Kể Lại Một Câu Chuyện Về Lòng Dũng Cảm Mà Em được Chứng Kiến ...

Kể lại một câu chuyện về lòng dũng cảm mà em được chứng kiến hoặc tham giaKể chuyện lớp 4Bài trướcTải vềBài sauNâng cấp gói Pro để trải nghiệm website VnDoc.com KHÔNG quảng cáo, và tải file cực nhanh không chờ đợi. Mua ngay Từ 79.000đ Tìm hiểu thêm

Kể lại một câu chuyện về lòng dũng cảm mà em được chứng kiến hoặc tham gia

  • Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 1
  • Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 2
  • Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 3
  • Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 4
  • Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 5
  • Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 6

Kể lại một câu chuyện về lòng dũng cảm mà em được chứng kiến hoặc tham gia lớp 4 bao gồm các bài văn mẫu kể chuyện cho các em học sinh tham khảo, củng cố kỹ năng kể chuyện, chuẩn bị cho tiết kể chuyện tuần 27. Mời các em cùng tham khảo.

Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 1

Chiều hôm qua, em và các bạn đã cùng nhau thực hiện một việc vô cùng ý nghĩa.

Sau giờ học chiều qua, em và nhóm bạn thân đã ở lại sân trường để cùng nhau đá bóng. Lúc ấy, các bạn học sinh đã về hết rồi, chỉ còn một số thầy cô ở lại giải quyết nốt công việc mà thôi. Khi đã thấm mệt và chuẩn bị về, em phát hiện có một bóng người lấm lét xuất hiện ở dãy phòng Máy tính của trường. Nghĩ đến tin nhiều trường học trên địa bàn gần đây bị mất máy móc, em liền cảm thấy kẻ lạ mặt này rất khả nghi. Thế là, em cùng với một bạn nữa, quyết định lén tiến về phòng Máy tính để xem xét. Còn ba bạn còn lại thì đi tìm bác bảo vệ để có phương án xử lý kịp thời. Xong xuôi em và bạn mình cùng đi nép qua hàng cây rồi lần lên cầu thang dẫn đến phòng máy tính. Trời đã nhá nhem, lại thêm không khí yên ắng của ngôi trường khiến em có chút e ngại. Nhưng nghĩ đến có kẻ khả nghi đang muốn đánh cắp máy tính của trường, thì em lại can đảm hơn hẳn. Khi tiến đến sát phòng máy tính, em và bạn nép ở cửa sau của phòng, lén nhìn qua khe cửa. Tên khả nghi lúc nãy đang tìm cách gỡ các thân máy ra khỏi tủ. Hành động của hắn khiến em vô cùng tức giận. Nhưng biết mình chỉ là trẻ nhỏ, không thể khống chế được hắn, nên em vẫn đứng im. Lúc này, em nhớ ra hôm nay mình có mang điện thoại di động theo, để chờ bố đến đón muộn. Thế là em vội lấy máy ra để chụp lại tên trộm. Để sau này có bằng chứng cho các chú công an bắt lấy. Ngờ đâu, khi chụp, máy điện thoại của em lại có âm thanh khiên tên trộm phát hiện ra. Thế là em và bạn mình vội vàng bỏ chạy xuống sân trường. Tên trộm ấy cũng vội vàng bỏ lại mọi thứ để đuổi theo. Ngay khi hắn sắp đuổi kịp chúng em, thì từ cổng, bác bảo vệ và hai chú dân quân kịp thời xuất hiện. Nhờ vậy, mà tên trộm đã bị bắt và chúng em được an toàn.

Khi mọi chuyện kết thúc, em và các bạn đã rất vui và tự hào. Chúng em sung sướng ôm lấy nhau trong sự khen ngợi và ánh mắt hãnh diện của thầy cô và bố mẹ.

Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 2

Dũng là người bạn thân của em, chính cậu ấy là tấm gương về lòng dũng cảm mà em luôn quý mến và cố gắng học tập.

Lần đầu tiên Dũng khiến em vô cùng thán phục về sự dũng cảm, là chuyện đã xảy ra từ hai năm trước. Hồi đó, chúng em thường cùng nhau chơi bóng với các bạn trong xóm ở bãi đất trống gần nhà văn hóa. Cạnh bãi đất trống là nhà của một bác thợ mộc rất khó tính. Bác ấy có vẻ ngoài cao lớn với bộ râu xồm xoàm, vẻ mặt đỏ lừ, dữ tợn. Bác thường xuyên quát mắng chúng em khi nghe tiếng cười đùa làm ồn vào chiều muộn. Vì thế, ai cũng sợ bác ấy lắm. Cứ lúc nào thấy bác đi làm về, là cả hội ngừng chơi ngay.

Một lần nọ, khi đang chơi bóng, Dũng lỡ chân sút mạnh, làm bóng bay lệch về phía nhà bác thợ mộc, và làm vỡ chậu hoa thủy tiên trên bục trước sân. Thấy vậy, chúng em vô cùng hoảng sợ và bỏ chạy về nhà. Sau đó, em có sang gặp Dũng, cậu ấy sợ lắm. Em liền đề nghị Dũng hãy giấu chuyện đó đi, chỉ cần không ai nói thì bác thợ mộc sẽ không biết được đâu. Thế nhưng Dũng chỉ im lặng. Rồi chiều hôm sau, em vô cùng bất ngờ khi thấy Dũng một mình vào sân nhà gặp bác thợ mộc. Trước vẻ mặt đáng sợ của bác ấy, Dũng run run thú nhật lỗi của mình và xin lỗi bác. Chao ôi, hành động dũng cảm ấy của Dũng đã khiến em vô cùng bất ngờ và thán phục. Cậu ấy đã vượt lên nỗi sợ của mình, để thừa nhận lỗi sai của bản thân trước con người mà ai cũng sợ sệt. Và điều khiến em bất ngờ hơn nữa là, bác thợ mộc đã gật đầu và nhẹ nhàng xoa đầu Dũng. Bác ấy khen Dũng là một cậu bé dũng cảm và trung thực. Điều đó khiến cho chúng em có thêm cái nhìn khác về cả Dũng và bác ấy.

Từ ngày hôm đó, Dũng trở thành người anh hùng nhỏ trong lòng em và các bạn. Chính em cũng tự nhủ mình, rằng phải dũng cảm hơn, biết thừa nhận những lỗi lầm của mình chứ không nên tìm cách lảng tránh nó.

Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 3

Bố em là một tay vợt có hạng của Công ti giấy Bãi Bằng. Hầu như năm nào đi thi đấu bóng bàn, bố cũng đoạt giải cao. Cách đây ba năm, bố được thưởng Huy chương Vàng và phần thưởng là chiếc bình cắm hoa bằng pha lê rất đẹp. Bố quý chiếc bình ấy lắm nên chỉ đem ra cắm hoa vào những dịp đặc biệt.

Chỉ còn vài hôm nữa là đến Tết Nguyên Đán. Bà nội em đi chợ mua lá gói bánh chưng. Vì bố mẹ em đi làm đến tận chiều hai mươi tám mới được nghỉ nên ông nội bảo em cùng ông dọn dẹp, trang trí bàn thờ. Em chuyển bộ đồ bằng đồng ra trước hiên để cho ông đánh bóng. Còn em nhận phần quét bụi và lau sạch những thứ bằng sứ như khay rượu, bình rượu, bát nhang, ấm chén...

Hai ông cháu vừa làm vừa trò chuyện thật vui vẻ, ông kể chuyện lức ông còn nhỏ, chỉ mong mau đến Tết để được mặc quần áo mới và được tiền mừng tuổi. Tết ngày xưa vui lắm! Hội làng mở gần như suốt tháng Giêng với những trò chơi dân gian hấp dẫn như đánh đu, đấu vật, đua thuyền, thổi cơm thi, chọi trâu, đánh cờ người... Sau ngày hội, tình cảm họ hàng, làng nước; chan hoà, gắn bó hơn. Nghe giọng kể tha thiết của ông, em biết ông đang nhớ và nuối tiếc một thời êm đẹp đã qua.

Dưới tay ông, cặp hạc thờ, đôi chân nến, chiếc lư hương... dần dần sáng bóng trông như mới. Công việc của em cũng đã làm xong, ông nhắc em sắp xếp các thứ vào chỗ cũ và không quên dặn phải nhẹ nhàng, cẩn thận, đừng để đổ vỡ. Miệng em vâng dạ nhưng trong bụng lại nghĩ rằng ông coi cháu cứ như trẻ lên ba!

Mọi chuyện sẽ đâu vào đấy nếu như em không nổi hứng nhấc chiếc bình pha lê lên mà gõ thử xem tiếng nó thế nào. Vừa gõ, em vừa hỏi ông: “Ông ơi, có phải tiếng thuỷ tinh thì đục, còn tiếng pha lê thì trong phải không?". Ông bảo là đúng như vậy. Em gõ thêm lần nữa rồi áp chiếc bình vào tai để nghe cho rõ. Bỗng chiếc bình tuột khỏi tay, rơi xuống đất vỡ tan. ông em giật mình thốt lên: “Thôi chết! Sao thế cháu?!”. Em sợ run người, lắp bắp “Cháu... cháu... ông ơi! Làm thế nào bây giờ hả ông?”, ông lắc đầu buổn bã: “Tiếc quá! Chiếc bình quý thế! Ông đã dặn cháu phải cẩn thận rồi mà!”. Em đứng chôn chân giữa những mảnh pha lê vương vãi trên nền nhà, đầu óc quay cuồng, chân tay luống cuống.

Có lẽ sợ quá hoá liều, em năn nỉ ông đừng nói với bố là em đánh vỡ, cứ đổ tội cho con mèo mướp là xong. Không ngờ, ông bảo: “Cháu làm ông thất vọng! Có lỗi mà không dám nhận là hèn nhát. Đổ lỗi cho người khác lại càng tệ hại hơn. Theo ông, tối nay bố về, cháu nên xin lỗi bố. Chắc là bố cháu sẽ tha lỗi. Chiếc bình quý thật đấy nhưng sự dũng cảm và trung thực còn đáng quý hơn nhiều, cháu ạ!”.

Em bật khóc trước lời khuyên chân thành ấy và thấm thía vô cùng! Chiều tối, sau bữa cơm, trước mặt mọi người trong gia đình, em đã khoanh tay, cúi đầu xin lỗi bố và chờ đợi cơn giận dữ của bố. Không ngờ, bố nói “Bố quý cái bình lắm vì nó là vật kỉ niệm; nhưng chuyện đã xảy ra rồi, tiếc cũng chẳng được. Bố mừng là con dám nhận lỗi. Bố tha thứ cho con. Lần sau, làm gì con cũng nên cẩn thận".

Sau sự việc ấy, em rút ra cho mình rất nhiều bài học bổ ích. Trong cuộc sống hằng ngày, chẳng ai có thể tránh được sơ suất lỗi lầm. Điều quan trọng là có đủ dũng cảm để nhận lỗi và sửa lỗi hay không. Em sẽ nhớ mãi lời dạy của ông về tính trung thực, một phẩm chất cơ bản của đạo làm người.

Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 4

Tôi đã được đọc nhiều truyện viết về lòng dũng cảm. Tôi cũng đã nghe thầy giáo kể về những tấm gương cao đẹp thể hiện lòng dũng cảm trong chiến đâu của bộ đội ta. Tuy nhiên, trong trí nhớ cùa tôi thì câu chuyện sau đây đã gây cho tôi một ấn tượng sâu sắc nhất, vì chính tôi đã chứng kiến chuyện này.

Hôm ấy tôi và Tuấn cùng đi học về. Chúng tôi phải ra bến sông, qua đò mới có thể trở về xóm trại của mình. Lúc ấy mới độ năm giờ chiều nhưng đã có vẻ tối vì trời đầy mây đen và có mưa lác đác rơi. Bến đò vắng vẻ. Dưới đó chì có bác lái đò và một chú bộ đội đang chờ hai đứa chúng tôi di xuống. Người nào cũng lụp xụp khoác áo mưa. Miếng gỗ bắc làm cầu xuống đò rất trơn. Tôi thận trọng đi trước, dò từng bước và đã xuống đến lòng đò. Tuấn đi sau, bỗng đến giữa cầu, Tuấn trượt chân ngã nhào xuống nước và bị dòng sông đang vào mùa nước lớn cuốn trôi đi. Thế là, nhanh như cắt, anh bộ đội trút bỏ vội vàng cái nón cối đội đầu, cái áo mưa khoác trên vai và quẳng cái ba lô nặng trên lưng xuống lòng thuyền, rồi nhảy ùm xuống lao theo Tuấn đang bị trôi xa. Chỉ mươi sải bơi dài, anh bộ đội đã đuổi kịp Tuấn lúc ấy đang chới với trên dòng nước và dường như sắp bị chìm. Anh bộ đội quàng một tay vào cổ Tuấn rồi bơi nhanh về thuyền. Bác lái chèo nhanh thuyền về phía hai người dưới nước và đã lôi được họ lên thuyền. Sự việc diễn ra thật bất ngờ và quá nhanh chóng. Tuấn chỉ bị sặc nước chút ít nhưng mọi điều nguy hiểm đã qua. Tôi thay mặt bạn cảm ơn anh bộ đội nhưng anh chỉ hiền lành cười và nói:

- Mùa này, nước lũ đang về, khi qua sông các em phải hết sức cẩn thận đấy.

Đấy câu chuyện cua tôi chỉ có thế, nhưng tôi và chắc là cả Tuấn nữa suốt đời sẽ chẳng quên. Anh bộ đội mà chúng tôi còn chưa biết tên đúng là một người lính Cụ Hồ dũng cảm.

Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 5

Quảng Trị, ngày 2 tháng 8 năm 2008

Đan thân mến,

Cậu có khỏe không? Tớ thì vẫn khỏe. Chỉ là tớ và gia đình vừa mới trải qua một thời gian khó khăn thôi.

Những ngày vừa qua, báo đài liên tục đưa tin về sức tàn phá dữ dội của cơn bão lũ ở miền Trung nước ta, chắc cậu cũng biết nhỉ. Chứng kiến cảnh các chú bộ đội, công an và những người dân thường vật lộn với nước lũ tớ cảm thấy thật khâm phục lòng dũng cảm của họ. Nhưng tớ thật sự khâm phục và biết ơn được anh Hùng, người đã dũng cảm cứu Phương, em gái tớ, trong dòng nước lũ siết.

Dòng nước chảy siết, đục ngàu liên tục đổ ồ ạt từ trên cao xuống. Nó cuốn phăng mọi thứ cản bước trên đường đi qua. Nhà cửa tan hoang. Cây cối đổ rạp. Người già, trẻ nhỏ leo lên mái nhà, tay ôm túi quần áo hoặc con chó, con mèo - những con vật thân thiết với cả gia đình. Còn các anh, các bố, những thanh niên trẻ thì cố ngụp lặn trong dòng lũ cứu tài sản của gia đình bị cuốn theo. Nhà tớ cũng không ngoại lệ. Ai cũng lo sợ, vì không biết lũ còn ồ ạt đổ xuống nữa không. Nếu cứ tiếp tục thế này, không biết chúng tớ phải sống sao nữa. Tớ đang loay hoay xếp lại đống đồ đạc trên mái nhà thì nghe thấy "Ùm" một tiếng. Tớ giật mình quay lại thì không thấy Phương đâu. Một nỗi lo sợ mơ hồ nảy lên trong lòng. Tớ nhìn xuống dưới, thấy con bé đang chới với dưới dòng nước siết, liên tục gọi:

- Chị ơi, cứu em! Chị ơi, Cứu...Cứu em...

Tay chân tớ bủn rủn hết cả. Không làm gì được. Đúng lúc ấy, anh Hùng bên cạnh nhà lao xuống, cố gắng bơi trong dòng lũ. Mấy lần anh ấy bị mất đà, không theo được nước nhưng anh vẫn cố gắng bơi gần tới chỗ Phương. Cuối cùng anh cũng nắm được tay Phương, kéo con bé lại và bám chặt vào thân cây gần đấy. Lúc này bố và anh trai tớ mới bơi thuyền đến nơi để kéo cả anh Hùng và Phương lên. Anh Hùng nằm trên thuyền thở hổn hển. Con Phương thì khóc nức nở. Nó sợ đến mức mấy hôm rồi toàn ngủ mơ thôi, Đan ạ!

Cũng may là cả Phương và anh Hùng đều an toàn.

Giờ thì tớ và mọi người đều đang ở khu sơ tán, đều an toàn. Nhà thì bị lũ cuốn đi rồi. Nhưng không sao, chúng tớ sẽ xây dựng lại. Quan trọng là cả nhà tớ và nhà anh Hùng vẫn còn sống. Chỉ buồn là có những gia đình không may mắn thế....

Thôi, thư cũng đã dài, tớ đành gác bút tại đây nhé. Tớ viết thư để báo bình an và cậu không cần phải lo lắng nữa nhé!

Mong thư cậu!

Bạn cậu

Bình

Kể một câu chuyện về lòng dũng cảm Mẫu 6

Trong chúng ta, ai cũng đã từng phạm sai lầm. Nhưng điều quan trọng là chúng ta có nhận ra sai lầm và sửa chữa nó hay không. Em và bạn cũng đã mắc sai lầm nhưng chúng em đã dũng cảm thú nhận tội lỗi với người lớn và được tha thứ.

Gần nhà em có một khu vườn trồng cây ăn quả của bác Chính. Trong vườn có đủ loại cây: nào xoài, nào ổi, nào bưởi...Em thích nhất là cây ổi của bác. Nó là giống ổi găng, quả không lớn nhưng rất thơm, ăn rất giòn và ngọt. Không biết bác chăm sóc thế nào mà năm nào cây cũng sai trĩu quả. Năm nay cũng thế. Từng chùm ổi chín vàng lúc lửu trên cành mỗi khi gió lùa qua kẽ lá. Mùi thơm thoang thoảng của hương ổi chín quyện với gió bay khắp nơi. Ngày nào đi học về qua em với lũ bạn cũng nhìn cây ổi với vẻ thèm thuồng. Trưa hôm đấy, em rủ bạn đi học sớm để nhân lúc vắng vẻ ăn trộm mấy quả ổi trong vườn của bác Chính. Con đường làng vắng hoe, không một bóng người. Em và Chiến, thằng bạn chơi từ hồi đầu để chỏm, nhẹ nhàng nhảy lên bờ tường rồi trèo vào vườn. Chiến quay sang em nói khẽ:

- Mày có chắc là không có ai ở đây vào buổi trưa không đấy?

- Tất nhiên, tao theo dõi mấy hôm nay rồi. Chẳng thấy ai ở đây buổi trưa cả! - Em đáp

- Ô kê, thế thì được!

Thế là hai đứa đến gần gốc ổi. Càng đến gần, mùi hương ổi càng đậm. Thơm ngọt như mời gọi chúng em. Em và Chiến lần lượt trèo lên cao, ngồi trên cành, hái từng chùm, từng chùm ổi nặng trĩu. Hai đứa vừa ăn vừa cười sung sướng. Chao ôi là ngon! Nhưng bỗng nhiên, từ phía xa xa có một bóng người thấp thoáng. Em và Chiến tái mặt. Thôi chết, bác Chiến!. Bác ấy mà bắt được, về mách bố mẹ, mách nhà trường thì chỉ có ăn đòn. Bác ấy nổi tiếng là người khó tính trong làng mà. Em vứt chùm ổi xuống, kéo tay Chiến. Hai đứa tụt xuống đến gốc thì bác Chính đã đi đến cổng khu vườn. Nhìn thấy chúng em, bác Chính quát:

- Hai thằng ranh con, chúng mày ăn trộm đấy phải không?

Bác chưa kịp đến, em và Chiến đã nhảy qua bức tường chạy trốn mất. Em còn thoáng nghe thấy tiếng bác Chính la lên đau đớn. Chắc bác bị ngã vì đuổi theo em. Cả chiều hôm ấy, em cứ băn khoăn, lo sợ mãi. Sợ bác Chính tìm đến trường hay sang nhà mách. Nhưng không, bác không làm gì cả. Em cảm thấy day dứt nên hôm sau, em và Chiến sang nhà bác Chính. Sang đến nơi, thấy bác đang ngồi xoa cái chân tím bầm, vì ngã. Em rụt rè tiến lại gần nói:

- Bác ơi, hôm qua chúng cháu trót ăn trộm mấy quả ổi trong vườn nhà bác, làm bác bị ngã thế này. Bác cho chúng cháu xin lỗi nhé.

- Không sao! - Bác cười hiền từ, mấy đứa muốn ăn thì cứ xin. Bác cho. Chứ bác ghét nhất kẻ trộm cắp. Mà hai đứa cũng dũng cảm lắm đấy. Biết sai và nhận lỗi thế là quý rồi!

Nói rồi, bác chỉ tay vào góc cửa đang để một rổ ổi to, quả nào quả nấy tròn như quả trứng gà, chín vàng và bảo chúng em mang về. Hai đứa cười tít mắt, cảm ơn bác rồi mang rổ ổi về nhà.

Qua sự việc này, em nhận ra rằng, chúng ta cần phải dũng cảm nhận lỗi nếu mình làm sai. Như thế thì ta sẽ được tha thứ.

--------------------------------------------------------------------

Ngoài ra các em học sinh hoặc quý phụ huynh còn có thể tham khảo thêm phần Tập làm văn 4, Giải SGK và Giải VBT Tiếng Việt lớp 4 . Đồng thời, để củng cố kiến thức, mời các em tham khảo các phiếu bài tập Đọc hiểu Tiếng Việt 4 , Bài tập Luyện từ và câu 4 , Trắc nghiệm Tiếng Việt 4 .

Từ khóa » Kể 1 Câu Chuyện Về Tấm Gương Dũng Cảm