Kẻ Chém Lìa Chân Người đàn ông ở Thường Tín Sẽ đối Mặt án Phạt ...

Ngày 18/7, Công an huyện Thường Tín, Hà Nội vẫn đang phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ liên quan thu thập chứng cứ, điều tra làm rõ đối tượng chém gây thương tích cho anh Nguyễn Việt Hà (SN 1972, trú tại xã Tự Nhiên).

Quá trình xác minh, bước đầu xác định, khoảng 17h35 ngày 15/7, có hai đối tượng bịt kín mặt, trong đó có một đối tượng mặc áo chống nắng màu đen và một đối tượng mặc áo dạng Grab, đi trên xe máy kiểu dáng Honda Wave xuất hiện trên đường. Khi đến đoạn quán trà chanh Su Tea (thôn Vân La, xã Hồng Vân, Thường Tín), đối tượng ngồi phía sau đã xuống xe, dùng hung khí chém đứt lìa chân anh Hà, khi anh này đang đi bộ trên vỉa hè.

Nạn nhân đã được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng thương tích nặng. Tòan bộ sự việc được camera an ninh một nhà dân ven đường ghi lại, nhiều người đã ‘rùng mình’ khi xem clip phát tán trên mạng xã hội.

Kẻ chém lìa chân người đàn ông ở Thường Tín sẽ đối mặt án phạt nào? ảnh 1

Vụ việc được camera an ninh nhà dân ven đường ghi lại.

Trước vụ việc manh động nêu trên, luật sư Lưu Kiều Trang (Phó giám đốc Công ty Luật Hà Trọng Đại và cộng sự) cho hay, với tính chất, mức độ và hậu quả mà hành vi gây ra, nghi phạm có thể bị xử lý về tội "Cố ý gây thương tích" theo Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015. Đối với tội danh này, mức độ thương tật của nạn nhân sẽ là yếu tố quan trọng quyết định tình tiết định khung đối với nghi phạm.

Theo luật sư Trang, Thông tư 22/2019/TT-BYT của Bộ Y tế, đối với các loại vết thương ở những vị trí khác nhau tại vùng chân sẽ cho những kết quả giám định thương tích khác nhau. Do đó, cơ quan chức năng sẽ chờ kết quả chẩn đoán cuối cùng của cơ quan y tế có thẩm quyền để lấy đó làm căn cứ xử lý nghi phạm.

Theo quy định tại Thông tư 22, nếu vết chém ở khu vực bàn chân và khớp cổ chân, khiến nạn nhân phải tháo khớp cổ chân một bên hoặc cắt bỏ bàn chân, mức độ thương tật tương ứng sẽ trong khoảng 41 - 45%.

Trường hợp nạn nhân bị đứt gân gót chân, phải cắt bỏ toàn bộ xương gót, mức độ thương tật là 31 - 35%. Trường hợp vết chém khiến nạn nhân phải cắt bỏ xương sên, kết quả giám định thương tích sẽ trong khoảng 26 - 30%.

Luật sư Lưu Kiều Trang trích dẫn Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015, người nào dùng vũ khí gây thương tích hoặc tổn hại sức khỏe cho người khác 11 - 30% sẽ bị xử lý theo quy định tại khoản 2 Điều này với khung hình phạt 2 - 6 năm tù. Trường hợp mức độ thương tật 31 - 60%, khung hình phạt áp dụng sẽ là 5 - 10 năm tù.

Ngoài ra, nếu thông tin trên mạng xã hội về việc đây là kết quả của một vụ thanh toán, trả đũa lẫn nhau là chính xác, nghi phạm còn có thể phải đối mặt các tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự là phạm tội có tính chất côn đồ và vì động cơ đê hèn theo Điều 52 Bộ luật Hình sự 2015.

Hoàng An

Từ khóa » Chém đứt Tay đi Tù Bao Nhiêu Năm