Kế Toán điều Chỉnh Một Số Nghiệp Vụ Kinh Tế Khi Phát Hiện Sai Sót

Hiện nay, khi phát hiện sai sót trong quá trình ghi sổ kế toán cũng như qua kiểm tra, thanh tra của các cơ quan chức năng, việc điều chỉnh số liệu tại các đơn vị kế toán thực hiện chưa thống nhất. Các sai sót nêu trên xảy ra rất đa dạng, phức tạp và phong phú. Bài viết giới thiệu cách xử lý đơn giản nhất, một số nghiệp vụ kinh tế phát sinh.

1. Tình huống 1: Kế toán tính sai (tính thiếu), số tiền BHXH, BHYT phải nộp của cán bộ, phần trừ vào lương.

a) Kế toán hạch toán phần thiếu:

Nợ TK 334/ Có TK 338

b) Khi nộp số tiền bảo hiểm còn thiếu

Nợ TK 338/ Có TK 111 hoặc TK 112

2. Tình huống 2: Nếu xuất hàng hoá, dịch vụ chịu thuế để trả lương, trả thưởng, biếu tặng (trừ khuyến mại) thì doanh nghiệp phải xuất hoá đơn và kê khai nộp thuế theo giá bán của hàng hoá cho khách hàng.

a) Nợ TK 334, 431, 641/ Có TK 511, 333

b) Nợ TK 632/ Có TK 156

3. Tình huống 3: Hạch toán nhầm tiền lệ phí trước bạ của TSCĐ là xe ô tô vào chi phí kinh doanh. Kế toán điều chỉnh.

a) Xoá bút toán cũ bằng bút toán đỏ

Nợ: các TK chi phí /Có TK 111; 112

b) Hạch toán lại:

Nợ TK 211/ Có TK 111; 112

4. Tình huống 4: Tính thiếu khấu hao TSCĐ. Hạch toán bổ sung phần thiếu:

Nợ các TK chi phí /Có TK 214

5. Tình huống 5: Hạch toán đổi hàng

a) Khi xuất hàng đi đổi (phải hạch toán doanh thu và tính thuế):

Nợ TK 131/ Có TK 3331/ Có TK 511

b) Khi nhận hàng:

Nợ TK 156, 133/ Có TK 131

- Nếu giá trị hàng hoá đưa đi đổi lớn hơn giá trị hàng hoá nhận về.

Trường hợp 1: Nếu nhận phần thiếu bằng hàng

Nợ TK 156

Nợ TK 133

Có TK 131

Trường hợp 2: Nếu nhận phần thiếu bằng tiền

Nợ TK 111, 112/ Có TK 131

- Nếu giá trị hàng hoá đem đi đổi nhỏ hơn giá trị hàng hoá nhận về, phải trả số hàng hoặc tiền còn thiếu cho khách hàng

Trường hợp 1: Trả bằng hàng

Nợ TK 131/ Có TK 511, 333

Trường hợp 2: Trả bằng tiền

Nợ TK 131/ Có TK 111,112

6. Tình huống 6: Tính quá tiền thuê đất phải nộp trong tháng

Xoá số liệu cũ bằng bút toán đỏ

Nợ các TK chi phí /Có TK 3337

7. Tình huống 7: Đối với công trình xây dựng đã được quyết toán, nhưng sau đó cơ quan thẩm quyền kiểm tra quyết toán lại làm thay đổi giá trị được thanh toán:

Trường hợp 1: Nếu việc quyết toán làm tăng thêm giá trị được thanh toán, thì bên B viết hoá đơn cho phần tăng thêm để A, B hạch toán bình thường.

Trường hợp 2: Nếu giảm giá trị được thanh toán thì bên B viết hoá đơn, điều chỉnh giảm và 2 bên hạch toán như trường hợp giảm giá hàng bán sau khi đã nhập hàng.

8. Tình huống 8: Hạch toán khấu hao đối với tài sản hình thành từ quỹ phúc lợi

Theo quy định của chế độ khấu hao tài sản cố định, các tài sản được mua sắm bằng quỹ phúc lợi cũng phải tính khấu hao, nhưng số tiền khấu hao không được tính vào chi phí kinh doanh trong kỳ, mà phải dùng quỹ phúc lợi để bù đắp.

Khi khấu hao kế toán ghi:

Nợ TK 3533/ Có TK 214

9. Tình huống 9: Kế toán đã hạch toán khoản chi phí sữa chữa, nâng cấp TSCĐ vào chi phí kinh doanh bằng bút toán:

Nợ TK 811/ Có TK 111

Theo quy định của chế độ quản lý và khấu hao TSCĐ, khoản chi phí nâng cấp TSCĐ phải hạch toán nguyên giá TSCĐ. Kế toán điều chỉnh như sau:

a) Xoá số liệu bằng bút toán đỏ

Nợ TK 811/ Có TK 111

b) Hạch toán lại bằng bút toán mới:

Nợ TK 211/Có TK 111

10. Tình huống 10: Kế toán điều chỉnh một số khoản chi phí hạch toán sai các năm trước.

Trong năm 2015, công ty có thực hiện một số giao dịch với khách hàng và phát sinh một khoản phải thu chưa thu tiền, đến tháng 5/2016, phát hiện một nhân viên Công ty đã nhận thanh toán từ tháng 10/2015 và dùng một phần số tiền này, để thanh toán một số chi phí phát sinh của DN (có hoá đơn hợp lý).

Kế toán điều chỉnh như sau:

a) Ghi giảm khoản phải thu của khách hàng theo số tiền nhân viên đã nhận, đã chi và còn nợ chưa nộp quỹ, kế toán ghi:

Nợ TK 138/ Có TK 131

b) Khi thu được số tiền còn phải nộp từ nhân viên, ghi :

Nợ TK 111/ Có TK 138

11. Tình huống 11: Kế toán giảm giá sau khi bên mua đã nhận hàng

Sau khi nhận hàng do hàng hoá kém phẩm chất hoặc nguyên nhân khác, bên mua yêu cầu giảm giá. Nếu bên bán đồng ý thì viết hoá đơn điều chỉnh giảm. Căn cứ hoá đơn để giảm, phần giảm kế toán ghi:

a) Bên bán:

- Nợ TK 531, 3331/Có TK 131

- Cuối kỳ kết chuyển giá bán hàng bị trả lại

Nợ TK 511/Có TK 531

- Xoá hư số trên TK 3331

Nợ TK 3331/Có TK 3331

b) Bên mua

Trường hợp 1: Nếu chưa nhập kho thì nhập lại kho theo giá đã giảm

Trường hợp 2: Nếu đã nhập kho: Điều chỉnh phần được giảm theo bút toán đỏ

Nợ TK 156, 133/Có TK 331

12. Tình huống 12: Hạch toán doanh thu, thuế khi nhận tiền trước 1 lần nghiệp vụ cho thuê tài sản ở nhiều năm.

Theo quy định của Luật Thuế TNDN, số tiền nhận trước khi cho thuê tài sản dài hạn phải hạch toán tính thuế GTGT và TNDN ngay sau khi thu tiền, nhưng chế độ kế toán DN ban hành kèm theo Thông tư số 200/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định doanh thu của kỳ kế toán được xác định bằng tổng số tiền cho thuê hoạt động tài sản đã thu, chia cho số kỳ thu tiền trước cho thuê hoạt động tài sản. Hạch toán như sau:

a) Khi nhận tiền của khách hàng trả trước về hoạt động cho thuê tài sản cho nhiều kỳ. Kế toán ghi:

Nợ các TK 111, 112/ Có TK 3387, 333

b) Cuối kỳ kế toán, tính và kết chuyển doanh thu kinh doanh cho thuê hoạt động tài sản trong kỳ hiện tại, ghi:

Nợ TK 3387/ Có TK 511

c) Số tiền phải trả lại cho khách hàng vì hợp đồng cung cấp dịch vụ về cho thuê tài sản không được thực hiện (nếu có), ghi:

Nợ TK 3387, 3331/ Có các TK 111, 112,./.

Tài liệu tham khảo

1. Giáo trình Nguyên lý Kế toán; Trường ĐH Kinh tế Nghệ An, NXB Tài chính; 2005.2. Giáo trình Kế toán Tài chính; Trường ĐH Kinh tế Nghệ An; 2016.3. Sách tham khảo: Kế toán điều chỉnh số liệu khi sai sót và theo kết quả thanh tra kiểm tra, kiểm toán tại các sơ sở kinh doanh; Tác giả: Dương Xuân Thao; NXB Tài chính; 2014.

Theo Tạp chí Kế toán & Kiểm toán của Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam – Bài của TS. Dương Xuân Thao ** Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Nghệ An

Từ khóa » Nguyên Tắc Ghi Nhận 641