Kê Biên, Xử Lý Tài Sản Là động Sản để Thi Hành án

Đăng nhập Nghiên cứu trao đổi

Kê biên, xử lý tài sản là động sản để thi hành án - Một số khó khăn từ thực tiễn

08/03/2021
Trong các loại tài sản bị kê biên, xử lý để thi hành án thì động sản là loại tài sản phổ biến. Bên cạnh một số ưu điểm như giá trị tài sản thường tương ứng với khoản phải thi hành án; tính thanh khoản cao…thì việc kê biên, xử lý loại tài sản này cũng còn nhiều hạn chế. Bài viết dưới đây sẽ phân tích một số vướng mắc từ thực tiễn tổ chức thi hành án đối với loại tài sản này, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan. Theo quy định tại Điều 105 BLDS năm 2015 thì: “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản.Tài sản bao gồm bất động sản và động sản. Bất động sản và động sản có thể là tài sản hiện có và tài sản hình thành trong tương lai”.Trong trường hợp người phải thi hành án có tài sản đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, thì tài sản đó sẽ bị kê biên, xử lý để thi hành án. Trong thực tiễn tổ chức thi hành án dân sự (THADS), việc kê biên, xử lý tài sản là động sản vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn. Thứ nhất: Về việc xác minh điều kiện thi hành án Khoản 2 Điều 107 Bộ luật Dân sự năm 2015( BLDS) quy định:“những tài sản không phải là bất động sản là động sản”. Như vậy, những tài sản là động sản rất đa dạng, phong phú về chủng loại, mục đích sử dụng. Để xác định một cách chính xác chủ sở hữu của động sản không phải dễ dàng, đặc biệt là đối với các tài sản không có đăng ký quyền sở hữu. Đăng ký quyền sở hữu tài sản là việc chính thức ghi vào văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền những thông tin cần thiết liên quan đến tài sản để làm cơ sở phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quan hệ pháp lý của chủ sở hữu tài sản đối với động sản nhất định.Theo quy định tại Điều 106 BLDS về đăng ký tài sản thì Quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản là động sản không phải đăng ký, trừ trường hợp pháp luật về đăng ký tài sản có quy định khác. Theo quy định hiện hành, những tài sản sau bắt buộc chủ sở hữu phải đăng ký quyền sở hữu tài sản: nhóm các tài sản là phương tiện giao thông đường thủy (tàu biển, các phương tiện thủy nội địa, tàu cá, xà lan các loại…); nhóm tài sản là phương tiện giao thông đường bộ (xe máy, ô tô, các loại xe chuyên dùng thi công đường bộ…); các loại tài sản là phương tiện giao thông đường sắt (đầu máy, toa chở hàng, toa chở khách…); tàu bay; các tài sản là vũ khí, vật liệu nổ và các công cụ hỗ trợ; các tài sản là di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia… Điều 3 Thông tư liên tịch số 11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC quy định: Việc xác minh đối với tài sản thuộc diện phải đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản thì tùy từng trường hợp cụ thể mà Chấp hành viên căn cứ vào một trong các giấy tờ sau: hợp đồng mua bán, chuyển đổi, chuyển nhượng hoặc tặng cho, giấy chứng nhận về quyền sở hữu, sử dụng tài sản hoặc thông qua chủ sở hữu, chính quyền địa phương, cơ quan đăng ký giao dịch bảo đảm, cơ quan chức năng hoặc người làm chứng như xác nhận của người bán, của chính quyền địa phương, cơ quan chức năng về việc mua bán tài sản... Việc này đòi hỏi chấp hành viên phải có kiến thức về nhiều lĩnh lực và việc xác minh có thể phải được thực hiện ở nhiều cơ quan khác nhau, dẫn đến tốn kém thời gian nhân lực và chi phí . Ví dụ: Theo quyết định số 04/2015/QĐST-DS ngày 20/8/2015 của TAND huyện X thì bà L phải thanh toán trả chị H số tiền : 800.000.000đ. Qua xác minh điều kiện thi hành án bà L có tài sản là chiếc xe ô tô có giá trị khoảng 2.000.000.000đ hiện vẫn đang sử dụng. Tuy nhiên, chiếc xe ô tô hiện đang bị thế chấp tại Ngân hàng Z bằng một hợp đồng “thế chấp tài sản hình thành trong tương lai” từ trước khi có bản án với giá trị vay là 1.000.000.000đ. Điều 90 Luật THADS quy định: “Trong trường hợp người phải thi hành án không còn tài sản nào khác hoặc có tài sản nhưng không đủ để thi hành án, Chấp hành viên có quyền kê biên, xử lý tài sản của người phải thi hành án đang cầm cố, thế chấp nếu giá trị của tài sản đó lớn hơn nghĩa vụ được bảo đảm và chi phí cưỡng chế thi hành án”. Tuy nhiên, việc xác định giá trị của chiếc xe ô tô tại thời điểm ký kết hợp đồng thế chấp và xác định khấu hao của tài sản tại thời điểm thi hành án lại là một bài toán khó đối với Chấp hành viên và cơ quan THADS. Để có thể kê biên,xử lý được tài sản, Chấp hành viên phải xác minh rõ loại tài sản (tên gọi, màu sắc, kích thước); mục đích sử dụng (tiêu dùng hay phục vụ sản xuất, kinh doanh); tình trạng tài sản (số lượng, chất lượng), tài sản đó đang ở đâu, ai đang quản lý, thời gian đã sử dụng.... Đối với các loại tài sản không phổ biến trên thị trường như: dụng cụ y tế, thiết bị điện, các loại dây chuyền sản xuất… thì thành phần xác minh kiểm tra hiện trạng tài sản lại  phải có cơ quan chuyên ngành tham gia.Dẫn đến chi phí xác minh đối với động sản thường rất tốn kém, trong khi đó giá trị của động sản bị xử lý có thể không lớn. Thứ hai: Về việc khởi kiện xác định chủ sở hữu, sử dụng đối với động sản Thực tiễn có những trường hợp trong nhà người phải thi hành án có nhiều động sản, tuy nhiên chấp hành viên rất khó để xử lý vì một khó khăn lớn khi xác minh tài sản là động sản không phải đăng ký quyền sở hữu sử dụng tài sản là việc xác định chủ sở hữu sử dụng của tài sản đó. Mặc dù khoản 4 Điều 68 Luật THADS đã có quy định về việc chấp hành viên yêu cầu đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan cung cấp các giấy tờ, tài liệu cần thiết để chứng minh quyền sở hữu, sử dụng; thông báo cho đương sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan về quyền khởi kiện yêu cầu xác định quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ hoặc quy định về quyền khởi kiện đối với tài sản kê biên mà có tranh chấp( Điều 75 Luật THADS). Tuy nhiên, trong thực tiễn đã có những trường hợp người phải thi hành án lợi dụng quy định này để cản trở chấp hành viên, kéo dài thời gian tổ chức thi hành án. Do đó, theo quan điểm của cá nhân tác giả, đối với tài sản là động sản không đăng ký quyền sở hữu, sử dụng thì cần xiết chặt các quy định về việc khởi kiện chứng minh quyền sở hữu. Cần ấn định trong một thời hạn nhất định đương sự, người có liên quan có quyền khởi kiện. Nếu hết thời hạn đó mà họ không khởi kiện hoặc cung cấp giấy tờ chứng minh thì Chấp hành viên vẫn kê biên, xử lý tài sản đó. Ngoài thời hạn đã ấn định, việc khởi kiện sẽ không được chấp nhận, động sản đó được xác định là của người phải thi hành án và bị kê biên, xử lý theo quy định pháp luật. Khoản 4 Điều 68 Luật THADS cũng quy định: “Trường hợp cần thiết, Chấp hành viên phải xác minh, làm rõ hoặc yêu cầu Tòa án, cơ quan có thẩm quyền xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ”. Tuy nhiên trong thực tiễn, rất khó để xác định thế nào là “ trường hợp cần thiết” dẫn đến việc áp dụng pháp luật còn nhiều quan điểm khác nhau. Mặt khác, trong trường hợp chấp hành viên yêu cầu tòa án xác định người có quyền sở hữu, sử dụng đối với tài sản, giấy tờ tạm giữ thì tòa án sẽ thụ lý yêu cầu của chấp hành viên ra sao và tư cách tham gia tố tụng cũng như vai trò của chấp hành viên sẽ như thế nào…? Do đó đề nghị tiếp tục có những quy định hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này. Thứ ba: Việc phối hợp với các cơ quan tổ chức có thẩm quyền trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế đối với động sản Theo Điều 68 Luật THADS, chấp hành viên đang thực hiện nhiệm vụ có quyền tạm giữ tài sản, giấy tờ liên quan đến việc thi hành án mà đương sự, tổ chức, cá nhân khác đang quản lý, sử dụng. Các tài sản, giấy tờ bị tạm giữ là các tài sản, giấy tờ có liên quan đến việc thi hành án như: xe mô tô, giấy đăng ký xe mô tô, … hoặc các tài sản có thể xử lý được để thi hành án. Tuy nhiên chấp hành viên rất khó có thể thực hiện được biện pháp này. Điều 68 Luật THADS quy định cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, thực hiện yêu cầu của chấp hành viên trong việc tạm giữ tài sản, giấy tờ. Trong trường hợp cần thiết, chấp hành viên yêu cầu lực lượng công an hoặc tổ chức, cá nhân khác hỗ trợ việc tạm giữ tài sản, giấy tờ để thi hành án (khoản 1 Điều 18 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP). Tuy nhiên, luật lại chưa có cơ chế bảo đảm việc chấp hành viên thực hiện quyền về quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân hỗ trợ để tạm giữ tài sản, giấy tờ mà đương sự đang quản lý, sử dụng. Quá trình thực hiện quy định này phát sinh một số khó khăn như: khi đương sự chống đối, chấp hành viên đề nghị lực lượng công an hỗ trợ để thực hiện việc tạm giữ tài sản nhưng nhiều trường hợp bị lực lượng công an từ chối với lý do theo quy định của Thông tư liên tịch số 03/2012/TTLT-BTP-BCA ngày 30/3/2012 của Bộ Tư pháp và Bộ Công an về việc phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS chỉ quy định về phối hợp bảo vệ cưỡng chế trong THADS, còn việc hỗ trợ chấp hành viên trong việc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án như tạm giữ tài sản, giấy tờ… lại chưa có văn bản quy định nên không cử lực lượng tham gia. Cần hướng dẫn cụ thể Mặt khác, Luật THADS và các văn bản hướng dẫn thi hành cũng chưa có quy định hướng dẫn cụ thể về trình tự thực hiện trong các trường hợp này. Đối với trường hợp cần huy động lực lượng công an tham gia hỗ trợ khi áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án thì trình tự thủ tục thực hiện ra sao? Chi phí thực hiện sẽ được trích từ nguồn nào? Có cần lập kế hoạch trước (tương tự như kế hoạch cưỡng chế thi hành án) không?... Do đó cần nghiên cứu bổ sung quy định cụ thể về trách nhiệm của các cơ quan hữu quan, đặc biệt là cơ quan công an trong việc phối hợp, hỗ trợ chấp hành viên trong việc áp dụng các biện pháp bảo đảm, biện pháp cưỡng chế thi hành án đối với động sản. Thứ  tư, khó khăn trong việc truy tìm tài sản là động sản Trên thực tế, các tổ chức tín dụng, ngân hàng nhận thế chấp các động sản như: ô tô, máy móc, thiết bị, tàu thuyền, xà lan… Đối với tài sản là động sản, khi nhận thế chấp, các tổ chức tín dụng, ngân hàng không thực hiện giữ tài sản mà chỉ giữ giấy tờ pháp lý nên nhiều trường hợp khách hàng vay, bên có tài sản đã di chuyển tài sản đi đâu không rõ địa chỉ. Trong quá trình xét xử, Tòa án chỉ căn cứ vào nội dung của hợp đồng thế chấp để giải quyết. Đến giai đoạn thi hành án, cơ quan THADS không thể truy tìm được tài sản thế chấp để tiến hành kê biên, xử lý để thi hành án.Mặt khác, động sản là tài sản rất dễ bị tẩu tán, nên  quá trình xác minh, kê biên, xử lý tài sản cũng có thể phát sinh nhiều tình huống khác nhau rất khó khăn trong việc giải quyết. Thứ năm: Vướng mắc trong phân loại việc thi hành án Đối với trường hợp tài sản thế chấp là động sản( ô tô, xe máy..)bản án, quyết định tuyên phát mại để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ, hoặc trường hợp mua xe trả góp có sự bảo lãnh bằng tín chấp ngân hàng….nhưng đến thời điểm tổ chức việc thi hành án, xác minh tài sản hiện không còn, không xác định được tài sản ở đâu, người phải thi hành án không còn tài sản, thu nhập để đảm bảo thi hành án ….tuy nhiên theo quy định hiện hành thì chưa có căn cứ để xác định việc chưa có điều kiện thi hành án vì trên giấy tờ thế chấp tài sản vẫn mang tên chủ sở hữu là người phải thi hành án, chưa sang tên, chuyển nhượng cho ai. Trong thực tế, việc việc chuyển nhượng các động sản ( kể cả động sản có đăng ký quyền sở hữu, sử dụng) hiện nay vẫn chưa được tuân thủ nghiêm chỉnh theo các quy định pháp luật. Các bên chỉ làm giấy tờ viết tay mà không đăng ký với cơ quan có thẩm quyền. Nhiều trường hợp ô tô, xe máy đã chuyển chủ sở hữu nhưng giấy đăng ký vẫn mang tên chủ sở hữu ban đầu. Chính vì vậy khi xác minh điều kiện thi hành án tại cơ quan có thẩm quyền thì người phải thi hành án vẫn đứng tên chủ sở hữu đối với tài sản nhưng thực tế tài sản đã được bán cho người khác….loại việc này hiện phát sinh ngày càng nhiều mà chưa có biện pháp xử lý dứt điểm, do đó đề nghị bổ sung quy định tại Điều 44a về việc xác định việc chưa có điều kiện thi hành án đối với những việc thi hành án mặc dù có tài sản, nhưng bế tắc trong việc giải quyết, xử lý tài sản.   Ths.Hoàng Thanh Hoa Chi cục Thi hành án dân sự huyện Phú Xuyên, Hà Nội   In bài viếtIn bài viết

Các tin khác

  • Hoàn thiện quy định về người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong thi hành án dân sự
  • Tư tưởng Hồ Chí Minh về chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp của người cán bộ, công chức ngành Tư pháp, Thi hành án dân sự
  • Công tác rà soát văn bản quy phạm pháp luật và giải pháp nâng cao chất lượng văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực thi hành án dân sự
  • Một số vấn đề về tạm hoãn xuất cảnh trong thi hành án dân sự
  • Nâng cao hiệu quả thi hành án- Góc nhìn từ thực tiễn ban hành phán quyết của Tòa án
Chỉ đạo điều hành Văn bản chính sách mới Hoạt động của tổng cục THADS Hoạt động của THADS địa phương Hoạt động của đảng đoàn thể Nghiên cứu trao đổi Từ thực tiễn Thông tin chung Thi đua khen thưởng thông báo
  • Quyết định, Kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp năm 2024
  • Quyết định, Kế hoạch tổ chức kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp năm 2024
cổng thông tin điện tử tổng cục thi hành án dân sự - Bộ tư pháp

Địa chỉ: 60 Trần Phú, Ba Đình, Hà Nội. Điện thoại: 02432 444 269 - Fax: 02432 444 214. Email: banbientapthads@moj.gov.vn

Trưởng Ban biên tập: Nguyễn Văn Lực - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự

Giấy phép cung cấp thông tin trên internet số 28/GP-BC ngày 25/03/2005.

® Mọi thông tin phát hành lại từ cổng thông tin này phải ghi rõ nguồn “Cổng thông tin điện tử Tổng cục Thi hành án dân sự - Bộ Tư pháp: thads.moj.gov.vn”.

Chung nhan Tin Nhiem Mang

Từ khóa » Kê Biên Xe ô Tô