​KẺ GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG GÂY THƯƠNG TÍCH PHẢI ...

KẺ GÂY RỐI TRẬT TỰ CÔNG CỘNG GÂY THƯƠNG TÍCH PHẢI NHẬN TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ NÀO?

Hiện nay, hành vi gây rối trật tự công cộng diễn ra phổ biến gây mất trật tự an ninh xã hội, trật tự nếp sống đô thị. Xâm phạm trật tự công cộng và có thể gây thiệt hại đến lợi ích của nhà nước, của xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ, qua việc vi phạm quy tắc sống lành mạnh, nếp sống văn minh, xã hội chủ nghĩa, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động bình thường của mọi người ở những nơi công cộng.

1. Căn cứ pháp lý

Bộ luật hình sự năm 2015 Sửa đổi bổ sung năm 2017.

2. Tư vấn

Điều 318. Tội gây rối trật tự công cộng

1. Người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách;

c) Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;

d) Xúi giục người khác gây rối;

đ) Hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng;

e) Tái phạm nguy hiểm.

Theo đó tội gây rối trật tự công cộng:

Chủ thể

Chủ thể của tội gây rối trật tự công cộng không phải chủ thể đặc biệt, chỉ cần người có hành vi gây rối trật tự công cộng đủ độ tuổi chịu trách nhiệm và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này.

Nếu hành vi gây rối trật tự công cộng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu người đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm

Khách thể

Đối với khách thể của tội gây rối trật tự công cộng là tội phạm xâm phạm đến trật tự an ninh xã hội, cuộc sống sinh hoạt ổn định của cộng đồng. Ngoài ra còn xâm phạm đến các hoạt động đi lại, làm việc, vui chơi nguyên tắc an toàn nơi công cộng tại nơi có nhiều người qua lại, đồng thời xâm phạm đến sức khỏe, tài sản của những người xung quanh. Hành vi này cũng làm ảnh hưởng đến việc thực hiện những đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước trong quá trình ổn định đời sống của người dân.

Mặt khách quan

Hành vi khách quan: Người phạm tội thực hiện hành vi gây rối bằng nhiều phương thức khác nhau như: Dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng;hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng; đập phá các công trình ở nơi công cộng. v.v…

Khi xác định hành vi gây rối trật tự cần phải phân biệt với hành vi tuy có gây rối trật tự công cộng nhưng đã cấu thành một tội khác thì người có hành vi gây rối chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng mà họ đã thực hiện, mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội gây rối trật tự công cộng.

Hậu quả: Hậu quả của hành vi gây rối trật tự công cộng là thiệt hại vật chất và phi vật chất được xác định là nghiêm trọng cho xã hội. Hậu quả vừa là dấu hiệu bắt buộc, vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc của tội phạm này.

Hậu quả là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội chưa bị xử phạt hành chính về hành vi gây rối trật tự công cộng hoặc chưa bị kết án về tội này hoặc tuy đã bị kết án về tội này nhưng đã được xoá án tích.

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

Mặt chủ quan

Đối với mặt chủ quan của tội phạm này thì chủ thể có hành vi vi phạm có đầy đủ năng lực hành vi biết rõ hành vi của mình sẽ ảnh hưởng đến trật tự an ninh xã hội, lối sống lành mạnh ổn định của xã hội nhưng vẫn thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp.

Về các mức xử phạt về tội gây rối trật tự công cộng theo quy định của pháp luật:

Khoản 1 điều 318 Bộ luật hình sự quy định về mức phạt bao gồm các hình thức về xử phạt tiền, phạt cải tạo không giam giữ và mức phạt tù. Theo đó nếu đối tượng nào có hành vi vi phạm pháp luật về tội cố ý gây rối trật tự nơi đông người sẽ phạt tiền từ 5 triệu đến dưới 50 triệu, ngoài ra nếu hậu quả của hành vi nghiêm trọng hơn thì có thể bị phạt đến 2 năm cải tạo không giam giữ hay các mức hình phạt tù đến 2 năm tù..

Khoản 2 điều 318 Bộ luật hình sự quy định về khung hình phạt tù ở mức từ 2 năm tù đến 7 năm tù. Đây là khung hình phạt áp dụng cho các trường hợp vi phạm có các tình tiết tăng nặng kèm theo, gây ra hậu quả cho xã hội với mức độ nghiêm trọng hơn ở khoản 1. Theo đó các đối tượng có hành vi gây rối làm mất trật tự an ninh công cộng, ảnh hưởng xấu tới đời sống sinh hoạt của người dân với tính chất có tổ chức, tụ tập đông người để cùng quấy rối hay đối tượng vi phạm có sử dụng những vũ khí có khả năng gây nguy hiểm cho sức khỏe tính mạng của người khác. Người có hành vi vi phạm có những sự lôi kéo người khác cùng gây rối, phá phách tại nơi công cộng…là những tình tiết tăng nặng để bị truy cứu ở khoản 2 điều 318 Bộ luật hình sự.

Như vậy, với bất kì cá nhân nào có hành vi gây rối trật tự công cộng thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 318 của Bộ luật này thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Bởi vì với tội gây rối trật tự công cộng có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích nhà nước và công dân.

Bài viết trên đây chính là Kẻ gây rối trật tự công cộng gây thương tích phải nhận trách nhiệm hình sự nào?Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất.

(Hoan)

Để được tư vấn chi tiết xin vui lòng liên hệ:

Công ty Luật TNHH HTC Việt Nam

Địa chỉ: Tầng 15, Tòa nhà đa năng, Số 169 Nguyễn Ngọc Vũ, P. Trung Hòa, Q. Cầu Giấy, Hà Nội.

ĐT: 0989.386.729; Email: [email protected]

Website: https://htc-law.com; https://luatsuchoban.vn

Từ khóa » Hành Vi Phá Phách Là Gì