Kế Thứ 16: Biến Khách Thành Chủ - Website Trần Quốc Thường.
Có thể bạn quan tâm
Trước hết xin kể một câu chuyện cười:
Pháp luật đời nhà Thanh được xây dựng trên cơ sở: “Mọi điều ác thì dâm đứng đầu, Trăm điều thiện thì hiếu trước tiên”. Cho nên phàm là ai phạm tội bất hiếu, tất là phải đem lăng trì xử tử.
Có một người cha, bị vợ sau xúi giục, muốn giết hại con của vợ trước, đến ngọ môn tố cáo tội bất hiếu của con. Người con thấy sắp chết đến nơi, vội đi hỏi một ông thầy, ông thầy bày cho 1 kế hiểm viết một mẩu giấy dặn rằng lúc nào bắt đầu xét hỏi thì đưa cái này cho ông huyện là được. Ngày mở phiên tòa, quan huyện ra oai vỗ lên bàn gọi phạm nhân ra khai, phạm nhân lại nói:
- Tôi bổn phận làm con, không dám cãi với bố ở chốn công đường, có tờ giấy này trình cụ lớn xem cho.
Quan huyện nhận mẩu giấy đọc, bỗng quay lại chửi mẵng người bố một thôi một hồi, tha cho người con tại chỗ.
Vậy rốt cuộc bên trong tờ giấy viết gì? Chỉ có 3 câu: “ Bố có lòng như Vệ Tuyên, vợ có nhan sắc như Tuyên Khương, làm con hiếu khó thay!”
Theo điển tích, Vệ Tuyên là 1 ông già hay ăn vụng, Tuyên Khương rất xinh đẹp – nguyên là con dâu, bị bố chồng bắt làm vợ bé của mình. Kế của ông thầy muốn ám chỉ: bố cướp vợ của tôi, thì bảo tôi làm sao mà có hiếu cho được. Ngoài ra cũng có 1 vụ án tương tự: một cô gái còn trẻ muốn đi bước nữa, người bố chồng tố cáo cô ta là hoang dâm tự trốn, không thủ tiết với chồng.. Cũng như trên cô gái đưa cho quan huyện 1 mẩu giấy, quan huyện xem xong mắng cho bố chồng 1 trận, phê duyệt cho cô gái được đi bước nữa. Mẩu giấy ấy có viết mấy chữ: Mười sáu gả, mười bảy góa, chú em còn chưa vợ, bố chồng còn trẻ quá. Lấy chồng nữa cũng loạn, không lấy còn loạn quá!
Kế mà 2 câu chuyện kể trên đã dùng là mẹo biến khách thành chủ
Trong 36 kế của người Trung Quốc có mẹo biến khách thành chủ và trong Tam Quốc Diễn Nghĩa, Tư Mã Ý là bậc thầy trong việc thực thi mẹo này.
Khi nghe có người tiến dẫn Tư Mã Ý, Tào Tháo liền cho người đi mời về. Ông nói: “Hãy mời hắn về đây. Nếu hắn không chịu đi thì bắt trói mang về”, chứng tỏ Tào Tháo lúc đầu chưa coi Tư Mã Ý ra gì. Nhưng kiến nghị đầu tiên của Tư Mã Ý đã khiến Tào Tháo phải để ý đến con người này. Đó là lúc Vu Cấm bị Quan Vân Trường đánh bại, Tào Tháo định bỏ Hứa Đô, dời kinh thành về khu vực phía Bắc Hoàng Hà nhưng Tư Mã Ý ra sức can ngăn: “Ngàn vạn lần không thể dời đô, nếu dời đô thì lòng dân sẽ dao động”. Tào Tháo tiếp nhận đề nghị đó và cũng ghi nhận tầm nhìn chiến lược của Tư Mã Ý. Nhưng Tháo biết có người tài mà trong bụng lại rất hồ nghi, bởi Tư Mã Ý có tướng lang cố (chó sói ngoái nhìn lại). Con chó sói đi trong rừng, đi một quãng lại ngoái đầu nhìn về phía sau còn toàn thân thì vẫn đứng yên. Tư Mã Ý cũng vậy, cưỡi ngựa đi một quãng lại ngoái đầu nhìn về phía sau, thân bất động, vai bất động, nhưng cái đầu có thể xoay chuyển 180o về hai bên. Những người có tướng này tâm thuật rất xấu xa, như chó sói. Vả lại, Tào Tháo còn nằm mơ thấy ba con ngựa ăn cùng một máng cỏ. Đó gọi là “Tam mã ngật nhất Tào”. Tư Mã Ý có hai con trai là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu. Tam mã ngật nhất Tào là điềm báo ba cha con Tư Mã Ý sẽ nuốt hết thiên hạ của nhà họ Tào. Vì thế Tào Tháo rất không yên tâm về Tư Mã Ý. Ông ta nói với con trai là Tào Phi: “Tư Mã Ý không phải là người làm bề tôi cho kẻ khác. Y sẽ can thiệp vào chuyện nhà của ngươi.” Lúc này Tư Mã Ý đang là thầy dạy của Tào Phi và tài năng của ông đã mê hoặc được Tào Phi. Vì thế Tào Phi không những không nghe lời cha, xa rời Tư Mã Ý, ngược lại còn nói tốt cho thầy của mình rất nhiều.
Tư Mã Ý cũng thấy Tào Tháo rất không yên tâm về mình nên càng ra sức làm việc từ sáng đến tối, chong đèn đọc sách đến tận đêm khuya. Vả lại bất kể việc lớn, việc nhỏ gì Tư Mã Ý cũng làm đến nơi đến chốn. Việc được sai khiến, ông ta gắng sức làm, việc chưa được sai khiến nếu làm mà không hề gì, ông ta cũng tự động làm, ví dụ như cho ngựa của Tào Tháo ăn thật chu đáo, việc chép lại sách của Tào Tháo v.v... Những việc làm đầy trung thành như thế khiến Tào Tháo dần dần cảm thấy dường như thuật xem tướng của mình không đúng. Một người bày tỏ lòng trung thành như Tư Mã Ý, hết sức vì việc công thật không có chỗ nào là không thể không tin được. Rốt cuộc cả Tào Tháo và Tào Phi đều yên tâm về Tư Mã Ý.
Sau trận Xích Bích, Tào Tháo đại bại còn thế lực của Tôn Quyền và Lưu Bị nhanh chóng lớn lên. Tư Mã Ý nói với Tào Tháo rằng: “Hai họ Tôn – Lưu, ngoài thì thân trong thì sơ, Lưu Bị thắng trận không phải là điều Tôn Quyền mong muốn. Thừa tướng nên sai Tôn Quyền đánh úp hậu phương của Lưu Bị khiến Quan Vũ lúng túng không thể hậu thuẫn cho Lưu Bị ở Phàn Thành”. Đó là kế hiểm của Tư Mã Ý và Tào Tháo đã nghe theo, bèn lập tức sai người tới thuyết phục Tôn Quyền. Quả nhiên Tôn Quyền nghe lời Tào Tháo, đem quân đánh úp hậu phương của Lưu Bị, cắt đầu Quan Vũ gửi về cho Tào Tháo. Trông thấy đầu Quan Vũ, Tào Tháo kinh sợ, bệnh cũ tái phát mà chết. Tư Mã Ý lại được nhận một nhiệm vụ quan trọng là giúp nhà họ Tào lo việc tang ma. Ông ta lo việc này rất chu tất.
Lúc ấy Tào Phi lấy cương vị vương thái tử nước Ngụy đang đóng ở huyện Nghiệp, phía Bắc Hoàng Hà. Tư Mã Ý chở quan tài Tào Tháo tới huyện Nghiệp, giao cho Tào Phi. Việc này rõ ràng Tư Mã Ý muốn nói rằng người nối ngôi không phải là Tào Chương, Tào Thực mà là Tào Phi.
Tào Phi kế thừa tước vương nước Ngụy và chức Thừa tướng mà Tào Tháo để lại. Tư Mã Ý được phong là Trưởng sử phủ thừa tướng. Chức này không lớn lắm nhưng quyền thì lớn vì sau thừa tướng là đến Trưởng sử vả lại mọi việc muốn trình lên Thừa tướng đều phải qua Tư Mã Ý. Lúc này anh em nhà họ Tào đã coi Tư Mã Ý là người thầy thân tín nhất trong nhà rồi.
Mùa đông năm 248, Lý Thắng được thăng chức Thứ sử Tỉnh Châu. Thắng tới nhà Tư Mã Ý chào để lên đường. Tư Mã Ý nằm trên giường giả bệnh, bảo người nhà mời Lý Thắng vào phòng ngủ. Bọn a hoàn mang cháo tới, Tư Mã Ý ngậm vào miệng thì chảy ròng ròng ra mép, dính cả vào ngực áo. Lý Thắng nói chuyện với ông ta, ông nghe tiếng được tiếng mất. Lý Thắng cho rằng Tư Mã Ý mắc bệnh rất nặng, bèn về báo lại với ba anh em nhà họ Tào, vì thế bọn nhà họ Tào không đề phòng gì Tư Mã Ý. Sang xuân, mấy anh em nhà họ Tào đi viếng lăng mộ Ngụy Minh Đế và khi trở về thì cổng thành đã bị đóng chặt. Tư Mã Ý viết tờ hịch kể tội cả nhà họ Tào rồi mang quân vây bắt và giết sạch, không tha cả người già, trẻ con. Đến đây, bộ mặt con sói ngoái đầu mới lộ rõ nhưng tất cả cơ đồ nhà họ Tào đã về tay họ Tư Mã rồi. Từ một kẻ ngoại tộc, được mời về làm khách trong nhà họ Tào, dạy Tào Phi và làm các việc vặt vãnh, Tư Mã Ý đã trở thành một ông chủ nắm quyền sinh sát.
Tào Tháo cũng đã từng lừa vua Hán Hiến Đế cả một đời. Ông ta cũng đã từng lừa cả thiên hạ, lấy danh nghĩa phục hưng nhà Hán để hiệu triệu các tập đoàn phong kiến trong nước quy tụ dưới ngọn cờ phục Hán của Tào Tháo. Vì thế mà người bốn phương kéo về Hứa Đô đông như nước chảy. Mượn tiếng thờ nhà Hán nhưng thực chất thì Tào Tháo đã tiêu diệt nhà Hán để thâu tóm toàn bộ quyền lực trong tay. ấy cũng là mẹo biến khách thành chủ.
Từ khóa » Kế Biến Khách Thành Chủ
-
KẾ ĐỔI KHÁCH THÀNH CHỦ - Tài Liệu Text - 123doc
-
Ba Mươi Sáu Kế – Wikipedia Tiếng Việt
-
Kế Sách Kinh Doanh: Biến Khách Thành Chủ - TaiLieu.VN
-
Kế Sách Kinh Doanh : Biến Khách Thành Chủ - Tài Liệu đại Học
-
36 Kế Binh Pháp Tô Tử 30 Phản Khách Vi Chủ - PHAN NGỌC LỢI
-
Binh Pháp Tôn Tử - Kế 23: Biến Khách Thành Chủ - YouTube
-
Tôn Tẩn Và 36 Kế - Tập 23: Biến Khách Thành Chủ - Phần 2 - YouTube
-
Binh Pháp Tôn Tử Và 36 Kế Sách – Tam Thập Lục Kế - Trần Ngọc Chính
-
Ba Mươi Sáu Kế: Trích "Binh Pháp Tôn Tử" - Du Học Trung Quốc
-
Kế Hoạch 420/KH-UBND 2022 Phổ Biến Pháp Luật Liên Quan đến ...
-
Dạ Lan - Colgate: Kế 30 để "biến Khách Thành Chủ" - Forum Marketing
-
"Hô Biến" Phòng Khách Thành Phòng Ngủ Chỉ Bằng Một Thứ Này
-
6 Điều Kiện Thành Lập Công Ty, Doanh Nghiệp Bạn PHẢI BIẾT