phận của mình, hòa lẫn với tiếng kêu khóc và gào thét của người dân trong thành phố. Xuyên qua xứ Jordan và những ngọn núi bao quanh vang dội những âm vang, làm tiếng đinh tai thêm sâu lắng. Ắt hẳn bạn sẽ nghĩ ngọn đồi Đền Thờ đang sôi sục từ tận dưới chân, ở đâu cũng lửa là lửa.

Núi Moriah, một trong hai ngọn núi của Jerusalem, nơi vua David đã đặt chiếc Hòm Giao ước và nơi con trai ông Solomon đã xây dựng Đền Thờ đầu tiên, ‘ngun ngút lửa nóng khắp mọi phía’, trong khi bên trong, những thi thể ngổn ngang khắp sàn. Binh lính La Mã giẫm bừa lên xác chết xông tới. Các tu sĩ kháng cự lại và một số nhảy vào lửa đỏ tự sát. Giờ các binh lính La Mã hùng hổ, thấy Đền Thờ bên trong đã bị phá hủy, chộp lấy vàng bạc và châu báu, vác đồ cướp bóc ra, rồi thiêu rụi phần còn lại của phức hợp.

Khi Sân Trong đã cháy, và ngày hôm sau đã ló dạng, bọn phản loạn còn sống sót mở đường máu xông ra khỏi chiến tuyến La Mã vào Sân Ngoài rối rắm như một mê cung, một số trốn thoát vào thành phố. Quân La Mã phản công bằng kỵ binh, quét sạch bọn phản loạn, rồi đốt cháy các phòng kho tàng của Đền Thờ, chứa đầy của cải mà tất cả dân Do Thái từ Alexandria đến Babyy nộp thuế cho Đền Thờ. Họ bắt gặp tại đó 6,000 đàn bà và trẻ con túm tụm cùng nhau, ngóng chờ ngày phán xét. Một ‘tên tiên tri giả mạo’ trước đó đã tuyên bố họ có thể trông chờ ‘những dấu hiệu màu nhiệm sẽ cứu vớt họ’ trong Đền Thờ. Bọn viễn chính La Mã lạnh lùng phóng hoả thiêu sống tất cả đám dân chúng này.

Quân La Mã đem các huy hiệu đại bàng của họ lên Núi Thánh, cúng tế các vị thần của mình, rồi tung hô Titus như vị thống soái. Các giáo sĩ còn lấp ló quanh phía ngoài Nơi Chí Thánh. Hai người liều xông vào đám lửa và một người thành công mang ra được những báu vật của Đền Thánh – bộ y phục của Trưởng Tế, hai giá nến và các túi hạt quế và muồng, các gia vị được xông lên mỗi ngày trong Điện thờ. Khi những người còn lại đầu hàng, Titus cho hành hình họ vì ‘bọn giáo sĩ phải chết cùng với Đền Thờ mới phải đạo’.

Jerusalem đã là – và còn là – thành phố của các địa đạo. Giờ thì bọn phản loạn đã mất hút dưới đất trong khi vẫn còn kiểm soát Thành lũy và Thành Thượng ở phía tây. Phải mất thêm một tháng nửa Titus mới chinh phục hết Jerusalem. Khi nó thất thủ, người La Mã và các chư hầu Syria và Hy Lạp ‘ùa vào mọi ngõ ngách. Gươm lăm lăm trên tay; họ tàn sát vô tội vạ tất cả ai họ gặp và phóng hỏa mọi căn nhà cùng người trốn tránh bên trong.’ Ban đêm khi trận chém giết đã ngưng, ‘chỉ con lửa là ngự trị đường phố’.

Titus trao đổi với hai chỉ huy Do Thái ở hai đầu cầu bắc qua thung lũng giữa Đền Thờ và thành phố, với điều kiện nếu đầu hàng thì toàn mạng. Nhưng họ từ khước. Ông ra lệnh đốt phá và cướp bóc Thành Hạ, tại đó gần như mọi nhà đều ngập ngụa xác chết. Khi các tư lệnh Jerusalem rút lui vào Cung điện Herod và Thành lũy, Titus xây những thang leo để công phá họ và vào ngày 7 tháng Elul, tức giữa tháng 8, quân La Mã tràn vào các công sự. Bọn nổi dậy tiếp tục chiến đấu dưới địa đạo cho đến khi một lãnh tụ của họ, John xứ Gishala, đầu hàng (ông ta được tha chết nhưng phải ở tù chung thân). Lãnh tụ khác Simon ben Giora ló ra khỏi một đường hầm bên dưới Đền Thờ trong bộ áo choàng trắng, và được giao một vai chính trong Khúc Khải Hoàn của Titus, lễ mừng chiến thắng ở La Mã.

Trong cuộc hành hạ trả thù và hủy diệt có phương pháp sau đó, một thế giới biến mất, chỉ còn lại một ít thời khắc đóng băng qua năm tháng. Người La Mã làm thịt những người già cả và tàn tật: bàn tay chỉ còn trơ xương của một phụ nữ được tìm thấy trên bậc của ngôi nhà bị thiêu rụi phơi bày nỗi kinh hoàng và khiếp đảm, tro than của những lâu đài trong Khu Do Thái kể cho ta biết về hoả ngục. Hai trăm đồng tiền được tìm thấy trong một cửa tiệm trên con phố chạy bên dưới cầu thang đồ sộ dẫn đến Đền Thờ, một món tiền ắt hẳn được cất giấu bí mật trong những giờ phút cuối cùng trước khi thành phố thất thủ. Chẳng bao lâu bọn La Mã cũng chán ngấy việc giết chóc. Người Jerusalem bị lùa vào các trại tập trung dựng lên trong Khu Phụ nữ của Đền tại đó họ bị thanh lọc: chiến binh bị giết; người khỏe mạnh được gởi đi làm việc trong các hầm mỏ Ai Cập; ai trẻ và đẹp thì được bán làm nô lệ, được chọn để bị giết trong những trò đánh nhau với sư tử trong gánh xiếc hoặc trong buổi lễ Khải Hoàn.

Josephus lùng sục qua đám tù binh đáng thương trong các sân Đền, tìm kiếm em trai và 50 người bạn mà ông xin Titus tha mạng. Cha mẹ ông chắc đã chết trong cơn loạn lạc. Nhưng ông nhận ra ba người bạn trong số những người bị đóng đinh trên thập giá. ‘Tôi đau xé lòng và báo với Titus,’ ông ta liền ra lệnh mang họ xuống và thuốc thang chăm sóc. Nhưng chỉ có một người sống sót.

Titus quyết định, như Nebuchadnezzar, xóa sổ Jerusalem, một quyết định mà Josephus đổ tội cho phe nổi loạn: ‘Bọn phản nghịch hủy diệt thành phố còn người La Mã hủy diệt bọn phản nghịch.’ Việc đài tưởng niệm hùng vĩ nhất của Herod Đại Đế, Đền Thờ, ngã đổ, ắt hẳn là một thách thức về việc xây dựng. Các đá khối khổng lồ của Cổng Hoàng gia đổ xập xuống vỉa hè mới bên dưới và ở đó chúng được tìm thấy gần 2,000 năm sau thành một đống đồ sộ, đúng như khi chúng rơi xuống, được đá vụn che lấp bên dưới. Đống đổ nát thì được đổ xuống thung lũng sát bên Đền Thờ, gần như lấp kín khe vực, giờ gần như là mất dấu vết, giữa Núi Đền và Thành Thượng. Nhưng những bức tường chống giữ Núi Đền, kể cả Tường phía Tây ngày nay vẫn còn sống sót. Những khối đá xây Đền Thờ của Herod và thành phố đã rơi ra nằm vươn vãi khắp mọi nơi ở Jerusalem, được dùng đi dùng lại bởi mọi người chinh phục và xây dựng Jerusalem, từ người La Mã đến người Ả Rập, từ các Thập Tự quân đến người Ottoman, trong hơn một ngàn năm sau đó.

Không ai biết rõ có bao nhiêu người đã chết ở Jerusalem, và các sử gia cổ đại luôn cẩu thả với những con số. Tacitus nói có 600,000 người trong thành phố bị vây hãm, trong khi Josephus cho là hơn một triệu. Dù còn số thực sự là bao nhiêu,nó phải rất lớn, và tất cả những người này đều chết vì đói, vì bị giết hoặc bị bán làm nô lệ.

Titus lên đường làm một chuyến ăn mừng chiến thắng rùng rợn. Người tình Berenice của ông và ông anh Vua Agrippa tiếp đãi ông trong kinh đô Caesarea Philippi của họ, ngày nay toạ lạc trên Cao nguyên Golan. Tại đó ông nhìn hàng ngàn tù binh Do Thái chém giết nhau đến chết – và giữ mạng trước móng vuốt mãnh thú. Một ít ngày sau, ông xem một nhóm 2,500 người khác biếu diễn cuộc tàn sát tại Caesarea Maritima và thêm nhiều người nữa bị giết chóc để mua vui ở Beirut trước khi Titus trở lại La Mã để ăn mừng lễ hội Khải Hoàn.

Quân viễn chinh ‘phá hủy hoàn toàn phần còn lại của thành phố và giật sập tường thành’. Titus chỉ để lại các tòa tháp của Thành lũy Herod ‘làm đài kỷ niệm cho vận may của mình’. Tại đó Quân đoàn 10 đóng bộ chỉ huy. ‘Đây là đoạn kết mà Jerusalem phải đi đến, Josephus viết, ‘nếu không sẽ là một thành phố hùng tráng và lừng lẫy trên chốn nhân gian’.

Năm thế kỷ trước Jerusalem đã từng bị Nebuchadnezzar, Vua Babylon, tàn phá. Trong vòng 50 năm kể từ lần hủy diệt đầu tiên đó, Đền được xây dựng lại và người Do Thái trở về. Nhưng lần này, sau năm 70 SCN, Đền không hề được xây dựng lại – và, trừ một ít khoảng thời gian xen kẽ ngắn ngủi, người Do Thái sẽ không cai trị Jerusalem lần nữa cho đến gần 2,000 năm sau. Vậy mà trong đống tro tàn của tai họa này vẫn nằm đây những hạt mầm không những của đức tin Do Thái hiện đại mà còn đức tin vào sự thần thành của Jerusalem đối với Cơ đốc giáo và Hồi giáo.

Từ đầu cuộc vây hãm, theo nhiều truyền thuyết trong giới giáo sĩ Do Thái về sau này, Yohanan ben Zakkai, một giáo sĩ khả kính, tự nằm vào quan tài và ra lệnh các đệ tử khiêng ra khỏi thành phố đang chết, một hình tượng của nền tảng đạo Do Thái mới không còn dựa vào sự thờ cúng hiến tế trong Đền Thờ.

Người Do Thái, tiếp tục sống trong vùng quê Judas và Galileo, cũng như trong những cộng đồng rộng lớn trên khắp đế chế La Mã và Ba Tư, than khóc cho Jerusalem đã mất và tôn kính thành phố mãi mãi về sau này. Kinh Thánh và truyền thống truyền khẩu thay thế cho Đền Thờ, nhưng người ta nói rằng Đấng Tối cao đã đợi ba năm rưỡi trên Núi Olives để xem Đền có phục hồi lại chưa – trước khi bay về trời. Sự hủy diệt cũng có tính quyết định đối với tín đồ Cơ đốc.

Cộng đồng Cơ đốc nhỏ ở Jerusalem, do em họ Jesus là Simon dẫn đầu, đã trốn thoát khỏi thành phố trước khi bọn La Mã khép vòng vây. Cho dù có nhiều tin đồ Cơ đốc không phải Do Thái sống đây đó trong thế giới La Mã, những cư dân Jerusalem này vẫn duy trì là một giáo phái Do Thái cầu nguyện tại Đền Thờ. Nhưng bây giờ Đền Thờ đã bị phá hủy, người Cơ đốc tin rằng người Do Thái đã đánh mất ân sủng của Chúa Trời: những đệ tử của Jesus tách riêng ra mãi mãi khỏi đức tin nguồn cội, tự nhận mình là kẻ kế thừa thực sự đối với di sản Do Thái. Người Cơ đốc nhìn thấy một Jerusalem mới mẻ, ở tầng trời, chứ không phải là thành phố Do Thái đổ nát. Các sách Phúc âm sớm nhất, ắt hẳn được soạn ra ngay sau khi cuộc hủy diệt, kể lại Jesus đã thấy trước ra sao cuộc vây hãm thành phố: ‘ngươi sẽ chứng kiến Jerusalem bị quân lính tràn ngập’, và sự phá sập Đền Thờ: ‘Không một viên đá nào còn ở lại.’ Điện thờ đổ nát và sự suy vong của người Do Thái là minh chứng cho một mặc khải mới. Trong thập niên 620, khi Muhammad sáng lập tôn giáo mới, đầu tiên ông ta công nhận những truyền thống Do Thái, cầu nguyện hướng về Jerusalem và tôn kính các tiên tri Do Thái, vì đối với ông cũng vậy Đền Thờ bị phá hủy là mình chứng việc Thượng đế đã ruồng bỏ người Do Thái và giáng phúc cho đạo Hồi.

Mỉa may thay việc Titus quyết định hủy diệt Jerusalem đã giúp cho thành phố trở thành biểu hiện thần thánh cho hai Dân tộc khác của Kinh thánh. Ngay từ khởi đầu, sự linh thiêng của Jerusalem không chỉ tiến hóa mà còn được thăng hoa bởi các quyết định của một nhóm người. Khoảng 1000 TCN, một ngàn năm trước thời Titus, người đầu tiên trong nhóm này đã đánh chiếm Jerusalem: Vua David.

PHẦN MỘT

DO THÁI GIÁO

Thành phố của Chúa Trời, Tổ quốc Thần Thánh của Israel. . . Hãy tỉnh dậy, hãy tỉnh dậy; hãy mang theo sức mạnh; Hỡi, dân Israel, hãy khoác lấy y phục đẹp của ngươi. Hỡi, Jerusalem, thành phố thánh.

Isaiah 60.14, 52.1

Thành phố quê hương tôi là Jerusalem, trong đó toạ lạc đền thờ linh thiêng của Đấng Chúa Trời cao cả nhất. Thành phố thánh là thành phố mẹ không chỉ của một đất nước, Judaea, mà còn của hầu hết những vùng đất khác lân cận, cũng như những vùng đất xa xôi, hầu hết thuốc châu Á, (và) tương tự châu Âu, đó là chưa kể những xứ sở quá bên kia sông Euphrates.

Herod Agrippa I, Vua Judaea, được ghi lại trong Philo, De Specialibus Legibus:

Ai không thấy được Jerusalem trong nét rực rỡ của nó là chưa hề nhìn thấy được một thành phố đang mơ ước trong đời mình. Ai không nhìn thấy Đền Thờ khi đã được xây dựng hoàn thiện là chưa hề nhìn thấy một kiến trúc hoành tráng trong đời mình.

Kinh Talmud Babylon, Tractate of the Tabernacle

Nếu ta quên ngươi, Jerusalem, hay để cho bàn tay phải của ta quên đi sự khéo léo. Nếu ta không nhớ ngươi, hay để lưỡi ta dính chặt vào vòm họng; nếu ta không còn yêu quí ngươi hơn niềm hoan lạc lớn nhất của ta.

Thánh thi 137.5–6

Jerusalem là thành phố tiếng tăm nhất phương Đông.

Pliny the Elder, Natural History, 5.15

CHƯƠNG 1

THẾ GIỚI CỦA DAVID VỊ VUA ĐẦU TIÊN: NGƯỜI XỨ CANAAN

Khi David đánh chiếm thành lũy Do Thái, thì lúc đó Jerusalem đã cổ xưa. Nhưng nó không có vẻ gì là một thành phố, mà chỉ là một cứ địa nhỏ trên núi trong một vùng đất có nhiều địa danh

– Canaan, Judah, Judaea, Israel, Palestine, Đất Thánh đối với tín hữu Kitô, miền Đất Hứa đối với dân Do Thái. Lãnh thổ này, chỉ ngang dọc 100 x 150 dặm, nằm giữa góc đông-nam của Địa Trung Hải và Sông Jordan. Đồng bằng ven biển màu mỡ dọn đường thuận tiện nhất cho bọn xâm lăng và dân buôn bán giữa Ai Cập và các đế chế phương đông. Vậy mà thị trấn hẻo lánh và biệt lập Jerusalem, cách bờ biển gần nhất 30 dặm, cách xa bất kỳ tuyến đường thương mại nào, đứng trên cao giữa cảnh hoang vu đá vàng của các dốc đứng, các hẻm núi và sườn đồi Judaea đầy đá vụn, phơi mình với mùa đông lạnh cắt, đôi khi có tuyết rồi đến mùa hè nóng bức khô héo. Dù sao ở trên chỏm đồi cao ngăn cấm này được lợi về an ninh, và bên dưới thung lũng là một con suối, đủ cung cấp nhu cầu cho một thị trấn.

Hình ảnh lãng mạn của thành phố của David này sống động hơn bất kỳ sự kiện lịch sử chân thật nào. Trong lớp sương mù của thời tiền sử Jerusalem, những mảnh gốm vỡ, những nhà mộ ma quái đục trong đá, những đoạn tường thành, những chữ khắc trong cung điện của các vì vua xa lắc và văn chương linh thiêng của Kinh thánh chỉ có thể cung cấp những chớp loé vụt qua của cuộc sống con người trong nỗi trầm luân chất ngất, cách nhau hàng trăm năm. Những manh mối lỗ chỗ xuất hiện ném một thứ ánh sáng chập chờn vào những thời khác bất chợt của một nền văn minh đã mất, sau đó là hàng thế kỷ sinh tồn mà chúng ta mù tịt – cho đến khi một tia loé rọi sáng một hình ảnh khác. Chỉ có những mùa xuân núi non và thung lũng vẫn còn như cũ, và thậm chí chúng có thể đã đổi hướng, thay diện mạo, và bị lấp đầy sau hàng ngàn năm dãi dầu mưa nắng, gạch vụn và nỗ lực của con người. Dù nhiều dù ít điều này là chắc chắn: vào thời Vua David, tính linh thiêng, an ninh và thiên nhiên đã kết hợp để tạo ra Jerusalem thành một thành trì cổ được xem như bất khả xâm phạm.

Con người đã sống ở đấy từ 5000 TCN. Vào đầu Thời kỳ Đồ Đồng, khoảng 3200 TCN, khi mẹ của các thành phố, Uruk, ở Iraq ngày nay, đã là nhà của 40,000 cư dân, và Jericho gần đó là một thị trấn kiên cố, dân chúng mang người chết chôn trong những nhà mộ trên đồi Jerusalem, và bắt đầu xây cất những ngôi nhà vuông nhỏ trong làng có tường bao bọc trên một ngọn đồi phía dưới là con suối. Ngôi làng này lúc đó đã bị bỏ hoang nhiều năm. Jerusalem không hẳn tồn tại trong thời gian các pha-ra-ông Ai Cập thời Vương quốc Cũ vươn tới đỉnh cao của kỹ thuật xây dựng kim tự tháp của họ và hoàn tất Tượng Nhân Sư Vĩ đại. Rồi vào thập niên 1900 TCN, tại thời điểm khi nền văn minh Minoan hưng thịnh ở Create, Vua Hammurabi chuẩn bị soạn thảo bộ luật nổi tiếng của mình ở Babylon và người Briton (tổ tiên người Anh ngày nay) đang thờ phụng vòng đá Stonehedge, một số mảnh gốm được tìm thấy gần Luxor ở Ai Cập có đề cập đến một thành phố có tên Ursalim, một phiên bản của Salem hay Shalem, vị thần sao hôm. Cái tên có thể mang nghĩa ‘Salem đã thành lập’. *

* Các Pha-ra-ông Ai Cập khát khao muốn cai trị Canaan vào thời gian đó nhưng không rõ họ có thực sự thực hiện được việc ấy hay không. Có thể họ đã sử dụng những biểu tượng gốm này để nguyền rủa các nhà cai trị thách thức của kẻ thù hoặc để thể hiện những khát vọng của mình. Các giả thuyết về những mảnh gốm này đã thay đổi nhiều lần, cho thấy khoa khảo cổ cũng có nhiều lối lý giải như khoa học. Từ lâu các nhà khảo cổ tin rằng người Ai Cập đập vỡ những bình gốm hay hình nhân gốm để nguyền rủa hoặc trù ếm những địa danh viết trên đó.

Trở lại Jerusalem, một khu định cư đã phát triển quanh Suối Gihon: các cư dân Canaan cắt một con kênh xuyên qua đá dẫn đến một hồ nước bên trong tường thành của họ. Một hành lang ngầm bảo vệ dân chúng đi lấy nước. Những khai quật khảo cổ mới nhất tại địa điểm phát hiện rằng họ canh giữ suối nước bằng một tháp canh và một bức tường đồ sộ, dày 23 bộ, sử dụng khối đá nặng đến 3 tấn. Tháp canh cũng có thể được sử dụng như một đền thờ ca tụng sự lính thiêng của suối nước. Tại những khu vực khác ở Canaan, các ông vua mộ đạo xây dựng các đền thờ-tháp canh kiên cố. Phía cao trên đồi, những tàn tích của một tường thành đã được phát hiện, bức tường thành có sớm nhất ở Jerusalem. Người Canaan hóa ra là những nhà xây dựng trên một qui mô ấn tượng hơn bất cứ dân nào khác ở Jerusalem cho đến khi Herod Đại Đế xuất hiện gần 2,000 năm sau.

Cư dân Jerusalem trở thành thần dân của Ai Cập sau khi Ai Cập chinh phục Palestine vào năm 1458 TCN. Binh sĩ đồn trú Ai Cập canh giữ Jerusalem Jaffa và Gaza gần đó. Vào năm 1350 TCN, ông vua Jerusalem hoảng sợ năn nỉ chúa công của mình, Akhenaten, vị pha-ra-ông của Vương quốc mới của Ai Cập, gởi quân tiếp cứu – cho dù chỉ ’50 cung thủ’ – đến bảo vệ vương quốc nhỏ của mình khỏi sự gây hấn của các vua lân bang và băng đảng cướp bóc.

Vua Abdi-Hepa gọi thành lũy của mình là ‘kinh đô Lãnh thổ Jerusalem từ đó có tên Beit Shulmani’, Ngôi nhà Hạnh Phúc. Có lẽ từ Shulman là nguồn gốc của ‘Shalem’ trong tên của thành phố.

Abdi-Hepa là một thế lực còm cõi trong một thế giới bị người Ai Cập thống trị ở phía nam, người Hittite ở phía bắc (trong địa phận thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) và ở phía tây bắc thì có người Hy Lạp gốc Mycenea sau này sẽ tham chiến trong Trận Chiến Thành Troy. Tên của nhà vua là tiếng Semit miền tây – Semit là tên nhiều dân tộc và ngôn ngữ Trung Đông, được cho là xuất thân từ Shem, con trai của Noah (người được Chúa căn dặn đóng con tàu thật lớn để tránh cơn đại hồng thủy sẽ bị Ngài giáng xuống trừng phạt con người tội lỗi: ND). Do đó Abdi-Hepa có thể tới từ bất cứ nơi đâu trong vùng đông bắc Địa Trung Hải. Lời kêu gọi của ông, được tìm thấy trong văn khố vị pha-ra-ông, biểu lộ sự hoảng sợ và bợ đỡ, những chữ viết đầu tiên được biết của một cư dân Jerusalem.*

* Có khoảng 380 bức thư, được viết bằng tiếng Babylon trên những bảng đất sét đã nung, bởi những lãnh tụ địa phương gọi cho Pha-ra-ông Amenhotep IV (1352–1336). Văn khố hoàng gia của ngoại trưởng được phát hiện năm 1887 tại kinh đô mới Akhenaten, giờ là El-Amarna, phía nam Cairo. Một giả thuyết cho rằng Habiru là những người Hebrews/Israelites đầu tiên. Có thể người Hebrew xuất thân từ một nhóm nhỏ người Habiru (xem bên dưới bức thư bên dưới).

Dưới chân nhà vua thần xin lạy 7 lần 7 lần. Đây là hành động mà bọn Milkily và Shuwardatu đã vi phạm lãnh thổ – chúng đã dẫn binh lính Gezer. . . chống lại luật lệ của nhà vua. Lãnh thổ của nhà vua đã lọt vào tay bọn Habiru (bọn thổ phỉ cướp bóc). Và giờ đây một thị trấn thuộc Jerusalem đã lọt vào bọn người Qiltu. Xin nhà vua hãy lắng nghe Abdi-Hepa tôi tớ của ngài mà phái đến các cung thủ.

Chúng ta không nghe nói gì thêm, nhưng cho dù có gì xảy ra cho vị vua bấn loạn này, thì chỉ sau một thế kỷ người Jerusalem đã xây dựng những kiến trúc nhà đâu tường dốc cao ở phía trên Suối Gihon trên đồi Ophel đến ngày nay vẫn còn, nền tảng của một thành lũy hoặc đền thờ của Salem. Những tường thành, tháp canh và dãy nhà liền kề vững mạnh này là một bộ phận của thành lũy Canaan được biết dưới tên Zion mà David sẽ đánh chiếm. Ở một thời điểm nào đó trong thế kỷ 13 TCN, một dân tộc có tên Jebusites chiếm đóng Jerusalem. Nhưng giờ đây vùng Địa Trung Hải cũ đã bị xé nát bởi những làn sóng người gọi là Bọn Người miền Biển từ biển Aegea đến.

Trong cơn bão tố cướp bóc và di dân này, các đế chế thoái trào. Người Hittite thất thủ, người Mycenae bị tận diệt một cách bí ẩn, Ai Cập rúng động – và một dân tộc có tên Hebrew (tức dân Israel nói tiếng Semit) lần đầu tiên xuất hiện.

ABRAHAM Ở JERUSALEM: NGƯỜI ISRAEL

‘Thời kỳ Tối Tăm’ mới này, vốn kéo dài 3 thế kỷ, cho phép dân Hebrew, cũng được biết dưới tên Israel, một dân tộc vô danh tôn thờ chỉ một Thần linh, đến định cư và xây dựng một vương quốc trong miền đất nhỏ hẹp ở Canaan. Trình độ tiến bộ của họ được minh họa bằng những câu chuyện về sự sáng thế, xuất xứ của mình và mối giao tiếp của họ với Chúa Trời của mình. Họ truyền xuống những truyền thống này cho con cháu sau đó được ghi chép thành văn bản Hebrew lính thiêng, rồi được biên tập thành Ngũ Kinh Moses, Pentateuch, phần đầu của kinh thánh Do Thái, Tanakh. Kinh thánh trở thành kinh vua của những kinh, nhưng nó không phải là một văn kiện. Nó là một thư viện thần bí những văn bản đan xen do nhiều tác giả vô danh viết và biên tập tại những thời điểm khác nhau với những mục tiêu phân tán rộng lớn.

Công trình linh thiêng của quá nhiều thời đại và quá nhiều bàn tay chứa đựng một số sự thật lịch sử có thể minh chứng, một số câu chuyện có tính huyền thoại không chứng minh được, một số thi ca đẹp đẽ cao tột, và nhiều đoạn văn bí ẩn khó hiểu, có thể bị mã hóa, có thể đơn giản là do dịch sai. Phần đông được viết ra không phải để kể lại những sự kiện mà để xiển dương một chân lý cao hơn – mối quan hệ giữa một dân tộc với Chúa Trời của mình. Đối với tín đồ, Kinh thánh đơn giản là hoa trái của sự mặc khải thần thánh. Đối với sử gia, đây là nguồn tư liệu xung đột, không thể tin cậy, lặp đi lặp lại, * vậy mà vô giá, thường là nguồn tư liệu duy nhất ta có được – và cũng thực sự là tiểu sử đầu tiên và tuyệt vời nhất về Jerusalem.

* Sự sáng tạo vũ trụ xuất hiện hai lần trong Sáng Thế Ký 1.1–2.3 và 2.4–25. Có hai phả hệ của Adam, hai câu chuyện về đại hồng thủy, hai việc đánh chiếm Jerusalem, hai chuyện trong đó Chúa Trời thay tên của Jacob thành Israel. Có nhiều lần viết sai niên đại – chẳng hạn, sự hiện diện của người Philistine và Aramea trong Sáng Thế Ký khi họ chưa đến Canaan. Lạc đà được sử dụng để chở hàng xuất hiện quá sớm. Các học giả tin rằng những bộ Kinh thánh đầu tiên được soạn bởi những nhóm tác giả riêng rẽ khác nhau, nhóm đề cao El, vị thần vùng Canaan, và nhóm khác nhấn mạnh Yahweh, Chúa Trời độc nhất của dân Israel. Tuy vậy chúng vẫn là nguồn tư liệu vô giá, đôi khi là duy nhất còn lại đối với chúng ta – và do đó cũng là tiểu sử đầu tiên đồ sộ của Jerusalem.

Đấng tổ phụ khai sinh dân tộc Hebrew, theo Sáng Thế ký, quyển đầu tiên của Kinh thánh, là Abram – người được mô tả như đã đi từ Ur (ngày nay ở Iraq) để định cư ở Hebron. Miền đất này ở Canaan, đất được Chúa Trời hứa cho ông, và đặt tên ông lại là ‘Cha của các Dân tộc’ – Abraham. Trên chuyến đi của mình, Abraham được Melchizedek, vua-giáo sĩ của Salem, tiếp đón nhân danh El-Elyon, Chúa Trời Tối cao. Việc này, lần đầu tiên thành phố được đề cập đến trong Kinh thánh, cho thấy Jerusalem đã là một điện thờ của người Canaan được những vị vua-giáo sĩ cai trị. Sau đó Chúa thử lòng Abraham bằng cách ra lệnh cho ông hiến tế con trai mình Isaac trên một ngọn núi trong ‘vùng đất Moriah’ – được nhận diện là Núi Moriah, Núi Đền của Jerusalem.

Cháu nội xảo quyệt của Abraham là Jacob dùng mưu mẹo để giành quyền con trưởng đối với người anh song sinh của mình, nhưng chuộc lỗi trong một trận đấu vật với một người lạ. Người này hóa ra là Chúa Trời, từ đó Jacob có tên mới là Israel – Người Đấu Với Chúa. Ông trở thành tổ phụ của dân tộc Do Thái với cái tên Israel quá hợp lý, mà mối quan hệ với Chúa Trời sẽ rất thống khổ và dày vò. Israel là người cha sáng lập ra 12 bộ tộc di cư đến Ai Cập. Có quá nhiều xung khắc trong những câu chuyện của những đấng gọi là Tổ phụ đến nỗi không thể xác định được chính xác niên đại. Sau 430 năm, Sách Xuất Hành mô tả dân Israel bị áp bức như nô lệ buộc phải xây dựng các thành phố cho các pha-ra-ông, về sau trốn thoát một cách mầu nhiệm khỏi Ai Cập nhờ sự trợ giúp của Chúa Trời (đến nay vẫn còn được người Do Thái làm lễ mừng gọi là Lễ Vượt Qua), do một ông hoàng Hebrew tên là Mose. Khi họ lang thang qua Sinai, Chúa trao cho Moses Mười Điều Răn. Nếu người Israel sống và thờ kính theo những qui tắc này, Chúa hứa sẽ cho họ vùng đất Canaan. Khi Moses muốn biết bản chất của Chúa Trời này, hỏi ‘Ngài tên là gì?’, ông nhận được câu trả lời khoả lấp một cách uy quyền, ‘TA LÀ ĐIỀU TA LÀ,’ một Chúa Trời không tên, mà tiếng Hebrew là YHWH: Yahweh hay, như tín đồ Cơ đốc sau này đánh vần sai, Jehovah. *

* Khi Đền Thờ có mặt ở Jerusalem, chỉ có giáo trưởng, mỗi năm một lần, mới có thể thốt được bốn chữ YHWH, còn dân Do Thái, cho dù ngày nay, cấm nói bốn chữ ấy, chỉ thích dùng chữ Adonai (Chúa), hoặc chỉ nói Hashem (Tên không thể thốt được).

Nhiều người Semit lập nghiệp ở Ai Cập; Rames II Đại Đế ắt hẳn là vị pha-ra-ông đã cưỡng bách dân Do Thái làm việc trên những thành phố-kho hàng (thành phố trong đó xây cất nhiều kho quân nhu cho quân đội) của mình; tên của Moses là tiếng Ai Cập, gợi ý rằng ít nhất ông xuất thân từ đó; và không có lý do để nghi ngờ rằng nhà lãnh đạo quyền uy đầu tiên của các tôn giáo độc thần – Moses hoặc ai đó như ông – đã nhận được mặc khải thần thánh này về sự khởi đầu của các tôn giáo. Truyền thống về một dân tộc Semit thoát khỏi cảnh áp bức có thể tin được nhưng niên đại thì vẫn còn thách đố các sử gia.

Moses ngắm nhìn Miền Đất Hứa từ Núi Nebo nhưng qua đời trước khi ông đến được đó. Chính người kế vị ông Joshua đã dẫn dắt dân Israel vào đất Canaan. Kinh thánh mô tả hành trình của họ, vừa thịnh nộ đẫm máu rồi hòa giải dần dần. Không có chứng cứ khảo cổ cho thấy có một cuộc chinh phục nhưng các dân lập nghiệp ở miền quê tìm thấy nhiều ngôi làng không có tường bao trong vùng cao nguyên xứ Judaea. Một nhóm nhỏ người Do Thái, trốn khỏi Ai Cập, ắt hẳn đã có mặt trong số đó. Họ có tính thần đoàn kết bởi tôn thờ cùng vị Chúa Trời – Yahweh – mà họ bày cúng trong một đền thờ mang đi được, gọi là Lều Thờ, nơi cất giữ một hòm gỗ thiêng gọi là Hòm Giao ước. Có lẽ họ đã chế tác nhân thân của mình bằng cách kể những câu chuyện về các Tổ phụ dựng nước. Nhiều truyền thống này, từ Adam và Vườn Địa Đàng đến Abraham, sau này sẽ được tôn thờ không chỉ bởi người Do Thái mà còn bởi các người Kitô giáo và Hồi giáo – và sẽ được toạ lạc ở Jerusalem.

Người Israel giờ đang đến rất gần thành phố lần đầu tiên.

CHƯƠNG 2

SỰ XUẤT HIỆN CỦA DAVD

DAVID THỜI TRẺ

Joshua dựng doanh trại ở Shechem phía bắc Jerusalem, tại đó ông xây một điện thờ Yahweh. Jerusalem là nơi định cư của dân Jebusite, do Vua

Adonizedek cai trị, tên ông ta cho biết ông là nhà vua-giáo sĩ. Adonizedek kháng cự lại Joshua nhưng bị đánh bại. Nhưng mà ‘những người con của Judah không thể đánh đuổi người Jebusite’, và dân Jebusite vẫn sinh sống cạnh các con của Judah cho đến hôm nay’. Khoảng 1200 TCN, Merneptah, con trai của Ramses Đại Đế và có thể là vị pha-ra-ông đã buộc phải để cho người Israel của Moses ra đi, đối mặt với những cuộc đột kích của các Bọn Người Miền Biển – đang gây cho các đế chế cũ vùng Cận Đông lâm vào cảnh tứ tán. Vị pha-ra-ông đánh phá Canaan để tái lập trật tự. Khi trở về nhà, ông cho khắc chiến công của mình trên những bức tường tại đền thờ ở Thebes, tuyên bố mình đã đánh bại Bọn Người Miền Biển, chiếm lại Ashkelon – và tàn sát một dân tộc lần đầu tiên mới xuất hiện trong lịch sử: ‘Israel bị hủy diệt nhưng hạt mầm của nó thì không.’

Israel lúc đó chưa phải là một vương quốc; mà đúng ra, như Sách ác Đại Tiên tri đã kể lại, nó là một liên minh các bộ tộc do các trưởng lão cai quản giờ đang bị một kẻ thù mới thách thức: người Philistine, một nhánh của Người Miền Biển, có gốc gác ở Aegean. Họ chinh phục bờ biển Canaan, xây dựng 5 thành phố giàu có nơi đó họ dệt áo, làm gốm đỏ và đen, và thờ phụng nhiều thần linh. Người Israel, những kẻ chăn cừu trên đồi từ những ngôi làng nhỏ, không phải là đối thủ của dân Philistine khôn lanh này. Bộ binh của họ mặc áo giáp sắt, đội mũ sắt, quấn chân bằng đệm sắt kiểu Hy Lạp, và bố trí vũ khí cận chiến thách thức chiến mã xa cồng kềnh của người Ai Cập.

Các chủ tướng uy dũng Israel được bầu ra – các Judges (Đại Tiên tri) – để chiến đấu với quân Philistine và Canaan. Có chỗ, một phiên bản ít được ngó ngàng tới của Sách các Đại Tiên tri chép rằng người Israel chiếm và đốt thành Jerusalem; nếu thế thì họ không xoay sở để giữ được căn cứ.

Tại Trận Ebenezer khoảng 1050 TCN, người Philistine đè bẹp người Israel, phá hủy điện thờ của họ ở Shiloh, chiếm Hòm Giao ước, biểu tượng linh thiêng của Yahweh, và tiến vào vùng đồi quanh Jerusalem. Đối đầu với viễn cảnh bị tiêu diệt và mong muốn ‘như những dân tộc khác’, người Israel quyết định bầu ra một vị vua, do Chúa Trời lựa chọn. Họ quay sang nhà tiên tri đang già khú của họ, Samuel. Các tiên tri không phải là người tiên đoán tương lai mà chỉ là người phân tích hiện trạng – từ gốc Hy Lạp propheteia có nghĩa là lý giải ý các thần linh. Người Israel cần một thủ lĩnh quân sự: Samuel chọn một chiến binh trẻ, Saul, và xức dầu thánh cho chàng trai. Chỉ huy từ một thành lũy trên đỉnh đồi ở Gibeon (Tell al-Ful), chỉ cách Jerusalem ba dặm về hướng bắc, ‘người đội trưởng này của nhân dân Israel của tôi’ minh chứng việc mình được chọn lựa xứng đáng bằng cách đánh tan tác người Moabites, Edomites và Philistines.* Nhưng Saul không thích hợp để làm vua: ‘một quỷ dữ từ Thượng đế quấy phá ông.’

* Do Kinh Thánh, từ ‘Philistine’ đã đi vào ngôn ngữ Anh để mô tả sự thiếu văn hoá (mặc dù nền văn hóa của họ rất tinh tế). Philistine cũng góp tên mình vào vùng đất sau này trở thành Palestina thuộc La Mã, từ đó có tên Palestine.

Samuel, đối mặt với một ông vua không ổn định tâm trí, bí mật đi tìm người khác. Ông cảm nhận có hình bóng một vĩ nhân trong số tám con tlesse ở Bethlehem: David, người trẻ nhất, ‘khôi ngô, tuấn tú, và rất ưa nhìn. Và Chúa Trời nói, Hãy đứng lên, xức dầu thánh cho cậu: vì chính là cậu đó.’ David cũng ‘lanh lợi khi chơi đùa, một người có dũng khí vượt trội, và một người của chiến trường, và thận trọng trong mọi việc’. Cậu lớn lên thành một nhân vật nổi bật nhất mà cũng phức tạp trong Cựu Ước. Người sáng lập Jerusalem linh thiêng là một thi sĩ, người chinh phục, tên sát nhân, kẻ ngoại tìnhl, tinh chất của một vị vua thần thánh và kẻ phiêu lưu dạn dày.

Samuel mang chàng trai David tới triều và Vua Saul chỉ định cậu làm một trong số những người mang giáp binh cho mình. Khi nhà vua lên cơn điên dại, David thể hiện món quà trời cho đầu tiên của cậu: cậu chơi đàn hạc ‘thế là Saul khuây khỏa trở lại’. Tài năng âm nhạc của David là một yếu tố quan trọng trong sức thu hút của cậu: một số Thánh thi được gán cho ông có thể là do ông sáng tác.

Quân Philistine tiến lên thung lũng Elah. Saul và binh lính đối diện với địch. Người Philistine đưa ra một chiến binh khổng lồ, Goliath xứ Gath, mà bộ áo giáp đầy đặn của hắn tương phản với bộ quân trang mỏng manh của quân Israel. Saul e ngại một trận đánh có bày binh bố trận vì thế ắt hẳn ông nhẹ nhõm, nếu không muốn nói là phân vân, khi David tiến lên cho rằng chỉ một phát là có thể hạ được Goliath. David chọn ‘năm hòn đá phẳng phiu bên bờ suối’ và, với chiếc ná trong tay, cậu ‘giương ná và bắn tên khổng lồ ngay giữa trán, hòn đá ghim sâu vào trán hắn’. Cậu chặt thủ cấp của tên vô địch đã ngã xuống và quân Israel ào tới đánh đuổi quân Philistine đến tận thành phố Ekron của họ. Dù sự thật của câu chuyện ra sao, câu chuyện cho biết là ngay thời trai trẻ David đã làm nên tên tuổi của một chiến binh. *

* Ná thời đó không phải là đồ chơi trẻ con mà là một vũ khí lợi hại: các ‘ná thủ’ được mô tả trong các phù điêu tại Beni Hasan ở Ai Cập đứng bên cạnh các cung thủ khi lâm trận. Những phù điêu hoàng gia ở Ai Cập và Assyria cho thấy lực lượng lính bắn ná lập thành những đơn vị chính qui trong quân đội đế chế vào thời cổ đại. Người ta cho rằng những tay bắn ná thiện xảo có thể phóng đi những hòn đá nhẵn cở bóng quần vợt đi với tốc độ 100-150 dặm một giờ.

Saul thăng chức David nhưng các thiếu nữ trên đường phố cùng hát vang ‘Saul đã giết được hàng ngàn; còn David giết được hàng vạn.’ Con trai của Saul là Jonathan làm bạn với David và con gái ông Michal yêu cậu. Saul cho phép họ làm lễ cưới nhưng trong lòng vẫn đố kỵ: ông ta hai lần định giết con rể bằng giáo. Công chúa Michal cứu mạng chàng bằng cách thả chàng xuống qua một cửa sổ cung điện, và sau đó các giáo sĩ ở Nob cho chàng trú ẩn. Nhà vua đuổi theo, giết tất cả giáo sĩ trừ một người, nhưng David lại chạy thoát được lần nữa, trên đường bôn tẩu chàng trở thành chúa đảng của 600 tên thảo khấu. Hai lần chàng mò tới bên giường của nhà vua đang ngủ nhưng không đành xuống tay. Biết được, Saul than khóc: ‘Nhà ngươi cao thượng hơn ta.’

Cuối cùng David về đầu quân dưới trướng Vua Philistine xứ Gath và được phong tặng thành phố Ziklag. Quân Philistine lần nữa xâm chiếm Judah và đánh bại Saul tại Núi Gilboa. Con trai ông bị giết và chính nhà vua cũng ngã trên lưỡi gươm của mình để tự sát.

CHƯƠNG 3

VƯƠNG QUỐC VÀ ĐỀN THỜ

DAVID: THÀNH PHỐ HOÀNG GIA

Một thanh niên xuất hiện trước trại David tuyên bố mình đã giết Saul: ‘Tôi đã giết người được Chúa Trời xức dầu thánh.’ David liền giết tên đưa tin và rồi than khóc Saul và Jonathan trong vầng thơ bất hủ:

Vẻ đẹp của Israel đã bị tàn sát: người hùng mạnh đã ngã xuống đau đớn biết bao! Các người con gái của Israel, hãy than khóc Saul, người đã mặc cho các ngươi áo tía, trang điểm vòng vàng trên áo các ngươi và những niềm hoan lạc khác. . . Saul và Jonathan khi sống thật đáng yêu và ân cần, và đến chết vẫn không chia lìa: họ nhanh hơn đại bàng, mạnh hơn sư tử. . . Người hùng mạnh đã ngã xuống đau đớn biết bao và vũ khí chiến tranh bị tiêu hủy đau đớn biết bao!

Vào thời khắc đen tối này, các bộ tộc phía nam của Judah xức dầu thánh cho David tôn ông làm vua với Hebron là kinh đô, trong khi đứa con trai còn sống của Saul là Ishbosheth kế vị Saul lên cai trị các bộ tộc phía bắc của Israel. Sau cuộc chiến 7 năm, Ishbosheth bị mưu sát và các bộ tộc phía bắc cũng xức dầu thánh phong David làm vua. Vương quyền được thống nhất nhưng sự rạn nứt giữa Israel và Judah là mối chia rẽ chỉ có David đầy uy lực có thể chữa lành.

Jerusalem, được biết dưới tên Jebus theo tên cư dân Jebusite, toạ lạc ngay phía nam của căn cứ của Saul, Gibeon. David và binh lính ông tiến lên thành lũy Zion, đối diện với những công sự đáng sợ mới gần đây được khai quật quanh Suối Gihon. Zion được cho là bất khả xâm phạm và làm thế nào David đánh chiếm được nó còn là điều bí ẩn. Kinh thánh mô tả quân Jebusite sắp xếp người mù và què đứng trước tường thành, một hình thức cảnh cáo ai dám tấn công đều sẽ chịu chung số phận như những người này. Nhưng nhà vua đã tìm cách đột kích vào thành phố – qua phương tiện mà Kinh thánh Do Thái gọi là zinnor. Đây có thể là đường hầm dẫn nước, một đường hầm thuộc mạng lưới giờ được khai quật trên đồi Ophel, hoặc nó có thể là tên của một thứ ma thuật nào đó. Dù cách nào, thì ‘David cũng chiếm được cứ địa Zion và đổi tên là thành phố David.’

Việc đánh chiếm này cũng có thể là một cuộc đảo chính cung đình vì David không tàn sát người Jebusite; mà ông còn kết nạp họ vào triều đình và quân đội của mình. Ông đổi tên Zion thành Thành phố David, tu bổ tường thành và triệu hồi chiếc Hòm Giao ước (đã chiếm lại được trong trận chiến) về Jerusalem. Tính linh thiêng đáng sợ của nó đã giết chết một phu khiêng di chuyển nó, vì thế David giao nó cho một Git tin cẩn cho đến khi có thể khiêng đi an toàn. ‘David và mọi dân Israel mang chiếc hòm của Chúa Trời lên trong tiếng hò reo và tiếng kèn vang dội.’ Vận chiếc khố của tăng lữ, ‘David nhảy múa trước Chúa Trời với tất cả sức lực.’ Đáp lại, Chúa hứa với David, ‘ngôi nhà ngươi và vương quốc ngươi sẽ vững chắc mãi mãi’. Sau nhiều thế kỷ tranh đấu, David tuyên bố rằng Yahweh đã thiết lập một quê nhà vĩnh hằng tại thành phố thánh.

Michal, con gái của Saul, chế giễu chồng mình phủ phục trước Chúa Trời trong tấm thân nửa trần truồng là cách phô diễn hợm hĩnh thô lỗ. Trong khi những sách trước đó của Kinh thánh là pha trộn giữa những văn bản cổ đại và những câu chuyện được viết lại mãi về sau, thì chân dung trần trụi, tạp sắc của David, được che giấu bên trong Sách về Samuel và Sách về các Vua, đọc rất sống động đến nỗi có thể câu chuyện đã được một triều thần chấp bút.

David chọn cứ điểm này làm kinh đô vì nó không thuộc các bộ tộc phương bắc lẫn xứ Judah phương nam của mình. Ông mang những tấm khiên bằng vàng của kẻ thù bị khuất phục về Jerusalem, tại đó ông xây dựng cho mình một cung điện, nhập khẩu gỗ tuyết tùng từ các đồng minh Phoenicia ở Tyre. David được cho là đã chinh phục một vương quốc trải dài từ Lebanon đến tận biên giới Ai Cập, và về phía đông đến tận Jordan và Syria ngày nay, thậm chí đóng một lực lượng đồn trú ở Damascus. Nguồn tư liệu duy nhất chúng ta có là Kinh thánh: giữa những năm 1200 và 850 TCN, những đế chế Ai Cập và Iraq đang suy yếu nên chỉ để lại những ghi chép sơ sài, nhưng họ cũng để lại những khoảng trống quyền lực. David chắc chắn có thực: một bản khắc tìm được ở Tel Dan phía bắc Israel vào năm 1993 có niên đại từ thế kỷ 9 TCN cho biết các vua của Judah được biết dưới tên ‘ngôi nhà của David’, chứng tỏ David là người sáng lập vương quốc.

1

Năm 1994, các nhà khảo cổ tìm được phiến đá này ở Tel Dan, trên đó Vua Hazael xứ Aram-Syria, huênh hoang về thắng lợi của mình trước Judaea, ‘ngôi nhà của David’, từ đó khẳng định David là có thật.

Tuy vậy Jerusalem của David rất nhỏ hẹp. Tại thời điểm này, thành phố Babylon, thuộc Iraq ngày nay, rộng đến 2,500 mẫu; thậm chí thị trấn Hazor gần đó rộng đến 200 mẫu. Jerusalem chắc chắn không hơn 15 mẫu, chỉ đủ sinh sống cho non 1200 người quanh thành lũy. Nhưng những khai quật các công sự gần đây nằm phía trên Suối Gihon chứng tỏ Zion của David bề thế hơn trước đây vẫn nghĩ nhiều, cho dù nó còn lâu mới đáng là kinh đô một đế chế.*

* Qui mô của thành phố David là vấn đề gây nhiều tranh cãi giữa phe Nhỏ cho rằng nó chỉ là một thành lũy nhỏ của một tộc trưởng và phe Lớn ôm trọn cả kinh đô đế chế theo những câu chuyện trong Kinh thánh. Trước khi dòng chữ khắc Tel Dan được phát hiện, thậm chí phe cực Nhỏ ám chỉ rằng David không hề tồn tại, vì thiếu các chứng cứ khảo cổ ngoài Kinh thánh. Năm 2005 Tiến sĩ Eilat Mazor thông báo rằng mình đã phát hiện được cung điện Vua David. Rất nhiều người nghi ngờ, nhưng những khai quật của bà dường như phát lộ một tòa nhà công cộng thế kỷ 10 bề thế, cũng với những công sự của người Canaan và những cấu trúc bậc thang, có thể đã tạo ra thành lũy David.

Vương quốc của David, được chinh phục với các binh sĩ đánh thuê người Cretia, Philistine và Hittite, thì cũng đáng tin, tuy Kinh thánh có phóng đại, thực ra chỉ là một liên minh các bộ tộc đoàn kết được nhờ vào tính cách của ông. Người Maccabee, mãi về sau này, sẽ cho thấy bằng cách nào những chủ tướng năng động có thể nhanh chóng chinh phục một đế chế Do Thái thừa dịp có một khoảng trống quyền lực trong đế chế.

Một buổi chiều, David đang thư giãn trên mái cung điện: ‘ông trông thấy một phụ nữ đang tắm, người rất đẹp và ưa nhìn. David liền cho người đến để hỏi thăm về cô ta. Một người tâu, ‘Bộ không phải là Bathsheba sao?’ Người phụ nữ đã kết hôn với một chỉ huy đội quân đánh thuê không phải người Israel, Uriah dân Hittite. David liền triệu cô đến gặp mình và ‘nàng đến với ông và ông ngủ với nàng’, khiến nàng mang bầu. Vua ra lệnh cho chỉ huy của mình là Joab gọi chồng nàng từ mặt trận ở xứ Jordan ngày nay về. Khi Uriah về đến, David ra lệnh cho y về nhà để ‘rửa chân’, trong bụng tạo dịp cho Uriah ngủ với Bathsheba để che giấu tác giả của bào thai. Nhưng Uriah từ chối vì thế David ra lệnh cho y mang thư này đến Joab: ‘Sắp xếp cho Uriah ở tiền tuyến trong trận đánh nào ác liệt nhất . . . để y bị trừng phạt.’ Uriah bị tử trận.

Bathsheba trở thành người vợ được David sủng ái. Nhưng nhà tiên tri Nathan kể cho nhà vua câu chuyện về một tên nhà giàu có đủ mọi thứ mà còn ăn cắp con cừu duy nhất của một nông dân nghèo. David rất bất bình trước hành động bất công này: ‘Tên đó đáng tội chết!’ ‘Ngài chính là tên nhà giàu đó,’ Nathan đáp. Nhà vua mới ngộ ra là mình đã phạm một tội tày trời. Ông và Bathsheba mất đứa con đầu tiên sinh ra từ tội lỗi này – nhưng đứa con thứ hai của họ, Solomon, sống sót.

Còn lâu mới là một triều đình đúng mực của một ông vua thánh, David chủ trì một đấu trường gấu, nghe như thật từ mọi chi tiết. Như nhiều đế chế được dựng quanh một nhân vật hùng mạnh, khi ông bệnh nặng, những vết nứt bắt đầu xuất hiện: các con trai của ông tranh giành quyền kế vị. Trưởng nam của ông, Amnon, được dự kiến kế vị David nhưng người mà David sủng ái là người em khác mẹ của Amnon, anh chàng Absalom hư đốn và đầy tham vọng, với bộ tóc vàng rực và thân hình không tì vết: ‘trong toàn xứ Israel không ai có vẻ đẹp được ca tụng nhiều như Absalom’.

ABSALOM: SỰ PHẤT LÊN VÀ PHỊU XUỐNG CỦA MỘT HOÀNG TỬ

Sau khi Amnon lừa được em gái của Absalom Tamar vào nhà mình rồi hiếp dâm cô ta, Absalom cho người ám sát Amnon ở ngoài thành Jerusalem. Khi David than khóc, Absalom trốn khỏi kinh đô và chỉ ba năm sau mới quay về. Nhà vua và người con ông sủng ái hòa giải nhau: Absalom cúi xuống đất trước ngai vàng và David ôm hôn y. Nhưng Hoàng tử Absalom vẫn chưa thỏa mãn tham vọng của mình. Y diễu hành qua Jerusalem trong chiến mã xa với 50 người chạy đằng trước. Y làm suy yếu chính quyền của thân phụ – ‘Absalom đánh cắp trái tim của Israel’ – và lập nên một triều đình phản nghịch của mình ở Hebron.

Dân chúng tụ tập về vầng mặt trời đang mọc, Absalom. Nhưng giờ đây David phục hồi được tinh thần trước đây của mình: ông mang theo Hòm Giao ước, biểu tượng của ân sủng Chúa Trời, rồi rời bỏ Jerusalem. Trong khi Absalom đóng đô tại Jerusalem, vị vua già chiêu tập các lực lượng. ‘Hãy vì ta mà nương tay với con trẻ,’ David dặn dò vị tướng lĩnh của mình, Joab. Khi các lực lượng của David tàn sát bọn phản loạn ở cánh rừng Ephraim, Absalom cởi lừa trốn chạy. Bộ tóc lộng lẫy của y đã làm hại y; ‘và con lừa chạy bên dưới những cành lá xum xuê của một tán sồi già, và đầu tóc y bị vướng vào cành sồi, con lừa thì cứ chạy đi, và y lơ lửng giữa trời và đất.’ Khi bắt gặp Absalom đang treo lơ lửng, Joab liền giết y và chôn xác trong một hố thay vì dưới những cột trụ của lăng mộ mà ông hoàng phản loạn đã xây cất cho mình.*

* Lăng được biết dưới tên Cột Trụ Absalom ở Thung lũng Kidron được đề cập lần đầu tiên bởi Benjamin xứ Tudela vào năm 1170 SCN. Nó không có niên đại từ 1000 TCN, mà thực sự chỉ là lãng mộ xây vào thế kỷ thứ nhất TCN. Vào thời Trung Cổ, người Do Thái, bị cấm vào thành phố và thậm chí vào Bức Tường phía Tây, phải cầu nguyện sát bên Cột Trụ. Thậm chí tận đầu thế kỷ 20, những người Do Thái đi qua đó thường phun nước bọt hoặc ném đá vào nó để biểu lộ sự ghê tởm của mình trước sự phản trắc của Absalom.

‘Con trẻ Absalom có bình an không?’ nhà vua ôn tồn hỏi. Khi David nghe tin hoàng tử đã chết, ông than vãn: ‘Ôi con trai ta, Absalom, con trai ta, Absalom, sao Chúa Trời không để ta chết thay cho nó. Ôi Absalom, con trai ta, con trai ta!’ Khi nạn đói và bệnh dịch hoành hành khắp vương quốc, David đứng trên núi Moriah và trông thấy thần chết đe doạ Jerusalem. Ông được Chúa Trời mặc khải, ra lệnh cho ông hãy xây dựng một áng thờ ở đấy. Có thể đã từng có một điện thờ ở Jerusalem mà người cai trị nó được mô tả là những vị vua-giáo sĩ. Một trong những cư dân gốc của thành phố, Araunah người Jebusite’, sở hữu đất đai trên Núi Moriah, cho thấy thành phố đã mở rộng từ Ophel sang đến ngọn núi kế cận. ‘Vì thế David mua nền đất đập lúa và con bò đực với giá 50 lạng bạc. Rồi David xây cất ở đấy một áng thờ Chúa Trời và dâng hương đốt và đồ tế lễ chay tịnh.’ Davis lên kế hoạch dựng lên một đền thờ ở đó và đặt mua gỗ tuyết tùng từ

Abibaal, Vua Phoenicia xứ Tyre. Đó là thời khắc đỉnh điểm trong sự nghiệp ông, mang Chúa Trời đến cho dân ông, hoà hợp Israel và Judah, và xức dầu thánh cho chính Jerusalem làm kinh đô thần thánh. Nhưng việc đó không nên làm. Chúa phán với David: ‘Ngươi không được xây dựng ngôi nhà nhân danh ta, vì ngươi từng là chiến binh, tay đã vấy máu.’

Giờ David đã là ‘một ông già bệnh hoạn’, các quan triều và con trai ông âm mưu chiếm quyền kế vị. Một con trai khác, Adonijah, tìm cách đoạt ngôi báu, trong khi một hầu thiếp quyến rũ, Abishag, được đưa vào để làm David xao nhãng. Nhưng bọn âm mưu đánh giá quá thấp Bathsheba.

SOLOMON: ĐỀN THỜ

Bathsheba giành ngôi vua cho con trai mình Solomon. David cho gọi Zadok giáo sĩ và Nathan nhà tiên tri, tháp tùng Solomon trên con lừa của vua cha đi xuống Suối Gihon linh thiêng. Tại đó ông được xức dầu thánh làm vua. Kèn thổi vang và dân chúng reo hò chúc tụng. Adonijah, nghe tin về lễ chúc mừng, tìm chỗ ẩn nấp trong chốn lính thiêng của áng thờ, và Solomon bảo đảm y toàn mạng sống.

Sau một sự nghiệp lừng lẫy thống nhất dân tộc Israel và chọn Jerusalem làm thành phố của Chúa Trời, David qua đời, trăn trối việc xây dựng Đền Thờ trên Núi Moriah cho Solomon. Đó là những gì tác giả Kinh thánh đã viết bốn thế kỷ sau để giáo huấn các thế hệ trẻ của họ, biến nhân vật David bất toàn thành tinh túy của một vì vua thánh. Ông được chôn cất trong Thành phố David. (Đến nay vị trí chính xác của lăng mộ vẫn còn là điều bí ẩn).

Con trai ông thì rất khác. Solomon sẽ hoàn tất sứ mạng linhl thiêng này – nhưng ông khởi nghiệp cai trị, vào khoảng 970 TCN, bằng cách ấn định các thắng lợi một cách đẫm máu.

Bathsheba, thái hậu, yêu cầu Solomon cho phép người anh khác mẹ, Adonijah, cưới người thiếp cuối cùng của Vua David, Abishag. ‘Rồi xin cho hắn vương quốc nữa phải không?’ Solomon đáp lại mỉa mai, và ra lệnh ám sát Adonisjah và thanh trừng đội cận vệ cũ của vua cha. Câu chuyện này là đoạn kết của quan thái sử viết về David nhưng cũng thực sự là đoạn đầu và duy nhất lướt qua về Solomon như một con người, vì ông sẽ trở thành kiểu mẫu tuyệt vời và minh triết một cách bí hiểm của một hoàng đế thần sầu. Mọi thứ Solomon sở hữu đều to lớn hơn và tốt đẹp hơn của bất kì ông vua nào: sự minh triết của ông sinh ra 3,000 tục ngữ và 1050 bài ca, hậu cung của ông chứa 700 bà vợ và 300 phi tần, còn quân đội của ông khoe có12,000 kỵ binh và 1,400 chiến mã xa. Những quân trang quân dụng mắc tiền của kỹ thuật quân sự đó được cất giữ trong những thị trấn kiên cố Megiddo, Gezer và Hazor, trong khi hạm đội của ông neo đậu tại Ezion-Geber trên Vịnh Aqaba.

Solomon buôn bán với Ai Cập và Cilicia gia vị và vàng, chiến mã xa và ngựa. Ông tham gia những chuyến mậu dịch xa tận Sudan và Somalia với Vua Hiram xứ Tyre, đồng minh Phoenicia của mình. Ông mời Nữ Hoàng Sheba (chắc là Saba, Yemen ngày nay), đến Jerusalem ‘với một đoàn lạc đà đông đảo chở gia vị và rất nhiều vàng và đá quý’. Vàng đến từ Ophir, ắt là Ấn Độ; đồng đến từ các mỏ của ông. Tài sản của ông dùng để làm đẹp Jerusalem: ‘Nhà vua khiến bạc ở Jerusalem nhiều như đá và gỗ tuyết tùng nhiều như cây sung dâu mọc ở thung lũng.’ Dấu ấn hùng hồn nhất nói lên uy tín quốc tế của ông là hôn nhân của ông với con gái của pha-ra-ông. Các vì pha-ra-ông gần như không bao giờ cưới con gái mình cho các ông hoàng ngoại bang – nhất là không với những dân Judaea mới phất lên gần đây từ những tộc trưởng chăn cừu trên đồi. Vậy mà Ai Cập một thời ngạo nghễ giờ đang trong thời kỳ hỗn loạn nhục nhã đến nỗi Pha-ra-ông Siamun phải cướp phá Gezer không xa Jerusalem và, có lẽ thấy mình giờ không an toàn khi hành quân quá xa nhà, nên trao chiến lợi phẩm cho Solomon cùng với con gái mình, một vinh dự không thể nghĩ đến tại bất kỳ thời điểm nào khác. Nhưng Đền Thờ Jerusalem, do vua cha thiết kế, mới là tuyệt phẩm của ông.

‘Ngôi nhà của Chúa Trời’ phải đứng bên phải sát cung điện của Salomon trong một vệ thành linh thiêng, được Kinh thánh mô tả, phô trương những cung điện và sảnh có kích cỡ đáng kinh ngạc phủ đầy vàng và gỗ tuyết tùng, trong đó có Nhà Rừng Lebanon và Sảnh Cột nơi nhà vua xét xử.

Đây không chỉ là thành tựu của riêng người Israel. Người Phoenicia, sinh sống trong những thành bang độc lập dọc theo bờ biển Lebanon, là những thợ thủ công tinh xảo và những thương nhân đi biển Địa Trung Hải, nổi tiếng với màu tím vùng Tyre từ đó có tên dân tộc Phoenicia (phoinix, có nghĩa là tím) và với bảng chữ cái. Vua Hiram xứ Tire cung cấp không chỉ gỗ bạch và tuyết tùng mà còn những tay thợ thủ công chạm khắc các hoa văn trang trí vàng bạc. Mọi thứ đều bằng ‘vàng ròng’.

Đền Thờ không chỉ là một điện thờ, nó còn là nhà của chính Chúa Trời, một phức hợp gồm ba phần cao khoảng 33 bộ đến l 115 bộ, trong một vòng tường khép kín. Trước tiên là một cổng với hai cột đồng,Yachin và Boaz, cao 33 bộ, trang trí hoa lựu và hoa súng, dẫn đến một sân rộng lớn có cột mở ra đến bầu trời và bao quanh ba mặt là những gian phòng hai tầng có thể dùng để chứa văn kiện hoặc châu báu hoàng gia. Cổng mở ra một sảnh thiêng: 10 chiếc đèn bằng vàng đứng dọc theo tường. Một bàn bằng vàng dùng đặt bánh thánh được đặt trước một hương áng dành cho đồ cúng tế, một bồn nước và những chậu rửa tội có bánh xe với các bát bên trên để thanh tẩy, và một bồn bằng đồng gọi là Biển. Những bậc thang dẫn đến Nơi Chí Thánh,* một gian phòng nhỏ có hai tiểu thiên sứ bảo vệ, cao 17 bộ, làm bằng gỗ ô liu lát vàng lá.

* Nơi Chí Thánh ở đâu? Giờ đây đó là câu hỏi bùng nổ về phương diện chính trị và một thách thức khó vượt qua cho bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào giữa Israel và Palestine nhằm chia sẻ Jerusalem. Có nhiều giả thuyết, tùy theo kích cỡ của Núi Đền mà sau này được Herod Vĩ đại mở rộng. Hầu hết học giả cho rằng nó nằm trên một tảng đá bên trong Nhà Thờ Vòm Đá của người Hồi giáo. Một số lập luận rằng hang động lắt léo màu vàng bí mật này nguồn gốc là một hang ăn táng vào khoảng 2,000 TCN. Điều chắc chắn là vào năm 691 SCN, kha-lip Abd al-Malik chọn địa điểm này để xây dựng Nhà thờ Vòm Đá ít nhất một phần nhằm tạo ra một sự kế thừa Đền Thờ cho đạo Hồi. Người Do Thái coi Tảng Đá như khối đá nền móng của Đền Thờ.

2

Địa điểm của Đền Thờ Solomon đã bị tàn phá và xây dựng lại nhiều lần đến nỗi rất ít tàn tích còn lại, trừ quả lựu bằng ngà này được khắc chữ ‘dâng cúng Nơi Chí Thánh’. Nó ắt hẳn đã được gắn trên đầu một cây trượng sử dụng trong lễ rước tôn giáo tại Đền Thờ Thứ Nhất

Nhưng còn thua mức nguy nga tráng lệ của công trình dành cho chính Solomon. Ông mất 7 năm để hoàn thành Đền Thờ, và 13 năm để xây dựng cung điện của mình, rộng lớn hơn. Trong nhà Chúa phải im lặng, vì thế ‘không được nghe thấy tiếng búa, tiếng rìu hoặc bất kì tiếng công cụ sắt nào trong nhà’: các thợ thủ công Phoenicia của ông phải đẽo đá, chạm khắc gỗ tuyết tùng và gỗ bách, và tạo tác các hình trang trí vàng, bạc, đồng ở Tyre trước khi chở đến Jerusalem. Vua Solomon củng cố Núi Moriah bằng cách mở rộng tường thành cũ: từ đó cái tên Zion biểu thị cả thành lũy gốc lẫn Núi Đền mới.

Khi tất cả đều hoàn thiện, Solomon triệu tập dân chúng cùng chiêm ngưỡng cảnh các giáo sĩ mang rương gỗ keo chứa Hòm Giao ước từ lều của nó trên thành lũy Zion, Thành phố David, đến Đền Thờ trên Núi Moriah. Solomon làm lễ tế tại áng thờ rồi các giáo sĩ mang Hòm Giao ước vào trong Nơi Chí Thánh và đặt nó bên dưới cánh của hai tiểu thiên sứ đồ sộ bằng vàng. Không có gì bên trong Nơi Chí Thánh trừ tiểu thiên sứ và Hòm, và không có gì bên trong Hòm – vốn chỉ rộng 2 x 4 bộ – trừ những bản luật điều của Moses. Nó lính thiêng đến nỗi không thể để thờ phụng nơi công cộng: Trong sự trống trải này ngự trị tính thần thánh vô ảnh, khổ hạnh của Yahweh, một quan niệm độc đáo của dân Israel.

3

Núi Đền – tiếng Hebrew là Har haBayit, tiếng Ả Rập là Haram al-Sharif, được biết trong Kinh thánh là Núi Moriah – là tâm điểm của Jerusalem. Cấu trúc có mái vòm vàng rực là Đền thờ Vòm Đá của người Hồi giáo. Đối với nhiều người, 35 mẫu đất này vẫn còn là trung tâm của thế giới.

Khi giáo sĩ bước ra, ‘đám mây’ của sự Hiện diện Thần Thánh, ‘vinh quang của Chúa Trời, tràn ngập nhà Chúa.’ Solomon dâng cúng Đền Thờ trước thần dân ông, trình lên Chúa Trời: ‘Con đã xây dựng cho Ngài một ngôi nhà để ngài cư ngụ, một chốn an định cho ngài lưu trú mãi mãi,’ Chúa Trời trả lời Solomon, ‘Ta sẽ thiết lập ngôi báu của vương quốc nhà ngươi trên Israel mãi mãi, như ta đã hứa với David cha ngươi.’ Sự kiện này trở thành lễ hội đầu tiên và sẽ phát triển thành những cuộc hành hương tưng bừng theo lịch Do Thái: ‘cứ ba lần mỗi năm Solomon đến dâng hương lên áng thờ’. Ngay thời khắc đó, quan niệm về tính linh thiêng trong thế giới Do Thái – Kitô – Hồi giáo đã tìm thấy chỗ đứng vĩnh hằng của mình. Người Do Thái và những Dân tộc khác của Kinh thánh tin rằng sự Hiện diện Thần Thánh không bao giờ rời bỏ Núi Đền. Jerusalem sẽ trở thành nơi siêu phàm cho sự hiệp thông Chúa-Người trên mặt đất.

SOLOMON: THỜI SUY TÀN

Tất cả những Jerusalem lý tưởng, mới hay cũ, trên trời hay hạ giới, đều dựa vào sự mô tả của Kinh thánh về thành phố của Solomon. Nhưng không có nguồn tư liệu nào khác để khẳng định điều đó, và không có gì thuộc Đền Thờ của ông được tìm thấy.

Nhưng coi vậy mà không lắm ngạc nhiên. Không thể khai quật Núi Đền vì những lý do chính trị và tôn giáo, nhưng cho dù những cuộc khai quật như thế được cho phép chúng ta chắc hẳn cũng không thể tìm được vết tích nào của Đền Thờ Solomon vì nó đã bị xóa sổ ít nhất hai lần, bị san bằng tận nền đá ít nhất một lần và tu bổ lại vô số lần. Vậy mà Đền Thờ có thể tin được với kích cỡ và lối thiết kế cho dù các tác giả kinh thánh có nói hơi quá về mức lộng lẫy của nó. Đền Thờ Solomon là một điện thờ cổ điển của thời đại nó. Các đền thờ của người Phoenicia, mà Solomon dựa vào phần nào, là những tổ chức nở rộ do hàng trăm viên chức điều hành, những gái mãi dâm đền thờ mà tiền thù lao của họ đóng góp cho lợi tức đoàn thể, và thậm chí những thợ cắt tóc nội bộ cho những ai dâng cúng tóc mình cho các vị thần của họ. Cách bố trí các đền thờ Syria, được phát hiện khắp vùng, cùng với những đồ tế nhuyễn của chúng như chậu rửa tội, rất giống với những mô tả trong kinh thánh tại Đền Thờ Solomon.

Việc số lượng lớn lao vàng và ngà voi cũng hoàn toàn tin được. Một thế kỷ sau, các vì vua Israel trị vì tại những cung điện xa hoa ở Samaria gần đó nơi ngà voi của họ được phát hiện bởi các nhà khảo cổ. Kinh thánh viết rằng Solomon cúng 500 khiên vàng cho Đền Thờ trong một thời kỳ mà theo những nguồn tư liệu khác cho biết vàng rất nhiều – nhập từ Ophir, dân Ai Cập cũng khai thác vàng ở các mỏ ở Nubia. Ngay sau khi Solomon qua đời, pha-ra-ông Sheshonq được triều cống bằng kho vàng của Đền Thờ khi ông ta đe đọa đánh Jerusalem. Các mỏ của Solomon từ lâu được coi là huyền thoại, nhưng các mỏ đồng đã được phát hiện ở Jordan hoạt động trong thời ông trị vì. Qui mô của quân đội cũng có thể tin được khi ta biết rằng chỉ sau một thế kỷ một ông vua Israel đưa ra mặt trận đến 2,000 chiến mã xa.

Mức độ nguy nga của Solomon có thể bị phóng đại, nhưng sự suy thoái của ông thì lại quá thật: nhà vua của sự minh triết trở thành nhà độc tài không được dân chúng yêu quý. Ông chi tiêu xa xỉ cho những đền đài bằng tiền đóng thuế cao và ‘hình phạt roi’. Hai thế kỷ sau đó, các tác giả kinh thálllllnh độc thần cảm thấy ghê tởm khi kể lại việc Solomon cầu nguyện đến Yahweh và những vị thần địa phương khác, và hơn nữa ông ‘yêu thích nhiều phụ nữ lạ’.

Solomon đương đầu với những vụ nổi loạn từ Edom ở phía nam và Damascus ở phía bắc, trong khi vị tướng của ông, Jeroboam, bắt đầu vạch kế hoạch nổi loạn trong các bộ tộc phương bắc. Solomon ra lệnh ám sát Jeroboam nhưng vị tướng chuồn đến Ai Cập phò tá Sheshonq, vị pha-ra-ông xứ Lybia của một đế chế mới nổi lên. Vương quốc Israel đang lung lay

CHƯƠNG 4

CÁC VỊ VUA JUDAH 930-626 TCN

REHOBOAM ĐẤU VỚI JEROBOAM: SỰ RẠN NỨT

Khi Solomon mất vào năm 930 TCN sau 40 năm trị vì, con trai ông Rehoboam triệu tập các bộ tộc đến Shechem. Những người miền bắc chọn tướng Jeroboam để báo cho nhà vua trẻ biết rằng họ không còn chịu đóng thuế cao như thời Solomon được nữa, ‘Ta sẽ thêm vào cái ách của nhà ngươi: cha ta đã phạt người bằng roi,’ Rehoboam trơ trẽn trả lời, ‘ta sẽ phạt ngươi bằng bọ cạp.’ Mười bộ tộc miền bắc nổi dậy, phong Jeroboam làm vua của một vương quốc ly khai Israel mới.

Rehoboam vẫn là vua Judah; ông là cháu nội của David và ông sở hữu Đền Thờ Jerusalem, nhà Chúa. Nhưng Jeroboam từng trải hơn, lập kinh đô ở Shechem, đối mặt với viễn ảnh: ‘Nếu dân ông đi cúng bái ở nhà Chúa tại Jerusalem, thì trái tim họ sẽ quay lại với Rehoboam Vua xứ Judah và họ sẽ giết mình.’ Thế là ông liền xây dựng hai đền thờ nhỏ ở Bethel và Dan, theo kiểu điện thờ vùng Canaan truyền thống. Thời gian trị vì của Jeroboam kéo dài và thành công, nhưng ông không bao giờ sánh được với Jerusalem của Rehoboam.

Hai vương quốc Do Thái đôi khi choảng nhau, thỉnh thoảng lại đồng minh thân thiết. Trong khoảng bốn thế kỷ sau 900 TCN, triều đại David cai trị Judah, vùng đất nhỏ bao quanh thành phố Đền hoàng gia của Jerusalem, trong khi lãnh thổ Israel giàu có hơn trở thành quyền lực quân sự trong khu vực phía bắc, thường bị thống trị bởi các tướng chiến mã xa lên chiếm ngôi bằng những cú đảo chính đẫm máu. Một trong số những người lật đổ này tàn sát quá nhiều người trong gia đình hoàng gia đến nỗi ‘không còn ai đứng tiểu vào tường’. Các tác giả Sách các Vua và Biên niên sử, viết sau đó hai thế kỷ, không quan tâm đến chi tiết cá nhân hoặc bảng niên đại nghiêm nhặt mà chỉ phán xét các nhà cai trị bằng mức độ trung thành của họ đối với đấng Chúa Trời của Israel. Tuy nhiên, may mắn thay, Thời Đại Tối Tăm đã qua: các văn tự chạm khắc của các đế chế Ai Cập và Iraq giờ đã làm sáng tỏ – và thường khẳng định – những xác quyết chắc nịch của Kinh thánh. Chín năm sau khi Solomon qua đời, Ai Cập và lịch sử quay lại với Jerusalem. Pha-ra-ông Sheshonq, người đã cố vũ sự chia cắt của vương quyền thống nhất Israel, hành quân dọc bờ biển rồi quẹo vào nội địa tiến về Jerusalem. Đền Thờ đủ giàu có để thu hút chuyến viễn chinh hứa hẹn lợi lộc. Vua Rehoboam phải mua chuộc

Sheshonq bằng kho báu Đền Thờ – vàng của Solomon – để được yên. Tấn công cả hai vương quốc Israel, pha-ra-ông tàn phá Megiddo trên bờ biển tại đó ông để lại một bảng khắc trên một thạch bia huênh hoang về các cuộc chinh phục của mình: một mảnh vỡ trêu ngươi của nó còn sót lại. Trên chuyến trở về, ông quảng bá chiến công cướp phá của mình tại Đền Amun ở Karnak. Một văn bản bằng chữ tượng hình ở Bubastis, lúc đó là kinh đô của vị pha-ra-ông, cho biết sau đó chẳng bao lâu người kế vị Sheshonq là Osorkon dâng cúng 383 tấn vàng cho các đền thờ của ông, chắc hẳn là của cải cướp được từ Jerusalem. Cuộc xâm chiếm của Sheshonq là sự kiện kinh thánh đầu tiên được khẳng định bằng ngành khảo cổ.

Sau 50 đánh nhau, hai vương quốc Israel làm hòa. Vua Ahab của Israel đã có một cuộc hôn nhân đầy uy tín với một công chúa Phoenicia, người sẽ trở thành nữ quái của Kinh thánh, một nhà độc tài đồi bại và kẻ thờ phụng Baal và những thần linh khác. Tên bà là Jezebel và bà cùng gia đình sẽ đến cai trị Israel – và Jerusalem. Họ sẽ mang đến cuộc sát sinh và thảm họa cho cả hai nơi.

JEZEBEL VÀ CON GÁI, HOÀNG HẬU

Jezebel và Ahab sinh được một cô con gái tên là Athaliah kết hôn với vua Jehorah của Judah: cô ta đến Jerusalem đang thời hưng thịnh – các thương nhân Syria buôn bán trong khu vực, một đội thương thuyền Judaea giương buồm trên Hồng Hải và các tượng thần Canaan đã bị trục xuất khỏi Đền Thờ. Nhưng cô con gái của Jezebel không mang đến may mắn hoặc phúc lành.

Người Israel đã phồn thịnh trong thời gian các cường quốc lớn tạm yên ắng. Giờ là năm 854, Assyria, đặt căn cứ quanh kinh đô Nineveh ở Iraq ngày nay, lại trỗi dậy. Khi vua xứ Assyria Shalmaneser III bắt đầu chinh phục các vương quốc Syria, Judah, Israel và Syria thành lập liên minh chống lại ông. Tại Trận Karkar, Vua Ahab, dàn 2,000 chiến mã xa và 10,000 bộ binh và được quân Judaea và các vua xứ Syria khác yễm trợ, chặn đứng được quân Assyria. Nhưng sau đó liên minh tan rã. Quân Judaea và Israel đánh với quân Syria; các thần dân họ nổi dậy. Vua Ahab của Israel trúng tên tử trận – ‘chó bu lại liếm máu ông’. Một vị tướng tên Jehu nổi loạn ở Israel, tàn sát cả hoàng gia – chất thủ cấp của 70 con trai của Ahab thành đống phơi trước cổng thành Samaria, và ám sát không chỉ vị vua mới của Israel mà cả nhà vua Judah đang ở ghé thăm. Về phần Hoàng hậu Jezebel, bà bị ném ra khỏi cửa sổ cung điện, để bị cán nát bấy dưới các bánh xe chiến mã xa. *

* Kinh thánh mô tả Vua Jehu của Israel là người phục hồi Yahweh và đập vỡ tượng thần Baal. Nhưng Kinh thánh quan tâm nhiều đến mối quan hệ của ông với Chúa Trời hơn chính trị quyền lực giờ mới được ngành khảo cổ phát hiện: Jehu ắt hẳn đã nhận được hỗ trợ từ Damascus vì ông vua xứ đó Hazael đã để lại một thạch bia ở Tel Dan miền bắc Isreal huênh hoang rằng mình đã đánh bại những vị vua trước đây của Nhà Israel và Nhà David, một minh chứng khảo cổ cho thấy David có thật. Nhưng Jehu cũng phải trở thành một chư hầu của vua Shalmaneser III xứ Assyria. Trên Cột Tháp Đen, được tìm thấy ở Nimrud, giờ nằm trong Viện Bảo tàng British, Jehu quì mọp trước Shalmaneser đang ngồi, với bộ râu tết lại, vương miện, long bào thêu và thanh gươm, trước biểu tượng quyền lực có cánh của Assyria, phía trên là chiếc lọng do một quân hầu cầm giữ. ‘Ta đã nhận,’ Shalmaneser nói, ‘bạc, vàng, một bình vàng, một bát vàng, một xô vàng, thiếc, một cây trượng, những ngọn giáo đi săn.’ Hình khắc Jehu đang quỳ này là hình vẽ lịch sử đầu tiên về một người Israel.

Thi thể của Jezebel ném cho cho chó ở Israel ăn nhưng vào khoảng 841 TCN, con gái của Jezebel, Hoàng hậu Athaliah, chiếm quyền lực ở Jerusalem, ra tay sát hại tất cả hoàng thân dòng dõi David (chính cháu nội của bà) mà bà có thể tìm được. Chỉ có một hoàng thân sơ sinh, Jehoash, được giải cứu. Sách thứ 2 về các Vua – và một số khai quật khảo cổ mới – cho ta cái nhìn lướt qua về cuộc sống ở Jerusalem.

Cậu hoàng tử bé được nuôi dưỡng lén lút trong phức hợp Đền Thờ trong khi con gái nửa Phoenicia, nửa Israel của Jezebel kêu gọi những nhà buôn khắp nơi và các giáo sĩ đạo thần Baal đến kinh đô sơn cước nhỏ của bà. Một con bồ câu bằng ngà tinh xảo đậu trên một nhánh lựu cao không đến một in-xơ, được tìm thấy ở Jerusalem, chắc chắn được sử dụng để trang trí một món đồ trong một ngôi nhà lớn ở Jerusalem. Những cái triện bằng đất sét của người Phoenicia đã được tìm thấy quanh vực đá bên dưới Thành phố David có hình những con tàu và những tô tem thiêng của họ như mặt trời có cánh phía trên ngai vàng, cùng với 10,000 xương cá, ắt hẳn do người đi buôn trên biển chở ll đến từ Địa Trung Hải. Nhưng Athaliah chẳng mấy chốc bị nhân dân thù ghét như bà mẹ mình. Các giáo sĩ của bà dựng lên tượng thần Baal và các thần linh khác trong Đền Thờ. Sau sáu năm, giáo trưởng của Đền triệu tập những nhân vật uy tín của Jerusalem đến dự một cuộc họp bí mật. Họ bỗng phát hiện sự tồn tại của cậu hoàng bé, Jehoash, và lập tức tuyên thệ trung thành với cậu. Giáo trưởng trang bị đội bảo vệ bằng giáo và khiên của Vua David, còn cất giữ trong Đền, và rồi công khai xức dầu thánh cho cậu, hô vang ‘Chúa Trời hãy giải cứu nhà vua’ và thổi kèn lên.

Hoàng hậu nghe ‘tiếng ồn ào của bảo vệ và dân chúng’ và vội vàng chạy qua vệ thành từ cung điện vào trong Đền Thờ kế bên, giờ đã ken chặt người. ‘Quân phản loạn! Quân phản loạn!’ bà ta hét lên, nhưng các bảo vệ đã túm lấy bà, lôi bà ra khỏi núi thánh và giết bà khi vừa ra khỏi cổng. Các giáo sĩ đạo thần Baal bị thắt cổ, tượng thần đều bị đập nát.

Vua Jehoash trị vì 40 năm cho đến khi khoảng 801 ông bị nhà vua Syria đánh bại. Kẻ chiến thắng tiến vào Jerusalem và buộc ông phải giao tất cả số vàng trong kho báu của Đền Thờ. Ông bị ám sát. Ba mươi năm sau, một nhà vua Israel đánh phá Jerusalem và cướp bóc Đền Thờ. Từ giờ trở đi của cải lớn dần của Đền Thờ khiến nó trở thành miếng mồi ngon.

Vậy mà sự hưng thịnh nơi chốn hẻo lánh của Jerusalem chả bì được với Assyria, năng nổ lên dưới triều vua mới: đế chế tham tàn đó một lần nữa hành quân. Các vua Israel và Aram-Damascus cố thành lập một liên minh chống cự lại quân Assyria. Khi Vua Ahax của Judah từ chối, người Israel và Syria vây hãm Jerusalem. Họ không thể đột phá qua tường thành mới được gia cố, nhưng Vua Ahaz nhanh chóng gởi châu báu Đền Thờ và lời cầu cứu tới Tiglath-Pileser III của Assyria. Năm 732, người Assyria xáp nhập Syria và tàn phá Israel. Ở Jerusalem, Vua Ahaz băn khoăn không biết có nên thần phục hoặc chiến đấu với Assyria.

ISAIAH: JERUSALEM LÀ GIAI NHÂN VÀ Ả ĐIỂM

Nhà vua được Isaiah, hoàng thân, giáo sĩ và cố vấn chính trị, khuyên hãy đợi: Chúa Trời sẽ bảo vệ Jerusalem. Isaiah nói nhà vua sẽ có một con trai tên là Emmanuel – có nghĩa ‘Chúa bên chúng ta’ – ‘Một đứa trẻ sẽ ra đời cho chúng ta’ sau này sẽ là ‘đấng Thần linh Hùng Mạnh, Người Cha Vĩnh hằng, Ông Hoàng của Hoà bình’, mang đến ‘hoà bình bất tận’.

Có ít nhất hai tác giả viết Sách về Isaiah – một người viết hơn 200 năm sau – nhưng Isaiah này không chỉ là một tiên tri mà còn là một thi sĩ thấu thị mà, trong một thời đại người Assyria tham tàn gây hấn, là người đầu tiên tưởng tượng cuộc sống sau khi Đền Thờ bị phá hủy, trong một Jerusalem thần bí. ‘Ta trông thấy Chúa Trời ngồi trên ngôi cao và bật lên và đuôi áo choàng của ngài lấp đầy đền thờ. . . và ngôi nhà đầy ắp khói.’

Isaiah yêu quí ‘ngọn núi thánh’, mà ông xem như một mỹ nhân, ‘ngọn núi của con gái Zion, ngọn đồi của Jerusalem, đôi khi công chính, đôi khi là một ả giang hồ’.

Sở hữu Jerusalem không có gì là không sùng kính và đứng đắn. Nhưng nếu tất cả bị đánh mất và ‘Jerusalem bị tàn phá’, thì sẽ có một Jerusalem thần bí mới cho mọi người ‘tại mỗi nơi cư trú’, giảng về lòng tốt-thương yêu: ‘Học tập để làm điều tốt; tìm kiếm sự phán xét; cứu giúp kẻ bị áp bức; phân xử người không cha; bênh vực thân goá bụa.’ Isaiah thấy trước một hiện tượng phi thường: ‘một ngôi nhà Chúa sẽ được thiết lập trên chóp của những ngọn núi. . . và mọi quốc gia sẽ đổ về đó’. Luật lệ, giá trị và những câu chuyện về thành phố núi hẻo lánh và có lẽ bị khuất phục này sẽ đứng lên lần nữa: ‘Và nhiều người sẽ đi và nói, Hãy đến và chúng ta sẽ lên núi của Chúa Trời, đến Nhà Chúa của Jacob ; và người sẽ dạy chúng ta lề lối của người. . . Luật lệ và lời nói của Chúa từ Jerusalem sẽ đi ra khỏi Zion. Và người sẽ phán xét trong các quốc gia.’ Isaiah tiên đoán Ngày Phán Xét thần bí khi một ông vua xức dầu thánh – Đấng Cứu Thể – sẽ đến: ‘họ sẽ vỗ lưỡi gươm thành lưỡi cày và giáo thành móc tỉa cành. . . và không ai còn biết đến chiến tranh là gì nữa.’ Người chết sẽ sống lại. ‘Sói cũng sẽ ở cùng với cừu và báo sẽ nằm cạnh trẻ thơ.’

Bài thơ sáng chói này thể hiện lần đầu tiên những khao khát về ngày tận thế đã đi suốt lịch sử Jerusalem cho đến tận ngày nay. Isaiah sẽ góp phần tạo hình không chỉ Do Thái giáo mà còn Kitô giáo. Jesus Christ học tập Isaiah, và những lời dạy của ông – từ việc tàn phá Đền Thờ và ý tưởng về một Jerusalem tâm linh phổ quát cho đến tinh thần chiến đấu cho kẻ yếu thế – rút ra từ tầm nhìn có tính thi cả này. Chính Jesus sẽ được xem là Emmanuel của Isaiah.

Vua Ahaz thân chính đến Damascus để tỏ lòng thần phục Tiglath-Pileser, rồi quay về với một áng thờ kiểu Assyria cho Đền Thờ. Khi nhà chinh phục chết vào năm 727 TCN, Israel nổi loạn, nhưng nhà vua Assyria mới Sargon II vây hãm kinh đô Samaria trong ba năm và rồi nuốt trọn Israel, đày 27,000 dân Israel biệt xứ đến Assyria. Mười trong 12 bộ tộc sống ở vương quốc phía bắc, gần như mất hút khỏi lịch sử.* Người Do Thái hiện đại là dòng dõi của hai bộ tộc cuối cùng còn sống sót ở Vương quốc Judah. Đứa bé Emmanuel mà Isaiah đã chào đón là Vua Hezekiah, không phải Đấng Cứu Thế nhưng dù sao cũng sở hữu điều vô giá nhất của mọi phẩm chất chính trị, sự may mắn. Và những vết tích của Jerusalem của ông vẫn còn sống sót tận hôm nay.

* Các cộng đồng Do Thái cổ đại ở Iran và Iraq nhận mình là hậu duệ của Mười Bộ Tộc Israel bị người Assyria đày biệt xứ cũng như từ những bộ tộc bị người Babylon trục xuất sau đó. Nghiên cứu di truyền gần nhất chứng tỏ rằng những người Do Thái này đúng là bị tách rời với những cộng đồng Do Thái khác cách đây khoảng 2,500 năm. Vậy mà những truy vấn về các bộ tộc thất lạc này đã nảy sinh hàng ngàn tưởng tượng và giả thuyết thêu dệt: Mười Bộ Tộc đã được ‘phát hiện’ trong những vùng lãnh thổ bất ngờ – từ Dân Da Đỏ Bắc Mỹ đến người Anh.

SENNACHERIB: CON SÓI VÀO BÃI RÀO SÚC VẬT

Hezekiah đợi 20 năm cơ hội nổi dậy chống lại Assyria: trước tiên ông loại bỏ những tượng thần, đập vỡ tượng rắn đồng dựng trong Đền Thờ, và tập họp dân chúng ăn mừng lễ Vượt Qua theo phong cách truyền thống tại Jerusalem, giờ đây lần đầu tiên mở rộng đến ngọn đồi phía tây. Thành phố tấp nập người tị nạn từ vương quốc phía bắc sụp đổ, và ắt hẳn họ có mang theo một số cuộn giấy da xưa về lịch sử và truyền thuyết trước đây của người Israel. Các học giả Jerusalem bắt đầu kết tập những truyền thống Judaea với những truyền thống các bộ tộc phương bắc: cuối cùng những cuộn giấy này, được viết cùng lúc người Hy Lạp ghi chép thiên anh hùng ca Iliad của Homer, sẽ trở thành Kinh thánh.

Khi Sargon II bị tử trận vào năm 705, những cư dân Jerusalem, thậm chí Isaiah, hi vọng nó đánh dấu sự suy vong của một đế chế xấu ác. Ai Cập hứa hậu thuẫn; thành phố Babylon nổi loạn và phái đặc sứ đến Hezekiah. Ông cảm thấy thời cơ đã đến, bèn tham gia một liên minh mới chống Assyria và chuẩn bị chiến tranh. Nhưng, khổ cho dân Judaea, vị Vua Vĩ đại mới của Assyria là một tướng soái có năng lực và tính quả quyết vô song: tên ông ta là Sennacherib.

Ông tự xưng là ‘Vua của Thế giới, Vua của Assyria’ tại một thời điểm khi tước hiệu đều đồng nghĩa với nhau. Assyria cai trị từ Vịnh Ba Tư đến Cyrus. Vùng đất trung tâm của nó thuộc Iraq ngày nay được bảo vệ bởi núi non về phía bắc và con sông Euphrates về phía tây nhưng dễ bị tấn công về mặt nam và đông. Đế chế giống một con cá mập chỉ sống nhờ vào việc tiêu diệt liên tục những loài cá khác. Đối với người Assyria, chinh phục là một nghĩa vụ linh thiêng. Mỗi ông vua mới lên ngôi đều tuyên thệ sẽ mở rộng bờ cõi của Đấng Ashur – tên xứ cũng đặt theo tên của vị thần bảo hộ này. Vua đồng thời cũng là giáo trưởng và người thống lĩnh đạo quân 200,000 người, và chẳng khác các tên độc tài thời hiện đại, họ gây khiếp sợ cho thần dân không chỉ bằng khủng bố mà còn bằng lưu đày họ từ đầu này đến đầu kia của đế chế.

Thi thể vua cha của Sennacherib không hề được thu hồi từ chiến địa, một dấu hiệu cho thấy thần linh không bằng lòng, và đế chế bắt đầu rệu rã. Nhưng Sennacherib đập tan mọi cuộc bạo loạn và khi chiếm lại được kinh thành Babylon, ông phá hủy hoàn toàn thành phố. Nhưng sau khi trật tự đã được vãn hồi, ông ra sức củng cố, xây dựng một cách xa hoa kinh đô Nineveh, thành phố của Ishtar, nữ thần chiến tranh và nhiệt huyết, với kênh đào dẫn nước đến vườn tược và Cung điện Bất khả Tranh đồ sộ của ông. Các vua Assyria là những nhà tuyên truyền tham lam, khi họ trang trí những bức tường cung điện bằng những hình chạm khắc quảng cáo những thắng lợi quân sự và những cái chết ghê rợn của kẻ thù – đóng cọc vào ruột, lột da và chặt đầu hàng loạt. Triều thần của các xứ thất trận diễu hành qua đường phố Nineveh mang các thủ cấp gớm ghiếc của vua họ quanh cổ. Nhưng những hành vi sỉ nhục của họ chắc chắn cũng không xấu ác hơn những nhà chinh phục khác: người Ai Cập, chẳng hạn, sưu tập những bàn tay và dương vật của kẻ thù. Mỉa mai thay, thời kỳ tàn bạo nhất của Assyria đã qua rồi;

Sennacherib thích thương thảo hơn nếu có thể.

Sennacherib chôn giấu những ghi chép về thành tích của mình dưới nền cung điện. Ở Iraq, các nhà khảo cổ đã tìm thấy những tàn tích của thành phố, phát hiện Assyria vào thời điểm vàng son nhất, giàu có lên nhờ những cuộc chinh phục và canh tác nông nghiệp, được quản trị bằng các thư lại mà những ghi chép của họ được tàng trữ trong văn khố hoàng gia. Thư viện của họ chứa những bộ sưu tập các bùa yểm giúp nhà vua ra quyết định, và thần chú, nghi thức và thánh ca giúp duy trì sự phù trợ của thần linh, những cũng có những văn bản đất sét ghi chép những áng văn cổ điển như Trường ca Gilgamesh. Ngoài việc thờ cúng nhiều vị thần, tôn kính các tượng ma thuật và quỷ thần và kêu gọi sức mạnh hô phong hoán vũ của thần linh, người Assyria còn nghiên cứu y học, viết những bài thuốc trên những bảng đất sét đại để như: ‘Nếu bệnh nhân có những triệu chứng sau đây, thì bệnh đó là… Hãy uống những thuốc sau . . .

Các tù binh Israel xa nhà, quần quật trong những thành phố loè loẹt ở Assyria để xây dựng các tòa tháp bậc thang kiểu Babel và những cung điện sơn phết màu mè, coi chúng là những thủ phủ ‘của máu, đầy dẫy dối trá, đầy dẫy cướp bóc, lúc nào cũng có nạn nhân!’ Nhà tiên tri Nathan mô tả ‘tiếng roi quật, tiếng lách cách của bánh xe, tiếng ngựa phi và tiếng bánh xe lộc cộc!’ Giờ thì những chiến mã xa tám căm đó, đạo quân hùng mạnh đó do

Sennacherib chỉ huy hành quân đến Jerusalem, xà xuống, như Sách Đệ Nhị Luật viết, ‘như một con diều hâu đớp mồi’.

ĐƯỜNG HẦM CỦA HEZEKIAH

Hezekiah biết rõ nỗi khủng khiếp nào đã giáng xuống Babylon; ông điên cuồng xây dựng các công sự quanh các khu vực mới của Jerusalem. Những đoạn tường thành to đùng này, rộng đến 25 bộ, ngày nay vẫn còn tại một vài chỗ nhưng ấn tượng nhất là ở Khu Do Thái. Ông chuẩn bị cho một cuộc vây hãm bằng cách ra lệnh cho hai nhóm thợ thủ công đào một địa đạo dài 1,700 bộ xuyên qua đá để nối Suối Gihon bên ngoài thành phố tới Hồ Siloam, phía nam Núi Đền bên dưới Thành phố David, giờ đây nhờ có công sự mới, nên nằm bên trong tường thành. Khi hai đội gặp nhau sâu trong lòng dá, họ ăn mừng bằng cách chạm một dòng chữ để ghi nhớ kỳ tích đáng kinh ngạc của mình.

4

Năm 701 TCN , Vua Hezekiah củng cố thành phố chống lại quân Assyria đang tiến đến. Tường thành dày của ông ngày nay còn nhìn thấy được ở Khu Do Thái.

5

Trong khi đó hai đội công binh bất đầu đào Địa Đạo Siloam dài 533 mét để cung cấp nước cho thành phố; khi họ gặp nhau ở giữa, họ ăn mừng bằng cách khắc chữ này trên đá, được một học sinh phát hiện vào năm 1891.

Địa đạo được đào xuyên qua. Và cách nó được đào xuyên qua là như thế này. Trong khi họ còn khai quật bằng rìu, người này nối đuôi người khác, và khi chỉ còn ba cubit (mỗi cubit khoảng 45 cm: ND) để đục xuyên qua, họ nghe tiếng một người gọi ra phía sau, vì có một vết nứt trong đá bên phải (và bên trái). Và khi đường hầm đá xuyên qua, thợ đá đẽo đá, rìu này đến rìu khác; và nước chảy từ con suối về đến nơi dự trữ một khoảng 1,200 cubit và độ cao của đá bên trên đầu các thợ đá là 100 cubit.

Phía bắc Núi Đền, Hezekiah cho xây đập ngang qua thung lũng để tạo một trong những Hồ Bethesda nhằm mang thêm nước vào thành phố, và dường như ông đã phân phối thực phẩm – dầu, rượu vang, thóc – cho binh sĩ của mình, chuẩn bị đối đầu cuộc bao vây. Những quai bình đã được tìm thấy tại nhiều địa điểm ở Judah có khắc chữ Imlk – ‘cho nhà vua’ – có đóng huy hiệu của ông, bọ hung bốn cánh.

‘Quân Assyria xông đến như lũ sói vồ súc vật trong bãi chăn,’ thi sĩ Byron từng viết. Sennacherib và đoàn hùng binh của ông giờ đang rất gần Jerusalem. Vị Vua Vĩ đại ắt hẳn đã đi, như hầu hết các vị vua Assyria khác, trong cỗ xe chiến mã ba ngựa, có lộng che hoàng gia, những chiến mã lót khăn trải đầy màu sắc và bờm ngựa lung linh trong khi chính ông ắt hẳn vận chiếc long bào trắng có thêu, đội mũ dẹt có mũi nhọn, chòm râu dài cắt tỉa vuông vức, tết lại tỉ mỉ và vòng kiềng họa tiết hoa hồng, và thường cầm một chiếc cung trong tay và dắt một thanh kiếm ở thắt lưng với võ kiếm trang trí họa tiết sư tử. Ông thấy mình nom như một sư tử hơn là một con diều hâu tả trong kinh thánh hoặc con sói của Byron – các vua Assyria mặc áo dạ sư tử để ăn mừng chiến thắng của mình trong Đền Ishtar, trang trí cung điện bằng hình các nhân sư và cảnh săn bắn sư tử, môn thể thao của vua chúa.

Ông bỏ qua Jerusalem để bao vây thành phố thứ hai của Hezekiah, Lachish ở phía nam. Từ những hình chạm nổi tại cung điện Nineveh của ông, chúng ta biết được binh lính ông (và cả binh lính Judaea) mặt mũi thế nào: quân Assyria, một quân đội đế chế gồm nhiều xứ, để tóc tết, và mặc áo chẽn và áo giáp xâu vòng, đội mũ sắt mũi nhọn có chóp lông, bố trí hai bên chiến mã xa, cung thủ, giáo binh và linh bắn ná. Họ xây dựng thang trèo tường; công bình phá tường thành, máy có mấu nhọn trông rất đáng sợ để phá công sự. Cung thủ và linh bắn ná bắn lửa vào thành trong khi bộ binh của

Sennacherib ào ạt trèo lên thang bắc lên tường thành để chiếm thành phố. Các nhà khảo cổ đã khai quật được một nấm mồ tập thể chôn 1,500 đàn ông, đàn bà và trẻ con, một số bị xuyên cọc qua hậu môn hoặc lột da, đúng như tranh chạm nổi mô tả; từng đoàn dân tị nạn chạy trốn khỏi trận tàn sát. Jerusalem biết điều gì đang đợi mình.

6

Trước khi quay sang Jerusalem, Sennacherib, chủ nhân của để chế hùng mạnh, tham tàn Assyria, tràn vào thành phố thứ hai Lachish của Hezekiah. Phù điêu này trong cung điện Nineveh của ông mô tả cảnh vây hãm đẫm máu và sự trừng phạt mà dân chúng gánh chịu. Ở đây các gia đình Judaea bị một lính Assyria giải đi.

Sennacherib nhanh chóng đánh tan một đạo quân Ai Cập đến tiếp viện Hezekiah, tàn phá Judah và rồi tiến sát Jerusalem, hạ trại ở phía bắc, cùng nơi mà Titus sẽ chọn 500 năm sau.

Hezekiah đầu độc mọi giếng nước bên ngoài Jerusalem. Ông bố trí binh lính tại những tường thành mới. Họ vận khăn xếp kết với khăn trùm đầu và tấm phủ tai dài, mang váy ngắn, giáp che ống chân và giày bốt. Khi vòng vây càng xiết chặt, ắt hẳn trong thành càng hoảng loạn. Sennacherib phái tướng lĩnh đến đàm phán – kháng cự là vô ích. Tiên tri Micah nhìn thấy trước cảnh tàn phá của Zion. Tuy nhiên, ông già Isaiah khuyên nên nhẫn nại: Yahweh sẽ giải cứu.

Hezekiah cầu nguyện trong Đền Thờ. Sennacherib khoác lác rằng mình đã bao vây Jerusalem ‘như chim trong lồng’. Nhưng Isaiah đã đúng: Chúa Trời đã can thiệp.

MANASSEH: HIẾN TẾ CON TRAI TRONG THUNG LŨNG ĐỊA NGỤC

‘Thiên sứ của Chúa Trời xuất hiện và phà hơi vào doanh trại quân Assyria. . . và khi họ thức dậy vào buổi sáng, tất cả họ chỉ là những xác chết.’ Quân Assyria thình lình nhổ trại, ắt hẳn để đi đánh dẹp một vụ nổi dậy ở phía đông. ‘Thế là

Sennacherib vua xứ Assyria bỏ đi.’ Yahweh bảo với Sennacherib rằng ‘Con gái của Jerusalem đã nhìn ngươi lắc đầu.’ Đó là theo phiên bản của Jerusalem, còn biên niên sử của Sennacherib thì mô tả vật triều cống choáng ngợp của Hezekiah, gồm 30 ta-lăng vàng và 800 ta-lăng bạc (mỗi ta-lăng khoảng 33 kí): hình như đó là giá mà ông phải trả cho họ rút quân. Sennacherib thu hẹp Judah chỉ còn một khoảnh đất nhỏ không lớn hơn khu vực Jerusalem và huênh hoang rằng mình đã đày biệt xứ 200,150 người.

Khi Hezekiah mất sau vụ vây hãm, con trai ông Manasseh trở thành một chư hầu trung thành của Syria. Ông tàn nhẫn đập tan bất kỳ vụ chống đối nào ở Jerusalem, kết hôn một công chúa Ả Rập, đảo ngược những cải cách của vua cha và cho mãi dâm nam theo nghi thức và đặt các tượng thần Baal và Asherah trong Đền Thờ. Đáng sợ hơn tất cả, ông khuyến khích việc hiến tế trẻ con tại các lò nướng – các tophet – trong thung lũng Hinnom,* phía nam thành phố. Chính xác ‘ông đã ra lệnh đẩy chính con trai mình qua đám lửa. . . ‘Người ta kể các trẻ em được đưa vào đó trong tiếng trống bập bùng để át tiếng la hét của những nạn nhân không cho cha mẹ chúng nghe thấy.

* Đã có những gợi ý về tập tục hiến tế trẻ em trong Sáng Thế Ký và Xuất Hành, trong đó có việc Abraham muốn hiến tế con trai Isaac của mình. Việc hiến tế người từ lâu đã là nghi thức của người Phoenicia và Canaan. Vậy mà rất ít chứng cứ được phát hiện cho đến đầu thập niên 1920, khi hai viên chức thuộc địa Pháp ở Tunisia tìm được trên một cánh đồng một tophet (lò nướng), với các binh đựng tro cốt trên đó có khắc chữ MLK (viết tắt của inmolok, hiến tế) và chứa xương cốt thiêu cháy của trẻ con, ngoài ra còn có thông điệp kể lể của người cha: ‘Bomilcar dâng cúng lên Baal đứa con trai máu thịt của mình. Xin ban phước cho nó!’ Những phát hiện này có thể đã trùng khớp với thời điểm Manasseh, ám chỉ rằng những câu chuyện kinh thánh là tin được.

Vì Manasseh mà Thung lũng Hinnom không chỉ trở thành thung lũng của tử thần, mà còn là Gehenna, ‘địa ngục’ trong thần thoại Do Thái và sau đó là thần thoại Kitô và Hồi giáo. Nếu Núi Đền là thiên đường riêng của Jerusalem, Gehenna là cõi Hades riêng của nó (Hades là Cõi Âm nơi linh hồn người chết bị quản thúc, theo thần thoại Hy Lạp: ND).

Rồi vào năm 626, Nabopolassar, một vị tướng người Chaldea lên nắm quyền ở Babylon và bắt đầu tàn phá đế chế Assyria, ghi lại những kỳ công của mình trong Biên niên sử Babylon. Năm 612, Nineveh thất thủ trước liên minh Babylon và Medes. Vào năm 609, cháu nội Josiah tám tuổi của Manasseh lên kế vị dường như báo trước một thời hoàng kim do một đấng Cứu Thế cai trị.

CHƯƠNG 5

TÊN ĐIẾM Ở BABYLON 586-539 TCN

JOSIAH: NGƯỜI GIẢI CỨU CÁCH MẠNG

Thật là một phép màu: đế chế xấu ác Assyria đã tan rã và vương quốc Judah được tự do. Vua Josiah có thể đã mở rộng đế chế của mình về phía bắc vào trong lãnh thổ trước đây của Israel, về phía nam đến Hồng Hải và về phía đông đến Địa Trung Hải, và rồi trong năm trị vì thứ 18 của ông, giáo trưởng Hilkiah tìm được một cuộn văn tự bị quên bẳng được cất giữ trong một gian phòng của Đền Thờ.

Josiah nhận ra ngay quyền lực của văn kiện này, một phiên bản có sớm của Sách Đệ nhị Luật, ắt hẳn là một trong những cuộn văn bản được mang về phương nam từ Israel sau khi nó thất thủ và được cất giấu trong Đền Thờ trong thời gian bức hại của Manasseh. Tập hợp dân chúng Judaea trong Đền Thờ, Josiah đứng cạnh biểu tượng tôtem (vật tổ), cột hoàng gia, và thông báo giao ước của mình với Chúa Trời độc nhất để gìn giữ Luật. Nhà vua giao phó cho các học giả kể lại lịch sử cổ đại của người Judaea, kết nối những Tổ phụ theo truyền thuyết, các vua thánh David và Solomon và chuyện về Jerusalem thành một quá khứ duy nhất để làm sáng tỏ hiện tại. Đây là một bước tiến khác về hướng sáng tạo Kinh thánh. Thật ra những luật này được lùi lại niên đại và gán cho Moses, nhưng chân dung kinh thánh của Đền Thờ Solomon chắc chắn phản ánh Jerusalem có thực nhưng sau này của Josiah, David mới. Từ đó trở đi núi thánh được gọi bằng cái tên không thể nào đơn giản hơn ha-Makom trong tiếng Do Thái nghĩa là: Chỗ Đó.

Nhà vua cho thiêu huỷ tượng thần trong Thung lũng Kidron, và trục xuất những tên mãi dâm nam ra khỏi Đền Thánh; ông đập nát lò nướng trẻ em ở Thung lũng Địa ngục và giết các thầy tu thờ tượng thần, nghiền xương họ làm áng thờ. Cuộc cách mạng của Josiah nghe có bạo lực, điên cuồng và thuần khiết. Sau đó ông tổ chức lễ Vượt Qua để ăn mừng. ‘Và trước ngài, không có ông vua nào giống như ngài cả.’ Nhưng ông đang chơi một trò chơi nguy hiểm. Khi Necho, pha-ra-ông Ai Cập, tiến quân lên bờ biển, Josiah, sợ mình sẽ phải hoán đổi ách thống trị của Assyria bằng ách thống trị của Ai Cập, vội vàng ngăn chặn Necho. Năm 609 TCN, vị pha-ra-ông đè bẹp quân Judaea và giết chết Josiah tại Megiddo. Josiah đã thất bại, nhưng cách cai trị có tính lạc quan và mới mẻ của ông có ảnh hưởng hơn bất kỳ vị vua nào giữa thời David và Jesus. Giấc mơ độc lập, tuy nhiên, kết thúc tại Megiddo, trở thành một định nghĩa rất hợp của thảm họa: Armageddon (trận đánh cuối cùng gây ra tận thế).

Pha-ra-ông tiến vào Jerusalem và đặt em của Jehoiakim lên ngôi vua xứ Judah. Nhưng Ai Cập thất bại trong việc ngăn chặn một đế chế mới nổi lên ở Cận Đông. Năm 605, con trai của vua xứ Babylon, Nebuchadnezzar, đánh tan quân Ai Cập tại Carchemish. Assyria biến mất; Babylon thừa kế Judah. Nhưng vào năm 597, Vua Jehoilakim nhận thấy có cơ hội giải phóng Judah giữa tình trạng mất ổn định này, nên kêu gọi toàn xứ ăn chay để tranh thủ sự phù trợ của Chúa Trời. Cố vấn và nhà tiên tri của ông Jeremiah cảnh cáo, trong Sách Jeremiah thứ nhất, rằng Chúa Trời sẽ hủy diệt Jerusalem. Vua Jehoiakim công khai đốt những bài viết của Jeremiah. Ông kết đồng minh giữa Judah và Ai Cập, nhưng họ không đến tiếp viện ông khi nhà chinh phục mới tiến vào Jerusalem.

NEBUCHADNEZZAR

‘Vào tháng thứ bảy năm Kislev,’ biên niên sử của Nebuchadnezzar để lại trên một bảng khắc đất sét, tuyên bố rằng ‘vua Babylon tiến vào đất Hatti Syria, bao vây Thành phố xứ Judah (Jerusalem) và vào ngày thứ hai của tháng Adar (16/3/697) chiếm được thành phố và bắt được nhà vua.’ Nebuchadnezzar cướp bóc Đền Thánh và đày vua và 10,000 quí tộc, thợ thủ công và thanh niên đến Babylon. Ở đó Jehoilakim tham gia triều chính của người chinh phục.

Nebuchadnezzar là con trai của người lật đổ nhưng ông là một nhà kiến tạo đế chế năng động, tự xem mình là quan kinh lược thế tục của vị thần hộ mạng Bel-Marduk. Kế thừa phong cách của Assyria là đặt ách áp bức tàn bạo lên đế chế, ông tự ví mình là kiểu mẫu toàn bích của lòng mộ đạo và đức hạnh. Ở trong nước ‘người mạnh quen hiếp đáp kẻ yếu’, nhưng Nebuchadnezzar ‘ngày đêm không nghỉ mà cùng với các cố vấn tìm cách không ngừng ban bố công lý. Những nạn nhân người Judaea của ông có thể đã không nhận ra ‘Vị Vua của Công lý’ tự phong này.

Những người bị lưu đày từ Judah bỗng thấy mình ở trong một thành phố khiến Zion trông chẳng khác một ngôi làng. Trong khi ở Jerusalem chỉ vỏn vẹn có vài ngàn dân, thì Babylon tự hào có đến một phần tư triệu dân sống trong một kinh thành tráng lệ và hưởng thụ đến nỗi nữ thần tình yêu và chiến tranh Ishtar được cho là thường rón rén đi qua đường phố, hôn những người sủng ái trong các quán rượu và ngõ vắng.

Nebuchadnezzar đặt dấu ấn lên kinh thành Babylon bằng khiếu thẩm mỹ của mình: các công trình hoành tráng được nhuộm màu ông ưa chuộng, xanh da trời thần thánh, phản chiếu trên những dòng kênh của con sông Euphrates. Bốn tòa tháp của Cổng Ishtar được lát bằng gạch xanh bóng loáng, trang trí hình bò mộng và rồng tô màu vàng và vàng thổ, dẫn vào đại lộ chiến thắng của kinh thành, Đường Diễn Hành. Cung điện ông, theo lời ông là một ‘công trình để ngưỡng mộ, một nơi yên nghỉ sáng loáng, nơi cư ngụ của bậc đế vương’, được trang trí hình sư tử hùng vĩ. Các Vườn Treo tô điểm cung điện mùa hè. Vinh danh thần hộ mạng Marduk của Babylon, Nebuchadnezzar nâng cao một tòa tháp bậc thang cao 7 tầng, bên trên cùng là chóp bằng phẳng: Nền tảng của Trời và Đất của ông đúng là Tháp Babel thực sự, nhiều ngôn ngữ nói ở đó phản ánh tầm vóc kinh đô quốc tế của toàn vùng Cận Đông.

Ở Jerusalem, Nebuchadnezzar đặt chú của vị vua bị lưu đày, Zedekiah, lên ngôi. Vào năm 594, Zedekiah đến thăm Babylon để tỏ lòng thần phục

Nebuchadnezzar, nhưng khi trở về ông phát động một cuộc khởi nghĩa, vì bị ám ảnh bởi nhà tiên tri Jeremiah, người đã từng cảnh báo rằng quân Babylone sẽ hủy diệt thành phố. Nebuchadnezzar hành quân về nam. Zedekiah cầu cứu Ai Cập, và chỉ được tiếp viên một đạo quân teo tóp và bị tiêu diệt ngay lập tức. Bên trong Jerusalem, Jeremiah, chứng kiến cảnh hoảng loạn và hoang tưởng, liền cố trốn thoát như bị giữ lại ở cổng thành. Nhà vua, đắn đo không biết hỏi ý ông hay hành hình ông vì tội phản trắc, liền giam ông vào ngục tối bên dưới cung điện. Trong 18 tháng, Nebuchadnezzar tàn phá Judah, xử Jerusalem sau cùng.

Năm 587, Nebuchadnezzar bao quanh Jerusalem bằng đồn lũy và một tường vây hãm. ‘Nạn đói’, Jeremiah viết, ‘hoành hành thành phố’. Những đứa trẻ ‘xỉu vì đói trên mọi đường phố’, người ta râm ran về chuyện ăn thịt người: ‘con gái của dân tộc tôi đã trở nên tàn ác. . . Bàn tay của những phụ nữ đáng thương đã luộc các con của mình: chúng là thịt của họ trong cơn hủy diệt’. Thậm chí người giàu cũng sớm lâm vào cảnh tuyệt vọng, tác giả của Ai ca viết: ‘những người được nuôi nấng trong nhung lụa giờ lăn lóc vào đống phân gia súc để tìm thức ăn. Dân chúng lang thang khắp đường phố, choáng váng, ‘như người mù’. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy một ống cống có niên đại thời vây hãm: người Judaea thường sống bằng đậu lăng, lúa mì và lúa mạch, nhưng phân tích chất thải trong ống cống cho thấy dân chúng sống bằng cây cỏ, bị bệnh giun đũa và giun sán.

Vào ngày 9 của tháng Ab Do Thái, tức tháng 8 năm 586, sau 18 tháng, Nebuchadnezzar xâm nhập vào thành phố, phóng hỏa nó, ắt hẳn bằng bó đuốc hoặc tên lửa (nhiều mũi tên được phát hiện trong Khu Do Thái ngày nay trong một lớp muội, tro và than). Ngọn lửa đã thiêu rụi nhà cũng nung nóng các con triện bằng đất sét của cơ quan hành chính, cứng đến nỗi đến hôm nay chúng vẫn còn bên trong ngôi nhà cháy rụi. Jerusalem chịu đựng nạn cướp bóc ghê gớm của những thành phố thất thủ. Những ai bị giết còn may mắn hơn những kẻ phải chết đói: ‘Da chúng tôi đen như lò than vì đói kém. Họ cưỡng hiếp phụ nữ ở Zion; các hoàng thân bị chính tay họ treo cổ.’ Dân Edom từ phương nam tràn vào thành phố để cướp bóc, tiệc tùng và hả hê vì cảnh đổ nát: ‘Hãy liên hoan và vui sướng lên, ôi con gái của Edom . . . nàng sẽ say sưa và tự mình khoả thân.’ Người Edom, theo Thánh thi 137, cổ vũ người Babylon ‘hãy san bằng, san bằng cho đến tận nền móng. . . Sung sướng cho ai nắm lấy bé con và ném vào đá.’ Quân Babylon tàn phá Jerusalem trong khi, bên dưới cung điện hoàng gia, Jeremiah sống sót trong ngục tù.

NEBUCHADNEZZAR: NỔI GỚM GHIẾC CỦA SỰ TÀN PHÁ

Zedekia xông ra khỏi cổng gần đến Hồ Siloam, định đi về Jericho thì bị quân Babylon bắt và mang nộp trước

Nebuchadnezzar ‘tại đó ông bị kêu án. Họ giết các con trai của

Zedekiah trước mắt ông. Rồi họ móc mắt ông, xích ông bằng cùm đồng rồi đưa ông về Babylon.’ Quân Babylon ắt hẳn đã tìm được Jeremiah dưới hầm giam của vua vì họ dẫn ông đến trước mặt Nebuchadnezzar. Sau khi bàn luận với ông, nhà chinh phục phong ông quyền chỉ huy đội phòng vệ đế chế, Nebuzaradan, có nhiệm vụ coi sóc Jerusalem. Nebuchadnezzar đày 20,000 người Judaea đến Babylon, mặc dù Jeremiah nói ông giữ lại nhiều người nghèo.

Một tháng sau Nebuchadnezzar ra lệnh tướng lĩnh mình xóa sổ thành phố. Nebuzaradan ‘đốt Nhà Chúa, cung điện hoàng gia và tất cả nhà cửa ở Jerusalem’ và ‘đập bỏ tường thành’. Đền Thờ bị hủy diệt, vàng bạc bị cướp sạch và Hòm Giao ước biến mất mãi mãi. ‘Họ đã phóng hỏa Đền Thờ của ngươi,’ Thánh thi 74 kể lại. Các thầy tu bị giết trước mặt Nebuchadnezzar. Giống như Titus vào 70 SCN, Đền Thờ và cung điện ắt hẳn đã đổ xuống thung lũng bên dưới: ‘Vàng đã trở nên mờ mịt biết bao! Vàng đẹp nhất đã thay đổi biết bao! Đá của Đền bị đổ đống trên mọi đường phố.’*

Đường phố vắng tanh: ‘Thành phố trước kia tấp nập giờ hoang vắng biết bao.’ Người giàu có bị bần cùng hoá: ‘người trước đây ăn tiêu cầu kỳ nay vắng bóng trên phố xá’. Cáo phóng chạy trên khắp vùng đồi núi cằn cỗi của Zion. Khúc Ai ca của người Judaea than khóc cho ‘Jerusalem ra máu . . . như một phụ nữ có kinh nguyệt’: ‘Nàng xót xa khóc suốt đêm và đôi má đầm đìa nước mắt: trong số những người tình, không ai đến vỗ về nàng.’

Sự hủy diệt Đền Thờ hình như không chỉ là cái chết của một thành phố mà là cái chết của cả một dân tộc. ‘Khóc than cho tập tục của Zion vì không còn ai đến dự những buổi lễ truyền thống: mọi cổng đền đều đìu hiu: các giáo sĩ thở dài. . . Và tất cả vẻ đẹp đều bỏ đi khỏi các cô con gái của Zion . Vương miện đã rơi xuống đầu chúng ta.’ Việc này dường như ngày tận thế, hoặc như Sách Daniel giải thích, ‘nỗi gớm ghiếc của hành động tàn phá’. Người Judaea ắt hẳn sẽ biến mất như những dân tộc khác khi thần linh của họ đã ruồng bỏ họ. Nhưng người Do Thái phần nào đã hóa giải thảm họa này thành một trải nghiệm phong phú càng làm cho tính thần thánh của Jerusalem tăng lên gấp đôi và tạo ra một nguyên mẫu cho Ngày Phán Xét. Đối với cả ba tôn giáo, địa ngục này khiến Jerusalem trở thành nơi tập hợp của Ngày Cuối Cùng và nơi khởi hành đến vương quốc thần thánh. Đây là ngày Apocalypse – dựa trên từ Hy Lạp chỉ ‘sự khải huyền’ – mà Jesus đã tiên đoán. Đối với người Cơ đốc nó trở nên một sự mong đợi vĩnh viễn và mặc định, trong khi Muhammad sẽ xem sự hủy diệt của Nebuchadnezzar là hành động Chúa rút lại ân sủng khỏi người Do Thái, dọn đường cho sự mặc khải tôn giáo của ông ta.

Trong chốn lưu đày ở Babylon, một số người Judaea gìn giữ lòng mộ đạo đối với Chúa và Zion. Đồng thời như các bài thơ của Homer đang trở nên quốc hùng ca của Hy Lạp, người Judaea bắt đầu tự xác định mình bằng những văn bản kinh thánh và thành phố giờ đã xa xôi: ‘Bên bờ sông Babylon, chúng tôi ngồi xuống, và chúng tôi khóc vì nhớ thương Zion. Chúng tôi treo chiếc đàn hạc trên cành liễu giữa nỗi buồn nhớ.’ Thậm chí người Babylon, theo Thánh thi 137, cũng trân trọng những bài hát của người lưu vong Judaea: ‘Bởi vì ở đó những người mang chúng tôi đến đây như những tù nhân yêu cầu chúng tôi hát một bài; và những người đã làm chúng tôi mòn mỏi đòi chúng tôi vui cười, nói, “Hát cho chúng tôi một bài hát Zion đi”. Làm sao chúng tôi có thể hát lên bài hát của Chúa trên một miền đất xa lạ?’

Vậy mà ở đó Kinh thánh thành hình. Trong khi những người Jerusalem trẻ tuổi như Daniel được giáo dục ở chốn hoàng gia và những người bị lưu đày thế tục hơn trở thành người Babylon, những người Judaea phát triển những giáo luật để khẳng định mình còn khác biệt và đặc biệt – họ tôn kính ngày lễ Sabbath (ngày lễ của người Do Thái từ chiều thứ 6 đến chiều thứ 7), họ cắt bao qui đầu cho trẻ em, theo đúng những luật chay tịnh, đặt tên Do Thái – vì sự sụp đổ của Jerusalem đã chứng tỏ những gì sẽ xảy ra khi họ không tôn trong luật điều Thượng đế. Ra khỏi vùng đất Judah, người Judaea đang trở thành người Do Thái. *

* Giữa 586 và 400 TCN, những tác giả bí ẩn viết nên Kinh thánh, thư ký và giáo sĩ sống ở Babylon, chắt lọc và đối chiếu Ngũ Kinh của Moses, được biết dưới tên Kinh Torah trong tiếng Hebrew, phối hợp với những truyền thuyết khác nhau về Chúa Trời, Yahweh và El. Những người viết Đệ Nhị Luật kể lại lịch sử và đúc kết giáo luật để chứng tỏ sự yếu kém của các nhà vua và sự siêu việt của Chúa Trời. Và họ kết hợp những câu chuyện lấy cảm hứng từ Babylon như Trận Đại Hồng Thủy, rất giống với Trường Ca Gilgamesh, nguồn cội của Abraham ở Ur gần đó và tất nhiên Tháp Babel. Sách Daniel được viết qua một thời gian dài: một số phần chắc chắn được viết trong thời kỳ đầu của Xuất Hành, những phần khác soạn về sau này. Chúng ta không biết có nhân vật nào tên Daniel hoặc đây là tên của một tập thể. Nhưng sách cũng đầy những lầm lẫn về lịch sử khiến các nhà khảo cổ phải làm sáng tỏ nhờ sự trợ giúp từ chứng cứ tìm được ở Babylon trong các cuộc khai quật vào thế kỷ 19.

Người lưu vong làm Babylon bất tử như ‘bà mẹ của những ả giang hồ và nỗi ghê tởm trần thế’, vậy mà đế chế vẫn hưng thịnh và kẻ thù truyền kiếp của họ, Nebuchadnezzar, cai trị trong hơn 40 năm. Tuy nhiên, Daniel tuyên bố nhà vua sẽ hóa điên : ‘ông sẽ bị dân chúng đuổi đi ăn cỏ như súc vật, móng tay ông ta sẽ mọc dài như móng vuốt chim – một hình phạt thích đáng cho những tội ác của mình (và một niềm cảm hứng tuyệt vời cho những bức họa của William Blake). Nếu việc trả thù còn dở dang, thì người lưu đày ít nhất có thể ngạc nhiên thích thú trước những trớ trêu của cuộc sống ở Babylon: con trai của Nebuchadnezzar là Amel-Marduk khiến ông bất mãn đến nỗi ông ném anh ta vào ngục thất, và ở đó anh ta có dịp quen biết với Jehoiachin, Vua xứ Judah.

YẾN TIỆC CỦA BELSHAZZAR

Khi Amel-Marduk trở thành vua xứ Babylon, ông trả tự do cho người bạn hoàng gia Judaea quen trong ngục thất. Nhưng vào năm 556 triều đại bi lật đổ: vua mới, Nabonidus, tẩy chay thần Bel-Marduk của Babylon, mà thay bằng Sin thần mặt trăng và lập dị rời bỏ thành phố để sống ở Teima, rất xa trong vùng sa mạc Ả Rập. Nabonidus bị mắc phải một chứng bệnh bí mật, và ắt hẳn ông (chứ không phải Nebuchadnezzar, như Daniel đã tuyên bố) là người hóa điên và ‘ăn cỏ như gia súc’.

Trong lúc vua vắng mặt, nhiếp chính, con trai của ông Belshazzar, theo Kinh thánh cho biết, tổ chức buổi yến tiệc phạm thánh trong đó ông sử dụng ‘các cốc vàng và bạc lấy từ Đền Thờ ở Jerusalem’ rồi thình lình ông nhìn thấy trên tường xuất hiện dòng chữ của Chúa Trời: ‘MENE MENE TEKEL UPHARSIN’. Giải mã, đây là những số đo cảnh báo rằng thời gian còn lại của đế chế chỉ được tính bằng ngày.

Belshazzar run sợ. Dành cho Tên Điếm ở Babylon , ‘chữ viết trên bức tường.’

Năm 539 TCN, quân Ba Tư tiến vào Babylon. Lịch sử Do Thái đầy dẫy chuyện giải cứu nhiệm mầu. Nhưng lần này là xúc động nhất. Sau 47 năm ‘ngồi bên bờ sông Babylon’, quyết định của một con người có đức hiếu sinh như quyết định của David, đã phục sinh Jerusalem.

CHƯƠNG 6

NGƯỜI BA TƯ 539-336

CYRUS ĐẠI ĐỂ

Astyges, Vua xứ Media ở phía tây Ba Tư, nằm mơ thấy con gái mình đi tiểu ra một dòng nước vàng bắn ra khắp đế chế Ba Tư. Các trưởng lão Ba Tư giải đoán điều này có nghĩa các cháu ông sẽ tranh giành quyền cai trị của ông. Astyges bèn gả con gái này cho một nhà vua lân bang yếu kém, an toàn ở phía đông, Vua xứ Anshan. Kết quả là họ sinh hạ một con trai kế vị, sẽ trở thành Cyrus Đại Đé. Astyges nằm mơ lần nữa thấy một dây nho mọc ra từ giữa kẻ hở hai đùi của con gái ông lớn nhanh đến nỗi bao trùm cả ông – một phiên bản tính dục – chính trị của Jack và cây đậu thần. Astyges ra lệnh cho chỉ huy Harpagus mưu sát Cyrus, nhưng cậu trai được một người chăn cừu che giấu. Khi Astyges biết tin Cyrus vẫn còn sống, ông làm thịt và nấu đứa con trai của Harpagus làm món hầm đãi người cha đáng thương. Đó là một bữa ăn mà Harpagus sẽ không quên hoặc tha thứ dễ dàng.

Khi vua cha mất vào năm 559 TCN, Cyrus trở về và nắm lấy quyền cai trị đế chế. Những giấc mơ độc địa của Astyges, được kể lại bởi sử gia Hy Lạp Hetedotus, vốn là người thích tin rằng mọi chuyện về Ba Tư đều được quyết định với sự hỗ trợ của những điềm triệu thuộc tính dục hoặc tiết niệu, đã thành hiện thực: Cyrus, dưới sự hậu thuẫn của Harpagus, đánh bại ông nội của ông, thống nhất Medes và Ba Tư. Để lại Babylon của Belshazzar ở phía nam, Cyrus đương đầu với một tiềm năng mới, Croesus, vị vua giàu có của xứ Lydia ở phía tây Thổ Nhĩ Kỳ. Cyrus hành quân khẩn cấp bằng quân đội lạc đà để tiến bất ngờ vào kinh đô Croesu. Ngựa của quân Lydia bỏ chạy khi ngửi thấy mùi của đoàn lạc đà tấn công. Sau đó Cyrus quay sang Babylon.

Kinh thành màu xanh rực rỡ của Nebuchadnezzar mở cổng cho Cyrus. Ông khéo léo tỏ lòng tôn kính đối với thần Bel-Marduk, vị thần của Babylon đã bị ruồng bỏ. Việc Babylon thất thủ khiến người Do Thái lưu vong hớn hở: ‘Vì Chúa Trời đã giáng phúc; hãy hét to lên thành tiếng hát, hỡi núi non. Ơi rừng và cây cối hãy reo lên; vì Chúa đã cứu vớt Jacob, và làm rạng danh mình ở Israel.’ Cyrus kế thừa đế chế Babylon, kể cả Jerusalem: ‘mọi ông vua trên mặt đất,’ ông nói, ‘đều mang triều cống quí báu đến cho ta và cúi xuống hôn chân ta khi ta ngự tại Babylon’.

Cyrus có tầm nhìn tân kỳ về đế chế. Trong khi người Assyria và Babylon xây dựng đế chế bằng tàn sát và lưu đày, Cyrus đưa đến sự khoan dung tôn giáo để đổi lấy sự thống trị về chính trị nhờ đó ‘đoàn kết được các dân tộc sống chung trong một đế chế’.*

* Một trong những chỉ dụ của Cyrus về khoan dung tôn giáo, sau này được tìm thấy khắc trên một ống trụ, khiến ông được vinh danh là Cha Đẻ về Quyền Con Người, và một bản sao của chỉ dụ giờ được đặt trên lối vào của tòa nhà Liên Hiệp Quốc ở New York. Nhưng ông không phải là người cấp tiến. Chẳng hạn, khi kinh đô xứ Sardis của người Lydia nổi dậy, ông tàn sát hàng ngàn dân cư. Cyrus tin vào Ahura Mazda, vị thần Ba Tư có cánh, thần của cuộc sống, sự khôn ngoan và ánh sáng mà nhân danh ngài nhà tiên tri của dân Ba Tư gốc Aryan, Zoroaster, đã dạy rằng cuộc sống là trận chiến giữa chân lý và giả ngụy, lửa và bóng tối. Nhưng không có quốc giáo, mà chỉ là nhãn quan đa thần về anh sáng và bóng tối không hẳn là không phù hợp với Do Thái giáo (và sau này Cơ đốc giáo).

Không bao lâu sau, Vua Ba Tư ban một sắc dụ ắt hẳn đã làm người Do Thái sửng sốt: Chúa Trời đã ban cho ta tất cả vương quốc trên thế gian và đã giao cho ta trách nhiệm xây dựng cho ngài một ngôi nhà ở Jerusalem. Ai trong số các người là con cái của ngài? Hãy đi đến Jerusalem và xây dựng ngôi nhà cho Chúa Trời của Israel.’

Ông không chỉ đưa người Judaea lưu đày về nhà, mà còn bảo đảm quyền lợi và luật lệ cho họ – nhà cai trị đầu tiên từng làm thế – mà ông còn trả lại Jerusalem cho họ và hỗ trợ xây dựng Đền Thờ. Cyrus bổ nhiệm Sheshbazzar, con trai vị vua cuối cùng, trị vì Jerusalem, trả lại cho ông những bình vàng của Đền Thờ. Không có gì ngạc nhiên khi một tiên tri Judaea chào đón Cyrus như một Đấng Cứu Thế. ‘Ngài là người chăn cừu của tôi, và sẽ thực thi mọi hoan lạc của tôi: thậm chí bảo với Jerusalem, Ngươi sẽ được dựng lên; và bảo với đền thờ, Nền móng của ngươi sẽ được xây đắp.’

Sheshbazzar dẫn 42,360 người lưu đày trở về Jerusalem trong tỉnh Yehud – Judah. * Thành phố giờ chỉ là chốn tan hoang so sánh với vẻ hoành tráng của Babylon, nhưng ‘Hãy tỉnh dậy, hay tỉnh dậy, khoác lấy sức mạnh, hỡi Zion.’ Isaiah viết, ‘mặc quần áo đẹp của ngươi, hỡi Jerusalem, thành phố thánh… Hãy rũ bỏ lớp bụi . . . Hỡi con gái bị cầm tù của Zion.’ Tuy nhiên, kế hoạch của Cyrus và người lưu vong trở về bị người địa phương bấy lâu cư trú tại Judarea và đặc biệt Samaria ngăn cản.

* Kinh thánh nói phóng đại. Nhiều nghìn người Do Thái chọn ở lại Iraq và Iran. Cộng đồng Do Thái ở Babylon đông đúc, giàu có và có thế lực dưới các triều đại Seuleucid, Parthia và Sassanid cho đến triều đại các kha-lip Abbasid và thời Trung Cổ. Babylon trở thành trung tâm Do Thái về lãnh đạo và học thuật gần như quan trọng không kém Jerusalem cho đến khi người Mông Cổ xâm lăng. Cộng đồng phục hồi dưới triều đại Ottoman và chính quyền thuộc địa Anh. Nhưng những vụ bức hại khởi phát vào thập niên 1880 ở Baghdad (được cho là có đến một phần ba dân số là người Do Thái) và càng khắc nghiệt thêm dưới nền quân chủ Hashemite. Năm 1948 có đến 120,000 người Do Thái ở Iraq. Khi nhà vua Iran bị lật đổ vào năm 1979, có 100,000 người Do Thái ở nước này. Đa phần cộng đồng Do Thái ở hai nước này đều di cư đến Israel. Ngày nay chỉ còn 25,000 người Do Thái ở lại Iran và chỉ vỏn vẹn 50 người ở lại Iraq.

Chỉ 9 năm sau khi trở về từ chốn lưu vong, Cyrus, vẫn đang trong độ tuổi sung sức, bị tử thương trong một trận đánh ở Trung Á. Có tin nói rằng kẻ địch chiến thắng đã bỏ thủ cấp ông vào một túi da đựng đầy máu để ông uống thỏa thuê cơn khát máu muốn chiếm đất đai của người khác. Người kế vị ông chuộc lại thi thể ông và an táng trong một quách bằng vàng tại Pasargadae (ở nam Iran ngày nay). ‘Ông làm lu mờ mọi vì vua khác, trước và sau ông,’ chiến binh Hy Lạp Xenophon viết. Jerusalem đã mất người bảo trợ mình.

DARIUS VÀ ZERUBBABEL: ĐỀN THỜ MỚI

Số phận của đế chế Cyrus, vốn đã rộng lớn hơn bất kỳ đế chế nào có trước, được quyết định sát bên Jerusalem. Con trai của Cyrus là Cambyses II – Kambujiya – lên kế vị ngôi vua và vào năm 525 hành quân qua Gaza và băng qua Sinai để chinh phục Hy Lạp. Cách đó rất xa ở Ba Tư, em ông nổi loạn. Trên đường hành quân trở về để chiếm lại ngôi báu, Cambyses chết một cách bí ẩn gần Gaza; tại đó, 7 nhà quí tộc âm mưu bàn kế hoạch soán ngôi trên lưng ngựa. Họ không thể quyết định ai là ứng viên cho ngôi vị, vì thế họ đồng ý rằng ‘người nào có ngựa hí đầu tiên sau bình minh sẽ lên ngôi’. Ngựa của Darius, một dòng dõi trẻ trung của một vọng tộc và là người mang giáo cho Cambyses, là con ngựa hí đầu tiên. Sử gia Herodotus cho rằng Darius đánh lừa bằng cách ra lệnh cho người chăm ngựa thọc ngón tay vào âm đạo của một con ngựa cái: sau đó y cho con ngựa của Darius hít một hơi phấn khích mùi ngựa cái vào đúng lúc quyết định. Vậy là Herotodus đã vui vẻ gán cho sự trỗi dậy của một nhà độc tài phương đông với một trò lừa tình dục bằng tay.

Với sự hỗ trợ của sáu đồng bọn, Darius phi ngựa về hướng đông, và thành công trong công cuộc tái chinh phục toàn bộ đế chế Ba Tư, dẹp tan mọi vụ nổi dậy gần như trong mỗi tỉnh lỵ. Nhưng cuộc nội chiến làm đình trệ việc xây dựng nhà Chúa ở Jerusalem cho đến năm thứ hai thời trị vì của Darius. Vào khoảng năm 520, Hoàng thân Zerubbabel, cháu nội của vì vua cuối cùng của Judah, và giáo trưởng của ông, Joshua, con trai của giáo sĩ cuối cùng của Đền Thánh xưa, khỏi hành từ Babylon đi giải cứu Jerusalem.

Zerubbabel làm lại áng thờ trên Núi Đền, thuê thợ thi công và mua gỗ tuyết tùng của người Phoenicia để xây dựng lại Đền. Phấn khích bởi công trình đang cao lớn dần, và cổ vũ bởi sự mất ổn định trong đế chế, người Do Thái không thể kềm chế niềm mơ ước rạt rào về một vương quốc mới. ‘Vào ngày đó, Chúa của những chủ nhân nói, Ta sẽ đem theo ngươi, hỡi Zerubbabel, tôi tớ của ta. . . và khiến ngươi trở thành một dấu ấn!’ nhà tiên tri Haggai viết, kể lại việc chiếc nhẫn-ấn mà ông nội của

Zerubbabel đánh mất. Các nhà lãnh đạo Do Thái mang vàng và bạc từ Babylon đến, chào mừng Zerubbabel (có nghĩa là Hạt mầm của Babylon) như là ‘Chồi non’ sẽ vươn đến sự đường bệ và cai trị muôn dân.

Dân bản địa, từ lâu đã sinh sống quanh thành phố và ở vùng Samaria phía bắc, giờ cũng muốn tham gia vào nghĩa vụ linh thiêng này và tình nguyện hỗ trợ Zerubbabel, nhưng những người lưu vong trở về thực hành một đạo Do Thái mới. Họ xem những người bản xứ này là bán ngoại đạo, coi thường họ là Am Ha-Aretz, ‘khách trú’. Cảnh giác trước sự phục sinh của Jerusalem hoặc được người địa phương mua chuộc, thống đốc Ba Tư cho đình chỉ việc xây dựng.

Trong ba năm, Darius đã đánh tan mọi thách thức và nổi lên như một trong những nhà cai trị hiển hách nhất trong thế giới cổ đại, thiết lập một đế chế khoan dung kéo dài từ Thrace và Ai Cập đến Hindu Kush – đế chế đầu tiên vườn ra đến ba lục địa.* Vị Đại Đế mới hóa ra là sự kết hợp hiếm hoi của một nhà chính phục và một nhà quản trị. Từ hình ảnh ông được khắc trên đá để tưởng niệm chiến tích của mình, chúng ta biết rằng vị Darius này

– Darayavaush – tự thể hiện mình như một sắc tộc Aryan với chân mày cao và mũi thẳng, cao khoảng 5 bộ 10 in-xơ, đội một vương miện ra trận bằng vàng có đính ngọc hình ô van, khăn quàng cổ cuốn lại, râu mép thòng xuống và vuốt ngược lên, tóc buộc thành búi và hàm râu cằm vuông vức sắp xếp thành bốn tép xen kẽ cong và thẳng. Trong phong thái lẫm liệt, ông mặc áo choàng dài phủ qua quân và giày, tay cắp một cánh cung.

* Darius càn quét Trung Á, phía đông Biển Caspian, và mò mẫm đến Ấn và châu Âu, tấn công Ukraine và xáp nhập Thrace. Ông xây dựng kinh đô lộng lẫy Persepolis (phía nam Iran ngày nay), xiển dương đạo Zoroaster và Ahura Mazda, phát hành giấy bạc đầu tiên của thế giới (tiền Daric), nâng cấp hạm thuyền Hy Lạp, Ai Cập và Phoenicia và lập ra dịch vụ bưu tín thực sự đầu tiên, xây cất các nhà trọ mỗi 15 dặm dọc theo Vương Lộ dài 1,678 dặm từ Susa đến Sardis. Những thành tựu trong 30 năm trị vì của ông biến ông là Augustus của đế chế Ba Tư. Nhưng dù là Darius cũng có lúc tới hạn. Không lâu trước khi mất vào năm 490 TCN, ông xưa quân chiếm Hy Lạp, nhưng bị đánh bại tại Trận Marathon.

78

Vua Darius, trong phù điêu ở hình trên tại cung điện Persepolis của ông, là người kiến tạo thực sự Đế chế Ba Tư cai trị Jerusalem hơn hai thế kỷ. Ông cho phép các giáo sĩ Do Thái trị vì theo giáo luật mình, thậm chí cho phát hành đồng tiền Yehud (Judaea) này.

Zerubbabel phải cầu cứu đến nhà cai trị đáng sợ này, nhắc lại chỉ dụ của vua Cyrus. Darius ra lệnh kiểm tra trong văn khố hoàng gia và tìm thấy chỉ dụ, liền ra lệnh, ‘Thống đốc người Do Thái hãy xây dựng ngôi nhà Chúa này. Ta, Darius, đưa ra chỉ dụ sau. Hãy xây dựng thật nhanh chóng.’ Vào năm 518, ông hành quân về phía tây để vãn hồi trật tự ở Ai Cập, ắt hẳn có đi qua Judaea để hòa giải người Do Thái quá khích về vấn đề Jerusalem: ông có thể đã hành hình Zerubbabel, dòng dõi cuối cùng của David, mà giờ đây đã biến mất không lời giải thích

Vào tháng 3 515, Đền Thờ Thứ Hai được các giáo sĩ khánh thành một cách náo nhiệt với lễ hiến tế 100 bò, 200 cừu đực, 400 cừu non và 12 dê (để chuộc tội cho Mười Hai Bộ Tộc). Như vậy người Judaea đã ăn mừng lễ Vượt Qua đầu tiên kể từ thời lưu đày. Nhưng khi những bô lão nhớ lại Đền Thờ của Solomon thuở trước rồi nhìn lại kiến trúc khiêm nhượng bây giờ, họ bỗng òa khóc. Thành phố bây giờ sao nhỏ bé và vắng vẻ.

Rồi hơn 50 năm qua đi, người mang cốc cho cháu nội của vua Darius, Vua Artaxerxes I, là một người Do Thái có tên Nehemiah. Người Jerusalem cầu cứu với ông nhờ giúp đỡ: ‘Di tích đang bị hủy hoại. Bức tường Jerusalem đang sụp đổ.’ Nehemiah rất đau lòng: ‘Tôi ngồi xuống và than khóc.’ Lần sau ở kinh thành Susa khi ông phục vụ vua trong một buổi yến tiệc, Vua Artaxerxes hỏi, ‘Sao hôm nay mặt ngươi buồn vậy?’ ‘Vạn tuế Đức Vua,’ quan triều Do Thái này trả lời, ‘thần không buồn sao được, khi thành phố, nơi có mồ mả của cha thần, giờ đang tan hoang? … Nếu hoàng thượng vui lòng. . . hãy cho thần về Judah . . . để thần có thể tu bổ nó.’ Nehemiah lòng như lửa đốt khi chờ đợi cậu trả lời của nhà vua.

NEHEMIAH: THỜI SUY THOÁI CỦA NGƯỜI BA TƯ

Đại Đế bổ nhiệm Nehemiah làm thống đốc và tài trợ cho ông cùng cung cấp một đoàn quân hộ tống. Nhưng người Samaria, ở phía bắc Jerusalem, được cai trị bởi thống đốc riêng của họ theo kiểu cha truyền con nối, Sanballat, không tin tưởng quan triều lén lút này ở Susa xa lắc và những kế sách của dân lưu vong trở về. Ban đêm,

Nehemiah, đề phòng bị ám sát, đi thanh sát đoạn tường thành sụp đổ và cổng cháy rụi của Jerusalem. Hồi ký của ông, một hình thức tự thuật về chính trị duy nhất trong Kinh thánh, kể cho chúng ta biết bằng cách nào Sanballat ‘cười hô hố khinh bỉ chúng tôi’ khi y nghe những kế hoạch tái dựng tường thành cho đến khi Nehemiah trình ra chỉ dụ bổ nhiệm làm thống đốc của mình. Các chủ đất và giáo sĩ mỗi người được giao nhiệm vụ tu bỏ một đoạn tường thành. Khi họ bị bọn côn đồ của Sanballat tấn công, Nehemiah bố trí binh lính phòng vệ ‘nhờ đó tường thành được hoàn tất trong 52 ngày’, bao bọc Thành phố David và Núi Đền, với một pháo đài nhỏ ở phía bắc Đền.

Giờ Jerusalem ‘rộng lớn và vĩ đại’, Nehemiah nói, nhưng ‘cư dân bên trong thì thưa thớt’. Nehemiah thuyết phục dân Do Thái sống bên ngoài thành phố rút thăm: mỗi 10 người thì một người sẽ định cư bên trong Jerusalem. Sau 12 năm Nehemiah quay về Ba Tư để báo cáo với nhà vua, nhưng khi ông trở lại Jerusalem, ông nhận thấy bọn chơi thân với Sanballat đang trục lợi từ việc điều hành Đền Thờ trong khi dân Do Thái kết hôn với người bản địa. Nehemiah trục xuất bọn bại hoại này và nghiêm cấm việc kết hôn với người ngoài và áp đặt đạo Do Thái thuần khiết mới.

Khi các nhà vua Ba Tư mất quyền kiểm soát những tỉnh lỵ của họ, dân Do Thái khởi xướng nền bán độc lập trong nhà nước bé nhỏ Yehud của mình. Đặt căn cứ chung quanh Đền, và được số càng nhiều khách hành hương tài trợ, Yehud được cai trị bởi Torah và điều hành bởi một tập đoàn giáo sĩ có chức sắc được cho là thuộc dòng dõi trưởng giáo Zadok của David. Lại một lần nữa, kho bạc Đền Thờ trở thành của cải được thèm muốn. Một giáo sĩ cao cấp bị mưu sát bên trong Đền bởi người em tham lam của ông, Jesus (tiếng Aramaic cho chữ Joshua), một hành vi phạm thánh tạo cho thống đốc Ba Tư cái cớ để đưa quân vào Jerusalem và cướp sạch số vàng bạc của Đền.

Trong khi triều thần Ba Tư mãi theo đuổi những âm mưu thanh toán lẫn nhau, Vua Philip II xứ Macedon đào luyện một quân đội thiện chiến, chinh phục các thành bang Hy Lạp và chuẩn bị phát động một trận chiến linh thiêng chống lại quân Ba Tư để trả thù cho cuộc xâm lược của Darius và con trai Xerxes của ông. Khi Philip bị ám sát, người con trai mới 20 tuổi Alexander lên ngôi và phát động cuộc tấn công Ba Tư, sẽ mang người Hy Lạp đến Jerusalem.

(còn tiếp)

Chia sẻ:

  • Twitter
  • Facebook
  • Thêm
  • Email
Thích Đang tải...

Có liên quan

Từ khóa » Jerusalem Lịch Sử