Johnny Trí Nguyễn: Người đi… Bẫy Rồng - Công An Nhân Dân

Sự trưởng thành của Trí Nguyễn không phải với vai trò của một ngôi sao phim hành động mà với tư cách một nhà sản xuất. Và, nếu gọi Johnny là người khơi thông lại dòng chảy phim hành động võ thuật Việt Nam cũng không có gì là quá lời…

Một Sài Gòn sôi động, đương đại, với sự lôi cuốn kỳ lạ trong một không gian trầm. Hoàn toàn là một câu chuyện hư cấu. Trước khi chiếu phim, nhà sản xuất nói, hãy bỏ qua yếu tố "thật" khi xem phim. Như một lời mào đầu, để khán giả tiếp nhận một bộ phim giải trí và không còn một định kiến rằng, "Ở Việt Nam làm gì có chuyện đó". Rất có thể sẽ nhận được nhiều phản ứng khác nhau của khán giả khi xem phim. Đó là điều bình thường với bất kỳ tác phẩm điện ảnh nào. Chỉ có một điều chắc chắn, với "Bẫy rồng", khán giả yêu thích thể loại phim hành động sẽ cảm thấy... yên lòng khi chứng kiến sự trưởng thành của một đội ngũ làm phim mới tâm huyết và mong muốn đưa thể loại này vào dòng chảy chính của điện ảnh Việt Nam.

Các tư thế võ thuật, các loại vũ khí được sử dụng... được làm khá chi tiết và chuẩn xác, cảm giác những người làm phim đã trân trọng khán giả từ những chi tiết nhỏ nhất. Không có những hạt sạn ngớ ngẩn mà người ta thường thấy trong những bộ phim hành động hoặc trong những pha đánh đấm của phim Việt Nam. Và, dẫu quen thuộc trong motif phim hành động của Mỹ và Hồng Kông, nhưng đây là một bộ phim của người Việt làm cho khán giả Việt Nam. Một bộ phim không tồi.

Câu chuyện trong "Bẫy rồng" được mở đầu đầy ẩn dụ về những mối quan hệ lắt léo trong giới giang hồ, ở đó kẻ đặt bẫy người khác có khi cũng chính là con mồi, và ngược lại. Câu chuyện bắt đầu khi một băng nhóm giang hồ do Trinh, biệt danh Phượng Hoàng (Ngô Thanh Vân) nhận nhiệm vụ giành giật một chiếc laptop có khả năng xâm nhập và điều khiển vệ tinh Vinasat 1, đang nằm trong tay một băng mafia người Pháp - những tên này tới Sài Gòn với mục đích rao bán chiếc máy tính trên với số tiền khổng lồ. Để thực hiện phi vụ, Trinh chiêu mộ một số tay giang hồ cộm cán - trong đó có Quân, biệt danh Hùm (Johnny Trí Nguyễn) và mua vũ khí từ các băng đảng khác.

Những cuộc xung đột nảy lửa diễn ra ngay từ đầu bởi giữa các băng đảng và ngay giữa các thành viên trong băng của Trinh vốn đã có nhiều ân oán, nhiều mưu đồ riêng. Hành trình chiếm đoạt chiếc laptop là một chuỗi liên tiếp các cuộc đấu súng, đấu võ và đấu trí căng thẳng, dữ dội với những pha hành động đỉnh cao lần đầu tiên xuất hiện trên phim Việt Nam. Sau mỗi cuộc chạm trán, âm mưu và cả chân tướng của từng nhân vật dần dần lộ diện. Người xem sẽ bắt đầu nhận ra không chỉ có một câu chuyện được kể.

Một câu chuyện khác đang diễn ra song song. Cái này là căn nguyên của cái kia, cái kia điều khiển kết cục cái này. Đằng sau mối quan hệ ban đầu có vẻ khó hiểu giữa các thành viên băng đảng giang hồ, phía sau một phi vụ có tầm cỡ mafia quốc tế, là những câu chuyện của riêng Trinh, của Quân. Tất cả các nhân vật trong những câu chuyện khác nhau này, đều đang bị điều khiển bởi Hắc Long - một ông trùm xã hội đen (Hoàng Phúc). Nhưng bàn cờ của Hắc Long không phải chỉ có riêng mình hắn, còn một lực lượng khác đấu trí cùng hắn trong ván cờ ấy.

Truyện phim "Bẫy rồng" ra đời từ sự cộng hưởng ý tưởng của Johnny Trí Nguyễn - người khởi thảo kịch bản, đạo diễn Lê Thanh Sơn và người đồng sáng tác kịch bản Hồ Quang Hưng. Từ câu chuyện về sự trả giá của cái ác, những người làm phim, thông qua hành trình của các nhân vật, những xung đột giữa họ, những câu chuyện riêng tư của mỗi người, muốn khán giả cùng tham gia vào trải nghiệm để tìm thấy trong mình giá trị của niềm tin, của tình yêu thương và lòng dũng cảm. Johnny Trí Nguyễn, đến những trường đoạn gay cấn nhất mới lộ diện là một chiến sỹ Công an được gài cắm trong băng nhóm này để triệt phá tội phạm.

Trí Nguyễn được báo chí nước ngoài đánh giá là nam diễn viên hàng đầu của trào lưu phục hưng điện ảnh Việt Nam từ vài năm nay. Thủ vai chính trong hàng loạt phim giữ kỷ lục ăn khách trên thị trường điện ảnh Việt Nam đồng thời vẫn là lựa chọn ưu tiên cho các phim nghệ thuật, Johnny Trí Nguyễn đã có một bước tiến dài cho nghề diễn viên mà mình lựa chọn sau khi đã rất thành công với vai trò một diễn viên đóng thế (stuntman) tại Hollywood.

Tuy nhiên, người ta sẽ thấy trong bộ phim mới, Trí Nguyễn không chỉ hiện diện trên phim như một diễn viên. Mà tất cả những công đoạn sau đó trong quá trình sản xuất, đều có sự xuất hiện của anh. Một bộ phim, có thể coi là đặc trưng theo phong cách yêu thích của Johnny Trí Nguyễn. Có thể thấy có chút gì đó xưa cũ, cổ điển, như những bộ phim hành động thập niên 90. Với gam màu trầm tối được nhuộm có chủ ý, phục trang của diễn viên cũng được tính toán chi tiết và toàn bộ những cảnh quay hành động được thực hiện thật.

Trí Nguyễn theo đuổi những gì được coi là chân thật trong phim ảnh. Khi phim Mỹ đã đi vào kỹ xảo đến mức không còn ranh giới giữa thực và ảo, thì những bộ phim được quay thật như "Bẫy rồng" trở nên hiếm hoi hơn. Và nếu như khán giả đã chán những pha hành động được kỹ xảo xử lý để trở nên kì vĩ hơn, sẽ thấy Trí Nguyễn tận dụng chính khả năng của diễn viên để bắt đầu những cảnh quay chính xác và hoàn toàn không dùng kỹ xảo. Anh chia sẻ, khán giả sẽ thích nhiều phong cách phim khác nhau, nhưng khi họ đã chán với những gì kỹ xảo mang lại, thì họ sẽ trở về với những gì chân phương nhất.

Những thế võ của Trí Nguyễn trong bộ phim mới cũng khác hoàn toàn với những thế võ trong "Dòng máu anh hùng", bộ phim được coi là khởi đầu cho sự trở lại của dòng phim hành động võ hiệp. Các động tác võ Boxing MMA hay quyền Thái đã góp sức làm cho các pha võ trở nên đa dạng và đẹp mắt hơn. Trí Nguyễn nói, tất cả các diễn viên tham gia phim đều phải học võ trong nhiều ngày. Và vì quay không dùng kỹ xảo, các diễn viên phải diễn rất thật.

Chuyện bầm dập khi quay phim là rất bình thường với cả đoàn phim.Ngô Thanh Vân, nữ diễn viên chính, trong nhiều cảnh quay đã phải nhảy từ giàn giáo cao xuống, bị chai bia đập vào đầu và trong một pha đánh võ, đã bị rạn xương chân. Nhưng hầu như, trong phim này, tất cả các diễn viên đều không để lộ bất cứ chi tiết nào gượng gạo.

Theo đuổi dòng phim tiết tấu nhanh và mạnh, tiết chế tối đa những cảnh nhiều xúc cảm, những giọt nước mắt rơi ra gần như được cắt ngang ngay lập tức, bộ phim (có thể vì thế) sẽ thiếu đi sự lắng đọng nào đó, nhưng sẽ tránh cho khán giả cảm giác nặng nề khi xem một bộ phim giải trí, với thông điệp giản dị và rõ ràng. Trí Nguyễn đã làm một bộ phim đúng với con người anh, không có đất cho những gì quá mềm yếu…

3. Johnny Trí Nguyễn, sau một thời gian ngắn trở về Việt Nam, đã nhanh chóng trở thành ngôi sao màn bạc, xuất hiện trong hàng loạt dự án phim ảnh lớn. Nhưng, có cảm giác như tham vọng đã không dừng lại ở đó. Trí Nguyễn đã đi tìm nguồn tài trợ để bắt đầu các dự án phim ảnh của mình. Khởi đầu là "Dòng máu anh hùng" với những kế hoạch tiếp cận khán giả hoàn hảo. Và "Bẫy rồng" được áp dụng một chiến lược PR bài bản, dù về lịch chiếu, họ gặp không ít bất lợi, khi phải khởi chiếu không đúng vào lịch Tết và chỉ có 4 tuần chiếu.

Sau những đổ vỡ trong đời sống hôn nhân, người ta dường như chỉ gặp Johnny Trí Nguyễn trong những dự án phim ảnh và anh tránh nhắc chuyện gia đình. Có lẽ chính vì thế, mà những dự án phim ảnh của Johnny được thực hiện quyết liệt hơn. 30 ngày quay "Bẫy rồng" với những tháng ngày lo toan cho một bộ phim dài lấy đi không ít sức lực của anh. Nhưng Trí Nguyễn nói, ngay sau khi "Bẫy rồng" phát hành, anh sẽ dành thời gian để viết kịch bản phim mới, mà thời gian qua anh đã có ý tưởng nhưng vì quá bận chưa viết được ra. Và mỗi năm, anh sẽ sản xuất một bộ phim. Riêng "Bẫy rồng", hiện tại đã bắt đầu có kế hoạch phát hành tại nước ngoài.

Có thể sẽ có những phàn nàn về Trí Nguyễn trong những điều khác. Nhưng riêng trong niềm đam mê phim ảnh và quyết liệt với niềm đam mê ấy, thì Trí Nguyễn hơn rất nhiều người. Anh đã làm được nhiều việc mà có lẽ rất nhiều nhà sản xuất ở Việt Nam phải mơ ước. Hành trình của Trí Nguyễn không phải là hành trình tìm kiếm danh tiếng của một ngôi sao. Mà hành trình đó là của một người đam mê, dám dấn thân đến cùng với điện ảnh. Và hành trình đó, chắc chắn sẽ dài lâu…

Từ khóa » Phim Bẫy Rồng Johnny Trí Nguyễn